Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

NHỮNG THÁNG NĂM SĂN TÌM CÁI ĐẸP

Đỗ Ngọc Yên
 
NHỮNG THÁNG NĂM SĂN TÌM CÁI ĐẸP
 
  Khen quá sớm hoặc chê quá muộn đối với một người nào đó đều không phải là một việc làm đắc dụng. Ngược lại khen quá muộn và chê quá sớm cũng là không nên. Bởi như vậy vừa thiệt cho người và vừa hại cho đời. Thơ Đỗ Minh Tuấn thuộc vào trường hợp thứ hai. Âu chuyện cũng đã rồi!
  Nếu coi chức năng đầu tiên và là một trong những chức năng quan trọng nhất của văn học nghệ thuật là phản ánh thời đại mà tác giả sống, thì thơ Đỗ Minh Tuấn đã làm việc đó khá thành công.
  Tràn ngập gần 400 trang của ba tập thơ “Tỉnh giấc”, “Những cánh hoa tiên tri” và “Con chim giấy”, vừa xuất bản của Đỗ Minh Tuấn là hiện thực cuộc sống Việt Nam, trải dài trong suốt 20 năm từ những năm tháng đánh Mỹ hào hùng cho đến những ngày tháng dựng xây đất nước hôm nay. Không chỉ ghi lại những sự kiện lịch sử lớn lao của dân tộc, thơ Đỗ Minh Tuấn còn đặt ra những vấn đề về sự phát triển của dân tộc. Suy tưởng và day dứt, đắm say và tỉnh táo để nhìn nhận và xét đoán số phận của cả một dân tộc, không dễ mấy ai cũng thành công được như anh. Dù mỗi bài thơ, mỗi phần của tập thơ được viết về những đề tài khác nhau, nhưng ẩn tàng phía sau những thế giới riêng lẻ và cá biệt ấy là số phận của hàng triệu con người đang chiến đấu, lao động và sáng tạo. Có lẽ trong thơ Đỗ Minh Tuấn không vắng bóng một loại hình tượng nào. Từ tổ tiên, lãnh tụ, vĩ nhân, người lính, người thợ, bà mẹ, nhà báo, nhà thơ, những đứa trẻ con nhà nghèo đến những người ăn mày, những người săn mốt, những kẻ ngậm miệng ăn tiền, những phụ nữ Trung Hoa và Campuchia, những người đã chết vì lưỡi cuốc của Polpot Iengsary v.v... tất cả đều được phác hoạ vừa cụ thể, sinh động, vừa khái quát, có niềm vui và nỗi buồn riêng, có sự đớn đau từng trải với bao vinh quang, nhọc nhằn, lo toan, vất vả. Nhưng nổi bật trên tất cả là hình tượng nhân dân, một nhân dân vĩ đại, cao thượng và tội nghiệp với những số phận của người lính, người thợ, người vợ, người mẹ và trẻ thơ. Dưới cái nhìn của Đỗ Minh Tuấn nhân dân là những người cao cả, hào hiệp:
 “Những người quen làm phúc cho lịch sử
đẩy cả trái đất lăn qua ổ gà
Giống như những người qua đường,
xắn tay lên đẩy hộ chiếc xe vượt dốc”
(Tôi - Một cây đàn)
Họ luôn ăn những “bát cơm vơi độn đầy hoa chiến thắng”, nhưng không phải là những con rối của lịch sử mà họ luôn ý thức được một lẽ sống rất gần gũi, thiết thân:
“Ta giành giật với thù từng tấc đất thương đau
Đâu phải chỉ để xây viện bảo tàng lịch sử
...
Chao ôi, những lá cờ một đầu buông theo gió
Có ai đã từng mơ đo áo cho con”
(Gửi bạn yêu thơ)
Và nhân dân đã đi vào cuộc chiến tranh không phải lúc nào cũng như đi vào ngày hội mà luôn phải trả giá, một sự trả giá thường trực:
“Trên đầu nhân dân luôn thiếu một mầu mây
Trong nhà nhân dân luôn thiếu một đứa con
Trên áo nhân dân luôn in vết một vòng ôm từ biệt”
(Gửi bạn yêu thơ)
  Cảm hứng thương những người anh hùng xuất hiện trong thơ Đỗ Minh Tuấn rất sớm khiến cho những bài thơ đầu tiên của anh đã thể hiện người lính như những con người bình thường phải trả giá biết bao nhiêu để làm nên những kỳ tích lịch sử cho nhân loại. Cảm hứng nỗi buồn chiến tranh xuyên suốt các bài thơ viết về người lính của Đỗ Minh Tuấn từ gần hai mươi năm trước đây khiến người ta nhói lòng (“Trang thơ các anh”, “Dưới vòm cây lá đỏ”, “Bầu trời và mặt đất”, “Đi hết tiếng đàn bầu”, “Bài ca cuốn võng”, “Uyn - fret Bocset”, “Chờ đợi”, “Chia ly”, “Cô gái kia tìm ai”...).
 Có thể nói Đỗ Minh Tuấn là một trong số ít nhà thơ đã nhìn người lính bằng cái nhìn nhân văn khá sớm từ khi nền văn học Việt Nam nói chung còn phủ đầy lên họ những vòng hào quang của chiến thắng, mang màu sắc tụng ca. Đỗ Minh Tuấn đã phát hiện ra và cảm thông với cả những mất mát sâu sắc, vô hình trong đời sống dân tộc thời kỳ chiến tranh. Đó là sự ám ảnh của chiến tranh giống như định mệnh, người lính xâm nhập và hiện diện khắp nơi trong cõi dân gian và tâm linh:
“Thời gian cũng là người lính dẻo daia9zb
Đứng với ta trong cùng đội ngũ”
...
“Giấc ngủ của ta cũng là một phòng chờ
Để người lính bước vào trận đánh”
(Hãy may thêm một bộ quần áo lính)
Đỗ Minh Tuấn có hàng ngàn câu thơ viết cái cao cả của người lính trong chiến đấu, trong lao động, trong cuộc sống đời thường. Trong rất nhiều cái giá phải trả của người lính, có cái giá của sự lặng im, kiềm chế những khát vọng cao và thiêng liêng:
“Treo tạm vầng trăng lên đầu súng thép
Chiếc bánh thơ đành để gấu ăn dần”
(Trang thơ của lính)
  Có lẽ những câu thơ trên cũng nói về một nền nghệ thuật trong chiến tranh cách mạng, ghi nhận những mất mát của người nghệ sĩ trong nghĩa vụ công dân. Nhưng người lính chỉ là một bộ phận của nhân dân. Làm nền cho họ là số phận những người vợ, những người mẹ thật lớn lao trong sự kiên nhẫn chờ đợi, âm thầm chịu đựng và bền bỉ mộng mơ, trong những lo toan gắng gỏi giữa vụn vặt đời thường để kiên trì một tình yêu lớn, một tình thương lớn. Họ phải gánh chịu một sự chia ly và một niềm hy vọng truyền kiếp:
“Một bé gái ra đời
Thơ in trong đáy mắt
Em ơi, đợi anh về
Nôi bên nôi kẽo kẹt”...
(Cô gái kia tìm ai)
  Đỗ Minh Tuấn đã có nhiều bài thơ khá sâu sắc về số phận những người vợ, người mẹ trong chiến tranh (“Chia ly”, “Chờ đợi”, “Cô gái kia tìm ai”, “Dưới vòm cây lá đỏ”, “Những chiếc gương”, “Bên một dòng song”, “Những chiếc lá khô”...). Mất mát trong chiến tranh với những người phụ nữ, không chỉ là mất mát người thân, mất những hạnh phúc thường tình, mà sâu hơn cả là mất mát một tâm hồn thanh thản để sau chiến tranh bị biến dạng thành một nỗi lo âu thường trực như những nhân vật của Anbe Camus:
“Mẹ tôi - nỗi lo âu mặc áo vá vai không biết ngày chủ nhật
Dường như mỗi đồ đạc bị xô nghiêng làm mẹ lo hơn một ít
Con gà nhỏ xổng chuồng trốn vào vườn nhà ai
Cả nhà đuổi vây quanh không bắt được
Sẽ lớn lên thành con gà khổng lồ gáy vang
đêm đêm làm mẹ tỉnh giấc
Nhớ mãi bóng con gà trong lùm huệ rung rinh”
(Mẹ tôi - Người hay lo)
  Hình ảnh những người phụ nữ được Đỗ Minh Tuấn khắc hoạ khá sắc sảo và xúc động. Không đao to búa lớn nói về hậu quả chiến tranh, nhưng những người phụ nữ hiện lên trong thơ anh như những nạn nhân của chiến tranh, của những khó khăn thời hậu chiến. Trong chia ly, thiếu thốn và đói khổ họ không kêu ca oán trách mà âm thầm chịu đựng, vật lộn và bền trí ấp iu một tương lai còn rất mong manh, nhưng không thể ngồi yên chờ đợi mà phải chiến đấu quyết liệt, lo toan, thu xếp, hy sinh để làm ra nó:
“Một chiếc giẻ lau, một chiếc chổi cùn
Mẹ tôi chống chọi với những cơn bão táp
nhân danh một kỷ nguyên...
Mặt trời, gió và những chuyến xe cuốn bụi
Sự quên lãng có bộ lông mềm mại,
Và cơn mưa vị khách bị xua đuổi khóc lóc ngoài hàng hiên
Vẫn thả vào nhà cái mộng mơ tàn bạo
Tất cả đều thua mẹ
Mẹ tôi - người hay lo”
(Mẹ tôi - Người hay lo)
  Số phận nhân dân sau chiến tranh được Đỗ Minh Tuấn khắc hoạ cũng khá rõ nét, đầy tài hoa trong hàng ngàn câu thơ viết về những người thợ. Những bài thơ “Bố tôi”, “Người thợ say”, “Khi người khách ngang qua thành phố”, “Du lịch Bella”, “Hát ru những em bé bên sông Đà”, “Trò chơi mới trong thành phố mới”..., đã thể hiện người lao động thật lầm lũi, nhưng cũng rất lớn lao, cao thượng trong sự cần cù, kiên nhẫn và chịu đựng để xây dựng một cuộc sống mới, làm ra những sản phẩm vật chất và kiên trì những giá trị tinh thần truyền thống. Họ là những người bị đóng đinh vào công việc như chúa Jê - su bị đóng đinh vào thánh giá và gắn bó với nhà máy, công trường như một định mệnh:
“Một đôi tay sần chai, một chiếc cặp lồng cơm
Một nhà máy hút xa ở cuối cánh đồng
Lặng lẽ, cần cù và bao dung như Chúa
Hai mươi năm, bố tôi chỉ đi một con đường”
(Bố tôi)
Họ phải lao động trong những điều kiện khắc nghiệt đầy nắng bụi, khi trở về gia đình, họ lại phải đối diện với nghèo khổ và thiếu thốn, đối diện với những mất mát về tình cảm:
“Những lời nói đùa thằng hề của lương tâm
Không thấy múa may trong gia đình cô nữa
Nó đã già rồi, đã đến tuổi về hưu
Đêm đêm, nó ngủ trong một chiếc khăn tay
ướt đầm nước mắt”
(Du lịch Bella)
   Nhưng người thợ trong thơ Đỗ Minh Tuấn không chỉ bị chôn vùi trong công việc, trong những dằn vặt lo toan của đời thường, mà vẫn gắng ước mơ một ngày mai nào đó tốt đẹp hơn, vẫn rạo rực những tình yêu với một cô đánh trống vừa quen... Không thể kể hết những câu thơ hay mà Đỗ Minh Tuấn đã viết về cuộc sống của người thợ với những hạnh phúc tội nghiệp cùng những chịu đựng phi thường của họ.
Trẻ thơ cũng là hình tượng nổi bật trong thơ Đỗ Minh Tuấn. Suốt 34 bài thơ trong tập “Con chim giấy” là sự rung động trước thế giới trẻ thơ, một thế giới nằm giữa đời thường và huyền thoại, một thế giới khắc nghiệt, thiếu sự chăm sóc, thiếu đồ chơi:
“Này em bé ơi!
Đừng nhặt cánh hoa
Tay em bé bỏng
Cầm vào đốt ngón lìa xa”
(Chia ly)
Tất cả những con người trong “Con chim giấy” đã tạo nên một thế giới con trẻ cô đơn và thánh thiện. Dường như bố mẹ các em đang mải miết trong chiến tranh hay trong xây dựng, để lại các em lủi thủi ngơ ngác và đam mê giữa vô tận của thiên nhiên và vô cùng của tưởng tượng trẻ thơ. Các em bé trong thơ Đỗ Minh Tuấn không chỉ là nạn nhân của chiến tranh, đói nghèo và lạc hậu, mà còn là những con người giầu ước mơ, hồn nhiên, nhân hậu vị tha theo một cách riêng:
“Em thương con chim giấy
Con chim giấy không tên
Xương chim là nếp gấp
Đã mờ trong sóng êm”
 (Con chim giấy)
  Ngay cả khi hát cho các em nghe, những vần thơ của Đỗ Minh Tuấn cũng vẫn day dứt, cứa xát vào cõi thẳm sâu của những người làm cha, mẹ và làm anh trước những ước mơ tội nghiệp của các em.
  Nhân dân hiện ra trong thơ Đỗ Minh Tuấn như một ngôi đền lưu giữ những giá trị đạo đức và văn hoá truyền thống, sự xả thân, đức hy sinh, tính cần cù chịu thương chịu khó, lòng thuỷ chung, nhân ái, vị tha, sự nỗ lực vì con cháu... Những giá trị truyền thống ấy thoáng qua chỉ là những khái niệm mòn sáo và khô cứng. Trong thơ Đỗ Minh Tuấn, người đọc có thể nhận thấy anh trình bày nó như những nghịch lý của đời sống thực trong số phận nhân dân, qua đó toát lên cái giá mà dân tộc ta đã phải trả cho mỗi quá trình lịch sử để có được một cuộc sống tự do hạnh phúc hôm nay. Đó chính là sự nỗ lực phi thường trong mỗi giây, mỗi phút của những người dân bình thường trong khát vọng anh hùng và khát vọng được sống tưởng như rất nhỏ nhặt, bình thường mà không phải lúc nào chúng ta cũng ý thức được.
Cái anh hùng được nhà thơ soi rọi và thẩm định lại dưới ánh sáng của chủ nghĩa nhân văn cao cả, cái phi thường được đo đếm bằng kích thước của những cái đời thường, bình thường. Đó chính là chiều sâu sáng tạo đã giúp Đỗ Minh Tuấn không bị rơi vào một trong hai thái cực: ca ngợi một chiều, lãng quên những đau khổ của con người; hoặc phủ định quá khứ, khoét sâu vào những mất mát riêng tư không có giá trị thẩm mỹ và nhân văn. Chính chủ nghĩa nhân văn, tư duy triết học, bút pháp đa thanh đa sắc đã đưa hình tượng thơ của Đỗ Minh Tuấn gần với những hình tượng văn xuôi hiện đại nhưng nhân hậu và ấm cúng hơn. Không một lần tỏ ra coi thường và khinh miệt mà trái lại Đỗ Minh Tuấn tin cậy nhân dân như tri kỷ. Đó là một hướng đi đúng đắn cần được khẳng định:
“Sung sướng thay khi đã có một nhân dân tri kỷ
Biết tự mình chọn lấy những nhà thơ
Sành sỏi hơn nhiều khi chọn những ngai vua”
(Gửi bạn yêu thơ)
   Nhân dân không chỉ là đối tượng chính để Đỗ Minh Tuấn đồng cảm và ngợi ca, mà hơn thế nữa, trở thành cái lõi của mọi sự suy tư, rung cảm, kể cả những rung cảm triết học siêu hình. Trong cả ba tập thơ, Đỗ Minh Tuấn đã suy tư nhiều vấn đề về số phận con người, của dân tộc và thời đại mà nổi bật là những ý tưởng khá tài hoa và độc đáo về chủ nghĩa anh hùng và số phận nhân dân, cái cao cả siêu phàm và cái bình thường, gần gũi. Con người là đích đến của chủ nghĩa anh hùng:
“Làm anh hùng hôm nay cũng là để làm người
Ai đổ máu mình ra đúc tượng mình để ngắm
Ta đã thấm nỗi đau thần thánh
Làm anh hùng đâu phải một nghề riêng”
(Gửi bạn yêu thơ)
Con người là đích đến của nghệ thuật, đời sống nhân dân là thước đo mọi giá trị của nghệ thuật. Đó là những tư tưởng nổi bật trong nhiều bài thơ Đỗ Minh Tuấn như: “Mẹ mong con thành thi sĩ”, “Một chút mặc cảm”, “Tôi đóng vai hài kịch của Maia”, “Tôi - một cây đàn”, “Đi hết tiếng đàn bầu”, “Du lịch Bella”, “Trang thơ của lính”, “Cái cây bên cửa sổ tên gì” v.v... Cái lõi của tư tưởng này là một cái Tôi luôn ý thức về trách nhiệm công dân, luôn day dứt về thân phận và sứ mệnh người nghệ sĩ, luôn khát khao một không gian phát triển, một môi trường lành mạnh và tri kỷ. Cái giá của nghệ thuật được đề cao chưa từng thấy và cũng đớn đau chưa từng thấy:
“Lỗi lầm chuộc với ai đây
Tri âm chết dưới bàn tay rung cần”
(Đi hết tiếng đàn bầu)
   Trong thơ Đỗ Minh Tuấn cái Tôi được tác giả mổ xẻ, lý giải trong sự phóng chiếu vào số phận nhân dân, đo đạc bằng những giá trị của nhân dân. Không phải không có lúc cái Tôi được đẩy đến tận cùng với mặc cảm hiện sinh, cô đơn như trong các bài “Tỉnh giấc”, “Vật cuối cùng”, “Cô đơn và Thế kỷ của gió”. Nhưng ngay cả ở đây cái TÔI cũng vẫn day dứt một khát vọng sâu thẳm được liên hệ với cộng đồng, với nhân dân, với cái Ta. Triền miên trong mấy trăm trang thơ là một niềm dằn vặt, khắc khoải của nhà thơ khi mặc cảm về sự vô ích, chậm trễ và kém cỏi của mình trước số phận và giá trị của nhân dân. Phát hiện ra giá trị của những con người bình thường để rồi khát khao vươn tới, đó là một cảm hứng hướng thiện lành mạnh thường trực trong thơ Đỗ Minh Tuấn rất khác với những suy tư cá nhân cực đoan và bệnh hoạn trong một số tác phẩm được mệnh danh là hiện đại.
   Thơ Đỗ Minh Tuấn đã xử lý một cách hài hoà cái Tôi và cái Ta trong đó những giá trị văn hoá và nhân văn truyền thống được kết hợp nhuần nhuyễn và tài tình với những rung cảm, suy tư có tính triết học hiện đại đầy mầu sắc thân phận.
   Dù khó tính đến đâu, người đọc cũng phải thừa nhận thơ Đỗ Minh Tuấn tràn ngập những cảm hứng và những suy tư về con người và thời đại với rất nhiều ý tưởng khá sâu sắc và táo bạo, với một dung lượng lớn chi tiết đời sống của hàng triệu con người Việt Nam. Buồn và đau đến tê tái mà vẫn khỏe khoắn, căng tràn trách nhiệm công dân.
 Bút pháp của Đỗ Minh Tuấn đa dạng, liên tưởng nhiều chiều, độc đáo và táo bạo kết hợp nhuần nhuyễn những cảm xúc chủ quan và những chi tiết của đời sống thực; những ý tưởng cao siêu và những tưởng tượng kỳ thú. Thơ Đỗ Minh Tuấn là một ống kính vạn hoa của hình tượng. Không thể kể hết những câu thơ đầy tìm tòi độc đáo, những ý tưởng có tâm, những liên tưởng bất ngờ thú vị, những hình ảnh ấn tượng tân kỳ tràn ngập trong ba tập thơ của Đỗ Minh Tuấn, kết quả của một bề dày văn hoá, một xúc cảm mãnh liệt, một trái tim nhậy cảm với khổ đau và với cái thiện, một trí tưởng tượng phong phú và một bút lực trẻ trung tài hoa và đa dạng. Nhưng cái lõi của những liên tưởng đó vẫn là con người. Mọi thứ trong thơ Đỗ Minh Tuấn đều hướng về phục vụ con người, từ bầu trời đến cành cây đều trở thành phương tiện của con người:
“Cây non vẫn còn là phác thảo của chiếc nạng”
...
“Trời xanh như chiếc phong bì không địa chỉ
Và vầng trăng - như con tem dán lỏng cứ bong ra”
(Đừng quên chúng tôi)
   Sự phát triển của thơ Đỗ Minh Tuấn cũng theo xu hướng tìm về đời sống thực. Những bài thơ anh viết những năm 70 thiên về tìm tòi ý tưởng và hình ảnh. Tiêu biểu cho khuynh hướng này là bài “Đi hết tiếng đàn bầu” (1975). Những năm 80 những chi tiết đời sống thực ùa vào thơ anh như một sức mạnh không cưỡng lại được, tạo cho thơ anh một sức sống mới mang tính nhân văn và hiện đại. Chỉ cần đọc hai bài “Mẹ tôi người hay lo” và “Du lịch Bella” là chúng ta có thể thấy được khuynh hướng tư tưởng cũng như bút pháp thơ anh trong những năm 80. Ở những bài thơ này chúng ta thật khó phân biệt đâu là những chi tiết bình thường của đời sống đâu là sự thăng hoa trí tuệ của nhà thơ, đâu là chất thơ của đời thường. Sự kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa các thái cực tưởng chừng như đối lập nhau ấy trong một bút pháp vừa cụ thể dung dị vừa khái quát phóng túng, tài hoa là một thành công nổi bật nhất trong thơ Đỗ Minh Tuấn và cũng là một phong cách riêng của Đỗ Minh Tuấn, góp vào sự thành công chung của thơ ca Việt Nam hiện đại một tiếng nói độc đáo, một khuôn mặt thơ không lẫn vào đâu được.
   Là một nhà thơ sớm có những tìm tòi cách tân độc đáo, táo bạo, nhưng Đỗ Minh Tuấn lại được khẳng định có vẻ như muộn mằn. Dù là muộn, nhưng nếu cần khẳng định một cây bút, một nhà thơ, một tài năng nghệ thuật trong những năm gần đây của thơ ca Việt Nam hiện đại thì Đỗ Minh Tuấn là một trong số những người xứng đáng nhận Giải Nhất cuộc thi thơ 1989 - 1990 của báo Văn nghệ đã trao cho những tập thơ vừa xuất bản của anh./.  
                                                                           Đ.N.Y
 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Quảng cáo
congnhan12345
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 9
Trong ngày: 121
Trong tuần: 568
Lượt truy cập: 384031

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ GIỚI THIỆU!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH, NHÀ VĂN CẦM SƠN! RẤT NHIỀU BỨC ẢNH CỦA NGÀY HÔM ĐÓ ĐÃ CÙNG VỚI BÀI NÓI CỦA TÔI LÀM NÊN KHÔNG KHÍ TƯƠI VUI, HÀO HỨNG CỦA BUỔI RA MẮT SÁCH! CHÚC MỪNG NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CHÚC MỪNG TS NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC VỚI TẬP THƠ ĐỘC ĐÁO, IN ĐẸP!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÁI PHỤC BÀ MÂY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Thuộc loại "chuyện bây giờ mới kể" đây! Cám ơn tác giả! Mượn lời bà SUỐI để nói về bà MÂY: "Bái phục bà MÂY" ! Haiza!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN VÀ BAN BIÊN TẬP ĐÃ ĐĂNG BÀI VIẾT NHÂN DỊP NHÀ THƠ NGUYỄN HUY HOÀNG RA MẮT TUYỂN THƠ VÀ TRUYỆN KÍ TẠI HỘI TRƯỜNG HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM!

 
Xem toàn bộ
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0964 131 807
Email: soncam52@gmail.com
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công nhân.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông Chi hội Nhà văn Công nhân.