Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

TÂN HÔN MUỘN

Nguyễn Đăng An

TÂN HÔN MUỘN
          Một người không biết là đàn ông hay đàn bà đi cà nhắc, lê từng bước nặng nhọc tiến về làng cùng chiều với tôi. Bóng đêm phủ lên người đó một màu đen sẫm. Có tiếng va đập giữa gỗ và đá phát ra từ cái bóng ấy. Bước lại gần, ánh trăng lu chỉ đủ cho tôi nhận ra đó là một người đàn bà, bị mất chân trái đang gõ chiếc nạng gỗ lên mặt đường thôn vừa mới rải xong lớp đá sỏi. Tôi lướt qua, người đàn bà quay mặt lảng tránh. Loáng thoáng nhận ra người đàn bà có nét gì đó quen quen, tôi quay lại, nhận ra ngay chị gái mình. Tôi bàng hoàng thốt lên: “Ôi chị Tươi” rồi lao đến ôm chị. Chị tôi buông nạng ôm chặt tôi, xúc động: ”Em đi đâu về muộn thế này?”. Tôi sụt sùi: ”Em đi tiễn bạn lên đường nhập ngũ ở làng bên... mà chân chị đau thế sao không về vào ban ngày hả chị”? Giọng chị buồn buồn:” Chị không muốn người làng nhìn thấy chị trở về trong bộ dạng như thế này em à”!
            Khi nghe tiếng chị nhỏ nhẹ qua cánh cửa gọi:”Mẹ ơi con đã về”. Mẹ ngơ ngác chạy ào ra cổng. Đỡ chị ngồi lên bậc thềm, mẹ cúi xuống mân mê đoạn bó phần dưới đùi chân trái của chị, giàn giụa nước mắt: ”Còn đau không con”?
  Tôi soi ngọn đèn dầu dướn mắt trân trân ngắm chị, giọng nghẹn ngào:”Còn chỗ nào bị thương nữa không, chị” ? Chị hấp tấp đưa bàn tay trái giữ chặt áo. Dí ngón trỏ bàn tay phải vào trán tôi, chị đe:”Em vẫn chứng nào tật ấy. Tò mò vừa vừa thôi. Em muốn chị bị thêm những chỗ khác nữa à”?
            Cả tôi và chị cùng cười, nhưng lòng chúng tôi đang khóc như mẹ…
  Sáng hôm sau, tôi cùng chị ra trình diện Ủy ban nhân dân xã. Ông chủ tịch đọc quyết định của cơ quan chủ quản đưa chị trở về địa phương với lý do là thương binh, không còn đủ sức khỏe để tiếp tục chiến đấu. Cơ quan chị tuyên dương hành động anh hùng của chị bị bom cắt cụt một chân, còn một chân vẫn cố gượng dậy phất cờ chỉ đường thoát hiểm cho ba chiếc xe chở vũ khí chi viện cho miền Nam.
                                                        *                                            
            Ngày chị còn ở nhà, tôi và chị ngủ chung giường. Bây giờ, thì không. Chị bảo, sẹo khắp mình, chị sợ bị đụng chạm, em sang ngủ với mẹ, thỉnh thoảng chị sang, ba mẹ con nằm cùng.
            Chị đi tắm, tôi muốn tắm cùng chị, kỳ lưng cho chị, hai chị em cùng tắm cho nhau. Nhưng, chị nhất định không. Tôi giận chị. Chị bảo, em lớn rồi, tắm chung đâu có được.
            Hôm sau, chị nhờ bác thợ mộc sửa lại nhà tắm, làm thêm một cái chốt cửa bên trong. Thế là tôi hết mộng được tắm chung với chị. Mỗi lần chị tắm xong, tôi thấy, mắt chị đỏ hoe, sưng mọng. Hình như là chị khóc. Chị khóc một mình trong nhà tắm. Linh cảm thấy có điều gì đó không ổn ở chị. Tôi băn khoăn lo lắng.
            Một lần, do tắm lâu, khóc nhiều, chị bị cảm và sốt cao. Chị nằm mê man, toàn thân nóng như than lửa. Tôi mở khuy áo, lấy chiếc vòng bạc cạo gió cho chị. Bầu ngực chị đẹp, trắng ngần, tròn đầy, hấp dẫn. Chị tôi mới hai mươi mốt tuổi. Chị đang ở độ tuổi đẹp nhất trong đời.
          Một tay cầm chiếc vòng bạc cạo gió, tay kia, tôi kéo cạp quần chị xuống dưới. Trời ơi, một mảng sẹo nham nhở sần sùi chiếm hết thảy phần bụng dưới của chị, loang cả ra”cái khuôn vàng” đẹp nhất của người con gái. Mắt tôi hoa lên, bàng hoàng. Những vết sẹo vằn vện, nổi to bằng đồng xu, có cả những vết sẹo sâu, lõm to bằng lỗ đáo. Tôi ân hận:” Chị ơi, em hiểu vì sao chị không cho em tắm cùng với chị”.
            Chị vẫn sốt mê man. Tôi lao xuống bếp tìm mẹ. Mẹ chạy lên phòng, nhìn vết thương kín trên thân thể con. Mẹ ôm chị, khóc thảm thiết.
          Tiếng khóc của mẹ làm chị bừng tỉnh. Thấy mẹ và tôi nước mắt đầm đìa, chị quàng tay ôm mẹ:”Con giấu vì không muốn mẹ và em đau đớn. Mẹ ơi với bộ dạng như thế này, con gặp lại anh Minh làm sao được. Con muốn mẹ giúp con: Rồi đây anh Minh sẽ về nước. Con không chắc anh Minh sẽ tìm được con. Nhưng nếu tìm được, mẹ đừng cho anh Minh gặp con mẹ nhé - quay sang tôi, chị dặn -”Cả Vui nữa, em nhớ chưa!”. Tôi và mẹ cúi xuống ôm chị. Ba mẹ con tôi ôm nhau khóc.
                        Cuộc chiến tranh đang thời kỳ ác liệt. Mỹ liên tục giội bom xuống dải đất Trường Sơn có tuyến đường huyết mạch. Lần ấy, một trận bom ném đúng nơi tiểu đội chị đóng quân. Năm cô gái và hai nam thanh niên”mì chính cánh” của tiểu đội thanh niên xung phong hy sinh ngay cạnh hố bom. Ba cô  gái bị thương nặng trong đó có chị.
            Trở về địa phương, chị không thể ra đồng nhổ mạ cấy lúa như mọi người. Chị được bà con tín nhiệm bầu làm Hội trưởng Hội Phụ nữ xã.
     Cuộc chiến tranh kết thúc. Anh Minh, người yêu của chị cũng sắp mãn khoá học. Không biết anh Minh tiếp tục ở lại nước bạn học cao hơn hay sẽ trở về? Mỗi lần nghĩ về anh Minh, nhớ anh, chị buồn. Mối tình giữa chị và anh Minh được bồi đắp trong đạn bom khói lửa. Mối tình ấy được dệt bằng sự hy sinh cho nhau không một toan tính...
                                           *
            Mùa thu năm ấy, anh Minh về nước nhận công tác ở bộ giao thông vận tải. Chị giải ngũ cũng đã được gần hai năm. Tranh thủ tháng nghỉ trước ngày nhận công tác, anh quyết định đi tìm chị. Nhưng biết tìm đâu bây giờ, bởi anh nhớ ra, hôm chia tay, anh ghi vội mấy dòng địa chỉ quê anh cho chị chứ chưa kịp lấy địa chỉ quê hương chị. Mò kim đáy biển, anh lên tàu vào thăm lại cung đường Trường Sơn năm ấy, từ đó may ra lần được dấu vết gì đó về chị.
            Cung đường năm xưa vẫn còn đây, nguyên vẹn những hố bom bên đường và rừng cây nơi đơn vị thanh niên xung phong đoàn 12 của anh đóng đại bản doanh. Và đây nữa, đồi lim, giao thông hào, nơi bắt đầu tình yêu của anh chị. Hào giao thông chạy ngoằn ngoèo dọc theo vách núi, cỏ xanh mướt lấp đầy. Để nguyên cả áo quần, anh nhảy ào xuống đoạn giao thông hào sâu đến ngực. Anh nằm duỗi ngập chìm trong cỏ. Anh nhìn trời cao qua những kẽ lá rừng xanh. Thổn thức nỗi lòng, anh ngỡ mình như sống lại những ngày qua. Hôm ấy, tiếng bom nổ rất gần, anh đang san lấp cung đường, bị sức ép bom, ngất đi. Chị cõng anh xuống giao thông hào, chính đoạn này, chỗ anh đang nằm đây. Liên tiếp những đợt bom mới nổ nối nhau trên mặt đất. Chị nằm úp lên người anh che chắn cho anh. Cành cây gãy đổ lên người chị, lấp hết cả lối lên. Bom dừng. Anh tỉnh lại. Những sợi tóc của chị ướt đẫm mồ hôi, bùn đất xòa lên mặt anh. Anh ngây ngất vì hơi ấm từ ngực chị- hơi ấm từ người con gái che chở cho anh giữa chiến trường ác liệt, như dòng suốt mát hòa lẫn tình yêu với sự hy sinh không toan tính của người con gái chạy lan khắp cơ thể anh. Anh xúc động và lâng lâng hạnh phúc. Anh nằm yên như anh chưa tỉnh, vì anh sợ chỉ cần một cử động nhẹ thôi cũng sẽ làm mất đi giây phút trời cho này.
            Có tiếng đồng đội lao xao trên mặt đất. Anh em trong đơn vị đi thu lượm, dỡ bỏ cành cây đổ. Chị chống tay vào anh đứng dậy. Đôi má chị đỏ hồng. Chị nhảy vọt lên bãi cỏ rối rồi mất hút trong khu rừng ngổn ngang cây đổ.
            Như tỉnh cơn mơ, trở về với thực tại, xao xuyến trong lòng, anh đứng dậy, bước lên khỏi hào giao thông. Anh đi sâu vào khu rừng phía trước mặt. Gặp lại bãi cỏ dưới đồi thông sát con suối nước róc rách chảy.  Bãi cỏ, nơi đây, anh và chị có lần nằm bên nhau trước lúc đi xa. Anh cúi xuống đưa bàn tay vuốt những ngọn cỏ đang rạp mình trên mặt đất. Anh thì thầm:” Cỏ ơi mi còn nhớ ta không? Cho ta xin lỗi, đêm đó vì ta mà mi khốn khổ. Ta xin lỗi mi nhé. Ta cầu mong mi chỉ giúp ta, cô ấy giờ ở  đâu?".  Im lặng, cỏ la đà. Gió thổi rì rào trên những ngọn cây. Tiếng chim rừng lạc đàn đâu đó líu chíu gọi vào hoang lặng. Anh như mê man trong cõi cuồng si…”Anh ơi em yêu anh lắm. Nhưng ta hãy dành giây phút đẹp nhất cho đêm tân hôn anh nhé!". Tiếng chị vẫn còn đây, văng vẳng bên tai anh.  Vậy mà...  chị mất hút. Bây giờ anh không biết tìm chị ở đâu ?
     Anh trở lại khu lán trại nơi đóng quân. Dấu vết một thời bây giờ trống không. Anh đành trở về để bắt đầu một cuộc trường chinh mới đi tìm chị- người bạn đời- vợ của anh.
     Tổng đội thanh niên xung phong từ trung ương đến địa phương đã giải tán. Công tác lưu trữ quản lý hồ sơ thời chiến gặp khó khăn và bị đạn bon tiêu huỷ phần lớn. Anh đã cố tìm nhưng không được. Lần theo lời kể của chị, anh đi dọc dòng sông La để kiếm tìm. Anh đã lùng sục từng thôn làng, hỏi từ ông già đến con trẻ. Nhưng vô vọng. Dòng sông La vẫn hững hờ như không muốn chấp nhận anh.
            Anh nhớ năm 1972, Tiểu đội họp khẩn cấp đơn vị vào ban đêm. Tiểu đội trưởng Quân họp đọc quyết định của cấp trên cử anh và chị, hai người đều tốt nghiệp phổ thông đoạt loại xuất sắc ra Hà Nội tập trung để sang Liên xô học đại học. Tiểu đội trưởng Quân nói:”Hiệp định Pari sắp ký kết. Đây là quyết định của nhà nước mang tính chiến lược lâu dài. Đề nghị anh Minh và chị Tươi chấp hành”.   
         Lần đó, anh và chị bàn nhau viết đơn xin ở lại. Nhưng đơn vị quyết định cử một người ra đi để không mang tiếng chống lệnh. Chị thuyết phục anh đi du học, còn chị ở lại cùng anh em đơn vị.   

            Bắt đầu mùa xuân mới, bố mẹ anh chủ động gặp anh hối thúc. Bố anh nói:” Con đi tim cô Tươi đã hàng năm nay rồi mà không được. Bố mẹ cho rằng đó là công việc tìm kim đáy biển. Bố mẹ muốn anh kết thúc công việc tìm kiếm để lấy vợ. Bố mẹ đã ở tuổi cổ lai hy rồi mà chưa có cháu bế nên tủi thân lắm con à”. Anh thương bố thương mẹ. Anh xin phép bố mẹ cho anh tìm lần cuối, nếu không được anh sẽ thực hiện ý nguyện của bố mẹ.
         Tranh thủ dịp nghỉ tết năm đó, anh lấy bản đồ tỉnh Hà Tĩnh ra rà soát lại toàn bộ các làng xã dọc sông La. Anh nhận thấy mình còn bỏ sót hai làng ở thượng nguồn xa lắc chưa đặt chân tới. Thế là anh lại ra đi. Anh đến làng Lành đầu tiên. Tiếp anh là trưởng thôn Trần Hoan. Chẳng cần nghe anh trình bày hết lí do, ông trưởng thôn khẳng định ngay rằng:” Đúng là cô Tươi, chị cô Vui và con bà Thân rồi. Cô là thương binh cụt chân, hiện đang làm Trưởng ban Phụ nữ xã”. Minh sung sướng đến vỡ toang cả lồng ngực. Anh cảm động khi biết Tươi vẫn chưa lấy chồng.
                                                   *
     Buổi sáng mùa xuân năm ấy, gió se lạnh thổi miên man trên vùng đồng chua nước mặn. Theo thói quyen, chị ngồi trước hiên nhà ngắm cánh đồng lúa mênh mang.  Chị bỗng thấy một người đàn ông cao lớn, với dáng đi..., sao mà giống anh đến thế.  Chị  chột dạ, nhớ đến anh.
            Người đàn ông ấy đi trên con đường dẫn thẳng đến cổng nhà chị, cất tiếng gọi: ”Bác Thân có nhà không ạ”.
            Chị nhận ra giọng nói của anh. Đúng là anh thật rồi. Chị luống cuống gọi mẹ và em gái, rồi trốn vào buồng, vùi mặt vào gối khóc.
            Anh trịnh trọng giới thiệu:”Cháu chào bác. Cháu là Minh bạn của Tươi thời thanh niên xung phong đây ạ”.
            Nhìn thấy tôi, anh nói như reo lên: ”Ôi đây có phải là Vui, em gái chị Tươi không. Trông giống chị Tươi quá”?
            Mẹ và tôi im lặng. Chúng tôi chỉ biết gật đầu chào anh rồi oà khóc. Anh hốt hoảng:”Mẹ ơi, em Tươi có chuyện gì thế ạ?”.
            Mẹ tôi gạt nước mắt nhìn anh:”Em Tươi bị thương giải ngũ về quê nhưng không lao động được. Em phải ra thành phố kiếm việc làm rồi”.
            - Thế lúc nào Tươi về hả mẹ?
            - Tôi không rõ nhưng chắc là sẽ lâu đấy.
            - Chị có dặn em, nếu anh vào hãy nói lại với anh là chị đã có người khác rồi. Chị muốn anh thông cảm và tha thứ cho chị.- Tôi can đảm nói xen lời mẹ.
            Anh bình tĩnh khẳng định:”Con biết. Tươi không phải là loại người như thế”.
            Mẹ khóc nấc thành tiếng, anh khẩn khoản:”Mẹ nói cho con biết đi, hiện giờ Tươi đang ở đâu, con đi tìm Tươi suốt cả năm trời rồi đấy mẹ à”.
            Tình cảm của anh làm mẹ cảm động. Anh là người bạn đời lí tưởng của con gái mình. Giá con gái còn lành lặn, bà đã có được chàng rể trong mơ này. Đúng là bà không có phước. Con bà bây giờ làm sao sánh với anh được nữa.
            - Anh cứ về đi, lúc nào Tươi về tôi sẽ báo cho anh - Mẹ đuổi khéo.
            Tôi nói lảng:”Anh để địa chỉ liên lạc lại, đợi chị Tươi về em sẽ báo cho anh”.
            Tình thế khó để anh được ở lại đợi chị về. Anh  nhờ mẹ và Vui thuyết phục chị cho anh sớm được gặp.
          Anh lặng lẽ ra về. Từ trong phòng, chị mở cửa chạy ra đứng nhìn theo bóng dáng anh đang khuất dần sau hàng rào dâm bụt hoa đỏ lập lờ trong ráng chiều. Nước mắt giàn giụa, chị khe khẽ:” Minh ơi, tha lỗi cho em. Để anh trở về đêm hôm như thế này em đau lắm. Nhưng còn cách nào nữa đâu anh. Em muốn giữ tình yêu anh mãi mãi”.
            Mẹ bước lại gần, ôm chị khóc:”anh Minh là người tốt. Anh yêu con lắm Tươi à”.
            Tôi mếu máo:”Anh Minh yêu chị lắm. Hay chị cứ liều gặp anh xem sao?”. Chị cáu :”Em thử đặt em vào hoàn cảnh chị, em sẽ xử lý như thế nào” ?
            Tôi oà khóc:”Có lẽ em cũng sẽ làm như chị thôi”.
            Như thể không chịu thua cuộc hay linh tính mách bảo anh một điều gì đó. Đêm ấy anh không lên tàu mà nghỉ lại nhà trọ. Sáng hôm sau anh trở lại nhà tôi. Nhưng thật buồn cho anh. Chị tôi đi chuyến tàu sớm nhất ra Hà Nội xác định tỉ lệ thương tật để làm chế độ.
            Anh định ra tàu đáp chuyến tốc hành tìm chị. Nhưng tôi và mẹ giữ anh ở lại đợi chị về. Mẹ tôi coi anh như con. Ba mẹ con được dịp hàn huyên tâm sự.
            Mẹ tôi thật lòng:”Anh Minh này, tôi muốn coi anh như con trong nhà. Tươi nó đã lỡ rồi. Cô em Tươi đây giống chị cả người lẫn nết. Nếu anh không chê, tôi gả nó cho anh được không?”.
            Minh cũng rất chân thành, anh cười thật tươi nhưng vẫn thoáng nét buồn:” Mẹ đừng nói thế. Vui là em gái của con mà. Con chỉ có Tươi thôi mẹ ạ, cho dù Tươi có thế nào đi chăng nữa thì Tươi và con cũng sẽ là chồng vợ”.
            Những ngày Minh đợi chị, tôi chủ động đưa anh đi dạo triền sông trò chuyện. Con sông La mùa nước lên dòng chảy cuồn cuộn ầm ào. Tôi đứng chơi vơi bên mép nước nhìn anh:
     - Anh Minh ơi, chị Tươi bị thương nặng lắm. Chị nói chị không thể mang lại hạnh phúc cho anh đâu. Chị yêu anh vô cùng nhưng sợ bị mất anh nên chấp nhận xa anh để giữ lại tình yêu đẹp cho mình. Em cho quyết định của chị là đúng đắn. Em khuyên anh nên về đi.
     - Anh rất cám ơn em và mẹ. Nhưng anh muốn em và mẹ biết cho rằng chị Tươi và anh đã cùng nhau vào sinh ra tử, sống chết có nhau. Chị Tươi đã dành lấy phần gian khổ để anh được sung sướng. Bây giờ chị Tươi có thế nào thì chị Tươi cũng  vẫn là của anh, vợ anh. Anh tha thiết mong Vui  và mẹ giúp đấy.
     Tôi biết làm sao đây. Tấm lòng anh đẹp và thủy chung đến thế. Tôi ngoan ngoãn gật đầu:”Vâng. Tối nay chị Tươi về, em sẽ có cách. Em và mẹ luôn cầu mong cho anh chị mọi sự tốt đẹp”.
            Từ Hà Nội trở về, chị đâu có biết Minh đang có mặt trong nhà chị. Đêm. Vẫn theo thói quen, trước khi đi ngủ, tôi vào buồng chào chị. Theo ám hiệu, anh đi theo sau tôi, đợi tôi ra ngoài, anh sẽ lộ diện. Nhưng, anh đã không làm theo kịch bản. Anh lao vào phòng và ngay lập tức ào đến bên chị, làm tôi phải chạy vội ra ngoài. Sự xuất hiện bất ngờ của anh khiến chị không kịp trốn. Chị vùng dậy cúi mặt đưa tay khua lia lịa về phía trước:” Anh Minh, anh về ngay đi, anh đừng đến gần em”. Anh đứng sững lại. Anh nhìn chị âu yếm:”Tươi ơi, anh đã mất sáu năm chờ đợi bây giờ mới được gặp em. Tươi nỡ đối xử với anh như vậy sao. Anh biết hết cả rồi. Dù thế nào, Tươi mãi mãi vẫn là của anh”. Chị khóc:”Em xin anh. Anh đi đi. Em lạy anh đấy. Không được đến gần em”. Anh lao đến. Anh ôm ghì lấy chị, tha thiết:" Xin em đừng đối xử với anh như vậy, nào, bình tĩnh lại đi em". Anh luồn tay vào tóc chị. Mái tóc thơm hương rừng anh đã từng nấu nước cây cho chị gội. Anh hôn nhè nhẹ lên làn tóc, lên vầng trán mịn.”Nào hãy nhìn anh đi Tươi, hãy nhìn vào mắt anh đi . Anh yêu em. Anh đã tìm thấy em". Anh đặt nụ hôn lên môi chị. Một sự lan tỏa tuyệt vời, nụ hôn không rào cản, tình yêu không thác gềnh. Chị nồng nhiệt đáp lại đam mê như nụ hôn ngày chia tay.
            Anh ôm ngang eo chị. Anh kéo chị vào lòng. Hơi ấm từ cơ thể anh nồng nàn rực lửa. Bàn tay anh đặt sau gáy chị. Anh dịu dàng ghì chị xuống giường. Chị ngước mắt nhìn anh. Giọng anh ngân khe khẽ:” Đêm nay sẽ là đêm tân hôn muộn của chúng mình em nhé". Bàn tay anh lướt trên cơ thể chị, mềm mại như thiên thần. Bàn tay anh, nhè nhẹ cởi dần từng khuy áo. Anh mở toang cơ thể chị và anh đặt nụ hôn  thật sâu lên bầu ngực, vành tai, cổ kiêu ba ngấn của chị. Chị đê mê, nước mắt giàn giụa. Anh dừng nụ hôn lại ở nơi vết thương kín của chị. Một thoáng ngỡ ngàng..., vụt qua nhanh nhường cho tình yêu xa xót: Anh thì thầm vào tai chị:”Những ngày em bị thương, không có anh ở bên, mình em chịu nỗi đau thể xác lẫn tinh thần. Anh có lỗi với em. Anh có lỗi với em". Rồi anh vục mặt vào nỗi đau, anh hôn lên nỗi đau. Chân thành. Sâu sắc. Nước mắt anh giàn giụa. Nước mắt chị đầm đìa. Xúc cảm ngọt ngào tràn ngập không gian. Chị quờ tay xuống dưới, ôm chặt mái đầu anh, kéo gương mặt anh lên gần, tìm môi anh. Chị hôn anh, rên siết hôn anh. Anh hôn chị rất sâu, rất lâu, nuốt lấy từng tiếng nấc của chị. Tan chảy ngọt ngào...
                                                            *
            Ngoài sân nhà, nằm trên chiếc giường tre sát giếng nước, tôi và mẹ không ngủ. Hai mẹ con đã vạch nát bầu trời để tìm những ngôi sao trong chùm Mộc, Thổ,Thủy, Hỏa và tìm cả ”con vịt lội giữa giòng sông” trong thơ cụ Nguyễn Bính.
            Ngọn đèn dầu như chùm đom đóm le lói, hắt hiu. Phòng chị im ắng. Tôi lo quá: ”Mẹ ơi liệu Anh Minh...”. Mẹ đưa tay bịt miệng tôi lại:” Mẹ tin sẽ ổn thôi con à”.
            Có tiếng bước chân đi ra từ bậu cửa buồng chị. Anh tiến lại gần chỗ mẹ và tôi nằm, anh hỏi nhỏ:
            - Mẹ, mẹ đã ngủ chưa, con muốn thưa chuyện ngay với mẹ.
            Mẹ tôi chậm rãi ngồi dậy.
          - Thưa mẹ, Tươi đã đồng ý. Con xin phép mẹ cho con và Tười thành chồng thành vợ mẹ nhé.
          Mẹ và tôi như chết lặng đi vì sung sướng. Phải một lúc sau mẹ mới cất lời giọng run run:
          - Mẹ đồng ý.
          - Mai chúng con sẽ ra Ủy ban xã làm thủ tục kết hôn. Sau đó chúng con sẽ ra Hà Nội ngay, bệnh viện Trung ương Quân đội 108 hiện đang có đoàn bác sĩ Hoa Kỳ trực tiếp điều trị chỉnh hình cho các thương bệnh binh của ta. Với kỹ thuật tiên tiến, nhất định người Mỹ sẽ trả lại dáng hình cũ cho Tươi, mẹ ạ.
            Thật không thể diễn ta nổi thành lời niềm hạnh phúc của mẹ và tôi. Mẹ cảm động rưng rưng nước mắt. Mẹ nói với anh thì thầm như tự nói với chính mình:”Mẹ cầu mong các con hạnh phúc". Nói rồi mẹ bước vào nhà, thắp nén nhang lên bàn thờ lạy tạ ông bà tổ tiên. Tôi cũng ngồi bật dậy, theo mẹ thắp nén nhang, cầu xin ông bà tiên tổ phù hộ cho tình yêu của anh chị mãi mãi hạnh phúc.

                                                                            N.Đ.A.


 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Quảng cáo
congnhan12345
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 1
Trong ngày: 50
Trong tuần: 784
Lượt truy cập: 379024

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH, NHÀ VĂN CẦM SƠN! RẤT NHIỀU BỨC ẢNH CỦA NGÀY HÔM ĐÓ ĐÃ CÙNG VỚI BÀI NÓI CỦA TÔI LÀM NÊN KHÔNG KHÍ TƯƠI VUI, HÀO HỨNG CỦA BUỔI RA MẮT SÁCH! CHÚC MỪNG NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CHÚC MỪNG TS NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC VỚI TẬP THƠ ĐỘC ĐÁO, IN ĐẸP!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÁI PHỤC BÀ MÂY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Thuộc loại "chuyện bây giờ mới kể" đây! Cám ơn tác giả! Mượn lời bà SUỐI để nói về bà MÂY: "Bái phục bà MÂY" ! Haiza!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN VÀ BAN BIÊN TẬP ĐÃ ĐĂNG BÀI VIẾT NHÂN DỊP NHÀ THƠ NGUYỄN HUY HOÀNG RA MẮT TUYỂN THƠ VÀ TRUYỆN KÍ TẠI HỘI TRƯỜNG HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM!

 

Cầm Sơn - 0913269931

Cũng cần cảm thông với ông Troussier. Nếu nói về thành tích trong quá khứ, ông Park Hang Seo không thể sánh với ông Troussier được. -Trong sự nghiệp huấn luyện đồ sộ của mình, giai đoạn thành công nhấ...

 
Xem toàn bộ
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0964 131 807
Email: soncam52@gmail.com
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công nhân.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông Chi hội Nhà văn Công nhân.