Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

NỖI NGƯỜI LÃNG MẠN

Lã Thanh Tùng

NỖI NGƯỜI LÃNG MẠN

 

   Về cơ quan chưa lâu, tôi được sếp tin tưởng giao cho trách nhiệm dẫn đầu một nhóm kỹ sư và công nhân xuống vùng than giúp cơ sở thực hiện một dự án công nghiệp.

  Do là chỗ quan hệ thân quen với sếp tôi từ trước, phía Mỏ tỏ rõ là một đối tác khá cởi mở và dễ chịu.

  Ngay khi xe chúng tôi vừa đến nơi, mọi điều kiện sinh hoạt, làm việc cho “các đồng chí trung ương” đã được bộ phận văn phòng và cô nhân viên nhà khách hoàn tất không chê vào đâu được. Dù chúng tôi chỉ là thành phần nhọ đầu lấm đít, phía bạn vẫn tỏ ra chu đáo lịch sự hết tầm, làm chúng tôi cứ thầm xuýt xoa khen tài ngoại giao đàm phán của sếp. Đúng là làm tớ thằng khôn còn hơn làm thầy thằng dại, tôi nghĩ vậy mà chạnh lòng thương mấy thằng bạn đang chổng mông khởi nghiệp với chả xờ tát ấp.

  Đúng thỏa thuận, chúng tôi phải ém quân tại địa bàn sáu tháng, vừa làm vừa hướng dẫn thợ tại chỗ thi công một loạt hạng mục khó. Thiết kế thì đã theo tiêu chuẩn Mỹ, vật tư cùng điện nước do phía Mỏ lo, chúng tôi chỉ việc đảm bảo chuyên môn, cốt hoàn thành công trình với chất lượng tốt nhất. Thì đấy, chỉ sau một tuần vào việc, guồng máy công trường đã đi vào ổn định với các chỉ tiêu không thể phàn nàn. Đại diện hai bên họp giao ban đánh giá công trình đang có triển vọng sáng sủa. Cứ đà này, chắc chắn hợp đồng sẽ hoàn thành đúng hạn, đội chúng tôi sẽ được thưởng khá.

  Để đáp lại thịnh tình và tinh thần hợp tác của phía chủ nhà, tôi lấy danh nghĩa trưởng đoàn, đại diện bên B, đứng ra tổ chức một cuộc liên hoan cảm ơn cơ sở tại nhà hàng to nhất phố thị. Mấy chục con người làm dàn tiếp viên mở bia không kịp.

  Cuối buổi liên hoan, tất cả đều say khướt. Chỉ còn tôi, do phải tỉnh táo lẩy ý đối tác, và ông Sìn, giám đốc xí nghiệp mắc bệnh kinh niên phải hạn chế bia rượu, là còn tương đối tỉnh. Đang hăng, mấy tay trẻ cứ ép mọi người tản ra hai phòng karaoke “để công trình có đà thăng hoa”. Ông Sìn ngần ngừ. Tôi đoán có lẽ ông ngại vì sợ mang tiếng. Nhưng vốn nghĩ các sếp thì cũng là con người, phải có làm có hưởng chứ, tôi bảo ông:

- Anh em họ mệt, mình bớt nguyên tắc đôi chút cho dễ động viên tinh thần, thưa sếp.

Ông cười hiền từ, rồi lấy cớ không biết hát nên xin về trước làm báo cáo gửi tỉnh. Tôi ào vào phòng karaoke, không khí mát rượi thật hấp dẫn.

   Hôm ấy chúng tôi “quẩy” hết cỡ. Đám công nhân Mỏ tưởng khô khan mà hóa cũng tài hoa và chịu chơi đáo để, cánh “trung ương” không dễ ăn đứt. Lúc về đến nhà khách, tôi để ý thấy ông Sìn (ở cùng dãy chúng tôi do ông vẫn độc thân) có vẻ tư lự, mấy sợi tóc bạc vương lòa xòa nơi vầng trán có quá nhiều nếp nhăn, ánh mắt nhìn ra phía mấy ngọn núi xa có những vệt trắng xóa của các công trường đang mùa đuổi kế hoạch.

  Mấy hôm sau, nhân một lần ngồi hỏi chuyện tay Lân trưởng phòng kỹ thuật, tôi mới biết ông Sìn chính là một trong những người đầu tiên đặt viên gạch xây dựng Mỏ này.

- Sao ông Sìn tự nhận là bộ đội chống Mỹ về? - Tôi lơ đãng hỏi.

- Thì sếp vào nghề Mỏ rồi mới đi bộ đội mà. Năm 74, quân ta ở chiến trường chuẩn bị đánh lớn, cụ lên đường đi bổ sung mặt trận.

- Thế khi về, cụ không bằng cấp gì mà cũng được ngồi ghế giám đốc à?

- Bậy nào - Lân trợn mắt - Hai bằng đại học đấy. Máy mỏ và Quản lý xí nghiệp. Ra quân là cụ lao vào học. Tại chức thôi nhưng hơn khối chú chính quy.

- Thảo nào, hôm đầu nghe sếp phán, tôi lại tưởng anh mớm.

- Đừng đùa, có cụ chỉ đạo chúng tôi thì có. Cụ bảo phải tuyệt đối chấp hành ý kiến chuyên gia các anh, nhưng hàng ngày về báo cáo lại. Thắc mắc phương pháp kéo palăng hôm qua chính là do cụ gợi ý đấy.

- Ờ, suýt nữa thì toi cụm hàn. Anh em bên tôi cũng vô ý quá.

  Mấy hôm tiếp, sau khi gù lưng làm lại một đoạn phễu thu do bên A phản bác, chúng tôi lại được anh Nhàn phụ trách đời sống kể thêm đôi điều về ông Sìn. Thì hóa ra ông giám đốc có vai trò không hề nhỏ trong đề án mà chúng tôi đang thực hiện. Toàn bộ hệ thống sàng tuyển khí nếu phải mua của nước ngoài sẽ tốn không dưới 7 triệu đô, trong khi làm theo bản thiết kế Mỹ xịn này chỉ hết già nửa tiền, kể cả chi phí cho chuyến ông Sìn sang tận Connecticut tham quan và mua những bộ phận chính, cốt lấy bản thiết kế đồng bộ. Ông già Sìn này cũng lõi đời gớm, tôi khâm phục, chuyên môn phải sâu sắc thế nào mới dám quyết định một phương án khôn lỏi nhưng rất chênh vênh như vậy. Gay nhỉ, thế này thì chúng tôi ngang tắt ăn bớt công nghệ vào đâu được nữa. Lơ mơ để bên A bắt vở, tố về thì chết với sếp ở nhà. Cái ông giám đốc mắc bệnh kinh niên này, tưởng khú đỉn mà cũng rắn quá.

Sau đó mấy hôm, vào lúc các đường găng công trình đang dày đặc thì bỗng xảy ra một sự lạ.

  Một buổi đầu giờ chiều, lúc chúng tôi chuẩn bị xuống công trình thì thấy một cô gái đi ra từ phòng ông Sìn, nét mặt như vừa khóc. Đây rồi, “cụ” giám đốc ngoài mặt tỏ vẻ cao đạo nhưng thực ra cũng “miên man” ghê. Cuối giờ chiều hôm đó, nhân lúc ngồi nhâm nhi quán ngã ba, tôi kể chuyện đó với ý nóc nhà ở đâu cũng thế thôi, đừng khắt khe với nhau quá, thì trưởng phòng Lân kêu lên:

- Không phải đâu. Đấy là cô Tranh, con gái cụ Sìn đấy. Cuối năm 86 cụ ra quân, lấy vợ rồi đẻ cô Tranh. Nhưng do bà kia chê cụ tính khí thất thường, hai người cứ lủng củng suốt. Rồi bà kia phải lòng một tay chủ nhiệm ngành cá ngoài Vịnh, đòi ly dị cụ Sìn. Cụ nhà mình đồng ý với điều kiện không được mang con đi. Nhưng vì cô Tranh hồi nhỏ quá yếu nên Tòa yêu cầu bà ấy nuôi đến qua 18 tuổi thì trả. Rồi bà kia bị tai nạn, cột buồm đổ vào đầu, bán thân bất toại, cô Tranh phải ở phục vụ mẹ. Mấy lần bà ấy nhờ con gái lên xin cụ Sìn tha thứ, nhưng cụ cứ gửi tiền xuống thì bà ta lại đưa tay chồng sau uống rượu hết. Lần này chắc cô Tranh lại về nhưng cụ không cho tiền nữa.

- Chết thật, hóa cụ này cũng truân chuyên thế cơ à? - Tôi bật ra lời than - Chứ từ đó đến giờ cụ Sìn vẫn ở vậy?

- Ờ... Nhưng cũng thế nào ấy - Lân lìu tìu ngửa cổ lên trời thổi phì phì - Hình như cụ có trong tim hình bóng một ai đó, xa xôi chứ không phải bình thường...

  Câu chuyện đến đây thì giám đốc Sìn đi ngang qua, chúng tôi giữ ý thôi không bàn tán. Mọi người ai nấy tranh nhau khoe thành tích một buổi lao động cật lực. Giám đốc khen công nhân cố gắng, nhưng chê cánh kỹ thuật dễ dãi. Ông bảo: “Tư duy các cậu vẫn theo kiểu nông dân tạm bợ, làm cái cày cái cuốc không ra hồn”. Anh Lân chống chế: “Bọn em sợ tốn tiền Mỏ vì ba cái hình thức không cần thiết”. Ông Sìn bảo: “Ngày xưa thuốc đánh răng Ngọc Lan của ta cũng rất tốt. Nhưng nếu bán sang Cu Ba thì không bằng thuốc Batonza của Hung. Tất cả chỉ vì hình thức”. Mọi người lắc đầu lè lưỡi.

  Tò mò vì những vòng hào quang vây quanh giám đốc Sìn, sau đó tôi quyết định tìm hiểu trực tiếp cái con người bí ẩn này. Dịp may đã đến, đấy là lần tôi cùng ông về Hà Nội thảo luận với sếp tôi những nội dung phát sinh. Trên hàng ghế sau của chiếc Suzuki bao diêm chuyên chở anh em chúng tôi đi công trình, ông Sìn đã thủng thẳng bật mí về cuộc đời riêng của ông:

- Thực ra tớ lấy mẹ cái Tranh không phải vì yêu, mặc dù ngày đó bà ấy cũng rất được gái. Chẳng qua sau khi ở bộ đội về, tớ cũng đã khá lớn tuổi, lại thương bà ấy ở Hoành Bồ bị đám trai làng đồn có máu hủi. Hồi ấy cũng lạ, cứ những cô đẹp nhất thì người ta hay lấy cái bệnh kinh tởm kia ra dọa nhau, mặc dù chả có chứng cứ gì. Tớ nghĩ bà ấy chân chất nên coi như mình bao bọc được một thân phận. Nhưng quả thực, ngay cả khi biết bà ấy phải lòng người khác, tớ cũng chả ghen, chả tiếc. Tớ chỉ không muốn bà ấy đem con tớ đi rồi làm khổ nó. Giữa tớ và bà ấy chưa bao giờ thật sự tâm đầu ý hợp, và đấy là một trong những sai lầm của đời tớ.

- Sao bảo sếp còn có một mối tình nào nữa?- Tôi nhớ lời phi lộ của trưởng phòng kỹ thuật Lân nên già giọng bắt nọn.

- Ờ, thì cũng có, nhưng... mây bay gió thổi í mà - Ông Sìn nhìn ra xa hoài vọng.

  Tôi quay sang nhìn ông, thấy hình ảnh một người đàn ông khắc khổ, có phần thiểu não, khác xa với dáng điệu phăm phăm khi ông đi giữa những đoàn thợ mỏ, băng qua những bãi thải, guồng than. Chắc thấy chúng tôi chăm chú lắng nghe, ông cũng không nỡ gìn giữ những trải nghiệm sâu kín của đời mình:

- Tớ còn trai trẻ khi quân ta tấn công Đà Nẵng. Tớ vào trận với cõi lòng phơi phới, vì cứ ám ảnh bởi khí thế “sạch không kình ngạc” trong Bình Ngô Đại Cáo của cụ Nguyễn Trãi. Bộ đội ta đánh tan Quân đoàn I của tướng Ngô Quang Tưởng, chiếm được thành phố lớn thứ hai của miền Nam với cơ man xa hoa vật chất choáng lộn. Đơn vị tớ được phân công tiếp quản một khu nhà binh, trong đó có tư dinh của một tên Trung tá Ngụy mới bóc tem. Chết nỗi, tên Trung tá bại trận đã cuống lên, xuống tàu biển chạy tuột một hơi vào tận Sài Gòn, rồi lại leo trực thăng Mỹ bay ra Hạm đội 7, không kịp về qua nhà, bỏ lại toàn bộ dinh cơ hàng nghìn lượng vàng cùng cô vợ trẻ mới cưới. Không biết tớ có bị ma ám gì không, nhưng khi cùng anh em vào nội thành, tớ chợt phát hiện ra vị nữ chủ nhân khốn khổ kia quá đẹp. Cô ta tên Trinh, Thục Trinh, vừa tốt nghiệp Sài Gòn Y khoa Học xá.

Tay lái xe cơ quan tôi còn trẻ, nghe đến thế thì cuống lên, quay xuống hỏi ông Sìn:

- Các sếp khi đó có “xử lý” không? Có ai thử làm “ngài Trung tá” một đêm không?

- Bậy nào - Ông Sìn cười - Chúng tớ khi đó đánh nhau thì hăng nhưng chuyện ấy thì rất nghiêm chỉnh.

- Phí quá, thế sau cô ấy lạc mất hả sếp?

Ông Sìn không nói gì, rút cái ống điếu bằng vỏ đạn 37 ly ra mồi thuốc hút khìn khịt. Chờ cho tay lái xe hết háo hức những lời báng bổ, ông mới húng hắng nói tiếp:

- Tớ lúc đó như lên cơn sốt, chỉ biết đứng ngây một góc ngắm cô ấy, mặc cho đồng đội tiến hành các thủ tục hậu chiến. Cô ấy lúc đầu sợ, nhưng rồi thấy chúng tớ không có vẻ gì đe dọa, nên dần cũng tự nhiên trở lại. Không thể gọi là sự cộng tác, tất nhiên, nhưng quả thực cô ấy đã cư xử với chúng tớ lịch sự như một người dân lương thiện có học.

  Thế rồi sau đó đơn vị chúng tớ lại phải hành quân tiếp, bàn giao địa bàn cho các anh bên Quân quản. Trước khi đi, tớ có đến chào cô ấy theo nghĩa phụ trách đơn vị, động viên trấn an nhân dân làm ăn sinh sống. Và rồi các cậu có biết cô ấy đã nói với tớ thế nào không? Cô ấy cảm ơn quân giải phóng đã đổi đời cho cô ấy, giải thoát cô ấy khỏi một người mà cô ấy không yêu. Lúc bấy giờ tớ mới biết viên Trung tá ngụy kia cũng chỉ là ân nhân đã xin cho cô ấy ra tù vì một lần sơ ý tiêm nhầm thuốc. Tớ không biết nói gì trước cơ may bất ngờ đến vậy, chỉ lóng ngóng chối từ những món quà đắt tiền cô ấy biếu, nhưng xin nhận một túi thuốc chống sốt rét, trên đó có đôi dòng địa chỉ của Trinh và ba má cô. Tớ nghĩ sẽ còn nhiều dịp để quay lại với người đẹp, và tớ tin vào những tình cảm mà cô ấy dành cho tớ.

- Ái chà - Anh xế đến đây đập duỳnh duỳnh vào cánh cửa - Sếp ngon rồi. Con mà là sếp thì con xài luôn, chẳng có oong đơ gì nhiều cho mệt. Sau đó thế nào ạ?

- Cháu nghĩ kiểu này chưa chắc đã ăn thua gì - Tôi cũng không kìm được cảm xúc, nhưng tỏ ra vẻ từng trải - Lúc ấy đang loạn lạc, sếp quay về thì mất cô ấy là chắc?

- Đúng vậy, mà cũng không hẳn vậy. Ông Sìn cười khùng khục như bỗng nhiên phát rồ - Đúng là không ăn thua gì, nhưng không phải là tớ không gặp lại cô ấy. Tất cả chỉ bởi vì thực ra tớ hơi giàu trí tưởng bở. Cô ấy chỉ coi tớ như một người anh, một người bạn tin cậy, không hơn. Đã có người nào đó lấy trái tim cô ấy từ trước tớ rồi. Rất buồn nhưng chẳng thể nào khác được. Số phận đôi khi vẫn chéo ngoe thế. Nhưng cũng từ đó, tớ mới hiểu thế nào là một tình yêu đúng nghĩa.

  Tôi và anh tài im bặt trong niềm bâng khuâng của giám đốc già. Tôi đã từng đọc ở đâu đó, rằng loại tình cảm mong manh và cao khiết đôi khi làm khổ con người ta còn hơn cả thú sở hữu tầm thường. Trong hoàn cảnh này, nếu chúng tôi vụng nói, ông Sìn sẽ thôi không tiếp tục bộc bạch nữa, mà như thế thì thật uổng. Quay qua anh xế như để giảm bớt sự căng thẳng, tôi lủng lẳng:

- Phải công nhận ngày xưa các cụ sống lãng mạn hơn anh em chúng mình bây giờ, anh tài nhẩy?

- Thì mỗi thời một kiểu. Ai mà khăn xếp áo the mãi được.

Ông Sìn tư lự một hồi, rồi như biết chúng tôi vẫn đang yên lặng chờ nghe, ông kể tiếp:

- Tớ rất đau khổ khi ngỏ lời với cô ấy nhưng bị từ chối. Đó là đợt trước khi sang Cămpuchia, năm 1978. Cô ấy khóc bảo tớ: “Em biết bộ đội giải phóng ai cũng tốt, ai cũng đáng quý. Nhưng cuộc đời em chỉ có một. Em xin sống để dạ, chết mang đi tình cảm của anh”. Tớ ốm mấy ngày. Khi dậy, tớ viết một bức biệt thư và chúc cô ấy hạnh phúc. Đơn vị tớ đã đi trước khi tớ khỏi ốm, giờ đây tớ phải nhanh chóng khăn gói đuổi theo đơn vị.

- Chà, buồn quá - Anh tài thở dài đánh sượt - Thảo nào người ta nói chinh phục một người đàn bà còn khó hơn chinh phục cả thế giới.

- Tất nhiên - Ông Sìn cười - Nhưng là bởi đàn ông mình quá tự tin nên đôi khi không biết những chuyện sâu kín. Đối với phụ nữ, chiến tranh là một điều gì đó thật kinh khủng. Họ là người thiệt thòi nhiều nhất. Mãi sau này tớ mới hiểu được điều nghịch lý ấy.

- Sao ạ? - Anh tài rà phanh cho xe chạy chậm lại - Thế hóa ra sếp bị cô ấy chê là võ biền?

- Khồ... ồ... ng - Ông Sìn lại cười, lần này còn gằn hơn khi trước - Vấn đề là ở chỗ: Cuộc chiến đẩy cô ấy vào hoàn cảnh thật sự tồi tệ.

Ngừng một lát rồi ông Sìn kể vội vã như đã thuộc lòng:

- Thực ra khi Đà Nẵng được giải phóng, cái người đến với cô ấy trước tớ và được cô ấy đáp lại chính là, các cậu có biết là ai không, là một trong những cấp dưới thân thiết nhất của tớ!...

Các cậu đừng cười, việc ấy xét cho cùng chẳng có gì lạ. Thằng cha là trinh sát, đã từng vào tìm hiểu địa bàn địch nhiều lần, và đã tìm hiểu luôn về cô ấy khá kỹ. Khi đơn vị chúng tớ tiếp tục lên đường truy kích địch, hắn được phân công ở lại giúp ủy ban quân quản ổn định trật tự. Lúc chia tay thì tớ chưa biết, chỉ sau này qua một vài lần thư từ, sự việc mới phát lộ.

   Nhưng rồi họ cũng không xây dựng hạnh phúc được với nhau. Khi chúng tớ sang Cămpuchia làm nhiệm vụ quốc tế, anh chàng kia chỉ huy một đơn vị rà phá bom mìn giúp dân khôi phục sản xuất. Một quả mìn định hướng mui rùa đã găm vào người anh ta hàng chục mảnh kim loại, trong đó có hai mảnh trong hộp sọ, đến mức các bác sĩ lúc đầu tưởng không cứu được anh ta nữa. Trinh đã không quản khó khăn, vẫn gắn bó với người thương binh loại 3/4 ấy, những mong đền đáp công ơn sâu nặng của Cách mạng với cuộc đời mình. Nhưng thực sự thì số phận lại quá nghiệt ngã đối với cô ấy. Các bạn biết vì sao không? Chàng thương binh của tớ bỗng dưng dở chứng cao thượng rởm, không muốn vì mình mà cô ấy bị khổ lụy. Anh ta ra sức đẩy cô ấy về phía tớ mà không biết rằng lúc bấy giờ tớ đã đi quá xa trong niềm vô vọng. Hắn nói với Trinh thế này: “Anh Sìn mới là người thật lòng yêu em, còn anh chỉ bốc đồng thôi, anh có vợ ngoài Bắc rồi”. Rồi thừa cơ khi Trinh vô Sài Gòn thăm ba má, cậu chàng lên tàu thẳng ra Hà Nội, không một dòng lưu dấu.z3635325645112_0d3251764fd5b8fbb2653442ff6ad8dd

- Chịu các cụ thật - Anh tài bình luận - Chả bù cho bọn con bây giờ. Tuần trước hai thằng bạn thân của con vừa choảng nhau vì con bé bán bia hơi.

- Còn thằng oắt con hàng xóm nhà cháu mới 16 tuổi đã lừa một cô buôn dép nhựa vào nhà đóng cửa lại - Tôi đế thêm.

- Hừ, tất nhiên mỗi thời mỗi khác - Đến lượt ông Sìn bày tỏ cảm thông với thế hệ trẻ - Nhưng phải thừa nhận các cậu bây giờ bỗ bã quá. Hôm nọ trong nhà hàng karaoke, nghe các cô gái nói tục mà tớ sợ.

- Ôi dào, bọn ấy chấp làm gì - Tôi vẫn muốn nghe tiếp chuyện ông      Sìn nên gạt đi - Rồi cô Trinh về sau thế nào, thưa sếp?

- Chả thế nào cả - Ông Sìn dấm dẳng - Mãi sau này găp lại anh bạn kia, tớ mới biết chuyện thì đã quá muộn: thằng cha Trung tá Ngụy vừa tìm về đưa Trinh qua Mỹ, bởi lão ta cũng không quên được cô ấy. Vả lại, dẫu sao họ vẫn là vợ chồng.

- Thế nghĩa là sếp thỉnh thoảng vẫn nhận được thư của cô ấy? - Tôi hồi hộp hỏi.

- Không, tớ gặp Trinh bên Mỹ, chuyến sang tham quan mua thiết bị vừa rồi đó - Ông Sìn cười - Trước khi đi tớ vào thăm ba má cô ấy nên biết địa chỉ. Chính vợ chồng tay Trung tá giúp tớ có được bản thiết kế đồng bộ các cậu đang thi công, bởi bà chủ tịch hội đồng quản trị là bệnh nhân châm cứu của cô ấy, còn lão Trung tá thì dạy chồng bà kia võ vôvinam. Các cậu biết đấy, bọn Mỹ nó chơi cũng rắn lắm, mình tớ làm sao qua mặt nó được.

- À ra thế. Thảo nào cháu thắc mắc mãi, làm sao sếp lại khôn khéo có bản thiết kế đáng giá hàng triệu đô như vậy được.

- Này, nhưng các cậu cũng phải biết điều với bọn tớ đấy nhé - Ông Sìn cười cười quay sang tôi đe dọa - Đừng tưởng hai tỷ rưỡi xơi được của Mỏ là ngon đâu, cũng xương đấy.

- Dạ, chúng cháu cố gắng làm tròn trách nhiệm, có gì các sếp đỡ cho.

- Đỡ đỡ cái con khỉ - Đến đây ông Sìn bỗng mất bình tĩnh - Tớ với thằng Trung, viện trưởng các cậu, vừa tạo điều kiện cho nhau vừa bắt nhau phải chịu trách nhiệm.

- Trách nhiệm gì hả sếp? - Tôi không hiểu câu nói ông Sìn.

- Trách nhiệm gì? Trách nhiệm với người năm cũ chứ còn gì nữa - Ông Sìn lại bắn một hơi thuốc lào rồi thả khói mù mịt. Tôi liếc sang thấy ông như đang ngồi trong một cây khói - Viện trưởng các cậu chính là tay thương binh đã bỏ rơi cô Trinh đấy, thằng khốn kiếp.

- Thôi chết - Tôi giật mình - Vậy ra sếp Trung nhà cháu chính là tay thương binh quá quắt đấy à? Thảo nào trên bàn làm việc của sếp Trung, cháu thấy có tấm ảnh đen trắng một cô gái mặc bộ đồ bác sĩ. Chính là cô Trinh đó phải không ạ?

- Còn ai vào đấy nữa. Cậu ta cũng phóng một bức ảnh như thế cho tớ, rồi tớ lại phóng một bức nữa mang sang tặng lại Thục Trinh. Cô ấy khóc mãi.

- Ké... é... ét...! Ối!...

  Anh tài gần như phanh khựng hẳn lại. Có vẻ như câu chuyện của ông Sìn đến đây bỗng làm tay xế bặm trợn kia cũng không được bình tĩnh. Chúng tôi dồn lên hỏi xem có vấn đề gì không. Không có vấn đề gì, xe lại dìn dìn lăn bánh. Để tránh cho không khí trên xe quá căng thẳng, tôi làm bộ ngô nghê hỏi:

- Vậy mà lão Trung tá Ngụy kia không ghen tuông gì với các sếp ạ?

- Có chứ. Lúc mới gặp tớ, lão tưởng tớ sang tận Mỹ để lòng thòng với Thục Trinh. Lão bảo: “Việt cộng các ông có công thống nhất đất nước, nhưng chủ nghĩa lãng mạn của các ông làm hư hỏng đàn bà”. Tớ chưa kịp nói gì thì Trinh đã gầm lên như hổ dữ: “Vậy chứ ai bỏ tôi mà thoát thân một mình? Và nếu không có cái lãng mạn đó thì anh có còn được tôi nguyên vẹn chăng?”. Tớ bảo lão: “Thực ra chủ nghĩa lãng mạn đôi khi làm chúng tôi hơi thua thiệt trước các anh. Nhưng chúng tôi không tiếc, bởi vẫn muốn tất cả chúng ta có cớ tin vào một cuộc đời tốt đẹp hơn. Xin anh nghĩ kỹ”.

- Hay! Các cụ đối thoại y hệt Kitxinhgiơ và Lê Đức Thọ - Anh tài đến đây đã bình tĩnh vỗ đùi khoái trá.

- Bậy nào - Tôi thấy anh ta quá đà vội ngăn lại - Hai quy mô khác hẳn nhau, nên tính chất câu chuyện cũng không thể giống, sếp công nhận không?

- Tất nhiên - Ông Sìn gật gù - Nhưng thực ra cũng có điểm giống. Đối phương của chúng ta hồi đó không phải toàn là người xấu. Nhiều người trong số họ bị bưng bít về mặt thông tin nên hiểu nhầm Việt Cộng...

  Chuyến xe hôm đó cho tôi thay đổi hẳn quan niệm về các sếp và thế hệ của các cụ. Trước đây, bao giờ tôi cũng nghĩ các cụ chỉ được cái lập trường quan điểm vững vàng, còn chuyên môn và tình người thì vẫn nhiều chỗ phải xét lại. Còn giờ đây, tất nhiên các cụ cũng chả tự dưng thăng thiên vào hạng tiên phật thánh thần, nhưng tôi phải công nhận có thời các cụ đã sống và chiến đấu thật đáng nể. Tôi không còn là thằng tôi bông lơn và hãnh tiến nữa. Đám kỹ sư và công nhân thực hiện đề án cũng không còn bụng dạ nào mắt trước mắt sau làm tắt làm ẩu, ăn bớt công nghệ. Dây chuyền sàng tuyển than theo công nghệ mới hoàn thành đúng tiến độ đề ra với chất lượng tốt, được thưởng khá xộm. Chỉ có điều duy nhất tôi không thể lường trước được, đó là câu tâm sự của sếp tôi khi thầy trò cùng nhau uống bia Ụ pháo Hồ Tây, mừng công trình đã giải ngân trọn vẹn:

- Cậu hiểu và thông cảm với thế hệ chúng tớ thế là tốt, nhưng hôm nay tớ thấy cần phải nói thêm điều này: Ông Sìn đã kể tráo vai trò giữa tớ và ông ấy đấy. Chính ông ấy là tay thương binh ngang như cua kia, còn tớ là người bị Thục Trinh từ chối. Cậu xem đây này, tớ có sao đâu. Còn trong người ông ấy là hơn chục mảnh kim loại lẩn quất. Còn tại sao ông ấy hành động như vậy thì tớ cũng chịu. Có thể đấy là cá tính người vùng Mỏ..../.

                                                                                    L.T.T

Nguồn Văn nghệ số 42/2018

 

 

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 

VŨ NHO 085 589 0003

CHÚC MỪNG TS NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC VỚI TẬP THƠ ĐỘC ĐÁO, IN ĐẸP!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÁI PHỤC BÀ MÂY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Thuộc loại "chuyện bây giờ mới kể" đây! Cám ơn tác giả! Mượn lời bà SUỐI để nói về bà MÂY: "Bái phục bà MÂY" ! Haiza!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN VÀ BAN BIÊN TẬP ĐÃ ĐĂNG BÀI VIẾT NHÂN DỊP NHÀ THƠ NGUYỄN HUY HOÀNG RA MẮT TUYỂN THƠ VÀ TRUYỆN KÍ TẠI HỘI TRƯỜNG HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM!

 

Cầm Sơn - 0913269931

Cũng cần cảm thông với ông Troussier. Nếu nói về thành tích trong quá khứ, ông Park Hang Seo không thể sánh với ông Troussier được. -Trong sự nghiệp huấn luyện đồ sộ của mình, giai đoạn thành công nhấ...

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN! ÔNG HLV NGƯỜI PHÁP CHƯA BAO GIỜ THÀNH CÔNG "VANG DỘI"! CÓ ĐIỀU NÀY ĐÚNG: CHẢ NÊN TRÁCH ÔNG TA NHIỀU! TRÁCH LÀ VFF QUÁ TIN ÔNG TA, KẺ CAO NGẠO, BẤT TÀI! VẬY THÔI!

 
Xem toàn bộ
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0964 131 807
Email: soncam52@gmail.com
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công nhân.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông Chi hội Nhà văn Công nhân.