Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

MÊNH MANG HỒ YÊN MỸ

Lê Ngọc Minh

MÊNH MANG NON NƯỚC YÊN MỸ

   1.Tham gia vào nhóm đi thực tế do Chi hội Nhà văn công nhân, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, tôi may mắn được trở lại vùng Yên Mỹ (huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa), nơi một thời đã cùng các đồng đội của Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 57 đóng quân và tập luyện tại thao trường núi Đồng Nghĩa trước khi đi B. Ngày ấy, vùng đất bán sơn địa này là địa bàn của Nông trường quốc doanh Yên Mỹ, chuyên trồng cây cà phê. Vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, dự án ngăn sông đắp đập xây hồ được khởi công xây dựng để cung cấp nước tưới nông nghiệp cho các địa phương phía Đông Nam và Nam của tỉnh Thanh Hóa. Sau khi hoàn thành, công trình hồ Yên Mỹ đã tạo nên một vùng hồ rộng lớn trên địa bàn 6 xã: Yên Mỹ (Nông Cống), Phú Sơn, Phú Lâm, Các Sơn (Tĩnh Gia, nay là thị xã Nghi Sơn), Thanh Tân, Thanh Kỳ (Như Thanh).

   2.Cùng đi với nhóm chúng tôi theo bờ đập chính dẫn đến kênh thoát nước phía núi Đồng Nghĩa, ông Phạm Minh Chính (66 tuổi), nguyên Bí thư Huyện ủy Nông Cống, từng là một thanh niên trong lớp người “tuổi hai mươi sôi nổi” tham gia đắp đập xây hồ Yên Mỹ năm 1978, nhớ lại: Ngày ấy có hàng vạn dân công trẻ tuổi từ các huyện Nông Cống, Như Thanh, Tĩnh Gia... tập trung về đây làm việc mỗi ngày 3 ca để xây dựng con đập ngăn đầu nguồn sông Thị Long. Hồ Yên Mỹ là hồ đầu tiên ở nước ta mà các con đập ngăn nước đều được đắp thành công bằng đất đỏ bazan, thứ nguyên liệu sẵn có tại địa phương, tiết kiệm khá nhiều chi phí xây dựng và rút ngắn thời gian hoàn thiện công trình. Đập chính của hồ Yên Mỹ có chiều dài 715m; chiều rộng đỉnh đập 5m, chân đáy 75m; cao trình đỉnh đập 24,50m, cao trình đỉnh tường chắn sóng 25,3m. Đập phụ dài 1.147m, chiều rộng đỉnh đập B 7m, chân đáy rộng 75m; cao trình đỉnh đập 24.5m; cao trình đỉnh tường chắn sóng 25,5m. Hai con đập tạo nên diện tích lòng hồ rộng 2.800 ha, là 1 trong 3 hồ nước ngọt lớn nhất của tỉnh Thanh Hóa (Yên Mỹ, Cửa Đạt và Sông Mực). Hồ Yên Mỹ nằm cách danh thắng thiên nhiên Vườn quốc gia Bến En 20km, cách khu công nghiệp Nghi Sơn cũng chừng 20km và chỉ cách ngã ba cụm đường liên tỉnh 505, 512, 513 chưa đầy 1km. Hồ không những cung cấp nước tưới cho diện tích 5.840 ha của huyện Tĩnh Gia và Nông trường Yên Mỹ mà còn cấp nước sản xuất, nước sinh hoạt với công suất 55.000 m3 /ngày cho khu công nghiệp Nghi Sơn và thị xã Nghi Sơn. Từ khi hoàn thành và đưa vào sử dụng đến nay, hồ Yên Mỹ đã cắt giảm hơn 50% tổng lượng lũ của sông Thị Long, chấm dứt hạn hán, lụt lội, lũ quét cho cả một vùng rộng lớn hàng chục vạn ha, nơi tiếp giáp 3 huyện Nông Cống, Như Thanh và Tĩnh Gia. Theo các tài liệu về khí tượng thủy văn và những khảo sát về thổ nhưỡng, địa chất, địa hình, toàn bộ khu vực hồ Yên Mỹ được bao bọc bởi hệ thống vòng cung núi xen kẽ, chạy dài, với độ dốc tương đối cao, nên về mùa hè thường có gió Đông Nam thổi theo các lèn núi võng xuống từ hướng Nghi Sơn vào thung lũng khiến cho cả khu vực hồ và phụ cận trở nên mát mẻ, còn mùa đông thì hạn chế được các đợt gió mùa tràn về từ hướng bắc, đông bắc. Với đặc điểm khí hậu hài hòa đó, vùng bờ hồ Yên Mỹ nằm trên địa hình bán sơn địa trải rộng từ mép hồ đến các mái núi thấp có nhiều thảm thực vật quanh năm tươi tốt là nơi sinh trưởng lý tưởng của các loại thú ăn cỏ như trâu, bò, dê, khỉ, vượn... Trong hồ có nhiều loại cá có trọng lượng khá lớn như cá trắm, cá mè đạt tới 40-50 kg/con...

screenshot_864

    3.Vùng hồ Yên Mỹ trở nên sôi động hơn bao bao giờ hết khi Quốc lộ 45 có tổng chiều dài hơn 43km qua địa phận huyện Nông Cống đến thị xã - khu công nghiệp Nghi Sơn. Trên tuyến chính của dự án có đến 18 cầu, trong đó cầu vượt hồ Yên Mỹ là cây cầu dài nhất (995,8m). Cầu có 24 trụ, 25 nhịp, mỗi nhịp dài 40m và hai mố đã được thi công hoàn chỉnh và thông xe trước ngày 2-9-2023. Ông Chủ tịch UBND xã Yên Mỹ Phan Thế Lộc cho biết, với vị trí đắc địa của vùng hồ Yên Mỹ, với tầm nhìn tiên lượng và khả thi, từ năm 2011, tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt kế hoạch lập Quy hoạch chung xây dựng đô thị Yên Mỹ, huyện Nông Cống; đến năm 2020 có thêm Quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch Khu du lịch sinh thái hồ Yên Mỹ gồm 1.660 ha. Nhờ đó, hiện tại quanh hồ Yên Mỹ đã có một số nhà nghỉ non nước Yên Mỹ Bút ký của LÊ NGỌC MINH Cảnh sắc kỳ vĩ nhìn từ cầu Yên Mỹ - cây cầu dài nhất trên cao tốc Bắc - Nam ở thời điểm hiện tại Mênh mang Hồ Yên Mỹ nằm cách Vườn quốc gia Bến En 20km, cách khu công nghiệp Nghi Sơn cũng chừng 20km, chỉ cách ngã ba cụm đường liên tỉnh 505, 512, 513 chưa đầy 1km. Hồ được quy hoạch thành khu du lịch sinh thái quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu của du khách nội địa và quốc tế. dưỡng gần bến nước được xây dựng và khai thác dịch vụ du lịch tham quan lòng hồ, bơi thuyền, câu cá... Dự án vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu đầy đủ về hệ sinh thái để xây dựng một khu du lịch đẳng cấp nhằm kết hợp nghỉ dưỡng với các hoạt động vui chơi giải trí, dịch vụ tổng hợp, đủ đáp ứng nhu cầu của du khách nội địa và quốc tế với quy mô sau năm 2030, lượng du khách đến với Khu du lịch sinh thái hồ Yên Mỹ đạt khoảng trên dưới 30 vạn lượt. “Tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt dự án di dân tái định cư lòng hồ Yên Mỹ với tổng mức bồi thường giải phóng mặt bằng hơn 216 tỉ đồng. Đây là một công việc hết sức khó khăn vì hàng trăm hộ dân sẽ phải di dời, trong đó có hộ di dời lần thứ hai (lần thứ nhất là năm 1978). Nhưng xã Yên Mỹ đã và đang có những bước đi hợp lòng dân, đó là không để các hộ trong diện giải tỏa bị thiệt thòi mà tạo điều kiện cho họ có chỗ định cư mới tốt hơn” - ông Chủ tịch UBND xã Yên Mỹ nói và hướng chúng tôi về con đường chính nối liền các thôn làng trong xã đi qua cầu chui của đường cao tốc về hướng Nghi Sơn cho biết thêm: “Hiện Yên Mỹ đã được công nhận là đô thị loại IV, con đường này không bao lâu nữa sẽ là dãy nhà mặt phố. Một số bà con trong diện giải tỏa chắc chắn sẽ có địa chỉ nhà ở mặt phố mới”. Tôi nhìn con đường rộng rãi đang được xây dựng theo thiết kế đường đô thị bằng bê tông nhựa, hai bên có hệ thống thoát nước và lề hè được căn ô trồng cây bóng mát như hiểu thêm mấy chữ “hợp lòng dân của ông Chủ tịch UBND xã

   Để chúng tôi thấy thêm tâm thế hướng tới một toàn cảnh của Yên Mỹ ngày càng được mở rộng, nguyên Bí thư Huyện ủy Nông Cống Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo xã Yên Mỹ đưa chúng tôi lên thăm khu chăn nuôi bò sữa áp dụng công nghệ cao ở phía bên kia hồ. Trên đường đi, phát hiện ra một cánh đồng lúa đang độ chín vàng trải dài từ chân đập phụ đến tận dãy núi xanh lơ ở phía tây, mọi người đề nghị dừng xe để chụp ảnh cảnh quan thiên nhiên hiếm có ở một vùng bán sơn địa này. Tôi nghĩ, nếu không có con đập phụ mà chúng tôi đang đứng thì cánh đồng lúa mênh mông phía trước mặt chỉ có thể là đáy hồ nước hoặc là một vùng đất cằn, chưa mưa đã úng, chưa nắng đã cạn. Khi đến khu chăn nuôi bò sữa công nghệ cao, chúng tôi được biết, nông trường Yên Mỹ vốn xưa là đồn điền chuyên trồng cà phê của chủ người Pháp, tạo ra thứ cà phê ngon nổi tiếng khắp Đông Dương. Đến năm 1955, đồn điền này được chuyển thành nông trường quốc doanh tiếp tục trồng cây cà phê, đến năm 1987 chuyển sang trồng thêm các loại cây khác như chè, cao su, mía... Hiện tại, cụm trang trại bò sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao của Tập đoàn TH đang hoàn thiện những hạng mục cuối cùng. Đây là dự án nông nghiệp lớn cả về quy mô và áp dụng công nghệ cao của tỉnh Thanh Hóa với tổng đầu tư là 3.800 tỉ đồng để nuôi 20 nghìn con bò sữa tại cụm trang trại Yên Mỹ và 30 nghìn con trong các hộ gia đình. Hiện tại 1.600 con bò giống đã “nhập trại”, đang phát triển khá tốt. Các cánh đồng cỏ giống ngoại nhập đã mọc xanh rì xung quanh các trang trại. Tập đoàn TH đã cam kết với các hộ nuôi bò trồng cỏ rằng, người nuôi bò sẽ không phải “đi một mình” mà có một chuỗi các liên kết hợp tác đồng hành để nối kết với doanh nghiệp, từ khâu bao tiêu sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ đến cung cấp thức ăn chăn nuôi, thu mua sản phẩm...

   4.Chiều muộn, nhóm chúng tôi ở lại dùng bữa cơm mà các vị chủ nhà nói là “cơm tép núi, cá bông hồ”. Chúng tôi được thưởng thức món khai vị, nhấm nháp hạt sen xanh rồi chiêu nước vối trước khi vào “tiệc”. “Tiệc” gồm toàn các món từ núi và hồ Yên Mỹ. Cá bống bông được nấu thành món canh chua và món kho mặn. Tép suối toàn những con to hơn đầu đũa rang khô xúc bánh đa giòn rùm rụm, khi ăn thì bùi thơm ngây ngất, ăn một lại muốn ăn hai. Món nộm rau má trộn với thịt dê núi thái mỏng tang rất hấp dẫn... Từ nơi ẩm thực dân dã nhìn ra, xa xa bên kia phía đập phụ, ánh dương cuối ngày tia lên chân trời những hình rẻ quạt vàng sáng hắt xuống mặt hồ, tạo nên một màu huyền ảo như khói như sương, chẳng khác gì một bức thủy mặc có thêm các màu ngũ sắc. Mặt hồ Yên Mỹ cảm như rộng vô cùng, xa vô cùng - mênh mang Yên Mỹ. Trở đầu đũa, gắp cho mỗi người một đũa nộm rau má, một bạn thơ xứ Thanh đi cùng nhóm ngân nga đọc: “Ngày xưa rau má rau khoai/ Đỡ lòng đứt bữa giêng hai cơ hàn/ Bây giờ rau má rau lang/ Lên ngôi đặc sản nhà hàng xóm quê!”...

                                                                                 L.N.M

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Quảng cáo
congnhan12345
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 2
Trong ngày: 55
Trong tuần: 472
Lượt truy cập: 381039

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ GIỚI THIỆU!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH, NHÀ VĂN CẦM SƠN! RẤT NHIỀU BỨC ẢNH CỦA NGÀY HÔM ĐÓ ĐÃ CÙNG VỚI BÀI NÓI CỦA TÔI LÀM NÊN KHÔNG KHÍ TƯƠI VUI, HÀO HỨNG CỦA BUỔI RA MẮT SÁCH! CHÚC MỪNG NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CHÚC MỪNG TS NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC VỚI TẬP THƠ ĐỘC ĐÁO, IN ĐẸP!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÁI PHỤC BÀ MÂY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Thuộc loại "chuyện bây giờ mới kể" đây! Cám ơn tác giả! Mượn lời bà SUỐI để nói về bà MÂY: "Bái phục bà MÂY" ! Haiza!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN VÀ BAN BIÊN TẬP ĐÃ ĐĂNG BÀI VIẾT NHÂN DỊP NHÀ THƠ NGUYỄN HUY HOÀNG RA MẮT TUYỂN THƠ VÀ TRUYỆN KÍ TẠI HỘI TRƯỜNG HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM!

 
Xem toàn bộ
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0964 131 807
Email: soncam52@gmail.com
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công nhân.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông Chi hội Nhà văn Công nhân.