Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

NHẠC SĨ VĂN KÝ

Phạm Trọng Thanh

 NHẠC SĨ VĂN KÝ – NGƯỜI CHẮP CÁNH TÌNH YÊU, HY VỌNG

ue

Nhạc sĩ văn Ký, tên khai sinh là Vũ Văn Ký, sinh ngày 1 tháng 8 năm 1928 tại làng Hào Kiệt xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, cùng quê với nhạc sĩ Văn Cao và ba nhà văn họ Vũ (Vũ Cao, Vũ Ngọc Bình, Vũ Tú Nam).

Xuất thân trong một gia đình nền nếp, thân phụ là nhà Nho dạy chữ Hán ở làng, từ thuở nhỏ Văn Ký đã được sống trong môi trường văn hóa vùng quê hiếu học, có truyền thống âm nhạc, thi ca.

Năm 15 tuổi, Văn Ký được người chú đưa vào Thanh Hóa theo học phổ thông. Năm 16 tuổi, ông tham gia hoạt động cách mạng trong Mặt trận Việt Minh Ông được giao nhiệm vụ tuyên truyền vận động quần chúng đến với cách mạng. Văn Ký bị mật thám Pháp theo dõi và bắt giam ở Thanh Hóa. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), tù nhân được phóng thích, Văn Ký trở lại hoạt động công tác, ông nhận nhiệm vụ làm Huyện đội trưởng Dân quân huyện Nông Cống. Trong không khí sục sôi những ngày chính quyền cách mạng được thành lập, Văn Ký hăng hái hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ông dược kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1946. Thời kỳ này, với vốn âm nhạc tự học, Văn Ký đã sáng ca khúc đầu tay: Trăng xưa (1946)...

Năm 1948, Văn Ký nhập ngũ. Ông cùng đồng đội yêu nghệ thuật trong đơn vị  tổ chức những buổi sinh hoạt văn nghệ động viên tinh thần bộ đội. Một cán bộ Đảng – đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa lúc bấy giờ khi dự những buổi sinh hoạt văn nghệ dã chiến đã phát hiện ra khả năng âm nhạc của Văn Ký. Chính ông đã tạo điều kiện, động viên Văn Ký vững bước trên con đường âm nhạc. Rồi Văn  Ký được điều động về công tác tại Quân khu IV, dự những lớp tập huấn âm nhạc do Ty Văn hóa Tuyên truyền tổ chức. Văn Ký trở thành cán bộ lãnh đạo Đoàn văn công Quân khu IV, một đoàn ca nhạc chuyên nghiệp. Tai đây, Văn Ký có điều kiện phát triển tài năng âm nhạc. Ông sáng tác khúc Bình Tri Thiên quật khởi, Tình hậu phương, Chiến thắng Hòa Bình, nhạc cảnh Dân công lên đường, Lúa thoái tô… phục vụ kháng chiến. Ông có dịp cộng tác với các nhạc sĩ tên tuổi như Nguyễn Văn Thương, Lê Yên, Tạ Phước…Cũng tai đây “Một Văn Ký đã xuất hiện, được định hình trong trí nhớ của quần chúng quân dân khu IV cũ với tư cách là một chiến sĩ, một nhạc sĩ của các ca khúc cách mạng” (Nguyễn Đức Linh – Đại học Lý luận  Âm nhạc – Nhạc viện Hà Nội, tháng 6/ 2003). 

Năm 1954, ông phụ trách đội tuyển Văn công Quân khu IV ra ngoài Bắc dự Đại hội văn nghệ toàn quốc. Văn Ký được điều động ở lại nhận công tác tại Ban ca nhạc Hội Văn Nghệ Việt Nam. Đây là “bước ngoặt”  trong sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật của nhạc sĩ Văn Ký. Môi trường công tác rộng mở, cảm hứng tươi mới cho những tác phẩm âm nhạc của ông đến với người yêu ca nhạc mọi miền đất nước. Văn Ký dự các lớp học do chuyên gia nước ngoài hướng dẫn. Ông đi thực tập ở Liên Xô (cũ), tốt nghiệp tại Nhạc viện Alma Ata năm 1970 đạt kết quả xuất sắc với Tổ khúc vũ kịch giao hưởng Kơ Nhí – Tác phẩm khí nhạc 7 chương, ca ngợi tinh thần bất khuất của nhân dân các dân tộc Tây Nguyên anh hùng qua hình tượng Kơ Nhí, người nữ du kích Tây Nguyên.

          Văn Ký là một trong những người có công chuẩn bị cho sự ra đời của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Năm 1957, khi Hội được thành lập, ông về làm việc tại cơ quan Hội với cương vị Ủy viên Thường vụ khóa I, II (1957-1967) . Sau hơn 30 năm công tác ông đã nghỉ hưu. Tuy nhiên, công việc lao động nghệ thuật của người nhạc sĩ có nhiều thành tựu vẫn chưa dừng bước.

          Nhìn lại hơn nửa thế kỷ lao động sáng tạo, nhạc sĩ Văn Ký đã có một danh mục khá dài trên 400 tác phẩm gồm: khí nhạc, nhạc phim, nhạc cảnh, cùng nhiều ca khúc thể hiện ở các đề tài “ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, ca ngợi những tấm gương lao động và chiến đấu, ca ngợi tình yêu đôi lứa”. Về khí nhạc, sự thành công của Tổ khúc vũ kịch giao hưởng Kơ Nhí khẳng định tài năng của nhạc sĩ ở thể loại âm nhạc bác học này. Huy động triệt để, sử dụng sáng tạo âm sắc, âm điệu, tiết tấu các làn điệu dân ca, dân vũ các dân tộc Tây Nguyên, bản liên khúc giao hưởng của Văn Ký được biểu diễn thành công ở Liên Xô, CHDC Đức (cũ) nhiều lần. Đặc biệt, năm 1984, trong Liên hoan Âm nhạc thế giới tổ chức ở Mátxcơva với chủ đề “Vì hòa bình và nhân đạo giữa các dân tộc”, Tổ khúc vũ kịch giao hưởng Kơ Nhí là tác phẩm Việt Nam tiêu biểu được chọn biểu diễn thành công. Tổ khúc vũ kịch giao hưởng Kơ Nhí được chọn phục vụ Đạị hội Đảng lần thứ VI. Với sự chỉ huy của nhạc sĩ  Đỗ Dũng cùng dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam trình diễn, vũ kịch giao hưởng Kơ Nhí “đã gây ấn tượng sâu sắc với các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước bởi nội dung cũng như giá trị nghệ thuật của tác phẩm”. Nhạc sĩ Văn Ký còn có các tác phẩm khí nhạc viết cho piano: Tổ khúc Thiếu nhi; viết cho cello và piano: biến tấu chủ đề “Xe chỉ luồn kim”…được biểu diễn nhiều lần.

          Ca khúc chiếm số lượng lớn trong các tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Văn Ký. Ca khúc của ông giàu chất thơ, giai điệu đẹp, mang đến cho người nghe những rung cảm mạnh mẽ đầy chất trữ tình trong sáng, tha thiết, lắng sâu. Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát lúc sinh thời từng nhận xét: “Văn Ký có một sở trường về giai điệu, giai điệu đẹp, có cá tính độc đáo, giai điệu trữ tình, hùng tráng – trữ tình”. Đó là Bài ca hy vọng, Tây Nguyên bất khuất, Tiến lên thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh, Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi, Hà Nội mùa xuân, Trời Hà Nội xanh, Nha Trang mùa thu lai về, Nam Định thương yêu…những ca khúc khẳng định vị trí của nhạc sĩ trong giới sáng tác. Với Tây Nguyên bất khuất (ca khúc đoạt giải Nhất năm 1950 – 1960) và Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi… ta lại thấy ở Văn Ký một năng lực nghiên cứu, học tập thấu đáo, vận dụng sáng tạo chất liệu dân ca các vùng, miền đất nước thật tài tình. Cùng với giai điệu, ca từ trong ca khúc của Văn Ký cũng là một “thế mạnh” của ông: ngôn từ trong sáng, giàu hình ảnh, tính nhân văn sâu sắc.       20230826_090434

Đặc biệt, Bài ca hy vọng, ca khúc sáng tác năm 1959, hơn sáu mươi năm qua, lần lượt, các ca sĩ  Khánh Vân, Mỹ Bình, Trung Kiên, Lê Dung, Lan Anh và nhiều nghệ sĩ khác thể hiện, đưa đến cho công chúng yêu ca nhạc hiệu quả nghệ thuật tuyệt vời. Bài ca hy vọng từng được chuyền tay, hát bên song sắt  nhà tù đế quốc và tay sai ở Sài Gòn, Côn Đảo...những năm Sáu mươi thế kỷ trước, tiếp thêm sức mạnh cho những người yêu nước đối đầu với ngục tù đế quốc tàn bạo. Tại vùng giáp ranh mặt trận Quảng Trị năm 1972, các o du kích trực chiến, giữa hai trận đánh, họ lại chụm đầu học hát Bài ca hy vọng của nhạc sĩ Văn Ký. Bản chép tay bài hát được các o cuộn lại, cho vào lọ thủy tinh, chôn dưới chân giường để cất giữ an toàn cho một bài hát yêu thích(1). Thật hạnh phúc cho người nhạc sĩ đã chắp cánh cho tình yêu thủy chung và niềm hy vọng bằng một bài ca, từ những ngày sông núi bị chia cắt, cả nước chung sức chung lòng trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Nhạc sĩ đã tiên cảm: Gió mưa, buồn thương, mùa đông và mây mù sẽ... tan! (Bài ca hy vọng).

          Chúng tôi có những lần lên Hà Nội tiếp xúc với ông khi tiến hành làm Tuyển tập Âm nhạc Nam Định thế kỷ XX.  Nhạc sĩ Văn Ký là người lịch duyệt, điềm đạm, nhiệt tình và cởi mở, được nhiều đồng nghiệp tin yêu, quý trọng. Ông có một gia đình nền nếp ở Hà Nội. Gia đình ông trân trọng tình nghĩa quê hương thân thiết. Nhạc sĩ Văn Ký có hàng triệu người yêu ca nhạc Việt Nam thuộc nhiều thế hệ mến mộ những ca khúc “đi cùng năm tháng”  cùng Bài ca hy vọng của ông.

          Với thành tích công tác từ những ngày đầu cách mạng, nhạc sĩ Văn ký đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Ba, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Ba, Giải thưởng Nhà nước về Âm nhạc năm 2001. Nhạc sĩ Văn Ký qua đời ngày 26 tháng 10 năm 2020, hưởng thọ 93 tuổi. Ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 2022.

Cùng với các nhạc sĩ Văn Cao, Bùi Công Kỳ, Văn An, Vũ Trọng Hối, Trần Khánh, Phong Kỳ…những tài năng âm nhạc vùng quê non Côi sông Vị lên đường từ những ngày đầu cách mạng và kháng chiến, nhạc sĩ Văn Ký đã có những cống hiến xuất sắc cho nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, xứng đáng với sự trân trọng tin yêu của những người tri âm trên những nẻo đường quê hương đất nước.

 

                                                                                  P.T.T

 

 

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Quảng cáo
congnhan12345
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 7
Trong ngày: 65
Trong tuần: 808
Lượt truy cập: 378529

VŨ NHO 085 589 0003

CHÚC MỪNG TS NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC VỚI TẬP THƠ ĐỘC ĐÁO, IN ĐẸP!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÁI PHỤC BÀ MÂY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Thuộc loại "chuyện bây giờ mới kể" đây! Cám ơn tác giả! Mượn lời bà SUỐI để nói về bà MÂY: "Bái phục bà MÂY" ! Haiza!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN VÀ BAN BIÊN TẬP ĐÃ ĐĂNG BÀI VIẾT NHÂN DỊP NHÀ THƠ NGUYỄN HUY HOÀNG RA MẮT TUYỂN THƠ VÀ TRUYỆN KÍ TẠI HỘI TRƯỜNG HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM!

 

Cầm Sơn - 0913269931

Cũng cần cảm thông với ông Troussier. Nếu nói về thành tích trong quá khứ, ông Park Hang Seo không thể sánh với ông Troussier được. -Trong sự nghiệp huấn luyện đồ sộ của mình, giai đoạn thành công nhấ...

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN! ÔNG HLV NGƯỜI PHÁP CHƯA BAO GIỜ THÀNH CÔNG "VANG DỘI"! CÓ ĐIỀU NÀY ĐÚNG: CHẢ NÊN TRÁCH ÔNG TA NHIỀU! TRÁCH LÀ VFF QUÁ TIN ÔNG TA, KẺ CAO NGẠO, BẤT TÀI! VẬY THÔI!

 
Xem toàn bộ
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0964 131 807
Email: soncam52@gmail.com
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công nhân.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông Chi hội Nhà văn Công nhân.