Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

MẶT TRỜI DƯỚI LÒNG SÔNG

Nguyễn Quốc Hùng
 
MẶT TRỜI DƯỚI LÒNG SÔNG
                                                  
   Lão Phiện! Nghe gọi thế ai cũng tưởng lão phải già lắm. Lão năm ba tuổi, còn hai năm nữa thì nghỉ hưu. Mọi người gọi là lão Phiện từ khi nào và tại sao, Huy chưa tìm hiểu được. Huy hay mường tượng, lão có điểm gì đó giông giống với ông lão câu cá trong cuốn “ông già và biển cả” mà Huy đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần vẫn không thấy chán. Với vóc dáng bên ngoài của lão thì gọi là lão cũng chẳng quá đáng. Hơn ba mươi năm làm nghề bốc vác trên bến cảng, vào ngày hè thì phơi lưng dưới nắng để cho lớp da khô xác như tấm mo cau, đến tháng đông dù thời tiết có lạnh giá thì công việc cũng vắt cơ thể lão ra những giọt mồ hôi đặc sánh như keo và để cưỡng lại cái nặng nhọc đè lên vai các múi cơ phải bện xoắn vào nhau khiến người lão sắt seo khác nào sợi dây neo tầu. Lại thêm hai cục u chai hai bên vai, một cục sau gáy to như trái cam, hệ quả của hàng nghìn thậm chí tới hàng triệu chứ chẳng ngoa đủ các loại bao kiện hàng hoá, từ chất liệu bao vải đến bao ni lông, đến những hòm gỗ cạnh sắc như dao đè xuống thì không có những cục chai đấy mới là chuyện đáng để nói.
   Nhiều lúc Huy hay nghĩ vẩn vơ, không biết rồi cái thân hình mảnh khảnh, nước da trắng bột của mình đến khi nào sẽ đen sắt, chai lì như chiếc cọc bích đứng lẻ loi bên cầu cảng. Nói là bây giờ đã cơ giới hoá, sức con người sẽ được giải phóng cũng đúng đấy, ví như không còn phải vác gạo tạ leo cao hàng chục mét, không còn cảnh vần những cuộn giấy hàng tấn đến căng xoạc cơ lưng như quãng đời của lão Phiện đã trải qua. Làm việc cứ ỉ vào xe nâng hàng, cần trục con người sinh lười, một tí một ti cũng tị nạnh - lão hay cằn nhằn vậy. Có hao phí điện năng nhiều cũng là để giúp đỡ đôi vai người công nhân không phải có những cục u chai làm xấu cơ thể nhưng anh bốc vác chẳng thể mặc áo trắng, ngồi chơi xơi nước đến cuối tháng lĩnh lương được, mồ hôi không nhỏ đều đều thì làm gì ra sản phẩm mà có tiền. Và còn nắng, còn rét, dường như chúng lại quái ác lên theo thời gian để được hành con người. Trước đây làm gì có cái nắng nóng rang như chảo lửa, cả tháng trời không lấy nổi một giọt mưa và cái rét thì chẳng ra rét mướt, giữa ngày đông tháng giá mà lưng áo lúc nào cũng rịn mồ hôi như có đàn châu chấu đùa rỡn trên da khiến cho người ấm ách khó chịu.
   Gọi là lão cũng đúng, bởi cái tính lì lì chẳng bắt nhời chuyện gẫu với ai, ca nào cũng  chỉ thui thủi một mình làm bạn cùng chiếc cọc bích câm lặng bên mép cầu cảng. Thế thì tán tỉnh sao được phụ nữ, cho nên đã gần hết cuộc đời rồi lão vẫn lẻ bóng. Đám thanh niên lốp chốp đùa, thật lão chẳng giống ai, làm anh bốc vác phải gào to lên thế mới xả hết cái nhọc trong người ra, sống mà lai vô ảnh khứ vô hình chẳng để ai biết tới thế thì buồn, sống mà không có những chuyến đi xa để có lúc mong chờ tới khi cập bến thì cũng nhạt. Lão nhếch miệng cười, xịt miếng nước bọt qua kẽ răng. Thế thôi. Nhưng duy chỉ có lần Huy hỏi ý ấy, lão trả lời dài hơn thường lệ. “Mồm miệng nhiều chẳng nhấc nổi bao hàng.” Không ai hiểu hàm ý câu nói của lão. Huy cười, cuộn thật gọn cuốn truyện đang đọc dở đút sâu vào túi quần.
Đấy là Huy nghe theo lời lão. Huy hay mang theo những cuốn sách đến chỗ làm, tranh thủ những lúc chờ việc để đọc. Ngày mới vào làm, thấy đội trưởng Phúc đang đến gần, lão Phiện giật tay Huy ra hiệu:
-Cất truyện đi!
-Sao?
-Làm thằng bốc vác còn truyện trò nó không ưa!
-Sao?
-Rồi mày biết!
   Huy chưa kiểm chứng được việc không ưa của đội trưởng thế nào, nhưng rõ ràng làm anh bốc vác lưng phải còng như lưng tôm, rỗi rãi thì nằm duỗi dài cho thẳng lại, đằng này sách vở kè kè trên tay nhìn chướng mắt lắm. Chẳng lãnh đạo nào ưa người dưới quyền không làm đúng chức năng của mình. Biết người biết ta, Huy cuộn gọn cuốn truyện đút sâu vào túi. Nhưng cái tính ham đọc sách chẳng khiến Huy chùn, tranh thủ rỗi lúc nào lại giở sách ra đọc. Huy chẳng sợ đội trưởng biết bởi lão Phiện đã là người gác tình nguyện rồi. Quả thực, vào làm đã ba năm mà chưa lần nào Huy bị đội trưởng nhìn thấy đọc sách trong ca. Để rồi con người đội trưởng Phúc trong mắt Huy vẫn là người ăn nói nhẹ nhàng đúng chất giọng của người Hà Tây, chứ đâu có bặm trợn như mọi người thì thào với nhau.
   Chẳng mấy người ta cũng gọi mày là lão thôi, trần đời có thằng bốc vác như mày, rồi mày cũng gàn dở như lão Phiện, mỗi khi thấy Huy đọc sách Tương lại gườm mắt nói vậy. Huy không tức vì lời nói đó mà nhìn vào bộ mặt mỏng như cái lá cùng những bước đi nhấp nhổm như con mèo rình chuột của Tương mà thấy ghét cái xảo trá, cái lọc lõi hiện quá rõ ra vẻ ngoài của đồng nghiệp cùng trang lứa. Và những lúc Huy được đọc sách thì là lúc đám bài bạc được dịp quấn túm bên nhau, trong đó Tương luôn là nhà cái. Cờ bạc có canh đỏ canh đen nhưng với Tương chuyện vét làng là chuyện đương nhiên. Số Tương phát về đường cờ bạc. Các con bạc biết rằng, chơi là đem tiền biếu cho Tương nhưng đã vào máu thì chẳng có cách nào cứu, chỉ than thở với nhau vậy thôi. Tất cả là tại con vợ nó cao số. Vợ Tương làm nhân viên giao nhận, lại đi cùng ca với nhau cho nên cứ thấy chồng khoanh chân giữa vòng tròn người là cô ta lại len vào ngồi xoạc cẳng cạnh chồng cùng chung sức tìm ra cửa đẹp. Cờ trong bài ngoài, chầu rìa bao giờ cũng tỉnh táo hơn cho nên nghe theo vợ chưa khi nào Tương bán nhầm cửa. Lạ thế, chẳng khác gì phù thuỷ, tiếng bốn quân bài reo trong lòng chiếc bát mà cô ta biết được mặt nào sấp mặt nào ngửa.
   Nửa tháng rồi, không lấy được một vệt trắng nào gợn vào tấm thảm xanh ngút ngát của bầu trời. Mặt trời được dịp xoà lửa thoả thích xuống trần gian. Và như có thêm vầng mặt trời thứ hai từ dưới lòng sông hắt sáng lên thi thố độ chói loá khiến mặt nước như  quầng lửa hàn. Con tầu chờ làm hàng ngâm mình dưới nước nhưng cũng chẳng ăn thua gì, sắt thép trên mặt boong oằn lại dưới làn hơi nóng ngùn ngụt bốc lên. Tiếng máy tầu ậm ịch như người thở dốc. Chiếc sà lan chở xi măng cập bên mạn cố ép sát vào thân tầu để nương nhờ chút bóng đổ. Giờ giấc quái ác thế, mười hai giờ trưa đã vào ca sản xuất. Nhưng đã sang hai giờ chiều, đố có ai dám bước xuống hầm hàng làm việc. Cán bộ điều hành sản xuất ngồi trong phòng chíp của tầu có máy lạnh tặc lưỡi thông cảm, bắt anh em làm việc lúc này không đành.
Còn lão Phiện, cũng không đành ỉ vào trời nóng mà ngồi không, thỉnh thoảng nhìn lên boong tầu sợ lãnh đạo ra giục. Thế ra mình bị sai khiến chứ đâu phải đi làm, lão không muốn ai đụng chạm tới mình. Lão đứng dậy, lấy dây chun cẩn thận nịt cổ tay áo, ống quần cho khít để bụi xi măng đỡ chui vào người, quấn chiếc khăn mặt lên đầu thấm mồ hôi. Lão rón rén bước xuống khoang sà lan như sợ phải bỏng. Không phải nói quá, rộp da chân ngay nếu bước luôn vào đống xi măng dưới khoang sà lan. Lão Phiện xoà xoà bàn chân vào lớp vỏ bao nóng như vừa lấy từ trong lò nung ra cho quen dần. Chỉ lát sau cảm giác nóng bỏng không còn, lão cúi xuống bấu chặt hai tay vào hai đầu bao, không cần lấy đà, không phải nén hơi, bao xi măng năm mươi cân được nhẹ nhàng tung lên nằm ngay ngắn vào chiếc cao bản. Xếp chồng cao năm với lão chẳng khó khăn gì, chỉ có điều thời tiết này đã khiến lão phải nhỏ những giọt mồ hôi hiếm hoi.
Huy cuộn cuốn truyện cẩn thận vào túi, nói đùa:
-Từ ngày vào làm bây giờ mới thấy lão nhỏ mồ hôi.
Nhìn những dòng mồ hôi túa trên mặt Huy, lão chặc lưỡi:
-Số mày phải ngồi văn phòng, cố sách vở nhiều vào cho giỏi để mà chuyển nghề.
   Lão nói thế là không hiểu Huy, có được công ăn việc làm là tốt rồi, khối người mồ hôi vắt ra như nước còn chẳng đủ nuôi miệng. Huy nhìn những giọt mồ hôi rịn trên sống mũi lão được nhào thêm lớp bụi xi măng trở nên đen đục nhểu xuống mặt bao hàng như những giọt keo, màu áo bảo hộ đỏ như vầng mặt trời giữa lòng sà lan mà thấy lòng mình trở nên ưu tư. Ừ thì cũng thử cố gắng phấn đấu xem sao, biết đâu cuộc đời từng trải của lão có thể đoán định được tương lai của mình, ngay cả lão hẳn hồi trẻ cũng chẳng muốn cuộc đời phải gắn với cái nghiệp ăn no vác nặng này.
Lão Phiện dường như chẳng bận tâm tới người khác, ngửa mặt lên tầu gọi cần trục hạ móc cẩu xuống để cẩu mã hàng đã làm xong lên. Quầng mặt trời chung chiêng trên mặt lão. Cần trục hạ móc cẩu xuống, tiếng phanh đóng mở chiu chíu như những mũi tên găm vào không gian. Những mũi tên lao vào những người không đành để lão làm một mình đành hậm hực nhẩy xuống khoang sà lan, miệng lẩm bẩm những câu chửi lão già rồi còn ham hố cái gì nữa mà muốn làm lấy chết, giở chứng gì chắc, thử nhìn xung quanh xem đã có tổ nào làm chưa. Mà kiếm nhiều tiền để cho ai hưởng cơ chứ, vợ con không có, chết chẳng mang theo xuống mồ được.
   Cuộc đời lão chưa một lần cầm cổ tay đàn bà. Mọi người chỉ đoán thế chứ có ai biết ngọn ngành tại sao lão chưa có vợ đâu. Đồng tuế với lão, khi có nghị định bốn mốt rủ nhau về hưu sớm để hưởng chút nhàn hạ cuối đời, còn trơ lại mình lão nhiều tuổi nhất. Không hiểu tại sao lão không chịu về. Mà nếu có còn ai thì cũng chẳng ai biết chuyện riêng tư của lão thế nào, đã ai được lão tâm sự về cuộc đời mình đâu. Tới nay chỉ có Huy là được lão trả lời về chuyện vợ con, nhưng chỉ vẻn vẹn câu trả lời cộc lốc sau khi đã xịt miếng nước bọt qua kẽ răng để lấy lại bình tĩnh.
-Duyên số cả!
Nói xong lão buông tiếng thở dài, gục đầu xuống hai bả vai như một hành động đầu hàng số phận. Như vậy chứng tỏ là lão đã có lần yêu. Chuyện thế nào, Huy là hàng con cháu chẳng dám hỏi thêm.
Huy là người nhẩy xuống khoang sà lan đầu tiên trong số những người không đang tâm nhìn lão làm một mình. Khi Huy bám vào một đầu bao để cùng lão làm một kéng thì lão gạt đi.
-Mày làm với tao thì ai đi cùng kéng thằng Đen!
Thằng Tương thích đi cùng kéng với lão đã đành để ỷ lại cho lão rồi, còn lão chẳng hiểu sao có cơ hội tách nó ra để được nhàn thân mà lão cứ không chịu. Con người lão chẳng biết thế nào nữa, yêu ai ghét ai chẳng ai tường, vui hay buồn chẳng ai hay.
   Đến lượt cứ có mã hàng lên là yên tâm rồi, thỉnh thoảng Tương lại liếc nhìn xuống khoang sà lan để ý xem lão Phiện có gọi mình ra làm hay không. Vợ Tương ngồi áp sát sau lưng chồng, hai dòng mồ hôi được hoà quyện vào nhau trong canh bạc chiều.
-Đừng nhìn xuống đấy nữa, lão ấy giục ra làm bây giờ thì hết cửa. – Tương huých cùi tay vào vợ, thì thào.
-Yên tâm đi, mình cầm được tinh của lão rồi, có các bạc lão cũng không gọi xuống.
Đúng là, nếu phải ra làm bây giờ thì làm gì có cơ hội vét làng. Vừa ngày thanh toán lương, lại gặp đoàn sà lan Nam Định chờ lấy hàng phân bón, toàn đứa tiền găm như băng đạn xúm vào, phía lái sà lan không còn chỗ chen chân. Mồ hôi đứa đứng trên nhỏ xuống đầu đứa nhấp nhổm. Mồ hôi đứa nhấp nhổm nhỏ xuống đầu đứa ngồi bệt. Mồ hôi đứa ngồi bệt nhỏ xuống những tờ giấy bạc nhàu nát. Tiền đặt cửa vãi xuống như trấu trước mặt nhà  cái. Vợ Tương xoạc rộng chân, ngồi xích lại gần chồng hơn. Chúng quện vào nhau như đôi sam, như một khối thống nhất của sự đam mê, như để tiếp thêm sinh khí cho nhau trong canh bạc chiều nay và cũng như mọi canh khác. Hai bầu vú của thị tì vào vai chồng bị đẩy nhô cao lên khỏi khoảng trễ của chiếc cổ áo rộng. Cặp vú trắng hồng có lớp lông tơ mịn màng như trái đào tiên. Hai bàn tay với những ngón dài, khòng khoèo như những đốt tre đực của Tương ôm trọn bộ bát đĩa giơ cao ngang đầu xóc dẻo như đầu chú hổ mang bành múa theo điệu nhạc là tiếng reo của bốn quân bài bên trong.
Tương từ từ đặt bộ bát đĩa xuống, cất tiếng rao khàn khàn, chậm rãi:
-Cái cân, làng xuống!
-Tiếng này phải nhẩy, chẳng nhẽ rệp cầu lẻ. Tám cái lẻ rồi!
-Thích chẵn thì nằm cả người xuống, nhà cái cân hết. –Tương dùng ngón cái và ngón trỏ nhúm đít bát xoay một vòng, nói thách thức.
-Không chẵn không chơi nữa. Có bán lẻ đây mua hết! – Con bạc khát nước mặt bệch  như vầng mặt trời giữa trưa vừa nuốt khan nước bọt vừa nói giật giọng thách thức lại nhà cái.
Canh bạc đã đến lúc có kẻ phải trắng tay. Lão Phiện bỏ dở mã hàng đang làm xúm lại ngó đầu vào đám bạc. Lạ, ghét đánh bạc thế nhưng lão lại thích chầu rìa những lúc gay cấn của con bạc lên cơn khát nước.
-Thằng Tương sao rồi? – Huy hỏi lão nhưng trong lòng lại mong điều xấu đến với Tương.
Vẫn là câu trả lời như thường lệ:
-Tiếng vừa rồi thằng Tương phải được trên chục triệu. Số thằng ấy đỏ thế! – Lão nhẩy xuống sà lan, lắc đầu tỏ vẻ thán phục.
-Sao lão không thích cờ bạc lại cứ ngó đầu vào đấy làm gì, chẳng lẽ lão chung phần với thằng Tương?
-Bố láo, tao lại thèm vào cái chuyện ấy! Sao mày không ngó đầu thử xem có chuyện gì, lúc nào cũng kè kè quyển sách thế rồi chả biết có làm nên việc gì.
Đám bạc nào chả giống nhau, những đôi mắt như đần như dại ấy có gì đáng xem, chẳng lẽ Huy lại không thông hiểu cuộc đời lắm sao mà lão lại nói câu ấy, lại tỏ thái độ bực dọc nữa chứ.
-Thế thì lão được gì nào? Lão vẫn chê ông lão trong truyện “ông già và biển cả” là dở hơi, là viển vông, thế thì lão còn dở hơi hơn, bởi lão chẳng được gì cả vật chất lẫn tinh thần trong chuyện bài bạc của thằng Tương.
Chưa khi nào Huy thấy lão nổi giận như lần này. Lão Phiện quá tay quẳng một bao  khiến cho cả mấy chồng đã xếp ngay ngắn đổ dụi xuống, rồi đỏ mặt nói gằn trong họng nhưng chỉ vừa đủ cho Huy thấy được thái độ:
-Tao không dở hơi, mày thì biết gì! Sao cái lão già ấy không róc thịt con cá vứt lên thuyền, vừa không phải mất công mất sức đánh nhau với lũ cá mập, lại có cái để mà ăn. Kéo bộ xương về chẳng qua sĩ diện hão. Cũng như mày ấy, thi đại học hộ thằng Tương có phải là thừa bù đắp lại số tiền bỏ ra chạy việc rồi không, đời thằng bốc vác còn sĩ được với ai kia chứ, tiền nào chẳng cùng là tờ giấy có thể gấp gọn đút túi quần. Nó kiếm được cái danh đảng viên rồi, chỉ còn thiếu cái bằng đại học là được đặt lên bệ phóng. Chân tình là tao thương mày kiếm đồng tiền vất vả nên nói vậy, ki cóp cả đời bốc vác liệu mày có đủ tiền học đại học kiếm lấy cái bổi để mà tiến thân, để kiếm được đồng tiền mà vẫn nhàn cái thân không!
Cái thằng vô lương tâm ấy chỉ có là con lão cho nên lão mới bênh chằm chặp thế. Lão còn kích động mình làm một việc xấu xa. Lão không còn là lão nữa. Chẳng lẽ cuộc đời lão có liên quan tới hắn? Nghĩ cuộc đời lão có cái gì đó tồi tội, cứ nén lòng giấu kín cả cuộc đời mình. Hay là giúp hắn, biết đâu đó sẽ là giúp cho cuộc đời lão thay đổi và rồi mình cũng đạt được một múc đích riêng, đó là có được một số vốn nho nhỏ như dự định trước khi đi làm? Nhưng như vậy có phải là mình sẽ chơi một canh bạc cuộc đời, biết được gặp phải canh đỏ hay canh đen? Ôi dào, đã là thằng bốc vác chày mặt với bụi bặm rồi thì lấm thêm nữa cũng chẳng khiến ai bận tâm, cứ trần đời với nặng nhọc để kiếm tiền rồi khác gì lão Phiện, úi xùi cả đời. Mình sẽ giúp hắn! – Huy quả quyết với canh bạc cuộc đời này. Cái được chắc chắn nhất sẽ là tạo lập được mối quan hệ sâu nặng với một con người khôn ngoan như hắn, để từ đó có cơ hội mà thoát thân ra khỏi công việc nặng nhọc này.
*
*     *
    Lại thêm một năm nữa. Cuộc đời công nhân bốc vác của Huy lấy những ngày nắng nóng để xác định thời gian. Nắng gì mà dai dẳng như sợi chão trói thít chặt lấy cơ thể đến gần tháng trời khiến con người ta nhược nhạc, không dám cả thở sâu nữa bởi sẽ phải hít luôn hơi nóng đến rát hai lá phổi. Và vẫn là thế, các con bạc tận dụng triệt để thời gian vàng bạc cho sự đam mê. Những tấm lưng trần đen bẩn như những miếng sắt phế liệu lại xếp chồng đè lên nhau, những dòng mồ hôi khô sắt lại như những đường hàn ngấu chà xát vào nhau. Còn Huy trải chiếc áo bảo hộ lên cuộn dây neo nơi mũi tầu, úp quyển truyện lên mặt để tránh ánh sáng làm nhức nhối nơi hốc mắt tranh thủ ngả lưng, chờ lãnh đạo giục ra làm. Sao dạo này chỉ được vài trang là những con chữ đã dần nhoè trước mắt, mệt mỏi khiến bàn tay cầm cuốn sách trễ nải, Huy muốn buông sách xuống nhưng trong lòng lại thấy tiếc thời gian nên cố đọc, và rồi câu chuyện trôi qua thật vô nghĩa. Bây giờ không còn lão Phiện nằm bên cạnh nhưng Huy cũng chẳng sợ đội trưởng nhìn thấy mình kè kè cuốn sách trên tay, bởi thằng Tương còn lạ gì nữa mà phải giấu giếm. Hắn lên chức đội trưởng nhanh không ai ngờ.
Và cũng không ai ngờ lão Phiện lại xin nghỉ hưu sớm một năm. Khi cơn gió mùa đông bắc đầu tiên còn đang rập rình bên kia sông, những ngọn gió se sớt lạnh làm khô tấm lưng trần khiến da lão mốc trắng như da rắn lột. Nhưng lão vui. Lão đột nhiên mở đầu câu chuyện trong khi hai người đang dò dẫm lần từng bậc thang xuống hầm tầu tối bưng.
-Mai tao nghỉ hưu rồi.
-Sao? Nghỉ hưu? Thế mà không ai biết! Mai nghỉ rồi, đi ca tối nay làm gì cho vất vả!
   Huy ngạc nhiên và không ai là không ngạc nhiên. Lão nghỉ hưu cũng không có gì lạ nhưng cái để mọi người không hiểu con người lão thế nào là, tại sao không nghỉ theo nghị định bốn mốt để được hơn tám chục triệu, nghỉ dở chừng thế này chẳng được khoản gì mà lương hưu lại bị thấp đi. Ông ấy lo cho thằng con có được chức quyền rồi mới nghỉ - Đó là lý do để mọi người lý giải về việc làm của lão. Gần một năm không có người bạn già bên cạnh, Huy một mình tìm chỗ vắng ẩn mình vào những suy nghĩ riêng tư. Có lần đi qua chỗ Huy ngồi, Tương nhếch miệng cười, nói đùa: “Lão Phiện về rồi lại có lão khác thay thế, chẳng bao giờ thiếu”. Huy tự vấn, từ lúc nào mình thích lủi thủi một mình nhỉ? Tại con vợ hắn? Tại sao lão Phiện gắn bó là thế mà chẳng mấy khi gợn gạo nên trong tâm trí, thế mà người đàn bà ấy chỉ một lần thôi đã dần đẩy Huy ra xa mọi người để một mình âm thầm tìm lại cảm giác của buổi trưa nóng giẫy trong căn phòng hai mươi mét vuông đó. Cái mùi nồng nồng trên cơ thể của cô ta vương vất đâu đây, cái thứ mồ hôi nhờn nhờn trơn nhẫy trướt qua má Huy đến bây giờ vẫn thấy lành lạnh. Chưa một lần Huy đụng chạm tới thân thể đàn bà, tại sao khi ấy không thử một lần để biết được thế nào là tình ái, để thấy được đằng sau khoảng trắng hồng vồng lên sau khoảng cổ áo trễ mỗi khi cô ta tì ngực vào vai chồng trong mỗi canh bạc còn đẹp hơn đến mức độ nào đã khiến Huy vài lần liếc mắt vào. Huy đang đứng trên miệng hầm hàng sâu hun hút, chơi vơi, muốn bám níu vào đâu đó để khỏi mất thăng bằng. Và rồi không ít lần vô cớ Huy buông sách ngó đầu vào đám bạc giống như lão Phiện. Chẳng lẽ lão Phiện cũng có tâm trạng như mình? Lão Phiện đâu phải là người như vậy, cuộc đời mỗi người một cảnh ngộ.
   Chẳng lẽ cảnh ngộ cuộc đời của cô ta đáng thương vậy sao? Canh bạc cuộc đời này anh chưa dám nằm cả xuống, đó là đánh giá của cô ta khi đẩy chồng tiền về phía Huy. Huy đút sâu nắm tiền vào túi, vô cảm nhìn những giọt nước ứa ra bên khoé mắt cô ta. Chồng cô ta được vào đại học là cái đích công khai của cuộc trao đổi đã hoàn tất. Và còn cái đích khác chỉ có hai người biết, đó là cô ta khát khao chỉ một lần thôi được cơ thể sạch sẽ, trong trắng như Huy đè lên là chưa đạt được. Thú thực, khi bàn tay ấm mềm, láng mồ hôi, ngai ngái mùi da thịt đàn bà áp vào má, những ngón tay run run của cảm xúc mãnh liệt thực sự đang lần tìm trên da thịt mình, Huy ngất ngây muốn ngốn ngấu đổ ập xuống người cô ta. Nhưng tại sao cô ta lại thốt lên lời nói đó? “Sao em đời không gặp được một người đàn ông nào sạch sẽ như anh!” – Có phải lời nói đó là thực lòng? Huy đã chấp nhận một trong những điều kiện cho cuộc trao đổi, đó là chuyện phiêu lưu tình ái này. Cô ta đẹp, không ít thằng đàn ông thèm khát, tưởng chừng sẽ khó khăn lắm, phải là có tiền, có chức quyền mới dám mơ tới, thế mà không ngờ lại định cái giá rẻ mạt đến vậy! Điều này đã làm tăng thêm cái tính cao ngạo của thằng đàn ông cầm cửa trên, giúp Huy tỉnh táo nhấc lên bàn cân để so sánh xem những lời nói hào hển của cô ta là thực hay là cũng chỉ như vừa mới cách đây nửa ngày thôi, cô ta lả lơi ôm ngang lưng đội trưởng Phúc, còn thằng chồng đi ngay cạnh như người dưng. Đó là ván bài gì mà thằng Tương dám lấy vợ ra đặt cửa không sợ người đời chê cười, không sợ rồi ngay chính vợ mình coi khinh. Giờ thì thân con đàn bà ngay cạnh mình đây, có lẽ vẫn còn nhơ nhớp mồ hôi của đội trưởng Phúc chà sát vào.
   Chẳng lẽ nước da của cô ta là do nhiều thằng đàn ông chà sát quá nên mới trắng mịn như thế, Huy chua chát mỉa thầm. Nhưng như kẻ thua bạc chỉ mong ván sau gỡ lại,  những lúc hình bóng của cô ta kéo Huy ra xa mọi người là những lúc Huy thấy mình sao dại quá, đừng nghĩ tới cái xấu sẽ thấy phần tốt đẹp trương ra, như vậy có phải đã được thêm một bài học bổ sung cho cuộc sống. Huy tìm cách cố gần cô ta để xem còn vớt vát lại được gì trong canh bạc tàn. Nhưng cô ta đã có ván bài khác mà Huy là kẻ hết tiền chẳng đáng bận tâm, những lời nói hào hển trong lúc say tình dường như chẳng bao giờ có trên cái miệng xinh. Chẳng lẽ tình cảm của con người trơn truội thế sao, đã nghe rõ nhịp đập trái tim của nhau, hít sâu hơi thở của nhau rồi thì khác nào đã hoà quyện linh hồn vào nhau, vậy thì chí ít cô ta cũng phải có ánh mắt đáp lại chứ. Tại Huy sạch sẽ quá mới cho là như vậy, tại ông lão trong truyện “ông già và biển cả” bảo thủ quá cho nên mới xuýt phải đổi cả tính mạng. Còn ông lão Phiện thì sao? Thực dụng, bỏ công bỏ sức, chắt chiu từng ngày từng tháng mong kiếm được nhiều tiền để làm gì, hay lại phải cái tội ngong ngóng từng ca để được ngắm nhìn khuôn mặt xinh xắn, nước da trắng mịn của cô ta. Huy nhìn xuống làn da của mình, nước da đã xạm đen, một vài vệt mồ hôi loang như đường gỉ sét trên miếng sắt phế thải bám dính trên người. Không biết liệu có được một cơ hội nữa cô ta có khen Huy sạch sẽ? Hay là rồi như đội trưởng Phúc, gặp phải canh bạc nghiệt ngã, bị mất chức đội trưởng vì cái tội định cướp vợ người khác, để cho người lên thay chính là Tương, người xuýt bị mất vợ ấy. Nhưng mình chỉ có tấm thân khô, anh ta làm gì được.
   Nắng nóng cùng với mỏi mệt kéo Huy vào giấc ngủ. Có lẽ cũng chợp mắt được mươi phút thì Huy bị thúc dậy. Tương đứng chạng háng ngay trước mặt Huy, nét mặt nhau nhúm như chiếc bao tải rách. Lên được chức quyền, ngồi làm việc trong phòng có hai máy điều hoà, người đỡ quắt queo nhưng cũng chẳng vì thế nước da Tương hết được những vết loang đen bẩn mà nay lại thêm những đường nhăn cau có trên khuôn mặt. Tương hậm hoẹ:
-Đội trưởng thì đôn đáo lo công việc thế mà các ông cứ yên vị ngủ. Mấy giờ rồi! Như ông sách vở nhiều cũng chẳng làm nên trò trống gì, cũng lại như lão Phiện thôi.
   Anh ta bắt chước lý lẽ của lão Phiện, áp dụng vào mình cũng đúng thôi. Suốt ngày kè kè quyển sách trên tay, học hành chẳng đến nỗi nào, thế mà cũng chỉ là anh công nhân trần mình vác cả vầng mặt trời trên vai. Những tưởng quen thân với người có vai vế để thoát xác nhưng giờ lại đâm lo. Loại người giảo quyệt như vợ chồng Tương, cái thân bốc vác của Huy liệu có được yên ổn để mà kiếm tiền mưu sinh. Hắn sẵn sàng đuổi việc hay chuyển Huy đi nơi khác để che giấu sự thật về bước đường  thăng tiến của mình, thế nhưng tại sao đến bây giờ chưa có biểu hiện gì để tâm tới việc đó? Mặt trời vẫn còn đứng bóng, những mã hàng đã như lao ra từ quầng chói loá của vầng mặt trời thứ hai từ dưới lòng sông ngang qua trước mắt Huy. Tệ quá, tại Huy mỏi mệt nên thiếp đi mà quên mất rằng, đừng có ỷ vào nắng nóng mà trốn việc, giờ giấc coi như pháp lệnh bắt buộc phải tuân thủ. Muốn kiếm tiền bằng nghề bốc vác hãy buông sách vở xuống, đừng bắt chước ông lão câu cá mang bộ xương không trở về để hãnh diện. Lão Phiện đã đúng. Huy đưa tay che mặt trời tránh loá mắt, lững thững xuống hầm hàng làm phận sự của mình.
-Này, tao bảo này!
Huy giật thót người, cảm giác chờn chợn thoáng qua khi nghe thấy Tương đột ngột gọi lại.
-Giúp tao một việc được không?
-Ông đội trưởng rồi, tôi giúp gì được? – Huy ngập ngừng hỏi, nhìn Tương nghi ngờ.
-Nếu không tao đội nắng ra đây làm gì. – Tương cấm cảu, vẻ mặt càng nhàu nhĩ.
-Quan trọng thế cơ à!
-Vào phòng chíp của tầu cho mát, nắng bửa đầu đây này, vào trước đi không để cho người khác biết.
Hẳn lại chuyện ám muội gì đây, nếu không hắn chẳng quan hệ, chẳng có thái độ thân tình thế với mình làm gì. Nhưng là chuyện gì? Đoạn đường từ mũi tầu tới ca bin Huy như được làn hơi nóng đẩy bay lên bồng bềnh với nỗi phập phồng lo sợ sự trả thù gì đó nơi Tương. Chả gì mình cũng đã có một buổi trưa mờ ám trong quan hệ với vợ hắn, và lần này lại vào cái thế cửa dưới của hắn thì sao dám cao giá như lần trước. Phòng chíp lạnh khiến Huy rùng mình.
-Việc gì thế? – Vừa vào trong phòng Huy hỏi luôn.
-Nói cho nhanh, mày cần tiền không?
-... ?      
-Làm gì mà mắt trợn hoả lên thế. Cụ thể, tao cần mày hợp tác.
-Làm thằng bốc vác trên răng dưới tạc đạn, còng lưng ra mới có tiền, ông muốn làm thêm à, lương đội trưởng không đủ đưa cho vợ chắc.
-Mày cứ ngây ngô như lão Phiện ngày xưa.
-Thế ra ông cũng hợp tác với lão Phiện làm những trò ám muội.
-Có muốn cũng không được, thời lão ấy khác thời bây giờ khác, đấy là tao nhận xét thế. Có dám không?
-....
-Mày là người ký phiếu năng suất cho tổ. Bây giờ sẽ ký làm hai phiếu, phiếu thật chỉ để đề phòng ai thắc mắc thì đưa ra, còn phiếu thứ hai sản lượng thấp hơn thực tế ca làm để thanh toán tiền lương cho tổ. Phiếu tờ vợ tao lo, thanh toán tiền lương có người khác lo, còn mày chỉ cần giữ mồm, đơn giản thế thôi.
-Đơn giản thế ông nhờ tôi làm gì?
-Làm từng đấy năm chưa cho mày kinh nghiệm gì à, chỉ biết còng lưng ra làm, chả khác gì lão Phiện. Bọn chúng nó ranh lắm, đếm từng mã hàng đấy, qua mắt sao được, thế nhưng chỉ nhớ được lúc ấy thôi, cái mệt làm cho đầu chúng nó mụ đi ngay. Nhưng mày chắc không thế tao mới cần nhờ đến mày.
-Thế ra ông lợi dụng tín nhiệm của tôi để ăn chặn mồ hôi của thằng công nhân. Chẳng lẽ không còn nguồn nào để cho ông bớt xén mà làm cái trò mạt kiếp thế.
-Cờ bạc không bịp thì sao ăn được người. Hỏi một câu cuối, có dám không, đừng có ỡm ờ như với con vợ tao, thèm nó rỏ dãi mà không dám đụng vào. Đồ hèn! Thằng đàn ông nào mà không ghen vợ, tao để yên mày tưởng tao không biết gì chắc, thằng cha Phúc mất chức cũng chẳng qua nhìn thấy nó ôm vợ tao quá đáng.
*
*    *
   Huy chưa kịp dựng xe, lão Phiện đã vồn vã hỏi:
-Vợ chồng chúng nó bỏ nhau chưa? Không bỏ nhau thì quả là vô lý.
Huy cười, đi vào trong nhà, ngồi ngay ngắn trên ghế rồi mới hỏi lại:
-Thế nào là vô lý hay có lý, con hỏi thật, lão có gì với vợ chồng hắn không?
-Mày hỏi hay nhỉ, có gì là thế nào, đừng hỏi mập mờ thế thanh niên ạ. Mày nghĩ rằng tao hay ngó đầu vào đám bạc là có ý nhòm vợ nó chứ gì, hay là thấy tao quan tâm tới chúng lại cho chúng là con của tao, cuộc đời chẳng có gì rõ ràng như thằng bốc vác bốc một bao là ăn tiền một bao.
-Lão nhầm rồi, bốc một bao đã chắc gì ăn một bao.
Lão Phiện trầm ngâm, nói với Huy mà như thủ thỉ như tâm sự một mình:
-Vợ nó đẹp thật, khiến tao nhớ tới thời trẻ, khi ấy với tao đàn bà ác nghiệt lắm. Phận thằng bốc vác nghèo hèn với cao sao được... - Bỗng dưng lão nói nhanh như sợ Huy cướp mất lời: - Không phải! Duyên số cả! Số tao hẩm hiu không lấy được vợ đẹp. Thằng Tương xấu thế mà con vợ nó khối thằng ăn trắng mặc trơn có mơ cũng chẳng được. Chúng nó sinh ra là để kết đôi với nhau. Mày biết vợ chồng chúng cờ bạc bịp thế nào không? Con vợ xán vào, hai bầu vú đẹp như thế thằng nào chả bị hớp hồn, còn thằng chồng giơ bộ bát đĩa ngang đầu xóc rồi hạ từ từ xuống, hai móng tay cái để dài kênh miệng bát lên cho con vợ nhìn thấy. Tao ngó vào là lo cái trò cờ bạc bịp ấy của chúng nó có bị lộ, rồi cố ở lại thêm vài năm là để cất công nhờ mày giúp nó vào đại học không thì chúng nó bỏ nhau. Cái phận thằng bốc vác chênh vênh lắm, thằng Tương được con vợ đẹp thế tao cũng phải cố giữ hộ nó. - Lão nhìn vào mắt Huy, hỏi: - Sao, mày ngạc nhiên à? Thằng bốc vác ngửi mùi hôi của nhau còn nhiều hơn ngửi mùi hôi của vợ, thế mới phải mắc nợ với nhau. Tao nhầm rồi, mồm miệng đỡ chân tay nhiều lắm, lão già câu cá trong cái chuyện gì ấy có mang bộ xương không về mới được khen chứ xẻo thịt cá mang về chắc lại cũng như cuộc đời bốc vác của tao với mày thôi, mày nhìn xem căn nhà cả cuộc đời còng lưng kiếm tiền này đáng giá bao nhiêu, cũng như thằng Tương có được vợ đẹp lại hốt được tiền của thiên hạ liệu rồi có sung sướng không. Này, thế mày bỏ sở thích đọc truyện chưa đấy? Đừng bỏ con ạ! Chưa khi nào tao nói nhiều như hôm nay phải không. Kìa, con nhìn mặt sông, vầng mặt trời dưới lòng sông sắp tắt mất rồi, nó còn lần lữa cố thổi bùng lên không gian ánh vàng rực rỡ, con tầu cứ như trôi trên tấm thảm lụa tơ tằm.
                                                                                                                        N.Q.H
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Quảng cáo
congnhan12345
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 2
Trong ngày: 56
Trong tuần: 472
Lượt truy cập: 381046

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ GIỚI THIỆU!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH, NHÀ VĂN CẦM SƠN! RẤT NHIỀU BỨC ẢNH CỦA NGÀY HÔM ĐÓ ĐÃ CÙNG VỚI BÀI NÓI CỦA TÔI LÀM NÊN KHÔNG KHÍ TƯƠI VUI, HÀO HỨNG CỦA BUỔI RA MẮT SÁCH! CHÚC MỪNG NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CHÚC MỪNG TS NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC VỚI TẬP THƠ ĐỘC ĐÁO, IN ĐẸP!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÁI PHỤC BÀ MÂY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Thuộc loại "chuyện bây giờ mới kể" đây! Cám ơn tác giả! Mượn lời bà SUỐI để nói về bà MÂY: "Bái phục bà MÂY" ! Haiza!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN VÀ BAN BIÊN TẬP ĐÃ ĐĂNG BÀI VIẾT NHÂN DỊP NHÀ THƠ NGUYỄN HUY HOÀNG RA MẮT TUYỂN THƠ VÀ TRUYỆN KÍ TẠI HỘI TRƯỜNG HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM!

 
Xem toàn bộ
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0964 131 807
Email: soncam52@gmail.com
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công nhân.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông Chi hội Nhà văn Công nhân.