Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

NGHIÊNG MÌNH KÍNH CẨN CHÀO ANH

Cầm Sơn

NGHIÊNG MÌNH KÍNH CẨN CHÀO ANH!

  Nhà văn Lê Phan Nghị có một thời gian làm việc tại Trung tâm Bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du. Ông không phải là nhà giáo nhưng dù chỉ một ngày làm việc ở cương vị quản lý học viên và chúng tôi là là học viên lúc ấy thì cũng coi ông như là một nhà giáo. Nhân ngày Hiến chương các nhà giáo 20 tháng 11 năm 2023, tôi lại có phút giây bâng khuâng tưởng nhớ đến ông.

lephanghi

  Nhà văn Lê Phan Nghị vừa như là người anh, vừa như là người bạn vong niên với tôi. Anh đã từng làm thư ký riêng của cố Bí thư tỉnh uỷ Vĩnh Phú Kim Ngọc, làm Giám đốc Công ty Dự trữ Vật tư Quốc gia Vĩnh Phú, Thư ký Uỷ ban XDCB Vĩnh Phú và qua rất nhiều chức vụ trong bộ máy công quyền. Tôi quen biết và thân thiện với anh từ thời còn đang công tác, lúc ấy anh là hội viên Hội VHNT các dân tộc Thiểu số VN. Anh thường hay đến với tôi chủ yếu là để tâm tình và lấy tư liệu viết bài, cũng có lúc tôi cho anh một cái quảng cáo ở báo này, tạp chí nọ nhưng cái đó không phải là lý do chính để chúng tôi thân nhau. Tôi hỏi anh làm sao mà anh lại ở cái Hội VHNT các dân tộc thiểu số? Anh bảo mẹ anh là người Chăm Pa. Quê bố anh ở Hà Nam, ông cụ tham gia cách mạng được cử vào miền Nam công tác rồi gặp mẹ anh trong đó nên anh thuộc đối tượng học sinh miền Nam được cử ra Bắc học. Anh bảo tôi chú mày viết nhiều về vùng các dân tộc thiểu số lại có bút danh họ Cầm của người Thái Tây Bắc thì cũng nên xin vào Hội VHNT các dân tộc thiểu số đi. Thực lòng thì tôi cũng không hào hứng lắm vì còn công việc, một cái Hội viên Hội VHNT tỉnh là đủ nhưng anh bảo cứ xin vào đi, hay lắm đấy. Anh làm đầy đủ hồ sơ, đơn xin cho tôi, tôi chỉ việc ký vào là xong. Sau đó anh lại đi vận động nhiều người để ủng hộ tôi, hoàn toàn vô tư và rất nhiệt thành. Năm ngoái, anh gọi điện cho tôi bảo chú mày và Thuyên kỳ này tham gia lớp bồi dưỡng viết văn ở Tây Nguyên đi, lúc ấy tôi và Quang Thuyên đang ở trại viết Vũng Tàu, cập rập không thể về kịp. Tháng 5 năm nay anh lại gọi bảo tham gia lớp ở Yên Bái, vậy là tôi mới biết chứ không có thông tin gì từ phía Hội VHNT Phú Thọ. Cuối tháng 6 anh lại gọi cho tôi bảo cử chú mày làm lớp trưởng. Tôi nói với anh là tôi không nhận đâu, việc này phải để người ở Yên Bái đảm nhận. Anh bảo đã báo cáo và được nhà văn Nguyên An đồng ý rồi, người ở Yên Bái sẽ bố trí làm lớp phó còn chú mày phải làm lớp trưởng để trợ lý giúp anh điều hành lớp học. Tất nhiên lớp trưởng một khoá bồi dưỡng có mấy ngày thì đâu có là cái chức tước gì nhưng nó là sự thể hiện tình cảm yêu mến, tin tưởng của anh dành cho tôi. Ngày 29 tháng 6, xe của Quang Thuyên chở anh Trần Miều, Trần Hanh, Thế Yên và tôi lên nhập học. Tối ấy anh gọi tôi sang khách sạn Hồng Nhung nơi anh ở. Anh lấy một can rượu 5 lít từ trong tủ ra bảo là của thằng cháu mang từ Hà Nam lên, rượu rất mạnh nhưng thơm ngon giống rượu quê tôi, đổ ra chén đốt cháy bùng bùng. Hôm sau, tôi đến phòng anh gặp nhà thơ Pờ Sảo Mìn cũng thấy hai anh đang uống rượu, nghĩa là cứ có người đến thăm là anh lại làm một hai chén. Mấy hôm sau, anh chuyển sang ở hẳn bên trường để gần học viên. Tôi hay đến phòng anh để giúp anh chỉnh sửa danh sách học viên và trao đổi về chương trình học tập. Anh thường thức khuya, dậy sớm và sinh hoạt thất thường. Vốn dĩ người vợ anh đã mất từ lâu, đàn ông sống độc thân không có bàn tay phụ nữ chăm sóc thì ít chú ý đến sinh hoạt thường nhật nên khó mà điều độ được…

  Buổi sáng ngày thứ hai mồng 09 tháng 7. Anh đến phòng chúng tôi cho Quang Thuyên một điếu thuốc lá Xì gà nói là của nhà văn Đỗ Chu mới đi nước ngoài về tặng anh hôm qua. Anh vốn dĩ cùng học Đại học Xây dựng với Quang Thuyên, anh là cán bộ đi học và là lớp trưởng của Thuyên ngày ấy. Chúng tôi mời anh đi ăn sáng anh bảo có chỗ đi rồi. Mọi hôm chúng tôi thường thấy anh hay đi cùng một nhóm có xe đưa đi nhưng không hiểu sao buổi sáng hôm ấy anh lại không đi cùng nhóm ấy và cũng không ăn sáng ở đâu.

   Giờ giải lao, anh lên lớp phổ biến mấy việc lặt vặt rồi về phòng. Tan học, Quang Thuyên gọi tôi bảo lên xe đi cùng đưa nhà văn Nguyễn Khắc Trường về bên khách sạn. Cùng lúc ấy tôi nhận được điện thoại của nhà văn Hà Lâm Kỳ- Hiệu trưởng trường VHNT & DL Yên Bái nói rằng các anh cử người sang bệnh viện tỉnh ngay, anh Nghị bị truỵ tim đang cấp cứu. Sau khi đưa anh Khắc Trường về khách sạn, chúng tôi cho xe chạy ngay về bệnh viện tỉnh. Đến đấy đã thấy nhà thơ Ngọc Chấn – Chủ tịch Hội VHNT Yên Bái. Ngọc Chấn tưởng xe chúng tôi chở anh Nghị nên điều hành cho xe chạy lên sảnh, nhưng hoá ra xe cấp cứu chưa đến. Khoảng 10h 50p xe 115 của bệnh viện mới chở anh đến. Tôi cùng Quang Thuyên tham gia khiêng cái cáng anh nằm, tôi phía đằng đầu, Thuyên phía đằng chân. Do có sự gặp gỡ trước của nhà thơ Ngọc Chấn nên băng ca chở anh được kéo nhanh vào phòng cấp cứu. Cả thạc sĩ bác sĩ trưởng khoa, phó trưởng khoa và nhiều bác sỹ xúm vào cấp cứu cho anh. Nhưng đã quá muộn. Bác sĩ Trưởng khoa trao đổi với chúng tôi là anh đã ngừng thở trước lúc đưa vào bệnh viện…

  Theo lời Nguyễn Minh Dương – giảng viên hiện đang làm công tác quản lý sinh viên thì lúc từ lớp học về phòng, bác Nghị thấy khó chịu trong người nên gọi Dương đến nhờ tìm y tá truyền một chai nước nhưng y tá nhà trường không làm được nên Dương đã lấy xe máy chở bác Nghị ra bệnh viện Tràng An, một bệnh viện tư nhân ở cạnh trường. Khi đến bệnh viện, bác Nghị vẫn đi lại, nhân viên bệnh viện có nói với bác Nghị là mời bác ngồi xuống ghế đợi cháu làm thủ tục cái đã. Khi bác Nghị ngồi xuống thì bác xỉu ngay. Thầy thuốc ở bệnh viện cũng đã cấp cứu nhưng không đủ phương tiện nên mới gọi điện nhờ xe 115 chuyển lên Bệnh viện tỉnh…

   Kiểu đột tử do truỵ tim thì trường hợp của anh Nghị không phải là đặc biệt, từ trước tới nay đã có rất nhiều trường hợp như vậy và theo phương pháp của Đông y thì có thể cứu được nhờ bấm huyệt. Tôi cũng từng đã bị đột quỵ một lần. Ngày ấy, buổi chiều trước ngày khai giảng lớp Lý luận cao cấp tôi về thăm quê và được anh em ở quê “chăm sóc” nhiệt tình, rất nhiều “Trăm phần trăm”. Sáng hôm sau ra học. Sau giờ khai giảng bước vào tiết học đầu tiên thì tôi bị đột quỵ. Theo lời Nguyễn Văn Thành – Giám đốc công ty Lâm nghiệp Hàm Yên, người cùng học và ngồi gần tôi thì tôi đã chết lâm sàng tới 5 phút. May lúc ấy có Hạnh - bác sĩ ở Công ty Gang Thép Thái Nguyên cũng là học viên của lớp đã yêu cầu: “Mọi người dãn ra cho thoáng, tôi sẽ bấm huyệt, nếu anh ta không tỉnh lại thì tức là anh ta đã ra đi, còn nếu không, sau khi tôi bấm huyệt, anh ta sẽ tỉnh lại”. Và đương nhiên là đến giờ, tôi vẫn đang ngồi viết những dòng này. Theo Đông y thì những trường hợp đột tử nguyên nhân đến từ tim mạch trước hết là do cơ thể quá mệt mỏi dẫn đến hạ đường huyết, tụt huyết áp đột ngột làm tim ngừng đập. Ngay lập tức phải bấm mạnh vào huyệt “Nhân trung” để kích thích cho tim đập trở lại đồng thời phải đặt nghiêng mặt bệnh nhân vì sau khi tỉnh lại, bệnh nhân sẽ nôn hết những gì có trong dạ dày và ruột tránh cho những thứ này tràn vào phổi. Sau khi đã hoàn thành cấp cứu thì cho bệnh nhân uống nước trà gừng hoặc nước đường nóng để tăng đường huyết. Đây không phải là bệnh lý mà chỉ là một trạng thái sốc nguy hiểm. Nếu những người xung quanh biết cách cứu thì rất đơn giản và nếu không biết cách cứu thì sẽ dẫn đến tử vong. Độc giả hãy tìm hiểu thêm ở các sách Đông y hoặc truy cập trên mạng. Cũng nên biết thêm để trong những trường hợp đặc biệt, biết đâu lại chẳng cứu được mạng người?!

  Về tiền sử bệnh án thì nhà văn Lê Phan Nghị chưa có biểu hiện gì về bệnh tim mạch, vậy mà anh đã đột ngột ra đi vì tim mạch, âu cũng là cái số. Khoảng cách giữa cái sống và cái chết ở con người ta thật mong manh. Thoắt cái đã thành người thiên cổ.

   Sau khai giảng, trong buổi hội ý với ban cán sự lớp, anh bảo lớp học này tuy không phải chi tiêu gì nhiều, không cần phải có quà cho thầy vì Trung tâm đã lo cho rồi nhưng dù sao cũng phải có quỹ lớp để chi dùng cho những việc như in ấn tài liệu hoặc những việc đột xuất như đã có trường hợp ở khoá trước đang học tự nhiên anh lớp trưởng lăn đùng ra đột tử. Vậy là chúng tôi đã thống nhất cả lớp mỗi người nộp 250 ngàn đồng. Ai có ngờ đâu rằng, một phần số tiền trong cái quỹ ấy đã dành để ru giấc ngủ vĩnh hằng cho anh.

   Thành tựu về văn chương của anh chưa nhiều nhưng tinh thần tận tuỵ, cần mẫn của anh thật đáng kính nể. Anh sống chân thành với bạn bè, chân thành tới mức khờ khạo. Anh ra đi đột ngột quá, để lại sự bàng hoàng cho chúng tôi và người thân. Dẫu sao, anh cũng đã ra đi trong vòng tay bè bạn văn chương, anh đã vì sự nghiệp văn chương của đất nước này đến tận giây phút cuối cùng của cuộc đời. Chúng tôi kính cẩn nghiêng mình trước vong linh anh. Cầu chúc cho linh hồn anh được siêu thoát và thanh thản ở nơi xa xăm miền Tây Thiên cực lạc.

                                                                                         C.S

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Quảng cáo
congnhan12345
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 1
Trong ngày: 50
Trong tuần: 600
Lượt truy cập: 380629

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ GIỚI THIỆU!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH, NHÀ VĂN CẦM SƠN! RẤT NHIỀU BỨC ẢNH CỦA NGÀY HÔM ĐÓ ĐÃ CÙNG VỚI BÀI NÓI CỦA TÔI LÀM NÊN KHÔNG KHÍ TƯƠI VUI, HÀO HỨNG CỦA BUỔI RA MẮT SÁCH! CHÚC MỪNG NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CHÚC MỪNG TS NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC VỚI TẬP THƠ ĐỘC ĐÁO, IN ĐẸP!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÁI PHỤC BÀ MÂY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Thuộc loại "chuyện bây giờ mới kể" đây! Cám ơn tác giả! Mượn lời bà SUỐI để nói về bà MÂY: "Bái phục bà MÂY" ! Haiza!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN VÀ BAN BIÊN TẬP ĐÃ ĐĂNG BÀI VIẾT NHÂN DỊP NHÀ THƠ NGUYỄN HUY HOÀNG RA MẮT TUYỂN THƠ VÀ TRUYỆN KÍ TẠI HỘI TRƯỜNG HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM!

 
Xem toàn bộ
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0964 131 807
Email: soncam52@gmail.com
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công nhân.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông Chi hội Nhà văn Công nhân.