Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

MÊNH MANG BIỂN TRỜI ĐÔNG BẮC

Nguyễn Yến

MÊNH MANG BIỂN TRỜI ĐÔNG BẮC

(Đọc tập Bút ký của nhà văn Vũ Thảo Ngọc – NXB Lao động 2023)

img20230822164452

   “Nếu anh chưa đến quê hương em, anh sẽ không tin lời em nói đâu..." lời ca khúc Quê em của nhạc sĩ Đỗ Hòa An- cứ day trở trong tôi khi tôi đọc cuốn bút ký có tên Mênh mang biển trời Đông Bắc do Nhà xuất bản Lao động ấn hành quý 3 năm 2023 của nữ nhà văn vùng mỏ Vũ Thảo Ngọc.

   Bởi câu hát ấy hồi vọng trong tâm trí tôi khi đọc tới trang 325 là trang cuối của tập bút ký dày dặn này, cuốn sách có 40 tiêu đề là 40 câu chuyện, bút ký, du ký... về đất và người vùng Đông Bắc. Bên cạnh những bài viết lắng sâu về vùng mỏ Quảng Ninh, chị còn có các bài viết về các vùng miền địa phương khắp mọi miền Tổ quốc và cả ở nước ngoài, những nơi chị đã đến, đã có những trang viết rất thú vị.

   Các bút ký của Vũ Thảo Ngọc là những trải nghiệm thực tế của một người đi nhiều lại được trình bày dưới ngòi bút chuyên nghiệp cộng hưởng bởi tinh thần lao động miệt mài của nhà văn Vũ Thảo Ngọc đã đem đến cho độc giả một cuốn sách sinh động, hấp dẫn và hơn hết là sự chân thực đến sâu sắc.

   Đọc “Mênh mang biển trời Đông Bắc” cảm giác như là một cuốn cẩm nang, là cầu nối đưa người đọc đi tới những vùng đất mà họ chưa được tới, hoặc tới rồi nhưng dưới một góc nhìn khác là nhân sinh quan của nhà văn. Dù chưa tới nhưng sách đưa ta tới.

   Bước chân đầu tiên trong hành trình này của độc giả cũng chính là bước chân cô công nhân trẻ tuổi từ vùng quê xa nhận công tác, tới Quảng Ninh làm việc tại mỏ than Cọc Sáu. Câu hát vô tình nghe "...tôi đến với biển trời Đông Bắc" trên phà Bãi Cháy lần đầu tiên đó đã như định mệnh neo giữ chị lại vùng Mỏ cho đến tận hôm nay, trở thành nhà văn Vũ Thảo Ngọc, có lẽ chị là nhà văn viết sách nhiều nhất về Quảng Ninh, quê hương thứ hai của chị.

   Lúc mới cầm cuốn sách, tôi chủ động mục đích sẽ viết giới thiệu cho những người bạn phương xa, chưa hoặc đã đến Quảng Ninh, có thể họ đã ghé những nơi nổi tiếng, thăm vịnh, thăm đảo một hoặc nhiều lần, nhưng còn rất nhiều nơi ở vùng Đông Bắc họ chưa biết. Tôi muốn nhấn vào những nơi đó, bởi tôi gần như là người đầu tiên đọc cuốn sách này, cảm thấy một sự thôi thúc từ trái tim được làm cầu nối giữa cuốn sách với độc giả. Hy vọng đem những trải nghiệm quý giá của nhà văn Vũ Thảo Ngọc lan toả rộng rãi.

   Chia sẻ với nhà văn ý định này, chị bảo: Không chỉ người ngoài tỉnh mà nhiều người trong tỉnh cũng chưa biết đâu em, cơ hội để đến Pò Hèn, đảo Trần, Hải Lạng… không nhiều”. Quả thực, ngay bản thân tôi, sinh ra và lớn lên ở Quảng Ninh cũng chưa từng đến nhiều địa danh được viết trong cuốn sách.img20230822164605

   Ý định ban đầu là vậy mà khi đọc xong tôi lại đổi ý, bởi cảm xúc chi phối mạnh mẽ. “Mênh mang biển trời Đông Bắc”, hay chính là mênh mang tình người, tôi muốn viết ra cảm xúc của mình khi đọc về những con người hơn.

   Ấn tượng đến ám ảnh khi đọc “Pò Hèn và đám cưới cổ tích”. Với tôi đây không chỉ là cổ tích, mà là một đám cưới huyền thoại, câu chuyện làm cay sống mũi, thổn thức tận tâm can. Một đám cưới được tổ chức khi mà cô dâu, chú rể đã hy sinh gần 40 năm: người lính Pò Hèn Bùi Huy Lượng và cô nhân viên cửa hàng bách hoá huyện Hải Ninh Hoàng Thị Hồng Chiêm. Họ ra đi vào ngày 17/2/1979. Cảm xúc của người viết, người đọc hẳn là dành sự trân trọng cho những người còn sống đã làm nên đám cưới này. Là người thân, đồng đội của cô dâu chú rể. Đám cưới đặc biệt đón đưa dâu bằng di ảnh, linh hồn họ hẳn đang hoà quyện vào hương quế Pò Hèn bao bọc đoàn rước dâu.

   "Thực hiện thủ tục lễ xin dâu xong, nhà trai gửi lại nhà gái ảnh của liệt sĩ Lượng và rước ảnh chân dung của liệt sĩ Chiêm về Hạ Long rồi làm thủ tục đón nhận cô dâu Chiêm chính thức trở thành thành viên của gia đình. Thấm thoắt gần 2 năm đi qua, mỗi khi nhớ về sự kiện đó anh không thể nói được điều gì, vì đám cưới đó thật quá sức tưởng tượng của anh và gia đình và đồng đội các anh!"

   Xúc động mạnh với bài viết về đám cưới của 2 liệt sỹ chưa xong, tôi lại ngậm ngùi nhớ đến một bài viết khác về người thương binh Tùng Lâm, cũng có thể tôi viết bài này vào ngày 11/7, khi mà chỉ hơn hai tuần nữa là đến ngày tri ân 27/7. Và cũng do tôi đã được gặp chú Tùng Lâm một lần. Trong bài Tùng Lâm - nhà văn thương binh viết bằng những ẩn ức chiến tranh, nhà văn Vũ Thảo Ngọc viết "Từ nguồn cơn bỗng nhiên ...va vào với thơ, rồi thì đắm đuối với chữ nghĩa và với tâm trạng như bị "dồn đuổi" của một tâm hồn vốn chứa chất đầy ẩn ức cuộc đời nên đã đẩy anh nhanh chóng tìm đến với văn chương khi ở cái tuổi đã không nhiều sức lực như tình trạng sức khoẻ của thương binh 1/4 của anh. Và thật diệu kỳ, cánh cửa văn chương mở ra, anh như nhập đồng với chữ, với sách, với vô vàn câu chuyện của anh và đồng đội trong balo người lính Trường Sơn còn nguyên mùi thuốc súng cứ thế tuôn trào. Và những trang sách, những câu thơ, những truyện ngắn đã nâng bước chân anh bước qua khỏi sự nghiệt ngã, thách đố của số phận". Tôi cắt nghĩa thêm được vì sao mình thích bài này chính là bởi cách mà tác giả viết, chị đã viết bằng sự trân trọng, đồng cảm và thấu hiểu về người bạn văn đặc biệt của chị.

   Với cảm nhận này tôi nhớ đến mỏ than Cọc 6, nơi công tác đầu tiên của chị, nơi ươm mầm nuôi dưỡng những trang viết đầu tiên của nhà văn Vũ Thảo Ngọc sau này. Bài viết Cọc Sáu của tôi, một góc riêng nhớ đặc biệt trong trái tim tác giả, bài chị viết vào giữa mùa hạ 2020. Tức là đã rất lâu so với ngày đầu tiên đến mỏ. Chị trở lại chốn xưa "Cọc Sáu vẫn ngổn ngang tầng mỏ" và chị thì ngổn ngang những ý nghĩ vừa chợt đến. Mỏ đã là Công ty, với lớp lãnh đạo trẻ học hành bài bản, được trang bị kiến thức hiện đại. Hình ảnh những cây bàng non bé tí năm nào đã thành cây bàng lớn tán rộng phủ bóng rợp mát những con phố mỏ ngày chị trở lại, gợi lên hình ảnh chặng đường phát triển của một mỏ than huyền thoại vùng Đông Bắc. Một điều thú vị với độc giả yêu văn chương là nhà văn tên tuổi nổi tiếng Vùng Mỏ Võ Khắc Nghiêm cũng trưởng thành từ mỏ Cọc Sáu. Nên tất nhiên bài viết về nhà văn Võ Khắc Nghiêm không thể thiếu trong cuốn sách này.

   Chỉ với 5 trang viết, nhưng với câu từ ngắn gọn rõ ràng của chị, nhà văn Võ Khắc Nghiêm đã hiện lên đầy đủ với cuộc đời và sự nghiệp. Chị đã khắc hoạ thành công chân dung về nhà văn nổi tiếng nhất vùng mỏ bằng những chi tiết chân thực sinh động nhất, đời nhất nên chất văn chương rất cao trong bài viết này, và cũng bởi trong văn có tình, tình trân trọng giữa những người sống Đẹp.

   Mênh mang biển trời Đông Bắc ra đời trước thềm 60 năm ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh (30/10/1963-30/10/2023). Sách của một người đã gắn bó với vùng Mỏ gần 40 năm. Cuốn sách này có ý nghĩa đặc biệt không chỉ với tác giả mà với cả những người đã sinh ra và lớn lên ở vùng Mỏ như chúng tôi. 40 câu chuyện về đất về người vùng Đông Bắc. Trải nghiệm đầy ắp cảm xúc của người viết khiến tôi bài nào cũng muốn bình, muốn đưa vào đây, mà khuôn khổ bài báo có hạn.

   Xin trân trọng được giới thiệu một cuốn sách hay...

                                                                       Hạ Long, tháng 7/2023

                                                                                 N.Y

 

 

 

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Quảng cáo
congnhan12345
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 6
Trong ngày: 116
Trong tuần: 566
Lượt truy cập: 383983

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ GIỚI THIỆU!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH, NHÀ VĂN CẦM SƠN! RẤT NHIỀU BỨC ẢNH CỦA NGÀY HÔM ĐÓ ĐÃ CÙNG VỚI BÀI NÓI CỦA TÔI LÀM NÊN KHÔNG KHÍ TƯƠI VUI, HÀO HỨNG CỦA BUỔI RA MẮT SÁCH! CHÚC MỪNG NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CHÚC MỪNG TS NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC VỚI TẬP THƠ ĐỘC ĐÁO, IN ĐẸP!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÁI PHỤC BÀ MÂY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Thuộc loại "chuyện bây giờ mới kể" đây! Cám ơn tác giả! Mượn lời bà SUỐI để nói về bà MÂY: "Bái phục bà MÂY" ! Haiza!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN VÀ BAN BIÊN TẬP ĐÃ ĐĂNG BÀI VIẾT NHÂN DỊP NHÀ THƠ NGUYỄN HUY HOÀNG RA MẮT TUYỂN THƠ VÀ TRUYỆN KÍ TẠI HỘI TRƯỜNG HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM!

 
Xem toàn bộ
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0964 131 807
Email: soncam52@gmail.com
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công nhân.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông Chi hội Nhà văn Công nhân.