Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

THÀNH PHỐ LÊN ĐÈN

 Nguyễn Đình Phúc

296918960_3167772736871910_5035805233797927532_n

"THÀNH PHỐ LÊN ĐÈN" - NIỀM THƠ THẮP SÁNG TRONG ĐÊM

    Cầm đọc tập thơ mỏng đầu tay của Nguyễn Hải Yến, tôi đã có ngay sự chú ý, bởi ở đâu tôi không biết nhưng ở Phú Thọ, hầu như rất lâu rồi ta chưa có tác giả nữ trẻ chững chạc ra mắt tập thơ với nhiều thông điệp gửi gắm và lạ. Tôi coi đây là một sự phát hiện thơ trẻ của Phú Thọ, và không chỉ ở Phú Thọ, tôi tin như vậy.
Xưa nay, việc cha và con gái viết văn làm thơ đâu có nhiều. Có thể kể ra các cặp nhà văn cha - con gái thành danh và nổi tiếng như Nguyễn Công Hoan - nữ tử Lê Minh, Chế Lan Viên - Phan Thị Vàng Anh, Trúc Chi - Khánh Chi, Phạm Hổ - Phạm Sông Hồng, Nguyên Hồng - Nguyễn Thị Anh Thư, Lê Hồng Thiện - Lê Hồng Nguyên. Đấy là các cặp cha - con gái sống và viết phần đông ở Hà Nội. Lời khích lệ này tôi muốn dành cho Hải Yến, con gái nhà thơ Nguyễn Hưng Hải, vừa ra mắt tập thơ đầu tay, liệu có ghi tên mình vào cặp bố - con gái cùng sáng tác thơ, cùng được công chúng yêu thích, là vấn đề của thời gian.
Với chỉ 25 bài thơ trình làng, tuy không nhiều, nhưng đọc thơ Hải Yến có cảm giác cô đang có độ chín về tư duy và bút pháp, từ lập lời tới lập ý, cấu trúc thơ chặt và có tay nghề.
Yến mặc nhiên không giấu diếm, thơ cô chịu ảnh hưởng nhiều về phong cách thơ của bố: nhà thơ Nguyễn Hưng Hải. Yến bảo không hiểu sao, cô đã đọc không ít thơ đến giờ, nhưng cuối cùng cô vẫn thích nhất giọng thơ của bố Hải, nên không có gì ngạc nhiên tư duy trong thơ Yến có phần ảnh hưởng theo mạch thơ suy tư của bố.

Có ba điều nổi bật trong tập thơ chú ý:
I - Ba tấm gương soi cuộc đời
II - Một lần nổi loạn duy nhất
III - Từ lập ý tới lập lý trong thơ

I
   Ba tấm gương soi chiếu ấy, nằm ở ba bài đầu tiên, hình như Yến có chủ ý khi sắp đặt, đó lần lượt là các bài : Lời của bố- Sinh nhật Halloween- Chiếc gương.
Tại sao tôi gọi đó là ba tấm gương, ta sẽ thấy rõ khi đọc.
"Lời của bố", là học ở bố suy tư trăn trở trước cuộc đời, được cô thêu dệt thành những vần thơ nghiêm giữ:
“Bố chẳng thể là cọc tiêu bên đường nhắc con bao ngã rẽ
Con phải học trong bao nhiêu trường học, giữa trường đời lấy đời bố mà soi”
Rồi:
“Bố không thể ở mãi bên con trên mỗi bước con qua
Con phải biết trèo thang không có bàn tay vịn…”
(...)
“Cá trong ao tránh sao không mắc lưới
Nếu có buồn hãy tự lấy gương soi”

Đây hẳn là "lời tuyên ngôn" mở lối vào thơ Yến, dung dị đời thường thẳm chiếu tâm hồn trẻ trung. Lời của bố là vạn vạn dặm xa giữa bon chen đường đời khổ lụy, được đúc kết thành kinh nghiệm sống truyền lại cho con gái, học cách tỉnh táo, "như que diêm lách qua hai ngọn lửa"* làm sao thoát qua khe hẹp đó mà mình không bị cháy rụi khi chưa tới đích. Soi vào lời bố để thấy cách thức làm người, rút ra bài học tự rèn giũa, dũng cảm vượt qua cạm bẫy lưới đời: Cô con gái yêu của ông đã thấm thía điều đó, kết lại trong thơ như cẩm nang sống.
Đặt sau bài "Lời của bố” là bài "Sinh nhật Halloween". Có phải Yến sinh vào đúng ngày Halloween?! ngày hội hóa trang. Có phải đây là lý do làm cho lo lắng của mẹ càng có cớ tăng hơn, khi bài thơ cứ lặp đi lặp lại điệp từ mẹ bảo thế này, mẹ lại bảo thế kia, bảo đến sốt ruột?, vì sao vậy, vì đây là ngày hội hóa trang, mọi cái nhìn thấy đều không thật, vì ai cũng đeo mặt nạ, ai cũng diễn, nên mình cũng phải diễn, không thể thật lòng mình, phải hết sức cảnh giác:
“Mẹ bảo là ngày ra đường mang mặt nạ”
“Mẹ bảo là ngày cái quen thành cái lạ”
“Mẹ bảo cứ ra đường là phải diễn”
“Về nhà nhớ đóng cửa cài then…”
Vì sao mẹ lại dặn đi dặn lại kĩ như thế, thương con thân gái dặm trường, đường đời nhiều gian nan cạm bẫy đã đành, hay còn nguyên do thầm kín khác, nên niềm thơ cứ đay trở, và tôi cũng đã không sai. Tôi nhớ có lần nhà thơ Hưng Hải bảo vợ ông kể cho ông nghe chuyện kinh hoàng ngày xảy ra cuộc chiến tranh biên giới 1979 ở biên giới phía bắc, lúc ấy hai người chưa quen biết, vợ ông là bộ đội, ác liệt thế nào đã đành, nhưng kinh hoàng nhất cái ngày giặc tràn qua vây bắt tốp nữ bộ đội ta, chúng bắt được mấy đồng đội của bà, đánh đập hãm hiếp tập thể rồi giết dã man ngay khoảng cách cô nhìn rõ, cô may mắn thoát nạn gang tấc, khi được ông già bản sứ cắt hẻm núi dẫn chạy thoát, sự căm hận và nỗi man rợ ấy đã ám ảnh bà suốt đời, đến nỗi sau này tĩnh trí về công tác ở cơ quan, bà chỉ một niềm chăm chỉ làm công việc đánh máy suốt đời yên phận đến lúc về hưu, dành sức chăm sóc con cái, mặc dù có nhiều cơ hội vươn lên đi học và phấn đấu. Hẳn là những trắc ẩn đó mẹ giấu kín trong mạch ngầm ký ức, chuyển hóa thành những lời gan ruột "mẹ bảo" từng đêm… rót vào miền rung cảm thẳm sâu tâm trí con gái, như giọt mưa tí tách, cốc nước một ngày đầy lên lời mẹ bảo, thanh tẩy tinh khiết, để Yến đủ lý trí để hiểu, dù diễn thế nào ở ngoài đời nhưng cũng phải trở lại bản ngã cuối cùng, phải sống thật với lòng mình, trả nghĩa cuộc đời cha dưỡng mẹ sinh. Câu cuối như giọt nước tràn ly lại chứng cho những hoàn hảo của tâm hồn:
“Sinh nhật em đúng lễ Halloween
Qua lễ hội mặt nạ buông mình không đất diễn
Cây rụng lá cành khô còn chứng kiến
Không thể nào không thật trước ngày sinh”
"Chiếc gương" thứ ba là chiếc gương soi ngoài đời vô cùng biến ảo, nhiều phản chiếu, biến dạng, chập chờn ảo thực khó nắm bắt. Thực là bởi vì khi ánh sáng ban ngày nó soi rõ những gì hiện trước nó, nó ảo vì bóng trong bóng, cái không nắm bắt được, cái bên trong, nhưng cả trong bóng tối đời sống vẫn đang diễn… cuối cùng bài thơ đưa ra cái triết lý về cái gương ngoài đời phải biết soi, gương không sáng không thể soi, không thể soi gương không sáng bởi vì: không sáng nổi phía đằng sau bụi bám.
Ba bài thơ này là ba bài thơ hay, được bố cục chủ ý theo thứ tự 1, 2, 3 là ba cái gương canh giữ tâm hồn, soi vào đó để nhận thức, rèn giũa nhân cách, gìn giữ phẩm giá để thắp sáng vào đêm tối.

IInguyen_hai_yen
   Thơ Yến nhiều suy tư chiêm nghiệm so với tuổi cô, lý lẽ mà không ồn ào, ưa kín đáo, rất ít khi cô bộc lộ điều riêng tư, tạng Yến như thế. Nhưng có một lần và chỉ một lần duy nhất cô cho phép bộc lộ mình, huyền diệu thanh tân dưới gót giày cao gót nhảy múa ma thuật, bỏ bùa:
“Lúng liếng mắt cười, rung rinh nhịp váy
Nhịp bước nào chàng trai trật gót dõi trông theo…”,
“Giày cao gót nhịp nhịp những vòng xoay”
“Giày cao gót nồng nàn hay rượu khiến ta say”
“Cho lạc điệu bàn tay bên vòng xoay gợi cảm”
để cho:
“Cứ từng nhịp thấp cao không còn là khoảng cách
Dạ tiệc tan rồi trật gót dõi trông theo…”
Đây là bài thơ rất gợi trong cách thể hiện, giày cao gót xoáy lượn trong cuồng vũ, mê man bùng cháy, cho người biết ta là ai, ta là thế nào. Cuồng say nhưng vẫn tỉnh táo chủ động, trong cách cố ý nhảy lạc nhịp, mà tinh tế thầm kín bên trong, xem ai chàng trai nào hiểu được mật mã ấy. Đây là một bài thơ mà Yến trình làng vẻ rực rỡ thanh xuân rõ nhất về con gái thời @. Chỉ tiếc rằng là bài thơ duy nhất Yến lộ mình với thiên hạ, sau đó còn có bài "tặng thơ cho người", ẩn ức một chút dùng dằng tặng thơ cho người người có đọc?, dù người không đọc thì viết cho mình đọc, tâm hồn thao thiết ấy lại rất cao ngạo trong cá tính:
“Viết để cho riêng mình và biết đâu có lúc
Người lại đi tìm bản nháp để phô tô”
Tôi cứ lo lo, cái đẹp choàng lớp kiêu sa ấy, liệu có đồng điệu trong nền kinh tế thị trưởng mờ nhân bản, văn chương chỉ là thứ nhàm tai gió hú, liệu có đi tới tận cùng …
Chỉ hai bài thơ này này thôi, bật thức cao ngạo hay trầm lặng, vẫn chứng tỏ cô là con gái nhà lành, có học hành tử tế trước bao hợm hĩnh thừa tiền nhiều của. Thơ thấy sự lóe chớp, mới lạ trong cách thể hiện, cố gắng thoát ra ngoài cái bóng của bố cô, khi chỉ với tập "Ban mai chóng mặt" tập thơ đầu đời của ông đã gây xôn xao dư luận, niềm thơ thảng thốt, can dự thời cuộc, người duy nhất đến nay nhận giải thưởng Hùng Vương, giải thưởng văn học cao quý nhất, 5 năm một lần của UBND tỉnh khi còn rất trẻ.

306173927_1249981272403286_1215023559498596402_n

III
   Trở lại với cách lập lời tới lập lý thơ Yến, những cung bậc sáng tác. Vài ví dụ để thấy rõ điều đó: Người ta vốn hay nói "hổ không ăn thịt con" thì ta hiểu không ai ăn thịt đồng loại, nhưng trong bài "Kền kền", Yến đã đưa ra một phát hiện mới, kền kền là động vật ăn thịt, nhưng chỉ ăn thịt động vật khi đã chết, thối rữa kể cả đồng loại, ăn sạch không bỏ. Chúng tồn tại nhờ ăn xác chết kể cả xác đồng loại khiến người đọc không cảm thấy gét con vật này quá đáng, ở chính những câu thơ khiến ta thay đổi:
“Dang đôi cánh tung bay nhờ xác chết
Chết làm mồi cho đồng loại đang bay”
Sẽ không thấy cảnh cá lớn nuốt cá bé, máu chảy chí chóe khi tranh giành, ăn tươi nuốt sống ghê rợn, mà ta vẫn thấy ở mọi nơi.
Bài thơ "cây nến", cũng tương tự, muốn cháy được thì trước hết phải đứng, muốn đứng được phải dựa vào bấc bện, như con người phải dựa vào sức lực đôi chân của chính mình, mượn hình ảnh cây nến để soi chiếu cuộc người. tự đốt mình lên sáng ràng rỡ, đam mê hết mình đến khi khọm xuống làm cái nạng, như người già còng xuống vì kiệt sức là những thi ảnh lạ trong ẩn dụ… 
Bản tính làm lạ làm mới những nhàm chán cũ, lối mòn quen thuộc, thể hiện cá tính năng động không chịu thụ động lối sống mòn mỏi chính là tạo mới sinh khí để cứu vãn cuộc sống diễn ra nhàm chán, cằn cỗi, là tâm ý Yến muốn gửi gắm trong sáng tác thơ:
“Làm mới lại những điều nhàm chán
Làm lạ đi những thói quen thức dậy sẽ là ngày” (Thức dậy sẽ là ngày).
Thơ của Yến có nhiều dụng công trong xác lập cấu trúc, thường là sự quan sát những sự vật hiện tượng tỉ mỉ từ hình thức tới bản chất sự vận động, tạo ra triết lý của câu thơ, thấy rất rõ ở cả các bài khác như: Giày cao gót, Kền kền, Biển hẹn, Cây nến, Đồng hồ, Sợi giây, Có những cơn giông…
   Hình tượng biểu trưng cho hạt thóc, trong bài "Nghĩ về hạt thóc", là một chuỗi liên tưởng, được đẩy lên theo cấp độ hình chóp của tâm tưởng, gắn với câu chuyện truyền thuyết về hạt thóc:
Hạt thóc ban đầu giống như: "ngọn lửa" khi cắm dảnh mạ, rồi hạt thóc "hình con mắt", nâng lên "hình con thuyền", vào bánh chưng bánh giày hạt thóc mang "hình trời đất", giặc giã mưa nắng mang "hình giọt máu", chắp cánh cuộc đời mang "hình con dấu", vua chọn Lang Liêu truyền ngôi, hạt thóc mang "hình vương miện" ngàn năm. Là một bài thơ bao quát có tính tư tưởng.
Trong thơ, đạt tới sự thảng thốt lý lẽ, là điều không hề dễ:
“Tự đốt mình lên và tự làm cái nạng
Hõm xuống dần cho lửa thẳng mãi lên” (cây nến).
Hay trong bài "có những nỗi buồn chẳng biết gọi tên", trong đời tôi chắc ai cũng có những lúc buồn vô cớ hay vu vơ vô thức, như gỗ cắm đinh, buồn đau vô định không dễ nói gọi tên, nhưng có hai câu cuối đã cứu cái buồn bằng chính nó, có những nỗi buồn long lanh như hai giọt lệ, không thể không có nó, trong thẳm sâu nỗi buồn Yến đã tự cất lời như một cứu cánh:
“Nỗi buồn làm khổ đau, nỗi buồn làm héo rũ 
Nhưng không còn biết buồn sẽ không thể vượt lên”
Sau cái lý ấy hẳn vẫn còn thăm thẳm cái tình.

   Thơ chiếm lĩnh cảm quan, khả năng suy tư một cách logic từ quan sát hiện tượng, cày xới lật đi lật lại ý tứ như sự mổ xẻ có chiều sâu và tính khái quát của hiện tượng, cảm hứng ý tại ngôn ngoại, không sa đà vụn vỡ khiến người đọc qua đó phải suy nghĩ cảm thụ rồi rút ra cái lý trí của nàng thơ, cách suy lý tuy nhiên sẽ khó thấy được cảm xúc chứ chưa phải mạnh về cảm xúc, đây cũng là điểm hạn chế của thơ cô, khiến có người nghĩ thơ Yến còn thiếu những đằm thắm, những cảm xúc xôn xao trữ tình, cả ít những thi ảnh thơ trong sự tập trung diễn đạt, họ có lý của họ.
Nhưng theo tôi đó là chuyện bình thường, kẻ khen lạ mới, là hiện tượng thơ trẻ không chỉ ở Phú Thọ, người bảo thế kia cũng bình thường. Tôi nghĩ tập thơ "Thành phố lên đèn", có dư luận khen chê, khen nhiều hơn đã là điều thành công. Có điều tôi biết Yến đã viết tập thơ này một cách bằng cả nỗ lực và tâm thế của người thơ trẻ, mang thân phận bão lòng dồn vào đêm của sóng với tính cách mạnh mẽ, với chiều sâu của trí tuệ, nỗi niềm khát khao thắp sáng. Khi nghĩ về thơ Yến không hiểu sao tôi cứ nghĩ về dảnh mạ cắm xuống bùn "hạt thóc mang hình ngọn lửa", như ngày mai có nhiều đón đợi... khi thành phố đã lên đèn... chỉ cần tin…?!

                                                                                 N.Đ.P

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 

VŨ NHO 085 589 0003

CHÚC MỪNG TS NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC VỚI TẬP THƠ ĐỘC ĐÁO, IN ĐẸP!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÁI PHỤC BÀ MÂY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Thuộc loại "chuyện bây giờ mới kể" đây! Cám ơn tác giả! Mượn lời bà SUỐI để nói về bà MÂY: "Bái phục bà MÂY" ! Haiza!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN VÀ BAN BIÊN TẬP ĐÃ ĐĂNG BÀI VIẾT NHÂN DỊP NHÀ THƠ NGUYỄN HUY HOÀNG RA MẮT TUYỂN THƠ VÀ TRUYỆN KÍ TẠI HỘI TRƯỜNG HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM!

 

Cầm Sơn - 0913269931

Cũng cần cảm thông với ông Troussier. Nếu nói về thành tích trong quá khứ, ông Park Hang Seo không thể sánh với ông Troussier được. -Trong sự nghiệp huấn luyện đồ sộ của mình, giai đoạn thành công nhấ...

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN! ÔNG HLV NGƯỜI PHÁP CHƯA BAO GIỜ THÀNH CÔNG "VANG DỘI"! CÓ ĐIỀU NÀY ĐÚNG: CHẢ NÊN TRÁCH ÔNG TA NHIỀU! TRÁCH LÀ VFF QUÁ TIN ÔNG TA, KẺ CAO NGẠO, BẤT TÀI! VẬY THÔI!

 
Xem toàn bộ
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0964 131 807
Email: soncam52@gmail.com
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công nhân.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông Chi hội Nhà văn Công nhân.