Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI ĐẤT

Triệu Hồng

NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI ĐẤT                                                       

      Vượt qua đường 9, đến bờ sông Sê Pôn không thấy một bóng giao liên  nào. Nhìn sang bờ bên kia có một chiếc thuyền độc mộc đang đậu bến, buộc bên lùm cây. Đại đội trưởng Miện gọi to, không thấy ai trả lời. Không thể để cả một đại đội đứng trơ vơ trên bờ sông trống trải như thế này. Nhìn anh em một lượt, đại đội trưởng bảo Kiên và Tấn  hai người cùng tiểu đội 1 bơi sang bờ bên kia để lấy thuyền đưa bộ đội sang. Kiên và Tấn đặt ba lô, súng đạn xuống đất, nhanh chóng cởi quần áo, chỉ còn mặc một chiếc quần đùi, nhảy ào xuống dòng nước trong veo mát lạnh. Kiên sải tay bơi rất nhanh, Tấn bơi theo như có ý đuổi kịp Kiên nhưng không được. Mùa khô nước dòng sông Sê Pôn chảy êm đềm, nên chẳng mấy chốc Kiên đã với tay vào thuyền mui thuyền, trèo lên thuyền. Cầm lái và bơi sang sông, đến gần Tấn, lúc này đang cố bơi để vào bờ. Kiên bảo Tấn lên bờ, liên hệ với giao liên, đứng cảnh giới đề phòng bất chắc.

       Tới bờ, anh Miện mừng ra mặt khua tay nói với anh em:

        - Đồng chí Kiên, dân miền rừng Vĩnh Phúc mà bơi giỏi hơn đồng chí Tấn quê biển Hải Phòng. Thật đáng khen!

        Chính trị viên Bình không tỏ ra vui và cũng không khen. Kiên biết chính trị viên còn giận mình, vì đã dám tranh luận với chính trị viên về một bài báo mà cấp trên phê bình đồng chí Kim Ngọc Bí thư Tỉnh uỷ và Ban Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc đã thông qua kế hoạch khoán, giao quyền tự chủ cho nông dân và các hợp tác xã nông nghiệp trong toàn tỉnh.

        Hôm ấy, đại đội 2 vừa hành quân tới đất Quảng Bình. Cấp trên cho dừng lại để học tập chính trị, quán triệt kế hoạch đánh địch khi vào chiến trường Trị Thiên Huế. Đại đội trưởng Miện  nhanh chóng phổ biến tình hình chiến trường và kế hoạch hành quân, kế hoạch tác chiến dọc đường, Chính trị viên Bình quán triệt nghị quyết của Chi bộ đại đội, Đảng uỷ tiểu đoàn, tình hình chính trị trong nước và thế giới. Khi nói về tình hình miền Bắc, Chính trị viên nói về những sai lầm của đồng chí Kim Ngọc, phê phán đồng chí ấy đưa ra khoán hộ, theo khuynh hướng xét lại, đưa nông dân quay lại con đường làm ăn cá thể, đi ngược lại con đường tập thể hoá xã hội chủ nghĩa...

         Khi đến phần thảo luận, Kiên mạnh dạn đứng lên nói:

         -Thưa đồng chí Chính trị viên, tôi nhất trí với những điều đồng chí đã quán triệt, nhưng riêng phần phê phán đồng chí Kim Ngọc thì tôi không nhất trí. Bởi lẽ tôi là người dân Vĩnh Phúc, tôi thấy đồng chí Kim Ngọc là một người tốt, sâu sát với phong trào xây dựng hợp tác xã nông nghiệp. Nghị quyết về ba khoán trong hợp tác xã, tôi cho là tốt, là thích hợp. Hợp tác xã Hoà Bình quê tôi đã triển khai khoán, xã viên rất phấn khởi, làm ăn khá, sản lượng thu tăng gấp đôi, nghĩa vụ về lương thực, thực phẩm đóng góp cho nhà nước vượt mức rất nhiều. Về bản thân tôi,  nhà tôi neo đơn bố mẹ già lại ốm đau luôn, không theo lao động hợp tác được, do có khoán  mà tôi đã nhận 3 sào ruộng gần nhà, sáng tôi đến trường đi học, chiều về làm ruộng. Ruộng làm hai vụ tôi thu được ngót nghét tấn thóc cả năm, nộp gần ba tạ cho hợp tác, lo được cái ăn cho bản thân và bố, mẹ già, có điều kiện đi học hết cấp III vào đại học. Khoán hộ đã cứu tôi và gia đình tôi đấy các đồng chí ạ.

       Cả đại đội lắng nghe, nhiều anh em là con em nông dân rất phấn khởi, thích thú, giơ cả hai tay lên hoan hô. Nhưng Chính trị viên Bình sa sầm nét mặt lại quát:

      -  Yêu cầu đồng chí Kiên ngồi xuống, anh em không nên nghe lời đồng chí Kiên! Khi miền Bắc đang xây dựng chủ nghĩ xã hội, thì mọi chủ trương đường lối của Đảng chúng ta phải chấp hành, không được bảo lưu ý kiến, không được làm sai lệch đi. Cho dù chủ trương khoán của đồng chí Kim Ngọc có đúng với gia đình, với địa phương đồng chí Kiên nhưng không đúng với cả nước. Đồng chí Kiên nên rút kinh nghiệm, không nên tuyên truyền sai về đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước ta!

       Đại đội trưởng Miện, thấy Kiên muốn phản ứng lại lời đồng chí chính trị viên, kéo vai Kiên ghì xuống và nói:

       - Thôi, đại đội 2 đã họp xong, tất cả về nghỉ. Chuyện hậu phương hãy gác lại, hồi sau  sẽ rõ. Chúng ta đang vào chiến trường đánh Mỹ, chúng ta phải đoàn kết, gắn bó sống chết cùng nhau. Phải thống nhất ý chí, phải suy nghĩ bằng cái đầu của mình. Không được lạc quan tếu, phải tư duy, phải hành động mau lẹ, phải tìm ra cách đánh địch hiệu quả nhất, phải nhớ tiêu diệt được nhiều sinh lực địch, bảo vệ được lực lượng của mình, bản thân mình, không được chủ quan khinh địch...

       Mọi người nghe lời Đại đội trưởng Miện ra về. Một số đồng chí con em nông dân còn đến chỗ Kiên nằm hỏi thăm về khoán, hỏi về tiểu sử đồng chí Bí thư Kim Ngọc. Kiên bảo chỉ biết sơ sơ về đồng chí Kim Ngọc thôi, nghe nói ông từng làm tá điền, được giác ngộ đi làm cách mạng, vào Đảng năm 1940, từng làm Bí thư tỉnh uỷ Vĩnh Yên, vào bộ đội từng giữ chức cục trưởng, cục phó gì đó, sau nhập tỉnh Vĩnh Yên với Phúc Yên làm tỉnh Vĩnh Phúc, cấp trên lại điều đồng chí ấy về làm Bí thư tỉnh uỷ, đồng chí là người rất sau sát với phong trào xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, biết lo cho dân, cho những người lao động.

       Cậu Cường chiến sỹ Trung đội 3 nghe Kiên nói, đứng lên nói to:

       - Cứ nghe lời chính trị viên Bình, thì ông Kim Ngọc là phần tử xét lại, chống Đảng nguy hiểm. Nghe Kiên nói bọn mình yên tâm, chủ trương khoán của ông ấy khá đấy. Bao giờ nhà mình được khoán thì sẽ làm ăn được, không đến nỗi đói. Cơm chẳng có ăn mà cứ nói là tiến nhanh, tiến mạnh lên chủ nghĩa xã hội. Thật là giáo điều! Thật là điên!

       Trên thuyền sang sông Sê Pôn, Cường cứ nói oang oang:

      - Cậu Kiên, dân Vĩnh “ toét” bơi rất giỏi, chèo thuyền cũng tài. Một mình lái thuyền cho đại đội sang sông, chẳng khác gì ông Kim Ngọc một mình nghĩ ra cách khoán, tháo gỡ ra cho nông dân ta tự do làm ăn, khỏi phải ôm cái bụng đói meo. Dân Vĩnh “ toét” thật khá, thật khá! Hoan hô ông Kim Ngọc! Hoan hô cậu Kiên nhé!

       Mấy chiến sỹ ngồi cùng thuyền với Chính trị viên Bình nghe Cường nói, cứ cười ha hả. Chẳng nghe lời Đại đội trưởng Miện nhắc nhở rằng chuyện hậu phương thì gác lại. Chuyện phê phán đồng chí Kim Ngọc là có thật nêu trên đài báo mà Kiên lại đứng lên bênh vực, trong cuộc họp toàn đại đội, phổ biến trong nội bộ đơn vị, thật là một tội trầm trọng, không thể tha thứ! Chính trị viên Bình không vui là vì thế.

       Quá trưa, toàn đại đội 2 đã lên tới đỉnh dốc Nguyễn Chí Thanh thì mâý chiếc AD6 ào tới dội bom. Chúng đánh vào bến sông chỗ đại đội vừa qua. Lúc ấy, đại đội được điện báo của binh trạm cho biết, chiều tối qua, bến giao liên Sê Pôn bị máy bay trực thăng HU1A soi, chặn đánh, một chiếc thuyền bị chìm, 2 đồng chí giao liên hy sinh trôi mất xác, cho nên không còn ai đón đưa sáng nay. Các đồng chí thấy thuyền, cho người bơi sang lấy, tổ chức cho bội đội qua sông, trước khi trời nắng hết mù sương, bảo đảm an toàn. Thế là rất tốt, thật đáng biểu dương!

       Chúng tôi thở phào nhẹ người, nghe tiếng bom nổ, mọi người lại lo cho các đơn vị đi sau. Chỗ bến sông ấy rất trống, trời quang sương, máy bay có thể quan sát thấy bộ đội. Anh em khó an toàn khi qua quãng sông này. Bây giờ chúng đang ném bom bi, tiếng nổ nghe ràn rát như thắt vào tim mỗi người. Dọc đường hành quân, trên đầu nhiều loại máy bay quần đảo, thỉnh thoảnh chúng lại sổ xuống rừng những loạt đạn bom nghe nhức óc. Đại đội 2 vẫn tiếp tục hành quân tới bãi khách thì dừng nghỉ đêm.kimngoc2

        Kiên đang nằm nghỉ thì liên lạc đại đội đến báo đi họp chi bộ. Kiên vùng dậy và đến ban chỉ huy. Chi bộ gồm 15 đảng viên đang ngồi đợi, Kiên đến nữa là đủ. Cuộc họp chi bộ dưới một gốc cây bằng lăng cao to, tán lá che phủ rộng. Bí thư chi bộ Bình, quán triệt lại tư  tưởng, yêu cầu đảng viên phải gương mẫu xung phong hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ... Việc cuối cùng, chi bộ xét chuyển đảng chính thức cho Kiên và hai đồng chí nữa. Các đảng viên lần lượt đọc bản kiểm điểm của mình. Kiên trịnh trọng đọc kiểm điểm mà một năm mình phấn đấu rèn luyện theo tiêu chuẩn một đảng viên. Đến phần xét chuyển thì  Chính trị viên Bình có ý kiến là kéo dài thời kỳ dự bị của Kiên thêm sáu tháng nữa. Vì Kiên đã có thái độ phản ứng lại đối với chính trị viên, lung lạc ý chí của đội viên. Dẫn chứng cụ thể là khi chính trị viên thông báo về tình hình hậu phương, phê phán hiện tượng sai lầm của đồng chí Kim Ngọc Bí thư tỉnh uỷ Vĩnh Phúc, đồng chí Kiên đã đứng lên  thanh minh, phản đối, dọc đường hành quân lại còn nói chuyện với nhiều anh em về “ cái gọi là gương tốt” của đồng chí Kim Ngọc, đã lung lạc tinh thần anh em. Với cương vị Bí thư chi bộ, tôi đề nghị kéo dài thời gian dự bị của đồng chí Hoàng Trung Kiên thêm sáu tháng nữa.

       Mặc dù, có nhiều ý kiến phân tích cho rằng, đồng chí Kiên rất thẳng tính, bộc trực, trong thời gian dự bị đã phấn đấu trở thành chiễn sỹ thi đua, trong hành quân lúc nào cũng đi đầu, sáng nay còn lội qua sông Sê Pôn, lấy thuyền giao liên chở toàn bộ đơn vị qua sông, kịp hành quân vượt dốc đèo, an toàn tuyệt đối.  Chuyển đảng chính thức cho đồng chí Kiên là đúng hơn, tốt hơn...Đaị đôi trưởng Miện rất quý Kiên, trong lòng không thích cái thái độ  cả vú lấp miệng em của Chính trị viên Bình nhưng để có sự đoàn kết nhất trí trong đại đội, anh nói:

      - Tôi đã bảo các đồng chí rằng, chuyện hậu phương hãy gác lại, tập trung tư tưởng cao độ cho cuộc chiến đầu sắp tới. Tại sao đồng chí Kiên lại cứ đi nói chuyện về đồng chi Kim Ngọc, về cái tốt của việc khoán cho nông dân. Việc này Trung ương đã phê phán, mình là đảng viên lại không tin. Theo tôi cứ kéo dài thời gian dự bị của đồng chí Kiên, để cho đồng chí tiếp tục phấn đấu tốt hơn, lập trường kiên định hơn. Chúng ta đang ở mặt trận rồi, đánh Mỹ rất ác liệt, không phải chuyện đùa đâu. Từ nay, các đồng chí phải bỏ tư thù, tư oán, thành kiến để sát cánh bên nhau chiến đấu lập công. Sống chết phải đều trong tư thế anh hùng! Tôi thành thật khuyên đồng chí Kiên đã tốt, cần phải tốt hơn nữa xứng đáng là người đảng viên của Đảng ta! Tôi cũng nhất trí với Chính trị viên Bình kéo dài thời gian dự bị của đồng chí Kiên thêm sáu tháng nữa. Đồng chí Kiên có gì thắc mắc thì gặp tôi nhé!

           Đêm tối nằm trên võng Kiên không sao ngủ được, tại sao mình thẳng thắn bênh vực ông Kim Ngọc về chủ trương khoán rất có hiệu quả trong phát triển nông nghiệp, đã cứu bản thân mình thoát khỏi cảnh đói nghèo, vươn lên học tập để được đi học đại học. Cái mà Trung ương phê phán ông sai, là sai ở chỗ nào nhỉ? Hay vẫn là cái lý thuyết chung chung, duy ý chí của chúng ta, bắt người ta xếp hàng tiến lên chủ nghĩa xã hội. Nền nông nghiệp vẫn con trâu đi trước cái bừa, trâu gầy giơ xương, bừa xốc xếch chẳng đủ răng, người bừa chẳng có ăn, lòng hoang mang, chẳng có ai giúp đỡ về giống, phân, nước thuốc trừ sâu thì làm sao mà tăng năng xuất lao động được. Nhớ tới Vân, người vợ xinh xắn, thuỷ chung, tần tảo, một thân một mình xoay sở nuôi đủ bốn miệng ăn trên diện tích được giao. Nếu hợp tác xã không theo phương thức khoán nữa, Vân khó mà lao động đủ ngày công, thu đủ số thóc cần thiết nuôi gia đình. Nghĩ đến hoàn cảnh gia đình bố mẹ, vợ con động lòng thương cảm, Kiên rơm rớm nước mắt. Người lính không bất hiếu với cha mẹ mà mang tội bất hiếu, thuỷ chung với vợ con mà trở thành kẻ phụ bạc khi rơi vào hoàn cảnh chiến tranh. Kiên không oán trách mấy chiến sỹ trong đại đội, muỗn biết đến phương thức khoán, biết về con người thật của ông Kim Ngọc. Có chiến sỹ tò mò sợ kẻ phản bội nằm trong hàng ngũ chúng ta, nên hỏi thăm bằng được, để biết mà an tâm, để tán vui thế thôi, chứ họ có dao động gì đâu mà Chính trị viên Bình kết luận ghê gớm thế. Việc này đã cho Kiên một bài học nhớ đời, không thể nào quên.

         Kiên không phải đến chỗ đại đội trưởng để thắc mắc, phân bua về  việc chi bộ đại đội đề nghị kéo dài thời gian dự bị. Đêm ấy, khi đi kiểm tra chiến sỹ canh gác anh Miện đến chỗ Kiên thân mật bảo:

         - Cho qua cái chuyện kéo dài thời gian dự bị đi nhé! Tập trung vào đánh Mỹ cho hăng, lập được nhiều chiến công. Tớ tin tưởng vào cậu nhất đấy! Chính trị viên Bình có nhiều hạn chế, chưa kinh qua chiến trận, tư duy thì nông cạn, bản tính thì hẹp hòi, quan liêu, hách dịch, quyết định thì lộp chộp vội vàng, nói năng thì thao thao bất tuyệt chẳng có nghĩa lý gì. Tớ phải cảnh giác, phải tỉnh táo để chỉ huy toàn đại đội, cậu cũng phải cảnh giác và tỉnh táo với những hành động và quyết định của cậu ta để mà chỉ huy tiểu đội 1 được tốt nhé. Thôi, chúc cậu ngủ ngon, tớ về võng nằm đây.

       Mấy hôm sau, đơn vị đại đội 2 bị máy bay đánh chặn bằng bom bi nổ chậm. Bom  bi còn đang nổ đùng đoàng, Chính trị viên Bình đã ra lệnh cho anh em vượt qua, 5 chiến sỹ  bị thương vong mà chưa đánh trận nào. Đáng lẽ chờ cho bom bi nổ vãn đi, chừng 30 phút cho bộ đội đi qua hay đi vòng đường khác thì không sao. Bom bi nổ chậm, vừa được máy bay ném xuống mà lao vào ngay thì rất nguy. Bãi trống thì còn nhìn thấy chúng, có thể còn tránh được, bãi rậm có nhìn thấy đâu, nó nổ gần chỉ có mà thiệt mạng. Lần khác, khi khẩu trọng liên của địch bắn rất rát, ở địa thế trên cao chúng quét thật chính xác, ai xung phong đều bị hạ gục.  Phải dùng hoả lực B41 bắn thẳng, diệt xong mới cho bộ đội xung phong, đánh vào trung tâm chốt. Chính trị viên Bình cứ ra lệnh cho bộ đội xung phong, một phần ba trung đội 2 thương vong, thật là xót xa. Người thiếu kinh nghiệm mà chỉ huy tác chiến dẫn đến thương vong cho chiến sỹ là điều tất yếu xảy ra. Trận ấy, chính Kiên phải đứng lên bắn 1 quả B41 mới giải quyết được hoả điểm, tạo thời cơ cho bộ đội xung phong diệt chốt.

         Đánh Mỹ cần lòng nhiệt tình có thừa, còn phải thông minh, khôn khéo có những quyết định nhanh chóng, chính xác thì mới chiến thắng kẻ thù. Khi phát hiện một đại đội biệt kích Mỹ, gần cứ  điểm Apia, anh Miện nhanh chóng cho bộ đội vu hồi, còn Kiên thì chỉ huy đánh vỗ mặt. Bọn Mỹ chạy về phía sau, bị bất ngờ, ta tiêu diệt gọn, pháo địch không thể bắn chi viện được, đánh xong anh Miện nhanh chóng cho đơn vị rút không phải về phía sau mà rút về phía trước. Khi địch gọi pháo bắn, hàng trăm quả đạn pháo Mỹ vèo vèo vượt qua đầu anh em, không ai bị thương vong. Trận ấy, một đại đội giải phóng quân tiêu diệt gọn một đại đội Mỹ, tạo được thanh thế. Đại đôi 2, được mặt trận thưởng Huân chương chiến công hạng Nhất, Kiên cũng lập  chiến công đã diệt được 12 tên Mỹ, được thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba và danh hiệu Dũng sỹ diệt Mỹ.

         Sau trận ấy, Kiên được Đảng uỷ tiểu đoàn công nhân là đảng viên chính thức, được đề bạt làm cán bộ trung đội trưởng trung đội 2. Một hôm Kiên nhận được thư nhà, vợ Kiên báo cho biết, hợp tác xã Hoà Bình đã sửa đổi chủ trương khoán. Mấy thửa ruộng gần nhà, vẫn được ban quản trị giao cho nhà ta, được hợp lý hoá bằng cách cho đó là đất thổ cư, vì gia đình ta neo đơn, có người đi chiến trường xa. Còn đại đa số ruộng đất không giao khoán nữa, hợp tác xã thu lại để sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Em đã đi học tại  trường trung cấp sư phạm tỉnh, con trai đã biết đi, ông bà trông nom, hàng ngày cho đi nhà trẻ. Chủ nhật em về tranh thủ sản xuất, lúc cấy bừa rộ rạt em còn nhờ mấy đứa cùng lớp về nhà làm giúp. Như những năm trước đây, em cùng mấy đứa bạn đến cày bừa giúp anh ấy...

        Kiên không đưa thư cho ai đọc, chỉ cho riêng anh Miện đọc, đọc xong  thư anh nhỏ nhẹ nói:

        - Chúc mừng cậu nhé! Hợp tác xã quê cậu thật tốt, chú ý đến gia đình người đi chiến đấu. Hợp tác xã quê mình ngoài thì hát bài ca năm tấn, trong nhà thì treo niêu, không có tiền trợ cấp chế độ đi B của mình thì chết! Ông Kim Ngọc nghĩ ra cách khoán là tốt, nhưng mà ai tin đâu. Cấp trên gồm những cái đầu bảo thủ, họ hò hét sản xuất lớn, nhưng lấy đâu ra tư liệu sản xuất, trình độ quản lý thì thấp, ban quản trị chưa ai học hết lớp 4 thì trông chờ gì. Nền nông nghiệp của miền Bắc còn khốn nạn, sau này ta giải phóng mà bắt cả dân miền Nam làm ăn kiểu này thì còn khốn nạn nữa. Chờ đấy mà xem tớ nói có đúng không?

       Đi được một quãng, anh Miện lại quay lại dặn dò:

       - Không được nói với ai chuyện này, gác lại nhé! Tập trung vào suy nghĩ về cách đánh trận ngày mai. Chiến dịch còn dài, quân Mỹ chúng nó binh lực nhiều, hoả lực mạnh. Chúng ta đang gặp khó khăn, phải lấy ít địch nhiều, yếu đánh mạnh, cái khó là ở chỗ đó đấy. Đại đội 2 chúng ta có trên một trăm người, sau sáu tháng tiêu diệt được trên 300 tên Mỹ ngụy, chỉ bị thương vong ngót nghét 30 người. Lúc này đánh địch mà bảo tồn được lực lượng thì mới là mục đích, mới là tài nghe rõ chưa? Cậu mới chỉ huy trung đội 2, trung đội thiếu chỉ có 20 người, đừng để mất một người nào nữa nhé!

       Vào khoảng 6 giờ tối, mũi 1 gồm trung đội 2 và trung đội 3 xuất phát vào đánh một chốt địch trên đường 14. Dọc đường đơn vị bị bọn lính Mỹ phục kích. Khi đột chúng, mấy chiến sỹ đi đầu bị chúng dùng AR15 bắn trúng. Kiên và đồng đội nằm rạp xuống mặt đất, đạn réo trên đầu, pháo sáng của mấy chốt địch gần đấy bắn lên. Mắt Kiên phát hiện mấy chiếc mũ sắt, nhanh tay quạt một loạtAK, mấy tên lính Mỹ bị trúng đạn kêu ô ố, phía sau bọn chúng bắn loạn xạ về phía ta. Đêm lại tối sầm, nghe tiếng chiến sỹ kêu rên, chính trị viên Bình chạy lên, tay cầm một chiếc đèn bin, bỗng ánh sáng đèn từ tay chính trị viên loé lên. Một loạt đạn AR15 từ phía địch xả ra, Chính trị viên Bình ngã xuống. Lúc đó, Kiên cùng Cường bò lên sờ lên đầu Chính trị viên Bình thấy máu chảy ra nhiều, biết anh Bình đã chết, lại tiếp tục bò lên kiểm tra ba chiến sỹ đi đầu, cả ba đều đã hy sinh. Bọn Mỹ đã rút, chúng kéo theo những tên địch bị bắn chết. Kiên nhìn thấy chiếc máy bộ đàm của chúng hỏng vất lại, mới hay mình đã bắn trúng làm hỏng máy thông tin, không thì toàn đơn vị đã bị pháo bầy chúng nện tơi bời rồi. Kiên cho bộ đội tiến về phía trước chỉ nửa tiếng sau pháo bầy đã dội ầm ào xuống chỗ cũ. Do đạn pháo bầy bắn dày đặc mà đội đi làm công tác tử sỹ không tìm thấy xác của bốn người đã hy sinh tối qua.

       Đêm đó, do công tác điều nghiên tốt, Đại đội 2 đã nhổ được một chốt địch và rút quân an toàn. Điểm lại mất 4 cán bộ, chiến sỹ, do bị bọn Mỹ phục khích dọc đường. Đơn vị thiếu chính trị viên nên cấp trên đề bạt Kiên lên lên làm Chính trị viên đại đội 2. Anh Miện nhắc hoài về anh Bình, cũng là để nhắc nhở Kiên:

      - Cậu Bình do thiếu kinh nghiệm mà hy sinh, ai lại loé đèn bin lên cho chúng nó bắn! Tớ đã nhắc nhở nhiều lần, bảo cậu ấy phải cẩn thận suy xét mà hành động, mà quyết định, không được sơ suất. Cậu ấy đã tốt nghiệp đại học, là kỹ sư đấy, học giỏi làm cán bộ đoàn trường, được kết nạp Đảng, vào bộ đội được đi học làm chính trị viên. Cậu ấy được cái tinh thần tốt, hăng hái, nhưng còn thiếu kinh nghiệm, nên tớ thường nhắc: “ đánh Mỹ không phải chuyện đùa” hay “chớ có lạc quan tếu” là lo cho cậu ấy đấy. Không ngờ vì một sơ xuất nhỏ mà hy sinh, đáng trách hay là đáng thương đây!

       Mặt trận Trị Thiên ngày càng ác liệt. Đơn vị Kiên thọc sâu xuống đường 12, đi  thành Huế. Một trận đánh chặn địch, Kiên bị pháo địch bắn trúng, người bị nhiều vết thương, phải cáng về bệnh viện tiền phương phẫu thuật. Do không đi lại được, tay phải bị liệt, khó cử động, được chuyển ra Bắc bằng đường giao liên. Từ đó, Kiên không được biết đơn vị chiến đấu thế nào, ai còn, ai mất. Một năm nằm ở quân y viện, Kiên không biên thư về nhà, sợ mọi người lo lắng. Khi sức khoẻ tạm ổn, có quyết định tiếp tục về đi học tại Trường Đại học tổng hợp, anh tranh thủ về thăm nhà.

       Về nhà vào ngày thứ năm, Vân đi học không ở nhà. Bố mẹ Kiên đang ở nhà trông cháu. Nhìn thấy con trai về hai ông bà cùng oà khóc, mẹ Kiên ôm lấy con nức nở, bố Kiên không kịp lau nước mắt ôm thắng cháu trai ném vào lòng anh. Thằng Trung nhào ra cũng khóc rống lên, vì nó có thấy bố nó bao giờ. Nghe ông bà và mẹ nó nói, bố nó là quân giải phóng oai lắm, đội mũ tai bèo, súng đeo vai, thắt lưng mang nhiều lựu đạn. Bây giờ bố nó là người gầy gò xanh xao, trông như một anh thư sinh ốm đói, nó lạ là phải.

        Gặp mặt bố mẹ và con trai một lúc, Kiên chạy ra thăm ruộng khoán ngày xưa. Ở nhà được Vân làm và chăm sóc thường xuyên nên lúa rất tốt. Lúa tốt thế này, nhà Kiên không thiếu gạo, đủ ăn là cầm chắc. Về nhà bố mẹ Kiên cũng khoe, mấy sào ruộng mà Kiên nhận khoán từ hồi có chủ trương của ông Kim Ngọc vẫn đấy. Nhà đủ ăn rồi, anh có đi đánh Mỹ nữa cũng không lo gì. Kiên nói với bố mẹ rằng, anh bị thương được trở về đi học tiếp, không đi chiến trường nữa. Anh là sỹ quan được nhà nước trả lương cho đi học, bố mẹ không phải lo gì. Học đến bao nhiêu năm cũng được, miễn là học cho giỏi. Bố mẹ nhìn Kiên thấy Kiên gầy gò xanh xao không khỏi lo lắng cho con trai mình.

        Chiều xuống, nắng vàng rực rỡ dải trên những cánh đồng, trên những triền núi Tam Đảo xa xa. Phía trước mặt là cánh đồng làng, Kiên nhìn thấy từng đoàn người đứng đang cỏ lúa cười nói vui vẻ. Họ đều là xã viên hợp tác xã Hoà Bình đang phấn khởi thi đua sản xuất, mỗi người làm viếc bằng hai để góp phần vào đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Trông thấy bố con Kiên. mọi người nhào cả lên bờ hỏi thăm rối rít. Kiên thông báo cho mọi người biết, rằng anh  bị thương, đã được xuất ngũ về đi học tiếp. Ông An, đội trưởng đội sản xuất giả vờ không tin nói to:

      - Tối họp đội xong mọi người đến kiểm tra giấy tờ xem cậu Kiên có thật được xuất ngũ không? Không có giấy tờ gì coi như là đảo ngũ. Đảo ngũ là chúng tớ thu lại mấy sào ruộng khoán cho cậu đấy, nghe chưa?

       Buổi tối họp đội xong, mọi người đến thăm thật đông. Kiên đã chuẩn bị đến chỗ ngồi và chè nước đầy đủ. Mọi người yêu cầu Kiên kể chuyện về chiến trường đánh Mỹ, Kiên chỉ nói sơ qua một vài trận đánh, còn tình hình chung thì như mọi người đã biết, khó khăn thế nào nữa, chúng ta cũng phải thực hiện bằng được lời Bác Hồ dạy “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào!”, quyết tâm giải phóng miền Nam, giành lấy thắng lợi hoàn toàn. Các cụ ông, các cụ bà, cứ đòi xem vết thương ở chỗ nào. Kiên phải cởi áo, vén quần cao cho mọi người xem các vết thương và nói cho mọi người cách thức điều trị của các bác sỹ ở các bệnh viên quân y. Bản thân Kiên phải khắc phục thế nào để có thể đi lại được, cử động các bàn tay, cánh tay. Kiên cũng cho mọi người biết đã ra Bắc điều trị hơn một năm rồi, nằm ở bệnh viện quân y 103, không cho người nhà biết, để tránh gây cho mọi người ở hậu phương hoang mang.

       Lúc mọi người đang vui, cụ Khang, bố của Kiên mang tấm huân chương chiến công hạng Ba và giấy báo công của Kiên cất giữ trong hòm lúa ra cho mọi người xem. Lần đầu Kiên nhìn thấy tấm huân chương chiến công, giấy báo công của mình. Bố Kiên còn nói lại là được ông Bí thư Kim Ngọc về tận nhà thăm, khi cấp trên gửi giấy báo công và Huân chương về. Ông vào nhà thấy gia cảnh thật sự neo đơn, khi ra thăm mấy sào ruộng khoán, ông nói:

      - Cứ để cho gia đình cụ Khang số ruộng khoán này nhé! Các cụ đều yếu cả, cô Vân vợ cậu Kiên còn phải đi học, lại có cháu nhỏ, không thể theo hợp tác xã được. Các cậu khoán, người ta làm đủ ăn, an tâm cho người đi đánh Mỹ, hợp tác không phải cân đối, cũng không phải lo giúp đỡ về lương thực, có phải một mũi tên bắn trúng hai đích không.

      Ông An nghe lại chuyện đứng lên nói như diễn thuyết:

      - Trước đã triển khai khoán, xã viên hợp tác xã làm ăn khá. Sau trên bảo là sai đường lối lại sửa đổi. Sai gì sai lắm thế, sửa gì sửa lắm thế! Trên bảo  để làm ăn lớn nhưng có cái chó gì đâu mà bảo làm ăn lớn chứ ! Đồ chết tiệt, ruộng đại đồng điền lúa xấu chó chạy hở đuôi, ruộng phần trăm thì lùa tốt ù ù, đặt cả cái nong vàng cũng chẳng đổ. Tôi bảo rằng dân ta sẽ đói to cho mà xem! Bà con liệu liệu vào chân núi Tam Đảo mà vỡ đất trồng sắn khoai, tự cứu lấy bản thân gia đình, đội và chi bộ không báo cáo lên xã, lên huyện, lên tỉnh, lên trung ương đâu mà sợ.

   Kiên còn chưa rõ cách làm ăn của hợp tác xã bây giờ ra sao? Dân trong hợp tác xã Hoà Bình no hay đói. Cứ như lời ông An thì dân tình đang hoang mang cực độ rồi. Cách làm ăn theo hợp tác xã chắc chắn không có hiệu quả, phải đổi mới như thế nào đây? Từng cơ sở Đảng, chính quyền, hợp tác xã liệu có dân chủ mà bàn thấu đáo không? Hay là trên bảo sao làm vậy thì nguy to rồi. Kiên đang suy nghĩ để có cách gì tháo gỡ khó khăn cho hợp tác xã? Khi đó, ông An lại đứng lên nói oang oang:

  - Đêm đã khuya rồi, bà con ta về nghỉ đi, để mai còn nai lưng thay trâu kéo cày! Còn mấy con trâu nữa là hết sức kéo, chẳng è cổ ra mà kéo cày thay trâu thì ai kéo đây... Thôi, xin chào ông bà Khang, anh Kiên! Chúng tôi về! À anh Kiên còn giữ được “ chú chim cu” của mình chứ, không giữ được, thứ bảy, chủ nhật cô Vân về bắt đềm hợp tác xã chúng tôi thì khổ chúng tôi quá!

  Mọi người đứng dậy ra về, nghe ông An nói ai cũng cười rũ rượi. Bà con nông dân mình vui vậy, sống vô tư quá, nhiệt tình quá, sao cứ để nông dân ta  cực khổ nghèo nàn mãi nhỉ? Đất đai chúng ta có, người lao động chúng ta có, kinh nghiệm sản xuất chúng ta có, cớ làm sao chúng ta lại đói khổ? Đường lối về nông nghiệp chúng ta sai, thì chúng ta sửa. Người dân các nơi đã ngầm sửa, ông Kim Ngọc đã nắm bắt được và ra nghị quyết sửa đổi, sao bảo là sai. Đường lối của Đảng phải đúng với mọi người, mọi nhà, mọi nơi trên đất nước thì mới có sức mạnh. Chúng ta cứ ép dân theo một đường lối mà người dân không thích, không tin, có phải là chúng ta đang đưa dân đến chỗ sống mà như chết! Ai là người chịu trách nhiệm trước lịch sử đây? Đừng nghĩ rồi sẽ xí xoá để hoà cả làng?

   Chiều thứ 7, Vân đi học về. Kiên đứng ở trong nhà nép vào sau cánh cửa nói to:

   - Chào cô sinh viên! Cô đi học về à, ruộng lúa khoán đang chờ cô đấy!

   Vân bàng hoàng, suýt nữa thì ngã xe, Kiên phải chạy ra đỡ, Vân ôm chầm lấy Kiên nức nở:

   - Sao anh được về mà không báo cho em biết, để em xin phép về!

   - Chắng phải báo em làm gì, anh được về với em mãi mãi rồi!

   Nhìn thấy chồng xanh sao, ốm yếu, Vân càng nức nở hơn. Mẹ Kiên an ủi con dâu:

    - Thế là phúc đức rồi con ạ! Nó còn được vác xác về, còn người ta thì...

    - Mẹ ơi, mẹ đừng nói thế! Nhà nào mà chẳng có phúc đức, vào chiến trận đánh giặc thì hy sinh là dĩ nhiên. Bao chiến sỹ hy sinh để con trai mẹ đựơc về, chúng ta phải biết ơn họ mẹ ạ! Từ nay có ai hỏi thăm con thì mẹ bảo, cháu nó may mắn được về, mẹ nhé!

    Thấy chồng nói thế, Vân cũng không khóc nữa. Vân biết chồng mình là người nhân hậu, yêu thương tất cả mọi người. Lời nói của chồng làm Vân cảm động, một cảm giác lâng lâng vui sướng hạnh phúc tràn trề, người bỗng tỉnh táo hơn, tâm hồn rộng mở hơn. Vân nhanh nhẹn đi vào trong nhà xếp nép mọi thứ cho gọn gàng, ngăn nắp để được âu yếm chồng con.

    Sáng chủ nhật Vân rủ Kiên ra cỏ lúa trên những thửa ruộng mà Kiên nhận khoán trước đây. Lúa mùa đang độ làm đòng trông rất xanh tươi, mát mắt. Cuối tháng tám này là lúa chỗ, đầu tháng mười đã gặt rồi. Nhanh thật! Vòng quay của đất là vòng đời của lúa, của ngô khoai, con người theo vòng quay đó mà làm ăn. Con người là chủ thể, cho nên đừng ép buộc con người. Khi con người được tự do, có cơm ăn áo mặc, nhà ở thì mọi sự sáng tạo mới có được. Để cho Kiên hiểu về mấy thửa ruộng nhà mình, bây giờ làm theo phương thức nào, Vân nói :

   - Mấy thửa ruộng nhà ta, bây giờ chuyển sang đất thổ cư của nhà ta rồi anh ạ. Hồi anh ở trong B, em đã viết thư cho anh biết. Ban quản trị hợp tác xã Hoà Bình thương nhà ta neo đơn, có người ra trận đã hợp lý hoá mấy thửa ruộng gần nhà cho nhà ta tất rồi. Bác An đội trưởng làm thủ tục giấy tờ cho nhà mình đấy. Nhà mình đã tách làm hai hộ, hộ ông bà, và hộ vợ chồng mình. Bây giờ làm được bao nhiêu ăn bấy nhiêu, chỉ có nộp thuế theo mức thuế vườn thôi. Có như thế, em mới có điều kiện đi học đấy! Thừa lúa bán đi, em còn mua được một chiếc xe Thống nhất để làm phương tiện đi lại. Lần này anh đi học, cứ lấy xe em mà đi, để em giành giụm tiền nong mua một chiếc khác, em đi.

   - Vân thấy tình hình làm ăn của địa phương ta thế nào?

   - Khó khăn lắm anh ơi! Bà con ta mồm thì hô khẩu hiệu, nhưng tay làm thì không làm. Người ta chỉ tìm cách làm ngoài, vì người ta chán làm hợp tác rồi. Có làm cũng chẳng thu được bao nhiêu đâu anh ạ. Con Thân hay đến làm giúp nhà mình, vào làm ở đội thuỷ lợi suốt ngày gánh đất, đẩy xe cải tiến, cả năm cũng chỉ thu được 2 tạ thóc thôi. Làm ăn kiểu này mà mất mùa thì chết đói cả nút đấy!

  -  Chủ trương khoán của tỉnh không còn thực hiện nữa à?

  -  Bác Kim Ngọc bị người ta phê phán dữ lắm, trên bảo rằng đó là chủ trương sai lầm, không cho làm nữa. Các nơi đã triển khai khoán hộ đều phải sửa. Đất đai nhập vào như cũ, để sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Người ta còn nói: “Thà để đất hoang chứ không để cái đuôi cá thể của người nông dân mọc dài ra!”Anh nhìn xem đất hoang xã mình có nhiều mà có thấy nương sắn, nương khoai nào đâu. Người ta quản lý đất không cho làm đâu. Năm 1945, giặc Nhật bắt dân ta nhổ lúa trồng đay, mấy triệu đồng bào ta chết đói. Bây giờ Đảng, chính quyền quản lý đất không cho trồng khoai sắn, dân ta đói khổ, thấy nhãn tiền rồi đó anh.

     Hôm đó, Kiên kể cho Vân nghe về việc kỷ luật kéo dài thời gian dự bị thêm sáu tháng, chỉ vì nói cái tốt cái hay của việc khoán và con người đồng chí Kim Ngọc biết lo cho nông dân, cho hợp tác, cho mọi người và cho nhà mình. Kiên ao ước một ngày nào đó được gặp đồng chí Kim Ngọc để nói chuyện này. Ngày đó biết cơ quan của tỉnh Vĩnh Phú ( Vĩnh Phúc và Phú Thọ hợp nhất)  đang sơ tán ở Phù Ninh cũng không xa nhà mấy, nhưng mình là người dân thường, tìm gặp để nói chuyện về vấn đề riêng tư, vấn đề có tính chất cá nhân với một người là Bí thư tỉnh uỷ thì không nên đến.

                                           *

                                     *         *

    Người ta bảo “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”, thế nào rồi Kiên cũng sẽ được gặp đồng chí Kim Ngọc. Năm 1974, tốt nghiệp đại học tổng hợp sử, Kiên được trên điều về làm nhân viên của Tỉnh uỷ Vĩnh Phú, trong Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng. Ngày đó mới ở nơi sơ tán về Việt Trì, các cơ quan tự làm những căn nhà tranh tre nứa lá để ở và làm việc. Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng làm cách nơi làm việc của đồng chí Bí thư Kim Ngọc hơn một trăm mét. Một buổi chiều hè, Kiên gặp ông, khi ông xuống chơi thăm anh em. Thấy Kiên, một người lạ mới được về công tác, ông thân mật bắt tay và hỏi thăm quê quán:

   -  Đồng chí tên gì? Quê quán ở đâu? Nói cho tớ được biết?

   - Dạ, em tên là Hoàng Trung Kiên, người ở hợp tác xã Hoà Bình, Lập Thạch. Đi bộ đội năm 1967, chiến đấu trên chiến trường Trị Thiên Huế, bị thương về lại tiếp tục đi học đại học, nay tốt nghiệp được về làm việc tại đây. Về cơ quan, em chưa đi được đâu, chưa đến chào bác được ạ.

   - À tớ nhớ rồi! Cậu là Kiên con cụ Khang phải không? Tớ đã về thăm nhà cậu một lần. Cậu là dũng sỹ diệt Mỹ cấp  Ưu tú, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Ba. Nhà cậu có mấy thửa ruộng lúa tốt lắm. Thế nào vợ chồng cậu đã sinh thêm đứa con thứ 2 chưa? Này, đừng đẻ nhiều quá đất chật người đông, không nuôi được nhau đâu nhé!

  Hôm đó, lần đầu mới được quen Bí thư tỉnh uỷ Kim Ngọc, Kiên chỉ trả lời những điều ông vừa hỏi. Chứ chưa dám nói chuyện cũ của mình. Lúc ra về ông còn dặn, lúc nào rỗi rãi, cứ lên chỗ tớ chơi nói chuyện chiến trường đánh Mỹ cho tớ nghe với nhé.

   Kiên chưa kịp lên chơi, vì chẳng biết lúc nào Bí thư có thời gian tiếp chuyện nhân viên. Hôm đó, Ban chỉ có hai người,  Phó ban Thuận và Kiên. Phó ban Thuận đang luộc sắn, Kiên thấy Bí thư đến đứng dậy chào và mời Bí thư ngồi, uống nước. Lúc đó nồi sắn của Phó ban Thuận đã chín đổ ra rá hơi nóng bốc lên nghi ngút mùi sắn thơm nồng toả ra. Chưa kịp mời thì Bí thư đã nói:

  -  Đất Việt Trì sắn thơm ngon quá nhỉ! Các cậu mời tớ ăn chứ!

    Kiên lấy đĩa và đặt các khúc sắn bở lên để lên bàn và trịnh trọng mời  ông cùng ăn. Bí thư cầm lấy khúc sắn nhỏ chưa ăn đã nói:

- Các cậu phải phân công nhau lao động tự túc lấy lương thực, thực phẩm mà ăn. Đừng trông chờ vào tem phiếu, phải tự trồng sắn, trồng khoai, trồng lúa ngô, nuôi lợn, nuôi gà lấy thịt. Các ban, phòng phải có kế hoạch, phân công, cắt cử hợp lý, vừa lao động sản suất, vừa công tác. Công tác là chính, sản xuất là phụ, phụ nuôi chính đấy. Tớ gợi ý như thế, các ban, các phòng bàn nhau làm nhé. Tớ và Tỉnh uỷ sẽ ủng hộ các cậu. Bữa ăn hàng ngày sẽ được cải thiện, và không gì vui bằng ngày tết, ngày lễ các cậu mang về làm quà cho bố mẹ, vợ con, cân thịt lợn, yến gạo. Chờ tiêu chuẩn Nhà nước cho thì còn lâu, còn lâu nhé! Cậu Kiên nghe tớ bàn có hiểu và làm được không?

- Vâng, chúng em sẽ thực hiện chủ trương này. Chúng em sức dài vai rộng có thể làm tốt ạ. Nhưng Bí thư và Tỉnh uỷ phải tạo điều kiện cho chúng em thời gian, phương tiện, đất đai, giống má...

 Bí thư nghe Kiên trả lời xong mới vẽ từng miếng sắn nhỏ cho vào miệng ăn ngon lành. Nhìn Kiên cũng đang ăn sắn, ông lại nói tiếp:

- Các cậu ở chiến trường có tham gia sản xuất không?

- Thưa Bác có ạ, vừa chiến đấu vừa sản xuất, mặt trận sản xuất góp phần quan trọng bảo toàn lực lượng và duy trì sức chiến đấu.

- Thì bây giờ, các cậu vừa công tác vừa sản xuất, mặt trận sản xuất làm ra lương thực, thực phẩm nuôi cán bộ, nhân viên khoẻ mạnh, công tác càng hăng, càng tốt.

- Thế nhé, tớ ăn sắn rồi, bàn công tác rồi, tớ về đây.

 Ông đứng dậy ra về, lần ấy Kiên chưa có điều kiện nói chuyện của mình cho ông nghe. Đến một hôm, Trưởng ban Tính nhờ Kiên mang một số báo cáo cho ông đọc và duyệt. Kiên lên phòng làm việc của ông trong một căn nhà cấp 4, mới xây rộng rãi. Ông mời Kiên ngồi chơi và nói chuyện thân mật. Kiên nói chuyện vì có chủ trương khoán của ông và tỉnh uỷ, nên Kiên mới có điều kiện đi học hết phổ thông và được đi học đại học, cưới được vợ, ổn định được đời sống, nên mới xung phong vào bộ đội, chiến đấu lập công. Kiên cũng kể lại sự việc Kiên bị Đảng kỷ luật kéo dài thời gian dự bị sáu tháng vì đã thanh minh, bênh vực cho chủ trương khoán của ông, Kiên cũng nói lại dư luận ở trong nhân dân và trong quân đội cho ông nghe. Nghe xong, ông bình thản nhìn Kiên, ông không nói về ông mà chủ yếu là ông khen Kiên:

 - Cậu Kiên thật gan dạ, dũng cảm, thông minh. Dám bảo vệ tớ không sợ kỷ luật. Tất cả được như cậu thì tớ đã thành công. Dân ta đỡ thiếu đói trong cuộc sống thường ngày...

Ông dừng nửa chừng câu nói, nhìn Kiên một lượt và chuyển sang thăm hỏi riêng tư :

- Sức khoẻ của cậu ổn định chứ, bố mẹ, vợ con khỏe mạnh bình thường chứ, làm hợp tác có đủ ăn không?

Kiên trả lời những điều ông hỏi, ông gật đầu. Khi Kiên nói về mấy thửa ruộng khoán, nay đã chuyển đổi thành đất thổ cư, thành ruộng nhà. Ruộng lúa mùa nào cũng tốt, năng xuất rất cao. Ông cười ha hả, niềm vui tràn ngập trong ông chuyền sang cả Kiên.

 - Tết này tớ về nhà cậu ăn tết nhé! Báo các cụ, vợ con chuẩn bị đi, tớ sẽ về!

-  Chỉ sợ Bí thư không có thời gian, nhà em sẵn sàng đón tiếp ạ!

 Kiên đứng dậy về phòng làm việc của mình. Ông vui vẻ tiễn Kiên đi về.  Ra đến cổng nhà, ông dừng lại hỏi:

- Cậu Kiên là dũng sỹ diệt Mỹ, đã diệt được bao nhiêu tên?

- Thưa bác, chính xác là 21 tên.

       Ông nhìn Kiên và Kiên cảm nhận thấy nỗi đau trong lòng ông lại xuất phát từ câu trả lời nhanh nhảu và quá vô tư của mình. Ông nói với giọng trầm buồn:

- Chiến tranh Việt- Mỹ coi như đã chấm dứt. Máu Việt và máu Mỹ có khác gì nhau. Tết này, hàng vạn người Mỹ đã không về, hàng triệu người con dân Việt đã không về, sẽ không về! Chúng ta đang chuẩn bị tổng tiến công, chắc rằng sang năm chúng ta sẽ toàn thắng, đất nước sẽ hết chiến tranh, con người cần phải được sống hoà bình!...

   Thời gian ấy ông đi công tác luôn, mặt trận đang cần lực lượng, cần phải động viên toàn lực chi viện cho chiến trường và bảo vệ hậu phương. Ông đi liền liền, khi về Đa Phúc, Kim Anh, lúc lại đi Thanh Ba, Hạ hoà, Yên Lập, khi sang Cẩm Khê, tới Thanh Sơn lại trở về thị xã Phú Thọ, thành phố Việt Trì chẳng khác con thoi. Kiên viết thư về nhà bảo Vân, chuẩn bị cho ít gạo nếp để biếu ông ăn tết. Đến tuần giáp tết, Vân đạp xe từ nhà lên thăm và mang quà tết lên cho. Hôm đó Vân mang lên 20 cân gạo nếp tám thơm, một nửa cho Ban và một nửa biếu Bí thư.

    Chập tối hai vợ chồng xách gạo đến nhà, ông vừa đi kiểm tra các đơn vị bộ đội ở Thậm Thình về. Thấy vợ chồng Kiên đến, ông nói vui:

- Vợ chồng cậu Kiên định mời chúng tớ sang ăn tết Táo công về chầu trời à! Mai tớ bận không đi được đâu, chờ chiều ba mươi chúng tớ sang ăn tết tất niên nhé! Ở quê cô Vân có nuôi được lợn to không, để tôi cho cả cơ quan cùng về?

Vân sởi lởi thưa:

- Kính thưa bác, nhà em nuôi được con lợn ngót nghét một tạ. Gạo tẻ, gạo nếp có đủ, mời hai bác và toàn bộ cơ quan về nhà chúng em ăn tết ạ!

- Cô gái này đảm đang quá nhỉ! Mời tết cả cơ quan tỉnh uỷ. Giỏi quá, giỏi quá, giỏi nhất nước! Nghe nói cô làm giáo viên?

- Vâng, em làm giáo viên dạy cấp II dạy tại xã nhà.

- Thế là cô vừa đảm việc nhà, giỏi việc trường rồi, tôi phải bảo anh Bỉnh  Trưởng ty Giáo dục tặng giấy khen cho cô.

Sợ kéo dài mất thời gian của ông, Vân thưa:

- Thưa bác, năm hết tết đến vợ chồng em đếm thăm nhà hai bác. Chúc hai bác và toàn thể gia đình ta sang năm mới mạnh khoẻ, chúng em mang biếu hai bác yến gạo nếp. Làm tại mấy thửa ruộng khoán năm xưa, nay thuộc nhà, gọi là cây nhà lá vườn, xin hai bác nhận cho.

Ông vui vẻ nói như để thử lòng người:

- Thế này cô cậu không muốn cho chúng tớ về nhà ăn tết rồi. Thật tiéc! Thật tiếc ! À này, gạo của công lao động hợp tác chia thì tớ không nhận, của ruộng khoán hộ năm trước thì tớ nhận.

Lúc ấy bà Liên vợ Bí thư từ trong nhà đi ra, ông nói to:

- Bà nó ơi, giá mà Trung ương cho triển khai khoán hộ từ năm 1966, thì  bây giờ bà phải thuê người làm mấy cái nhà kho để chứa quà tết đấy! Chứng cứ là vợ chồng cậu Kiên đây chỉ có mấy thửa ruộng khoán mà cho nhà ta những một yến gạo nếp tám thơm đây này.

Ông bà cùng cười, vợ chồng Kiên cùng cười, tiếng cười vang nhà. Ông đứng dạy lấy một gói quà tết gồm một hộp mứt, trai rượu Đồng Xuân, bao thuốc lá Điện Biên và mọt gói chè Hồng Đào đưa cho Vân:

    - Vợ chồng tôi biếu lại cụ ông cụ bà, cô chú một gói quà tết! Gọi là “bà lò chân giò ông thò chai rượu” đề có đi có lại mà, cô chú vui lòng nhận mang về nhà cho vợ chồng tôi vui. Năm mới đến chúc toàn gia đình ta mạnh khoẻ, sản xuất, công tác đều tốt nhé!

      Vợ chồng Kiên vui vẻ nhận quà ra về, ông bà Kim Ngọc còn tiễn vợ chồng Kiên ra tận cổng . Về phòng nghỉ, Vân cứ tấm tắc khen bác Bí thư tỉnh uỷ Kim Ngọc thân mật, dễ gần lại khéo ứng xử, người cán bộ Đảng mà như vậy thì nhân dân chẳng bao gìơ quên.

       Đúng là nhân dân tỉnh Vĩnh Phú ( Vĩnh Yên, Phú Thọ) chẳng bao giờ quên ông, Họ nhớ ông, thương ông, bảo vệ uy tín của ông. Người ta nói thẳng ra rằng, ông đúng còn Trung ương thì sai. Đường lối phát triền nông nghiệp thì phải phù hợp với người lao động, với điều kiện canh tác, đất đai thổ nhưỡng chứ. Chủ trương của ông không mới như đưa sản xuất về với hộ lao động, đi theo nó là công cụ, là trâu bò để cho họ tự quản. Hình thức hợp tác thì vẫn giữ, mọi sự lao động sản xuất vẫn cần sự chỉ đạo chung của Ban quản trị. Nông dân làm ra nhiều của cải vật chất, sản phẩm được lưu thông, dân sẽ giầu, nước sẽ mạnh. Hồi đó, do thiếu kinh nghiệm chỉ đạo, chủ trương chao đảo phải sửa nhiều, càng sửa lại càng sai. Đi đâu Kiên cũng được nghe câu nói truyền miệng : “Đúng đúng, sai sai, sớm đúng, chiều sai, sớm mai lại đúng” như để nhạo lại những chủ trương ấy để mà vui sống.

        Đường lối quản lý hợp tác xã nhiều nơi thực hiện đến mức tả khuynh. Nhiều nơi nông dân không còn đất đai, ao chuông, cây lâu niên, cây đặc sản, không còn họp chợ, chùa chiền, miếu mạo, đình đền, nhà thờ bị đập phá. Đồng chí Kim Ngọc đi thực tế nông thôn đã cứu được nhiều nơi, nhiều gia đình, nhiều người. Mỗi lần đi công tác, Kiên được nghe nhiều câu chuyện  phải cười ra nước mắt. Ông lên Thanh Ba vào nông trường Vân Lĩnh, thấy dân đất chè mà phải uống nước vối, ông bảo phải chia đất cho công nhân, nông dân mỗi gia đình một sào chè để họ có cái mà nấu nước, lo đời sống. Dân Thanh Ba, Hạ Hoà  từ đó được dễ thở hơn, nhớ ơn ông mãi. Ông sang Cẩm Khê đất cọ, ông bảo phải chia cho mỗi hộ một trăm mét vuông đồi cọ, các cây cọ mọc trong vườn nhà để cho dân tự quản tự thu. Hợp tác xã nào nghe và thực hiện lời ông nói thì sống rất đàng hoàng. Đến Đào Xá, Thanh Thuỷ, hợp tác xã chủ trương phá đình xây kho, ông kịp thời ngăn chặn đến nay đình còn lại được công nhân là Di tích lịch sử văn hoá Cấp Quốc gia. Đến Tam Nông, thấy báo cáo có một cán bộ về hưu có một cái ao nhỏ, không cho vào hợp tác, chi bộ đảng họp định khai trừ, ông đến thăm ngăn cản lại, không cho động đến ao, lại khuyên cứ tiếp tục nuôi cá, bác cán bộ về hưu ấy cảm ơn ông mãi...

      Hàng ngày Kiên cùng các đồng chí trong Ban vẫn thực hiện lời ông dặn, công tác và lao động sản xuất tự túc. Chiều nào sau giờ làm việc Kiên vẫn tích cực gánh nước tưới rau, bón phân cho cà đậu, băm rau nấu cám nuôi lợn, gà. Không khí sinh hoạt rất vui tươi, đầm ấm, no đủ. Anh em trong cơ quan rất quý đồng chí Kim Ngọc, ông cũng rất quý anh em, thường đi công tác có quà ông đều mang xuống cho. Khi thì cân chè đen, cân măng tươi, khi thì bó rau sắng, ít trám đen. Ông xem gà, lợn, rau của chúng tôi nuôi trồng, khi tốt thì ông khen, khi xấu thì ông chê. Ông là người sâu sát, cụ thể có tính tình vui vẻ ai cũng thích.

     Chỉ có ông Hoà, Phó Bí thư là không thích ông thôi. Cứ nói ông Kim Ngọc là người có đầu óc tư hữu, cá thể, phần tử lạc hậu, bảo thủ. Ông ghét chúng tôi lao động sản xuất tự túc, mặc dù ông cũng tán thành, cũng biểu quyết về chỉ tiêu tăng gia, tự túc. Nhiều chuyến ông không cho xe đi tăng gia, chúng tôi phải đi bằng xe đạp xuống Vĩnh Tường, về nông trường Tam Đảo, sang Cẩm Khê, Vạn Thắng trồng sắn, trồng lúa, khoai. Để giữ đoàn kết trong cơ quan, chúng tôi thường im lặng không nói gì, chỉ có Trưởng ban Tính của chúng tôi là đấu tranh quyết liệt với ông Hoà. Có lần ông Hoà không cho xe đi chở lúa, chở sắn về, anh Tính sửng sộ với ông Hoà:

     -  Anh bảo anh Kim Ngọc là người có đầu óc tư hữu cá thể, là thành phần lạc hậu bảo thủ, thế anh là loại người nào? Tư sản, địa chủ, hay là con buôn? Anh chỉ biết anh thôi. Ngày tết nông trường, nhà máy, các ty, các huyện, các xã cho anh nào cá, thịt, gạo nếp còn chúng tôi được gì? Anh Kim Ngọc thấy chúng tôi khó khăn vạch cho chúng tôi con đường lao động sản xuất tự túc, anh lại ngăn cản lại thu hoạch, tôi thách anh không cho xe đấy!

      Trước thái độ cứng rắn của Trưởng ban Tính, ông Hoà phải bảo người điều xe cho anh em đi lao động sản xuất. Bữa đó anh em được nghe những lời nói sướng tai chỉ vào ông Hoà. Một buổi đang ngủ trưa bỗng ở văn phòng cơ quan. Nghe tiếng ông Hoà đang to tiếng với cô Tiến văn thư :

      - Cô mà để lộ bí mật, thì chỉ có là đi tù, đi tù!

      - Có gì mà bí mật, cái bí mật của tôi anh biết hết rồi còn gì! Lộ mới chẳng lộ! Hách dịch vừa vừa chứ!

       Buổi trưa ấy, anh em trong cơ quan nghe tiếng nói to chả ai ngủ được nữa. Sáng hôm sau mới biết là công văn mật về đổi tiền. Cô Tiến đang cặm cụi đánh máy thì ông Hoà lên đập cửa đùng đùng, cô ấy tức tiết nói ầm lên thế thôi.

        Hôm đó anh em còn kể cho Kiên nghe rằng vào dịp tết, Trưởng ty Lương thực Đôn có biếu ông Hoà 500 đồng, và một gói quà. Ông Hoà còn cho lập biên bản ông Đôn về tội đút lót cán bộ, ông Đôn bị kiểm điểm miễn chức.( Sau này Kiên đọc báo biết ông Hoà lên đến chức Bộ trưởng, có một năm, sau tết ông ấy đem nộp công quỹ 2 tỷ đồng. Bảo rằng đó là tiền biếu xén, hồi đó đã gây xôn xao dư luận cả nước, làm cho người dân nghi ngờ chính ông và các cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước ta).

        Thỉnh thoảng Kiên vẫn đi công tác cùng ông Hoà, khi lên nói chuyện với các đảng bộ thấy ông vẫn công kích ông Kim Ngọc về chuyện khoán hộ. ông Hoà bảo khoán hộ đã gây ra cản trở cho chính sách  quản lý hợp tác xã nông nghiệp, cho cuộc cách mạng về quan hệ sản xuất, tạo ra sự bất công giữa người lao động tập thể và lao động cá thể. Tư tưởng ấy trở thành hòn đá tảng cản đường chúng ta tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Ông thao thao nói về rừng cây hỗn giao ở Thanh Sơn và việc phải tạo ra nhiều rừng cây hỗn giao như thế cho mai sau. Mấy cán bộ ngồi dưới nghe nói không hiểu, nói tếu táo: “Hỗn dao là tập hợp dao: dao phát, dao bờ, dao quắm, dao dựa, dao bầu, dao mác cùng phá rừng hỗn giao” và họ cứ cười, chẳng thèm nghe ông nói.

        Lao động sản xuất tự túc, đem lại nhiều lợi ích cho mỗi người, cho cơ quan và tạo ra được không khí thi đua công tác. Kiên trở một thành đồ tể mỗi khi cơ quan giết lợn tăng gia cải thiện bữa ăn. Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng mỗi năm nuôi được ba con, thường giết thịt vào những ngày lễ, ngày tết, một nửa con để cho nhà bếp cơ quan cải thiện bữa ăn, một nửa chia nhau mang về nhà. Hôm chào mừng ngày 30 tháng 4, ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, Ban cho mổ lợn, thịt lợn còn treo lủng lẳng trước hiên nhà, Bí thư Kim Ngọc lên chơi thấy vậy ông tươi cười nói:

       - Thịt này các cậu mang về, vợ con trông thấy mắt sáng còn hơn sao! Sướng chưa các cậu, các cậu còn nghe tớ mà làm mãi ra thì còn sướng nhé! Thôi nghỉ đi, xuống bếp mà ăn cơm cho nhanh nhanh vào kẻo về đến nhà thịt ôi, ôi hết còn gì !

        Cuối năm 1976, Kiên thi đỗ nghiên cứu sinh. Khi có giấy báo nhập học, Kiên lên báo cáo ông, ông rất mừng, bảo cơ quan tổ chức liên hoan tiễn Kiên đi học. Ông còn nhắc Ban Tổ chức xét đề bạt Kiên lên chức Phó ban, nhưng Kiên bảo ông khi nào học xong được tỉnh uỷ đề bạt, nhận chức thì tốt hơn. Ông gật đầu khen Kiên là người có nhân cách có bản lĩnh. Hôm liên hoan đông đủ mọi người trong cơ quan, ông nói vừa để biểu dương vừa để góp vui:

       -  Cậu Kiên đi đánh Mỹ diệt giặc rất tài, về cơ quan ta làm đồ tể rất giỏi! Tớ định đề bạt chức Phó ban cho cậu Kiên nhưng cậu xin miễn. Như thế, cậu  Kiên còn tiến! Còn tiến! Nhất định còn tiến!

       Mọi người dự liên hoan đều cười vui vẻ. ăn uống xong ông bảo Kiên chuẩn bị mọi thứ để ngày mai đi xe của ông về Hà Nội.

       Đi học nghiên cứu sinh, Kiên không có thì giờ về thăm ông, chỉ có viết vài lá thư thăm hỏi sức khoẻ và cám ơn về sự giúp đỡ của ông. Nghe nói là ông đã về nghỉ hưu tại nhà riêng ở bên bờ Đầm Vạc, thị xã Vĩnh Yên. Mùa xuân năm 1979, Kiên bảo vệ thành công luận án Phó tiến sỹ tại Liên Xô và trở về nước. Thăm quê năm ấy, đất nước đang vào thời kỳ cao điểm chống lại bọn phản động quốc tế đang đem quân xâm lược biên giới phía Bắc và phía Nam. Ở nông thôn, chúng ta đã tiến lên xây dựng hợp tác xã cấp cao. Mỗi xã là một hợp tác xã, mỗi huyện là một pháo đài kinh tế và quân sự. Đạp xe từ  Hà Nội về nhà ở Lập Thạch, qua nhiều đồng đất Vĩnh Phúc, Kiên ngỡ ngàng thấy những cánh đồng bao la mà chẳng thấy mầu xanh đâu, trong màn sương là một màu đất đen xịt. Thật là đáng sợ, nhưng cũng chẳng thấy một ai nói ra tình trạng ấy. Ngày ngày, đài phát thanh vẫn hát “ bài ca năm tấn”, chẳng biết có chỗ nào thực sự đạt năm tấn mà dân được no ấm, tươi vui.

      Về nhà thấy Vân đã xây được một ngôi nhà cấp 4 khang trang nhất xã bên ngôi nhà cũ của bố mẹ. Nhìn ra mấy thửa ruộng khoán năm xưa, lúa vẫn tốt, nhà Kiên được no đủ, bố mẹ được khoẻ mạnh, hai vợ chồng, con cái được đi học đàng hoàng. Kiên càng nhân ra giá trị của mấy sào ruộng khoán năm xưa. Kiên vẫn biết ơn tất cả mọi người, người biết ơn nhất: gần thì có ông An Đội trưởng đội sản xuất, xa thì có ông Kim Ngọc Bí thư tỉnh uỷ. Lúc đó, Vân cho biết tin năm vừa rồi, ông An thấy nhà đói quá, vượt Tam Đảo sang Thái Nguyên mua sắn về ăn, dọc đường bị ngã về ốm đã chết rồi. Nghe Vân kể về ông An, Kiên đã ôm mặt khóc như khóc một người thân yêu.

        Hết ngày được nghỉ, Kiên lại đạp xe về Hà Nội, qua thị xã Vĩnh Yên, Kiên ghé vào thăm ông bà Kim Ngọc. Ông đang ốm, căn bệnh chủ yếu ông mắc phải là chứng đau dạ dày. Thấy Kiên, ông rất mừng cố ngồi dậy để bắt tay. Kiên kể cho ông nghe về thành tích học tập, về công tác, về tình hình quê hương, ông chăm chú nghe. Thấy Kiên nói về thực trạng sản xuất nông nghiệp đang đi vào bế tắc, dân tình rất đói và theo thông tin báo chí hàng năm nước ta phải nhập một triệu tấn lương thực. Ông ngửa mặt lên kêu: “Trời ơi, tôi có tội với cả trời cao; đất ơi, tôi có tôi với đất rồi!”. Nhìn thấy đôi dòng nước mắt ông rơi xuống, làm cho đôi dòng nước mắt của Kiên cũng tuôn ra.

        Hôm đó, Kiên có mang một yến gạo nếp tám thơm mà Vân gửi biếu ông bà Kim Ngọc. Kiên nói là cô Vân gửi quà biếu, chứ còn Kiên đi Liên Xô chẳng có tiền mua quà, chỉ dành tiền mua sách mang về nghiên cứu. Ông vui vẻ gọi bà Liên ra chào Kiên:

        - Bà ra chào và nhận quà của vợ chồng cô cậu Vân Kiên ! Chú đi nghiên cứu sinh tại Liên Xô vấn nhớ nhà mình, cô ở nhà dạy học và sản xuất vẫn nhớ nhà mình. Lần trước cũng lúa ruộng khoán, lần này cũng vẫn lúa ruộng khoán. Lần trước cô cậu ấy biếu mình, lần này cô cậu ấy cho để cúng mình đấy. Chẳng biết sau này còn ai cúng mình nữa không?

         Ông bà cùng cười, làm Kiên cũng bật cười theo. Khi về Hà Nội, Kiên thoáng nghĩ có thể là câu nói gở của ông. Ngày 26 tháng 5 năm 1979, Kiên  đang công tác tại thành phố Hồ Chí Minh đọc báo Nhân dân thấy có tin buồn đồng chí Kim Ngọc từ trần. Kiên điện về báo tin cho Vân biết sang Hội trường tỉnh uỷ Vĩnh Phú để viếng ông và cho gửi lời chia buồn đến bà Liên và gia đình.

         Mãi đến năm 1988, chúng ta mới ra đựợc Nghị quyết khoán 10. Đồng ruộng Việt Nam đã hồi sinh, người nông dân đã được làm chủ ruộng đất, công cụ, trâu bò như chủ trương của ông Kim Ngọc đưa ra cho Vĩnh Phúc hơn hai mươi năm trước. Chúng ta đã tự túc được lương thực thực phẩm lại dần dần có lùa gạo để xuất khẩu, và trở thành nước thứ 2 xuất khẩu lúa gạo nhiều nhất thế giới. Không phải như ông Hoà đã từng nói trước nhiều hội nghị trong Đảng và chính quyền rằng, tư tưởng của ông Kim Ngọc là hòn đá tảng chặn đường! Không, tư tưởng của ông là con đường lát gạch hoa cương cho chúng ta đi. Chỉ có những cái đầu sơ cứng, bảo thủ mới không nhận ra. Để cho chúng ta phải tự bó tay trói chân suốt gần một phần tư thế kỷ, phải chịu đói khổ, phải ngửa tay đi xin viên trợ và mua lương thực của nước ngoài. Những người như Kiên đã trải qua thời kỳ ấy nghĩ lại mới thấy thật sự xót xa, cay đắng.

         Bây giờ nước ta đã đổi mới, công lao của đồng chí Kim Ngọc đã được đánh giá lại, ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, thị xã Vĩnh Yên đã có một con đường dài mang tên ông. Đứng trên con đường ấy, nhìn xa về  phía tây có một khách sạn mang tên ông Hoà, cả hai con người này Kiên đã từng biết, từng được làm việc, các ông đều đã về với tổ tiên cả rồi. Hai ông đều là người cộng sản nhưng khác nhau về chất đấy. Một người là đồng chí Kim Ngọc Bí thư tỉnh uỷ đã từng bị cấp trên kiểm điểm, kỷ luật vì tội đưa ra chủ trương khoán trong nông nghiệp đã mãi mãi thuộc về nhân dân. Ông là người không mang tội với trời và cũng không mang tội với đất như lời ông ta thán cuối cùng với Kiên, ông là người có công với đất với cả trời Việt Nam. Kiên vẫn ước muốn một ngày không xa, hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ và nhân dân cả nước xây một nhà tưởng niệm, hay một nhà thờ theo truyền thống dân tộc để linh hồn ông được mãi mãi hoá sinh bất diệt.

                                                                                     T.H

                        

    

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Quảng cáo
congnhan12345
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 4
Trong ngày: 108
Trong tuần: 658
Lượt truy cập: 376903

VŨ NHO 085 589 0003

CHÚC MỪNG TS NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC VỚI TẬP THƠ ĐỘC ĐÁO, IN ĐẸP!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÁI PHỤC BÀ MÂY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Thuộc loại "chuyện bây giờ mới kể" đây! Cám ơn tác giả! Mượn lời bà SUỐI để nói về bà MÂY: "Bái phục bà MÂY" ! Haiza!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN VÀ BAN BIÊN TẬP ĐÃ ĐĂNG BÀI VIẾT NHÂN DỊP NHÀ THƠ NGUYỄN HUY HOÀNG RA MẮT TUYỂN THƠ VÀ TRUYỆN KÍ TẠI HỘI TRƯỜNG HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM!

 

Cầm Sơn - 0913269931

Cũng cần cảm thông với ông Troussier. Nếu nói về thành tích trong quá khứ, ông Park Hang Seo không thể sánh với ông Troussier được. -Trong sự nghiệp huấn luyện đồ sộ của mình, giai đoạn thành công nhấ...

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN! ÔNG HLV NGƯỜI PHÁP CHƯA BAO GIỜ THÀNH CÔNG "VANG DỘI"! CÓ ĐIỀU NÀY ĐÚNG: CHẢ NÊN TRÁCH ÔNG TA NHIỀU! TRÁCH LÀ VFF QUÁ TIN ÔNG TA, KẺ CAO NGẠO, BẤT TÀI! VẬY THÔI!

 
Xem toàn bộ
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0964 131 807
Email: soncam52@gmail.com
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công nhân.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông Chi hội Nhà văn Công nhân.