Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

NHÀ THƠ TRẦN ĐÌNH NHÂN

 
NHÀ THƠ TRẦN ĐÌNH NHÂN

 g3zo1utxapednpu-u9hbtg.1482751476

Tác phẩm xuất bản:
  • Thơ
  • Vàng thu (thơ, NXB Văn học, 1997)
  • Cuối trời mây trắng (thơ, NXB Hội nhà văn, 2006)
  • Tìm xưa trên phố (thơ, NXB Hội nhà văn, 2013)
  • Thơ tình Trần Đình Nhân (thơ, NXB Văn học, 2015) 
  • Tôi & than (thơ, NXB Văn học, 2016)
  • Chuyện với trăng tà (thơ, NXB Hội nhà văn, 2018)
  • Văn
  • Chú mèo đi hoang (tập truyện, NXB Kim Đồng, 1997)
  • Điều ước của bé Hin (tập truyện, NXB Thanh niên, 1999)
  • Chuyện ở làng – truyện dài, NXB Kim Đồng năm 2002(sách có danh mục tại Houston Public Library ( Houston Area Library Automated Network ) NXB Văn học tái bản lần thứ nhất năm 2005, tái bản lần hai năm 2019)
  • Văn chọn lọc cho trẻ thơ (tuyển, NXB Văn học, 2005)
  • Chú khỉ mồ côi và ông thầy lang (tập truyện, NXB Kim Đồng, 2013)
     -  Dấu chân ở lại - tập ký– NXB Văn học năm 2009 (tái bản lần thứ nhất 2010)
    - Than một miền đất- tập kí NXB Văn học năm 2020
 
  • Giải thưởng văn học:
  • Giải Nhì cuộc thi sáng tác văn học cho trẻ thơ Quảng Ninh năm 1991
  • Giải Ba bút ký văn học báo Hạ Long năm 2004
  • Giải Nhất cuộc thi thơ viết về thợ mỏ lần thứ nhất do Hội nhà văn Việt Nam bảo trợ năm 2005
  • Giải Ba văn nghệ Hạ Long lần thứ VII năm 2006 – 2010
  • Giải Tư văn học viết về đề tài người lao động do Hội Nhà văn & Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức giai đoạn 2010 -2014
  • Giải A cuộc thi thơ viết về hành trình 20 năm thợ mỏ TKV do Hội Nhà văn bảo trợ năm 2014
  • Giải Nhất thơ, giải Văn học Võ Huy Tâm giai đoạn 2005-2015
  • Giải nhì (không có giải nhất) thể loại truyện và kí cuộc thi sáng tác Văn học viết về 80 năm tự hào Than – Khoáng sản Việt Nam do Hội nhà văn Việt Nam bảo trợ tổ chức năm 2015 – 2016.
 screenshot_325
Phạm Trân

THƠ TRẦN ĐÌNH NHÂN – CÁI ĐẸP TỪ CUỘC SỐNG MUÔN MÀU

   Đầu năm, giữa bao nhiêu bận rộn, lo toan người ta vẫn thường tìm đến những gì đẹp nhất, nhiều màu sắc nhất. Người chọn hoa, người chọn quả, người lựa chim muông. Tôi chọn thơ. Một lựa chọn tưởng có gì đấy không bình thường, mà lại rất bình thường. Bởi thơ là kết tinh của những gì đẹp nhất. Mà tính tôi lại thích cái đẹp, phải đẹp, gì thì gì cứ phải đẹp trước đã. Và tôi đã chọn cuốn Thơ tình (NXB Văn học ấn hành tháng 11 năm 2015) của tác giả Trần Đình Nhân để bắt đầu một năm mới của mình…
 
    Thơ của Trần Đình Nhân đẹp. Là cái đẹp mà ta cứ có cảm tưởng như nó đang chỉ chực biến mất, không có gì níu giữ lại được. Điều này xuyên suốt tập thơ, bắt đầu từ bài thơ đầu tiên Cho mình cho người có những câu: “... Ngọt ngào chút ấm ban trưa./ Hanh hao một thoáng đã xưa cả thời... Đường qua lối cũ nát nhàu./ Trắng mây thuở trước lạnh màu thu đi.” Cho đến bài cuối cùng Tết lại màu mây: “Anh tết lại màu mây năm tháng cũ./ Để thương miền mây xám lẫn trong mơ.../ Đừng se lạnh khoảng trời cuối hạ/ Một chút thôi cho đủ dại khờ./ Đừng vội vã trắng miền sương phủ./ Giọt nắng nào ấm lại câu thơ...”. Có yêu thương, có hạnh phúc đấy chứ, mà sao vẫn thấy có điều gì mông lung, xa vời.
Hay như có người đã nói: “Thơ là cái gì đó thực mờ ảo”. Nhưng thơ Trần Đình Nhân rõ ràng đấy chứ, cũng mùa, cũng mây gió, cũng tôi, cũng em, cũng quá khứ  đã qua, còn hiện tại thì như chực biến thành quá khứ, cũng là con người thơ buồn bã, cô đơn. Mà sao cứ thấy châng lâng thế nào ấy. Đọc thơ như gặp phải một mùi hoa hiển hiện đấy nhưng rất mong manh, dễ dàng mất ngay được. Như trong bài Lang thang mây trắng: “Nỗi buồn ngỡ thành sương gió./ Lẫn vào xanh hút trời mây./ Ngỡ chẳng bao giờ thấy được./ Ai ngờ trăng lay - mưa bay... Tháng năm đi về khắc khoải./ Nhưng miền mưa nắng chênh chang./ Ngọn gió ngày nào thổi lại./ Bốn bề mây trắng lang thang.” Sang đến bài Với Langbian lại là một sự kiếm tìm, cái tưởng có trước mặt mà rồi: “Chạm vào em./ Em hoá thành huyền thoại./ Ta đi đâu?/ Sương trắng đến mơ hồ./ Ta đi đâu?/ Hỡi miền biêng biếc thắm...”. Rồi bài Em làm thợ mỏ, tưởng hiện thực đấy, cuộc sống bộn bề đấy, mà vẫn: “Mặn mà chưa bén bước chân./ Bờ lau đã buốt vội hờn tóc xanh.”. Sang đến Thu biếc, tôi và em hoá thân vào những gì sinh động, mạnh mẽ nhất như con tàu, nắng lửa, bão giông... Có một điểm nối gặp nhau, nhưng điểm nối đó có là gì đâu, có giữ lại được gì, khi mà: “Tôi và em qua điểm nối con tàu./ Mùa xuân đi qua mùa hè nắng lửa./ Mùa thu trong bão giông chìm nổi./ Ngày đông ken xao xác cánh rừng thưa.”
   Ta bắt gặp nhiều lắm trong tập hình ảnh chia rẽ, mất mát, hanh hao hoà cùng nhịp thơ chầm chậm, câu này nối sang câu kia như đang kể một câu chuyện, thường bừng vỡ ở các câu cuối. Từ thơ bảy chữ, tám chữ hay năm chữ, lục bát... cũng thế. Tổng hợp lại các ý của cả bài và mở ra lối thoát nhiều khi bất định. Như trong bài Thành phố này: “Em như là giọt nhớ giữa đời quên./ Một chút bâng quơ một miền hư ảo./ Như cơn khát nổi chìm trong ký ức./ Và nỗi buồn bất chợt vu vơ.” Rồi Hoa gáo: “Giữa chợ đời chẳng kịp nhận ra em./ Một thoáng vô tình, một thời mất hẳn./ Thời gian chạy ảo mờ sương gió./ Ta ngỡ ngàng sắc trắng một loài hoa.” Sang đến Viết trong chiều lạnh, vẫn đấy, một sự buồn không duyên cớ do thời gian, cảm thức của người thơ đưa đẩy tới: “Về đâu em nước cuốn chân cầu./ Năm tháng cũ nghiêng chiều sóng dội./ Có lẽ nào thời gian chìm nổi. Nhịp tim còn thổn thức giữa mù xa.” Sang đến Thu bất chợt: “Mây trắng trôi về đâu./ Ngấn vàng xao xác lá./ Có một người rất lạ./ Ngược lối về xa xưa.” Liên tục tìm kiếm, ngụp lặn, tái tạo lại, tuần hoàn... rồi lại tìm kiếm (quay trở lại từ bước đầu tiên). Lúc nào cũng trong trạng thái mấp mé bên bờ vực của sự đổ vỡ (không ngờ, không thể phòng thủ, chống đỡ) đến từ các phía.
   Nhưng thơ Trần Đình Nhân không chỉ đẹp, nó còn có cái gì đó khác, cái khác đó giống như sự bất cần, nổi loạn. Tuổi trẻ của riêng tôi yêu thích sự nổi loạn như người ta yêu một cô gái đẹp vậy. “Đừng đổ lỗi cho ta./ Ta chẳng có tội gì./ Nàng Mỵ Nương xinh đẹp nhường kia./ Ta có hận là hận ta chậm bước. /Không lẽ nào một chút đa mang./ Ta thành kẻ tội đồ muôn kiếp...” Như lời Thuỷ Tinh trong bài Lời Thuỷ Tinh. Phải dám làm, dám yêu, dám hận thì mới là cuộc sống muôn màu. Trần Đình Nhân đã làm tốt điều này trong tập thơ. Dù “bến đa đoan” vẫn “mặc định đời tôi” như chính ông đã nói…
                                                                          P.T
 
 
 tran-dinh-nhan

Đoàn Kiển

TÔI VÀ THAN – THƠ TRẦN ĐÌNH NHÂN
Nguyên Chủ tich Hội đồng Quản trị
Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam
 

   Trần Đình Nhân sinh ra bên sông Kinh Thầy, lập nghiệp ở vùng than Đông Bắc. Cái "Số may- rủi" đã gắn chặt lấy anh ngay từ thuở lọt lòng: Cái rủi không muốn anh sống, cái may giữ anh lại, cho anh năng lượng dồi dào; anh sống vất vả nhưng là sống khoẻ, làm người tử tế; đi học, chăn trâu cắt cỏ, rồi ra mỏ làm thợ, làm thơ để rồi cất lên "Ta làm kẻ chăn trâu nơi cuối trời mây trắng/ Câu thơ hành khất xứ người". Đó là TÌNH YÊU cháy bỏng đến khát khao, toát ra từ những câu chữ anh viết cho mình, cho đồng nghiệp, viết về những địa danh và hầm mỏ, về cả biển, trời và mảnh đất con người vùng than? Có lẽ chỉ có ở Cọc 6 (nơi anh làm việc), chỉ có làm thợ mỏ ngành Than anh mới trở thành thợ mỏ- nhà thơ như hôm nay, mới là một Trần Đình Nhân vừa rắn rỏi vừa đa cảm, nặng lòng với đời thợ, với tầng mỏ và với cả vùng than dữ dằn đầy nắng gió. Năm 2016, nhân kỷ niệm 80 năm Ngày Truyền thống công nhân mỏ- Truyền thống ngành Than anh đã chọn đúng 80 bài thơ với một cái tên rất đặc biệt "Tôi & Than" làm món quà tinh thần gửi đến đồng nghiệp và bạn đọc gần xa. Ta hãy đọc, hãy xem những "câu thơ hành khất xứ người" được gọi là “Tôi & Than" của anh thế nào 
  Tám mươi bài thơ Trần Đình Nhân viết xuyên qua thời gian, đi trong không gian, đượm hơi thở của hòn than và tình yêu của người làm ra nó, không quên một ai, từ anh thợ lò dưới lòng đất sâu, anh thợ lộ thiên trên tầng cao, dưới moong sâu, chị làm đường mỏ hay chạy bơm moong, cô gái nhà sàng đến anh thợ mỏ nghỉ hưu còn chạy xe ôm, đến anh làm giám đốc... Những con người ấy đều được đặc tả sâu sắc đáng ngạc nhiên. Này nhé: "Làm việc trong lòng đất/ Đầu đội cả vầng trăng/ Đêm ngày trăng toả sáng/ Vòm than hoá mênh mang"(Thợ lò). Với anh lộ thiên thì "Áo thợ bạc màu đắng khét bụi than"; còn người tuyển than thì "Sàng tuyển cả buồn vui". "Để mùa than trổ hoa" với các giám đốc "Lo toan bợt mặt người". Thật là khéo khắc họa, khéo nhân cách đến thi vị hoá cái nghề "Sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc" (Hồ Chí Minh - 15/11/1968). Bước chân của Trần Đình Nhân hầu như đã đi qua, đã lội xuống, đã trèo lên, đã chui vào khắp các mỏ, nhà máy từ "Đỉnh Cao Sơn mây quá hoá sương mù" xuống "Moong than tầng mỏ trập trùng" (Cọc 6), ra Cửa Ông "Băng chuyền rung rộn rã nhịp than reo". Anh đã đi theo dòng chảy của than! Đến Đèo Nai, vào Mông Dương, về Vàng Danh hay Mạo Khê ở đâu anh cũng khắc họa bằng thơ cùng nét rất riêng ở đó, không lẫn vào đâu được! Chỉ một câu "Mỏ thật đấy mà vẫn chiều đồng nội”- Mạo Khê đã hiện lên bức tranh hoành tráng mỏ làng duy nhất Vùng Than. Người đời quen nghe về cái khắc nghiệt của khí hậu "Ruồi vàng, bọ chó, gió Vàng Danh", còn Trần Đình Nhân thì "Cái lạnh Vàng Danh đã ấm hơi người/ Mùa đông đi qua đong chiều sâu đáy mỏ". Na Dương trước đây khắc nghiệt là thế, gian khổ là thế; than xấu tưởng bỏ đi nay đã làm ra điện, đất trời cũng thay đổi theo "Na Dương ngày nắng đẹp/ Điện hòa nước non thiêng". Thử hỏi: có gì đẹp hơn? Trần Đình Nhân sống ở mỏ, thở không khí Vùng Mỏ có lẫn chút ít bụi than, anh yêu thành phố của mình với những thứ của nó, những thứ trời cho nó. Anh đã tự hào mà rằng "Ở Cẩm Phả ngõ nào tôi cũng biết" hay:
Thành phố của tôi
sinh ra từ những xóm thợ nghèo
Từ vách lán tranh tre
những phận người đau khổ
Những Cọc, những Hòn lam lũ
Vùng lên thành một ban mai. 
Anh đã đi qua cái nóng, cái rét, cái gió, cái nắng, mưa, sương giăng và cả bão dông vùng than không chỉ một lần mà quanh năm, ngày tháng, bốn mùa Xuân- Hạ- Thu- Đông. Anh đã đưa những thứ đặc sản của vùng than vào thơ khá tinh tuý, đáng yêu:
Cái nóng vùng than 
Mồ hôi không kịp chảy
Cái rét vùng than, rét sẫm bờ lau trắng
Cơn mưa vùng than thác dội từ trời
Cái khốc liệt ngấn vàng khoé mắt
Lo toan dày bàn tay.
Bốn mùa ở vùng than, bốn mùa của thợ mỏ mùa nào cũng khó, nhưng luôn có những "Trái tim yêu nồng nàn sức lửa". Anh đã gói cả bốn mùa ấy trong ba câu thơ (Thu biếc):
 Mùa Xuân đi qua mùa Hè nắng lửa
 Mùa Thu trong bão dông chìm nổi 
Ngày Đông ken xao xác cánh rừng thưa.
  Nói về bốn mùa; viết về cái nắng nóng, cái gió mưa, cái rét buốt là khắc hoạ chân dung đa chiều về tình yêu của thợ mỏ với nghề, với thiên nhiên,với quê hương đất nước và để kính trọng thêm lớp lớp thợ mỏ "Đã từ xiềng xích đi lên", chẳng sợ gian lao nên "làm gì cũng được". Có thể họ không sinh ra ở đó- vùng than, nhưng nơi đó là miền đất của họ, nơi họ sống, họ yêu nhau, lấy vợ, lấy chồng, nuôi dạy con trưởng thành. Dù phải "Đối mặt cùng bão dông", dù "nghịch lý" thị trường "trớ trêu" họ vẫn sống khỏe, "Vẫn yêu nhau như thuở ban đầu"; đi làm về vẫn ghé qua "Chợ lười" mua mớ rau, con cá mà "Không cần mặc cả", vẫn không thể "Thiếu chuyện chiều quán bia” "Sau giờ tan ca” với “Vại bia hơi sầu bọt" cùng "những gương mặt quen". Và, hơn thế, họ vẫn không quên "Ru con (gái) bằng năm tháng", dạy con hướng thiện, nhìn về tương lai, làm người tử tế. 
Tình yêu lứa đôi trong thơ Trần Đình Nhân luôn gắn kết với THAN và với BIỂN, hai thứ khác biệt hiện lên trong thơ thật lãng mạn :
Thương em tầng mỏ đã tàn đông
Mà gió đêm nay - gió lạnh đường
Xuân tới mưa phùn giăng ướt áo
Nhập nhòe gió táp lạnh đêm sương
 
Thương em anh viết đôi dòng chữ 
Thành bức tình thơ gió với trăng
Một chút nồng nàn nhen sắc lửa 
Dòng than da diết nhớ mênh mang.
 (Một đêm sương)
Xa em- biển thành nhung nhớ
Cánh buồm một chấm về đâu
Dấu chân cũng nhoè trên cát
Chỉ còn con sóng sâu.
 (Biển vắng)
  Thế đấy, tình yêu thương của thợ mỏ là chủ thể xuyên suốt 80 bài thơ trong tập “Tôi & Than” với những từ, những câu chính xác, uyển chuyển, vừa thô thô chất mỏ vừa mềm mại men tình như một động lực giúp người ta đứng vững, vượt lên để sống khỏe, sống đẹp hơn. Tôi để ý thấy anh ba lần dùng từ "bợt " trong ba ngữ cảnh khác nhau đều cho ta sự hình dung thật rõ ràng. Nhớ về "Biển quê hương" ở hai đầu đất nước anh viết: "Từ Trà Cổ ngóng về Đất Mũi/ Rừng đước, rừng dương bợt đầu gió thổi". Anh thợ lò dầm mình chống chọi với mưa "Ngập lò sâu bợt cả mặt người"; rồi đến anh lãnh đạo "Lo toan bợt mặt người" ngay cả lúc trời yên biển lặng! 
  Có lẽ tôi đã lạm bàn hơi nhiều, xin phép được dừng ở đây, dành phần cho bạn đọc tự khám phá, tự thưởng thức. Cũng xin bạn đọc đại xá cho nếu có điều gì đấy đã làm cho bạn không hài lòng. Cuối cùng xin chúc cho Trần Đình Nhân có thêm nhiều thơ hay.
                                       Hà Nội, tháng 7 năm 2016
                                                     Đ.K
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 

VŨ NHO 085 589 0003

CHÚC MỪNG TS NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC VỚI TẬP THƠ ĐỘC ĐÁO, IN ĐẸP!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÁI PHỤC BÀ MÂY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Thuộc loại "chuyện bây giờ mới kể" đây! Cám ơn tác giả! Mượn lời bà SUỐI để nói về bà MÂY: "Bái phục bà MÂY" ! Haiza!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN VÀ BAN BIÊN TẬP ĐÃ ĐĂNG BÀI VIẾT NHÂN DỊP NHÀ THƠ NGUYỄN HUY HOÀNG RA MẮT TUYỂN THƠ VÀ TRUYỆN KÍ TẠI HỘI TRƯỜNG HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM!

 

Cầm Sơn - 0913269931

Cũng cần cảm thông với ông Troussier. Nếu nói về thành tích trong quá khứ, ông Park Hang Seo không thể sánh với ông Troussier được. -Trong sự nghiệp huấn luyện đồ sộ của mình, giai đoạn thành công nhấ...

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN! ÔNG HLV NGƯỜI PHÁP CHƯA BAO GIỜ THÀNH CÔNG "VANG DỘI"! CÓ ĐIỀU NÀY ĐÚNG: CHẢ NÊN TRÁCH ÔNG TA NHIỀU! TRÁCH LÀ VFF QUÁ TIN ÔNG TA, KẺ CAO NGẠO, BẤT TÀI! VẬY THÔI!

 
Xem toàn bộ
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0964 131 807
Email: soncam52@gmail.com
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công nhân.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông Chi hội Nhà văn Công nhân.