Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

NỀN MÓNG

Lê Gia Hoài

ĐẶC ĐIỂM NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT “NỀN MÓNG” CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN NHUẬN HỒNG PHƯƠNG

Tiểu thuyết “Nền móng” của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương được Trung tâm Khai thác bản thảo và Tác quyền kết hợp với NXB Văn học ấn hành vào tháng 10 năm 2021. Đây là cuốn tiểu thuyết tâm lý xã hội thứ bảy của nhà văn với những thành công vang dội ở nhiều mặt. Điều này càng làm cho tên tuổi của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương trở nên nổi tiếng hơn trong lòng bạn đọc cả nước.

Với đề tài “chính luận” nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương đã xây dựng ở tiểu thuyết “Nền móng” một không gian truyện rất riêng biệt. Đó là những chuyển động của sự phát triển về mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội ở một tỉnh trung du Bắc Bộ trong thời kỳ đầu sau khi được tách ra từ một tỉnh khác và thời gian cụ thể là vào những năm đầu thế kỷ XXI. Dung lượng sự kiện trong tiểu thuyết chính luận này không nhiều, chỉ tập trung vào giải quyết các xung đột, mâu thuẫn giữ các cá nhân trong hàng ngũ lãnh đạo và các xung đột lợi ích giữa nhân dân với chính quyền các cấp.

Mặc dù là đề tài “chính luận” động chạm đến nhiều vấn đề “gai góc”, “nhạy cảm”, “tế nhị” nhưng với ngòi bút sắc xảo, đầy tài năng và cách vận dụng các thủ pháp tiểu thuyết hết sức linh hoạt, khôn khéo nhà tiểu thuyết Nguyễn Nhuận Hồng Phương đã bước qua “vùng cấm” một cách ngoạn mục và đã làm cho tiểu thuyết “Nền móng” rất dễ đọc, dễ cảm nhận, phù hợp với gu thẩm mĩ không chỉ với những người có địa vị xã hội mà còn rất hợp với những độc giả bình dân vốn ít tiếp xúc với các kiến thức thuộc nền tri thức bậc cao và đặc biệt nó đã chiếm được cảm tình sâu sắc với các văn nghệ sĩ, nhất là các nhà biên kịch và các đạo diễn điện ảnh. Câu nói do chính nhà văn tiết lộ “Chưa bao giờ tôi đọc một cuốn sách nào mà khi đọc xong không muốn buông xuống như khi đọc “Nền móng” của anh” của một người có liên quan đến nhân vật chính ngoài đời là một minh chứng cụ thể cho sự hấp dẫn này.nenmong1

Tại sao lại như vậy? Đó là vì tiểu thuyết “Nền móng” được thiết kế rất giống với một cuốn phim truyền hình dài tập với: “Hai đại cảnh, bốn sự kiện. Chứng tỏ tài năng xây dựng và miêu tả sự kiện trong điện ảnh - Người ta gọi đó là tài năng tổ chức các trường đoạn mang tính đại cảnh” – Nhận định của nhà văn Phạm Ngọc Chiểu về kỹ thuật xây dựng tiểu thuyết “Nền móng” của Nguyễn Nhuận Hồng Phương (Tạp chí Văn nghệ Vĩnh Phúc số 3/2022). Quả đúng như vậy, trong tiểu thuyết này nhà văn đã đưa chúng ta đến với các sự kiện chính trị, kinh tế xã hội… có mở đầu, phát triển, tình huống bất ngờ, cao trào, tình huống bất ngờ và kết thúc. Đây chính là yếu tố làm nên chất kịch rất rõ nét, rất có giá trị của tiểu thuyết “Nền móng”. Truyện diễn ra đan xen giữa các yếu tố song hành tạo sức hấp dẫn cho người đọc. Đó là sự song hành của hành động – tình cảm; hồi ức qúa khứ - tính toán hiện tại – khát vọng tương lai; chính nghĩa – phi nghĩa; tốt – xấu; chủ nghĩa cá nhân – lợi ích nhóm… diễn ra quanh hệ thống nhân vật trong tiểu thuyết. Tất cả những yếu tố đối lập nhau ấy đã tạo nên một sự phát triển với thắng lợi cuối cùng thuộc về cái đẹp, cái tốt, cái chân thiện mỹ của lối sống và phong cách làm việc đầy tinh thần dân chủ của những con người đã thấm nhuần “Tư tưởng phong cách đạo đức lối sống” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Không những vậy, thành công của Nguyễn Nhuận Hồng Phương trong “Nền móng” còn là việc tác giả đã xây đựng được một hệ thống nhân vật “điển hình” với hai tuyến “tốt- xấu” rất đặc trưng. Điều này tạo cảm xúc yêu-ghét; vui-buồn; ủng hộ-phản đối…rất mạch lạc cho độc giả khi tiếp cận với “Nền móng”.

Có lẽ chúng ta không nên quan tâm việc nhà văn lấy nguyên mẫu ngoài đời thực như thế nào, mà chúng ta hãy quan tâm đến diện mạo nhân vật qua ngòi bút của nhà văn để thấy được vẻ đẹp của nhân vật chính trong tiểu thuyết này. Quyền Chủ tịch tỉnh Phúc Vinh với cái tên rất đẹp Nguyễn Trí hiện lên là một người quản lý, một nhà lãnh đạo về dung mạo rất đẹp trai, hào hoa; tính cách cởi mở, thân thiện, gần gũi, tình cảm; sự hiểu biết và trí tuệ sâu rộng, nắm chắc chủ trương, đường lối; giải quyết công việc khôn khéo, thấu tình, đạt lý làm cho không riêng bạn bè, đồng nghiệp, cấp trên, cấp dưới mà ngay cả đến đối thủ, người bất đồng chính kiến hay những kẻ trong “xã đoàn” (tập đoàn xã hội đen) u mê, tăm tối, dã man… đều phải vị nể, kính phục.

Mở đầu cuốn tiểu thuyết chúng thấy hiện lên một hình ảnh Nguyễn Trí rất “khác biệt” khi nắm bắt thông tin xã Đạo Cường với số đông bà con giáo dân nơi đây có thể tổ chức biểu tình vào ngày quốc khánh 02/09. Điều này có thể làm ảnh hưởng xấu tới sự ổn định chính trị và hình ảnh của một Phúc Vinh an bình, tươi đẹp. Với quyền Chủ tịch, anh có thể yêu cầu cấp dưới soạn một công văn hay trực tiếp gọi một cuộc điện thoại cho cấp sở, huyện và yêu cầu họ xuống địa bàn thăm nắm trực tiếp rồi báo cáo lại. Nhưng không, Nguyễn Trí đã có cách tiếp cận riêng mình. Cách tiếp cận với dân, nhất là người dân ở những nơi có khúc mắc với chính quyền như ở xã Đạo Cường bằng việc một mình hành động, lặng lẽ thăm bắt, tiếp xúc trực tiếp, lắng nghe dân nói, thấu cảm dân nghĩ là cách tiếp cận rất “cá tính” mà chỉ có Nguyễn Trí mới dám và có thể làm được. Xuống với dân bằng xe máy, thậm chí đó là chiếc xe khá “cà tàng” một cách bình lặng. Khi nói chuyện với đối tượng là những người dân quen với rộng đồng, với việc làm chân lấm tay bùn như với Nguyện (công nông), với cụ Trùm và bà con giáo dân nơi đây anh đã thể hiện một cách tiếp xúc thật không thể dân dã hơn, thái độ hết sức nhã nhặn, lời nói ôn hòa, cách hành xử đúng mực… để nắm bắt kịp thời các vấn đề liên quan đến công việc cần giải quyết. Việc phản ứng và tiếp cận linh hoạt như vậy đã thể hiện tố chất quản lý, lãnh đạo đầy sự sáng tạo, thiết thực, lấy hiệu quả làm trọng của nhân vật chính.

Nếu đến với Đạo Cường, huyện Tam Kiên Nguyễn Trí phải tiếp xúc với “dòng tư tưởng” của những “con chiên” một lòng kính chúa thì khi đến với am Cổ Chân tại thị xã Tâm An, Nguyễn Trí phải đối mặt với “lòng ngưỡng mộ” bền chặt, “thâm căn cố đế” với thần phật của người dân cũng như các chức sắc phật giáo tại đây. Việc chuyển giếng cổ làm thông con đường mang tên cố Bí thư Hoàng Kim sẽ không thể thực hiện được nếu không có việc Nguyễn Trí trực tiếp xuống nắm bắt và đưa ra phương án khai thông bế tắc. Trong vụ việc cụ thể này Nguyễn Trí đã biết vận dụng nguyên tắc hài hòa giữa việc chung và tình cảm riêng để mọi người dân am Cổ Chân thấy được lợi ích lâu dài của việc chuyển giếng cổ đi nơi khác. Bảo Thoa chính là chìa khóa mở ra nút thắt cho sự kiện này. Cách giải quyết thông minh, sáng tạo hợp lòng dân như vậy thì có gì mà không thể không giải quyết được. Nguyễn Trí đã làm rất tốt việc đó!

Với cương vị của một nhà quản lý, nhà lãnh đạo Nguyễn Trí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tuy nhiên để hoàn thành được nhiệm vụ ấy Nguyễn Trí đã phải vượt qua rất nhiều áp lực, rất nhiều khó khăn thử thách do đối thủ, kẻ thù mang đến. Với Bùi Phẩm – Một đồng chí “tồi” trong cơ quan, người luôn căm tức sự thành công của Nguyễn Trí và luôn muốn lật đổ cái ghế quyền Chủ tịch của anh, cũng như việc lăm le muốn ngồi vào vị trí ấy. Nguyễn Trí đã lấy sự “chí công vô tư” ra để đỗi đãi. Trong cuộc họp thường vụ, Nguyễn Trí không tranh luận trực tiếp với Bùi Phẩm mà đưa ra quan điểm rõ ràng, mạch lạc về cách giải quyết vấn đề Đạo Cường, am Cổ Chân làm cho bí thư Trần Quyết, phó chủ tịch Dương Quang Nghĩa và ngay cả Bùi Phẩm cũng phải nể trọng và để anh triển khai thực hiện một cách an toàn. Mặc dù không trực tiếp tiếp xúc với kẻ xấu xa - Chủ tịch Hà Xuân Hương ở Đạo Cường nhưng Nguyễn Trí luôn có những quyết định mang tính chất ngăn chặn, phòng ngừa kẻ xấu làm thêm điều xấu. Làm lãnh đạo biết nghe nhiều tai, biết xử lý đúng cách, đúng người, đúng việc nên Nguyễn Trí đã thành công khi ngăn đối thủ thực hiện âm mưu và ngăn cái ác phát tác làm xấu đi giá trị tốt đẹp trong những việc anh đang và sẽ làm.

Để có được thành công, giải quyết các công việc “nổi cộm” của tỉnh khi mới chân ướt, chân ráo nhận quyền Chủ tịch tỉnh như vậy, bên cạnh Nguyễn Trí là một “dàn” “cộng sự” tài năng, nhiệt tình, đầy khát vọng và đầy tinh thần trách nhiệm trong công việc. Một thư ký Tùng trẻ trung, năng động, sẵn sàng cùng “sếp” lăn lộn đến những “điểm nóng” đưa ra các tham vấn rất trách nhiệm và sát thực đã làm cho quyền chủ tịch hết sức yên tâm khi giao việc. Tùng đã không phụ sự tin tưởng ấy và hoàn thành tốt trách nhiệm của mình. Một Bảo Thoa hồn nhiên, nhí nhảnh, yêu đời và “dóm dỉnh”, cái “dóm dỉnh”của một đoàn viên thanh niên mang đầy lý tưởng hoài bão và khát vọng sống đẹp đã không ngần ngại việc “nói thật”, đưa ra các “chính kiến” một cách thẳng thắn và đầy sự sáng tạo. Bảo Thoa rất xứng đáng với niềm tin yêu, tin yêu “bất ngờ” của Nguyễn Trí.

 Đôi bạn trẻ Tùng – Bảo Thoa trong tiểu thuyết làm tôi cứ liên tưởng tới Paven coocsaghin – Tonya trong tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” của văn học Nga thế kỷ XX. Họ sống đẹp quá, suy nghĩ tích cực quá, hành động quang minh quá… Tôi yêu hai nhân vật này không chỉ bởi những điều trên mà nó còn bởi vì; mối tình “sét đánh”, rất lãng mạn, rất lý tưởng của đôi bạn trẻ trí thức ấy. Tình yêu của họ làm tươi mát, sống động và “sang trọng” hơn cho tiểu thuyết “Nền móng” mà cốt lỗi viết về những vấn đề chính trị vốn tương đối “khô khan”.

Nếu Tùng, Bảo Thoa, Lợi (đen) Viện trưởng Viện Quy hoạch tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Nữ trưởng Ban dân vận tỉnh… là những cấp dưới của Nguyễn Trí thì những người như Nguyên chủ tịch Trần Kha, đương kim bí thư Trần Quyết là những người thuộc cấp trên của Nguyễn Trí. Những người có tầm nhìn, thấu được cái lẽ mà Nguyễn Trí đang làm, đang theo đuổi và họ đã ủng hộ Nguyễn Trí hết mình. Trần Quyết mở cuộc họp thường vụ, Trần Kha đưa vợ mang nộp tài liệu cho Nguyễn Trí… đã minh chứng cho điều đó. Không những vậy, Phó Chủ tịch Dương Quang Nghĩa được coi là người bạn, người đồng chí tốt của Nguyễn Trí. Có rất nhiều điều Nguyễn Trí đã tâm sự một cách chân tình cởi mở để rồi Dương Quang Nghĩa cảm thấu những suy nghĩ, hành động mà càng thêm tin tưởng, ủng hộ Nguyễn Trí nhiều hơn nữa. Hình ảnh Nguyễn Trí và Dương Quang Nghĩa “ăn cơm bụi, “nhắm lòng lợn với nước lave” đã để lại một ấn tượng sâu sắc với người đọc. Hai người có thể nói là có quyền hành và địa vị cao hàng hai, hàng ba của tỉnh vậy mà trong đời sống sinh hoạt họ lại giản dị quá, tình bạn của họ đơn sơ, mộc mạc và trong sáng quá. Họ đúng là những mẫu nhà quản lý, nhà lãnh đạo rất gần dân, thân dân… Vậy thì có việc khó nào mà họ chẳng giải quyết được. Phúc Vinh thật may mắn có được những nhà lãnh đạo tài năng và bình dị như vậy.

Có một chi tiết mà tôi rất thích khi tác giả kể về nhân vật chính. Đó là chi tết kể, hay nói đúng hơn là xây dựng một “giai thoại”, một giai thoại đẹp về Nguyễn Trí khi anh về nhận chức giám đốc Xí nghiệp Thiết kế. Với mũ bê-rê, kính gọng vàng, quần bò, áo phông, chân đi Adidas, vai đeo ghi ta Nguyễn Trí đã làm bất ngờ đám nhân viên của công ty. Không chỉ bất ngờ mà họ còn sửng sốt khi thấy Nguyễn Trí xướng họ, xướng tên từng người với lý lịch trích ngang chính xác đến từng cm. Sau sửng sốt là sự “kinh hoàng” đến tột độ của các nhân viên khi chứng kiến anh đọc vanh vách từng số liệu các khách hàng trả lại hồ sơ thiết kế, thi công công trình: “Tổng số có 32 hồ sơ, trong đó có 12 hồ sơ của tư nhân, 5 hồ sơ thuộc cấp huyện, 3 hồ sơ ở thị xã Yên Hòa, 4 hồ sơ ở thị xã Tâm An, Số còn lại là các hồ sơ của các công trình trọng điểm trong tỉnh… đặc biệt hồ sơ tháp tiếp sóng truyền hình trên núi Tam Thiên…”. Mới nhậm chức, chưa biết mặt nhân viên mà anh đã thấu tỏ nội tình của xí nghiệp một cách tường tận như vậy làm ai cũng phải kính nể. Qua giai thoại này ta đã thấy được tài năng của nhân vật và tài năng ấy dần hiện lên qua các phân cảnh tiếp theo của tiểu thuyết.

Không chỉ thành công trong việc xây dựng nhân vật chính, nhân vật mang diện mạo “tích cực” mà Nguyễn Nhuận Hồng Phương còn thành công trong việc xây dựng những nhân vật “phản diện” – Những con người đại diện cho những tư tưởng, hành động xấu xa đi ngược lại với chủ trương đường lối của Đảng và sự kỳ vọng, mong đợi của quần chúng nhân dân. Họ lợi dụng vào quyền hạn, chức vụ để tư lợi, đục khoét và vùi dập những người yếu thế. Họ là điển hình của những kẻ mắc bệnh “tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm” mà Đảng và nhân dân ta đang tìm cách chạy chữa triệt để. Bộ não của những sự vụ “cộm cán” như ở Đạo Cường chính là Bùi Phẩm phó chủ tịch tỉnh Phúc Vinh. Tất cả kế hoạch đưa bà con giáo dân Đạo Cường đi biểu tình vào ngày Quốc khánh, chống việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, thuê xã hội đen Hải Phòng bắt giữ cán bộ tỉnh, tìm cách lấy được tài liệu ở nhà cựu chủ tịch Trần Kha nhằm lật đổ Nguyễn Trí, lên nắm quyền…. đều do Bùi Phẩm thiết kế, xây dựng một cách bài bản, làn lớp cho những đàn em bên dưới thực hiện.

Kẻ hăng hái, tích cực nhất trong bàn cờ “lợi ích nhóm” do Bùi Phẩm đạo diễn phải kể tới Chủ tịch xã Đạo Cường, Hà Xuân Hương. Hà Xuân Hương là con tốt không từ bất cứ thủ đoạn nào để có thể đạt được mục đích và mang lại lợi ích cho mình, cho cấp trên của mình. Hắn nổi tiếng với câu nói “Đa kim ngân phá luật lệ”. Hắn ta dùng tiền lôi kéo Phó Trùm Đa, mua chuộc nhân dân đi biểu tình, thuê xã hội đen bắt cán bộ, tự mình vác mặt đến nhà cựu chủ tịch tỉnh Trần Kha mua chuộc, đe dọa, đòi lại tài liệu về những thửa đất “phát sinh” thời Trần Kha đương chức… Tất cả những hành động đi ngược lại luân thường, đạo lý, đi ngược lại với quan điểm chỉ đạo và nguyện vọng của đại đa số quần chúng nhân dân của Hà Xuân Hương như vậy đều phải trả giá. Những việc làm của Hà Xuân Hương chỉ có thể lừa bịp được những kẻ ngu xuẩn, mông muội như Phó Trùm Đa nhưng không thể qua mắt quần chúng nhân dân lao động chính nghĩa như Nguyện (công nông), cụ Trùm, ông Thắng bố của Lợi (đen)… Kết quả Hà Xuân Hương đã bị bắt và chắc sẽ phải chịu tội thích đáng trước pháp luật.

Hình ảnh Bùi Phẩm và Hà Xuân Hương đúng là “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, bọn chúng là hiện thân của những cái xấu, hiện thân của những trở ngại cho sự phát triển mà trên con đường đi tới thành công những người như Nguyễn Trí, Tùng, Bảo Thoa… cần phải loại bỏ, rọn sạch thứ rác rưởi ấy ra khỏi hệ thống để làm cho Phúc Vinh ngày càng phát triển hơn.

img_7282Là một người thường xuyên theo dõi và rất yêu thích những trang văn của Nguyễn Nhuận Hồng Phương tôi thấy hơi tiếc một điều rằng. Khi xây dựng hình tượng nhân vật “phản diện” nhà văn đã để cái xấu, cái tiêu cực bộc lộ hơi nhẹ, hơi nhạt, thiếu đi bản chất thực vốn rất đỗi khủng khiếp, nặng nề, đậm đặc của những kẻ mang dã tâm ác quỷ với nhân dân, với đồng loại. Có lẽ nhiệm vụ của nhà văn đương đại là tạo ra những trang văn, những hình tượng cao đẹp để lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống, thế nên chúng ta cũng phải thấu cảm, cũng phải thấu hiểu vì sao Nguyễn Nhuận Hồng Phương lại kiềm chế cảm xúc, kiềm chế tâm mình khi viết về cái xấu, cái “tiêu cực”. Tác giả viết như vậy âu cũng là góp một phần tạo ra những giá trị tinh thần đẹp cho người đọc khi thưởng thức những tác phẩm của ông.

Tiểu thuyết “Nền móng” lôi cuốn người đọc không chỉ bởi thủ pháp xây dựng nhân vật tài tình của nhà văn mà bên cạnh đó còn là việc xây dựng những tiểu cảnh đan lồng trong các đại cảnh làm nên sự mềm mại, lãng mạn đầy vẻ hấp dẫn của tiểu thuyết. Tiểu cảnh Nguyễn Trí chia tay Tuệ Minh (sau này là sư cô Xuyến Chi ở am Bạch Vân) lên đường Nam tiến theo tiếng gọi của non sông đất nước, thật đẹp, thật lãng mạn, cái lãng mạn bi thương của thời đại mà biết bao đôi trai gái thời bấy giờ đã có điều kiện tận hưởng nó. Tiểu cảnh Tùng và Bảo Thoa ăn ốc mừng chiến thắng giếng cổ khu dân cư am Cổ Chân được chuyển đến nơi mới thật lãng mạn. Chàng thì khéo léo, khôn ranh, nàng thì hồn nhiên, nhí nhảnh, họ trêu nhau, thách yêu nhau, bón cho nhau ăn… Người đọc thấy vui, thấy yêu đời hơn với tình yêu của họ. Tiểu cảnh cụ Trùm và dân Đạo Cường chăm sóc ông Thắng lúc bị thương và lúc ông Thắng đến thuyết phục nhân dân bỏ đường tối hướng về ánh sáng…sao tuyệt vời đến vậy. Qua tiểu cảnh này ta mới thấy cái tình, cái nghĩa ở đời đáng quý, đáng trọng biết bao. Chính cái tình, cái nghĩa ấy đã làm nên chiến thắng, làm nên vẻ đẹp bản thể bất diệt của dân tộc Việt qua muôn vàn khó khăn thử thách. Tôi đặc biệt, đặc biệt ấn tượng với tiểu cảnh Nguyễn Trí tiếp xúc với các doanh nhân trong hội nghị lãnh đạo tỉnh ủy Phúc Vinh gặp gỡ các doang nghiệp. Ở đây ta thấy Nguyễn Trí không chỉ là một nhà quản lý uyên sâu, nắm bắt các quy luật phát triển kinh tế vững chắc mà anh còn là một nhà hùng biện tài năng. Không có câu hỏi nào dù hóc búa đến đâu làm khó được Nguyễn Trí. Anh trả lời thẳng thắn, dành dẽ và rất mạch lạc bằng cái tâm của một người rất yêu quê hương và nhân dân của mình, những thắc mắc do các doanh nhân đưa ra làm hài lòng tất cả. Câu nói cuối cùng mang tính then chốt tạo nên sức mạnh to lớn sau này cho sự phát triển của Phúc Vinh “Tất cả các nhà đầu tư đến Phúc Vinh đều là công dân của Phúc Vinh”. Câu nói có trọng lượng không thể cân đo, đong đếm bằng bất cứ thứ vật chất nào, đã thể hiện tầm nhìn chiến lược, cái tâm, cái tài và cách khai thác triệt để mọi nguồn lực cho phát triển của Nguyễn Trí cũng như toàn độ lãnh đạo tỉnh ủy Phúc Vinh. Bây giờ ai đến với Phúc Vinh ngoài đời thực đều cảm nhận được sự phát triển rất mạnh mẽ ấy, điều này làm cho mỗi người dân Phúc Vinh đều cảm thấy tự hào về quê hương mình.

Gấp lại cuốn “Nền móng” trên tay, tôi cứ thấy lòng mình lâng lâng những niềm xúc cảm. Cảm ơn Nguyễn Nhuận Hồng Phương đã cho tôi những phút giây cháy hết mình cùng các nhân vật của ông. Tôi khâm phục Nguyễn Trí bao nhiêu lại bất bình với Hà Xuân Hương bấy nhiêu. Tôi kính trọng Trần Kha, ông Thắng, Dương Quang Nghĩa bao nhiêu thì kinh khi bọn phó Trùm Đa, Hà Xuân Hương, Bùi Phẩm bấy nhiêu. Tôi vui cùng tình yêu của Tùng – Bảo Thoa bao nhiêu lại thấy buồn cho những liên minh ma quỷ như bọn xã hội đen với tay chân của chủ tịch xã Đạo Cường bấy nhiêu… Để làm nên cái yêu, cái ghét cho những độc giả bình thường như tôi, nhà văn chắc đã phải sống hết mình với nhân vật, với đứa con tinh thần của mình rồi. Mong sao sẽ được cháy thêm lần nữa với các nhân vật trong tiểu thuyết khi tác phẩm này được xây dựng thành phim truyền hình. Chúng ta, ai cũng có “quyền” tin và hy vọng như vậy! 

                                                                        L.G.H

 

 

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Quảng cáo
congnhan12345
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 4
Trong ngày: 109
Trong tuần: 564
Lượt truy cập: 383882

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ GIỚI THIỆU!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH, NHÀ VĂN CẦM SƠN! RẤT NHIỀU BỨC ẢNH CỦA NGÀY HÔM ĐÓ ĐÃ CÙNG VỚI BÀI NÓI CỦA TÔI LÀM NÊN KHÔNG KHÍ TƯƠI VUI, HÀO HỨNG CỦA BUỔI RA MẮT SÁCH! CHÚC MỪNG NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CHÚC MỪNG TS NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC VỚI TẬP THƠ ĐỘC ĐÁO, IN ĐẸP!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÁI PHỤC BÀ MÂY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Thuộc loại "chuyện bây giờ mới kể" đây! Cám ơn tác giả! Mượn lời bà SUỐI để nói về bà MÂY: "Bái phục bà MÂY" ! Haiza!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN VÀ BAN BIÊN TẬP ĐÃ ĐĂNG BÀI VIẾT NHÂN DỊP NHÀ THƠ NGUYỄN HUY HOÀNG RA MẮT TUYỂN THƠ VÀ TRUYỆN KÍ TẠI HỘI TRƯỜNG HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM!

 
Xem toàn bộ
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0964 131 807
Email: soncam52@gmail.com
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công nhân.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông Chi hội Nhà văn Công nhân.