Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

NGƯỜI GỌI CHỮ TRÊN CÁNH ĐỒNG VĂN CHƯƠNG

Nguyễn Hùng
 
NGƯỜI GỌI CHỮ TRÊN CÁNH ĐỒNG VĂN CHƯƠNG
(Nhân đọc tập thơ “Gọi chữ” - Nxb Hội nhà văn 2016 của Đỗ Xuân Thu)     
                                                      
16 năm với 23 đầu sách văn học - người đang giữ “kỷ lục” phát hành ấy trên văn đàn đất Tổ là một gương mặt thân quen với văn nghệ sỹ Phú Thọ. Vâng, anh là tác giả Đỗ Xuân Thu. Khi đặt bút viết hai chữ tác giả”, tôi cứ thấy ngậm ngùi làm sao ấy. Sao chưa là “nhà văn” hay “nhà thơ” nhỉ? Còn có gì chưa ổn chăng? Nhưng mà thôi. Đấy lại là một câu chuyện khác. Xin được lạm bàn đôi điều về tập sách mới nhất của Xuân Thu - tập thơ lục bát “Gọi chữ” do nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2016.
  1. Nói “lạm bàn” là vì với thơ, tôi là kẻ ngoại đạo. Đã hơn một lần tôi thốt lên câu ấy. Tôi chỉ dám tự nhận mình là người yêu thơ, thích đọc thơ. Trên giá sách của tôi có hầu hết các tập thơ của các cây bút thơ trong tỉnh và ngoài tỉnh. Đều là sách được tặng. Riêng Xuân Thu đã tặng tôi cả 10 tập thơ của anh và một tập in chung. Cái anh chàng nguyên chủ tịch xã quê bưởi Chí Đám, Đoan Hùng nom thì lù khà lù khù thế mà cũng “không phải dạng vừa đâu”. Viết khoẻ như gã lực điền trên cánh đồng văn chương. 45 bài lục bát trong “Gọi chữ” một lần nữa khẳng định bút lực và diện mạo thơ Xuân Thu.
  2. Hình như đã bước vào sân thơ, mỗi nhà thơ, mỗi tác giả thơ đều có ít nhiều những bài thơ, vần thơ lục bát. Lục bát là một thể thơ tưởng là dễ nhưng rất khó làm hay bởi những quy tắc khắt khe của nó. Và lục bát cũng kén người đọc lắm. Nhiều người đã thử sức với lục bát nhưng chưa có được thành công. Với lục bát, chỉ sơ sểnh, chỉ đuểnh đuảng một chút thôi là thành vè, thành diễn ca hay thành văn vần ngay. Người ta thì Gọi đò, Gọi tên bốn mùa, Gọi nắng, Gọi mây, Gọi gió, Gọi em… Xuân Thu thì Gọi chữ. Tôi tò mò ngay khi cầm cuốn thơ trên tay. Sao lại Gọi chữ nhỉ. Đọc bài thơ đầu sách, tôi chợt hiểu ra vấn đề. Thì ra là lão nông tri điền Xuân Thu ví von cái việc làm thơ, sáng tạo con chữ này cũng giống như người nông dân gieo lúa trồng khoai, nuôi gà nuôi vịt trên cánh đồng no ấm. Giọng điệu, chữ nghĩa cũng rất nông dân.
Lại lùa đàn chữ ra đồng/ Chữ cày chữ cuốc, chữ gồng gánh nhau/Chữ lội bì bõm nông sâu/ Chữ chị trước, chữ em sau thảng hàng(Gọi chữ). Liên tiếp những động từ lùa, cày, cuốc, gồng gánh, lội bì bõm…Đấy, chả nông dân thì gì. Đúng cảnh người nông dân gieo hái trên cánh đồng làng rồi. Một cách ví von rất hình tượng. Hai khổ thơ đầu Xuân Thu chỉ tả thực vậy thôi. Khổ thơ kết mới là có chuyện để nói: “Xới cày, gieo gặt, hong phơi/ Mồ hôi đổ xuống bời bời chữ lên/ Cánh đồng thành tuổi thành tên/ Gọi nhau câu chữ mà nên mùa vàng”. Để có được cánh đồng thơ “thành tuổi thành tên”, để có mùa vàng no ấm, các nhà thơ, người thơ đã phải tốn bao nhiêu mồ hôi, công sức, nhiều khi cả nước mắt nữa. Có khi cả đời lao tâm khổ tứ mà chắc gì đã gọi được chữ vào hàng vào lối.
  1. 45 bài thơ lục bát trên cánh đồng “Gọi chữ” của Xuân Thu có thể chia thành mấy “thửa ruộng” chính như thế này:
          - “Thửa” Tình yêu quê hương đất nước với những “Phú Thọ đất cội nguồn”, “Trai đất Tổ”, “Hội Trò Trám”, “Với Huế đêm mưa”, “Sa Pa”, “Làng tôi trong lũ”…”. “Phú Thọ đất cội nguồn” là câu chuyện được kể bằng thơ lục bát, giới thiệu khái quát về đất và người Phú Thọ, một bức tranh phác thảo về quê hương Phú Thọ. “Trai đất Tổ” là bài thơ vui, đôi lúc hơi ngoa ngôn, pha chút hài hước, tếu táo với chủ ý ngợi ca những chàng trai đất Tổ: “Con trai đất Tổ tuyệt vời/ Hào hoa phong nhã ngời ngời chuẩn men”. Hay: “Con trai đất Tổ to cao/ Dẫu khiêm tốn vẫn như sao chói loà”.
Đọc đến mấy câu này tôi gọi cho Xuân Thu: “Ông viết thế Facebook của con trai đất Tổ chắc sẽ đắt like lắm đấy?”. Xuân Thu cười phớ lớ, kiểu cười của ông lão nông đi bừa vớ được ổ cá rô ron hay con ếch cốm…
           - “ Thửa” tình yêu, tình cảm gia đình. Thửa này có mấy bài khá nặng ký, đọc mà thấy thương lắm. Xuân Thu vốn dĩ là người sống giàu nội tâm, hay động lòng trắc ẩn. Trong ngày lễ Vu lan báo hiếu, trong khói hương mờ ảo anh nhớ người cha thân yêu của mình, cả đời lam lũ, áo nâu quần vá: “Cha xưa quần vá áo nâu/ Suốt đời bạn với con trâu cái cày/ Sắn khoai rau cháo qua ngày/Còng lưng cõng những quắt quay đói nghèo(Vu lan vàng mã dâng cha). Câu bát “Còng lưng cõng những quắt quay đói nghèo” có sức nặng ghê gớm làm cho bài thơ bật lên.
Viết về người mẹ của mình, Xuân Thu không tả thực nữa mà cả bài thơ là những lời ân hận xót xa muộn màng: “Con làm bao nhiêu bài thơ/ Một câu về mẹ vẫn ngơ ngác vần/ Vu lan - Xá tội vong nhân/ Bơ vơ con khóc đường trần mưa rơi” (Mẹ ơi, hãy về!). Tôi thích câu thơ thứ hai “Một câu về mẹ vẫn ngơ ngác vần”.  Một sự ăn năn hối lỗi thành khẩn, chân thực dẫu có muộn màng. Hình tượng câu thơ “vẫn ngơ ngác vần” là cái tài gọi chữ của Xuân Thu.
Ba bài thơ khóc em trai, em rể của Xuân Thu nghe mới xót xa làm sao. Anh khóc gọi em trai đang nằm đó mà sinh tử biệt ly thật não lòng: “Về đi với núi với đồi/ Với sông với suối như hồi ngày xưa/ …Về đi rau cháo có nhau/ Về đi cắt cỏ chăn trâu thuở nào” (Khóc em trai). Hay viết về sự ra đi của em rể là thương binh (“Một chân gửi lại chiến trường” biên guiới phía bắc): “Thôi em nằm lại chốn này/ Xác thân gửi đất hồn bay về trời/ Thế là xong một kiếp người/ Thế là cát bụi, trời ơi, thế là…”; “Lạy em, lạy đất, lạy trời…mà đau” (Thế là em đi). Khóc em rể mà quặn lòng thế thì đau xót thay.
Anh đau xót nhìn vào số điện thoại của em trai, những con số thì còn đó mà gọi em đâu có được nữa: “Số này vẫn gọi cho nhau/ Xa xôi ríu rít đôi câu vẫn gần/ Giờ đây cay đắng ngàn lần/ Cõi âm mù mịt, cõi trần bơ vơ…” (Khóc em trai). Đọc mấy câu này tôi nghe cay sè nơi khoé mắt. Tôi kết thân với Xuân Thu cũng 20 năm có lẻ rồi. Anh là người sống tình nghĩa, có trước có sau. Cái tình với các em sâu nặng đến thế, hắn là ngày  trước anh em quấn quýt, yêu thương đùm bọc nhau tình cảm sâu nặng lắm. Và các em cũng yêu quý người anh nghệ sỹ của mình lắm lắm…
          Trong “ thửa”  tình yêu tình cảm gia đình này tôi thích bài thơ “ Tiễn vợ đi chợ tình Khau Vai” Tôi cho rằng đây là bài thơ hay nhất tập. Tôi đọc đi đọc lại bài thơ. Và trước mắt tôi như hiện lên một đoạn phim ngắn. (Vốn là dân Truyền hình nên tôi hay tưởng tượng ra những kịch bản như vậy). Một anh chồng người H’Mông với khuôn mặt thật thà như đếm đang  bùi ngùi tiễn vợ đi chợ tình Khau Vai, cái chợ mà mỗi năm chỉ mở một lần vào một đêm duy nhất: đêm 26 rạng ngày 27 tháng 3 âm lịch. Chợ tình này chỉ dành cho những cuộc tình trước đây dang dở, giờ có dịp lại tìm về với nhau, để trả cho nhau cái nợ của bao ngày xa cách. Cô vợ thì cứ vô tư, vui vẻ, háo hức được đi chợ, váy áo xúng xính rực rỡ sắc màu. Anh chồng thì dẫu trong lòng cũng xót cũng đau đấy nhưng vẫn vui vẻ động viên để vợ yên tâm đi chợ tình: “Ngày mai hai bảy tháng ba/ Em đi đi kẻo người ta lại chờ”. Câu thơ nhẹ nhàng vậy thôi mà nghe có nước mắt chảy ngược vào tim. Cô vợ làm bộ dùng dằng, anh chồng lại tiếp tục động viên: “Việc nhà gà lợn sắn khoai/ Mai anh sẽ liệu ngắn dài lo chi/ Chợ tình em cứ đi đi/ Tình xưa được buổi vân vi tỏ bày/ Thì em cuối mắt cùng mày/ Cứ như ngày cũ mà say với người”.
Thương quá đi chứ. Biết vợ đi tìm người cũ, vui với người cũ mà vẫn động viên vợ đi, giục giã vợ đi. Anh chồng này tốt quá. Tôi không thích mấy chữ “cuối mát cùng mày” lắm. Có vẻ hơi nặng, như là nói dỗi, trách cứ vậy, không hợp với tâm lý anh chồng đang thật thà mà động viên vợ đi chợ tìm người xưa tình cũ. Khổ thơ cuối là lời bộc bạch chân thành của anh chồng, dứt khoạt tạm thời chia tay với vợ, trả vợ về với người xưa, rồi sau ngày mai em lại về với anh. Và anh vẫn chờ vẫn đợi em “như chưa hề có cuộc chia ly” này. Đọc đến đây tôi chợt thốt lên: Nhân văn quá. Có lẽ trên thế gian này chả có cái chợ tình Khau Vai thứ hai nào như thế. Tôi lại gọi cho Xuân Thu: “Ông ơi! Chả trách tụi mình không bao giờ có tên là Thào Xuân Thu hay Vàng A Hùng ông nhỉ?”. Xuân Thu lại cười phớ lớ như “ma làm”.
do-xuan-thu-vhsaigon
  1. Bên cạnh những bài thơ tình trên hai “thửa” kia, còn có một “thửa” thứ ba nữa. “Thửa” này gồm những bài thơ xoay quanh nhân tình thế thái. Đây vốn dĩ không phải thế mạnh của Xuân Thu vì thơ anh cũng như con người anh vốn hiền như đất. Nhưng Xuân Thu có nhiều câu chữ khá sắc xảo, chạm đến thẳm sâu của thế thái nhân tình, để đâu đó cũng phải chạnh lòng mà suy mà ngẫm. Nói về cái dây leo sống ký sinh, lúc còn yếu ớt manh mún thì nhờ vả thân cây to, đến khi vượt lên tươi dây tốt lá thì chẳng coi cây to là gì nữa, quên mất thân phận bọt bèo ngày xưa: “Những ngày nhờ vả cây xưa/ “Bỗng dưng quên hết như chưa có gì/ Với mây xu nịnh thầm thì/ Ra oai với cỏ, quên đi bọt bèo (Loài dây leo). Nói dây leo mà như nói người ấy. Trong thiên hạ bây giờ thiếu gì kẻ vô ơn theo kiểu qua sông ấy, khác gì cái dây leo kia.
Cảnh ở chung cư được Xuân Thu phác thảo trong “Bạn giờ về ở chung cư”. Nghe có nhiều xót xa tiếc nuối. Bạn anh nuôi giấc mơ  phố thị, bỏ quê về ở chung cư. Còn đâu cái cảnh sớm hôm í ới gọi nhau chén chè xanh điếu thuốc lào đượm khói. Ở chung cư quanh năm cửa đóng then cài, giữa ồn ào phố thị mà nghe vắng vẻ làm sao: “Mùa hè cho chí mùa đông/ Cửa nhà kín mít khoá trong khoá ngoài/ Làng mà sao chẳng biết ai/ Chỉ nghe tiếng gió thở dài bên hiên”. Tiếng gió thở dài bên hiên hay tiếng lòng người buồn não nuột.
Bài thơ “Nhà văn” thì như một tự bạch về thân phận người cầm bút. Xuân Thu nói về cái nghiệp của mình và bao bạn hữu, những người chung kiếp “giời đày”, “ xé mình ra để hoá thân”, “ Xé lòng làm vạn lá dâu chăn tằm”, làm nên bao thân phận, nhưng thân phận mình thì không sao xoay vần được. “Gỡ bao nhiêu mối bòng bong/ Vẫn không gỡ được long đong phận mình”.
Bài thơ “Đau vai gáy ngẫu hứng” có cái tứ là lạ. Từ việc đau vai gáy, Xuân Thu liên tưởng ra nhiều việc khác. Khi cơn đau làm cho cái lưng thì còng xuống, cái cổ thì vừa đau vừa mỏi, anh thốt lên: “Cả đời chẳng biết đi cong/ Cứng đầu cứng cổ, giờ còng là sao?”. Câu hỏi có vẻ như khó trả lời. Nhưng anh dứt khoát quyết không chịu khuất phục: “Quyết không cam chịu đi còng/ Ngẩng đầu lên, chớ lòng vòng ta ơi”. Từ cái đau của vai gáy, anh nhìn rộng ra xã hội. Cá thể con người cũng như toàn xã hội, bệnh tật cũng như những thế lực xấu xa, những mưu ma chước quỷ, chỉ lơ là mất cảnh giác chút thôi là chúng sẽ thừa cơ lấn tới. Cần phải “thẳng tay nghiêm trị nhớ câu đồng lòng”.
  1. So với nhiều tập sách của Xuân Thu, tập “Gọi chữ” có trang bìa khá bắt mắt. Một màu xanh lá nõn nà gợi nhớ những ruộng mạ, những cánh đồng lúa đang thì con gái, hẹn những mùa vàng bội thu no ấm. Font chữ uốn lượn khá điệu đàng, gây cảm tình ngay khi cầm trên tay tập sách. 45 bài thơ lục bát đã một lần nữa khắng định năng lực, sức sáng tạo đầy hưng phấn của Xuân Thu. Gã “phù thuỷ” Xuân Thu đang ngày ngày dụng công, phù phép “gọi chữ” để dâng hiến cho đời những cánh đồng văn, những cánh đồng thơ no ấm, những cánh đồng sẽ thành tuổi thành tên.
Và chúng ta có quyền hy vọng, chờ đợi…
                                                   
                                                                                               Tháng 11 năm 201
                                                                                                           N.H  
 
 
 
 
 
 
 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Quảng cáo
congnhan12345
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 6
Trong ngày: 103
Trong tuần: 453
Lượt truy cập: 381326

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ GIỚI THIỆU!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH, NHÀ VĂN CẦM SƠN! RẤT NHIỀU BỨC ẢNH CỦA NGÀY HÔM ĐÓ ĐÃ CÙNG VỚI BÀI NÓI CỦA TÔI LÀM NÊN KHÔNG KHÍ TƯƠI VUI, HÀO HỨNG CỦA BUỔI RA MẮT SÁCH! CHÚC MỪNG NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CHÚC MỪNG TS NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC VỚI TẬP THƠ ĐỘC ĐÁO, IN ĐẸP!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÁI PHỤC BÀ MÂY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Thuộc loại "chuyện bây giờ mới kể" đây! Cám ơn tác giả! Mượn lời bà SUỐI để nói về bà MÂY: "Bái phục bà MÂY" ! Haiza!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN VÀ BAN BIÊN TẬP ĐÃ ĐĂNG BÀI VIẾT NHÂN DỊP NHÀ THƠ NGUYỄN HUY HOÀNG RA MẮT TUYỂN THƠ VÀ TRUYỆN KÍ TẠI HỘI TRƯỜNG HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM!

 
Xem toàn bộ
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0964 131 807
Email: soncam52@gmail.com
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công nhân.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông Chi hội Nhà văn Công nhân.