Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

THẦN RỪNG

Cầm Sơn
 
THẦN RỪNG
 
1.
   Bản tin thời sự của Đài truyền hình liên tục đưa tin và truyền tải hình ảnh về đại nạn lụt bão đang hoành hoành gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của tại các tỉnh miền Trung. Nhiều người đã tổ chức các đoàn thiện nguyện mang quà đi ứng cứu đồng bào các vùng bị nạn. Tuy mình tuổi cao nhưng không nhẽ lại ngồi khoanh tay xem không làm gì? Vậy thì phải viết một cái gì đó ít ra nó cũng có thể mang lại một thông điệp nho nhỏ góp phần chung tay bảo vệ môi trường. Nhưng muốn viết phải có tư liệu chứ nghỉ hưu hơn chục năm rồi thì làm gì còn có chi tiết, hình mẫu nào phù hợp nữa. Nghĩ vậy, tôi bèn lấy cuốn sổ danh bạ điện thoại được ghi chép từ thời còn chưa nghỉ hưu dò tìm xem ai có thể giúp được việc này. Tôi chọn một cái tên trong danh bạ là Lò Đăng La, Giám đốc Vườn Quốc gia Hoa Sơn. Rất may là số điện thoại vẫn do Lò Đăng La sử dụng và khi trả lời trước máy ông xướng tên tôi ngay, chứng tỏ là ông vẫn lưu số máy của tôi, chỉ khác là ông không còn làm Giám đốc Vườn Quốc gia nữa mà bây giờ làm Phó chủ tịch huyện Tân Giang nơi tôi công tác ngày trước. Nghe đề xuất của tôi, Lò Đăng La vui vẻ:
-  Bây giờ thay đổi nhiều lắm rồi bác ơi! Không thiếu mô hình những trang trại kiểu mẫu, làm ăn phát đạt, xây dựng và phát triển vốn rừng bền vững cho bác thực mục sở thị để viết, mời bác cứ về vài ngày tìm hiểu cho nó ngọn ngành!
- Tôi có dự định viết truyện ngắn chứ không làm phóng sự nên không cần gặp gỡ nhiều, chỉ cần gặp người nào có những chi tiết đặc biệt để xây dựng truyện thôi!
- Yêu cầu của bác thế thì lại đơn giản hơn, vậy thì bác không cần phải có giấy giới thiệu của tổ chức nào nữa, khỏi phải thông qua cấp nào cho nó phiền phức vì việc này là việc cá nhân, bạn bè thăm thú nhau thôi. Em sẽ nhắn tin cho bác số điện thoại của một nhân vật khá đặc biệt để bác liên lạc và em sẽ gọi cho cậu ta trước, cậu ta sẽ đón tiếp bác chu đáo. Khi nào bác lên gặp cậu ta bác nhắn tin để em cùng đến. À mà ngày trước khi còn làm việc  chắc bác cũng có biết nó đấy! Thằng Nhạn, Trương Lương Nhạn, bác còn nhớ nó không?
- Lâu quá rồi, cũng không nhớ rõ lắm!
- Cái thằng lâm tặc nổi tiếng cả huyện, cả tỉnh mà bác không nhớ ra à!
- Ồ! thế thì nhớ ra rồi!
 
2.
   Hắn đứng trên một mỏm đá chênh vênh cao vút giữa sườn núi, nhìn xuống vời vợi lổn nhổn đồi rừng xanh vàng lốm đốm. Bỗng mây ập về như một thứ keo đen xì đặc quánh trộn đất với trời, rồi một tia chớp loá sáng  phóng thẳng vào nơi hắn đứng, tiếng nổ chói tai hất hắn văng ra hun hút lao xuống vực. Hắn hét lên, bừng tỉnh được một khoảnh khắc. Hắn lờ mờ nhìn thấy một khuôn mặt phụ nữ, hình như là mẹ hắn. Một cảm giác mơn man mát mẻ xoa vuốt trên mặt hắn. Hắn lại thấy mình bồng bênh lãng du giữa lưng chừng trời rồi chìm vào giấc ngủ dịu êm...
   Bố hắn lảm Tổng giám đốc một công ty xây dựng, gia đình có điều kiện nên hắn chẳng thua kém “ bố con thằng nào”. Học xong Phổ thông, không thèm thi Đại học trong nước, hắn mặc kệ ông bô bà via phải lo bố trí cho hắn đi du học tận Singapo. Vốn quen  được chiều chuộng nên hắn luôn luôn là “đại ca” của các cuộc thú vui bất tận. Tiền bố hắn không thiếu, nhưng nhà trường thì không chấp nhận vì hắn đã hai lần học xuống khóa sau mà vẫn  không theo kịp chương trình. Hắn trở về nhà giúp việc trong công ty của bố hắn. Được mấy tháng, lợi dụng  sơ hở của công ty và  sự nể nang của các cán bộ trong công ty đối với con Tổng Giám đốc, hắn ôm trên ba trăm triệu đồng của công ty bỏ đi  mất dạng. Khi hết tiền thì hắn đã dính vào ma túy. Hắn thất thểu trở về nhà, do bố hắn đã bịt bọc nên hắn không bị các cơ quan pháp luật sờ gáy. Nhưng bố hắn thì không thể chịu đựng nổi cái sự nghiện hút của hắn, sỉ vả mãi cũng không được, ông định đưa hắn vào trại cai nghiện thì mẹ hắn lại ngăn cản. Bố hắn bèn cho thợ đến làm  cửa sắt hàn bịt một căn phòng trên tầng hai. Suốt ngày hắn làm bạn với ti vi, máy tính và sách báo trong căn phòng khép kín ấy. Sau hai tháng, bố hắn đinh ninh là hắn đã cai nghiện được vì không thấy hắn có biểu hiện gì, thế là hắn lại được thả ra. Bố hắn đâu có ngờ rằng trong thời gian hắn bị nhốt vẫn có “bạn bè chí cốt” của hắn cung cấp thuốc thông qua cái cửa sổ mà bố hắn không để ý. Hắn biết không thể ở nhà mãi kiểu này được, thế là hắn lại lừa mẹ lấy đươc một khoản tiền lớn rồi phóc lên rừng theo ông chú họ đi làm sơn tràng kiêm buôn gỗ. Sau này hắn được biết bố mẹ hắn ra tòa ly dị vì người nọ nghi kỵ người kia bồ bịch. Chính vì vậy hắn biệt tăm luôn không còn liên hệ gì với họ nữa.
  Chiều hôm qua, sau khi cùng anh em trong tổ bốc xong xe gỗ, hắn được ông chú chỉ định đi theo xe cùng ông về xuôi. Vừa mới bắn gỗ lên xe xong, trong người còn đang nóng hừng hực, hắn bảo ông chú để hắn ngồi tạm chốc đống gỗ trên thùng xe cho mát, ra đến đường lớn hắn sẽ vào cabin sau. Cùng ngồi trên thùng xe với hắn còn có chị Tơ, vợ anh Kim là một tổ viên trong tổ lên thăm chồng theo xe về. Chiếc xe chở gỗ nặng nề vượt  đoạn đường ngầm qua suối Tấc lên đến đỉnh dốc thì bị Patine, bánh xe bên trái quay tít làm đất sỏi bắn về phía sau như một vòi bơm nước. Người lái xe và chú hắn nhảy xuống để kiểm tra đường. Họ vừa mới xuống khỏi xe thì chiếc xe cứ từ từ nghiêng dần về bên trái mỗi lúc một nhanh, hóa ra nửa phía bên trái chiếc xe đang đứng trên một đoạn đường đất mượn. Theo phản xạ, hắn co chân  nhảy bừa ra khỏi xe, hắn kịp nhìn thấy chiếc xe đổ lăn kềnh xuống khe suối cạn rồi ngất lịm.
   Hắn thực sự tỉnh táo vào lúc nửa đêm, mở mắt nhìn thấy một ngọn đèn điện đung đưa treo phía ngoài khung cửa chỗ bước lên cầu thang của một ngôi nhà sàn, phía gần cửa sổ có mấy người đàn ông đang ngồi hút thuốc lào vặt. Định thần nhìn kỹ, hắn nhận ra ông bủ Cầm Ùi và mấy người cùng tổ khai thác với hắn, hắn cất tiếng gọi nhưng ú ớ không ra tiếng. Hắn nghe rõ một giọng con gái:
- Bố ơi! mọi người ơi! anh ấy tỉnh rồi này!
Mọi người đổ xô đến bên hắn, ồn ào, hình như ai cũng nói, ai cũng hỏi hắn. Hắn lại nghe giọng nói của cô con gái:
- Thôi! mọi người tản ra đã, anh ấy còn yếu lắm, cần giữ yên tĩnh!
  Bây giờ thì hắn đã nhìn rõ cô gái, ấy là Phương, con gái ông Cầm Ùi đang học Đại học Y Thái nguyên, hắn đã gặp cô mấy lần khi hắn vào chơi nhà ông Cầm Ùi lúc cô được nghỉ học về nhà. Phương lấy khăn nhúng nước lau mặt cho hắn, hắn thấy tỉnh táo hơn nhiều.
- Anh tỉnh hẳn chưa, anh thấy trong người thế nào?
- Cám ơn Phương, tôi biết rồi, tôi bị tai nạn!
- Thôi! bây giờ anh phải ăn một chút cháo, kẻo bị lả đấy!
   Phương bón từng thìa cháo cho hắn, hắn thấy cổ họng cứng ngắc, đắng nghét nhưng vẫn cố gắng nuốt được nửa bát...
    Hắn được biết là hắn chỉ bị trật khớp xương vai và do va đập nên bị ngất xỉu, còn chị Tơ thì bị cả xe gỗ đổ ập xuống, tổ khai thác phải cạy gỗ đến nửa đêm  mới lấy được xác ra. Chú hắn cùng một vài người đã đưa xác chị Tơ về quê lo an táng, còn hắn thì được mọi người khiêng vào nhà ông Cầm Ùi, chẳng là vì ông Cầm Ùi rất giỏi việc nắn, bó xương. Trong vùng, ai không may lỡ bị gãy xương đều đến nhờ ông nắn, chỉ dăm lần thay bó lá là liền. Rất may cho hắn là Phương vừa thi tốt nghiệp xong đang về nhà đợi cấp bằng nên hắn lại được cô chăm sóc.
   Sau khi bình phục, hắn được ông chú giao hẳn cho việc đi áp tải theo xe không phải lên rừng cùng tổ chặt gỗ nữa. Việc làm ăn của chú cháu nhà hắn ngày càng phát đạt, từ một tổ khai thác, ông chú  hắn đã xây dựng thành bốn tổ với trên ba chục con trâu kéo. Nghe theo lời một ông bạn làm nghề bói toán rằng rừng núi là nơi thâm nghiêm u tịch, Chúa Thượng Ngàn, Thần Rừng cho lộc nhưng cũng nên “bất tận hưởng” để giữ lấy sự vững bền. Thế là ông giao lại toàn bộ sự nghiệp cho hắn, còn ông về quê nghỉ an dưỡng tuổi già. Trước khi về ông không quên dặn hắn lời khuyên của ông thầy bói bạn ông.
   Do tinh nhanh, lại khéo léo, được lòng những người trong các cơ quan quản lý rừng nên hắn kiếm được bộn tiền. Từ sau vụ bị tai nạn, hắn thường xuyên đến nhà ông Cầm Ùi  như người trong gia đình. Lửa gần rơm, hắn và Phương trở nên thân thiết, khi cô được điều về công tác ở bệnh viện huyện, chiều thứ bảy nào hắn cũng đánh xe đi đón Phương về nhà. Hắn vốn khéo léo, lịch lãm nên được ông bà Cầm Ùi quý mến... và rồi hắn trở thành con rể của ông bà.
*
   Sau chỉ thị 90/CP về đóng cửa rừng, biết là việc khai thác gỗ rừng tự nhiên sẽ khó khăn hơn nhưng vẫn còn có thể tranh thủ luồn lọt làm thêm được dăm ba năm nữa. Hắn bàn giao tổ khai thác cho một người bà con để đi mua ba chiếc xe ô tô loại “hai dàn, hai dí” chuyên vận chuyển, buôn bán gỗ, tập trung vào việc vận chuyển những loại gỗ quý đắt tiền như pơmu, chò chỉ, bách xanh...Suốt một dải từ Sơn La, Nghĩa Lộ chạy về Hà Nội, ở một vài trạm kiểm soát lâm sản, hắn mua được người làm “chân gỗ” cho hắn. Có nơi đích thị Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm còn là bạn thân thiết với hắn. Trần Hán, hạt trường Hạt Kiểm lâm huyện Tam Gò nói với hắn:
-  Chú mày cứ chạy khoảng năm, bảy chuyến thì cũng phải để bọn anh bắt một chuyến. Có thế mới giữ kín được mối quan hệ của anh em mình.
-  Anh bảo năm, bảy chuyến anh bắt một chuyến nhưng em phải chạy qua cũng đến năm, bảy cái hạt như bọn anh, hạt nào cũng thế thì em bị bắt tất cả à?
-  Cái đó chú mày phải tự lo, một cao thủ lâm tặc nổi danh như chú mày mà anh không bắt được vi phạm lần nào thì có khác chi “Lạy ông tôi ở bụi này”. Lần nào cho bắt anh sẽ chỉ đạo, liệu mà chở những loại gỗ phù hợp và chở ít thôi. Mà bắt rồi thì cũng hoá giá bán lại ngay cho chú mày ấy mà, bất quá thiệt hại mất vài “xập” đáng gì! Lúc nào muốn gặp nhau không được đến nhà riêng, cứ phôn hẹn gặp ở quán xá nào kín đáo là được, càng giữ kín được mối quan hệ bao nhiêu càng tốt!
- Vâng, em đâu dám trái lời đại ca! Chủ nhật tuần sau mời anh lên Thanh Lâm làm một chầu thịt dê, mà lại còn có cả “nai tơ” nữa, tuyệt lắm thủ trưởng ạ!
- Ừ! nhưng phải kín đáo, an toàn mới được!
- Yên trí lớn đi thủ trưởng!
- Mà chú mày vẫn hút hít đấy hả, phải tránh xa ngay không rồi “hát ết” là bỏ xừ đấy!
- Thủ trưởng nói lạ, làm ra tiền không xài thì để làm gì. Dặt dẹo là cái lũ không có tiền, chích choác lôm côm thì mới bị bệnh, chứ cứ như em, dùng toàn loại cống xịn thì chỉ có khoẻ lên, tỉnh táo thông minh hơn lên thôi. Em nghĩ thủ trưởng cũng nên thử xem sao, làm người mà không biết hưởng cái khoái cảm ấy thì đâu có phải là người quân tử!
- Chỉ được cái bậy bạ. Thôi, biến!
Và cái “chủ nhật tuần sau” ấy đã làm cho Trần Hán ‘thân bại danh liệt”. Sau khi nhậu “thịt dê đủ món”, Hắn cho bố trí một “em nai tơ” phục vụ “thủ trưởng” rồi kéo nhau đi hát Karaoke. Thật không may cho Trần Hán, gặp ngay đội Trật tự cơ động đi kiểm tra, thế là bị khép vào tội “Giao cấu với trẻ vị thành niên”. Chạy chọt ngược xuôi mãi mà vẫn bị Toà án xử phải đi “bóc lịch” mất mấy năm. Còn hắn cao số thoát được, hú vía!
    Sau vụ ấy, việc khai thác vận chuyển lậu gỗ tự nhiên đối với hắn càng khó khăn, một là do rừng cũng đã cạn kiệt, hai là công tác quản lý rừng của ngành Kiểm lâm ngày càng chặt chẽ, nghiêm minh, khó mua chuộc được cán bộ kiểm lâm. Để có điều kiện tiếp tục làm ăn,  hắn xin  mở công ty lâm nghiệp tư nhân với nhiệm vụ vừa khai thác, vừa trồng rừng. Hắn lại có những người bạn mới ở các công ty lâm nghiệp quốc doanh và các dự án lâm nghiệp. Hắn mua thêm dăm bẩy chiếc xe vận tải  nữa, ngoài việc vẫn túc tắc vận chuyển lậu các loại gỗ quý rừng tự nhiên, hắn ký hợp đồng khai thác và vận chuyển cho các công ty lâm nghiệp gỗ nguyên liệu rừng trồng. Do biết cách sàng xảy, đổi gỗ nhỏ lấy gỗ to, lợi dụng vào việc quy đổi đơn vị đo lường không thống nhất giữa khối lượng và trọng lượng ở các công ty lâm nghiệp với nhà máy, đồng thời liên kết thành ekip với một số người giữ trọng trách, hắn giầu lên nhanh chóng.
   Những người nghiện hút thì thường rất khéo léo. Trong dân gian đã có câu “Đừng nghe ca ve kể chuyện, chớ nghe thằng nghiện trình bày”. Nhưng đối với hắn thì khác, cái khéo léo mềm mỏng của anh nghiện cộng với việc sẵn tiền trong tay mạnh chi, hào phóng, quan hệ rộng rãi đã dễ dàng mua được lòng người. Hắn móc nối với Hoàng Nghiêm - Giám đốc dự án 661 của huyện, thuê đàn em phóng hoả đốt cháy rụi cả một vạt rừng khoanh nuôi rồi đứng ra xin được cấp đến hơn một trăm héc ta đất ở đám rừng cháy ấy để trồng lại rừng.
   Khi có nhiều tiền, người ta lại thích có danh. Cái công ty lâm nghiệp tư nhân Phương Nhạn nổi bật lên qua những trang quảng cáo của nhiều tờ báo nọ, tạp chí kia, thậm chí cả Đài truyền hình tỉnh cũng có hẳn một phóng sự thời lượng tới hơn hai mươi phút ca ngợi “Tỷ phú rừng xanh”. Thế rồi, ông Giám đốc cái Công ty Lâm nghiệp Phương Nhạn  ấy bỗng nhiên biến thành một nghệ sĩ nhiếp ảnh. Trong cuộc thi ảnh “Đất nước, con người” do tỉnh phát động, người ta thấy có ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nhan Phượng đạt giải C, và ai cũng biết Nhan Phượng là Nghệ danh tự đặt của ông Giám đốc công ty Lâm nghiệp Phương Nhạn.
   Dạo này hắn hay cặp kè với nghệ sĩ nhiếp ảnh Trương Minh, một nghệ sĩ nhiếp ảnh có tiếng tăm của tỉnh. Đi đâu hắn cũng đeo một chiếc máy ảnh Canon 5D Mark II có cái ống kính vạch đỏ dài ngoằng, quần áo thì túi dưới vạt, túi trên ngực, túi ở cánh tay, túi ở đầu gối, chỗ nào cũng thấy túi, đầu đội cái mũ vải vành mềm hớt lên ở phía trước ra dáng rõ là một nghệ sĩ nhiếp ảnh thực thụ. Hắn nói với Trương Minh:
  - Thỉnh thoảng ông cứ gọi tôi, chúng ta bố trí mỗi năm vài chuyến đi thực tế sáng tác, thực ra với tôi chỉ là để đi du lịch. Tôi khác lo kinh phí cho chuyến đi, còn ông mỗi lần đi như thế chỉ cần giúp tôi bấm vài cái ảnh. Nếu dự thi trúng giải kiểu như cái giải “ Đất nước, con người” thì được bao nhiêu tiền thưởng thuộc ông hết.
-  Cậu cũng phải học hỏi, chú ý đến kỹ thuật chụp để tự mình nắm bắt được nghệ thuật nhiếp ảnh chứ!
-  Tôi có học thì cũng không thành tài được ở cái nghề này, chụp nhăng nhít mấy cái ảnh chân dung chơi thôi. Thôi thì chúng ta cứ hợp tác, tôi lo làm ra nhiều tiền, còn ông lo nghệ thuật, không có tiền, chẳng làm được việc gì ra hồn đâu!
-  Chụp ảnh chân dung là khó lắm đấy!
-  Tôi cũng chẳng hiểu các ông đánh giá thế nào là ảnh được giải nữa. Máy nào bấm mà chả ra ảnh, máy xịn thì ảnh khác đẹp. Thôi thì cứ chụp người, vừa chơi, vừa làm ảnh kỷ niệm. Tôi sẽ cho làm hẳn một căn phòng trưng bày ảnh chân dung, có gì ông giúp tôi trang trí nhé!
   Hắn cho xây một ngôi nhà mái ngói 5 gian  rộng hơn một trăm mét vuông  ngay trên mảnh đất trang trại của ông bà Cầm Ùi để lại, chả là ông bà Cầm Ùi đã theo nhau về với tổ tiên. Sinh thời, ông bà  chỉ có mỗi một người con là Phương, để nhớ ơn bố mẹ vợ và cũng là người cứu sống mình, hắn cho xây dựng ở đây nhằm tiện hương khói cho bố mẹ vợ, đồng thời cũng là nơi dùng cho cả nhà đến thư giãn mỗi dịp lễ tết hoặc những kỳ nghỉ dài ngày. Vả lại, về phía gia đình thì bố mẹ hắn đã là hai gia đình khác nhau, đã có những đứa em khác bố hoặc khác mẹ lo giữ. Từ khi hắn bỏ nhà ra đi đã không hề có liên hệ gì với bố mẹ, đồng thời bố mẹ hắn cũng dư đủ nên hắn thấy chả cần phải có trách nhiệm gì.
   Đúng như lời hắn đã nói với Trương Minh, hắn bố trí hẳn một phòng để trưng bày ảnh chân dung những người thân và bạn bè. Hắn đặc biệt thích tấm ảnh chụp Thanh Hồng, con gái hắn lúc nó 14 tuổi. Vào cái tuổi đang có sự thay đổi sinh lý lại được chăm sóc tốt nên Thanh Hồng đã có dáng dấp của một thiếu nữ, cộng với sự sắp đặt của quần áo, trang điểm và ánh sáng, bức ảnh chân dung của Thanh Hồng vừa dịu dàng vừa kiêu sang, vừa phô bày vừa khép ẩn, đôi mắt của nó nhìn xa thẳm, vừa ngây thơ vừa sâu lắng mơ màng mới cuốn hút làm sao. Hắn cho phóng bức ảnh to bằng người thật lồng trong một cái khung bằng gỗ pơmu đặt ở chính giữa căn phòng.
*
   Kết hợp với Hoàng Nghiêm, Hắn nộp tờ trình lên các cơ quan chức năng trên tỉnh xin khai thác 40 héc ta rừng thông trồng trên dãy Núi Lanh ngay sau trang trại của hắn,  lý do là để trồng lại vì loài thông này không phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu tiểu vùng. Sau một thời gian chạy chọt, lo lót, hắn và Hoàng Nghiêm cũng xin được cái giấy phép khai thác. Khi giấy phép khai thác cánh rừng thông 25 tuổi được cấp, Giám đốc Vườn Quốc gia Hoa Sơn là Lò Đăng La đã cực lực phản đối, ông phát biểu trong một cuộc họp hàng tỉnh rằng tuy khu vực ấy không thuộc vùng bảo vệ nghiêm ngặt, chỉ là vùng đệm của Vườn Quốc gia nhưng có vị trí đặc biệt quan trọng, nó nằm ngay giữa ngã ba Suối Khắc gặp Suối Măng. Ở vị trí ấy, có thêm một lượng nước bổ sung sẽ làm cho Suối Măng bị dồn ứ và như thế có thể tạo ra một trận lũ quét dữ dội đe dọa một nửa số nhà dân ở bản Măng nằm dọc theo bờ suối. Sau phát biểu của Lò Đăng La, dư luận trong tỉnh đã ầm lên, nhiều nhà khoa học cho rằng quyết định này cần phải xem xét lại, vì biết đến bao giờ mới tạo lại được một cánh rừng như thế. Nhưng lý luận của hắn và Hoàng Nghiêm là chỉ một năm sau, rừng keo thay thế sẽ khép tán, không ảnh hưởng gì đến môi trường mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo cho dân địa phương nhờ phát triển rừng kinh tế, chứ để mấy cái cây thông ấy thì dân thu được gì. Nhiều đoàn công tác của tỉnh cũng đã đi khảo sát và nhiều cuộc hội thảo khoa học hàng tỉnh đã được tổ chức xung quanh việc này. Nhưng rồi cuối cùng, sau ba tháng bị trì hoãn, cái giấy phép khai thác rừng thông cũng vẫn được thực thi. Được tin, ông chú  từ quê lên gặp hắn. Ông nói:
- Chú đã nói với anh nhiều lần rồi. Thần Rừng cho lộc nhưng phải nhớ câu” Lộc bất tận hưởng” mà ông bà ta đã từng dạy. Anh lại còn  muốn đẵn nốt cái rừng thông này, hại đến âm phần lắm! Có câu “Lấy của rừng, rưng rưng nước mắt”. Kiếp nạn này lớn lắm!
- Chú thì chỉ được cái mê tín! Mất bao nhiêu công sức, tiển bạc chạy chọt, chống đỡ  bọn cháu mới có được cái giấy phép này đấy! Thôi thì để khai thác xong cái này, cháu cũng theo gương chú giải nghệ.
- Nhìn cung cách của các anh thì tôi biết, anh sẽ không giải nghệ được đâu. Tôi chả đọc thừa cái bụng các anh, đẵn thông nhưng rồi còn bao nhiêu gỗ pơmu đi kèm nữa, thông với pơmu chả đều là họ nhà thông sao?
- Ấy chết! chú nói kín kín thôi!
- Không phải chỉ mình tôi biết bụng các anh, nhưng các anh giỏi lắm, bịt được tất cả miệng thiên hạ rồi! Anh là cháu tôi, lại là người do tôi gây dựng nên tôi thấy có trách nhiệm phải khuyên anh dừng lại, động quá nhiều vào núi rừng là nghiệt ác, Thần Rừng  linh thiêng lắm đấy, nghe không thì tùy!
Rồi mặc cho hắn níu kéo, ông chú ra đón xe khách về xuôi ngay.
Hắn lẩm bẩm: ”Đúng là ông già Khốt-ta- bít, chỉ được cái mê tín!”
Sau khi làm xong các thủ tục về việc khai thác rừng thông, hắn nói với vợ:
- Kỳ này anh phải ở hẳn trên trang trại để chỉ đạo khai thác cho tiện, các con đang được nghỉ hè, hay là em cũng xin nghỉ phép, cả nhà  lên trên ấy nghỉ mươi hôm.
Vợ hắn đồng ý ngay, gì thì cũng là quê hương, cô đã từng gắn bó cả một thời thơ trẻ, ở đấy còn bao nhiêu bè bạn, người thân. Những lần trước, mỗi lần về nhiều lắm cũng chỉ nghỉ lại một đêm rồi lại lo xuôi để hôm sau còn đi làm. Cũng phải cho những đứa trẻ đi dã ngoại, lên núi, xuống suối, thăm làng bản để chúng hiểu và yêu quê ngoại chúng chứ. Thế là cả nhà  kéo nhau lên ngôi nhà trên trang trại. Lần này, hắn cho bổ sung thêm mấy tấm hình chân dung cỡ lớn của Hoàng Nghiêm và mấy người bạn làm ăn bên lâm trường cho bộ sưu tập của phòng ảnh. Hắn giao cho đàn em ở công trường mổ mấy con lợn cắp nách mời anh em họ hàng bên vợ và cả xóm đến liên hoan, tiện thể khoe luôn cả bộ sưu tập ảnh. Hắn sung sướng, tự hào vì ai cũng khen vợ con xinh đẹp và ảnh chụp cũng đẹp.
*
    Mấy ngày liền, trời oi nồng đến khủng khiếp. Đám rừng thông trên dải Núi Lanh phía sau trang trại nhà hắn đã được công trường khai thác đẵn trụi nên cái nóng có vẻ như càng nóng. Nắng quãi hoa cà hoa cải khắp mấy dải đồi trơ trọc. Đàn  trâu kéo gỗ chỉ làm việc một lúc buổi sáng đến 8 giờ là phải cho nghỉ, đằm chán dưới suối mà lúc lên nằm trên bờ vẫn thở dốc, mồm mép đùn bọt trắng xóa. Hắn phải lo chỉ đạo công trường khai thác, vợ hắn đi thăm thú người thân chứ còn hai đứa con hắn thì suốt ngày ở trong nhà bật máy điều hòa xem ti vi. Những người già ở bản bảo đã sống mấy chục năm chưa thấy bao giờ nắng nóng mà lại kéo dài như năm nay.
   Chiều, một người làm thuê cho hắn phi xe máy đến báo có một chiếc trong đội xe của hắn bị đổ lật trên Đèo Ban, mấy người ngồi theo xe bị thương đã đưa đi bệnh viện. Hắn chỉ kịp dặn con mấy câu bảo khi nào mẹ về thì thông báo lại rồi nhảy lên xe phóng đi ngay.
   Hình như sự lộng hành thái quá của Thần Mặt Trời Helios trong những ngày qua đã làm cho Thần Zeus nổi giận. Buổi tối hôm ấy, trời sập xuống một trận mưa lớn khủng khiếp, sấm sét ì oàng đinh tai nhức óc, chớp loe loé sắc nhọn nhì nhoàng rạch ngang rạch dọc bầu trời. Rủi cho hắn là trong số những người bị thương có một người tử vong. Hắn phải gặp gỡ gia đình, vợ con người chết bồi thường và vận động để họ không khiếu kiện vì lao động hắn toàn thuê khoán theo kiểu mùa vụ, hợp đồng miệng, không tuân thủ các quy định của Luật Lao động và không có bảo hiểm gì. Mãi gần sáng mới xong các thủ tục khám nghiệm. Hắn thuê chiếc xe của bệnh viện chở tử thi và xe hắn đi cùng đưa thi hài người xấu số về quê. Mưa vẫn ào ạt như bục trời, gió quất hạt mưa dàn dạt, thanh quét kính xe chạy hết tốc độ mà nước mưa vẫn che nhòe mắt.
   Mãi đến trưa hôm sau hắn mới xong việc trở về. Lúc này mưa tuy cũng đã ngớt nhưng con suối Măng ngập lũ, nước chảy phí phăng cuốn trên mình đủ các thứ cây que rác rưởi, có khi cả một búi nứa, cả một cái cây còn nguyên gốc rễ. Hắn phải chờ đến cuối buổi chiều mới lần được qua suối, thuê một xe ôm chở về nhà. Đường bị nước lũ phá vỡ nham nhở, đoạn đường chỉ chưa đầy mười cây số mà người xe ôm phải đi gần hai tiếng đồng hồ mới đưa được hắn đến nơi.
   Hắn rụng rời chết đứng khi thấy khu trang trại và ngôi nhà của hắn chỉ còn lổn nhổn những cát và đá. Kẹp giữa bụi giang tơ tướp gần nơi hắn đứng, trong ráng chiều nhập nhoạng, hắn nhìn thấy hình như là cái khung ảnh bằng gỗ pơmu méo mó.
   Hắn gục xuống và mê man không còn biết gì nữa.
 
3.
   Căn cứ vào lịch trình xây dựng thông qua trao đổi trên điện thoại giữa tôi và Trương Lương Nhạn. Tôi đi theo xe khách xuất phát từ bến xe Mỹ Đình, Hà Nội lúc 6 giờ sáng. Xe chạy hết đường cao tốc thì chuyển sang đường hai chiều dải nhựa asphan, hết đường nhựa thì lại tiếp nối  bằng  đường đổ bê tông và sau 4 giờ đồng hồ, chiếc xe của công ty vận tải lữ hành đã đưa tôi đến trung tâm xã Sơn Đồng, đi tiếp xe ôm mất 20 phút thì đến được khu trang trại của Trương Lương Nhạn nằm trên địa bàn xóm Măng. Sau khi dùng cơm và nghỉ trưa, Nhạn dẫn tôi đi tham quan một vòng  quanh khu vực trang trại của anh.
   Hiện gia đình Nhạn đang quản lý một trăm năm mươi héc ta rừng trồng kinh doanh và được Nhà nước giao khoán khoanh nuôi bảo vệ hơn hai trăm héc ta rừng tự nhiên. Nhưng điều đáng nói là gần hai chục hộ gia đình ở bản Măng và bản Mít đã góp đất, góp rừng, góp công của xây dựng  một hợp tác xã nghề rừng có tên là Hợp tác xã Măng Mít nhận quản lý bảo vệ gần một ngàn năm trăm héc ta rừng tự nhiên và kinh doanh hơn hai ngàn héc ta rừng trồng mà Trương Lương Nhạn đang giữ cương vị Giám đốc Hợp tác xã. Khu vực Suối Măng là đất trồng rừng, chủ yếu là cây keo tai tượng hạt giống ngoại nhập khẩu từ Úc, nhưng không chỉ kinh doanh cây nguyên liệu bán cho nhà máy giấy mà Hợp tác xã  chỉ tỉa thưa bán gỗ nhỏ còn để lại từ sáu đến bảy trăm cây trên một héc ta nuôi dưỡng, bảo vệ làm rừng cây gỗ lớn, có thể khu vực này cây keo hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nên tăng trưởng nhanh, những diện tích rừng để lại nuôi dưỡng làm rừng gỗ lớn có lô mới tám năm tuổi mà đường kính bình quân đã tới 25cm. Nhạn nói: “Nếu không có hợp tác xã thì phần lớn các hộ sẽ bán nguyên liệu gỗ nhỏ vì còn phải có cái ăn, không đủ năng lực đầu tư dài hạn, giá đã thấp lại còn bị thương lái trung gian ép giá. Nhưng có hợp tác xã thì người nọ cõng người kia đủ sức để kinh doanh rừng gỗ lớn, rừng gỗ lớn có hiệu quả hơn nhiều, cho thu nhập ít nhất gấp hai lần kinh doang cây nguyên liệu gỗ nhỏ ngắn hạn”. Rừng ở khu vực Suối Khắc là khu rừng tự nhiên đang được hợp tác xã triển khai dự án làm giầu rừng, trồng bổ sung nhiều loài cây gỗ lớn bản địa và  một số loài dược liệu là dây leo, thân bụi dưới tán rừng. Phía đầu nguồn con Suối Khắc có một  cái đập Thủy lợi chặn lại thành một  hồ nước. Hồ nước này là dự án của Vườn Quốc gia Hoa Sơn xây dựng, ngoài việc trữ nước tưới mát cho cánh đồng Mường Kịt ra thì hồ nước còn có tác dụng điều hòa, cắt đứt những trận lũ lớn trên dòng chảy của con Suối Khắc, chính nhờ cái hồ nước này mà toàn bộ những hộ gia đình cư trú dọc theo con Suối Măng phía hạ lưu ở bản Măng và bản Mít không lo sợ bị lũ ống, lũ quyét đe dọa nữa. Cơ sở hạ tầng của hợp tác xã đã có một xưởng chế biến gỗ làm gỗ ghép thanh, gỗ ván ép, có hơn hai chục đầu xe vận tải các loại. Gỗ rừng trồng ngoài việc tiêu thụ cung cấp nguyên liệu cho nhà máy giấy còn để đưa vào xưởng chế biến. Nhiều gia đình trong hợp tác xã còn có xe con phục vụ sinh hoạt. Chiếc xe chở khách chạy tuyến Sơn Đồng về Hà Nội cũng là xe của hợp tác xã nằm trong chương trình liên doanh với công ty vận tải hành khách ngoài tỉnh. Hiện nay, hợp tác xã đã được cấp chứng chỉ rừng bền vững  FSC...
   Hôm sau, theo lịch trình kế hoạch thì nhân việc có mặt tôi lên thăm, buổi trưa sẽ có một bữa tiệc liên hoan gặp mặt của  một số bạn bè cũ công tác trong ngành Lâm nghiệp hiện đang cư trú ở huyện Tân Giang tại trang trại nhà Trương Lương Nhạn, việc này do Lò Đăng La chủ trì triệu tập. Khoảng thời gian của buổi sáng là dành để tôi trao đổi, nói chuyện, khai thác tư liệu từ Trương Lương Nhạn. Sau khi cung cấp những số liệu, tình hình hoạt động của gia đình và hợp tác xã, Trương Lương Nhạn đã kể cho tôi nghe câu chuyện về cuộc đời anh:
- ...Có thể chú sẽ khó tin là từ một con nghiện ma túy, cháu đã cai được và trở thành  người như hôm nay. Nhưng tin hay không là việc của chú, còn cháu, cháu đã thực sự lột xác thành một con người mới sau trận lũ quyét kinh hoàng năm ấy...
 
4.
   Nửa đêm, chuông điện thoại réo một hồi rồi hai hồi,  Phó chủ tịch huyện Tân Giang phụ trách Nông Lâm nghiệp Lường Thế Văn càu nhàu: “Gọi quái gì mà lại gọi lúc nửa đêm này” Ông nhấc máy, đầu dây bên kia là giọng của Lò Đăng La:
- A lô! Anh Văn à, báo cáo anh tôi gọi từ máy của Đảng ủy, Ủy ban xã Sơn Đồng.
- Ồ! Có việc gì gấp gáp mà phải gọi vào nhà riêng vào giờ này thế?
- Tôi gọi vào số máy phòng làm việc của anh nhưng không có người trực, việc gấp nên đành phải làm phiền anh. Mưa rất lớn, con Suối Măng chảy qua xã Sơn Đồng bắt đầu có biểu hiện lũ, tình hình này có thể lũ sẽ dâng cao và theo bản đồ những điểm cảnh báo lũ quyét có nhà dân của Vườn chúng tôi xây dựng thì đây là một điểm đỏ...
   Lại là Lò Đăng La, cái thằng gây rắc rối trong vụ khai thác rừng thông Núi Lanh đây! Lắm lý sự, chọc gậy bánh xe tứ tung cả...Lường Thế Văn thoáng nghĩ thế nhưng vẫn chăm chú lắng nghe.
...Thấy trời dở chứng, chắc chắn là sẽ có mưa lớn nên tôi đã xuống trạm Kiểm lâm địa bàn ở xã Sơn Đồng từ chiều tối, lúc cơn mưa sắp sập xuống để quán triệt anh em Kiểm lâm ở trạm về việc giúp dân đối phó với trận mưa bão này. Hiện giờ tôi đang làm việc với Chủ tịch xã Sơn Đồng, đã thành lập gấp một đội cứu hộ gồm dân quân xã và các chiến sĩ Kiểm lâm đang giúp sơ tán một số hộ dân nằm bên bờ suối có nguy cơ bị đe dọa bởi lũ, nhưng có mấy người vẫn chủ quan không chịu sự hướng dẫn của chúng tôi. Chúng tôi đề nghị anh cho phát lệnh chống bão lũ khẩn cấp để Ủy ban xã có thể cưỡng chế những người này sơ tán ra khỏi vùng nguy hiểm.
   Chưa gì mà nó đã làm nhoắng cả lên, lại để chứng tỏ mình đây mà...Phó chủ tịch Văn nghĩ thế nhưng rồi ông cũng chột dạ, đúng là mưa rất lớn mấy tiếng đồng hồ rồi và trận mưa này là mưa trên diện rộng, không chỉ riêng một xã Sơn Đồng và chưa biết nó còn có thể diễn biến thế nào, ông lại đang ở cương vị Trưởng Ban phòng chống lụt bão của huyện, việc dự báo thiên tai chậm trễ cũng đã là khuyết điểm lớn chứ đừng nói đến chuyện chủ quan, lơ là. Vả lại việc đề nghị của nó cũng chỉ là lo cho dân thôi chứ không có gì phức tạp. Ông trả lời cho đầu dây bên kia:
- Vậy các ông cứ triển khai thế đi, sáng mai tôi sẽ cho phát lệnh trên Đài Truyền thanh tiếp hình huyện. Có gì thì gọi cho tôi bằng số máy bên phòng làm việc, tôi qua đó trực ngay bây giờ!
   Ngay trong đêm, tám hộ dân ở bản Măng và bốn hộ dân ở bản Mít đã được đội cứu hộ giúp đỡ mang vác những đồ dùng thiết yếu, gia súc, gia cầm và những tài sản quý có thể di chuyển được sơ tán tạm thời lên nhà Ủy Ban xã và mấy phòng học bên Trường Tiểu học.
   Sau khi sơ tán xong các hộ dân thì trưởng thôn bản Mít chợt nhớ ra bản ông còn có ngôi nhà của vợ chồng con ông bà Cầm Ùi cách trung tâm thôn bản khoảng non cây số. Ngôi nhà này ông đã đến chơi nhiều lần nên biết là nếu có lũ lớn thì sẽ cũng thuộc diện bị đe dọa, ngoài ra trong nhà hôm nay cũng còn có mấy mẹ con cô Phương đang nghỉ phép về ở nhà. Vậy là lực lượng cứu hộ được triển khai vận động đến đó ngay. Đến nơi, mưa vẫn dàn dạt nhưng may là gió đã ngừng và trời cũng đã mờ mờ sáng. Người ta nhìn thấy ngôi nhà xây nằm cách mép nước khoảng sáu, bảy mét, nước đã ngập đến lưng tường nhà. Tuy có trông thấy mờ mờ một người thò đầu trên mái nhà nhưng không liên lạc được bởi tiếng mưa, tiếng suối lũ ào ào át hết cả tiếng nói. Do có sự chuẩn bị trước nên đội chống bão lũ đã mang theo tời cứu hộ. Tời cứu hộ là một cái tời có một sợi cáp lụa 12 ly và một cái dòng dọc được gắn phía dưới là một cái đu khỉ. Khi xảy ra sự cố cần đưa đối tượng phải cứu hộ ở phía bên kia bờ  đi qua suối lũ, người ta bắn từ khẩu súng lò so một mũi tên có kéo theo sợi dây dù nhỏ, mũi tên có thể bay xa tới 25 mét, người phía bên kia suối sẽ kéo sợi dây dù để cầm được sợi dây cáp rồi cố định vào một cái gốc cây bất kỳ bên bờ suối. Lúc ấy, phía bên này người ta sẽ cho sợi cáp vòng qua một gốc cây to rồi tời cho căng. Người ở phía bên kia suối sẽ lần lượt ngồi lên cái đu khỉ để người bên này kéo qua suối.  Riêng trường hợp hôm nay thì không thể bắn dây sang mái nhà vì không liên lạc được với bên kia để hướng dẫn. Lò Đăng La nói:
- Phải có người bơi sang bên ấy thôi!
- Nhưng nước lớn thế này, nguy hiểm lắm!
- Thế không nhẽ trong lúc nguy nan này bỏ mặc dân à?
Một chiến sĩ Kiểm lâm xung phong để anh nhận nhiệm vụ. Lò Đăng La gạt đi, ông nói:
- Việc này cần có kỹ năng chứ không phải cứ khỏe là làm được, tôi vốn dĩ trước kia là lính đặc công nước, thạo hơn các cậu nhiều, để tôi mang dây lội sang bên nhà. Ta đi ngược lên phía trên một chút, một cái đạp chân đã lao đến khoảng giữa, vươn hai, ba sải tay nữa là sẽ dạt được vào đầu hồi nhà. Nếu không đến được đã có sợi dây buộc quanh người, các cậu vẫn kéo được tôi vào kia mà, không bị lũ cuốn trôi đâu mà lo!...
*
   Đi thăm người thân ngoài bản cả ngày trong  bầu không khí nóng nực, oi nồng làm cho Phương mệt mỏi đến rời rã. Chị nói với Thanh Hồng:
-  Nếu con lười không muốn nấu cơm thì có mấy ống cơm lam các mế ngoài bản cho đấy, mấy lại trong tủ lạnh cũng còn đầy thức ăn, hai chị em tự  lo nha!
Nói rồi chị vào buồng tắm rửa rồi trèo ngay lên giường ngủ.
   Phương thấy mình đang đi miên man trên một thảm cỏ xanh rờn dưới tán những cây to trong một cánh rừng thông mát rượi, chị nhìn thấy phía trước có một ngôi nhà gỗ xung quanh đầy hoa tím, vàng, xanh, đỏ, càng lại gần càng thấy ngôi nhà cực kỳ đẹp, tường được sơn màu xanh lơ cô ban có những khung cửa to, dày bằng gỗ bách xanh sơn màu mận chín. Cửa chính ra vào được làm bằng gỗ dổi có đôi cánh cửa dày đến trên mười phân được sơn màu phấn hồng, cửa sổ thì được làm bằng gỗ pơmu còn ngát thơm mùi gỗ. Một cụ già râu tóc bạc phơ tay cầm cây gậy chống, trên đầu gậy còn treo lủng lẳng mấy quả đào tiên, trên tay bên kia có một cái doa tưới nước, ông nhẹ nhàng lướt những tia nước nhẹ êm mềm mại như sương khói trên những vạt hoa. Cổng ngôi nhà là một vòm cong nửa hình tròn có giàn dây nở đầy hoa vàng xen lẫn đỏ tươi quấn quýt. Dừng lại trước cổng nhà, Phương nhỏ nhẹ nói vọng vào bên trong:
- Dạ con xin chào cụ! con có thể vào trong sân được không ạ?
- Thì là nhà của con đây mà, con cứ tự nhiên vào đi!
- Dạ thưa cụ, thế cụ là ai mà lại tưới hoa ở đây? Con trông cụ giống như là ông già Thọ trong tranh cổ ấy ạ!
- Ta không phải là ông Thọ nhưng ta với ông ấy là anh em song sinh nên con nhìn lầm thế thôi!
- Vậy xin lỗi thế cụ tên là gì ạ?
- Ta là Thần Rừng!
- Thần Rừng? Thế cụ là thần thánh chứ có phải người thường đâu mà lại tưới hoa ở nhà con?
- Vậy con có thích hoa không?
- Dạ hoa đẹp thế, ai mà chả thích hả cụ!
Cụ già dừng tay tưới hoa, ngẩng mặt nhìn Phương nở một nụ cười ấm áp rồi tự nhiên nhòe mờ vào sắc màu trên những vạt hoa...
   Lúc bấy giờ Phương mới để mắt nhìn vào ngôi nhà, thấy trong nhà có rất đông người, rồi thấy đứa con gái Thanh Hồng từ trong nhà đi ra, phía sau có rất nhiều người đi theo trong đó có thằng em, bố nó và nhiều thầy giáo, cô giáo ở trường Trung học Phổ thông huyện. Hóa ra nhà mình hôm nay có cuộc liên hoan đưa tiễn con Thanh Hồng đi nhập học Đại học. Đoàn người đi ra cổng rồi đi ngược lại con đường đã dẫn Phương tới đây, Phương chạy theo gọi to: “Đợi với! đợi với” nhưng gọi mãi mà không thành tiếng, chân chạy mà nó cứ ríu lại không nhấc nổi. Hàng thông hai bên đường bỗng  đổ, lúc đầu đổ từng cây sau thì đổ hàng loạt rào rào, đoàn người chạy tán loạn chả biết có ai bị cây đổ đè lên người không. Quay lại thì thấy ngôi nhà đã bị cây đè bẹp. Cây đổ càng lúc càng nhiều, càng nhanh, âm thanh càng ngày càng ầm ầm, ào ào dữ tợn hơn, rồi một cây thông đổ ập xuống đè lên người Phương, một tiếng nổ nhức óc vang rừng, Phương kêu ré lên...Bừng tỉnh! Phương nhảy xuống giường, nước ngập lấp xấp bàn chân. Bật công tắc đèn, tối om không có điện, hóa ra tiếng nổ ban nãy chị nghe là tiếng nổ thật của cái ổ điện nào đó bị nước ngập làm chập mạch. Bên ngoài, tiếng mưa, tiếng dòng suối gầm lên dữ dội. Chị ra nhà ngoài kéo hai đứa con dậy, chị kéo rèm nhìn qua ô kính cửa sổ, dưới ánh chớp chị thấy nước bên ngoài đã cao ngang cửa sổ, chắc bởi cửa đóng kín, nó chưa ộc ngay vào được. Mực nước phía trong đồi có thể nông hơn ở phía nhà một chút nhưng ba mẹ con cũng không thể lội vào được. Hai đứa trẻ sợ hãi ôm lấy mẹ, chị cũng chả biết làm thế nào nhưng cố giữ bình tĩnh để tránh làm các con hoảng loạn. Chính vì còn giữ được bình tĩnh nên chị mới nghĩ được đến việc kéo hai đứa con lần mò trèo lên cái gác xép, chị nghĩ lũ có dâng nữa thì cũng không thể lên đến được cái gác xép này. Đang lần mò tìm cái chiếu dải ra sàn để mẹ con ngồi thì bỗng nghe một tiếng đập của cánh cửa vào tường rồi tiếng nước đổ ào vào trong nhà, tiếng một số vật dụng va vào nhau do bị nước xô đổ hoặc cuốn trôi, nước đã ép bật một cánh cửa nào đó ập vào nhà. Hai đứa con lại ré lên ôm lấy mẹ. Thực ra thì chị cũng bị giật mình nhưng vẫn trấn tĩnh được, chị nói với các con:
- Đừng lo các con, nước nó tràn vào nhà khi cân bằng với mực nước bên ngoài là nó sẽ dừng lại thôi, không sao đâu!
- Thế nó ngập nốt cả cái gác xép này thì làm thế nào mẹ?
- Thì dỡ ngói trèo lên mái nhà!
   Và không đợi đến lúc cái gác xép bị nước ngập, chị đã đập vỡ liền mấy viên ngói thò được nửa người lên mái nhà theo dõi dòng nước lũ. Nhìn về phía giữa lòng suối thấy nước xám ngắt một màu đang rống lên ầm ầm chảy phí phăng, dữ tợn, mảng tường rào và cái cổng đã bị nước cuốn trôi từ bao giờ. Chị nghĩ chả cần phải đợi đến khi nước ngập đến cái gác xép, chỉ cần cứ thế này vài giờ đồng hồ nữa, tường gạch bị ngâm trong nước mủn ra, hoặc giả có một cái gốc hoặc cành cây to trôi đập vào thì căn nhà này cũng sẽ bị cuốn theo dòng nước...Thôi thì đành phó thác số mệnh cho ông trời chứ biết làm thế nào được bây giờ. Chợt nghĩ đến giấc mơ ban nãy...chị bật ra một tiếng mếu máo: “Ông Thần Rừng ơi! Trông ông phúc hậu đẹp lão vậy mà sao ông ác thế!”...
  Đang trong lúc tuyệt vọng thì chị nhìn thấy những ánh đèn pin loang loáng, rồi nhiều bóng người lố nhố tiến lại gần. Chị kêu to:
- Cứu với! Cứu mẹ con em với các bác ơi!..hú...hu..hu....
  Chị nghe thấy trên phía đồi có những tiếng nói rất to, rõ là họ đang có ý liên lạc với chị nhưng tiếng mưa, tiếng suối đã át đi không nghe được họ nói gì, và cuối cùng thì họ cũng hú đáp lại chị. Chị tụt người xuống khỏi mái ngói ôm lấy hai con:
- Sống rồi các con ơi! Người ta đến cứu mẹ con mình rồi!
   Và chỉ đến lúc này, chị mới bật khóc ra thành tiếng. Thổn thức, nức nở!
5.
...Sau trận lũ quyét lịch sử ấy, cháu quyết chí xây dựng lại cuộc đời – Trương Lương Nhạn tiếp tục tâm sự - Cháu làm đơn tình nguyện xin vào trại cai nghiện sáu tháng, ra về lên ở tịt luôn trên này không bén mảng xuống thị trấn phố huyện, tránh xa lũ bạn nghiện ngập, không cho chúng có cơ hội rủ rê để rồi mình không vượt qua được chính mình trở thành tái nghiện. Cũng may có cô vợ là bác sĩ trợ giúp, cháu uống thuốc đều đặn, tuân thủ tuyệt đối phác đồ điều trị của thày thuốc. Những lúc sắp lên cơn, cháu phải khóa tay vào cột nhà và trong đầu mường tượng lại cảnh đổ nát ở trang trại với cái khung ảnh bằng gỗ pơmu méo mó bị giắt kẹt ở bụi giang để nhớ lại tâm trạng hãi hùng lúc ấy. Đang có một gia đình hạnh phúc, vợ đẹp, con khôn, nhà cửa đàng hoàng bỗng nhiên mất hết, còn trơ lại một đống sỏi đá, ai mà chả sợ, cái sợ sẽ ghìm nén được sự thèm muốn. Vất vả, khổ sở mất một thời gian thì cơn nghiện cứ nhẹ dần rồi thoát được. Cháu cắm đầu vào xây dựng lại trang trại. Được sự tư vấn, chỉ bảo, giúp đỡ của anh Lò Đăng La và những cán bộ kỹ thuật của Vườn Quốc gia, cháu quy hoạch lại diện tích rừng và đất rừng, đất nào cây ấy, xen canh, luân canh, kết hợp nông, lâm nghiệp với chăn nuôi, chế biến gỗ và sản phẩm từ rừng ngoài gỗ một cách bài bản, đúng kỹ thuật, đảm bảo việc trồng và khai thác rừng trên tinh thần xây dựng rừng bền vững. Đến khi anh Lò Đăng La được Đại hội huyện Đảng bộ bầu vào Ban chấp hành, được phân công làm Phó chủ tịch huyện thay ông Lường Thế Văn thì việc làm ăn của cháu lại càng thuận lợi hơn. Một mặt được huyện giúp đỡ, hỗ trợ, một mặt được bà con tin tưởng, học tập theo cách làm của mình, cháu đứng ra thành lập hợp tác xã nghề rừng và được bà con suy tôn làm Giám đốc.
   Suy nghĩ lại đời mình, cháu thấy tội của mình bị Thần Rừng trừng phạt là xứng đáng lắm. Ông chú cháu nói rất đúng, tiếc rằng cháu đã không nghe được lời dạy bảo của ông. Tất nhiên, cháu cũng đã bị trừng phạt, may là còn rất nhẹ. Nhưng cũng chính là Rừng, Rừng đã dang tay cứu rỗi, Rừng đã cho cháu tất cả, cho cháu thành người ngày hôm nay!
                                                                                       C.S
 
 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Quảng cáo
congnhan12345
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 6
Trong ngày: 53
Trong tuần: 471
Lượt truy cập: 381021

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ GIỚI THIỆU!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH, NHÀ VĂN CẦM SƠN! RẤT NHIỀU BỨC ẢNH CỦA NGÀY HÔM ĐÓ ĐÃ CÙNG VỚI BÀI NÓI CỦA TÔI LÀM NÊN KHÔNG KHÍ TƯƠI VUI, HÀO HỨNG CỦA BUỔI RA MẮT SÁCH! CHÚC MỪNG NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CHÚC MỪNG TS NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC VỚI TẬP THƠ ĐỘC ĐÁO, IN ĐẸP!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÁI PHỤC BÀ MÂY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Thuộc loại "chuyện bây giờ mới kể" đây! Cám ơn tác giả! Mượn lời bà SUỐI để nói về bà MÂY: "Bái phục bà MÂY" ! Haiza!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN VÀ BAN BIÊN TẬP ĐÃ ĐĂNG BÀI VIẾT NHÂN DỊP NHÀ THƠ NGUYỄN HUY HOÀNG RA MẮT TUYỂN THƠ VÀ TRUYỆN KÍ TẠI HỘI TRƯỜNG HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM!

 
Xem toàn bộ
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0964 131 807
Email: soncam52@gmail.com
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công nhân.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông Chi hội Nhà văn Công nhân.