Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

TRĂNG MUỘN

Nguyễn Quốc Hùng

 

TRĂNG MUỘN

 

Đã qua một tuần, tin làng cau bé nhỏ này sẽ thay đổi trên bản đồ hành chính vì có con đường đạt tiêu chuẩn quốc tế sẽ được mở chạy cắt ngang qua vẫn chưa lắng dịu, từ sáng sớm tới tối khuya dân làng tụ tập bàn tán cho cuộc sống mai sau. Không lo sao được khi mà cả làng đang giàu lên nhờ cây cau, nghề cau. Tên cau đã trở thành tên làng, từ biên giới phía Bắc trở về đây ai mà không biết tiếng, không thán phục cái sự giàu lên nhanh chóng của làng. Là đất trồng cau nhưng xưa cây cau chỉ hiện diện trước sân nhà, ngoài cổng hoặc góc vườn, đến nay thì tầng tầng lớp lớp cau là cau, bóng cau che rợp làng, dân làng bỏ việc lúa vật đất lên trồng cau, vào vụ sấy cau khói lò phủ dầy như sương sớm. Bỗng chốc xóa đi tất cả xót lắm!

Tin này các nhà chức trách không ai biết, hỏi lên trên không ai xác nhận có kế hoạch mở đường. Dân làng cho rằng cấp trên muốn giấu dân, rõ ràng mọi người đều đã gặp đoàn khảo sát về đo đạc, họ còn cho xem sơ đồ bản vẽ con đường sắp được thi công.

Mấy ngày chạy ngược chạy xuôi thu nợ, đòi lại tiền đặt cọc cho cau bóc mầu mệt đứt hơi, thế mà đêm nay trắng đêm Tuấn không ngủ, ngồi lặng câm trong nhà sấy cau không muốn về nhà. Mặc dù là chủ của năm nhà sấy cau nhưng chưa một lần Tuấn đứng lò quá mười phút, màn khói đậm đặc cay xè của củi bạch đàn tươi cùng mùn cưa ẩm khiến Tuấn hắt hơi liên tục không chịu nổi. Đêm nay, những lằn khói sục vào mũi, khói bò qua những rẻ tóc bóng mượt còn nguyên nếp, khói trườn vào trong lần áo sực mùi nước hoa chẳng khiến Tuấn bận tâm. Chuyện cũng có nguyên do.

“Đồ thiến sót ngu đần, đàn ông như ông chỉ như chó dái chạy rông, không có gái này chết rục xương từ lâu!”. Chưa khi nào con mụ vợ béo trương béo nứt xỉa xói Tuấn như vậy, nay lại trước mặt bọn con gái làm thuê. Đống củi bạch đàn xếp ngay ngắn ngoài sân muốn nhảy dựng lên nhưng đôi tay Tuấn không nhấc lên được. Trước uy của đàn bà bao giờ cũng khiến Tuấn nhụt trí. Không phải chỉ là giận dỗi như đôi khi vẫn cố tình tạo ra mà cái buồn nẫu ruột, cái lo vẩn vương ở đâu ào đến bấu víu lấy mà Tuấn không hiểu buồn gì, lo gì. Vốn dĩ chưa lần nào có thể biện minh cho hành động của bản thân cho nên lúc này có ai đó lôi được ruột gan Tuấn ra cho Tuấn xem buồn về cái gì, lo nỗi gì không nhỉ? Cuộc sống mai ngày ra sao? Đã có bạc tỷ trong tay vứt đâu chả sống được. Nghề cau của làng này ăn nên làm ra được là nhờ mách nước chỉ bảo của vợ chồng Tuấn.

Ngẫm lại ngày xưa, Tuấn trách người đàn bà ấy và cũng hàm ơn bà ta đã làm đảo lộn những dự định cho tương lai đầy tham vọng của chàng thanh niên muốn vượt qua cái nghèo của mình trên con đường công danh. Bà ta là chủ tịch xã. Người đàn bà có đôi mắt ẩn chứa những tia sáng long lanh qua lớp nhìn thẳng bạo dạn, anh đàn ông dễ bị khuất phục. Hơn Tuấn mười bảy tuổi và đã hạ gục Tuấn khi ấy hai ba, là bộ đội mới xuất ngũ làm bảo vệ đêm cho trụ sở ủy ban xã. Lấy cớ ở lại viết nốt báo cáo tình hình đất canh tác, bà ta có nhờ Tuấn sắp xếp lại một số tài liệu trong phòng chủ tịch. Trăng hôm ấy sáng lắm và dịp may không thể có lần thứ hai cho những toan tính đã che mờ ánh trăng thật giao hòa giữa tình và cảnh.

Công danh đã chẳng mở đường và Xuyến cô vợ sắp cưới cũng đóng cổng không tiếp kẻ đồi bại. Tất cả đã tan tành như vườn chuối gặp bão sau đêm Tuấn bị dân quân bắt quả tang đưa gái mại dâm vào trụ sở ủy ban trong đêm. Biết đó là kế hoạch của bà chủ tịch đã chán mình nhưng chẳng có chứng cớ gì, Tuấn thấy nhục bỏ làng lên biên giới kiếm sống bằng nghề vác thuê hàng lậu vượt biên.

Tuấn nhận lời làm chồng Sênh trong một buổi lợi dụng ánh trăng soi đường để chuyển hàng lậu qua biên giới. Ở khe núi hẹp ấy, ánh trăng mờ ảo đủ để che đậy những nụ hôn đầy tính toán của hai gương mặt đang lăn lóc trong trường đời. Cuộc tình duyên được tác hợp để cho ra đời một con đường làm ăn mới: Công nghệ chế biến cau tươi xuất sang thị trường Trung Quốc. Quả cau được luộc kỹ rồi cho lên lò sấy bằng khói của gỗ bạch đàn tươi cùng mùn cưa ẩm. Sấy xong quả cau vàng ươm như tre ngà, ăn say trở nên nghiện khó mà bỏ được.trangmuon

Đêm chìm sâu, nhà sấy mờ mờ như địa phủ, đám thợ lặng lẽ đi lại như hình nhân. Có người quạt lò hộ, Phúc “trâu” nằm sõng sượt trên đống mùn cưa ẩm ngáy ò ò như sẻ gỗ, những cuộn khói xám xoáy vòng bên lỗ mũi. Hắn dễ gần bởi tính bặm trợn, chỉ vài chục nghìn là có thể làm bất cứ việc gì Tuấn sai bảo. Những bao cau luộc nặng trên ba chục cân hắn đội phăm phăm lên lò, nước đen chảy thõng thượt trên mặt, hắn không nề hà việc gì, được việc như con trâu kéo cày khỏe. Chỉ có Phúc “trâu” hiểu Tuấn hơn cả. Tuấn nhìn vào khuôn mặt gãy và những đường nét to thô như được tạo ra trong lúc bà mụ nóng giận, vẻ mặt của kẻ hèn mọn, muốn dựng hắn dậy hằn gắt vài câu để giải tỏa thứ không gian rờn rợn trong nhà sấy. Tuấn kéo một khúc củi tiếp thêm vào lò, khúc củi bị giắt, mất đà thúc vào bụng Phúc “trâu”. Bị đau, Phúc “trâu” bừng tỉnh ngồi bật dậy mắt vằn đỏ tức giận nhìn xung quanh. Nhận ra người sơ ý là Tuấn, Phúc “trâu” cười hềnh hệch nịnh bợ, đưa tay quyệt ngang miệng lau nước dãi:

-Anh chưa về ngủ cơ à? Tầm này cỡ ba giờ sáng rồi. Để em quạt cho, về đi, bà chị đã trải chiếu hoa chờ anh chiều một tí rồi đấy, ngồi đây mãi bà chị giận chết. Em có được con vợ như chị ấy cả ngày rượu cho sướng mồm, chả phải lo nghĩ gì cho nhọc xác.

Phúc “trâu” chẹp miệng tèm tẹp, điệu bộ của kẻ háu đói, ngồi xích lại gần bếp quạt liên hồi.

-Ai cần mày quạt nhanh thế, đúng là số trâu hùng hục. Vô tâm vô tính như mày cũng sướng, tao lo lắm, rồi đây chuyển đi nơi khác chắc làm ăn chẳng dễ gì.

Tuấn thở dài, ngả lưng xuống đống mùn cưa đôi mắt bần thần nhìn những sợi khói quyện vào nhau trong ánh đèn vàng đục.

-Có tiền như anh vứt đâu chả sống được. Thằng em biết anh lo gì rồi. Anh về làng mua nhà ngay cạnh nhà con Xuyến em biết ngay anh còn thèm nó lắm. Con gái làng này cắn gấu váy cho nó chẳng xong. Giấu được bà chị chứ không qua được mắt thằng em đâu, bây giờ chuyển đi nơi khác sợ không được gần chứ gì.

Chưa bao giờ Tuấn nói với ai điều thầm kín này thế mà Phúc “trâu” hiểu được, đúng là tâm đầu ý hợp. Đã có người nói ra đúng tâm ý, giãi bày hộ những khúc mắc trong lòng, Tuấn ngồi bật dậy nét mặt giãn ra vui vẻ, nỗi buồn bực vơi đi một ít.

-Đói quá! Chờ em nấu bát mỳ rồi em cho biết tin này. Sáng nay đi làm về, bảo con vợ bế con sang gửi ông bà rồi về nhờ tí, ở dịt bên ấy. Trưa về nấu cơm xong em hất bố mâm cơm ra sân, chiều cho nhịn luôn. Cũng dại, bây giờ đói quá.

Phúc “trâu” lại đống củi moi ra chai rượu cùng hai gói mỳ ăn liền. Hắn đưa từng thứ lên mũi ngửi thèm thuồng.

-Uống tí cho liu khiu, em đi lấy cái chén. Ngày mai anh còn buồn hơn đấy. Biết tin gì chưa? Chưa hả? Anh cứ mải lo đến tiền quá chẳng biết gì chuyện làng chuyện xóm. Ngày mai con Xuyến ăn hỏi rồi!

Phúc “trâu” không cần nhìn lên cũng biết bộ mặt Tuấn lúc này thế nào. Hắn thủng thẳng rót rượu ra hai chén, mời Tuấn một chén, còn chén kia đưa lên miệng tợp một ngụm gọn gàng. Rồi hắn nhăn mặt tỏ bộ xót xa nói:

-Lấy thằng bên phố, nghe nói là nhà thơ nhà văn gì đấy.

Lúc này Tuấn mới chợt bừng tỉnh như vừa qua một cơn mơ, giật giọng hỏi Phúc:

-Cái gì! Con Xuyến lấy chồng thế mà tao không biết! Có thằng nào đến chơi đâu, ngày nào tao chẳng nhìn sang!

-Có thằng nào bén mảng bọn em cho chạy mất dép luôn, không dám quay lại lần thứ hai. Thằng này là thằng nào thế, bọn em cũng không biết, chúng nó yêu nhau hẹn hò ở đâu mà bí mật thế, sáng nay họ nhà nó rục rịch mới biết. Anh yên tâm, bọn em không để con Xuyến lấy được chồng đâu, anh bận quá không thì đêm nay chọc nhà nó chơi. Mà thằng nào cũng ngu, bên phố thiếu gì gái đẹp về quê lấy gái già.

Hai ngụm rượu nữa nằm gọn trong bụng Phúc “trâu”, môi đã ướt thì lời nói bắt đầu nhão nhoẹt:

-Cả làng này có nhà con Xuyến hâm, vườn cau đẹp thế mà bán mo (nhỏ, lẻ), nhọc công mà chắc gì đã lời nhiều. Nó bán thế nào cũng khéo, vườn nhà có bao nhiêu cũng hết. Làng này có câu: “Có nhân - nhân ở. Không có nhân - nhân trẩm (lép, thối)”, đúng là nhà nó mạt kiếp, ông bố bộ đội bị thương điên khùng, bà mẹ chết trẻ. Anh còn vấn vương làm chó gì. Cũng may có tin mở đường không thì chị ấy cố vận động làng xã cho chị ấy bỏ tiền ra xây lại miếu thổ công có bằng phí

Chỉ là lời nói lại của Tuấn trước đây vẫn xúi bẩy rêu rao trong làng để nói xấu nhà Xuyến nhưng hôm nay Tuấn lại thấy khó chịu trước cái giọng nhẹt ra nịnh bợ và sặc sụa hơi rượu của Phúc “trâu”. Tuấn đứng dậy đi ra ngoài, tiếng húp mỳ soàn soạt của Phúc “trâu” chạy theo sau. Bước chân vô định đưa Tuấn lại miếu thờ đầu làng. Trước đây là miếu thờ thổ công của làng, sau những đợt bài trừ mê tín dị đoan xã cho phá đi nay chỉ còn lại nền móng. Năm đánh phá miền Bắc của không quân Mỹ, vùng này không bị ảnh hưởng của chiến tranh nhưng có câu chuyện xảy ra đã trở thành sự tích của làng.

Xuyến năm ấy lên ba còn mẹ Tuất hai lăm. Có đám cưới bên phố lần tìm về tận quê đây đặt mua cau nhà mẹ Tuất. Đến ngày hẹn, mẹ Tuất mang cau cho nhà đám, đi được nửa đường thì bị chặn lại bởi có bom nổ chậm phá chưa xong. Không thể trễ hẹn, quả cau không thể thiếu trong đám cưới, mẹ Tuất vác xe lội tắt qua cánh đồng vòng tránh trạm ngăn đường. Thật không may, vừa đến gần thì quả bom phát nổ. Hơi bom hất mẹ Tuất xuống ruộng, bùn đất trùm kín người. Lực lượng phá bom phát hiện ra có người bị bom vùi chạy lại kéo mẹ Tuất lên, hà hơi tiếp sức lúc sau mẹ mới tỉnh lại. Mọi người yêu cầu đi cấp cứu nhưng thấy mình không hề xây xước gì mẹ không chịu. May mà bao cau còn nguyên vẹn, mẹ Tuất đến muộn nhưng vẫn kịp giờ cho nhà đám. Khi trở về đến đầu làng thì mẹ Tuất gục ngã xuống nền miếu sức ép của bom làm đứt mạch máu não. Dân làng lập cái am nhỏ để thờ mẹ Tuất và lấy câu chuyện này làm đạo lý cho nghề trồng cau.

Có lẽ thế chăng, Sênh quyết tâm xây lại miếu thờ bằng chính đồng tiền của mình là muốn gắn tên mình giống như tên mẹ Tuất vào làng này? Tâm ý Sênh thế nào Tuấn hiểu cả. Bọn đàn em khen vợ chồng Tuấn sống thoáng, còn phần lớn dân làng không chấp nhận với lý do, đây là việc chung của làng không dành riêng cho ai.

Trăng rằm tháng này sáng thế, những buồng cau xúm xít trên cao thẫm đẫm ánh bạc, những tầu cau vẫy nhẹ trong gió như lời tỏ tình. Tuấn rút mấy que hương châm lửa. Một lằn khói mỏng bay lên tan loãng vào đêm. Cầu thánh thần, chư phật, cầu mẹ Tuất sao cho Tuấn được gặp Xuyến lúc này. Tuấn khát khao được chiếm đoạt người con gái thanh tú, dịu dàng, người con gái sẽ làm cho cuộc sống sang trọng thêm. Tại sao thằng nhà văn nhà thơ nào đó biết tìm về đây cướp đi ánh trăng và người con gái đẹp mê hồn của Tuấn, người con gái mà Tuấn không thể sống thiếu được. Có bẹ hoa cau nào đó nở muộn, hương thơm đang lan tỏa nhẹ nhàng trong đêm.

Một đêm thức trắng đã qua quả là chiến tích đáng lên mặt với bọn đàn em trong quán nước đầu làng. Những chén rượu bọn Phúc “trâu” mời đã đổ trôi ánh trăng mơ màng, đã khiến làm biến hương hoa cau dịu dàng trả lại khẩu khí của kẻ lắm tiền và lòng đố kỵ của Tuấn. Chưa khi nào tính chuyện gây lộn lại khiến Tuấn thấy run và hồi hộp như lần này. Hết đứng lại ngồi, hết ngóng ra phía đường quốc lộ đoán già đoán non những chiếc xe ô tô du lịch chạy tới, tò mò muốn biết con người có danh kia, lại ngóng về phía nhà Xuyến cố tìm trong đám đông hình bóng người con gái đang làm khổ tâm trí Tuấn. Cái oai của anh nhà văn nhà thơ khiến bọn đàn em thán phục nhưng lại khiến Tuấn hậm hực cáu bẳn. Dân làng kéo nhau ra đầu làng rất đông để đón nhà trai, có cả bố mẹ của những đứa đang chuẩn bị hành sự cùng Tuấn. Thế này thì khó có thể thực hiện được ý đồ đã định.

Đúng chín giờ, xe của nhà trai đến. Bọn Tuấn nhổm dậy, tay nhăm nhe gói phân trâu chuẩn bị ném. Mọi người ra đón đông quá, không thể ra tay được. Mấy chị đứng tuổi chen vào sát tận xe hỏi:

-Cho xem mặt chú rể nào! Đến ngày cưới rồi mà chưa tường mặt mũi ra sao!

-Đây hả? Thế ra là chú rể đây! Tưởng ai, anh buôn cau nhà cô Xuyến! Sao bảo nhà văn nhà thơ gì cơ mà?

Bọn Tuấn cũng lấy làm lạ, bỏ hết vật phẩm xuống lại gần đám đông tìm mặt chú rể. Có mấy chàng trai trạc tuổi Tuấn đi lên trước, chú rể nổi bật trong bộ complê màu be.

-Đúng là thằng buôn cau, thế mà bọn con gái nói bừa là nhà thơ nhà văn gì. Mấy tháng nay thằng này vẫn về nhà con Xuyến mua cau. Ném bỏ mẹ chúng đi anh Tuấn, kệ xác mấy ông bà già, còn sống với nhau bao lâu nữa đâu.

Đúng là anh chàng dạo nọ hỏi thăm nhà cô Xuyến từ đâu làng, hỏi cả bọn Phúc “trâu” đang ngồi uống rượu trong quán. Nhà Xuyến có bán buôn bao giờ, hắn ta nói khéo thế nào mà chỉ bán cho mình hắn. Cứ vài ngày, anh chàng có vóc dáng to cao nhưng chậm chạp, hiền lành đến mức hơi ngờ nghệch, không có vẻ lanh nọc của người buôn bán lại đến mua cau. Khi trở về, những buồng cau treo lúc lỉu kín xe còn hắn ta mắt nheo cười mãn nguyện như đang được cưỡi trên chiếc xe hạnh phúc.

Nhận ra đoàn nhà trai toàn người quen, Tuấn quay lại ngăn bọn Phúc “trâu”.

-Tuấn tài vụ phải không!? Nhà ở đây à? Trông dáng vẻ anh chị lắm, chắc làm ăn được. Không khác mấy hồi ở đơn vị, xuất ngũ quên hết bạn lính rồi phải không! - Những người bạn của chú rể quây quanh bá cổ Tuấn hỏi thăm. Tuấn ngạc nhiên hỏi:

-Sao đông thế này, toàn người quen cả. Từ ngày xuất ngũ chúng mày cũng chẳng thấy thằng nào thèm mò sang xứ hẻo lánh này thăm tao. Quen chú rể hả?

-Không nhận ra sao, thằng Huy tiểu đoàn bốn, Huy chập đấy không nhớ sao! Chúng tao gặp nhau luôn, sang đây mấy lần tìm mày nhưng không gặp.

-Huy “chập” bây giờ buôn cau!? - Tuấn vẫn chưa hết ngạc nhiên.

-Nhà văn thứ thiệt đấy. Nó bao giờ cũng chập thế, muốn tán con gái làng cau giả vờ đi buôn cau để làm quen, bỏ tiền ra mua rồi về bán như cho không người ta. Nó bảo coi như một lần thâm nhập thực tế nghề đi buôn.

Mọi người vỡ lẽ chuyện anh chàng buôn cau là nhà văn, nhìn chú rể cười thiện cảm. Bọn Phúc “trâu” quên việc định làm ùa theo sau đám hỏi. Cả làng đều có mặt trong ngày vui của Xuyến, không ai còn nhắc tới chuyện mở đường, mọi câu chuyện đều xoay quanh quả cau cưới.

Ngày trong quân ngũ Tuấn có nghe nói tới Huy “chập” nhưng chưa gặp mặt lần nào. Mặt trận biên giới Vị Xuyên - Hà Giang diễn ra khốc liệt, những quả đồi bị đạn pháo băm vụn tơi trắng xóa màu đá, hàng ngàn ngôi mộ liệt sĩ san sát hai bên đường. Ai dại gì lao vào chỗ chết, Tuấn khai đã học qua lớp kế toán, thực ra học lớp chín bỏ dở, trung đoàn chiến đấu không có điều kiện thẩm tra nên đã đưa Tuấn lên làm tài vụ. Nhắc đến tên Huy “chập” cả trung đoàn biết tiếng, bác ruột thiếu tướng, anh họ trưởng ban quân lực sư đoàn, tình nguyện vào đơn vị chiến đấu. Tiểu đoàn thấy sức khỏe yếu do sốt rét rừng triền miên cho ở lại phía dưới làm công tác tăng gia, Huy trốn lên chốt cùng anh em. Hắn thừa điều kiện để quay lại, thậm chí có thể xuất ngũ sớm, hắn lên nơi mũi tên hòn đạn để tìm cái gì, Tuấn không giải thích nổi gọi là thằng ngu hơn là chập.

Cả dãy bàn dài toàn những đồng đội cũ của Tuấn, gương mặt nào cũng sắt seo do bươn trải kiếm sống mà đồng tiền kiếm được chắc cũng chẳng khấm khá gì.

-Khiếc! (Tiếng dân tộc Thái): - Họ giơ cao chén nước chè mời nhau.

-Cấp tập! - Họ nhào vào tấn công đĩa bánh kẹo.

Đám hỏi trở thành buổi gặp mặt của đám lính trẻ ngày nào, họ vui như khi xưa tụ tập với nhau sau mỗi lần xuống chốt mà những lần ấy cũng như bây giờ Tuấn chỉ dám mon men chầu rìa. Cũng như xưa, mọi người không để ý tới kẻ chầu rìa, những cánh tay giơ cao qua đầu Tuấn để chúc sang nhau. Tuấn châng hẩng trong đám bạn ồn ào đưa mắt tìm Xuyến. Hai người đang đứng làm lễ trước ban thờ tổ tiên, nét mặt Huy trang nghiêm, khuôn mặt Xuyến hồng lên hạnh phúc. Tuấn thấy mình lẻ loi, thua kém bạn bè nhiều quá, nhìn Xuyến rạng rỡ Tuấn ấm ức ghen tỵ, mong sao có Sênh lúc này thật dịu dàng, tình tứ để Tuấn được chút hãnh diện.

Tuấn lặng lẽ rút khỏi đám bạn. Về đến nhà, cửa không khóa, không có Sênh ở nhà, Tuấn ra cổng hỏi mọi người, không ai biết. Gặp vợ Phúc “trâu” từ đầu làng đi lại, Tuấn hỏi.

-Chị ấy đi đâu từ mờ sớm, vội lắm, mang theo cả túi du lịch to. Em hỏi không trả lời, em nghĩ chị ấy lên biên có công chuyện gì. Không hỏi anh à? - Vợ Phúc “trâu” ngạc nhiên trước ánh mắt thất thần của Tuấn.

-Đi gọi mấy thằng về tao nhờ! - Tuấn quát vợ Phúc “trâu” lạc cả tiếng.

Kiểm tra trong nhà, đồ đạc vật dụng còn nguyên nhưng khi kiểm tra két thì tất cả tiền bạc vốn liếng chẳng còn đồng nào.

Đã qua ba ngày, bọn Phúc “trâu” chia nhau đi tìm khắp những nơi quen biết, sang cả bên kia biên giới hỏi thăm cũng không có tin tức gì về Sênh. Chiều nào Tuấn cũng ra đầu làng ngóng vô vọng tới tận tối mờ. Sang chiều ngày thứ tư, có người từ Đà Nãng ra trao cho Tuấn bức thư của Sênh. Tuấn gặng hỏi thêm nhưng người ấy không nói gì đi luôn.

“Anh Tuấn!

Đừng trách tôi độc ác. Tôi lấy anh không chỉ để có nơi kiếm tiền, còn nhiều mong muốn nữa trong cuộc đời nhưng anh không thể cho tôi được. Cái điều mong muốn của tôi người chậm hiểu và chỉ biết sống theo sự điều khiển của người khác như anh không nhìn thấy đâu. Tôi muốn có con nhưng anh không còn khả năng cho tôi bởi những toan tính khi xưa và những lần phóng túng của anh đã hại anh. Không có con, tôi muốn tên mình đi vào lòng người như tên mẹ Tuất, bởi tôi là người có công mở ra cho làng con đường làm ăn khấm khá. Dân làng không chấp nhận, điều này do sai lầm cả của tôi và của anh. Tôi hận anh! Làng này có câu: “quả cau có nhân”, quả là đúng. Không đạt được như mong ước, tôi muốn anh gắn bó với tôi. Anh về làng, mua nhà cạnh nhà con Xuyến, ý đồ thế nào tưởng tôi không biết sao, tôi im lặng để níu kéo hạnh phúc cho mình nhưng đến nay thì không còn đủ sức theo anh. Còn anh, nuối tiếc nó nhưng lại sợ mất tôi. Cuộc đời tôi không có nước đôi. Khi biết đã có thai với người ta, tôi vội phải đi ngay. Không có con đường nào chạy qua làng, đoàn khảo sát là tôi thuê mấy thằng bất lương. Tôi phải làm thế mới có cớ thu tiền về, tôi phải còn phải kiếm sống, còn phải lo cho tương lai của đứa con không bao lâu nữa sẽ ra đời. Đất Đà Nẵng này nhiều cau lắm, nghề của tôi chắc làm ăn được. Còn anh hãy tự lo cho cuộc sống của mình, bốn mươi tuổi rồi.

Chào anh!

Sênh!

Đêm đã khuya, không thể ngủ được, Tuấn đứng cô độc trên ban công tầng hai ngắm nhìn vầng trăng muộn, vầng trăng bị xẻ đôi đang cài trong những tầu cau. Nhà bên có đôi trai gái đang ngồi tựa vào nhau, chàng trai đưa tay lên không trung viền theo vành trăng giống như vẽ một con thuyền.

 

                                                                                         N.Q.H

 

 

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Quảng cáo
congnhan12345
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 7
Trong ngày: 137
Trong tuần: 506
Lượt truy cập: 381662

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ GIỚI THIỆU!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH, NHÀ VĂN CẦM SƠN! RẤT NHIỀU BỨC ẢNH CỦA NGÀY HÔM ĐÓ ĐÃ CÙNG VỚI BÀI NÓI CỦA TÔI LÀM NÊN KHÔNG KHÍ TƯƠI VUI, HÀO HỨNG CỦA BUỔI RA MẮT SÁCH! CHÚC MỪNG NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CHÚC MỪNG TS NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC VỚI TẬP THƠ ĐỘC ĐÁO, IN ĐẸP!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÁI PHỤC BÀ MÂY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Thuộc loại "chuyện bây giờ mới kể" đây! Cám ơn tác giả! Mượn lời bà SUỐI để nói về bà MÂY: "Bái phục bà MÂY" ! Haiza!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN VÀ BAN BIÊN TẬP ĐÃ ĐĂNG BÀI VIẾT NHÂN DỊP NHÀ THƠ NGUYỄN HUY HOÀNG RA MẮT TUYỂN THƠ VÀ TRUYỆN KÍ TẠI HỘI TRƯỜNG HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM!

 
Xem toàn bộ
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0964 131 807
Email: soncam52@gmail.com
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công nhân.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông Chi hội Nhà văn Công nhân.