Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

NGƯỜI KHÔNG CHỈ NỢ TRƯỜNG SƠN

Vũ Nho

NGƯỜI KHÔNG CHỈ NỢ TRƯỜNG SƠN
Tập thơ Nợ Trường Sơn của Phạm Văn Đoan, nhà xuất bản Hội nhà văn, 2014
 
      Là người lính của đơn vị 559, một thời  máu lửa gắn bó với Trường Sơn hùng vĩ, Phạm Văn Đoan cảm thấy mình mắc nợ với đồng đội, bạn bè, mắc nợ với Trường Sơn. Ta canh cánh món nợ đời lớn vậy/ Càng nghĩ càng xa, càng lắc càng đầy.( Nợ Trường Sơn).  Hòa bình, người lính giải ngũ đi làm dầu khí, tuy vậy “ Thời gian cứ xuôi và lòng người chảy ngược” ( Cỏ gừng). Người cựu binh ấy cứ ngược thời gian, ngược dòng đời để nhớ về quê hương, về chiến trường, và cũng không quên những khoảnh khắc hiện tại  với ngành dầu khí, trên giàn khoan “ gió và nước… hùa nhau gào thét”/ “ Tiếng máy quay chóng mặt nhức đầu”/ “ Đêm lại đêm cứ tít mù chong chóng” (Đêm giàn khoan). Người thơ mắc những ba món nợ lớn, với Trường Sơn, với quê lúa Thái Bình và với ngành dầu khí. Và có thể kể thêm một món nợ  không hề nho nhỏ với Em trên đường đời hữu ý hay tình cờ bắt gặp.
  Tập thơ có nhiều bài nhắc đến một thời không thể nào quên của nhà thơ và đồng đội, nhắc đến chiến trường gian khổ ác liệt Trường Sơn:
          …nơi mười năm không biết mặt đồng tiền
          Không phấn không son không lời dịu ngọt
          Tư lệnh với anh em chuyền tay nhau điếu thuốc
          Sống vô tư và chết rất nhẹ nhàng
                    Vẫn cùng một tiếng tắc kè
Các bài thơ Bến quê, Nợ Trường Sơn,Vẫn cùng một tiếng tắc kè,  Lời tâm sự của tấm huân chương, Nghe tin chiến sự, Nhớ bạn, Tuổi quê, Nghĩa trang chiều cuối năm, Gặp lại người cũ làm dầu khí,  Trường Sơn, Đồng ca, Chùa cũ người xưa, Di họa chiến tranh, Mẹ ơi, Cây da lách hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp nói về cuộc chiến đấu cam go, đầy mất mát hi sinh nhưng cũng rất đỗi  hào hùng. Viết nhiều về chiến tranh như vậy là vì “ Có một thời không thể dễ dàng quên” ( Lặng lẽ).
Trong thơ của Phạm Văn Đoan, người đọc như được cùng tác giả trải qua những năm tháng  chiến tranh của đoàn xe vận tải. Những câu thơ bổ sung thêm vào  hình ảnh chiến sĩ lái xe trong “ Bài thơ về tiểu đội xe không kính” nổi tiếng của Phạm Tiến Duật:
          …khói bom trở lại
          Pháo sáng bủa vây trắng trời
          Đoàn xe không đèn không kính
          Đợi phà trong tiếng bom rơi
                            Cây da lách
                   
          Bom cứ rơi và xe cứ chạy
          Xe cháy mấy lần người chưa chịu hi sinh
          Thấm lời hẹn hò dăng dọc Trường Sơn
                              Chùa cũ người xưa
Và  chúng ta đau nỗi đau của “di họa chiến tranh”, chất độc màu da cam sẽ làm cho mất khả năng sinh nở hoặc sinh những đứa con dị tật suốt đời :
          Giải phóng miền Nam anh trở lại quê nhà
          Đỏ rực huân chương
          Không mảnh giấy chứng thương
          Cái chết từ mùi hắc dị thường
          Chất độc màu da cam
          Bắt đầu âm ỉ cháy.
                            Di họa chiến tranh
Chính vì lăn lộn với chiến trường, cho nên kỉ niệm Trương Sơn không phai nhòa “ Trường Sơn/ Trường Sơn/ Còn thăm thẳm lòng ta” ( Trường Sơn). Một câu thơ của đồng đội thời bom đạn, thời “Trường Sơn lửa đỏ rực trời” bao năm vẫn rừng rực cháy:
          Câu thơ ấy đến bây giờ vẫn cháy
          Rừng rực thôi miên suốt dọc đời người
                              Bây giờ vẫn cháy
Cả cách hành xử dứt khoát này cũng là cách hành xử dứt khoát, quả quyết của người lính Trường Sơn :
          Nếu còn vấn vương là dở
          Lòng ta nhất định dửng dưng […]
          Thế là chiều nay gọn lại
          Trực chỉ Vũng Tàu thẳng bay
                                Trẩy
Không có bản lĩnh Trường Sơn ấy, không thể viết được bài thơ đầy tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc :
          Hú vía một thời
          Giờ ngoảnh mặt lại
          Mắt còn hoa lên chớp đạn cầu vồng
          Anh là giặc trog tôi
          Tôi là giặc trong anh
          Giặc ở trong nhau hai thằng dân cùng một nước
          […]
          Rượu đã tràn rồi còn chờ gì nữa
          Uống đi kìa
          Ông giặc của tôi ơi
                              Tôi và anh
Như đã nói, ngoài món nợ lớn Trường Sơn, Phạm Văn Đoan còn nợ quê lúa Thái Bình. Bao năm trận mạc hay bươn chải  nơi xa xứ  (…chân cứng đá mềm/Long đong đã thấm bon chen đã thừa), tấm lòng của tác giả vẫn đau đáu nhớ về quê.  Quê như một hằng số bất biến trong trái tim nhiều nhung nhớ:
          Còn nguyên đấy một con đò
          Còn nguyên đấy một bến bờ đợi mong
          Còn nguyên đấy một dòng sông
          Còn nguyên đấy một nỗi lòng bâng quơ
                              Bến xưa
Kí ức tuổi thơ, người mẹ quê nghèo, tin quê hết hạn  cháy đồng đến  lũ lụt trắng băng làm người thơ “nát lòng”…tất cả đều được giãi bày mong …trả nợ. Thậm chí Phạm Văn Đoan yêu quê đến mức “ bảo thủ” khi ao ước và mong muốn:
          Làng ta ơi, xin hãy cứ là làng
          Hãy cứ nhà tranh bếp rạ rơm vàng
          Hãy cứ chợ chiều đẩy đưa mặc cả
                               Làng ta
Người đọc không thể không mỉm cười. Và nhớ lại chuyện thi sĩ Nguyễn Bính “ van em em hãy giữ nguyên quê mùa” nhưng đâu có được!
          Tất nhiên, dù nặng lòng, dù luôn luôn hoài niệm về  quê làng, về Trường Sơn, song người lính ấy không chỉ sống bằng hoài niệm. Anh là người hành động, cho nên món nợ với ngành dầu khí cũng là một khoản mà nhà thơ phải…trang trải. Có thể đọc trong tập này các bài : Thợ lặn,  Nhớ bạn,  Giao thừa trên giàn khoan, Gặp lại người cũ làm ngành dầu khí,  Làng Nga,  Mẹ đi giàn, Đêm giàn khoan,… Những bài thơ về chủ đề này nổi trội so với những người đã viết về dầu khí, góp phần cho bạn đọc thấy một ngành nghề vất vả, nhiều hi sinh thầm lặng “ giọt dầu đen xương trắng máu hồng” chứ không phải toàn ánh hào quang.
          Cuối cùng là món nợ với bâng quơ, với tóc dài, tóc tém mà người thơ đã gặp tình cờ hay hữu ý. Về mảng thơ này, Phạm Văn Đoan viết khá tung tẩy và có giọng điệu riêng. Nhiều khi tác giả “ Quên màu thời gian trên tóc/ Hồn nhiên mãi tuổi hai mươi” ( Hè về). Những mối tình đơn phương, những “ dự cảm vừa nhen”, những “ tình cờ dễ lạ dễ thân”, những “bâng quơ” một lần Đi đò, một lần Trú mưa, hay một Chiều hoa Đà Lạt… những Nữ hoàng mất ngôi và Tướng quân hết thời cưỡi trâu…Những điều đó làm cho tập thơ  đa thanh. Người ta hay nhắc đến bài thơ Thèm lén, một thú nhận chân thành của người thơ :
          Trời xuân phơi phới hong tơ
          Cô hàng xóm quẩy đôi vò rượu xuân
          Vợ vừa xa, rượu đang gần
          Ước gì bí tỉ một lần rồi thôi
Dẫu sao thì đó cũng chỉ là một dạng “lén”,  một dạng ước ao của thi sĩ nhiều mơ mộng, một người “ uống tràn vẫn tỉnh” trong buổi phơi phới mời gọi của mùa Xuân.
          Có thể thấy  ngoài giọng nghiêm trang, nhiều suy ngẫm của người từng trải là  giọng tha thiết có chút ngậm ngùi khi nói về quê hương, tung tấy, trẻ trung khi nói về những mối tình; nghình nghịch, tếu táo khi hồi ức một thời “ Dở khờ khạo dở ranh ma/ Dở yêu dở ghét dở bà dở ông”;  giọng hài hài khi Ghi ở làng Nga, khi Tiếp bạn;  giọng ngụ ngôn trong Viết cho con, Xổ số, Bài thơ chưa có tên; giọng châm biếm trong Vô đề… Tất cả các giọng điệu đó thống nhất trong một tâm hồn thơ  chân mộc, bình dị, chắc khỏe, đủ sức găm vào kí ức người đọc./.
 
                                                                  Hà Nội, 17/2/2015
                                                                             V.N
truongson
 

Kim Chuông      

PHẠM VĂN ĐOAN TRONG LẶNG THẦM VANG VỌNG

 Nhà thơ PHẠM VĂN ĐOAN – Sinh, 1953 tại Hưng Hà – Thái Bình.
 Nguyên là Phó Tổng Biên tập Tạp chí Công đoàn dầu khí Việt Nam.
 Hiện sống và viết tại thành phố Vũng Tàu.
 *  Đã in 4 tập thơ : “ Ngày xưa/  Ngưỡng vọng/  Thơ Lục bát/  Nợ Trường Sơn/  Huyền thoại một con đường (Kịch bản phim – 1999)
 *   Giải Ba Thơ -  Giải thưởng Văn học của Tổng Công đoàn Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam – 2011)
 

           Cuối năm 1971, từ Báo Quân khu Tả ngạn về công tác ở Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình, tôi đã sống, làm việc và gắn bó tới gần bốn mươi năm với một vùng đồng bằng quê lúa.

           Trong số những người bạn “bút nghiên” thân yêu nhất, cùng Tường Lan, Thiếu Văn Sơn, Trọng Khánh, Hải Đăng...Với  Phạm Văn Đoan, tôi có với “chàng thi sĩ” này ở cái duyên hội ngộ, ở nhiều cữ tháng năm với nhiều buổi kết giao đầm đìa trong tấm tình anh em, bầu bạn.

            Đoan sinh ra và lớn lên ở Tây Đô, Hưng Hà, Thái Bình (Đất Duyên Hà cũ). Đất Long Hưng. Đất nhà Trần dựng nghiệp. Đất thế  kỷ  thứ  XVIII từng sinh ra nhà  bác học nổi tiếng họ Lê với câu thơ mãi còn truyền tụng: “Thiên hạ vô tri, vấn Bảng Đôn”… 

             Đầu “thập kỷ bảy mươi” của thế kỷ trước, đi giữa những ngày đất nước đang trong cơn binh đao, khói lửa, Phạm Văn Đoan, người trai tuổi Quý Tỵ, sớm giã từ  mái trường khi tuổi vừa mười tám, “…Để chỉ nhớ một câu thơ ấy thôi…/ Vận mệnh nước nhà ngàn cân treo sợi tóc…” Để, trong tự ý thức lý tưởng tuổi trẻ của mình, một sứ mệnh cao cả, lớn lao. Để :  “Chúng em đi xa/  Đi xa mãi bến đò sông cũ … Để, tiếng lòng đầu tiên khi dứt áo lên đường là nỗi niềm người mẹ buổi đưa con qua sông, nhập vào đội ngũ điệp trùng áo lính. “Gió chiến tranh đã thổi về làng/  Bông súng trắng đồng quê lẩy bẩy…  Bóng mẹ nhập nhòa chạng vạng hoàng hôn…” 

           Để rồi, tất cả bóng dáng quê nhà đã khuất dần, đã hiện hình trong trái tim người trai, nơi chỉ còn là ký ức : “Tuổi ở quê nhà trong ta đã xa/  Ta cũng có một thời con trẻ/  Trâu lá đa xanh ngắt tiếng cười/  Em mười một cho ta mười hai tuổi…” 

           Rồi, cũng bắt đầu từ đấy, đời lính với một thời trận mạc, với không ít tháng năm đầy cam go, ác liệt, để :

           …  Em hiển hách đi qua trọn tuổi thanh xuân

           Đường tới chiến công đẫm máu và nước mắt  

           Và,

           “…Chết cho chiến thắng không phải là điều bàn cãi nữa…”

           Thế đấy. Phạm Văn Đoan đã ra đi, lận lội trong mưa bom, bão đạn. Trong cái đói và những cơn sốt rừng trên chiến trường 559,  trên dải Trường sơn đầy gian khổ, hy sinh. Đoan lái xe. Làm Phóng viên “Tờ tin mặt trận.” Sau mười sáu năm quân ngũ, Đoan về ngành dầu khí, học đại học báo chí, làm báo, làm Phó Tổng Biên tập “Tạp chí Công đoàn Dầu khí Việt Nam” Anh trở thành nhà thơ, thành Hội viên Hội Nhà văn đất nước đầu tiên và duy nhất của ngành dầu khí quốc gia Việt Nam.

            Với Phạm Văn Đoan, với sự  nghiệp lao động, sáng tạo nghệ  thuật , “Đi và viết” là lộ trình mê say, hăm hở. Là hai chiều giao hòa làm nên điểm sáng, điểm khởi phát cho câu thơ anh viết.

            “Nợ Trường Sơn” là tập thơ thứ tư. Là khoảng tĩnh, trầm của “cái ngoảnh nhìn” sau mười lăm, hai mươi năm về một thời của một người lính trận.

            Phạm Văn Đoan làm báo, viết kịch bản phim. Với thơ, Đoan viết và cho in chưa nhiều. Nhưng, thơ Đoan là một biên độ mở. Thơ về những kỷ niệm tươi xanh của một thuở học trò. Thơ về mẹ, về cha, về những người áo nâu, chân đất. Thơ mô tả cảnh quê, người quê trong nắng mưa, nhọc nhằn, thương cảm. Thơ ở những đêm trên giàn khoan vời vợi biển xa. Thơ với những phút vui buồn, hồi hộp của “Những người thắp sáng biển khơi”. Thơ với tình yêu nồng cháy, dang dở, khát khao của cái thuở yêu đương trước bao nhiêu cung bậc say lòng…

            Với 4 tập thơ đã xuất bản, “Nợ Trường Sơn” là tập “thơ chọn,” tập hợp về một mảng đề tài. Thơ “đánh giặc.” Thơ về một phạm vi cuộc sống được người viết đánh thức và khai sáng với tất cả những gì thật tâm huyết của “người trong cuộc.”

            Chọn “vỉa mở” này, Phạm Văn Đoan thấy được cái “không mở,” cái giới hạn, khoanh vùng ở ngay chính cái “kênh” chọn ấy. Nhà thơ lấy cái mạnh, cái hơn cho thơ mình ở không gian, ở cái rộng của những tầng hiện thực. Đấy là nơi diện kiến, va đập. Nơi “sự sinh sự.” “Sự” dồn lên “cảnh,” cái ngổn ngang, bề bộn làm giàu có con mắt nơi cái gặp, cái nhìn. “Sự” làm nên nét trội trong phác thảo giàu chất ký, bộc lộ khả năng khái quát về khách thể. Từ “Bến xưa, Nợ Trường Sơn, Nghe tin chiến sự, Nghĩa trang chiều cuối năm, Di họa chiến tranh”…đến : “Tôi và anh, Tin quê, Bây giờ vẫn cháy, Giao thừa trên giàn khoan, Làng Nga …” v.v… 

              Có thể thấy, trong mạch đi này, từ sức rung của cảm xúc, Phạm Văn Đoan đã tạo được cái dư vang, cái phồn khí cho thơ trong vận động ngôn ngữ, trong thi liệu, ảnh hình. Cái đa dạng có từ những mảnh nhỏ lóe sáng của hiện thực cuộc chiến nơi cuộc đời anh gặp . Ví như:

              Ta còn nợ những đêm pháo sáng

              Trắng trời dăng suốt dọc tuyến đường…

              Ta còn nợ một chiều chưa kịp hẹn

               Em làm cọc tiêu ngập nước giữa đường ngầm…

         Hay :                                                         

Ta còn nợ một đêm chưa kịp sáng

Trên đỉnh đèo chót vót dãy Trường Sơn

Em là Nữ Oa có lần ta gặp

Đội đá ngang trời đi lấp hố bom.

                 Kể. Tự sự. Đấy là mạch nổi với “Nợ Trường Sơn.” Còn đây, vẫn là dòng tiếp nối ấy của cái nhớ, cái gọi về nỗi khắc khoải những cánh rừng, khi nghe “Tiếng tắc kè” kêu mỏi mòn năm tháng :

                       Gặp lại cái nơi mười năm không biết mặt đồng tiền

                       Không phấn, không son, không lời dịu ngọt

                       Tư lệnh với anh em chuyền tay nhau điếu thuốc

                       Sống vô tư và chết rất nhẹ nhàng.    

           Hoặc :

                       Người đang ở đô thành thì nhớ rừng cháy bỏng

                       Kẻ ở rừng này thì nhớ lại rừng kia

            Hoặc :

Giữa đạn bom hiển nhiên tàn khốc

                     Kẻ ươn hèn không nơi giấu mặt

             Hoặc:

             Ta thoát hiểm từ đôi vai gầy ấy

             Đến nấp an toàn cho em buộc vết thương

    Hoặc, vẫn đi từ cái rộng, “cái ngoài-ta” như thế mà Phạm Văn Đoan tìm lấy cái khác nhau của nỗi niềm thế sự, khi cảnh huống người lính đối mặt với người lính ở chiến trường, ở khác nhau chiến tuyến :

Anh là giặc trong tôi

Tôi là giặc trong anh

Giặc ở trong nhau hai thằng dân cùng một nước!

Thượng đế sinh ra tôi và anh

Không phải để tìm nhau mà diệt

Hoặc khi gặp người nữ, bạn chiến đấu năm nào giờ khoác áo cà sa, gửi mình nương nhờ nơi cửa Phật. Hoặc, khi gặp một cái chết trong di họa thảm khốc của một cuộc chiến tranh.                       

Anh chỉ biết cái chết từ vỏ đạn chết ra

Mấy ai biết cái chết đã bắn sang từ loài cây thở

Đêm thu lá vàng lăn tăn miệng hố

Khẳng khiu tay khô gầy guộc gỡ trăng tàn…

            Đấy là cái phong phú, sinh động ở “Nợ Trường Sơn” mà Phạm Văn Đoan đã tìm ra những lắt cắt để có được cái đa sắc màu, cái “muôn hình, vạn trạng” trong tạo dựng, phản ánh. Để, từ cái rộng bên ngoài, người viết biết quay về gốc rễ chủ thể, khơi sâu những tia sáng được phát hiện mang chiều sâu nhận biết.

Đây là cái “Thấy” trong cái “Nghiệm” trước dòng đời biến cải:

                       Sao chiều nay ta bỗng giật mình

                       Hàng kẽm gai xưa đã lút màu cỏ lạ!

                  Với “Hoài niệm” là thế. Còn, trong “Tiếng tắc kè” thì:

                       Cuộc chiến tranh qua đã ai mà quên được

                       Chỉ một tiếng kêu thôi mà láy lên lòng ta

                                                                           bao đau xót

                       Hoặc:

                       Ta là gió chẳng vô tình 

                       Đưa em qua buổi xuân xanh giữa rừng.                                                                                 

Hoặc với người thợ lặn, thường vùi mình xuống biển, lấy cái đối nghịch này, Phạm Văn Đoan làm bật dậy một tư duy qua so sánh, liên tưởng: 

                      Lẽ thường người đời thích nổi lên leo cao

Riêng anh lại chọn nghề thợ lặn

Hoặc, trên những giàn khoan của những người  đang ngày đêm thức cùng biển cả để tìm về những dòng suối dầu, làm đẹp giàu cho quê hương, đất nước. Câu thơ ở đây thật khỏe, bất ngờ, trong cái tả, giàu sức gợi:

                      Trời vẫn trong xanh và lửa vẫn trắng đêm

                      Sóng gió thất thường khi hiền lành khi dữ tợn

                      Mũi khoan vẫn kiên trì xoáy vào lòng đất

                     …

                      Chiều nay

                      Bỗng nhiên tấm lịch hất ngược

Chạm vào mắt ta ngày ba mươi tháng chạp

Ừ nhỉ, đêm nay giao thừa! …

 

            Có tới hơn ba mươi năm, tôi có với Phạm Văn Đoan thi sĩ, gắn bó, kết giao ở nhiều lần hẹn hò, tìm gặp. Những lần lang thang trên đất Sài Gòn, đất Vũng Tàu trong những chuyến đi viết cho “Tập đoàn Dầu khí…” Những lần, cùng Đoan dan díu trên đất Hà thành, hay Hải Phòng đất Cảng. Hay, đảo Cát Bà giữa mùa nắng cháy. Rồi, “nhiều không nhớ nổi” là những lần trên Thái Bình, quê mẹ. Tôi với Đoan la cà hết đường này, phố nọ, rất nhiều lần uống với nhau đôi chén rượu suông. Những đêm Đoan nghỉ ở nhà tôi, hai đứa thức thâu đêm rầm rì chuyện đời, chuyện văn chương chữ nghĩa.

            Tôi yêu Đoan ở cái Tâm. Ở sự chân thành, trực tính. Nhìn vóc dáng vẻ mạnh và quyết liệt, ai đó nghĩ rằng, Đoan dễ cứng, khô chăng? Song, không đâu. Trong cái vỏ kia, có một thi sĩ Phạm Văn Đoan dễ run rẩy, ngọt lành. Người con trai miền đồng bằng của quê lúa Thái Bình, của “Đa Cương Hương” đất cổ, có nhiều dòng lục bát khá hay. Đoan đã in cả một tập thơ riêng, “Lục bát”  Ở ba tập thơ trước và ở tập “Nợ Trường Sơn” này, ngoài những bài giành viết về “ngày trận mạc” những dòng thơ lục bát của Đoan vẫn là mạch chuyển tiếp, mạch đắp dầy vía hồn của cái gốc trữ tình. Của cách kể, cách tả có duyên. Cách làm mới lên, làm “riêng rẽ nét lục bát” thơ mình bằng cái linh diệu của hình thi, ngôn thi và cái lõi của tâm thi nữa.

              Có thể dẫn, cái trong xanh, hồn nhiên, cái dễ lung linh thơ mộng và tình tứ trong một chuyến “Đi đò”.  

                              Con sông xanh đủ hai bờ

                         Con đò hai mạn tình cờ hai ta

             Và, ở đây, cái người đa sầu, đa cảm, đã dễ đa mang ấy…Đã riêng mình tự vấn:                             

                                 Tương tư vẫn chỉ một người

                         Dửng dưng thế, liệu xa xôi có buồn?

                Đấy là khi qua chuyến đò dọc sông Hậu, ở Phụng Hiệp, Cần Thơ. Còn khi bắt  gặp “Biển chiều,” thì:               

                                   Chưa ban mai đã chiều tàn

                              Lấp sao đầy một đêm hoang sắp về

             Rồi, cái tư tình với người mình “Giấu và tìm” trong niềm riêng mình muốn tỏ bày, trao gửi lời thương thì cũng chỉ riêng mình cất dấu:

                    Vô tâm đến thế là cùng

                    Rơm khô ấy với lửa hồng… Rồi sao? 

          Rõ ràng, bên những mảng thơ với những cách tìm tòi, khám phá khác, thơ lục bát của Phạm Văn Đoan đã găm vào con tim người đọc những câu thơ ám ảnh và đáng nhớ… Khi anh viết về buổi gặp bất chợt “người dưng ấy, tránh mưa”: 

                    Đọng vào hai giọt long lanh

                    Mưa đi

                    Để mặc trời xanh thẫn thờ!

Hay, chút nghiệm suy trước vành trăng đêm thức:     

                                 Trăng tròn, trăng khuyết, trăng tàn

                         Có vòng ngược được thời gian mà về ?

         Hay, phút ngắm nghía cõi người trước cái bi, cái hài trong bóng hình quay quắt: 

     Tự nhiên ta thấy buồn cười

Như xem kịch vụng diễn thời trẻ con

           Và, đây là tâm trạng trong tiếng khóc “cái người ta thương cảm”:   

                                          Người đi bỏ ngỏ ngọn đèn 

               Để suông thì lạnh, khêu lên thì sầu     

            Vâng. Và như thế.

            Với thơ. Với “Ngày xưa.” Với “Ngưỡng vọng”. Rồi, với “Lục bát thơ”…“Nợ Trường Sơn,” là những tập thơ đã nối dài mạch nguồn những gì đã làm nên sở trường của nghệ sĩ sáng tạo. Đấy là mạch tìm. Là nguồn chảy mà Phạm Văn Đoan đã vươn tới cái đa dạng, hướng thơ mình neo về bến rộng, nhằm tô đậm cái sức vóc, cái nhất quán, trong cái đa thanh nơi lặng thầm, vang vọng của thơ anh.

            Tôi đọc Đoan và yêu quý thi sĩ này ở thơ và người - thơ, trong hai chiều nhập hòa và đồng hiện.

                                                             Vĩnh Bảo, quê Trạng Trình, mùa nắng - 2017

                                                                                      K.C

9d8ed5_5f03da5be54543739364da48c021b595mv2

Nghiêm Thị Hằng


PHẠM VĂN ĐOAN - NGƯỜI NỢ TRƯỜNG SƠN ĐÃ ĐI XA                                       

 
     Sáng muồng 4 Tết  Mậu Tuất (2018) tôi vào Facebook đáp lời chúc mừng năm mới của bạn bè người thân. Vào Facebook của nhà thơ Phạm Văn Đoan, bỗng tôi sững sờ thấy Đặng Hà My viết “ Cầu hương hồn anh Đoan siêu thoát cõi vĩnh hằng”. Tôi không tin đó là sự thật,  tin dữ ngày đầu xuân, thế nên đóng Facebook lại. Quá trưa thấy lòng dạ nôn nao, đầu giờ chiều  tôi lại vào Facebook nhắn
Đặng Hà My “cho hỏi thăm anh Phạm Văn Đoan đã về cõi vĩnh hằng hôm nào, mình là bạn nhưng không biết tin này”. Đặng Hà My không hồi âm, vì tôi lại vào chính trang Facebook của nhà thơ Phạm Văn Đoan thì làm sao Hà My hồi âm được. Sự im lặng thật linh thiêng, làm sao Phạm Văn Đoan có thể mở trang Facebook để trả  lời  bạn bè được, khi anh đã từ giã cõi trần.
     Vì chưa tin Phạm Văn Đoan đã từ giã cõi trần, nên tôi lại gõ goole hỏi  tin và lần này thì tôi nhận được thông tin đầy đủ từ trang Facebook của nhà thơ Trần Nhương : TIN BUỒN: NHÀ THƠ PHẠM VĂN ĐOAN TẠ THẾ
đưa tin TN và Vũ Nho, Chủ nhật ngày 18/2/2018  lúc 6:02 PM
Nhà thơ Phạm Văn Đoan sinh năm 1953 tại Thái Bình. Ông là cựu cán bộ Tập đoàn Dầu khí, Hội viên Hội Nhà văn VN, cựu chiến sĩ Trường Sơn. Do trọng bệnh ông đã từ trần hồi 8 giờ 40 ngày 18/2/2018 tức ngày Mồng Ba Tết Mậu Tuất tại Vũng Tầu. Tang lễ sẽ tổ chức tại Vũng Tầu.
Lễ viếng từ 14 giờ ngày 18-2-2018, lễ truy điệu hồi 6 giờ15 ngày 20/2/2018. An táng tại nghĩa trang Bà Rịa
       Thế là không còn nghi ngờ gì nữa nhà thơ Phạm Văn Đoan, người đồng hương quê lúa Thái Bình, người lính Trường Sơn,  người có duyên nợ tình thơ với tôi, đã nhanh chân kịp chuyến tàu đầu xuân về thế giới bên kia.
      Ngày 20/2 ( tức ngày muồng 5 tết), ở phía trời Nam, gia đình bạn bè, thân hữu  vĩnh biệt  đưa anh về nơi an nghỉ cuối cùng, thì  nơi phương Bắc từ Hà Nội, tôi viết những hồi tưởng về anh, về cái thời tuổi thanh xuân trang lứa chúng tôi “sẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”  để rồi nên tình thân hữu, nặng duyên thơ. Những tình cảm ấy thay lời ly biệt, thay nén tâm hương, tiễn đưa anh trở về đất Phật.
     Nhớ năm 2014, Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tập thơ  “NỢ TRƯỜNG SƠN” của Phạm Văn Đoan. Giới thiệu tập thơ này tác giả Vũ Nho viết “Là người lính của đơn vị 559, một thời máu lửa gắn bó với Trường Sơn hùng vĩ, Phạm Văn Đoan cảm thấy mình mắc nợ với đồng đội, bạn bè, mắc nợ với Trường Sơn. Ta canh cánh món nợ đời lớn vậy/ Càng nghĩ càng xa, càng lắc càng đầy.(Nợ Trường Sơn).  Đọc hết tập thơ này nhận thấy người thơ Phạm Văn Đoan mắc những ba món nợ lớn, với Trường Sơn, với quê lúa Thái Bình và với ngành Dầu khí. Và có thể kể thêm một món nợ không hề nho nhỏ với Em trên đường đời hữu ý hay tình cờ bắt gặp”.
     Món nợ với em trên đường đời, đường thơ chỉ có riêng nhà thơ Phạm Văn Đoan mới nhớ hết, kể hết. Nay anh đã thành người của ngày xưa mất rồi và tôi cũng chỉ kể câu ngày xưa để tưởng nhớ về anh.
     Thời ấy anh là lính lái xe Trường Sơn, còn chúng tôi những chiến sĩ gái ở Nhà in Trường Sơn. Sau thống nhất nước nhà, Bộ Tư lệnh Trường Sơn của chúng tôi kéo quân ra Bắc thành lập Binh đoàn 12, đóng quân ở Ba La-Bông Đỏ (gần thị xã Hà Đông). Vào mùa thu năm 1977 Nhà in Trường Sơn chỉ còn 3 chiến sĩ gái chưa ra quân, là tôi, chị Phan Thị Giáp và em Nguyễn Thị Thuật. Có một chiến sĩ lái xe quê ở Thái Bình thường hay ghé vào chơi với chị em ở nhà in, đó là Phạm Văn Đoan. Anh chàng khỏe mạnh, đôn hậu và vui tính. Lúc  bấy giờ tôi và Thuật đều đã có bạn trai chỉ có chị Giáp là chưa có người yêu. Thế là tôi và em Thuật rất vô tư, chắp mối và vun vén tình duyên cho hai người. Mấy tháng sau tôi ra quân, từ đó không được biết tin tức gì về mối nhân duyên của anh Đoan và chị Giáp. Hai năm  sau, chị Giáp mời tôi về dự đám cưới, chú rể không phải là anh Đoan. Hỏi thăm mới biết sau đó anh Đoan chuyển vào Vũng Tàu làm dầu khí. Chuyện của chúng tôi quen biết chỉ thế thôi cũng dễ quên, nếu như sau này tôi và anh Phạm Văn Đoan không gặp nhau ở duyên thơ  thì không thể có thêm tình  bạn, tình thơ đến bây giờ.
      Tôi chuyển ngành, sau đó học khóa 2 trường Viết văn Nguyễn Du và trở thành người làm thơ. Tình cờ một lần trên báo Văn Nghệ đăng thơ của tôi và anh Phạm Văn Đoan. Tôi không biết sự tình cờ này lại là nhịp cầu chắp nối để bạn thơ tìm nhau. Biết tôi đang công tác ở Báo Nông nghiệp Việt Nam, anh Đoan chủ động gọi điện hỏi thăm tôi, nhưng không gặp. Anh nhắn tin có người làm thơ đang công tác ở Dầu khí Vũng Tàu hỏi thăm Nghiêm Thị Hằng. Nhận tin nhắn này tôi sửng sốt, lục tìm trong trí nhớ, họ hàng gia đình tôi không có ai ở Vũng Tàu và chẳng có ai làm Dầu khí, càng không quen biết ai tên Đoan làm thơ. Không chờ tôi gọi điện lại, anh Đoan chủ động gọi điện từ Vũng Tàu ra và lần này gặp tôi. Qua trò chuyện, anh bảo quen biết tôi hồi còn ở Ba La-Bông Đỏ, tên anh là Phạm Văn Đoan. Tôi vẫn không hình dung ra anh là ai, nên khéo nói “Lâu ngày không gặp nhau chắc bây giờ gặp lại chẳng nhận ra ai. Nếu được thì gửi cho em một tấm hình nhé”. Anh đã gửi hình cho tôi, lúc này tôi mới nhớ ra - anh là Phạm Văn Đoan lái xe Trường Sơn, người mà tôi và em Thuật  định mai mối cho chị Giáp.
      Sau  này tôi và anh còn có duyên một đôi lần cùng in thơ trên báo Văn nghệ. Qua điện thoại chuyện trò, anh hẹn nếu ra Hà Nội công tác sẽ ghé qua nhà  tôi chơi và đấy là lần đầu tiên khoảng năm 1982, tôi gặp lại anh. Hai chúng tôi đã có buổi trò chuyện về những ngày xưa ấy, thủa còn là người lính Trường Sơn ở  Ba La-Bông Đỏ. Lúc này anh mới hé cho tôi biết chuyện ngày ấy trong 3 cô gái ở nhà in, anh chỉ để ý đến tôi thôi. Thế mà tôi là vô tư không biết chuyện này, cứ vun cho chị Giáp với anh. Sau khi tôi chuyển ngành anh cũng chuyển về Vũng Tàu làm ở ngành Dầu khí và có thơ đăng. Anh vẫn nhớ tôi và duyên thơ cho chúng tôi  gặp lại nhau. Sau câu chuyện này của Phạm Văn Đoan, tôi có bài thơ “Ngày xưa” để tạ lỗi cùng anh. Bài thơ ấy được viết năm 1984 khi tôi đang học Trường Viết Văn Nguyễn Du khóa 2. “Ngày xưa, em trả anh rồi/Câu thơ còn nợ, tình đời còn mang/ Ngày xưa thương con Dã tràng/Một mình xe cát đã tàn tháng năm/Ngày xưa một thuở xa xăm/Em đi hái lá chăn tằm ươm tơ/Tơ em hong nắng đến giờ/Áo tơ chưa mặc, còn chờ mùa đông/Ngày xưa em chưa lấy chồng/Sao anh không gói nắng hồng sang chơi/Ngày xưa giờ đã xa rồi/Gặp nhau lại ước một thời ngày xưa”.
      Từ đó tình bạn, tình thơ giữa tôi và anh Phạm Văn Đoan và chân tình vừa lãng mạng như thơ. Tôi cũng đã đến thăm gia đình anh ở Vũng Tàu và những lần anh ra Hà Nội công tác nếu có điều kiện thường gọi đện cho tôi và chúng tôi cùng đến thăm bạn bè Trường Sơn trong đó có anh Hà Văn Sỹ.
      Tháng 5 năm ngoái (2017), tôi dự trại sáng tác của Hội Nhà Văn Hà Nội tổ chức tại nhà sáng tác Thùy Vân, TP Vũng Tàu. Qua bạn bè, anh biết tôi dự trại, nên chủ động gọi điện hẹn đến thăm tôi. Nhưng chiều ấy anh lỡ hẹn không đến.  Duyên cớ ấy cho tôi một tứ thơ, tôi đã chép bài thơ tặng anh.  Hôm sau anh đến, tôi đọc cho anh nghe bài “Biển gọi” mới viết. “Chiều nay anh ở đâu?/Bãi Trước hay bãi Sau/Hẹn em rồi quên đến/Hoàng hôn buông Vũng Tàu/Người chờ thành Núi Lớn/Biển đợi đến bây giờ/Lẻ loi chiều cánh én/Sóng lặn tìm hồn thơ/Có duyên mà không nợ/Núi Lớn thành đơn côi/Tình thành tình dang dở/Còn nhớ thương mà thôi/Anh ở đâu, ở đâu? Thùy Vân hay Bãi Dâu/Để sóng xô biển gọi/Nợ duyên thương Vũng Tàu”.
    
    Không ngờ lần gặp ấy là lần cuối, không ngờ bài thơ viết tặng anh cũng là bài thơ cuối với anh đầy linh cảm chỉ còn là “Biển gọi, sóng xô”… Mới thoáng đấy mà anh đã là người của ngày xưa mất rồi.
   Tiễn ra về cõi vĩnh hằng, những bài thơ viết tặng anh, xin gửi anh “câu thơ còn nợ” để “tình đời còn mang”, thay nén tâm hương, thay lời ly biệt
                                                                                      N.T.H
         
         
                              
 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Quảng cáo
congnhan12345
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 6
Trong ngày: 109
Trong tuần: 455
Lượt truy cập: 381347

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ GIỚI THIỆU!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH, NHÀ VĂN CẦM SƠN! RẤT NHIỀU BỨC ẢNH CỦA NGÀY HÔM ĐÓ ĐÃ CÙNG VỚI BÀI NÓI CỦA TÔI LÀM NÊN KHÔNG KHÍ TƯƠI VUI, HÀO HỨNG CỦA BUỔI RA MẮT SÁCH! CHÚC MỪNG NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CHÚC MỪNG TS NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC VỚI TẬP THƠ ĐỘC ĐÁO, IN ĐẸP!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÁI PHỤC BÀ MÂY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Thuộc loại "chuyện bây giờ mới kể" đây! Cám ơn tác giả! Mượn lời bà SUỐI để nói về bà MÂY: "Bái phục bà MÂY" ! Haiza!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN VÀ BAN BIÊN TẬP ĐÃ ĐĂNG BÀI VIẾT NHÂN DỊP NHÀ THƠ NGUYỄN HUY HOÀNG RA MẮT TUYỂN THƠ VÀ TRUYỆN KÍ TẠI HỘI TRƯỜNG HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM!

 
Xem toàn bộ
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0964 131 807
Email: soncam52@gmail.com
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công nhân.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông Chi hội Nhà văn Công nhân.