Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

NGÔI NHÀ CÓ DÀN HOA GIẤY (C8)

SỰ BẰNG AN CHO TÂM HỒN
 
   Minh báo tin cho Hà biết, mình sẽ trở ra Bắc, sau khi đã đi thăm lại tất cả những nơi hồi chiến tranh chống Mỹ từng đặt chân tới. Anh còn nhờ Hà tạm ứng, gửi cho mình ít tiền để chi phí cho các chuyến đi tiếp theo.
Hai người trao đổi qua điện thoại.
Hà hỏi Minh:
- Thế từ ngày đi đến giờ, ông chưa bao giờ kiểm tra tài khoản của mình ở ngân hàng hay sao?
Minh trả lời:
- Tiền sinh hoạt hàng ngày, tôi chỉ rút qua thẻ ATM, trong thẻ hiện nay vẫn còn tiền. Nhưng tôi muốn có một khoản tương đối, để giúp đỡ cho một đồng đội ở trong này có hoàn cảnh eo hẹp, vì vừa bị cơn bão số 5 làm đổ mất nhà. Tôi muốn ủng hộ anh ấy cái mái nhà.
- Sao lại chỉ có cái mái?
- Ở dưới quê anh ấy làm nhà đơn giản lắm. Hệ thống giằng cột, nền nhà bằng bê tông đã được gia đình và tập thể đồng đội trong này lo. Thấy họ định lợp mái nhà bằng lá dừa nước, mình có hỏi sao không dùng tôn cho tiện. Mọi người tính toán rồi nói, phải mất thêm khoảng hai chục triệu. Số tiền đó đối với họ quá lớn. Tôi hứa sẽ ủng hộ trọn vẹn cái mái. Nhưng khi đi rút tiền lại không đủ. Ông tạm ứng gửi trước cho tôi vào thẻ ATM khoản tiền trên, nhớ gửi ngay vào sớm ngày mai nhé. Vẫn số thẻ cũ, ông biết rồi còn gì.
Hà trách:
- Ông làm sao vậy? Tôi đã nói với ông, lợi nhuận của trang trại sau khi đã trừ mọi chi phí đi sẽ chia hai. Phần của ông, tôi sẽ gửi vào tài khoản. Ở trong ấy ông muốn tiêu gì cứ mang chứng minh nhân dân vào ngân hàng mà rút. Tôi sẽ gửi lại thông tin về số tài khoản qua tin nhắn ngay bây giờ. Mai ông đi mà rút tiền, thiếu hoặc có trục trặc gì điện báo ngay cho tôi.
Minh thanh minh:
- Thì từ bé đến giờ tôi có biết tài khoản là gì đâu. Còn lúc ở ngoài đấy, tôi có tật hay quên ngày phải đi lấy lương hưu và tiền trợ cấp thương tật. Thấy tôi đi lĩnh thất thường, nhiều tháng lại quên không lấy. Bên chi trả nói tôi nên làm thẻ ATM, để hàng tháng họ sẽ gửi tiền vào đấy. Rất tiện lợi cho những người như tôi. Muốn tiêu thì cứ ra cây tiền tự động mà rút.
Tiện thể, Hà thông báo cho Minh hay tình hình hoạt động của trang trại. Cuối cùng Hà nhấn mạnh:
- Ông cứ ở trong đấy chơi cho thoải mái. Nếu thiếu tiền tiêu thì báo, tôi sẽ tìm cách gửi thêm vào tài khoản cho - Hà khúc khích  nói thêm - Lúc ra không cần mang theo dây chuyên sản xuất pomat sữa dê nữa, vì ngoài này tôi đã đổi hướng chăn nuôi. Dê bây giờ chỉ là con vật nuôi phụ. Nhưng mà liệu kỳ này, ông có mang má cho hai đứa con tôi không? Chúng nó nhắc đến ba Minh suốt. Có gì cũng nói để phần giành cho ba Minh.
Khi Minh hỏi trang trại đang nuôi loài vật nào làm chủ đạo. Hà hồ hởi kể:
- Tôi đã cho xây một khu riêng biệt để nuôi chó giống. Hàng tháng phải thuê bác sĩ thú y đến khám bệnh, chăm sóc cho chúng. Bởi ngoài đàn chó Phú Quốc ra, tôi còn lai tạo  thành công giống chó ngao Tây Tạng. Mà giá thành một con chó ngao lớn lắm. Người nuôi phải bỏ ra trăm triệu, mới có được một chú, nhưng phải đặt hàng trước một thời gian khá dài mới được quyền sở hữu.  
**
   Địa chỉ đầu tiên mà Minh tìm đến, cũng là nơi cuối cùng anh làm nhiệm vụ trước khi ra Bắc. Bà chủ quán cà phê nhận ngay ra Minh khi anh bước chân vào. Cách bài trí quán vẫn hệt như lần đầu, lúc anh đặt chân tới. Minh chọn cái bàn ngày xưa thường ngồi mỗi khi ghé quán.
Bà chủ quán hồ hởi bưng cà phê cho Minh mà không cần anh gọi đồ uống. Thấy Minh lặng lẽ nhìn sang bên kia đường, nơi căn nhà có giàn hoa giấy. Bà thông báo sơ qua cho anh hay: ba Út Mai đã mất mấy năm nay, bà Vân đã già. Vậy mà con nhỏ Út Mai chẳng chịu lấy chồng. Hồi trước công tác ở bên quân y hay phải đi công tác đã đành. Bây giờ nó đã ra quân, lại vừa hoàn thành khóa học cao học về ngành y, vẫn chẳng chịu có bạn trai. Mà tuổi cũng hơi cứng, má nó chắc đang mong có đứa cháu ngoại ẵm, vậy mà nó vẫn ì ra.
Minh lặng im, chăm chú nghe bà chủ quán mau miệng kể. Anh cố gắng hình dung mọi chuyện qua lời bà. Một hồi lâu, hết chuyện mà chỉ thấy Minh dạ vâng cho phải phép, bà chủ quán rút lui khi không móc được thông tin nào từ Minh, đành để anh ngồi lại một mình với ly cà phê như ngày nào.
Khi thấy một người phụ nữ băng qua đường, bước vào quán cà phê. Minh nhận ra Út Mai và đã đoán được sự tình. Chắc do bà chủ quán không kìm được, đã chủ động thông báo cho Mai bằng điện thoại biết tin tức về anh.
Út Mai reo lên khi nhìn thấy Minh:
- Anh Hai ở ngoài Bắc vô từ hồi nào vậy? Sao không thông báo cho em biết?
Minh kéo ghế:
- Thì cô ngồi xuống đây đã.
Út Mai trách:
- Anh tệ lắm nhé, đi ra Bắc mà không nói một lời nào. Từ ngày ấy đến nay anh vô lại Nam được mấy lần rồi?
- Mới chỉ có lần này.
- Anh ở được lâu không?
- Tôi vào đã được một thời gian, song bận chút việc, giờ mới có thời gian rảnh rỗi. Lúc nãy tôi cũng định sang thăm nhà, song đang phân vân không biết gia đình mình còn ở đó, hay đã chuyển đi nơi khác, tại lâu quá rồi mà.
Út Mai tíu tít kể chuyện nhà:
- Ba em mất cách đây mấy năm. Còn má cứ hỏi em về anh hoài. Mà em có biết chi mô. Cũng có một dạo nghe được tin loáng thoáng, anh đã tái ngũ và đang công tác tại mặt trận biên giới phía Bắc. Hồi ấy em cũng làm bên quân y, phải đi theo các bệnh viện dã chiến hoài. Muốn thư từ với anh cũng không có địa chỉ chính xác mà gửi.
Dứt câu, Út Mai cầm tay Minh kéo anh đứng dậy:
- Má em nhờ có bác chủ quán thông báo nên đã biết anh ngồi ở đây rồi. Má bắt em phải tới đón rước anh bằng được. Anh phải sang ngay, không lâu lâu chẳng thấy em trở về, chắc chắn má cũng lần sang đây tìm. Mà em không đưa được anh về, thể nào cũng bị má mắng cho ngập lút cả mặt.
Út Mai cầm tay Minh kéo đi. Hai người chưa bước sang được hết đường, đã thấy bà Vân từ cổng đi ra. Út Mai reo lên như trẻ nhỏ:
- Má ơi! Má xem con giỏi chưa. Con đã đưa được anh Hai về cho má rồi đây nè! 
Minh vội vàng bước tới giơ tay đỡ bà Vân:
- Bác vẫn khỏe chứ?
Bà Vân nhìn Minh chăm chăm:
- Anh gầy và đen hơn dạo ngày xưa.
- Thì cháu cũng có tuổi rồi mà.
- Hồi này anh sống ra sao? Có tốt không?
- Cái ăn, cái mặc cháu không phải lo.
- Thế chuyện vợ con thế nào?
Thấy hai người quên mất sự hiện diện của mình, Út Mai nói dỗi:
- Hai người định để con bé đứng phơi ngoài nắng suốt hay sao? Không khéo lúc hai người vơi chuyện thì con bé này cũng phát ốm, không thì cũng có nước da của dân Phi châu mất.
Dường như những lời của Út Mai không tác động đến Minh và bà Vân. Út Mai vội cầm tay bà Vân lắc:
- Thì má để cho anh Hai vào nhà đã, chứ đứng ngoài đường  nói chuyện như thế này coi kỳ lắm.
Ngồi trong căn phòng khách nhà Út Mai, Minh tưởng như mọi chuyện mới xảy ra ngày hôm qua. Trời xế chiều lúc nào chẳng hay, thấy Minh dợm đứng lên, bà Vân vội nói:
- Bữa nay cháu nghỉ ở đâu?
Minh thành thật:
- Cháu định quay về chỗ anh bạn ở dưới Tân Cảng.
- Thế cháu cứ điện thông báo lại cho anh ấy không về được. Ở lại đây chơi với bác mấy bữa. Bác còn nhiều chuyện muốn hỏi cháu.
Minh e dè:
- Bác cứ để cháu về dưới đấy. Mai cháu lại lên trên này thưa chuyện với bác.
- Hai nơi cách nhau xa lắm, đi lại chẳng dễ dàng gì.
Minh ngập ngừng:
- Nhưng...
- Nhưng cháu ngại chứ gì! Gia đình bác mà cháu còn ngại gì nữa. Cháu ở lại đây, bác có cảm giác như thằng Hai Hạnh đã trở về với bác vậy. Cháu mà đi bây giờ, bác sẽ không yên lòng. Mà chẳng biết tại sao, từ ngày cháu ra Bắc đến giờ, bác lại luôn luôn nghĩ đến cháu. Mai muốn đi đâu thì lấy xe máy mà đi cho tiện. Mà không, để em Mai đưa đi, đường bây giờ cũng khác nhiều so với hồi 75. Cháu đừng ngại gì cả, em Mai đi công tác suốt. Kỳ này nó được nghỉ phép, ở nhà nhiều quá nên đang kêu chán. Tiện thể anh dẫn nó đi chơi cho vui. Cháu ở lai nhé! Chắc đêm nay bác sẽ ngủ ngon đây.
Sự chân tình của bà Vân làm lòng Minh ấm lại.
Buổi tối hôm đó, khi thấy Minh chọn trong tủ sách nhà mình cuốn Vật lý trị liệu ra đọc. Mỗi khi có điều kiện, Minh muốn làm nốt những việc mà Hoa - vợ anh - còn làm dang dở.
Nhìn Minh say sưa, Út Mai ngạc nhiên nghĩ thầm: “Lần trước thì anh ấy chọn các cuốn sách để ôn thi vào đại học. Còn bây giờ, lại chọn cái cuốn luôn làm mình nhức đầu này.”
Thấy vẻ ngạc nhiên lộ rõ trên khuôn mặt Út Mai, Minh vội đưa  cuốn sách của Hoa để lại cho cô coi:
- Tôi muốn so sánh các huyệt đạo trong quyển sách cổ này, với  các hình vẽ ở đây xem có gì khác nhau?
Mẹ con bà Vân lặng đi khi nghe Minh kể chuyện của Hoa, về quyển sách anh đã đem theo trong suốt thời gian vừa qua. Và những gì mà cuộc đời Minh phải gánh chịu.
Nghe xong chuyện, bà Vân nói với hai người rằng mình hơi mệt, phải đi nghỉ trước. Nói xong bà rời vào phòng trong. Từ trong đó, tiếng mõ, tiếng niệm Phật của bà Vân vọng ra đều đều. Đêm đó bà không sao ngủ được.
 Út Mai thì lấy cớ phải dọn phòng ngủ cho Minh, cô đi nhanh như chạy.
Còn Minh tiến về phía cái bàn đá kê ở góc sân, ngửa mặt mong tìm được những vì sao trời, qua các kẽ hở của giàn hoa giấy.
Khi vào được trong phòng, Út Mai òa nên khóc nức nở như trẻ nhỏ. Lúc bình tâm trở lại, cô lần ra chỗ Minh ngồi, định giục anh đi ngủ. Khi Út Mai thấy Minh ngồi như pho tượng, cô lặng lẽ đến bên anh ngồi xuống, không nói một câu. Đến khi nghe thấy tiếng chim đón ban mai ríu rít trên giàn hoa giấy, họ mớí  lặng lẽ rời nhau.
Phải chăng cuộc đời của mỗi con người khi gặp đau khổ, chỉ cần có ai đó kiên nhẫn chịu nghe tâm hồn ta thổn thức, rồi có một bờ vai cho ta dựa. Thì nỗi khổ đau, niềm u uất trong ta sẽ giảm đi rất nhiều.
**
   Khi nhìn thấy khuôn mặt hốc hác sau một đêm mất ngủ của mẹ con bà Vân, Minh thấy mình có lỗi lớn. Thấy anh áy náy, bà Vân tâm sự:
- Bác bị chứng mất ngủ đã lâu, nhưng không dám dùng thuốc tân dược vì sợ tác dụng phụ. Bác chuyên phải dùng thuốc ngủ Đông y. Hôm qua, do hết thuốc bác lại quên không mua. Chứ không phải vì nghe chuyện của cháu mà bác không ngủ được. Là thấy thuốc, nên bác biết rõ căn bệnh của mình, bệnh của người già ấy mà. Cháu không phải áy náy điều chi cả.
Minh ngỏ lời:
- Cháu biết sơ qua thủ thuật bấm huyệt và phương pháp châm cứu chữa căn bệnh này, để cháu thử xem. Nhưng mà tay nghề của cháu không cao đâu, bác phải điều trị dài ngày đấy! Chứng mất ngủ sẽ thuyên giảm dần dần, không khỏi khỏi dứt điểm được luôn đâu?
- Được như vậy thì hay quá! Cháu cứ ở lại đây giúp bác.
Không biết có phải do tâm an, hay cách chữa của Minh phù hợp với cơ địa của người bệnh. Lần đầu tiên sau những đêm trằn trọc, bà Vân có giấc ngủ sâu mà không cần đến sự hỗ trợ của thuốc. Minh còn hướng dẫn bà Vân cách ngồi thiền, phương pháp tự xoa bóp của Đạo Lão Ấn, đả thông các huyệt đạo khi không có người hỗ trợ. Là bác sĩ, nên bà Vân tiếp thu phương pháp được hướng dẫn rất nhanh.
**
   Một hôm Minh đang đọc sách dưới giàn hoa giấy, anh thấy chuông reo vội ra mở cổng. Thông thường nhà bà Vân rất đông khách. Họ thường đến khám bệnh, hoặc nhờ bà tư vấn cho các vấn đề có liên quan đến sức khỏe.
Lúc cánh cổng mở rộng, Minh thấy một tốp người đứng trước cổng đợi. Người đàn ông trung niên đứng đầu đoàn người reo lên khi thấy Minh xuất hiện:
- Đúng anh Hai Bắc rồi!
Minh vội nói:
- Hình như ông đã nhầm.
Người đó vẫn khăng khăng:
- Em nhầm thế nào được.
Minh nhẹ nhàng:
- Tôi không phải là Hai Bắc!
Người đàn ông tiếp tục theo dòng hồi tưởng:
- Trong giấc ngủ em vẫn thường mơ thấy hình ảnh của anh. Em không thể nào nhầm được!
Minh chậm rãi khẳng định:
- Tôi tên là Minh!
 Người đàn ông tiến tới bắt tay Minh rung rung:
- Lúc nhận được tin báo của bác sĩ Mai, em còn không dám tin. Khi gặp anh, em mới dám chắc chắn là mình còn có phước lớn, nên mới đươc gặp lại ân nhân sau một thời gian dài xa cách.
Minh nói lại rõ ràng:
- Từ trước tới nay tôi luôn mang danh là Minh! Chưa bao giờ được mọi người gọi tên là Hai Bắc cả!
Người đàn ông buông tay Minh, vỗ vào đầu mình, tự trách:
- Trời ơi! Sao mà em ngớ ngẩn thế không biết! Năm 75 khi nằm ở Quân y viện Cộng Hòa, em nào biết tên anh gọi là chi. Chiều ngày hôm trước anh sẻ phần cơm của mình cho em. Sáng sớm ngày hôm sau, lúc gia đình em dưới Cần Thơ tới đón, anh lại đang đi rửa vết thương. Theo yêu cầu của ban quân quản, em bị buộc phải rời khỏi buồng bệnh ngay. Nên không gặp được anh để nói một câu cảm tạ.
Thấy Minh vẫn im lặng, không nhận ra mình. Người đàn ông  lên tiếng kể lại:
- Buồng bệnh ngày ấy có tám người, đều có vết thương ở chân. Chỉ có em là lính ngụy, còn bảy anh là giải phóng cả. Bữa ấy chỉ có bảy suất ăn, vì là lính ngụy nên em không có tiêu chuẩn. Anh đã lấy thêm một cái khay không, cùng với mọi người sẻ cho em tiêu chuẩn ăn ít ỏi của mình. Anh nhớ ra chưa? Về tới nhà em mới biết mình ngu, vì không hỏi mọi thông tin về anh. Em kể lại cho người nhà câu chuyện xảy ra với mình. Và gọi anh bằng cái tên Hai Bắc. Tức là coi anh là anh cả, người ngoài Bắc. Cả nhà em đều gọi anh như vậy, mỗi khi nhắc tới chuyện này! Mỗi khi kể lại cho người khác nghe câu chuyện về anh. Rất may là sau này em tìm gặp được Út Mai, bác sĩ trực phòng ngày ấy. Người đã chứng kiến câu chuyện từ đầu đến cuối. Em nói với Út Mai, nhờ bác sĩ nếu biết tin gì về anh, thông báo cho em biết ngay. Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu em cũng sẽ có mặt. Khi Út Mai gọi điện báo tin, cả nhà em từ Cần Thơ nên đây luôn.
Không để cho Minh kịp phản ứng trước lời nói của mình. Ông ta quay lại đám người đứng sau nói tiếp:
- Nào mọi người khoanh tay, cúi đầu chào ân nhân của gia đình mình đi.
Minh ngượng ngùng trước cảnh mọi người khoanh tay, cúi đầu chào mình. Anh lên tiếng phân trần:
- Tôi có làm được gì đâu mà ông lại gọi tôi là ân nhân của gia đình. Xin mời mọi người vào trong nhà đã.
Minh cầm tay người phế binh năm xưa, thầm thì;
- Ông quan trọng quá mất rồi, chỉ có một bữa ăn thôi mà. Ông đã làm tôi xấu hổ với mọi người, đừng làm gì thái quá nữa nhé.
Ngoài người phế binh ra, tốp người đi cùng ông ta còn có vợ, hai cặp dâu rể và năm đứa trẻ lít nhít đi theo.
Út Mai nhận được tin, bèn trở về nhà giúp Minh tiếp khách.
Người phế binh nằng nặc nói, muốn đón Minh về dưới quê cho cả họ biết mặt. Ông cho Minh biết thêm:
- Họ hàng nhà em đông lắm. Nghe tin em tìm được ân nhân đều muốn kéo lên đây chào anh. Giờ anh không đi, em về dưới quê không biết ăn nói với mọi người ra sao cả.
Quay sang Út Mai, người phế binh nài nỉ.
- Cả bác sĩ cũng phải đi luôn một thể. Mọi người quen thân trong dòng tộc, cũng đang mong muốn biết mặt những ân nhân đã cứu chữa giúp đỡ cho em trong những ngày ấy, mà không phân biệt đối xử gì.
Minh bất ngờ khi được người phế binh cho biết: Dạo đó chính Út Mai đã bỏ tiền ra mua thuốc về điều trị cho mình. Vì trong những ngày cuối ở Quân y viện Cộng Hòa, ông ta bị cắt hết mọi tiêu chuẩn liên quan.
Lúc cùng gia đình người phế binh về dưới quê, Minh được biết gia cảnh của người phế binh nọ qua lời ông kể:
Trước đây em chuyên kinh doanh hải sản, xuất khẩu sang Mỹ và các nước thuộc khối EU. Tuy có lãi nhưng phập phù, không ổn định. Phải lo nghĩ và tính toán rất nhiều, vì sản phẩm phụ thuộc hoàn toàn vào đầu ra. Mấy đứa con em, lại chẳng đứa nào chịu theo nghề của ba cả. Con gái và thằng rể thì dạy học. Còn con trai lại chuyên sản xuất phân bón. Cô con dâu thì hoạt động trong lĩnh vực dược. Hai vợ chồng em xoay sở không nổi. Được một thời gian em chuyển nhượng Công ty cho người khác, chuyển hướng làm ăn. Hiện tại, gia đình em đang trồng cấy và chế biến dược liệu cung cấp cho nhà máy dược trong vùng, tuy lãi ít nhưng ổn định. Vì từ khâu đầu đến khâu cuối đều theo một qui trình khép kín, nghiêm ngặt. Sản phẩm làm ra, được nhà máy bao tiêu toàn bộ theo hợp đồng. Việc trồng cấy theo thời vụ nên em còn có đôi chút thời gian rảnh rổi. Chứ như hoạt động bên lĩnh vực hải sản, công việc bận lút đầu. Chẳng có thời gian rảnh, không đi đến được đâu cả. Em cũng đang định ra Bắc, tìm anh theo địa chỉ Út Mai còn lưu giữ. Em mà không gặp được anh, thì cuộc đời em luôn luôn không có được bằng an vì sự vô tâm của mình ngày ấy. Hôm qua biết tin về anh, hôm nay cả nhà em thu xếp lên Sài Gòn từ lúc gà gáy. Còn họ hàng, người thân khác ở dưới quê đang chuẩn bị mọi thứ để đón chào ân nhân.
Người phế binh tâm sự thêm:
- Gia đình em như Hợp chủng quốc thu nhỏ vậy. Ba dượng, người đã coi em như con mình sinh ra đã đeo lon đại úy hải quân của Việt Nam Cộng Hòa. Đấy là sau giải phóng em mới được biết, khi ba đẻ ngoài Bắc trở về thăm quê. Ông là cộng sản nòi, đã theo học trường Đảng cao cấp ở tận Liên Xô. Ở ngoài đó, ba đẻ cũng có gia đình mới. Ông vừa nghỉ hưu, hiện  ở với vợ chồng em. Hiện tại, em có tới một tiểu đội em ruột! Đứa thì cùng má khác ba, đứa lại cùng cha khác mẹ. Còn ba thằng rể trước là lính sư 5 bên giải phóng. Cô con dâu lại có ba là sĩ quan không lưu ở sân bay Trà Nóc1. Trong một lần nhà em có việc làm cơm mời mọi người. Ruợu vào lời ra, nhiều người kể lại những câu chuyện cũ của cả hai phía, ai cũng có cái lý của mình. Đang sôi nổi luận bàn, ba em e hèm phán một câu xanh rờn: “Mọi người xếp hết những cái chuyện cũ lại cho bọn trẻ nó nhờ. Bây giờ là lúc phải tìm cách làm sao cho cuộc sống ngày càng tốt hơn.”
Ngồi trên xe Minh im lặng nghe câu chuyện của người phế binh ngụy năm xưa. Minh muốn dãi bày sự suy nghĩ của mình, nhưng chẳng nói nổi thành lời. Đâu chỉ riêng anh ta, mà còn có rất nhiều người lính khác ở cả hai phía, kể cả tôi nữa. Đều đang trên con đường đi tìm lại sự bằng an cho tâm hồn mình.

Chương 9anh_bia


CON ĐƯỜNG ĐÃ ĐI QUA
 
    Tìm mãi Minh mới đến được nơi đội hình của đơn vị mình bị bom đánh hôm 30/4. Khi anh xác định được con đường đi đến dinh Độc Lập ngày ấy, Minh bảo Út Mai ngồi sau để anh cầm lái. Những kỷ niệm của ngày ấy ùa về, Minh bồi hồi nhớ lại từng chi tiết nhỏ
Dạo tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh  lịch sử, Minh được bổ sung sang một đơn vị đặc biệt mới được thành lập theo yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện tại. Cánh quân mà phân đội của Minh tham gia tiến quân theo hướng Tây Nam.
Lúc lên đường mọi người nhận được lệnh: “Để bớt lại trang bị cá nhân, mang thêm một cơ số đạn. Trong quá trình tác chiến: Tử sĩ, thương binh sau khi băng bó xong sẽ để nguyên tại chỗ cho tuyến sau giải quyết. Cái đích cuối cùng của đơn vị là dinh Độc Lập. Trường hợp ai đi lạc cũng phải tìm đến bằng được mục tiêu cuối cùng này.”
Mọi người được phát một mảnh vải nhỏ  nửa đỏ, nửa xanh để buộc trên cánh tay áo - Ký hiệu của quân ta trong chiến dịch giải phóng Sài Gòn.
  Từ địa điểm đang tác chiến, phân đội của Minh chọn con đường ngắn nhất, hành quân thần tốc hướng về mục tiêu đã được phân công. Sau khi vượt qua sông Vàm Cỏ Đông, bỏ lại sau lưng thị xã Hậu Nghĩa, băng qua Đồng Tháp Mười, luồn lách tránh các ổ đề kháng của địch, phân đội của Minh đã có mặt ở một địa điểm nằm gần ngã ba Bà Kẹo.
Đối với một đơn vị đã hai lần tham gia đánh vào Sài Gòn trong dịp tết Mậu Thân năm 68, anh em trong phân đội hiểu sự khốc liệt của trận đánh cuối cùng này. Những bài học xương máu rút ra từ các trận  tác chiến trong đô thị lớn của địch được nêu lại, toàn đơn vị bàn bạc khá tỷ mỉ mọi tình huống có thể xảy ra.
  Thành phố Sài Gòn đối với nhiều đồng chí trong phân đội  không có gì xa lạ. Trước khi ra bưng biền, họ đã từng là những đứa con của đường phố. Hơn nữa, kỷ niệm xương máu của hai lần tiến quân trước vẫn khắc sâu trong tâm khảm của mỗi người. Họ truyền đạt kinh nghiệm tác chiến bằng đủ mọi cách. Lúc nghiêm khắc chi li, khi bông đùa làm cho những người mới tham gia lần đầu tránh được sự căng thẳng. Chính sự bình thản của họ đã giúp cho những người lính mới rất nhiều. Họ nói nhiều về những tình huống sẽ gặp phải khi tác chiến trong thành phố. Không cần nhìn sa bàn tiến quân, họ vẫn nói vanh vách từng con đường đơn vị sẽ đi qua.
Lúc vượt kênh Sáng Xẻo Rô - Một con kênh nhỏ nằm ở ngoại ô đô thành Sài Gòn - Minh suýt mất mạng tại đây. Lý do thật đơn giản: Lúc vượt kênh, có một chiến sĩ bộ binh mới ngoài Bắc vào ở đơn vị bạn xin  đi cùng. Cái bồng nhỏ bé của anh được bọc ni lông làm phao trở nên nặng nề khi phải chịu thêm một người không hề biết bơi, kèm theo cả trang bị vũ khí cá nhân. Sang gần đến bờ bên kia, một đám rong rêu do những người đi trước quẫy đạp làm đứt, trôi đến quấn chặt lấy đôi chân của Minh. Bấy giờ Minh thực sự hoảng loạn khi bị anh bạn kéo chìm theo xuống nước. Lúc đôi chân chạm đáy, Minh lấy hết sức bình sinh đạp mạnh, nhoi đầu về phía trước và thở phào nhẹ nhõm khi nhận thấy cả hai đã vào đến vùng an toàn.
 Tại điểm tạm dừng chân, trong lúc mọi người tranh thủ chợp mắt nghỉ ngơi, lấy sức cho chặng hành quân kế tiếp, Minh lại lần theo tiếng mõ đến một ngôi chùa nằm cạnh một nghĩa trang. Tại đây Minh đã tiếp xúc và đàm đạo với vị sư trụ trì.
Cầm trên tay chén trà nóng thoang thoảng hương sen, Minh liếc nhìn những dòng thư pháp vị sư vừa thảo trên một bức tranh - Bức tranh đó nói về số phận giàu nghèo của kiếp chúng sinh - Rất nhanh, Minh và vị sư trở nên một đôi bạn tâm giao. Họ cùng nhau bàn luận về đề tài trên. Lúc chia tay, nhà sư trao tặng Minh một bài thơ tiễn biệt:
“Kính chúc hiền huynh được bằng an
Trên chặng đường tới đích vinh quang
Khói lửa chiến tranh rồi sẽ dứt
Non nước ca chung khúc khải hoàn”
Để đáp lễ, Minh ghi vội đôi dòng cảm tác về bức tranh vừa được xem:
“Giàu nghèo sang hèn
                            có nghĩa lý chi đâu
 Khi nụ cười của Phật Tổ
                                 còn mang nặng nỗi đau nơi trần thế."
Đêm 29, trực thăng của Mỹ bay rợp trời, nhiều cái xà xuống rất thấp, có thể bắn rơi ngay từ loạt đạn đầu. Nhưng chẳng hiểu sao phân độị nhận được lệnh không được bắn vào máy bay của địch. Mặc dù vũ khí của tất cả mọi người vẫn còn đầy đủ cơ số đạn.
Ngày ấy Minh đoán mò: Đạn được để giành cho các mục tiêu quan trọng hơn. Mãi sau ngày giải phóng, anh được nghe loáng thoáng, chủ trương của trên: Phải tạo điều kiện cho người Mỹ thực hiện chiến dịch di tản được thuận lợi.
Sáng 30/4, toàn phân đội tiến ra đường Lê Văn Duyệt tập hợp với một đơn vị khác thành một đội hình lớn, đủ mạnh, cùng hành tiến về các mục tiêu đã được phân công.
Bấy giờ, hai bên đường hành quân nhân dân đã đứng chật cứng, vẫy chào đoàn quân giải phóng. Đến gần ngã tư Bảy Hiền, phân đội của Minh bắt gặp một đơn vị khác đang chuẩn bị đội hình hành tiến có cả xe tăng đi cùng. Cho mãi tới lúc này, mọi người trong phân đội mới biết hướng tấn công của mình còn rất nhiều đơn vị khác, có hỏa lực rất mạnh. Nhiều chiến sĩ đang ngồi bám trên tháp pháo hò reo ầm ĩ, khi nhận ra Minh là đồng hương. Họ tung cho bọn Minh đủ loại quà bánh vừa được nhân dân tặng. Minh cùng mọi người hét vang, hẹn gặp nhau ở dinh Độc Lập.
Đơn vị Minh mới băng lên trước một quãng, bất chợt anh nhận ra tiếng rít của bom rơi. Một phi đội phản lực cánh bằng của địch từ Cần Thơ bay tới oanh kích đã gây cản trở cho mũi tiến quân của ta ở hướng Tây Nam thành phố. Chúng ném bom bất chấp cả đồng bào đứng đón chào quân giải  phóng đen đặc cả hai bên đường. Minh vội vã nhào vào một góc phố, nằm ép mình xuống đất. Những tiếng nổ lộng óc, sức ép làm lồng ngực anh tức thở, khói bom đen ngòm phủ kín cả khu vực. Một mảnh bom nóng bỏng bằng hai đầu ngón tay còn dắt lại trên chiếc xẻng pháo Mĩ được Minh che vội trên đầu. Minh ngoái đầu nhìn trở lại. Trời ơi! Trên mấy chiếc xe tăng vừa nãy đen đặc người bám, giờ trống không!
Theo lệnh cấp trên, Minh và một người nữa nhận nhiệm vụ quay lại cùng tham gia cấp cứu thương binh. Lúc bấy giờ bộ đội và nhân dân bị tử thương nhiều lắm, nằm la liệt cả hai bên đường. Bông băng hết, Minh nói với nhân dân xúm quanh: “Nhà ai có vải mới ủng hộ xé làm băng.”
Khi bàn giao Thương binh tử sĩ cho tuyến sau, nhóm anh em Minh bàn nhau tìm cách trở lại đơn vị. Mọi người nhận ra hầu như các đoàn quân đã nhằm những mục tiêu được phân công băng tới. Nếu đi theo trục đường lớn quân ta vừa đánh tràn qua sẽ gặp ít trở ngại, nhưng không kịp thời gian vì tình hình giao thông rất hỗn loạn. Mặc dù các ổ đề kháng lớn nào của địch đã bị quân ta đè bẹp. Song tình hình bấy giờ rất phức tạp, trong đám loạn quân địch đang tràn ngập thành phố không hiếm những kẻ cuồng tín, ngoan cố căm thù cách mạng, sẵn sàng tử thủ, điên cuống xả súng vào quân giải phóng. Một phần lớn bọn chúng đã lui sâu, tránh xa trục đường tiến quân chính của ta, lẩn trốn trong các khu dân cư đông đúc.
Để có đủ sức mạnh, Minh đề nghị tất cả những ai đi nhỏ lẻ, hãy ghép lại thành một đoàn đi chung. Lời yêu cầu của Minh được mọi người hưởng ứng, một đoàn hành tiến mới được thành lập. Với quân số và vũ khí có trong tay, mọi người không ngại bất cứ một trở ngại nào.
Đang băn khoăn xem xét bản đồ chọn tuyến đường phố để tiến quân với tốc độ nhanh nhất, mong sao đuổi kịp đơn vị. Bất chợt Minh được một đồng chí công tác bên Thành Đoàn  đề nghị: “Muốn đi thật nhanh phải chọn lối tắt. Mình rất rõ những con đường nhỏ dẫn thẳng tới dinh Độc Lập và đã huy động được một số học sinh, sinh viên tình nguyện có trang bị xe gắn máy xin đi cùng. Với phương tiện gọn nhẹ này, chúng ta sẽ cơ động, luồn lách bất cứ hẻm phố nào.”
Lúc chuẩn bị hành tiến, Minh có nói với mọi người trong đoàn: “Các đoàn đều có cờ dẫn đầu đội hình lúc hành quân. Chúng ta cũng cần phải có.”
Mọi người ngơ ngác nhìn nhau vì trong đoàn không một ai có cờ đỏ sao vàng, hoặc cờ giải phóng cả. Lý do thật giản đơn vì đội hình của bọn Minh là nhiều mảnh nhỏ ghép lại. Thấy thế Minh bày tỏ: Mình được đơn vị giao cho giữ một lá cờ của Đoàn thanh niên nhân dân cách mạng Hồ Chí Minh. Nếu mọi người đồng ý, chúng ta sẽ lấy lá cờ này làm cờ hành quân.
Đoàn xe gắn máy của bọn Minh rẽ vào con đường tắt nhỏ hẹp, rú ga lao thẳng về dinh Độc Lập với tốc độ cao nhất.
Vì không đi được xe máy, lại chẳng biết đường, Minh được mọi người đề cử là người cầm cờ. Lá cờ nửa đỏ, nửa xanh mang hình huy hiệu Đoàn tung bay trong gió. Gần đến nơi Minh nhận ra một loạt tiếng súng 12ly8 gầm vang. Phân đội của Minh tiến vào dinh Độc Lập ở phía cổng ngang. Lúc này ở sân trước của dinh đã có mấy cái xe tăng của ta còn đang rú máy. Cùng lúc đó rất nhiều cánh quân khác cùng lao tới. Giống như bao người lính cầm cờ khác, tất cả mọi người trong đoàn chạy lên tầng trên thi nhau hò reo, vẫy cờ.
Nhưng cũng chẳng biết tai sao, lúc bấy giờ nước mắt  của Minh lại chảy dài thành vệt trên khuôn mặt còn sạm đen vì khói bom và vương đầy cát bụi. Giây phút đó, Minh chỉ nghĩ tới những đồng đội vừa ngã xuống trên đường phố Sài Gòn.
**
   Ngày hôm nay, khi Minh cầm lái đưa Út Mai đi lại con đường ngày xưa anh đã đi qua. Minh như được sống lại cái cảm xúc hôm nào. Anh cho xe chạy chầm chậm, ngó nghiêng hai bên. Thấy thế Út Mai ngạc nhiên, cất tiếng hỏi:
- Mình đến thăm dinh Độc Lập, sao không thẳng theo lối đại lộ cho dễ đi?
Minh trả lời:
- Đây là con đường bọn tôi đã đi vào ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Khi đến dinh Độc Lập, Minh chọn cái gốc cây anh đã mắc võng ngủ vào cái đêm hôm ấy. Cái gốc cây nằm ở chỗ khuất, nhưng rất mát. Tai đây Minh kể cho Út Mai nghe lại câu chuyện trên.
Út Mai đề nghị:
- Ngày mai chúng mình sẽ đến thăm ngôi chùa anh đã dừng chân. Hỏi thăm xem vị sư trụ trì ngày ấy bây giờ ra sao.
Hôm sau, khi thấy Minh cất tiếng chào, vị sư ngày nào chắp tay thi lễ:
- Mô Phật! Thí chủ là...à...
Thấy vị sư ngập ngừng không nói hết câu. Minh đỡ lời:
- Là người lính giải phóng mà nhờ có lời chúc phúc của thầy năm  xưa, mới được bằng an cho đến tận ngày hôm nay.
Vị sư trụ trì cầm tay Minh dắt vào trai phòng, vừa đi Minh vừa đọc bài thơ tiễn biệt mình ngày nào.
Minh nói với nhà sư:
- Còn bản viết tay, định giữ lại làm kỷ niệm, giờ không còn nữa, nó đã bị bom xé nát ở ngã tư Bẩy Hiền mất rồi.
Minh bất ngờ khi thấy vị sư trụ trì lấy từ trên ban thờ Phật, cho anh xem một cái đĩa sứ. Bức tranh chữ thay cho họa tiết trang trí cái đĩa, là hai câu cảm tác Minh đã ghi vội lúc rời chùa.
Thay vì dừng chơi trong chốc lát, hai người đã dùng bữa cơm chay trưa với nhà sư. Nhìn họ say sưa bên nhau như đôi bạn tri âm, Mai không nỡ giục Minh đi tiếp đến các điểm khác theo lịch trình đã bàn. Lúc ra về,  sư thầy tặng cho Út Mai cái đĩa sứ có ghi câu thơ cảm tác của Minh.
Lúc trao cho cô, sư thầy bày tỏ:
- Mặc dù trong suốt buổi ta và người bạn đây đàm đạo, thí chủ không nói  một câu. Song ánh mắt của thí chủ đã cho ta thấy: Thí chủ là người biết im lặng, biết lắng nghe, biết sẻ chia. Và hơn hết, là tri âm của người bạn mà ta yêu quí! Cái đĩa này rất nhiều người muốn sở hữu nó. Có người trả rất rất nhiều tiền, hứa hẹn sẽ công đức cho nhà chùa các thứ có giá trị cao. Thậm chí nó từng bị kẻ gian lấy cắp, bị thất lạc, nhà chùa cũng đã tưởng mất. Song chẳng hiểu nguyên do tại sao, nó lại trở về chỗ cũ mà ta cũng không biết tại vì sao nữa ? Nay ta tặng cho thí chủ vì một lẽ giản đơn. Chỉ có thí chủ mới giữ được nó! Thí chủ sẽ giữ gìn nó hộ hai người chúng tôi trong suốt cuộc đời này có được không?
Út Mai gật đầu đồng ý:
- Con sẽ cố gắng bảo quản nó theo lời thầy dặn.


1 , Sân bay thành phố Cần Thơ

 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 

VŨ NHO 085 589 0003

CHÚC MỪNG TS NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC VỚI TẬP THƠ ĐỘC ĐÁO, IN ĐẸP!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÁI PHỤC BÀ MÂY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Thuộc loại "chuyện bây giờ mới kể" đây! Cám ơn tác giả! Mượn lời bà SUỐI để nói về bà MÂY: "Bái phục bà MÂY" ! Haiza!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN VÀ BAN BIÊN TẬP ĐÃ ĐĂNG BÀI VIẾT NHÂN DỊP NHÀ THƠ NGUYỄN HUY HOÀNG RA MẮT TUYỂN THƠ VÀ TRUYỆN KÍ TẠI HỘI TRƯỜNG HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM!

 

Cầm Sơn - 0913269931

Cũng cần cảm thông với ông Troussier. Nếu nói về thành tích trong quá khứ, ông Park Hang Seo không thể sánh với ông Troussier được. -Trong sự nghiệp huấn luyện đồ sộ của mình, giai đoạn thành công nhấ...

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN! ÔNG HLV NGƯỜI PHÁP CHƯA BAO GIỜ THÀNH CÔNG "VANG DỘI"! CÓ ĐIỀU NÀY ĐÚNG: CHẢ NÊN TRÁCH ÔNG TA NHIỀU! TRÁCH LÀ VFF QUÁ TIN ÔNG TA, KẺ CAO NGẠO, BẤT TÀI! VẬY THÔI!

 
Xem toàn bộ
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0964 131 807
Email: soncam52@gmail.com
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công nhân.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông Chi hội Nhà văn Công nhân.