Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

NẮNG QUA KẼ LÁ

Ngô Nữ Thùy Linh

NẮNG QUA KẼ LÁ

   Cháu bé bị tim bẩm sinh rồi, chị không nên giữ lại cháu nữa. Tốt nhất gia đình xác định không thể sinh bé này được nhé!
Tiếng bác sĩ văng vẳng bên tai. Chị ôm bụng bầu năm tháng, ngã quỵ ngay trước sảnh. Lần thứ ba chị nghe tin dữ về đứa con của mình. Năm tháng, bụng đã rất to, đứa trẻ cũng đã cứng cáp nhiều. Chị cứ ngỡ lần này, mọi việc sẽ êm xuôi, hai vợ chồng vui vẻ chuẩn bị đón thiên thần đầu lòng. Nhưng ông trời, có lẽ đã không thương chị, không cho đứa trẻ được chào đời trong ngôi nhà ấy. Chị không thể khóc được nữa, hai đầu gối rung lên bần bật.
Chị hỏi bác sĩ:
- Bác kiểm tra lại giúp cháu đi ạ, mấy lần trước cháu đến đây, bác đều bảo đứa bé phát triển bình thường. Sao nay nó lại như thế, có gì đó sai không bác?
Bác sĩ nhìn chị, đôi mắt ánh lên vẻ giận giữ. Hình như chị ta không tin mình. Vị bác sĩ kinh nghiệm hai mươi năm khoa sản nhăn nhó.
Bác nói giọng bực dọc:
- Máy móc ngày một hiện đại, tôi cũng đã dày dặn kinh nghiệm khám thai, nếu tôi sai, chị có thể đi phòng khám lớn hơn, đi bệnh viện lớn hơn để khám lại. Nếu không đúng như những gì tôi đã nói, tôi sẵn sàng nhận hết mọi trách nhiệm.
Lời bác sĩ nói chắc như đinh đóng cột, như một lưỡi dao cứa vào trái tim đang đau nhói của chị. Chị ôm bụng, lặng lẽ rời khỏi phòng khám. Không còn cảm giác tiếng quẫy đạp vui tươi hằng ngày của đứa trẻ. Hình như nó cũng biết mẹ nó sẽ quyết định phá bỏ nó, giống như hai người con trước, khi chúng chưa kịp nhìn ánh sáng của cuộc đời. Chị không muốn thế, chị khao khát được có con, được ôm, ẵm, bế một đứa con bụ bẫm trong vòng tay, khao khát được hôn hít nó mỗi ngày. Được nhìn người chồng hạnh phúc reo vui khi thấy chị và con an bình. Nhưng định mệnh đẩy đưa, đến tận bây giờ chị cũng chưa được cảm nhận điều đó.
***
  Chị quen chồng mình trong công ty. Nơi chị và anh cùng làm công nhân. Gặp gỡ nhau buổi ban đầu, chị không mấy ấn tượng về người đàn ông có vóc dáng nhỏ bé, khuôn mặt khắc khổ, đầy những ưu tư. Hơn nữa vào làm công nhân cho công ty nhưng chị luôn có ý nghĩ sẽ rời khỏi nơi này, khi gom góp được một số vốn nho nhỏ, chị sẽ tiếp tục con đường học hành phía trước. Chọn cho mình một ngôi trường Đại học, để có cơ hội trau dồi những kiến thức còn dang dở. Để thực hiện những ước mơ, hoài bão mà bấy lâu nay chị luôn ấp ủ. Chị không muốn mình cũng giống như một số bạn bè cùng trang lứa, hết tuổi Trung học phổ thông, nộp đơn vào công ty, xí nghiệp, chôn vùi tuổi thanh xuân của mình mãi mãi ở những nơi này. Ít ra, chị cũng tự hào vì mình từng là học sinh giỏi ba năm trên ghế nhà trường, thầy cô đều biết mặt chị. Khi nghe chị nói tạm thời gác lại chuyện sách bút để làm công nhân một thời gian, ai cũng ngỡ ngàng.
Thầy giáo chủ nhiệm nhìn chị đầy ái ngại:
- Thầy vẫn muốn được thấy em bước chân vào giảng đường Đại học.
Chị cúi gằm mặt, nỗi tủi hổ, xót xa và khao khát đè nén con tim. Ngước mắt lên nhìn thầy, đôi mắt đỏ hoe, chị nghẹn ngào:
- Em muốn lắm chứ thầy, nhưng bây giờ nhà em, không còn ai gánh vác công việc gia đình, kiếm thêm tiền trang trải cho hai em đi học phổ thông. Rồi tới nữa chúng cũng sẽ vào Đại học, một mình mẹ con xoay xở, sẽ không trụ nổi. Em chỉ muốn vào công ty, làm lụng một thời gian, cứng cáp, có kinh nghiệm, cũng như có thêm chút tiền trang trải cho gia đình. đó, em sẽ trở lại quyết tâm thi Đại học.
Những lời chị nói với thầy chủ nhiệm ngày đó, bây giờ vẫn còn văng vẳng bên tai, nhắc nhớ chị về những gì mình đã hứa. Nhưng liệu có quá muộn không, khi bây giờ chị đang bụng mang dạ chửa, không phải lần đầu tiên, mà là lần thứ ba. Hai lần trước, đến tháng thứ hai, thứ ba, chị đau xót phá bỏ đứa con vì chúng mang dị tật bẩm sinh. Và cho đến lần này, khi mọi hy vọng đang tràn trề, đứa trẻ cũng đã già tháng tuổi, thì chị lại nhận thêm tin dữ. Nỗi đau hai lần trước chưa nguôi ngoai, dồn dập đến lần này. Nghĩ đến gương mặt u ám, xám xịt của chồng những lần chị trở về phòng trọ, chị không khỏi rùng mình ớn lạnh. 
***
   Tính đến thời điểm này, chị đã làm công nhân cho công ty được sáu năm. Sáu năm đó, ít nhiều chị đã có tiền gửi về cho hai đứa em ăn học, một đứa hiện đang là sinh viên năm cuối, một đứa sinh viên năm thứ hai. Những tưởng hai đứa học hết cấp ba, sẽ thi tuyển vào thành phố Hồ Chí Minh, nơi chị làm việc để ba chị em cùng nương tựa lẫn nhau. Nhưng không, cả hai đứa đều thi Đại học tại thủ đô. Trầy trật, ráng kiếm một chân sinh viên của ngôi trường an ninh hay sĩ quan danh giá. Và điều cốt lõi nhất là khi vào những ngôi trường đó, chúng sẽ không phải lo đến phần học phí, đi lại, ăn ở các thứ. Bớt bao nhiêu gánh nặng cho cha mẹ ở quê nhà. Nhưng ngặt nỗi, năm đứa thứ hai thi Đại học, điểm vào trường an ninh cao chót vót. Tính thêm điểm cộng vùng nữa, vót vét mãi cũng vẫn thiếu nửa điểm. Nó ngậm ngùi chia tay giấc mơ làm công an nhân dân. Rồi nguyện vọng được vào trường y cũng trôi mất, nó lững thững bước vào cảnh cổng trường Đại học Xây dựng. Ở đó với điểm số của nó, nó cũng có thể chọn cho mình một khoa khá ổn, tiếp tục viết giấc mơ thoát nghèo. Còn em út, rút kinh nghiệm từ anh chị, cậu đã may mắn được cánh cổng trường Đại học An ninh nhân dân chào đón. 
Về cơ bản, gia đình chị đã có bước đường sáng lạng phía trước. Mặc dù hai em đều chọn Thủ đô làm nơi để thực hiện ước mơ, nhưng chị cũng mừng khấp khởi trong lòng. Chị ráng cày cuốc, kiếm thêm tiền để phụ giúp cha mẹ nuôi em. Những ngày tháng đều đặn ở công ty, sáng dậy sớm đi làm, tối mịt mới về phòng trọ, hôm tăng ca, tăng kíp, về đến nơi đồng hồ đã điểm giờ khuya. Chị chỉ vội tắm rửa rồi leo lên giường nằm ngủ luôn một mạch. Kịp lấy lại sức để ngày mai chiến đấu. Để giữ một lời hứa với thầy giáo chủ nhiệm “em sẽ trở lại giảng đường Đại học”.
***
   Hôn nhân đến một cách bất ngờ. Nó đến khi chị đang chới với giữa quyết định nên nghỉ việc hay không. Chị muốn cố gắng thêm một chút, để cậu em thứ hai ra trường, ổn định cuộc sống, lo được cho em út thì chị mới yên tâm. Nhưng, người con gái sáu năm cặm cụi bên những công việc của một công nhân linh kiện, sự khát khao yêu đương cứ ngấm dần theo từng ngày. Có lẽ do chị thiếu thốn tình cảm, ba năm trên ghế nhà trường, chị chỉ lo học hành, không một ngày dám chơi bời, lêu lổng. Sáu năm cặm cụi làm công nhân, sáng chỉ nhìn ánh mặt trời qua khe cửa được một lúc. Rồi công việc cứ thế cuốn chị đi. Chị được phân bổ trong công đoạn dán hàn keo, công việc hàn dán được in trên bảng theo phương pháp in lụa. Mỗi công nhân như chị dựa theo thiết kế của bảng để lựa chọn loại giấy nến thép không gỉ để sử dụng. đó dùng  bút chì thép để cắt laser tùy chỉnh và tiến hành hàn dán trên board mạch, kiểm tra hàn 2D, keo dán đều, chính xác và cuối cùng là chuyển các board mạch đạt yêu cầu đến dây chuyền lắp ráp SMT ở nơi các thành phần sẽ được hàn. Những công đoạn ban đầu nghe ra thì có vẻ phức tạp. Nhưng đã quen tay, quen mắt, mọi thứ cứ thế trôi chảy. Ở công ty này, chị cũng được nhận chế độ đãi ngộ cao hơn so với mặt bằng chung công nhân thời điểm đó. 
   Hôm đó, công ty bị cúp điện đột ngột, có sự cố chập điện xảy ra. Trong phút chốc lóng ngóng, dây điện hở, chị bị giật và ngã sóng xoài trên sàn nhà. Anh làm trong tổ điện, may mắn kịp thời ngắt nguồn và chỉ dẫn mọi người tản ra, sơ cứu ngay tại chỗ. Chị thoát chết trong gang tấc. Rồi cứ thế mà đến với nhau, vì thương, cảm mến nhưng hơn ai hết đó là sự biết ơn của chị đối với anh. Đám cưới diễn ra đơn sơ, chỉ có những người bạn thân trong công ty tới dự. Một bữa tiệc nho nhỏ được tổ chức ở sảnh nhà hàng. Cha mẹ anh từ quê vào, mẹ chị nghe tin con gái lấy chồng cũng tất tả bắt xe vào với con. Cha phải ở nhà, còn lo đàn lợn vừa mới sinh, đàn gà con lít nhít. Đứng trên sâu khấu, một mình mẹ lẻ loi. Hai cậu em cũng bận học không thể vào chung vui cùng chị. Nước mắt chị ở đâu cứ thế tuôn rơi. Nghĩ đến những tháng ngày dài đằng đẵng phía lưng, cuộc đời hai người công nhân gắn bó cùng nhau, chị nén tiếng thở dài. Lời hứa với thầy chủ nhiệm cứ chập chờn trước mặt chị, rồi xa dần, xa dần.
***
   Ngày mang bầu đứa con đầu lòng, là khi hai vợ chồng được tròn hai tháng cưới nhau. Công việc ở công ty diễn ra đều đều, hằng ngày hai vợ chồng chở nhau trên chiếc xe Honda cũ. Anh bảo ráng kiếm thêm, mua cho vợ một chiếc xe đàng hoàng tử tế. Khi có con rồi còn nhiều thứ phải lo. Nhưng niềm vui chẳng tày gang, đứa thứ nhất, rồi đứa thứ hai. Tất cả đều có biểu hiện bệnh từ trong bụng mẹ, bắt buộc chị phải bỏ con khi chúng chưa kịp chào đời. Người làm cha làm mẹ, ai không khỏi đau xót. Nhất là khi tin đến tai gia đình nhà chồng, rồi phía gia đình chị. Mọi người tập trung mọi hoài nghi vào công ty. Vì hai gia đình đều khẳng định, bên nội, bên ngoại không hề có di truyền gì về bệnh tật. Lẽ nào làm việc trong môi trường này, chị bị ảnh hưởng độc hại. Nhưng nếu độc hại, thì tại sao hàng trăm, hàng nghìn công nhân trong công ty không có ai bị. Hoặc có thể có người cũng có con bị dị tật nhưng vì làm khác chuyền, khác bộ phận nên chị không biết. Chị mang nỗi uất ức lên ban lãnh đạo công ty, xin được hỏi rõ ngọn ngành. Liệu bấy lâu nay công ty có gì đó mập mờ trong khâu sản xuất, và công nhân có bị ảnh hưởng gì đến sức khỏe hay không. Nhưng khi chị vừa mang tâm trạng uất ức ấy lên thì đã bị chuyền trưởng chặn ngay ở cửa, không cho chị vào.
Cậu ta hất hàm lên, ra giọng trịch thượng:
- Không làm được nữa thì có thể viết đơn xin nghỉ, công ty sẽ chịu trách nhiệm giải quyết chế độ lương thưởng, chế độ nghỉ việc theo bảo hiểm đã đóng cho chị. Đừng làm ầm lên giữa công ty, không tốt đâu.
Chị nhìn cậu ta với ánh mắt sắc lẹm:
- Mạng sống của chúng tôi, của con cái chúng tôi, mà cậu bảo mua được bằng tiền chắc? Rẻ rúm quá nhỉ?
Rồi chị gạt phăng tay cậu chuyền trưởng ra, cứ thế phăng phăng đi tiếp. Bảo vệ từ đâu nghe tin xông tới, hai tên áo xanh cao to lực lưỡng, ôm lấy hai cánh tay của chị, xốc ngược lên. Đôi chân của chị lướt xềnh xệch trên nền gạch. Máu tươi rỏ ra từng giọt dưới chiếc đầm bầu. Đứa con thứ ba đã ra đi như thế!
***
   Cũng là một cách giải thoát cho nó. Không sớm thì muộn. Chị chỉ nghĩ thế, để nỗi đau cào cấu trong tâm can người mẹ bớt lại. Những ngày nghỉ phép ở nhà, chị héo rũ như một tàu lá chuối. Lê thân hình gầy còm nhấp một ngụm cháo loãng, rồi lại nằm xuống, thở dốc. Chị nghĩ quẩn, nghĩ đến cái chết, xót xa cuộc đời người công nhân. Chồng đi làm về, cũng chẳng thèm hỏi han lấy một câu. Có lẽ khao khát được có con đã khiến tình thương đối với chị nguội ngắt. Anh nhìn chị nằm ở đó, lặng lẽ châm điếu thuốc ra ngồi trước cửa phòng trọ. Mùi khói ám vào không gian phòng trọ bức bối, ngột ngạt. Trong cơn bĩ cực, chị ôm lấy tấm chăn mỏng, ào ra ngoài hành lang, cứ thế chạy như một người điên. 
Anh đang hút dở điếu thuốc, không biết chuyện gì vừa xảy ra. Chỉ khi thấy chị vừa khóc vừa ôm chăn chạy ra đường thì anh lập tức lao theo, chân trần đuổi nhau trong con hẻm nhỏ...
***
   Tâm trạng chị bất ổn, cuối cùng chồng chị đành làm đơn xin nghỉ việc cho chị. Trong những ngày tháng bức bối ấy, chị chỉ biết ngồi bên khung cửa sổ tối mờ, nhìn ra giàn hoa leo trước phòng trọ. Ánh mắt vô hồn. Chị chẳng suy nghĩ được gì, chỉ nghĩ đến sự khốn khổ của cuộc đời mình. Trải qua bao vất vả, chật vật những tưởng chị sẽ được hạnh phúc, dù làm công nhân hay làm gì đi chăng nữa, luôn có một người chồng quan tâm, yêu thương và che chở. Hằng ngày cùng nhau đi làm, tối lại về cùng nhau, bên mâm cơm đạm bạc. Hạnh phúc nhỏ nhoi thế thôi. Nhưng cuộc đời, chẳng bao giờ bằng phẳng như người ta muốn. Ở những khu công nghiệp lớn tại thành phố này, mỗi người công nhân đều có một số phận khác nhau. Nhưng tựu chung họ đều từ miền quê xa xôi vào, lập nghiệp khi vừa rời ghế nhà trường. Điều kiện gia đình không có để tiếp tục con đường học vấn, mỗi người đều tìm kiếm cho mình kế sinh nhai như thế. Có những người làm công nhân lâu năm, cũng có chút vốn liếng, tích góp gửi về quê nhà, sửa sang nhà cửa, nhiều hơn nữa xây được căn nhà khang trang. Tâm lí chung đều muốn này về hưu, có một chốn an bình trở về. 
Chị không là ngoại lệ. Chị nghĩ lo cho hai em ăn học xong, mình cũng ổn định công việc, thu xếp có thể đi học Đại học và lo con đường tương lai phía trước. Lời hứa với thầy chủ nhiệm năm nào không thể xóa nhòa trong tâm trí chị. Nhưng đến bây giờ... chẳng những lời hứa còn ở một nơi xa xôi nào đó, mà công việc, sức khỏe cũng không cho phép chị đứng vững vàng trước bao sóng gió của cuộc đời. Người ta bảo “một lần sảy bằng bảy lần đẻ”, chị những đến ba lần. Thân hình yếu ớt của một người phụ nữ sao có thể chịu đựng nổi. 
***
   - Anh đưa em về quê một thời gian được không? Lúc nào ổn định tâm lý, em khỏe lại một chút, anh sẽ về đón em vào, xin cho em làm ở công ty khác. Khi có sức khỏe rồi, chúng ta mới tiếp tục tương lai được.
- Nhưng giờ em không muốn đi làm nữa, em muốn đi học Đại học.
- Được, em muốn học Đại học cũng được. Nhưng em phải khỏe mạnh, thì em muốn làm gì anh cũng sẽ chiều em.
Tiếng hai vợ chồng trẻ rủ rỉ trong căn phòng trọ tối mờ. những vật lộn, giằng xé, đắn đo, và những thủ thỉ ân cần của anh, chị cũng đã ổn định dần. bao khó khăn, bất hạnh, điều may mắn của chị chính là anh vẫn luôn ở bên cạnh, san sẻ và động viên để chị có thể vượt qua. Mặc những xì xầm của bạn bè, đồng nghiệp, những lời ác ý luôn văng vẳng bên tai thì anh vẫn là người kiên định với chị. Xóm trọ của những người công nhân, dù nghèo và đầy những nỗi lo toan, muộn phiền. Nhưng họ sẵn sàng san sẻ với chị. Lúc thay nhau trực chị trong bệnh viện, lúc nấu miếng cháo, nồi cơm. Lúc lại tất tả ngược xuôi liên hệ cho chị công ty phù hợp, để tiếp tục đi làm. Tình nghĩa những người con xa quê, gắn kết với nhau bởi một sợi dây vô hình. Níu kéo những u uất, trầm lặng của mọi người giữa những nốt thăng trầm của cuộc đời.
***
   Công việc của công nhân may mặc tiếp tục cuộc hành trình của chị. Bây giờ, chị  không còn lao đầu vào việc bằng những ngày tăng ca mệt nhoài. Chị sắp xếp xin công ty được làm một ngày tám tiếng, nhận mức lương ít hơn một chút. Nhưng bù lại, chị được thảnh thơi buổi tối, vậy là chị nhanh chóng đăng kí học Đại học từ xa. Thời buổi hiện đại, chị biết bây giờ không nhất thiết phải bước chân vào trường Đại học chị mới có thể cầm trên tay tấm bằng. Mà cách này hay cách khác, chị cũng có thể tạo cho mình một cơ hội. 
Mầm sống lại cựa mình trong cơ thể chị một lần nữa, lần này chị cảm giác một niềm tin đang lớn dần lên. 
Chị mạnh dạn điện thoại về cho thầy chủ nhiệm, giọng chị hồ hởi:
- Thầy ơi, em đang học Đại học đấy ạ!
Bên kia đầu dây, tiếng thầy đầy phấn khích:
- Ôi thật không, chúc mừng học trò của thầy. Cuối cùng em cũng thực hiện được ước mơ rồi.
Ngoài kia nắng đã xuyên qua kẽ lá, lấp lánh một mùa vàng. Chị thấy cuộc đời mình đang dần mở ra...
                                                                                  N.N.T.L
 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Quảng cáo
congnhan12345
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 10
Trong ngày: 77
Trong tuần: 739
Lượt truy cập: 378066

VŨ NHO 085 589 0003

CHÚC MỪNG TS NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC VỚI TẬP THƠ ĐỘC ĐÁO, IN ĐẸP!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÁI PHỤC BÀ MÂY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Thuộc loại "chuyện bây giờ mới kể" đây! Cám ơn tác giả! Mượn lời bà SUỐI để nói về bà MÂY: "Bái phục bà MÂY" ! Haiza!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN VÀ BAN BIÊN TẬP ĐÃ ĐĂNG BÀI VIẾT NHÂN DỊP NHÀ THƠ NGUYỄN HUY HOÀNG RA MẮT TUYỂN THƠ VÀ TRUYỆN KÍ TẠI HỘI TRƯỜNG HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM!

 

Cầm Sơn - 0913269931

Cũng cần cảm thông với ông Troussier. Nếu nói về thành tích trong quá khứ, ông Park Hang Seo không thể sánh với ông Troussier được. -Trong sự nghiệp huấn luyện đồ sộ của mình, giai đoạn thành công nhấ...

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN! ÔNG HLV NGƯỜI PHÁP CHƯA BAO GIỜ THÀNH CÔNG "VANG DỘI"! CÓ ĐIỀU NÀY ĐÚNG: CHẢ NÊN TRÁCH ÔNG TA NHIỀU! TRÁCH LÀ VFF QUÁ TIN ÔNG TA, KẺ CAO NGẠO, BẤT TÀI! VẬY THÔI!

 
Xem toàn bộ
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0964 131 807
Email: soncam52@gmail.com
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công nhân.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông Chi hội Nhà văn Công nhân.