Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

NHÀ THƠ NGUYỄN TÙNG LINH

Nhà thơ Nguyễn Tùng Linh, sinh năm 1946. Quê quán Hải Phòng.
Tác phẩm chính đã xuất bản: Hương biển (thơ, in chung, 1976); Đất rộng trời xanh (thơ, in chung,1979); Cửa sóng (thơ, in chung, 1979); Nơi tất cả tình yêu của tôi (thơ, 1986); Biển mùa Đông (thơ, 2012)…
Giải thưởng văn học: Giải ba cuộc thi thơ báo Văn Nghệ (1982) với bài thơ “Thị xã của những người đánh cá”
 
screenshot_307
 
Ngô Xuân Hội
 

GỪNG  CÀNG  GIÀ  CÀNG  CAY                                                                                               

    Nguyễn Tùng Linh sợ chó khác người. Vào nhà ai việc đầu tiên của anh là tót ngay lên giường, sau đó quan sát động tĩnh, biết chắc không có chó mới dám đến bàn ngồi. Còn nếu nhà có chó, chỉ cần một con vòng hai cỡ chai lúa mới là anh phát khiếp, vừa đặt đít xuống đã đòi về. Bị bạn bè cười, anh thú nhận: “Tao luôn kính sợ chó và… thủ trưởng!”.

Nói vậy mà không phải vậy. Ông H, một thủ trưởng của anh ở cơ quan làm thơ, có câu: “Cám ơn Đảng đã cho ta đôi cánh…”. Anh đọc rồi bảo: “Đôi cánh! Thế chẳng hóa ra ông là con vịt à ? Nếu vậy để tôi mua cút rượu…”. Thần khẩu hại xác phàm, vì câu nói ấy (và nhiều câu khác như thế ấy) mà anh bị thủ trưởng đì cho không mọc mũi sủi tăm lên được, trọn đời công chức phẩm tước cao nhất chỉ là Tổ phó tổ Công đoàn, phụ trách thu đoàn phí. Thấy anh trầy trật trên con đường hoạn lộ, tôi góp ý: “Bác phải sửa mình, bơn bớt cái mồm may ra mới được thăng chứ”. Anh cười: “Non sông dễ đổi, bản tánh khó dời…” và lại hồn nhiên bộc lộ mình.

 Ngược với ngoài đời, trong thơ, đặc biệt trong thơ tình, anh khác hẳn - trang trọng, giàu cảm xúc. Tôi nhận ra điều này khi lần đầu tiên nghe anh đọc thơ ở buổi liên hoan của tổ trước đợt chúng tôi những học viên khóa I trường đại học Viết văn Nguyễn Du đi viết ba tháng. Đêm ấy rượu làng Vân của Trần Anh Trang mang từ Bắc Ninh sang làm mọi người mềm môi. Sau vài lần chạm ly, không khí cuộc nhậu sôi nổi hẳn lên.  Nguyễn Tùng Linh hứng khởi lên cơn hoạt náo, cầm chiếc bát của tôi đập bốp xuống nền nhà, tuyên bố:

- Ta là cái rốn của vũ trụ.

Tôi như nàng Bao Tự đời nhà Chu trong cổ sử Trung Hoa thích nghe tiếng xé lụa, không nói gì, lặng lẽ đẩy chiếc bát men sứ Hải Dương của anh ra giữa bàn nhậu để được thưởng thức một tiếng “bốp” tiếp theo. Nhưng “Cái rốn của vũ trụ” cảnh giác cầm chiếc bát lên săm soi, nói tỉnh rụi:

- Cái này là của tao, không đập.

          Mọi người ầm ĩ cười vui.

Vì cái tội không say mà đập vỡ bát người khác, Tùng Linh bị cả tổ bắt phạt phải chịu tiền cuộc nhậu, nếu ngoan cố, tổ sẽ chế tài bằng cách trừ vào tiền bồi dưỡng đi viết của Hội. Hiểu mọi người không đùa, anh năn nỉ:

- Tao nộp phạt bằng thơ vậy.

          - Ok - Trần Anh Trang nói giọng quan tòa - Nhưng nếu thơ dở sẽ bị phạt gấp đôi.

          - Đồng ý !

Tùng Linh trả lời dứt khoát. Cả tổ ngồi vui vẻ chờ nghe, bởi chúng tôi biết tính anh “văn người, vợ mình”, luôn chỉ thấy thơ bạn bè hay. Nhiều lần anh bảo tôi: “Tao là một nhà thơ bất đắc dĩ”.  Anh có thể đọc vanh vách nhiều bài thơ của Lưu Quang Vũ, Thanh Tùng… thậm chí tác giả Nguyễn Ngọc Ly chỉ xuất hiện một lần trên báo Văn Nghệ với bài thơ duy nhất “Ngày mưa” anh cũng thuộc. Nhưng nếu bảo anh đọc trọn vẹn một bài thơ của mình thì hơi khó. Nhìn dáng vẻ khổ sở của anh tôi rất khoái, thầm mong anh bị phạt. Nhưng cùng tắc biến, trong cơn nguy khốn cái “củ chuối” anh mang trên cổ rốt cuộc cũng gợn lên được vài nếp nhăn của trí nhớ. Mắt  Nguyễn Tùng Linh sáng lên, anh đọc, có hơi ngắc ngứ đôi chỗ nhưng nói chung trọn vẹn bài thơ “Người đàn bà Ả Rập của tôi”: “Nước da nâu, nụ cười hoang dại/ Em,/ Người đàn bà Ả Rập của tôi… Tôi bẻ mũi tên đọc một lời thề/ Cùng em vỡ đất, cùng em dựng nhà/ Cấy cây lúa, trồng bông, dệt vải/ Em trắng trong, em thơ dại/ Em là cô gái đầu tiên thuở biết thành người…/ Thôi giã từ niềm chua chát se môi/ Tôi yên nghỉ trong mắt em vĩnh viễn/ Trong bàn tay em vĩnh viễn/ Nỗi buồn xưa bất chợt bỏ tôi đi/ Nào đưa đây cốc rượu ngọt châu Phi/ Mặc gió thổi với những điều phiền toái/ Nước da nâu, nụ cười hoang dại/ Em là chỗ bắt đầu, Em là nơi mãi mãi/ Người đàn bà Ả Rập của tôi.”.

          Dứt câu cuối cùng, Tùng Linh đưa mắt nhìn mọi người hoang mang. Anh không sợ bị nộp phạt, mà hồi hộp không biết mọi người sẽ đánh giá thơ mình như thế nào. Mọi người lặng im. Trần Anh Trang lẳng lặng đứng dậy bỏ về phòng mình khiến tôi cũng không hiểu ra làm sao. Nhưng chưa đầy một phút sau Anh Trang trở lại, hai tay lễ mễ bê một chồng bát đặt trước mặt Tùng Linh:

          - Đây là chồng bát tao vừa mua tính ngày mai mang về nịnh vợ, nhưng vì Người đàn bà Ả Rập của tôi, tao cho mày đập thoải mái. Bài thơ quá hay, tác giả của nó xứng đáng được thưởng.

          Mọi người vỗ tay tán thành. Nhưng cơn say đập bát của Nguyễn Tùng Linh đã qua, thay vào đó là cơn say đọc thơ. Thơ mình, thơ người anh đọc búa xua. Trong tôi hiện lên hình ảnh một nàng Sêhêrazat ẩn trong bộ Ninja màu đen trùm kín từ đầu đến chân, lộ khuôn mặt đẹp như trăng rằm ngước cặp mắt của con nhân sư nhìn Tùng Linh mê đắm.

*    *

   “-V ì sao Nguyễn Tùng Linh tự nhận mình là nhà thơ bất đắc dĩ ? ”. Nguyễn Tùng Linh kể. Bố anh là họa sĩ, học trò ruột của ông Tapi, giáo sư trường Mỹ thuật Paris. Ông Tapi sang Việt Nam làm ăn, lập nên hãng dệt thảm len Tapi nổi tiếng. Năm 1939, thế chiến 2 bùng nổ, ông giao toàn bộ tài sản của mình ở Việt Nam cho người học trò ruột để trở về Pháp, vì thế bố anh mới chuyển vợ con lên Lào Cai sinh sống, tiếp tục công việc chuyên canh rau giống của Tapi trên đó. Nguyễn Tùng Linh sinh năm 1946 ở Lào Cai, cắt rốn cho anh là một bà mụ người H’ Mông. Chi tiết này giải thích vì sao khi trưởng thành, nhà thơ luôn coi Lào Cai là một nguồn cội, thường xuyên trở lại, viết những bài thơ rất hay về người H’Mông, như: “Mùa thu trên bản Mèo”, “Mùa trẩy lê”, “Cô gái Mèo và tiếng nhạc ngựa”, “Nhớ Lào Cai”… với những câu thơ đằm thắm:  Tàu chợt dừng, đến ga cuối rồi đây/ Cơn mưa tạnh mà gió còn thổi mãi/ Mắt đã gặp, bàn chân còn bối rối/ Ồ tiếng chim... như lọc xuống tự trời…”

Họa sĩ Nguyễn Tá Vang rất mê Liêu trai chí dị của nhà văn Trung Quốc Bồ Tùng Linh. Không khí liêu trai vùng núi cao Lào Cai quyến rũ ông, ông quyết định lấy tên tác giả bộ sách trứ danh đặt cho đứa con thứ ba của mình, cái tên  Nguyễn Tùng Linh có xuất xứ như vậy. Năm 1948 Pháp trở lại đánh chiếm Lào Cai, họa sĩ chuyển gia đình về lại Hải Phòng. Vì mấy năm làm quản lý trang trại Tapi, ông bị cách mạng nghi ngờ là một phần tử Quốc dân đảng.

   Nguyễn Tùng Linh không biết điều này, anh cứ hồn nhiên sống, hồn nhiên lớn. Học giỏi các môn tự nhiên, sau khi xem bộ phim Liên Xô Chín ngày trong một năm kể về cuộc đời của một nhà Vật lý nguyên tử Xô viết, anh quyết định lớn lên sẽ noi theo nhân vật. Năm 1963 khi Tùng Linh tốt nghiệp lớp 10, Giáo sư Vật lý Nguyễn Hoàng Phương của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội xuống Hải Phòng tuyển học sinh đi Liên Xô du học, Nguyễn Tùng Linh là một trong ba học sinh được Giáo sư chọn, nhưng vì bố đang trong vòng nghi vấn nên chính quyền thành phố giữ anh lại. Từ cú vấp đầu đời, năm sau thực tế hơn anh thi vào khoa Xây dựng trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Đấy là lần thi đại học cuối cùng được tổ chức ở miền Bắc trước khi cả nước bước vào cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của Mỹ. Kết quả hai môn Toán, Lý anh đạt điểm tuyệt đối 10, môn Văn 4,5; xếp thứ 5 trong tổng số các thí sinh đỗ vào trường năm ấy, nhưng địa phương vẫn kiên quyết không cho anh đi.

   Quá chán nản, Tùng Linh trở về đi cạo rỉ tàu trên sông Cấm, túi rủng rỉnh đồng ra đồng vào, nhưng vẫn không nguôi mộng trường lớp. Một hôm xem báo Nhân dân, thấy trường Trung cấp xây dựng ở Hà Tây đăng thông báo tuyển sinh. Không hỏi ý kiến bố mẹ, sẵn tiền cạo rỉ tàu chưa tiêu hết anh lặng lẽ lên trường dự thi và nhập học. Đối tượng tuyển sinh của các trường Trung cấp chuyên nghiệp là những học sinh tốt nghiệp cấp 2, vì vậy năm đầu tiên vào trường trong lúc bạn bè bận học văn hóa cấp 3, cậu tú Nguyễn Tùng Linh được nhà trường bố trí thâm nhập thực tế, làm việc ở các công trường xây dựng. Ngày 5/8/1964 Nguyễn Tùng Linh  đang ở trên công trường xây dựng thủy điện Thác Bà, thì Mỹ cho máy bay ném bom bắn phá miền Bắc. Căm phẫn trước hành động ngang ngược của quân xâm lược, anh viết bài thơ đầu tiên trong đời và công bố nó trên tờ báo liếp của lớp. Bài thơ này cũng như nhiều bài thơ khác anh làm sau đó, được rất nhiều bạn đồng môn chép vào sổ tay, mang lại cho tác giả những ý niệm đầu tiên về sức mạnh của thơ ca.

   Tốt nghiệp Trung cấp Xây dựng, Nguyễn Tùng Linh về Hải Phòng công tác. Thông qua người bạn của ông anh cả, nhà thơ Trần Quốc Minh, anh bắt đầu tiếp xúc với giới văn nghệ Hải Phòng, vỡ vạc dần việc làm thơ, in báo. Bài thơ đầu tiên Tùng Linh in báo là bài “Đêm công trường”, báo Lao động năm 1967. Hồi ấy không như bây giờ, chỉ cần in một vài bài thơ trên báo Văn Nghệ là đã được cả nước biết đến. Vì thế mới có chuyện năm 1968 khi Văn nghệ Quân đội giới thiệu thơ anh hai số liền, báo Văn Nghệ in của anh bài thơ “Những ngọn gió” thì tên tuổi Nguyễn Tùng Linh nổi như cồn. Đến mức hơn mười năm sau, năm 1979 gặp anh đang làm thủ tục nhập học ở trường Viết văn Nguyễn Du, nhà thơ Quân đội Đại úy Hữu Thỉnh đã thốt lên thay cho lời chào: “- A, Nguyễn Tùng Linh. Đêm như con ngựa hoang lồng ngoài ngõ !” và Hữu Thỉnh đọc luôn: Những ngọn gió xưa đi xa đêm nay tìm về/ Thổi giữa lòng phố cũ... Nguyễn Tùng Linh lặng người vì xúc động.

   “Những ngọn gió” giọng thơ hào sảng, đắm say, đặc trưng thơ chống Mỹ thời kỳ đầu của Hải Phòng nói riêng, của cả nước nói chung. Nói Hải Phòng nói riêng, vì ngày ấy Hải Phòng nổi lên như ngọn cờ đầu của thơ ca miền Bắc với những tên tuổi (thứ tự xếp theo thời gian xuất hiện): Cao Minh Trai, Vân Long, Hoàng Hưng, Thanh Tùng, Đào Cảng, Thi Hoàng, Trúc Chi, Thọ Vân, Trần Lưu, Lê Điệp… Khi Nguyễn Tùng Linh in “Những ngọn gió” thì Thanh Tùng đã có “Đỉnh núi”, Đào Cảng có: “Bên cửa sổ”, Thi Hoàng: “Tháng năm mùa xuân, tháng năm đất nước”, Trần Lưu: “Khu di chỉ”, Nguyễn Khắc Phục: “Trên năm cửa sông” chấn động thi đàn thơ miền Bắc.

   Làm thợ và làm thơ, cuộc sống của Nguyễn Tùng Linh những năm ấy là như thế. Điều này hoàn toàn trái ngược với thiên hướng của anh thời đi học, đấy là lý do vì sao anh tự cho mình là một nhà thơ bất đắc dĩ. Nhưng  sự trớ trêu của số phận lại khiến ông họa sĩ già vui. Ông đọc tất cả những bài thơ của con trai in báo và thường trao đổi với con điều mình cảm nhận. Ngôi nhà anh ở 164 Hàng Kênh, Hải Phòng trở thành nơi lui tới của nhiều thi nhân: Lưu Quang Vũ, Trúc Thông từ Hà Nội xuống, Trí Dũng, Yên Đức từ Quảng Ninh sang... Còn các nhà văn, nhà thơ đất cảng như  Nguyễn Khắc Phục, Thi Hoàng thì chỉ còn thiếu điều đăng ký hộ khẩu thường trú ở đó.

   Từ bài thơ đầu tiên in báo năm 1967 đến nay, Nguyễn Tùng Linh đã có 50 năm làm thơ. Tìm hiểu thơ ông, tôi chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn I bắt đầu năm 1967, khi ông in bài thơ đầu tiên cho đến năm 1987, giai đoạn II từ năm 1988 đến nay. Còn nếu tính theo đề tài, có thể chia ra sản xuất và chiến đấu, tình yêu và đất nước, thế sự xã hội. Ở đây tôi theo cách thứ nhất. Và tôi hình dung thơ Nguyễn Tùng Linh giai đoạn I như một cánh rừng, nhìn vào đó có cây to nhưng không có cây cổ thụ. Ông vụ về bài mà không vụ về câu. Ngoài “Đêm như con ngựa hoang lồng ngoài ngõ...” “…Bàn tay tung tóe mặt trời buổi trưa” viết về những cô gái diêm dân trong “Những bông hoa trên bờ biển cát”, tìm thêm một vài câu nữa có thể găm vào trí nhớ người đọc, thật khó: “Và tiếng bom đêm qua không ai còn nhớ/ Chỉ tiếng nghé gọi những mùa cày tiếp nối sinh sôi…” chăng ? Hay “Sự giản dị là điều vươn khó nhất/ Cho mỗi nhà văn và cho mỗi con người…” ?  Không, những câu như thế chỉ đáng nhớ trong không khí ấy, trong văn cảnh ấy. Ngoài những giá trị về thơ, câu thơ hay theo tôi phải có giá trị hô, ứng như một tục ngữ, danh ngôn, dầu tục ngữ danh ngôn không phải là thơ. Ngay cả “Thức giấc ở A3”, một bài vào loại hay nhất của thơ ông giai đoạn này, “Thị xã của những người đánh cá”, giải ba cuộc thi thơ báo Văn Nghệ năm 1982, “Kéo lưới đêm cùng những người đánh cá” được Phạm Đình Ân vinh danh trong mục Sổ tay thơ của báo Văn Nghệ, thì cũng thật khó lẩy ra được một câu để trích.

   Lý giải thế nào về điều này ? Quãng thời gian hai mươi năm 1967 – 1987, đất nước đang (và vừa) đi qua cuộc chiến tranh chống Mỹ. Để hoàn thành mục tiêu giải phóng dân tộc, hàng triệu con dân nước Việt phải kết thành một khối, nhiều giá trị cá nhân chưa được tính đến, cái tôi của mỗi người hòa trong cái ta rộng lớn. Đấy là quãng thời gian mà công nghiệp được đón nhận như một giải pháp duy nhất mang lại ấm no hạnh phúc. Thủy điện trở thành niềm mơ ước. Chẳng ai thấy nguy cơ trong việc “Con cá bắt lên ăn có vị dầu”. Nhà máy xi-măng Hải Phòng bụi đến nỗi Không khí nặng gấp ba mươi sáu lần trên quảng trường thành phố là nơi nhà thơ đặt tình yêu, đặt trái tim của mình. Trong tâm thế ấy, thơ ông tràn ngập chi tiết đời sống, một đời sống lao động hối hả, khẩn trương. Xét cỗ xe thơ tam mã đất Cảng (theo cách Nxb Tác phẩm mới làm năm 1979, khi xếp ba tác giả Hải Phòng vào một tập thơ in chung), Thi Hoàng quái chiêu trong câu chữ, Thanh Tùng lãng mạn trong cảm xúc, nhưng Nguyễn Tùng Linh với đôi tai biết lắng nghe mọi cung bậc âm thanh của đời sống lao động nhân quần mới là người nói được  nhiều cho Hải Phòng hơn cả: “Đi qua những dãy phố đầy thương tích/ Bỗng nôn nao nhớ mùi vữa dựng xây/ Trái bom nổ trên mái nhà rêu phủ/ Khắc vào tim ta những tên tháng, tên ngày/ Những tên phố, tên đường nhắc lên đã khiến trào nước mắt:/ 16-4, 31-7; Thượng Lý, Lạch Tray…”

   Vâng, điều gian khổ được nhớ vì thơ gần nước mắt hơn nụ cười. Đất nước bước vào đổi mới, nhiều thang bậc giá trị thay đổi, có những cái trong cơ chế cũ chúng ta không hình dung nổi hôm nay bỗng được tung hô. Thơ Nguyễn Tùng Linh viết giai đoạn này chủ yếu là thơ thế sự, xã hội. Nhiều bài, nhiều câu động chạm sâu xa đến những nỗi đời, nỗi người. Năm 1988 là một năm quan trọng đánh dấu sự thay đổi của ông trong tư duy, bút pháp. “Điều vô lý có thật”, “Đêm Tố Như”, “Mùa bão anh đi về phía biển”, “Anh hề xiếc”, “Đêm nhạc Văn Cao”… đọc xong, người đọc mãi bị ám ảnh. Chẳng ai có thể dửng dưng với hình ảnh của một “Người đàn bà góc chợ”, người mà nhà cửa đất đai đã bị quy hoạch, giải tỏa: Nếu ai đó ngồi bên bà một chút/ Và hỏi bà quê quán nơi đâu/ Ngón tay chỉ về một miền xa lắc/ Quê hương ư ? Bà đã mất từ lâu… Hay những đứa “Trẻ con ở tàu khách”: Chúng ở đâu, chúng đến từ đâu/ Nhưng con tàu là nơi gặp gỡ/ Hàng đã vãn, chúng gật gà thiếp ngủ/ Trên sàn tàu, giữa đống thúng bao…

Tiêu biểu cho giai đoạn này của ông là bài “Trăng sông Cấm”:
Thành phố sáng đèn, trăng hóa ra lạc lõng
Đành đến với sông để làm một con thuyền
Trăng nối giùm ta hai bờ hư thực
Sông Cấm quen mà lạ một đêm
 
Thương con hải âu theo dòng bị lạc
Cánh mỏng manh giữa giăng mắc ánh đèn
Ta sa bẫy trong cuộc đời nhộn nhịp
Quên mất mình có lúc thấy trăng lên
 
Con cá quẫy, ánh trăng tan thành nước
Sông tương tư dáng đợi của con đò
Bờ bên này ta là người đưa tiễn
Sang bờ kia kẻ đón cũng là ta…

   Đọc bài thơ, mỗi người có thể tiếp nhận bằng những liên tưởng và đồng sáng tạo những hướng riêng trên cơ sở những trải nghiệm của mình. Riêng tôi, không hiểu sao cứ nhìn ra hình ảnh một Nguyễn Tùng Linh đủng đỉnh cưỡi con thuyền thơ băng dòng sông cuộc đời quay lại nhìn nhân quần mỉm cười, mà mừng cho ông: gừng càng già càng cay!

                                               TP Hồ Chí Minh, Xuân Bính Thân 2016

                                                                         N.X.H

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Quảng cáo
congnhan12345
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 4
Trong ngày: 106
Trong tuần: 455
Lượt truy cập: 381339

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ GIỚI THIỆU!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH, NHÀ VĂN CẦM SƠN! RẤT NHIỀU BỨC ẢNH CỦA NGÀY HÔM ĐÓ ĐÃ CÙNG VỚI BÀI NÓI CỦA TÔI LÀM NÊN KHÔNG KHÍ TƯƠI VUI, HÀO HỨNG CỦA BUỔI RA MẮT SÁCH! CHÚC MỪNG NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CHÚC MỪNG TS NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC VỚI TẬP THƠ ĐỘC ĐÁO, IN ĐẸP!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÁI PHỤC BÀ MÂY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Thuộc loại "chuyện bây giờ mới kể" đây! Cám ơn tác giả! Mượn lời bà SUỐI để nói về bà MÂY: "Bái phục bà MÂY" ! Haiza!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN VÀ BAN BIÊN TẬP ĐÃ ĐĂNG BÀI VIẾT NHÂN DỊP NHÀ THƠ NGUYỄN HUY HOÀNG RA MẮT TUYỂN THƠ VÀ TRUYỆN KÍ TẠI HỘI TRƯỜNG HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM!

 
Xem toàn bộ
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0964 131 807
Email: soncam52@gmail.com
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công nhân.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông Chi hội Nhà văn Công nhân.