Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

THỦ TRƯỞNG CỦA CHÚNG TÔI

Triệu Hồng
 
THỦ TRƯỞNG CỦA CHÚNG TÔI                                                         
 (Truyện ký)
   
      Chúng tôi là những cán bộ cấp tá, cấp tướng về nghỉ hưu ở tỉnh Phú Thọ vẫn gọi anh Cao Long là thủ trưởng của mình. Vì chúng tôi đều là chiến sỹ của anh ấy khi tại ngũ. Anh Hiệp, anh Chuông, anh Trà, anh Hiền nay là những sỹ quan cấp tướng khi vào bộ đội anh Long đang làm đại đội trưởng. Anh Vận, anh Lược, anh Kính mang quân hàm đại tá lúc vào bộ đội thì anh Long đã là tiểu đoàn trưởng. Đại tá Tạ Lộc khi là học viên trường quân sự Thẩm Dương thì anh Long làm Trưởng đoàn cán bộ quân đội nhân dân Việt Nam tại Trung Quốc. Nhiều người là trợ lý, liên lạc của anh ở các đơn vị Lữ 364, Phân Khu Nam, Sư đoàn 325 lúc đó anh Long là Tư lệnh hay Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng.
     Khi về nghỉ hưu, anh Cao Long mang quân hàm trung tá, cấp bậc sỹ quan của anh được phong từ năm 1958. Từ năm ấy, anh Long đảm nhiệm nhiều chức vụ cao cấp, nhưng hơn 20 năm anh Long không được phong một cấp nào nữa. Chúng tôi những sỹ quan có quân hàm cao hơn gặp anh vẫn kính trọng gọi anh là thủ trưởng của mình. Đại tá Đoàn Lược, nguyên Tư lệnh phó Quân đoàn 14, gặp anh Nguyễn Hiền, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Phú Thọ thì nói:
     - Anh Cao Long tuy không mang quân hàm sỹ quan cao cấp, nhưng có hội nghị gì thì nên cho xe về đón mời anh về dự.  Mọi người đều là chiến sỹ của anh ấy, phải biết quý trọng, vì không có lớp người như anh Long thì không có chúng mình đâu!
     Không phải chỉ có anh Lược nói vậy mà nhiều cán bộ cao cấp vẫn quý trọng anh Long, biết ơn anh đã rèn luyện mình nên người. Gặp anh Long là nhắc lại những kỷ niệm thắm tươi tình người, tình đồng đội. Anh Long khi nghe chúng tôi vẫn gọi anh là thủ trưởng thì tươi cười nói:
    - Mình về vườn rồi, còn tại ngũ nữa đâu mà gọi thế! Cứ gọi mình là anh, là bác cho nó thân mật. Vả lại các cậu là tướng tá, gọi mình là thủ trưởng e không đúng.
Anh Long nói thực lòng, chúng tôi càng quý trọng anh nhiều và gần như thói quen từ trước nên chúng tôi vẫn gọi anh là thủ trưởng như ngày xưa từng là chiến sỹ, hoặc là cán bộ cấp dưới của anh nghe anh ra lệnh hoặc giao công việc.
Tôi là người Chương Xá, Cẩm Khê nhập ngũ từ năm 1952. Lúc đầu còn ở bộ đội địa phương Phú Thọ, năm 1954 được điều lên tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, khi quân ta vừa diệt căn cứ Him Lam. Được bổ sung về Tiểu đoàn 11 mang tên Phủ Thông, thuộc Trung đoàn 141, Sư đoàn 312. Khi đó, anh Cao Long đang làm Trung đoàn trưởng. Gặp anh tại chiến hào bên đồi D1, khi chúng tôi đang vây lấn, với quyết tâm tiêu diệt cứ điểm này, mở đường cho quân ta tiến vào trung tâm Mường Thanh. Đi dưới hầm, anh nhận ra hỏi tôi:
      - Vận, con trai cụ Chánh Tâm, Chương Xá phải không? Tớ xem danh sách, biết cậu về đơn vị mình nhưng chiến sự diễn ra ác liệt, mọi người vào trận cả nên anh em ta còn chưa gặp nhau.
     Bị bất ngờ, chẳng biết nói với anh Long thế nào, tôi ấp úng thưa:
   - Vâng ạ, chào Thủ trưởng! Đúng em là Vận, người Chương Xá, Cẩm Khê đây mà.
    Nhìn các chiến sỹ, anh nói:
    - Anh em cố gắng lên nhé! Chỉ khoảng một tháng nữa là sẽ toàn thắng trở về. Cậu nào chưa lấy vợ thì lấy đi. Còn Vận cưới vợ thì nhớ về Văn Khúc mời mình lên dự nhé!
Anh Long cười vui, giơ tay chào rồi chạy lên đoạn chiến hào phía trước, theo sau có mấy trợ lý và chiến sỹ liên lạc. Lúc đó pháo từ Mường Thanh vẫn bắn ra nổ ùng oàng, đạn thẳng trên cứ điểm bắn xuống như mưa. Tôi ngồi chờ lệnh xung phong mà cứ bâng khuâng lo lắng cho người Thủ trưởng đồng hương của mình.
     Anh Long là con em nông dân nghèo, lớn lên được giác ngộ cách mạng nên anh đã vận động được nhiều thanh niên ở làng quê lên chiến khu Hiền Lương xây dựng lực lượng vũ trang. Anh được đồng chí Việt Hồng chỉ định làm Trung đội trưởng giải phóng quân. Đơn vị anh tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện Cẩm Khê, Hạ Hòa, Thanh Ba và kéo quân về Thanh Hà, bao vây thị xã Phú Thọ buộc quân Nhật, bọn tay sai phải bàn giao chính quyền và vũ khí cho ta. Ngày 23 tháng 8 năm 1945, tỉnh Phú Thọ khởi nghĩa thành công, chính quyền nhân dân được thành lập, đơn vị anh Cao Long được chuyển về Trung đoàn Phú Yên, với nhiệm vụ bảo vệ chính quyền các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai.
   Anh đã chỉ huy đơn vị của mình bao vây cô lập các đơn vị Quốc dân đảng tại thị xã Phú Thọ, đuổi khỏi thị xã và truy kích chúng sang Trung Quốc. Giữa năm 1946, anh được đề bạt làm Đại đội trưởng, chỉ huy một đại đội vệ quốc quân. Nhưng năm đầu kháng chiến đơn vị hoạt động độc lập đã tiêu diệt được nhiều sinh lực địch bảo vệ vững chắc vùng giải phóng sông Thao và miền trung du Phú Thọ. Do có nhiều thành tích đánh địch, anh được cấp trên thưởng Huân chương Chiến sỹ Hạng Nhất (nay đổi tên là Huân chương Chiến công hạng Nhất) được đi báo cáo điển hình làm gương cho cán bộ, chiến sỹ ta.
     Khi thành lập Tiểu đoàn Phủ Thông anh Long làm tiểu đoàn trưởng, anh Đào Đình Luyện làm chính trị viên. Đơn vị của anh tham gia các chiến dịch Tây Bắc, Hòa Bình lập được nhiều chiến công. Anh được đề bạt làm cán bộ trung đoàn phó, trung đoàn 141, thuộc sư đoàn 312 mang danh Sư đoàn Quyết thắng. Anh cùng đơn vị đã tham gia đánh địch ở Nghĩa Lộ, Nà Sản, giải phóng phần lớn tỉnh Sơn La và Lai Châu. Khi mặt trận Điện Biên Phủ mở ra, đơn vị sư đoàn 312 mở màn chiến dịch đánh tiêu diệt căn cứ Him Lam, phía bắc tập đoàn cứ điểm. Trận ấy đồng chí Trung đoàn trưởng 141 bị thương nặng, anh Cao Long được Tư lệnh trưởng mặt trận Võ Nguyên Giáp ra quyết định đề bạt anh làm Trung đoàn trưởng 141. Đơn vị được giao nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm Độc Lập. Trận đánh diễn ra nhanh gọn, quân ta chiếm được đồn, tiêu diệt, bắt sống hàng trăm tên địch. Vào đợt 2 chiến dịch, quân ta tiếp tục bao vây, tấn công quyết tâm tiêu diệt địch toàn bộ quân địch tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Sư đoàn 316 và sư đoàn 312, được lệnh tiêu diệt các vị trí then chốt đồi A1 và D1, nhổ các đồn bốt dọc bờ đông sông Nậm Rốn, áp sát chỉ huy sở Đờ Cát tại trung tâm Mường Thanh.
     Trong những ngày tháng diễn ra các trận đánh ác liệt, anh Cao Long là một trong những cán bộ chỉ huy xông xáo, cùng bộ đội chịu đựng gian khổ, lao vào nơi hiểm nguy. Với sự chỉ đạo sâu sát và những quyết định sáng suốt của anh, nên Trung đoàn 141 lập được công to tiêu diệt toàn bộ quân địch tại đồi D1, đánh sập các vị trí phòng ngự kiên cố của địch dọc sông Nậm Rốn, tiến về hướng cầu Mường Thanh. Hỗ trợ đắc lực cho Sư đoàn 316 tiêu diệt căn cứ A1, tạo điều kiện cho quân ta tiến quân vào sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm. Các đơn vị Trung đoàn 209, 141 nhanh chóng tiến về phía hầm tướng Đờ Cát, bắt sống toàn bộ chỉ huy quân Pháp vào chiều ngày 7 tháng 5 năm 1954.
       Trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, anh Cao Long được Tư lệnh trưởng mặt trận đề nghị tặng thưởng Huân chương Chiến sỹ hạng Nhất và được Hồ Chủ tịch thưởng Huy hiệu của Người. Anh và một số đồng chí lập công xuất sắc tại chiến dịch này được về chiến khu Việt Bắc, vinh hạnh được Bác Hồ trao Huy hiệu và gắn Huân chương.
                                                            *
 
       Trong những ngày chiến đấu tại mặt trận Điện Biên Phủ, tôi cũng có thành tích được đề bạt làm cán bộ đại đội phó. Thấy tôi tiến bộ, anh Long mừng lắm, thường xuống thăm và động viên làm tốt nhiệm vụ. Năm 1956, anh Long được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ làm Trưởng đoàn cán bộ ta học tập tại Trung Quốc. Biết tôi thông thạo chữ Hán, anh đề nghị đơn vị cho tôi đi học trường quân sự tại Thẩm Dương, Trung Quốc. Trước khi đi anh Long được Bác Hồ gọi lên căn dặn: “Chú được cử phụ trách cán bộ ta sang nước bạn học tập, nhớ là phải động viên bộ đội học tập tốt, làm chủ vũ khí, khí tài về nước xây dựng quân đội ta tiến lên chính quy hiện đại, sẵn sàng làm nhiệm vụ mới, đánh thắng bọn can thiệp Mỹ và bè lũ tay sai, bảo vệ miền Bắc, làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh của đồng bào miền Nam!”.
     Bác còn dặn anh thêm điều nữa: “Sang nước bạn chú và bộ đội phải làm tốt mối quan hệ với quân đội bạn, nhân dân nước bạn để họ còn sẵn sàng giúp ta trong cuộc đấu trang giải phóng dân tộc!”.caolong
     Hai năm học tại Trung Quốc, anh Long thường đến thăm động viên mọi người cố gắng học tập. Chúng tôi được học kỹ về pháo binh hạng nặng, cách sử dụng pháo 122 và các loại khí tài mới. Anh Long thường xuống cùng học, trong lúc nghỉ ngơi, anh thường kể chuyện những lần anh được vinh dự gặp Bác Hồ và những lần Bác trực tiếp giao nhiệm vụ. Ngày đó, tôi nhớ mãi những lời Bác căn dặn anh Long cũng là những lời Bác căn dặn chúng tôi và cứ mong mỏi có ngày được gặp Bác.
     Về nước tôi lại ở cùng anh, làm trợ lý tác chiến Trung đoàn pháo binh 208 đóng ở phía Bắc thị xã Vĩnh Yên. Anh Cao Long được cấp trên quyết định về làm Trung đoàn trưởng. Ở đây, chúng tôi được nhận các loại pháo lớn như 122, 155 ly và các loại khí tài mới. Anh đã có công lãnh đạo trung đoàn phấn đấu trở thành đơn vị vững mạnh, dẫn đầu phong trào thi đua Ba Nhất. Đơn vị đã đạt nhất về rèn luyện quân sự, rèn luyện kỹ thuật; nhất về gương mẫu kỷ luật; nhất về lao động và sản xuất.  Điều vinh dự đến với chúng tôi là được Bác Hồ về thăm.
     Khi nói chuyện với cán bộ và chiến sỹ, Bác dạy chúng tôi rằng: “Đơn vị đã Ba Nhất rồi thì phải phấn đấu nữa, không được thỏa mãn. Đồng bào miền Nam tiến hành Đồng khởi rồi, các đơn vị bộ đội chính quy của ta phải sẵn sàng chiến đấu. Giặc Mỹ rất ngoan cố và xảo quyệt, bộ đội pháo binh phải nêu cao quyết tâm đánh thắng địch, hỗ trợ đắc lực cho đồng bào miền Nam đánh bại mọi kiểu chiến tranh của đế quốc Mỹ”.
     Bác bảo đơn vị đứng ra chụp ảnh, chúng tôi ùa lên đứng quanh Người. Đơn vị đông nên phóng viên nhiếp ảnh phải chụp nhiều pô. Chụp ảnh xong, Bác lên xe đi thăm nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc và thị xã Vĩnh Yên. Mấy hôm sau ảnh được gửi về, tôi nhìn thấy Cao Long và chính ủy Hòa đứng bên Bác, còn tôi đứng ở hàng đầu, cũng rất gần Bác. Hình ảnh Bác mặc bộ quần áo vải gụ giản dị và thanh cao đứng giữa đông đảo cán bộ chiến sỹ của Trung đoàn pháo binh 208 in đậm mãi trong tâm trí tôi.
    Anh Cao Long hôm đó, mặc bộ quần áo dạ xanh, đội mũ cối, ngực đeo nhiều huân chương. Đứng bên Bác và bộ đội của mình anh cười rất tươi. Trong tấm ảnh đó, tôi còn nhận ra hai chiến sỹ là Sủng và Vinh là hai con trai của anh Long, mới nhập ngũ được hai năm. Tôi thầm nghĩ hai người thanh niên này sẽ trưởng thành nhanh chóng, đánh giặc lập công xuất sắc như người cha của mình.
    Đến năm 1964, tôi và anh Cao Long cùng nhiều cán bộ các đơn vị khác được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ vào công tác tại chiến trường. Bữa cơm liên hoan tại nhà khách, Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm. Bác và Đại tướng lần lượt bắt tay từng người, Bác ân cần dặn dò: “Vào Nam đánh giặc còn rất gian khổ khó khăn, các chú phải đoàn kết chặt chẽ với nhân dân với các đơn vị bạn, gương mẫu hoàn thành xuất sắc nhiệm vu. Khi quân và dân ta ai ai đều có quyết tâm đánh thắng giặc thì Mỹ ngụy dù mạnh đến đâu cũng sẽ bị thất bại. Các chú từng lập công trong kháng chiến chống Pháp thì trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cần phải lập công to và nhiều hơn nữa. Trong chỉ đạo các chú nhớ là phải giữ vững nguyên tắc tác chiến mà trước đây ta vẫn làm, kế hoạch phải tỷ mỷ cụ thể, hiệp đồng phải ăn khớp, phải giữ bí mật tuyệt đối, hành động phải kiên quyết, chuẩn bị nhiều phương án, cán bộ phải thực sự gương mẫu, không được chủ quan khinh địch!”.
       Chúng tôi mời Bác ăn cơm nhưng Bác nói rằng: “Nhìn các chú ăn khỏe, ăn ngon là Bác thấy no và vui rồi”. Bác bảo Đại tướng Giáp ngồi ăn cơm với chúng tôi, còn Bác bận việc phải về. Đi ra tới cửa, Bác còn quay lại giơ tay chào, đôi mắt Bác hiền từ nhìn chúng tôi những đứa con yêu chuẩn bị lên đường đi chiến đấu.
     Đoàn chúng tôi cùng vượt Trường Sơn vào chiến trường. Tôi được điều vào làm nhiệm vụ ở Đoàn 559, anh Long được phân công làm Tư lệnh phó Phân Khu Nam thuộc Khu 5.  Khi đó đế quốc Mỹ đang tăng cường đưa quân vào miền Nam và cuộc chiến đấu bước vào giai đoạn quyết liệt. Trên chiến trường quân và dân ta phải chịu đựng muôn vàn gian khổ, hy sinh, nhưng đã làm nên những chiến công lẫy lừng lẫy ở Bình Giã, Vạn Tường, Bầu Bàng, Dầu tiếng, Plây me và đánh tan kế hoạch “tìm diệt” và hàng trăm cuộc hành quân “bình định” của giặc Mỹ, đồng thời chuẩn bị lực lượng và hậu cần cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy khắp miền Nam. Vào Tết Mậu Thân và suốt năm 1968, quân ta nổi dậy đánh khắp nơi, tiêu diệt hàng chục vạn tên địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, giành thế chủ động về chiến lược, buộc đế quốc Mỹ phải chịu ngồi đàm phán với ta tại Hội nghị Pari.
    Khoảng giữa năm 1969, tôi được về nghỉ phép. Nghe tin anh Long từ chiến trường ra, tôi xuống nhà anh ở Văn Khúc và ở lại chơi. Tôi ngồi cùng anh nói chuyện chiến trường. Anh kể cho tôi nghe chuyện đánh giặc Mỹ ở vùng Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận và tiến công các mục tiêu của Mỹ ngụy tại thị xã Nha Trang, Cam Ranh trong Tổng tiến công nổi dậy năm Mậu Thân.
     Anh Long nói thực chứ không phô trương chiến thắng:
     - Sau năm Mậu Thân, Khu 5 và toàn bộ chiến trường miền Nam, quân và dân ta gặp khó khăn lớn. Vùng giải phóng bị thu hẹp, đất đứng chân và cơ sở cách mạng bị mất nhiều, các cơ quan của các khu và địa phương phải lui về phía biên giới Lào và Cămpuchia. Giặc Mỹ đang có âm mưu mở cuộc càn vượt biên, chúng ta phải đánh thắng không thì gặp khó khăn to đấy. Nên bây giờ ta phải chuẩn bị lực lượng để sẵn sàng đối phó và đưa quân trở lại các vùng đất chiến lược tại miền Nam.
    Những điều anh nói sát với tình hình thực tế trên chiến trường. Tôi ở mặt trận 559 thấu hiểu mọi khó khăn gian khổ của quân dân miền Nam. Là một cán bộ quân sự của Đoàn 559 có nhiệm vụ nắm vững tình hình địch để kịp thời chỉ đạo tác chiến và tham mưu cho cấp trên. Về thăm anh Long cũng là nắm thêm tình hình cụ thể tại chiến trường Khu 5 nên tôi chú ý hỏi:
    - Như thế thì Phân Khu Nam gặp rất nhiều khó khăn?
    - Cậu ở ngoài Đoàn 559 đã biết Khu 5 khó khăn, còn Phân Khu Nam thì cực kỳ khó khăn. Đưa được một đại đội, một phân đội của ta về Nha Trang, Cam Ranh, Phan Rang, Phan Thiết gay go như đưa người lên giời. Vùng này địch khủng bố dữ dội, tiếp tế khó khăn, bộ đội ta dễ bị đánh chặn, sự hy sinh của quân và dân ở vùng này là lớn hơn so với vùng khác.
    - Thế mà ta vẫn tiến công tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giữ vững lực lượng và nhiều vùng giải phóng! - Tôi cố ý khẳng định.
    Anh Long cười:
    - Ừ thì ta vẫn nói thế để động viên nhau. Người ta phải ở trong hoàn cảnh thực mới nắm rõ còn đứng ngoài mà nói thì ai cũng nói theo nhau. Các cậu chỉ đạo tác chiến, tham mưu cho cấp trên thì phải nói chính xác, không được bốc đồng. Mình rất ghét và kiên quyết chống bệnh quan liêu, hách dịch đang tồn tại trong cuộc sống của chúng ta!
    Nhận thấy anh Long là một nhân chứng, tôi hỏi kỹ:
     - Tết Mậu Thân anh chỉ đạo cánh quân nào, đánh vào đâu, kinh nghiệm đánh quân Mỹ và đánh quân chư hầu Pắc Chung Hi?
     Với tôi, anh Long không giấu giếm mà thực thà kể:
     - Tết Mậu Thân mình bị bất ngờ! Trong đời cầm quân của mình có lẽ đây là lần đầu tiên.
     - Anh là một người chỉ huy dày dạn kinh nghiệm, làm sao mà còn bị thế?
     - Bị bất ngờ vì mình chưa kịp nắm rõ tình hình địch, chân ướt chân ráo nhận được lệnh phải đi ngay. Nên mình chưa lường hết được những khó khăn, sung lực và hỏa lực của ta còn rất hạn chế, kế hoạch tác chiến thì còn sơ sài. Khi mà các yếu tố bí mật bất ngờ không còn phải đối mặt ngay với lực lượng địch đông gấp bội lần với vũ khí và hỏa lực mạnh thì cái nguy cơ quân ta bị thất bại nhìn thấy nhãn tiền.
     Tôi được biết trong Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, trên chiến trường quân dân ta thắng lớn nhưng đã bị thiệt hại nặng nề. Các đơn vị bảo vệ thành Huế, tiến công địch tại trung tâm Sài Gòn, vào các chi khu, thị xã và các thành phố khác bị thương vong rất nhiều người. Nhiều đơn vị tiểu đoàn, trung đoàn, sau năm Mậu Thân không còn hoạt động được nữa.
       Anh Long nhìn như thấy được suy nghĩ của tôi nên nói:
      - Cậu biết không, ở Nha Trang, Khánh Hòa, địch có tới 50.000 quân, chưa kể địa phương quân và dân vệ. Trong đó lực lượng quân Mỹ và quân Nam Triều Tiên có tới 30.000 tên, gồm lính các đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ, sư đoàn lục quân Mỹ số 1, sư đoàn Mãnh hổ của Pắc Chung Hi.
       - Như thế mà đánh thì ta hơi liều! - tôi khẽ nói.
       - Thì liều mạng quá còn gì nữa! Đánh tập kích thì còn cho phép, chứ đánh chiếm giữ thì tự mình thí quân.
      - Khi đánh quân ta chưa điều nghiên kỹ à?
      - Mình ở mặt trận Bình Thuận vừa về, thì nhận được lệnh đi ngay chỉ huy bộ đội tiến công quân Mỹ ngụy trong thị xã Nha Trang. Cái bất ngờ đối với mình chính là ở chỗ ấy, chỉ đạo bộ đội đánh chiếm sân bay, tòa thị chính, tỉnh đường, sở tiếp vận, tiểu khu quân sự, khu kho hậu cần, bến cảng, trường hạ sỹ quan mà chưa nắm rõ kỹ địch ta. Lúc nổ súng, đúng như một cơn lốc quân ta nhanh chóng chiếm giữ được các vị trí then chốt của địch.
       - Nhưng quân ta ít, quân địch thì nhiều làm sao ta giữ được?
       - Cậu nói đúng, địch chỉ bị bất ngờ mấy tiếng đầu. Khi biết được lực lượng của ta ít, chúng bắt đầu phản công lại, quân ta bị động chống đỡ và rơi ngay vào tình thế nguy khốn.
       - Anh có nghĩ đến phương án rút quân không?
      - Mình có nghĩ đến nhưng lệnh trên lại bảo phải kiên quyết giữ. Đồng chí Thận, trưởng Trung đoàn Sao Thủy báo rằng không có phương án rút lui, cố giữ vững các vị trí đã chiếm được, phải gắng bám trụ chờ lực lượng ta chi viện.
      Mình nói với Thận:
      - Không thể có lực lượng chi viện đâu, vì quân không thể trên trời rơi xuống, dưới đất chui lên. Bây giờ chỉ có một cách là phải chiến đấu đến người cuối cùng!
Anh nhìn tôi rồi bình thản kể tiếp:
     - Lúc ấy trên bầu trời có hàng chục chiếc trực thăng bắn phá. Các con đường đến trung tâm thị xã quân địch dùng xe tăng, xe thiết giáp với quân lính vây chặt. Các loại pháo của Mỹ từ hạm đội ngoài biển bắn vào. Máy bay oanh kích liên tục ném bom vào các đơn vị của ta.  Khi đó sở chỉ huy của mình bị địch phát hiện, chúng dồn quân lại, cán bộ chiến sỹ ta anh dũng chiến đấu bảo vệ, nhưng khó có thể chống lại sức tiến công của hàng trăm quân giặc. Vào giờ phút gay go, mình phải trực tiếp cầm súng AK dùng lựu đạn đánh địch, đã giết chết nhiều tên giặc Mỹ và lính Pắc Chung Hy khi chúng liều lĩnh xông tới gần.
     - Vì sao anh không bị bắt hay bị chết?
     Anh Long cười rất tươi, đưa tay chỉ lên không gian:
     - Rất may trời tối, quân địch ngừng tiến công, mình nhanh chóng tìm cách thoát ra ngoài. Lúc ra khỏi chỉ huy sở, mình quan sát thấy anh em đơn vị đều bị hy sinh.
    - Làm thế nào anh có thể thoát ra được?
    - Mình đi về phía căn cứ theo con đường mà bộ đội đưa mình đến chỉ huy sở. Nhưng mình nghĩ rằng không thể đi vì địch đã bao vây chặt. Các con đường nhỏ và đường lớn lính Mỹ và lính Pắc Chung Hy kiểm soát rất gắt gao. Đêm đến pháo sáng của địch bắn lên, mọi sự di chuyển dù nhỏ bé chúng đều phát hiện được. Khi ấy có một loạt đạn AR15 bắn rất căng về phía mình, mình phải nhảy xuống một đầm nước để tránh đạn, lặng lẽ lặn nhanh sang phía bờ bên kia, lấy cỏ và bèo đắp lên đầu. Lũ giặc kéo đến nghi ngờ có người, chúng ném lựu đạn xuống đầm và tưởng rằng người lặn xuống đó đã chết, liền bỏ đi.
    - Anh nằm dưới đầm đến khi nào thì lên tìm đường về?
    - Đến khuya mình lên bờ, nhờ pháo sáng của địch mà định vị được vị trí mình đang ở và vị trí căn cứ gần nhất phải tìm tới. Điểm lại trang bị, mình vẫn còn một khẩu súng K59 với 3 băng đạn, hai quả lựu đạn US, một cái bồng nhỏ đeo sau lưng trong đó có một võng ni lông, một bộ quần áo, một bi đông nước, mấy gói gạo sấy. Đêm ấy là đêm mồng một Tết năm Mậu Thân, chỉ có một mình trong một góc đầm phải ăn một gói gạo sấy vơi nước lã để lấy lại sức mà đi.
    - Mấy ngày sau anh mới trở về tới đơn vị?
    - Đến ngày mồng 10 Tết, mình mới gặp người của ta, ngày rằm tháng Giêng mới về tới căn cứ Khu 5. Dọc đường mình có qua nơi đóng quân của các đại đội, phân đội ở Diên Khánh, Khánh Vĩnh. Mới biết sự thực các đơn vị chỉ có một phương án tiến công địch giải phóng thị xã Nha Trang mà không có kế hoạch rút lui. Nhà ở cứ hoang tàn, không có người trông giữ, các thứ quân trang, quân dụng vứt lại hết. Một số nồi niêu, ấm chén còn bị đập vỡ hoặc bị chọc thủng.
    - Ai đã làm cho bộ đội ta mắc phải tư tưởng ấy?
    - Mình chẳng phải nói thì cậu cũng đã biết, chính là từ phía cán bộ chỉ huy của ta. Do quá tin “lạc quan tếu” mà tuyên truyền quá mức, thổi phồng sức mạnh quân sự của mình, bỏ qua nguyên tắc tác chiến, không quán triệt đầy đủ lời Bác dạy trước khi nổ súng. Thất bại đau đớn do phía ta chủ quan chứ không phải do khách quan.
      Anh nhìn tôi một lúc như có ý nhắc nhở:
      - Bệnh chủ quan mà chúng ta mắc phải cũng khó sửa đấy! Nhân dân và quân đội ta còn bị tổn thất vì căn bệnh này.
     Tôi còn phân vân vì chưa hiểu rõ những ngày anh tìm đường về phải chịu đói khát mà vẫn sống, nên hỏi:
    - Làm sao anh lại không chết khi chẳng còn cái gì mà ăn?
    - Trong căn cứ cũ vẫn còn nhiều gạo bỏ lại, mình lấy gạo đó tự nấu ăn. Quần áo anh em vứt lại, mình nhặt lấy ra suối giặt đi rồi phơi khô làm đồ thay. Ngày về căn cứ Khu 5, Chính ủy Hai Mạnh nhìn thấy mình sức khỏe vẫn như thường thì cười, nói:
    - Hổ xám vào rừng thì chết làm sao được! Không bắt được liên lạc, anh em đơn vị báo cáo Cao Long chết rồi. Nhưng mình đinh ninh cậu vẫn sống, y rằng cậu đã trở về an toàn.
    Ông Hai Mạnh có nói gì về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở Khu 5 và toàn miền Nam?
    - Ông ấy nói cơ bản là ta đã giành thắng lợi lớn, giặc Mỹ và ngụy thua to. Ta sẽ buộc Mỹ phải ngồi vào Hội nghị Pari, từ đây ta vừa đánh vừa đàm trên thế mạnh. Ông ấy còn thông báo tin thị xã Nha Trang trong nổi dậy đầu xuân đã tiêu diệt hơn 1.140 tên Mỹ nguy và chư hầu, bắn cháy 22 máy bay, bắn chìm 2 tàu chiến, đốt cháy 1 kho hậu cần, phá hủy hàng chục xe tăng, xe cơ giới…Tôi có báo cáo về tình hình tiến công vào thị xã, cả Trung đoàn Sao Thủy và mấy đại đội, phân đội phối thuộc bị địch đánh thiệt hại nặng. Ông ấy nói đó là cái giá phải trả cho chiến thắng và khuyên tôi an tâm, không nên suy nghĩ nhiều. Mấy ngày sau, mình được lệnh trở về vùng Cam Ranh chỉ đạo bộ đội đánh tập kích vào quân cảng bắn cháy nhiều tầu chiến và 1 kho xăng dầu của giặc Mỹ…
     Anh Long kể lại như thế giúp tôi hiểu thêm một phần hiện thực của cuộc chiến trong dịp Tết Mậu Thân. Tôi mừng cho anh sau 5 năm đi chiến trường trở về an toàn. Đến thăm, tôi được biết thêm hai đứa con trai của anh là Sủng và Vinh đã trưởng thành vào Đường 9- Khe sanh chiến đấu trở thành cán bộ chỉ huy dũng cảm và lập được nhiều chiến công.
     Khi ăn cơm trưa xong, anh Long còn kể cho tôi nghe về chuyến vào thăm Bác tại ngôi nhà 67 và chuyện Bác đến thăm tại Hội nghị cán bộ cao cấp toàn quân vừa diễn ra trước khi anh về phép thăm nhà.
    Tôi hỏi anh: Bác Hồ có được khỏe không? Anh trả lời:
     - Sức khỏe của Bác giảm đi nhiều so với thời kỳ Bác đến thăm chúng ta tại nhà ăn Bộ Quốc phòng. Hôm cùng Đoàn đại biểu quân sự Khu 5 vào thăm chúc thọ Bác, nhìn thấy Bác yếu mà thương trào nước mắt. Bác mời mọi người ngồi bên tiếp chuyện thân tình. Khi nghe báo cáo tình hình chiến trường xong, Bác căn dặn: “Các chú phải tìm cách đánh giặc tốt, trong mọi hoạt động phải chịu khó rút kinh nghiệm và học tập kinh nghiệm tốt của các đơn vị bạn đánh giỏi để đơn vị nào cũng đánh giỏi, địa phương nào cũng đánh giỏi!”.
    - Bác Hồ có nhận ra anh không?
    - Mình nghĩ chắc là Bác không nhận ra vì trăm công nghìn việc, hàng năm tiếp xúc với hàng vạn người, làm sao Bác có thể nhớ nổi chứ. Nhưng Bác vẫn nhận ra và nói: “Chú Long đánh giặc giỏi, vẫn khỏe mạnh ra thăm Bác thế này là Bác mừng, Bác vui rồi. Nghe nói hai con trai của chú đều vào Nam đánh giặc giỏi, bố đánh giặc giỏi, con đánh giặc giỏi, mọi người, mọi địa phương đều đánh giặc giỏi thì giặc Mỹ tàn bạo đến đâu cũng phải thua, ta nhất định sẽ thắng!”. Đó là lần thăm Bác vui nhất, vinh hạnh nhất của cuộc đời mình.
      Niềm vui của anh tràn sang cả lòng tôi nên hỏi anh:
      - Ở Hội nghị cán bộ cao cấp toàn quân anh tới dự, Bác Hồ căn dặn cán bộ ta điều gì?
      - Bài phát biểu của Bác đã được Báo Quân đội nhân dân đăng toàn văn, cậu về tìm lại mà đọc. Nhưng mình nhớ lới Bác dặn rằng: “Các chú phải ra sức phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm, thực hiện tốt nhiệm vụ được Đảng và Chính phủ giao phó. Phải xây dựng lực lượng thật tốt, chất lượng cao”. Vừa rồi về Bộ Quốc phòng nhận nhiệm vụ làm Sư đoàn phó Sư đoàn 325 thì những lời Bác dạy rất thiết thực đối với mình.
       Lúc ấy tôi nhớ ra, hỏi anh:
      - Ra Bắc lần này, anh có dịp gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp không?
      - Có, Đại tướng nhìn thấy mình thì vui vẻ nói: “Đi chiến trường Cực Nam Trung Bộ gian khổ mà về an toàn thế này thì ai chả mừng! Hồi Tết Mậu Thân, nghe báo cáo rằng cậu mất tích, mình tưởng là cậu đã chết rồi, tiếc thương quá. Sau Khu 5 báo ra cậu còn sống, mừng ơi là mừng!”. Đại tướng còn dặn mình, nhớ là phải quán triệt sâu sắc lời Bác dạy: “Xây dựng lực lượng thất tốt, chất lượng cao để đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào!”.
      - Anh có nói về tình hình thực tế xảy ra hồi Tết Mậu Thân không?
      - Có báo cáo nhưng Đại tướng Giáp biết cả rồi, ông đã nhắc các đơn vị phải nghiêm khắc rút kinh nghiệm, tìm ra cách đánh tốt nhất, hiệu quả nhất.
     Khi bóng chiều đã ngả, tôi xin phép anh ra về. Anh đưa tôi ra đường còn dặn: “Khi nào về Hà Nội, mình còn ở nhà khách Lý Nam Đế nhớ vào chơi, hoặc về cơ quan Sư 325, đang đóng ở Hà Bắc thăm mình. Anh em đồng đội cùng quê hương gắn bó chí cốt với nhau bao năm thì còn hơn anh em ruột thịt.”.
                                                            *       *
      Đến ngày 2 tháng 9 năm 1969, Bác Hồ qua đời để lại bản Di chúc thiêng liêng dành cho toàn thể dân tộc và quân đội ta. Trong bản Di chúc Bác nhận định: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài, đồng bào ta còn phải hy sinh nhiều của nhiều người”. Đó là một nhận định rất đúng với thực tiễn chiến tranh, với chiến trường miền Nam. Từ đó Người nêu lên quyết tâm: “Dù sao chúng ta cũng phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn”. Lời Di chúc của Bác đã biến thành niềm tin, ý chí cho toàn thể cán bộ, chiến sỹ biến đau thương thành hành động cách mạng thể hiện bằng tinh thần quyết chiến quyết thắng đánh giặc lập công.
     Những năm 1970, 1971 quân dân ta đã đánh thắng “Cuộc càn vượt biên” của Mỹ Ngụy đánh vào đất nước Cămpuchia, giúp quân giải phóng Cămpuchia đánh tan “Cuộc hành quân Chen La 2”, giúp bạn Lào đánh bại “Cuộc hành quân Cù Kiệt” trên cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng và đánh thắng “Cuộc hành quân Lam Sơn 719” tại Đường 9-Nam Lào, giữ vững và phát triển thế và lực chuẩn bị lực lượng đưa quân về giải phóng miền Nam. Bước đầu làm phá sản âm mưu Việt Nam hóa, Khơ me hóa, Lào hóa chiến tranh của đế quốc Mỹ.
      Đầu năm 1972, tôi được đề bạt làm Sư phó Sư đoàn phòng không 377 tham gia chiến dịch Quảng Trị. Tôi gặp anh Long tại bờ nam sông Bến Hải, trên đường vào mặt trận với cương vị là Sư phó, kiêm tham mưu trưởng Sư đoàn 325. Anh khen tôi tiến bộ nhanh và động viên:
     - Thế là cậu đã phấn đấu bằng mình và sẽ hơn mình, cố gắng lên nhé! Trận này ác liệt đấy, trước hết phải bảo trọng bản thân và giữ gìn xương máu của cán bộ, chiến sỹ của mình.
     Anh coi tôi như một người em, tôi không quên hỏi thăm Sủng và Vinh con trai của anh Long. Hai người chiến sỹ trẻ có mặt trong tấm ảnh của đơn vị Trung đoàn pháo binh 208 chụp với Bác Hồ năm 1963. Anh cười báo tin:
     - Hai đứa tiến bộ đã là cán bộ đại đội, tiểu đoàn rồi cùng vào mặt trận này đấy!
     Hôm đó anh còn giới thiệu với tôi những cán bộ, chiến sỹ người Phú Thọ là Lĩnh, Mạnh, Chương. Tôi chỉ kịp bắt tay chúc may mắn và chào từ biệt vào mặt trận, tạm gác lại chuyện trò tình cảm về quê hương.
      Ngày 30 tháng 3 năm 1972, cuộc tiến công chiến lược xuân-hè đồng loạt nổ ra trên khắp miền Nam. Hướng chủ yếu tại Trị-Thiên, đến ngày 2 tháng 5, ta đã giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị.
     Bị thua đau tại Quảng Trị, Mỹ ngụy tập trung nhiều lực lượng chủ lực ngụy gồm sư dù với 3 lữ đoàn, liên đoàn biệt kích dù, sư đoàn thủy quân lục chiến với 3 lữ đoàn, thiết đoàn 7, các tiểu đoàn pháo binh và giang đoàn thủy quân. Với công thức “chủ lực Việt Nam Cộng hòa + hỏa lực Mỹ” chúng quyết tâm tái chiếm vùng đất đã mất.
     Ngày 28 tháng 6 năm 1972, địch tuyên bố mở chiến dịch “Lam Sơn 72”, với mục tiêu là tái chiếm thị xã Quảng Trị và Thành Cổ. Quân Mỹ tuy không đưa lính bộ binh tham chiến, nhưng chúng đã huy động một lực lượng lớn không quân và hải quân yểm hộ cho quân ngụy tiến công ta. Ngày ngày giặc Mỹ cho hàng trăm lần chiếc máy bay B52, máy bay phản lực ném bom dữ dội vào các vị trí chốt giữ của quân giải phóng, tập trung đánh hủy diệt khu vực Thành Cổ với chu vi hơn 2.160 m2 và thị xã Quảng Trị với diện tích gần 3 km2.
      Vì vậy, Thành Cổ và thị xã Quảng Trị trở thành nơi đối đầu lịch sử, địa điểm giao tranh quyết liệt giữa quân giải phóng miền Nam với quân ngụy. Lực lượng không quân và hải quân Mỹ chi viện tối đa cho quân ngụy Sài Gòn. Ngày đêm chúng cho hàng trăm lần chiếc máy bay B52, máy bay phản lực ném bom, bắn phá hủy diệt các mục tiêu. Các loại pháo 175, 155, 105 ly của Mỹ từ phía Triệu Trạch, Hải Lăng và từ ngoải biển bắn vào rất dữ dội. Các đơn vị sư dù, thủy quân lục chiến, biệt kích, xe tăng, thiết giáp ngụy với chiến thuật đột kích, lấn dũi chúng tiến dần vào thị xã và Thành Cổ. Tại đây các cuộc giao tranh quyết liệt đã xảy ra liên tục trong 81 ngày đêm, từ ngày 22 tháng 6 đến 22 giờ ngày 25 tháng 9 năm 1972, quân ta được lệnh rút ra ngoài khu Thành Cổ làm nhiệm vụ chốt giữ vùng tả ngạn sông Thạch Hãn và các vùng giải phóng Triệu Phong, Hải Lăng. Đến thời điểm đó, hơn 90% đất đai Quảng Trị vẫn thuộc về vùng giải phóng.
      Ngày đó, Mỹ công bố đã sử dụng tại Quảng Trị hơn 328.000 tấn bom đạn với sức công phá bằng 7 quả bom nguyên tử ném xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản năm 1945. Riêng Thành Cổ, có ngày đêm phải gánh chịu hơn 5.000 tấn bom đạn, nhiều quả bom nặng tới 7 tấn. Tính trung bình mỗi m2 phải hứng chịu trên một tấn bom đạn, mỗi cán bộ chiến sỹ phải gánh chịu 4 tấn, tương đương với 100 quả bom, 200 quả đạn đại bác. Số thương vong của quân ta do phi pháo của địch gây ra chiếm 85%, chỉ có 15% bị thương vong do đạn bắn thẳng và vũ khí sát thương khác.
       Tôi được biết Sư đoàn 325 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhưng bị thương vong rất nhiều. Sau ngày 26 tháng 9, các đơn vị của sư đoàn rút khỏi Thành Cổ, chuyển sang làm nhiệm vụ giữ vùng đất tả ngạn sông Thạch Hãn, từ vùng ngoại ô thị xã Quảng Trị đến Ái Tử, Đông Hà. Tôi còn được tin anh Cao Long và hai con anh vẫn được an toàn sau 6 tháng chiến đấu trên vùng đất Quảng Trị ác liệt phải gánh chịu nhiều tổn thất đau thương nhất.
     Ngày 27 tháng 1 năm 1973 hiệp định Paris được ký kết, Sư 377 phòng không điều một tiểu đoàn pháo cao xạ về bảo vệ Đông Hà. Tôi xuống kiểm tra và tận mắt chứng kiến phảo cao xạ của đơn vị bắn rơi tại chỗ 2 máy bay F5A của không quân ngụy bay ra xâm phạm bầu trời. Từ đó vùng giải phóng Quảng Trị bình yên không còn bị máy bay địch đến bắn phá nữa.
    Ngày ở Đông Hà, Quảng Trị, tôi may mắn gặp lại Lĩnh quê Phù Ninh, người cán bộ phòng tác chiến Sư đoàn 325 mà tôi đã được biết tên lần gặp anh Long ở bên sông Bến Hải. Hỏi thăm anh Cao Long, anh Lĩnh báo tin:
      - Anh Long được lệnh của cấp trên điều ra Hà Nội rồi. Nghe nói người ta đưa anh về trạm 66 để quản lý. Thật thương cho anh ấy quá!
    Tôi còn chưa hiểu nguồn cơn, khẽ hỏi:
    - Tại sao lại có chuyện ấy?
    - Khi quân địch tái chiếm Thành Cổ và thị xã Quảng Trị, anh ấy tham gia ý kiến với cấp trên rằng dù bất kỳ tình huống nào ta phải giữ vững nguyên tắc tác chiến, phải giữ được lực lượng của ta, tiêu hao sinh lực địch. Ta không sợ gì bộ binh ngụy, nhưng ta không chống đỡ được phi pháo của giặc Mỹ, vì thế không nên giữ Thành Cổ. Quân ta nên rút ra ngoài, bao vây lại, đánh kìm chân địch và tiêu diệt chúng. Nếu ta cố giữ thì thế ta như những mũi tên tù, bắn phát nào tơi phát ấy và Thành Cổ sẽ thành cái cối xay thịt quân ta.
     Tôi nhìn Lĩnh một hồi lâu và hỏi tiếp:
     - Anh Long có hành động gì sai trái không?
      Lĩnh lắc đầu nhìn tôi có ý phân vân rồi mới nói:
     - Anh Long là một cán bộ gương mẫu. Suốt từ đầu chiến dịch đến cuối chiến dịch, anh ấy luôn bán sát mặt trận, lao vào những nơi khó khăn nhất, nóng bỏng, dữ dội nhất thực hiện xuất sắc nhiệm vụ mà trên giao phó.
    Tôi hỏi cụ thể hơn:
    -  Anh Long có vào mặt trận chỉ đạo bộ đội tác chiến?
    - Anh ấy đã 5 lần vượt sông Thạch Hãn vào Thành Cổ và thị xã Quảng Trị cùng với bộ đội Trung đoàn 18, Trung đoàn 95 chiến đấu giữ thành và thị xã. Nhiều đợt anh ở trong đó mấy ngày liền mới ra nơi chỉ huy sở Sư đoàn 325 ở Cao Hy- Ái Tử.
     Tôi gật đầu hỏi tiếp:
     - Lĩnh có lần nào theo anh Long vào Thành Cổ?
     - Có đến 2 lần, tôi thấy anh Long là người bơi giỏi như rái cá, nhoáng một cái đã qua sông Thạch Hãn, lúc đánh địch anh ấy nhanh như một con sóc. Khi chống trả bọn lính “Trâu điên” của sư đoàn thủy quân lục chiến ngụy, anh ấy bắn rất trúng diệt luôn 2 tên đang leo lên tường thành treo cờ. Nhìn anh cầm súng AK chiến đấu như một người lính, anh em cán bộ, chiến sỹ vững tâm lắm.
     Theo lời kể của Lĩnh, thì anh Long không có hành động tiêu cực gì, sợ anh nóng nẩy có quan hệ không được tốt với cấp trên. Tôi hỏi thêm:
     - Anh Long hơi nóng tính, sợ cấp trên không ưa?
     Lĩnh trả lời luôn:
     - Cấp trên đã để ý anh ấy, khi những ý kiến của anh trái ngược với chỉ huy mặt trận. Hôm nghe anh Việt, Tham mưu phó Sư đoàn báo cáo hai Trung đoàn 18 và 95 chiến đấu tại Thành Cổ thiệt hại 80% quân số, cùng lúc đó có lệnh báo anh đi họp rút kinh nghiệm. Anh ấy tức mình liền chửi đổng. Có người nghe được đã báo cáo lên cấp trên, mấy ngày sau anh Long bị đưa ra Hà Nội.
      Lúc ấy, tôi nghĩ anh Long có ý kiến đúng, kết quả giữ Thành Cổ quân ta hy sinh nhiều bộ đội quá. Sau 4 tháng 16 ngày giải phóng và sau 81 ngày đêm giữ Thành Cổ ta vẫn phải cho bộ đội rút ra không thể trụ được nữa. Vì thế thượng phong tại Hội nghị Paris mà ta bỏ nguyên tắc tác chiến sẽ là sai lầm lịch sử. Cái kiểu nói: “Vì chiến thắng ta phải hy sinh bằng mọi giá! Hoặc nói: “Để thắng Mỹ thì núi xương sông máu cũng không tiếc!”. Đó là những lời nói khuếch khoác thiếu suy nghĩ, không hề đúng với tinh thần tư tưởng, tình cảm của người Việt Nam. Anh Long nói đúng cho quân ta rút ra, bao vây lại, tìm cách đánh kìm tiêu diệt chúng, hạn chế tối đa sức mạnh của không lực và pháo binh Hoa Kỳ. Không để đến nỗi mỗi đêm ngày giữ Thành Cổ quân ta mất gần một đại đội mà ta đã phải thừa nhận.
     Một lúc lâu tôi mới nói để Lĩnh an tâm:
     - Anh Long cũng chẳng việc gì đâu, lời nói gió bay, cây ngay chẳng sợ chết đứng, người ta chẳng có cớ gì để kỷ luật! Anh ấy đã hoàn thành nhiệm vụ nhưng bị nhiều cái bất ngờ, oan sai, sau này chúng ta sẽ hiểu hơn.
     Nói rồi tôi đứng dậy chia tay Lĩnh, người đồng hương Phú Thọ, hẹn gặp lại nhau sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam.
     Về đơn vị tôi thường nghĩ về sự nghiệp của anh Long, con đường thăng tiến có thể bị chấm dứt. Nhưng nghĩ về những giai thoại mà mọi người kể: anh có hòn ngọc rết nên khi vào trận luôn được an toàn, bom đạn của kẻ thù đều không thể làm anh chết và bị thương. Một lần tôi hỏi anh về chuyện ngọc rết, anh cười:
     - Làm gì có ngọc rết, chỉ là may mắn thôi! Các cậu nên nghĩ về duy vật, đừng nghĩ về duy tâm. Khi vào trận mình luôn nắm vừng tình hình địch ta, linh hoạt giải quyết mọi tình huống, không chủ quan, khinh địch, đánh nhanh, diệt gọn, thế là ta thắng địch thua, mình được sống và anh em đơn vị cũng được an toàn trở về.
    Nhiều lần nghe anh em kể chuyện vui về anh Long: Hồi đầu kháng chiến chống Pháp anh chỉ huy Đại đội 9 một đại đội độc lập. Khi làm lễ xuất quân đánh đồn Ba Triệu có đông đảo nhân dân và chị em phụ nữ Lâm Thao về dự. Chị Báu người xã Xuân Lũng đại diện cho chị em phụ nữ lên trao cho anh Long một thanh kiếm cổ nói lời đông viên khích lệ các anh bộ đội diệt bằng được đồn Ba Triệu. Anh Long lên nhận thanh kiếm từ tay chị Báu, nói lời cảm ơn. Do phấn khích thế nào, anh Long cao giọng nói: “Trận này đồn Ba Triệu còn, Cao Long không còn!”, ý nói trận này không diệt được đồn Ba Triệu thì Cao Long phải chết, thể hiện quyết tâm cao của toàn đơn vị. Nhưng khi sang bao vây đồn, chúng có một đại đội Âu Phi, có hàng rào dây thép gai bao bọc, hệ thống hầm hào phòng thủ kiên cố. Đơn vị nổ súng tấn công đã mở được hàng rào, nhưng không thể tiến vào tung thâm. Lúc đó đơn vị có nguy cơ bị quân địch từ Phong Vực xuống, từ Hưng Hóa lên bao vây, trời sáng thì máy bay đến thả bom. Anh Cao Long thấy chưa chiếm được đồn Ba Triệu liền cho bộ đội lặng lẽ rút quân qua làng Văn Lang, sang đò qua sông Thao vào Xuân Lũng. Nghĩ đến lời thề với chị Báu và chị em phụ nữ Lâm Thao, anh Long chưa biết nói thế nào khi gặp lại, thì một chiến sỹ người Văn Lang nói to: “Trận này đồn Ba Triệu còn, Cao Long còn”, cả đơn vị nghe được đều cười vang quên đi mọi chuyện, qua sông trở về căn cứ mà ai cũng vui. Chuyện này trở thành chuyện cười thời kháng chiến mà đến bây giờ vẫn còn có nhiều người kể cho nhau nghe để mà vui sống.
     Trong kháng chiến chống Pháp người nào lên Trấn Yên, Văn Yên, Văn Chấn, Văn Bàn, Bảo Thắng vẫn nghe chuyện dân kể rằng bọn Tây ở đây sợ cái tên Cao Long như sợ cọp, chúng gọi anh là “hổ xám Việt Minh”, vì những trận đánh xuất quỷ nhập thần của Tiểu đoàn Phủ Thông ở vùng Ba Khe, Phố Lu, Phố Ràng, Khau Co, Trái Hút. Nghe nói anh có sáng kiến làm trận địa pháo giả quanh đồn Thấp, đồn Cao làm cho bọn Pháp sợ, bỏ cuộc hành quân đánh chiếm thị xã Yên Bái.
    Chiều ngày mồng 7 tháng 5 năm 1954, Tiểu đoàn 11- Phủ Thông cùng các đơn vị Trung đoàn 209 bắt sống được tướng Đờ Cát. Lúc đó anh Long là cán bộ trung đoàn bậc trưởng, cấp bậc cao nhất có mặt ở đó, liền nói với tướng Đờ Cát bằng tiếng Pháp, được người phiên dịch ra: “Thế là my sống rồi, yên tâm đi không sợ gì nữa!”. Đờ Cát nghe anh Long nói đỡ sợ hơn, yên tâm đi theo các chiến sỹ ta giải về Chỉ huy sở Sư 312 và Bộ Chỉ huy mặt trận Điện Biên Phủ. Cán bộ, chiến sỹ đơn vị Trung đoàn 141 nghe chuyện này rất vui và yêu quý anh Long lắm.
   Ngày quân ta thực hiện tổng tiến công giải phóng miền Nam, tôi đến vùng Khu 5, nghe cán bộ chiến sỹ cùng chiến đấu với anh Long kể rằng, bọn Mỹ ngụy kêu anh Long là “hổ xám Bắc Việt” chúng treo giá rất cao, đơn vị, cá nhân nào bắt được sẽ được thưởng một người bằng vàng. Anh Ca người Lương Lỗ, Thanh Ba nói với tôi rắng thấy lũ máy bay 0V10 suốt ngày quần đảo trên bầu trời, kêu ra rả Cao Long ra hàng và kêu gọi binh lính, sỹ quan ngụy lùng bắt bằng được anh Long với cái giá đã treo. Một thời gian sau, chúng biết anh Long ra Bắc rồi, không thấy   gọi loa nữa.
    Khi vào mặt trận Quảng Trị, anh Long có bí danh là Cao Châu. Bọn ngụy cũng biết và khi Sư đoàn 325 được giao nhiệm vụ chủ công giữ Thành Cổ, chúng cũng cho máy bay 0V2, kêu gọi anh đầu hàng. Những ngày từ giữa tháng 7 đến 26 tháng 9, đêm ngày không lúc nào ngớt tiếng loa gọi từ trên máy bay xuống kêu Cao Châu và binh sỹ đầu hàng. Có chiến sỹ nghe căm giận đưa súng AK lên bắn một loạt đạn cho bõ tức, nhưng anh Long bảo: “Cho nó gọi, ta không nghe là được, chớ bắn làm gì, tiết kiệm đạn để mà xả vào đầu bọn giặc!”.
    Chuyện về anh có rất nhiều không ai kể hết được. Có chuyện về cuộc đời, sự việc, nhân tình thế thái, giống như là chuyện cười, như là giai thoại. Nhiều chuyện rất chân thực về cuộc đời anh, người Chiến sỹ, người Cán bộ của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng.
    Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi được về phép thăm gia đình. Nhớ anh Long tôi bảo lái xe đưa về Hà Nội, vào Trạm 66 tìm. Thấy anh vẫn khỏe đang ngồi chơi cờ tướng với anh em chiến sỹ vệ binh. Trong một gian phòng có quạt trần, thoáng mát, thấy tôi anh rất mừng, nói:
   - Chiến tranh giải phóng đã kết thúc rồi, cậu với mình đều được an toàn trở về là vui rồi. Mình đang xin về nghỉ hưu, cậu phấn đấu thêm mươi năm nữa thì cùng về nhé! Ta về quê săn cá, bắt chim thế là an phận, mọi việc đã có con cháu nó lo, ôm lấy việc lớn làm gì cho nó khổ thân ra.
    Tôi hỏi thăm chuyện của anh xảy ra ba năm trước, anh cười:
    - Chẳng có chuyện gì, cấp trên gọi mình ra đây để cho nghỉ ngơi. Cơm ăn ba bữa, quần áo mặc cả ngày, lương tháng được cấp đầy đủ không thiếu một xu, lại sắp được về nghỉ hưu. Thế là cuộc đời mình không ân hận gì, chỉ tiếc không được đóng góp xứng đáng cho quân đội cho dân tộc khi mà lúc mình có nhiều kinh nghiệm nhất.
    Ngồi với anh một lát, tôi ra xe về nhà. Mừng cho anh Long không bị kỷ luật hay khiển trách gì, vẫn được mạnh khỏe, sống vô tư. Đến năm 1979, anh hơn 60 tuổi, được quân đội cho về hưu. Khi chiến tranh biên giới nổ ra, tôi được về làm việc ở Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu. Đến năm 1990 tôi cũng được nghỉ hưu tại quê nhà.
    Từ nhà tôi tới nhà anh Long có thể theo hai con đường. Đường bộ thì đi xe đạp khoảng 8 km, đi đường thủy thì dùng thuyền khoảng 4 km. Anh Long tới thăm nhà tôi thường đi thuyền thúng qua đầm Chương, hay theo ngòi Cỏ tới bến nhà. Lên nhà tôi anh mang theo súng bắn chim, có lần anh lên thăm mang cho ba con sâm cầm vừa bắn được ngoài đầm. Anh hướng dẫn vợ con tôi cách làm lông và cách chiên rán. Làm cơm xong, vợ tôi bưng mâm lên đặt trên sập gụ của bố tôi mua để lại cho con cháu dùng. Anh Long bảo giải chiếu ngồi xuống nền nhà, bảo vợ con, các cháu tôi cùng ngồi ăn cơm cho vui vẻ.
    Tôi mời anh uống rượu có ngâm mấy củ sâm Triều Tiên, anh nói:
     - Thế là sang nhất trần đời rồi! Trải thời bom đạn như bọn mình được hưởng thái bình lúc nào hay lúc ấy. Về già rồi ai cũng phải chết, có mang được cái gì đi đâu, nên sống phải có nghĩa có tình, nhớ tới nhau thì đến với nhau, không được quên nhau!
     Anh nói chuyện vừa đi Hà Nội thăm con, đang đi trên đường Hà Nội thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngồi trên xe trông thấy mình dạo chơi, bảo người lái xe dừng lại xuống hỏi thăm:
    - Cao Long đi đâu thế này? Về hưu tình hình thế nào? Có vui vẻ không?
    - Dạ, thưa Đại tướng! Em đi thăm các con, về hưu em sướng lắm, chẳng còn khổ như anh.
    - Cậu bảo cậu sướng là sướng thế nào?
    - Vâng, em sướng là em được tự do, muốn ăn thịt chim em lên rừng bắn, muốn ăn cá thì em xuống đồng bắt, còn anh khổ vì công việc, đi đâu xa cũng phải xin phép.
    Đại tướng cười, nắm chặt lấy tay:
    - Thế là cậu sướng hơn mình thật rồi! Thôi chào nhé, lúc nào bắn được nhiều chim, bắt được nhiều cá mang biếu mình vài con nhé!
    - Mình còn đang bâng khuâng thì Đại tướng đã lên xe. Ngồi trong xe, Đại tướng còn đưa tay ra vẫy chào.
    - Thế là Đại tướng vẫn nhớ tới anh, người cán bộ của mình.
    - Ừ thì mình vẫn còn cái vinh dự là hàng năm Đại tướng vẫn có Thư chúc Tết mừng tuổi mình.
     Vợ tôi nghe anh Long nói chuyện về Đại tướng thì nói:
     - Đại tướng nhớ và quý bác quá! Thế mà bác chẳng nói ở nông thôn khó khăn lắm xin Đại tướng phân nhà về Hà Nội ở cho sướng đời!
     Anh Long cười vang:
    - Cô Thắm thực dụng thật đấy! Nhưng mà nên nghĩ chồng mình là đại tá, hơn bác hai cấp mà có xin nhà ở lại Hà Nội đâu. Vợ chồng cô chú vẫn sống trong cái nhà của cụ Chánh Tâm là bố mình để lại, còn mình thì vẫn sống trong cái nhà gỗ, lợp lá cọ mà chẳng đòi hỏi Nhà nước cái gì. Mình chí công vô tư thì mình thiệt, nhưng đó là đạo đức cách mạng thì mình phải biết giữ gìn.
    Vợ tôi nhìn anh Long tủm tỉm cười, tôi cũng thấy vui từ lời anh Long nói. Anh nhìn vợ chồng tôi nói nhỏ:
    - Hồi về trạm 66, Bộ Quốc phòng cho cán bộ xuống làm việc, gợi ý điều mình về làm Tỉnh đội trưởng Vĩnh Phú. Nhưng mình bảo, ở đó anh Nguyễn Công Dật làm tốt rồi, không nên đưa tôi về nữa; cho tôi lên trấn giữ biên giới phía Bắc, nghe nói bọn bành trướng đang chuẩn bị phá mình. Khi đó có người đồng hương bảo tôi nên xin về Vĩnh Phú công tác để xin lấy mảnh đất Việt Trì mà làm nhà, sau này lên thành phố, đất quý hơn vàng đấy. Mình không xin về Vĩnh Phú, một mực xin lên biên giới nhưng cấp trên không đồng ý, vì mình đã lớn tuổi lại có thời gian làm Trưởng đoàn cán bộ ta học tập tại Trung Quốc sợ có liên quan.
       Đến chiều anh Long mới bơi thuyền về nhà, vợ tôi khen bác Long già mà khỏe mạnh, thông minh, thương anh em đồng đội quá. Tôi cũng nói để cho nhà tôi biết sơ lược về cuộc đời và sự nghiệp của anh Long. Anh Long là người có công giúp cho tôi tiến bộ, quan tâm đến hạnh phúc của gia đình mình. Tôi cũng chỉ cho vợ tôi biết nhiều kỷ vật trong nhà đang sử dụng là quà của anh Long cho, biếu, tặng. Như cái chăn bông, vỏ vải hoa con công anh gửi về ngày vợ chồng tôi làm lễ cưới. Nay vợ chồng tôi đã có ba con, hai trai một gái, chúng đều có vợ có chồng, đủ công ăn việc làm, với sáu cháu nội cháu ngoại nhưng ít được biết về ông Cao Long.
 
                                                        *
                                                  *          *
      Thời gian sau đó, tôi có việc thăm bà con trong họ ở Văn Khúc, tranh thủ thăm anh Long. Hôm đó anh Long ở nhà đang ngồi vá lưới, anh bảo tôi ở lại chơi ăn cơm trưa cùng anh. Nhìn tôi hồi lâu anh mới nói:
      - Hội đồng Nhà nước vừa gửi cho mình tấm Huân chương Quân công hạng Ba, cấp trên đã thấy công lao của mình để có phần thưởng xứng đáng. Mình đang treo trên tường ấy, bây giờ không có tiền đâu, nhưng biết đâu mai sau lại có tiền đấy.
      Tôi nói đông viên anh:
- Công lao của anh thật lớn, nhưng ít được biết đến, thực là chưa công bằng!
    - Cậu nói chưa công bằng, nhưng mình nghĩ được sống thì còn gì hơn. Anh em đồng đội hy sinh và chết rồi có còn ai đòi hỏi sự công bằng được không? Để có sự công bằng trong đời sống đâu phải chuyện dễ dàng! Không thể thực hiện trong ngày một ngày hai mà phải có thời gian dài ta mới có thể làm được.
      Buổi hôm đó, tôi mới được anh nói cho biết, hai người con trai của anh là Sủng và Vinh đã được nghỉ hưu non. Trở về đứa cấp bậc đại úy, đứa thiếu tá nhưng đều mắc bệnh trọng do nhiễm chất độc da cam tại chiến trường. Hai đứa đều có gia đình, nhà riêng, đứa có bốn, đứa có năm đứa con, cuộc sống còn rất gieo neo. Anh Long phải tất bật lo cho cháu con, nhưng không phục lên được. Đại úy Cao Vinh đã chết hai năm nay rồi, còn Thiếu tá Cao Sủng thì đang mắc bệnh ung thư gan nặng không thể cứu chữa.
      Ăn cơm chiều xong, tôi bảo anh dẫn tôi đi thăm gia đình các con. Anh và tôi đều đi xe đạp nên việc thăm nom diễn ra nhanh chóng. Vì việc buồn nên dọc đường chúng tôi không nói với nhau điều gì, chỉ thấy đường thôn gồ ghề, sau cơn mưa có nhiều vũng nước dễ trơn trượt lắm. Tôi sợ anh Long ngã nên nhiều đoạn phải đứng chờ. Khi thăm vợ con Cao Vinh và Cao Sủng xong, tôi phải xin phép anh ra về trước khi trời tối.
    anhongcaolong Đến thăm anh Long lấn ấy mới biết thêm hoàn cảnh gia đình của anh và biết thêm cuộc sống thực của cán bộ, chiến sỹ đi chiến trường miền Nam. Người chết đã thiệt thòi đủ thứ, người sống đa phần thì ốm đau bệnh tật, sống dở, chết dở. Chế độ chính sách của Nhà nước dù có nhưng không thể bù đắp được. Tôi luôn nghĩ anh Long là người có công nhưng thiệt thòi, phải chịu đựng nhiều vất vả gian truân nhưng anh luôn tỏ ra cứng rắn không cho ai biết hoàn cảnh riêng đau buồn của mình.
    Ngày nghe tin Cao Sủng mất, tôi đạp xe về thăm. Biết nhà nên tôi đến nhà Cao Sủng trước, thắp hương và chia buồn cùng với vợ con Sủng rồi mới đạp xe tới nhà thăm anh Long. Khi gặp tôi, anh Long khóc:
    - Trời chẳng cho vợ chồng mình chết thay cho hai con! Chúng bị bệnh nặng quá chẳng có phương cách nào cứu chữa được nữa. Thôi, nó là số mệnh chẳng có thể xoay vần được. Cậu đến thăm thì hãy ở lại chơi với mình cho vơi bớt nỗi buồn đau!
     Tôi không thể từ chối nên ở lại với gia đinh anh. Tối hôm đó, tôi ngủ cùng giường, anh còn nhớ nói:
     - Hồi ở Thấm Dương, Trung Quốc cậu đã mấy lần ngủ cùng với mình và lần ra chiến trường vào Khu 4 ở nhà dân anh em ta vẫn cùng nằm một giường với nhau. Khi vào rừng Trường Sơn dùng võng vẫn thường mắc cạnh nhau, nói chuyện đến khuya mới ngủ.
     Tôi thầm nói:
      - Trên Điện Biên Phủ, Nhà nước đang có dự án xây tượng đài ở đồi D1, nơi mà đơn vị Trung đoàn 141 phải mất hàng chục ngày vây lấn mới diệt được chốt.
      - Ừ, làm nhanh lên, mình và cậu có thể cùng lên thăm viếng!
       Tôi phô anh về chuyến thăm Nha Trang, đến viếng Liệt sỹ ở Nghĩa trang Hòn Du, nhìn thấy một ngôi mộ xây to, có để: “Tưởng nhớ các Liệt sỹ Trung đoàn Sao Thủy và các đơn vị phối thuộc!”.  Có phải các đơn vị mà anh đã cùng họ chiến đấu tại thị xã Nha Trang hồi Tết Mậu Thân?
       - Đúng rồi! Nghe người ta bảo các đơn vị ấy hy sinh không còn một ai, bọn lính Mỹ và lính Pắc Chung Hi thu xác, đào những cái hố rồi ủi xác xuống đó, lấp đất lên. Dưới chân đèo Rù Rì, chúng đào một cái hố rất sâu, hất khoảng 200 xác người xuống đó. Thương anh em cán bộ, chiến sỹ quá, nhưng đơn thương độc mã mình phải chịu bó tay!
       Tôi hỏi anh:
       - Năm Mậu Thân phía ta có gì sai?     
       - Đánh địch vào đêm Giao thừa là đúng, nhưng ta cố giữ, lại mở các cuộc tiến công đợt 1, đợt 2 gây thiệt hại nặng nề. Đồng bào chiến sỹ hy sinh quá nhiều, các nơi đất đứng chân, cơ sở bị bóc chốc hết. Đó là sai lầm lớn, làm cho cách mạng miền Nam phải bước vào thời kỳ đen tối tưởng không thể vượt qua.
       Tôi nói với anh:
       - Ở Quảng Trị, ta đang xây dựng khu tưởng niệm các chiến sỹ hy sinh bảo vệ Thành Cổ, nghe nói là hoành tráng lắm.
       - Ừ, nên làm! Anh em ta hy sinh ở đó có đến hơn một vạn, cán bộ, chiến sỹ; Sư 325 có đến 2.000 người mất tại đó, phần nhiều là sinh viên. Nhiều đêm mình không ngủ được vì thương anh em quá! Mình nhìn thấy tận mắt anh em chết mà không làm sao được! Anh em mình đều là những người cực kỳ kiên trung, dũng cảm nhưng chốt giữ tại Thành Cổ thì không thể đưa tay ra chống đỡ phi pháo của giặc Mỹ.
      - Ngày ấy anh bị gọi ra Hà Nội, có ai nói với anh điều gì không?
      - Chẳng có ai nói gì, chắc là thấy mình có ý kiến đúng phải loại mình ra, vì mình chẳng là gì đối với số đông. Mình nói đúng, nhưng mình không có quyền được đúng. Gọi ra cho nằm mãi thì phải xin về để thấy cái oai của người có chức, có quyền. Mình biết nhưng mình tỉnh bơ, chẳng đề nghị gì!
      - Vừa rồi có Chính sách Người có công, xếp loại Lão thành Cách mạng và Tiền Khởi nghĩa, anh được xếp vào loại nào?
     Đầu năm bốn mươi, mình tham gia Hội Thanh niên phản để, nhưng mình chỉ khai đi thoát ly từ tháng 1 năm 1945, nên được chể độ Tiền Khởi nghĩa. Nhưng còn mấy người sống, còn người chết từ năm 1995 trở về trước thì không được khai, thành thử anh em chết rồi thiệt thòi quá!
     Đến thăm anh lần đó tôi mới biết Nhà nước, Quân đội, đồng bào và chiến sỹ đã không quên công lao của anh. Đêm nằm cùng giường với anh, tôi đã nêu ra những câu hỏi, anh đều trả lời rành rọt, nhiều ý anh nói thể hiện tính cách kiên cường, tình cảm thủy chung sâu nặng đối với đồng bào và bộ đội đã chiến đấu, công tác cùng anh qua những mặt trận đầy gian khổ, hy sinh.
     Tôi vẫn thường đi lại thăm anh Long và anh cũng thỉnh thoảng thăm gia đình tôi. Đến tháng 2 năm 2004 vào dịp Tết xuống chúc anh và gia đình mạnh khỏe, năm mới gặp nhiều may mắn, tôi báo tin:
    - Anh Long và em có danh sách lên thăm chiến trường Điện Biên Phủ vào ngày 4 tháng 5 Dương lịch, nhân dịp kỷ niệm trọng thể 50 năm ngày chiến thắng.
    - Thế thì vui quá, anh em ta cùng đi! Chúng ta sẽ được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều đồng đội và đồng bào tham gia chiến dịch lịch sử này.
    Nhưng đến ngày 7 Têt, tôi nhận được tin báo anh Cao Long từ trần. Tôi xuống tới nơi thì mọi người đã liệm đưa anh vào quan tài, chỉ nhìn mặt anh qua tấm kính. Khuôm mặt anh vẫn tươi tỉnh như khi còn sống, người nhà nói chuyện anh Long chết dễ như người tự hóa. Năm ấy, anh 87 tuổi đã vào tuổi thượng thọ rồi, về với tổ tiên nên cũng vơi đi phần nào sự tiếc nuối.
    Dân làng, dòng họ, gia đình con cháu làm lễ tang rất trọng thể, có nhiều đoàn đại biểu của Đảng, chính quyền, đoàn thể tới thăm viếng. Có nhiều đoàn đại diện các đơn vị Sư đoàn 312, 325, Xã đội, Huyện đội và Tỉnh đội có vòng hoa kính viếng. Nhiều bạn bè, đồng đội cùng anh chiến đấu ở Phú Thọ, Hòa Bình, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Quảng Trị, Liên Khu 5 nhận được tin anh mất đến thăm viếng rất đông. Hôm đó, tôi ngồi suốt đêm dự lễ tống chung và cùng mọi người đưa anh ra nghĩa trang nơi yên nghỉ cuối cùng.
     Về nhà tôi rất tiếc cho anh Long không kịp đi dự lễ kỷ niệm 50 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ. Tôi đi dự lễ gặp nhiều đồng đội của anh, không biết anh đã từ trần vẫn hỏi thăm, khi biết tin thì nói:
     - Anh Cao Long là một cán bộ có tài, có công đã làm cho quân Pháp, quân Mỹ phải nể sợ oai linh của mình. Anh vinh dự nhiều lần được gặp và làm việc với Bác Hồ và được Người khen thưởng. Anh được Đại tướng Võ Nguyên Giáp quý mến. Tuy cuộc đời và sự nghiệp có phần bị trắc trở, nhưng đời anh là một tấm gương sáng làm theo lời dạy của Bác, chỉ thị của Đại tướng trong chiến đấu cũng như chỉ đạo tác chiến và xây dựng quân đội ta tiến lên chính quy hiện đại.
     Tết năm 2005, tôi về thăm và thắp hương tưởng niệm anh Cao Long. Chị Hoàn con dâu trường của anh báo tin:
     - Tết này gia đình vẫn nhận được Thư chúc Tết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chắc là Đại tướng chưa biết tin cha em đã qua đời. Nhờ chú Vận báo tin cho Đại tướng được biết nhé!
      Qua những mẩu chuyện của anh Cao Long nói về tình cảm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với anh và những lá thư Chúc Tết mỗi khi Tết đến xuân về. Gần 30 năm anh Long về nghỉ hưu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn không quên anh, người chiến sỹ của mình. Việc đó minh chứng cho tình cảm sâu nặng của vị Đại tướng văn võ song toàn với những người có công lao tham gia đóng góp xây dựng quân đội ta và lập nên kỳ tích đánh thắng giặc Pháp, giặc Mỹ xâm lược.
 
                                                                                   T.H
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
-
 
 
 
 
-
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Quảng cáo
congnhan12345
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 4
Trong ngày: 4
Trong tuần: 648
Lượt truy cập: 377077

VŨ NHO 085 589 0003

CHÚC MỪNG TS NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC VỚI TẬP THƠ ĐỘC ĐÁO, IN ĐẸP!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÁI PHỤC BÀ MÂY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Thuộc loại "chuyện bây giờ mới kể" đây! Cám ơn tác giả! Mượn lời bà SUỐI để nói về bà MÂY: "Bái phục bà MÂY" ! Haiza!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN VÀ BAN BIÊN TẬP ĐÃ ĐĂNG BÀI VIẾT NHÂN DỊP NHÀ THƠ NGUYỄN HUY HOÀNG RA MẮT TUYỂN THƠ VÀ TRUYỆN KÍ TẠI HỘI TRƯỜNG HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM!

 

Cầm Sơn - 0913269931

Cũng cần cảm thông với ông Troussier. Nếu nói về thành tích trong quá khứ, ông Park Hang Seo không thể sánh với ông Troussier được. -Trong sự nghiệp huấn luyện đồ sộ của mình, giai đoạn thành công nhấ...

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN! ÔNG HLV NGƯỜI PHÁP CHƯA BAO GIỜ THÀNH CÔNG "VANG DỘI"! CÓ ĐIỀU NÀY ĐÚNG: CHẢ NÊN TRÁCH ÔNG TA NHIỀU! TRÁCH LÀ VFF QUÁ TIN ÔNG TA, KẺ CAO NGẠO, BẤT TÀI! VẬY THÔI!

 
Xem toàn bộ
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0964 131 807
Email: soncam52@gmail.com
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công nhân.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông Chi hội Nhà văn Công nhân.