Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÌNH TÂM

NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÌNH TÂM

 nguyendinhtam123

Sinh ngày 24/7/1944

Quê quán: Thị xã Cửa Lò, Nghệ An

Cư trú: Văn Cao, Ngô Quyền, Hải Phòng

 

Đã xuất bản:

  • Sáng vào thu (thơ năm 1982)
  • Thức với mùa hạ (thơ năm 2012)
  • Thức với biển (trường ca năm 2015)
  • Một thời biển cả (thơ & trường ca năm 2017)
  • Lan Châu tím (thơ năm 2018)

 

Giải thưởng:

  • Giải nhất trường ca “Thức với biển” do Hội Nhà văn VN và Bộ GTVT tổ chức (2014 – 2015)
  • Giải thưởng Văn học Nanum của Tạp chí Văn học đa quốc gia Nanum năm 2018
  • Giải thưởng thơ “Hải Phòng khát vọng vươn lên” năm 2019.

(Thông tin lấy từ “Nhà văn Việt Nam hiện đại: in lần thứ 5)

nha_tho-nha_giao_nguyen_dinh_tam_2_resize

Vũ Quốc Văn


TRƯỜNG CA THỨC VỚI BIỂN – BỨT PHÁ MỚI TRONG THƠ NGUYỄN ĐÌNH TÂM

 

  Nhớ mùa hè năm 2015 trên trại viết Mộc Châu, nhà thơ Nguyễn Đình Tâm kể ông vừa hoàn thành trường ca “Thức với biển”. Vào một tối thư rảnh, Nguyễn Đình Tâm cùng mấy người bạn viết ngồi đàm luận chuyện văn chương, tôi đề nghị ông đọc tác phẩm “Thức với biển” cho mọi người cùng thưởng thức. Nguyễn Đình Tâm đồng ý, cầm tập bản thảo, ông cười rất tươi rồi hào hứng mê say diễn tự lời mở đầu của trước tác này.

“Khi chúng con gắn chiếc mỏ neo lên mũ/ là bắt đầu đối mặt với bão táp mưa xa/ biết đời mình thuộc về niềm đam mê khao khát/ để cùng hát theo lời biển hát/ biết thương yêu nhau hết lòng/rồi học cách sải cánh vươn vai/ khi con sóng vồng lên từ ngực biển/ chiếc phao duy nhất của chúng con/ là niềm tin và lòng quả cảm/ cánh hải âu tới làm bạn cùng mình…”.

Đọc xong ít dòng đề từ cũng là dẫn liệu mang tính giới thiệu tóm lược, gợi mở, Nguyễn Đình Tâm đứng dậy, mắt ông sáng rực lên dõi về cõi xa. Nom dung mạo ông lúc ấy như đã bị nhập hồn. Rồi bằng chất giọng đặc âm vực xứ Nghệ sôi nổi, vang ấm, ông nghiêm trang nhả chữ, buông từ khúc triết từng âm tiết: “Mùa đông một chín sáu tám/ ta đến nơi bắt đầu ngọn gió/ nơi những con đường không có dấu chân/ nơi mỗi chuyến ta qua không hằn dấu vết/ sóng cùng ta âm thầm…”

   Chúng tôi ngồi im lặng lắng nghe nhà thơ đọc và có lúc tưởng gần như ông đang hát. Vâng! Ông hát thơ, hát bài ca “Thức trước biển”. Và những thính giả nghe thơ lúc đó hồn dạ người nào cũng bị lôi cuốn, bâng khuâng, xao động hoang hoải lắm. Phải chăng là do thời khắc, ngữ cảnh ngẫu nhiên tác động? Rất ngẫu nhiên bởi vì “cuộc sinh hoạt thi ca” được chúng tôi gây dựng cũng là ngẫu hứng bột phát ngay trên miền Tây Bắc. Trong đêm vắng nghe thơ giữa nơi rừng núi trập trùng hình như “cái điệu tâm hồn” của tác giả và tác phẩm cũng thêm độ linh diệu, ngấm thấm lan tỏa vào cảm thức.

   Và hơn thế, Trường ca “Thức với biển” khái lược mà nói thì từ phương cách xây dựng kết cấu đến diễn tiến không gian, thời gian, quy mô nội hàm cùng nghệ thuật biểu đạt quả thật đáng gọi là một biên niên sử bằng thơ ca. Trường ca này tràn đầy chất bi hùng mang đậm màu chất tráng ca được người thủ bút trần thuật, miêu tả về một thời đoạn của cuộc chiến tranh vệ quốc trên biển và người đi biển hồi thế kỷ trước.

Nguyễn Đình Tâm – Người chủ tọa cũng là diễn giả trong cuộc “sinh hoạt thơ” đêm ấy dường như đã tạo ra một thứ hiệu ứng ma diệu bằng ngôn từ cảm xúc lay thức tâm tưởng chúng tôi nhớ về một thời quá vãng. Thời đã qua, thời đã xa rồi của cuộc chiến tranh giải phóng Miền Nam thống nhất Tổ quốc, mà thảy những cử tọa ngồi quanh nghe Nguyễn Đình Tâm đọc thơ  đều can dự và trải qua.

*

*    *

   Kể từ buổi nghe thơ rồi chia tay Nguyễn Đình Tâm sau trại viết Mộc Châu năm trước, tôi vẫn có ý đón đợi trường ca “Thức với biển” của ông. Tôi đón đợi và mong sớm được coi ngắm đứa con tinh thần của người bạn viết vong niên mình quý trọng. Ngoài lẽ đó tôi còn có ý kiểm chứng điều dự cảm đoán định của mình về “Thức với biển” nếu ra đời chắc sẽ được người đọc đón nhận. Đúng sai chỉ là một lẽ thôi nhưng vì cảm tình với tác giả và tác phẩm khiến tôi cũng có phần cực đoan duy lý về điều tự đố với riêng mình.

   Rồi đến một trưa đầu mùa đông này, tôi nhận được “Thức với biển” của nhà thơ Nguyễn Đình Tâm gửi tặng. Cầm tập sách còn thơm mùi mực, tôi điện thoại cảm ơn về món quà và chúc mừng ông.

Vậy là hơn một năm trước tôi chỉ mới được nghe người cha đẻ Nguyễn Đình Tâm trần tình, mô tả về đứa con tinh thần của mình. Còn bây giờ hình hài dung mạo hồn cốt đang hiển hiện trước mắt tôi.

   Trường ca “Thức với biển”, nơi bìa một của cuốn sách được bài trí là màu trời, màu biển hòa lẫn vào nhau xanh ngắt. Trên đường ranh xa ngái phía chân trời lãng đãng những làn mây trắng. Gần cận hơn, một cá thể hải âu đang sải cánh bay, và dưới kia là mặt biển duyềnh lên những lằn sóng tung bọt xô vào bờ cát thật ấn tượng. Trường ca “Thức với biển” khổ sách 13cm x19cm chỉ với 94 trang in rất mỏng nhỏ nhưng xinh xắn đã rủ rê mê hoặc tôi lần dở với tâm trạng háo hức, đắm mải say sưa.

   Tôi đọc một hơi hết năm chương trường ca “Thức với biển”, rồi tẩn mẩn ghi lại đề từ của mỗi chương. “Mùa chiến dịch”; “Mở luồng”; “Tri ân”; “Giọng biển”; Chương năm cũng là chương cuối: “Đội ngũ”. Tôi gấp tập trường ca mình vừa đọc lại mà tâm trí, lòng dạ vẫn chưa thể dứt nguôi nỗi ám ảnh đến xao lòng từ dư chấn của cuốn sách để lại.

   Rồi do công việc, một ngày gần đây tôi đọc “Thức với biển” thêm vài lần nữa và dừng lại đọc kỹ hơn từng phân khúc trong mỗi chương của tác phẩm này. Tôi ngồi trong căn phòng của mình, vây quanh nhà cũng là những dãy núi xa cánh rừng gần mà nghe ngoài kia vọng lại tiếng sóng nước của biển khơi, lúc rì rầm, khi quằn cuộn, xô dạt náo nức ì oạp vô hồi. Đang tiết mùa đông mà nghe có tiếng sấm sét ùng oàng gầm thét trên bầu trời. Và hình như có cả giông gió đang cuồng nộ. Thảng hoặc có cả tiếng đập cánh, tiếng kêu táo tác của đàn chim hải âu cuống quýt rủ hối nhau bay đi trốn bão…

   Nhưng rồi thoáng chốc ngất ngư, mê lịm lay lả giữa ngôn từ dung nạp trong “Thức với biển” cũng qua đi. Tôi tỉnh thức, thì ra cảnh huống kia chỉ là chuỗi hình dung hoặc tưởng của mình.

“Thức với biển” lay thức người đọc là tôi bởi thi phẩm này do chính một người trong cuộc, một trí thức có tri thức sâu rộng, vốn sống dồi dào, những dòng thơ được viết từ rung cảm cực điểm ở người sẵn có văn tài. Vì thế  ngôn ngữ lại được chắt ra từ ký ức, bằng ký ức trung thực, chân thành nên càng mê hoặc thuyết phục người đọc.

   Nguyễn Đình Tâm sinh năm 1944 tại quê mình tỉnh Nghệ An. Ông nguyên là giảng viên, chủ nhiệm bộ môn Động cơ thiết bị nhiệt – Trường Đại học Hàng hải Việt Nam. Từng là một Chính ủy thuộc Công ty Vận tải biển Việt Nam (VOSCO). Ông cũng chính là người đã dầm mình trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Nguyễn Đình Tâm có nhiều tháng ngày cùng thủy thủ đoàn mưu trí, dũng cảm điều khiển đưa dẫn nhiều chuyến tàu vận tải lương thực đạn dược ra tiền tuyến.

   Là người lính trong ngành vận tải biển Việt Nam, Nguyễn Đình Tâm lại sẵn mang trong mình tâm hồn thi sĩ nên mỗi dòng mỗi chữ của trường ca “Thức với biển” mới mới mẻ tươi ròng sống động như thế chứ. Đọc trường ca người ta nhận rõ tấm lòng trung trinh của Nguyễn Đình Tâm. Phẩm chất người chỉ huy, người thày, người trong cuộc quyện quánh cùng cái tình của người viết. Mọi diễn tả biểu đạt tác giả gửi thác vào thơ tạo ra trường lực hút cuốn người ta đồng điệu đi cùng: “Tôi đi qua quê mình mà không dừng lại/ Hòn Ngư mờ trong đêm/ Giờ này mẹ chắc còn thao thức/ bên ngọn đèn dầu bằng cổ chai con cắt/ bóng mẹ chập chờn trên vách nứa con đan …

Mẹ ơi! Con đây mà/ con không dừng lại được/ biển mịt mù sóng nước con muốn kéo hồi còn thật vang chào quê hương mà chẳng thể… Tác giả thi ca cũng là chiến binh lái con tầu chở hàng ra tuyến lửa đi qua nơi mình sinh ra nhớ mẹ, nhớ quê nhà quay quắt mà không thể về thăm bậc sinh thành đành thốt lên nhờ vả: “ Xin con sóng tạo nên từ tàu con/ vỗ về bờ với mẹ… Nghe mà da diết tha thiết tình tử mẫu làm sao. Những dòng thơ trích trên đây là trong Khúc hai, Chương một: có tên Mùa chiến chiến dịch: Băng qua thủy lôi/ băng qua bãi chìm/ một bữa không ăn/ một ngày không ăn, và chỉ mong trời lâu sáng/ canh ba đêm nay chuyển xong hàng

   Cuộc chiến đã lùi xa. Người trong cuộc Nguyễn Đình Tâm muốn kể lại, muốn giãi bày mọi nếm trải khốc liệt đau thương gom cất đã lâu trong tâm thức trong lòng ông bằng những dòng thơ chân phác trung thực nghiệt ngã đến bất ngờ:

“Anh nhớ không anh/ chiều ấy/ khi quay về cầu một/ hai phản lực đuổi theo bổ nhào/ tàu GF 28 bị nổ tung/ sĩ quan lái đầu và tay chân bay lên cầu mười một/ thuyền trưởng bí cắt đứt ngang thân/ ba thợ máy xác tan bên bệ súng/ bốn thủy thủy ruột trào khỏi bụng/ những chiếc cáng vội vàng/ bước chân người nháo nhác/ ta nén nấc gom từng phần xác bạn/ tay run run cứ chực khóc òa/ tiếng còi tàu rời ga như thét/ như hú lên tiếng thú cuối rừng/ cảng Hải phòng kéo vang những hồi còi vĩnh biệt…”

Khốc liệt mất mát đau thương là vậy những con người quả cảm làm nhiệm vụ vận tải trên biển ấy đâu có thúc thủ, nhụt chí mà vẫn dặn lòng dặn mình: “Không ai muốn tìm đến cái chết/ không ai muốn bạn mình hy sinh/ chúng tôi dành nhau ra đi/ nhường nhau phần sống/ tuổi hai mươi, hai lăm như những lõi trầm/ tự thơm và tự cháy

   Thế là tôi đã đọc, nói đúng hơn tôi đã được chiêm ngưỡng bảy trăm sáu mươi ba câu thơ trong trường ca “Thức với biển” của Nguyễn Đình Tâm. Tôi muốn trích dẫn thật nhiều những câu thơ, những đoạn thơ, tham lam hơn cả một chương thơ thì mới thỏa. Nhưng khuôn hạn của một bài viết nhỏ này đành để cho thời gian cùng bạn đọc hãy chiêm bái thi phẩm này và chia sẻ cùng nhà thơ vậy.

*

*    *

    Bây giờ thì tôi xin được chúc mừng Nguyễn Đình Tâm, ông vừa được nhận được một niềm vui lớn! Niềm vui không chỉ là “Thức với biển” đã đến tay bạn đọc. Mà hơn thế, tác phẩm này còn mang ý nghĩa ghi nhận tâm sức, tấm lòng, năng lực lao động của người cầm bút đam mê với thơ của ông nữa. Tôi trộm nghĩ liệu có phải do phận số hay duyên giời xếp đặt không nhỉ? Bởi trùng hợp là nhằm vào đúng cái năm Bính Thân này, nhà thơ đứng tuổi Thân sinh năm 1944 lại vinh hạnh nhận luôn được cái lộc vàng. Thậm chí còn quý hơn cả thứ mỹ kim có giá đó, ấy là chuyện ông vừa nhận về một giải thưởng văn chương danh giá. Trường ca “Thức với Biển” của Nguyễn Đình Tâm vượt qua hàng trăm tác phẩm thơ trong cuộc thi sáng tác văn học về đề tài giao thông vận tải do Bộ Giao thông vận tải và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Trường ca “Thức với biển” của Nguyễn Đình Tâm được trao giải Nhất trong cuộc thi này.

 

                                                                      V.Q.V

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Quảng cáo
congnhan12345
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 3
Trong ngày: 19
Trong tuần: 473
Lượt truy cập: 370381

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN! ÔNG HLV NGƯỜI PHÁP CHƯA BAO GIỜ THÀNH CÔNG "VANG DỘI"! CÓ ĐIỀU NÀY ĐÚNG: CHẢ NÊN TRÁCH ÔNG TA NHIỀU! TRÁCH LÀ VFF QUÁ TIN ÔNG TA, KẺ CAO NGẠO, BẤT TÀI! VẬY THÔI!

 

Phạm Trọng Thanh

Cảm ơn Văn nghệ Công nhân đã lên trang chùm thơ này!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN!

 

085 589 0003

NÀNG TRUNG ÚY THÍCH ANH CẦM/ CHO NÊN CỐ Ý MỜI NHẦM...ĐÓ THÔI/ ANH RA ĐẾN TRỤ SỞ RỒI/ BẮT ANH GÔ LẠI...CHỈ ĐÒI ĐƯỢC...HÔN! HAIZA!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Cầm Sơn đã lược thuật

 

VuThaoNgoc

Ok,hay qua nha van i

 
Xem toàn bộ
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0964 131 807
Email: soncam52@gmail.com
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công nhân.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông Chi hội Nhà văn Công nhân.