Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

NHỮNG MÙA MÂY XỨ LẠNG

Hoàng Thị Kim Vân

NHỮNG MÙA MÂY XỨ LẠNG

 

          Trong những ngày cuối năm 2017, đoàn nhà văn Báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) tổ chức chuyến đi thực tế tại Lạng Sơn. Đoàn đã có cuộc hành trình đến với những cung đường tuần tra biên giới, những căn cứ Cách mạng, những làng xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Kết thúc chuyến đi, các nhà thơ, nhà văn đã có những tác phẩm đa dạng phản ánh về đất và người xứ Lạng.

Là một thành viên của đoàn nhà văn Báo Văn nghệ, sau chuyến đi thực tế tại Lạng Sơn, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Hoà Bình đã viết “Mùa mây”, là một bài thơ có những cảm nhận rất riêng về xứ Lạng.

Mùa mây của Nguyễn Hòa Bình được đăng trên Báo Hà Nội mới số Xuân Mậu Tuất 2018. Bài thơ viết về xứ Lạng những ngày mùa đông giá lạnh, “tháng một, ngày ba độ” với cảm hứng về thiên nhiên, mây trời vùng biên ải, khi các nhà văn đi thực tế tại cung đường tuần tra biên giới. Bài thơ là những cung bậc tình cảm gần gũi, chân thành của tác giả về xứ Lạng. Kết cấu của bài thơ theo dòng cảm xúc, có thể chia thành các phần: Mây và gió; Mùa mây - mùa bình yên; Mùa mây- mùa lễ hội; Mùa mây- mùa yêu.

Mây và gió

Mùa mây được mở ra từ một điểm nhìn từ trên cao, với một không gian rộng mở, tràn ngập gió, lồng lộng gió, ào ạt gió, “gió cuộn quanh người, ta bay cùng gió”. Trong vòng xoáy của những luồng gió cuồn cuộn ấy, trời cao dường như thấp xuống, chỉ vừa tới ngang vai người và con người thì “như bay cùng gió”… Nhưng mây mới là điểm nhấn trong không gian lộng gió ấy. Mây hiển hiện như một chứng nhân của lịch sử, như một người bạn thân thiết, gắn bó, luôn đồng hành, gắn bó, sẻ chia với cuộc sống con người. Ở mảnh đất biên cương địa đầu Tổ quốc này, mỗi con người từ khi sinh ra, lớn lên và trưởng thành, cho đến ngàn năm sau vẫn vậy, những mùa mây vẫn qua đây, tuần tự và lặp lại, như một quy luật tất yếu của đời người, của vũ trụ.

                                           Những mùa mây qua đây

                                           mấy ngàn năm bao mùa lặp lại

                                           Tuổi trai, đi qua giông bão

                                           xua mây mù, gọi nắng bừng lên.

                                      (Mùa mây - mùa bình yên).

Mây không chỉ để nói về một hiện tượng tự nhiên, không chỉ là chứng nhân của lịch sử, mà còn để diễn tả cuộc sống bình yên của con người nơi đây. Ở đâu có mây, nơi đó có sự bình yên, ấm áp. Mây đem lại sự ấm áp cho những vạt rừng, góc suối nơi biên giới, những đám mây lành che mát cho những con đường tuần tra biên giới, chở che cho những chiến sĩ đang ngày đêm chắc tay súng bảo vệ biên cương Tổ quốc.muamayxulang

                                           Mùa bình yên

                                           Mây ấm từng vạt rừng, góc suối

                                           che mát đường tuần tra biên giới

                                           nuôi Kỳ Cùng ăm ắp mỗi sẻ chia.

                                         (Mùa mây- mùa lễ hội).

Xứ Lạng, vùng đất nơi biên ải là mảnh đất nổi tiếng với hàng trăm lễ hội khơi dậy nét đẹp văn hóa các dân tộc, thu hút đông đảo du khách mọi miền tham dự. Hàng năm, mỗi độ Tết đến, xuân về, khi cây cối đâm chồi nảy lộc, hoa đào, hoa mận khắp nơi bung nở, cũng là khi người dân xứ Lạng tưng bừng mở hội cầu mưa thuận, gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, viên mãn. Trong lễ hội mùa xuân, không thể thiếu những làn điệu dân ca giao duyên đặc trưng của dân tộc Tày, Nùng xứ Lạng. Khách thập phương đến đây vào dịp lễ hội, ai cũng ngạc nhiên và thích thú khi được chứng kiến khung cảnh người người chen chân đi hội, những chàng trai, cô gái trong màu áo chàm xinh xắn vừa đi hội vừa hát giao duyên…Những làn điệu sli, lượn, vén eng, phuối pác… đã kết đôi cho bao chàng trai, cô gái xứ Lạng nên duyên hạnh phúc. Nhà thơ đã dùng hình ảnh “mây chở điệu sli, điệu lượn, lời vén eng, phuối pác” tạo nên sự duyên dáng, mềm mại, như những áng mây bay trên bầu trời, đỉnh núi.

                                           Mùa hội về

                                           Mây chở điệu sli, điệu lượn

                                           lời Vén eng, Phuối pác

                                           để ai say từ ánh mắt

                                           em gái Tày Lạng Sơn.

          Không gian của gió, của mây cùng những làn điệu giao duyên, hay ánh mắt em gái Tày xứ Lạng khiến du khách bỗng trở nên bồi hồi xao xuyến...

(Mùa mây- mùa yêu).

 Những mùa mây còn gắn với mùa yêu, mùa của tình yêu lứa đôi, tình yêu cuộc sống:

     Cùng gió bay lên        

                                           Mây vun thắm thêm mùa vụ

                                           thông thơm mùi nhựa

                                           vàng ươm màu lúa

                                           phưng phức hương hồi.

                                           Mùa yêu

                                           suối hoa chảy giữa lưng Trời

                                           tiếng đàn Tính quyện giữa lời Then bay

                                           Ta về Xứ Lạng chiều nay

                                           nghe mùa gọi bạn, biết say mây rồi.

Vẫn là cặp đôi mây và gió cùng xuất hiện, nhưng không “cuồn cuộn” mà rất nhẹ nhàng, dịu dàng “cùng gió bay lên” tạo nên một sự kết hợp hoàn hảo để cùng tô điểm, làm đẹp hơn cuộc sống của con người xứ Lạng. Đó là bức tranh đa sắc của ánh sáng, màu sắc, hương thơm được bao bọc bởi mây và gió. Trong bức tranh có sắc vàng ươm của lúa chín, có hương thơm nhựa thông, có “phưng phức” hương hồi xứ Lạng… Độc đáo hơn trong bức tranh đó có cả tiếng đàn tính, vốn là âm thanh đặc trưng, là ngôn ngữ tình yêu của người xứ Lạng. Sử dụng thể thơ lục bát với nhịp điệu êm ái, cùng với những hình ảnh đẹp “suối hoa chảy giữa lưng trời”, “tiếng đàn tính quyện giữa lời then bay”, nhà thơ đã thể hiện đỉnh cao của sự hoà quyện, gắn bó, đồng điệu, thăng hoa trong tình yêu của con người xứ Lạng.

 “Nguyễn Hoà Bình là một nhà báo năng động, một nhà thơ lúc nào cũng đau đáu nhân tình và ngùn ngụt cảm xúc” (Đặng Huy Giang). Nguyễn Hòa Bình viết chưa nhiều về xứ Lạng, nhưng Mùa mây đã thể hiện những am hiểu sâu sắc của anh về đất và người xứ Lạng, từ những đặc điểm về thiên nhiên, con người, những nét đặc sắc trong các phong tục, tập quán, sinh hoạt lễ hội…Bài thơ chính là thể hiện của tình cảm gần gũi, chân thành, “ngùn ngụt cảm xúc” của anh về mảnh đất và con người xứ Lạng.

Hy vọng nhà thơ Nguyễn Hòa Bình sẽ còn tiếp tục viết về mảnh đất này bằng những trải nghiệm và những tình cảm gắn bó, yêu thương./.

                                                                     

                                                                      Lạng Sơn, ngày 8/02/2018.

                                                                                     H.T.K.V

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Quảng cáo
congnhan12345
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 2
Trong ngày: 177
Trong tuần: 847
Lượt truy cập: 378745

VŨ NHO 085 589 0003

CHÚC MỪNG TS NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC VỚI TẬP THƠ ĐỘC ĐÁO, IN ĐẸP!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÁI PHỤC BÀ MÂY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Thuộc loại "chuyện bây giờ mới kể" đây! Cám ơn tác giả! Mượn lời bà SUỐI để nói về bà MÂY: "Bái phục bà MÂY" ! Haiza!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN VÀ BAN BIÊN TẬP ĐÃ ĐĂNG BÀI VIẾT NHÂN DỊP NHÀ THƠ NGUYỄN HUY HOÀNG RA MẮT TUYỂN THƠ VÀ TRUYỆN KÍ TẠI HỘI TRƯỜNG HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM!

 

Cầm Sơn - 0913269931

Cũng cần cảm thông với ông Troussier. Nếu nói về thành tích trong quá khứ, ông Park Hang Seo không thể sánh với ông Troussier được. -Trong sự nghiệp huấn luyện đồ sộ của mình, giai đoạn thành công nhấ...

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN! ÔNG HLV NGƯỜI PHÁP CHƯA BAO GIỜ THÀNH CÔNG "VANG DỘI"! CÓ ĐIỀU NÀY ĐÚNG: CHẢ NÊN TRÁCH ÔNG TA NHIỀU! TRÁCH LÀ VFF QUÁ TIN ÔNG TA, KẺ CAO NGẠO, BẤT TÀI! VẬY THÔI!

 
Xem toàn bộ
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0964 131 807
Email: soncam52@gmail.com
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công nhân.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông Chi hội Nhà văn Công nhân.