Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

HỐI LỘ

 LaHAN

XĂM MÔI, SỬA MŨI
  Vợ chồng Phòm có 3 cô con gái. Cô đầu chí thú làm ăn, nông dân thực hột. Cô thứ 2 làm cô giáo mầm non, cũng tý phấn tý son. Nhưng cũng chỉ ăn chơi phố huyện!!! Riêng cô thứ 3 được ăn học đầy đủ, lại học tận thủ đô, nên cũng theo chúng bạn, tỉa tót rồi điệu đàng nhất nhà.
   Tết vừa rồi, nó nghỉ mấy ngày mà cứ nhu nhú quanh sân, không ra khỏi ngõ, lại đeo băng khẩu cả khi đi ngủ. Phòm hỏi “Mày ốm à con?”. Nó ậm ừ rồi chui tọt vào buồng. Con chị nhay nháy mắt với con thứ 2. Phòm chả hiểu ra sao, nhắc vợ chú ý đến con. Thị cười tủm tỉm “Ông không phải dạy thầy chùa gõ mõ…”
Đến lúc nó xuống trường rồi, con chị mới ti tô: “Bố ơi, dì út nó xăm môi đấy!”
Xăm môi để làm gì?
Bố đúng là… đàn ông, xăm môi là cho môi lúc nào cũng đỏ, lúc nào cũng tươi, không phải bôi son hằng ngày!
Ồ thế thì hay chứ sao nó lại dấu?
Dì ấy nói với mẹ từ lâu rồi! Dì ấy lại còn rủ con cùng xăm nữa. Nhưng hôm ngồi trong nhà hàng thợ xăm, họ tiêm thuốc tê cho cứng môi rồi, con sợ quá, đành vớ cái bút, nháy anh thợ xăm đến gần, rồi ghi “Em ơi, cho chị suy nghĩ lại”- “Sao thế chị”- “Chị sợ lắm, để chị về đã, có gì chị điện lại sau…” Thế là con biến luôn! Nghe nói xăm đau lắm bố ạ!
Nghỉ lễ Độc lập mùng 2 tháng 9 vừa rồi, về nhà mà nó cứ quấn hùm hụp cái khăn kín nửa măt, trông như gái đạo Hồi. Phòm hỏi: “Mày lại xăm má hả con?”
Dạ, không ạ, con sửa mũi!
Ối giồi ơi! Mũi mày làm sao phải sửa?
Con nâng lên cho đỡ tẹt bố ạ. Các bạn lớp cao học của con ai cũng làm thế!
Phòm lắc đầu, nhăn mặt rồi bảo: “Học cao học là mũi phải cao à? Mày bỏ khăn ra bố nhìn xem nào?”
Ối cha cha…Sao trông mặt cứ đơ đơ thế hả con?
Mới làm thì nó thế, vài tuần sẽ bình thường bố ạ!
Mày làm bố gần mày mà cảm thấy như đứng cạnh cô khách trên tỉnh về làm công tác tiếp xúc cử tri ấy!
Bố cứ diễu con!
Trầm ngâm một lát, chờ cho con gái buộc lại khăn, Phòm mới hỏi:
Mày sửa mặt sửa mũi. Ừ, bố cứ cho là xinh hơn đi, nhưng mày có bỏ được cái dáng đi lập cập chân không bén đất không?
Chịu khó rèn thì cũng bỏ được bố a! Bố thấy đấy, giờ con đi đứng có như xưa đâu. Trừ lúc vội … Hì, hì…
Mũi, tai, mồm, họng đều đẹp nhưng cái nói ngọng “E lờ” với “En nờ” quê kệch có bỏ được không hả con?
Ối, bố ơi! Cái đó khó bỏ lắm! Khối bác mặt phương phi, lên vô tuyến mà vẫn “Nàng tôi xanh bóng tre…” rồi “Lón ná nghiêng nghiêng, cá nhìn ngẩn ngơ” đấy!xammoi
Thế thì còn gì là đẹp nữa? Khi con gái tôi như sao Hàn Quốc mà vẫn ngọng níu ngọng no???
Ôi, bố ơi, vào thời đại công nghiệp 4.0 này, có khi nói ngọng lại chính là bản sắc văn hóa đấy nhé! Tới đây, đầy rẫy là rô bốt, nói tăm tắp, làm tăm tắp, cười tăm tắp… lúc ấy ai nói chuẩn có khi lại lẫn với rô bốt, nói ngọng có khi lại có giá; vì như thế còn giữ được chất người nhất đấy bố nhé…
Thế à? Thảo nào…!
Thảo nào sao hả bố?
Phòm lơ đãng nhìn ra ngõ, gật gù...
 - Thảo nào hôm qua mày về, con Lu nó mừng ngoáy tít đuôi, nhưng mũi thì khịt khịt, rồi nó sủa ông ổng. Thì ra nó sủa vì mặt mũi mày là lạ, nhưng nó lại ngửi được cái bản sắc mày mang về con gái ạ!
Nói rồi Phòm thủng thẳng ra thăm đàn lợn đang eng éc đòi ăn!
 
TAI NẠN
  Mấy năm nay, nhà Phòm và các con làm ăn khá. Con gái lớn có cửa hàng to giữa trung tâm thị tứ của xã, đã mua xe ô tô bán tải. Con gái thứ 2 mỗi vợ chồng một chiếc xe máy đắt tiền, đi làm. Riêng Phòm vẫn đạp chiếc xe đạp cũ, túc tắc đi công việc quanh thôn và lên xã. Đôi lần Phòm bảo mua xe máy, vợ Phòm gạt đi, bảo rằng đi xe đạp vừa rèn luyện sức khỏe, vừa an toàn! Lại thôi!
  Hôm vừa rồi, Phòm đạp xe sang xã bạn, thăm ông anh cùng quân ngũ ngày xưa, đang ốm sắp “đi”. Đến đoạn đường gập ghềnh, Phòm lựa lựa bánh xe cho thuận vòng đạp thì uỵch một phát, chiếc xe máy to đùng phía sau húc vào đít xe Phòm. Người và xe bắn về phía trước, Phòm văng ra khỏi xe, chiếc xe đạp nằm méo mó cách Phòm có lẽ đến vài ba mét!
Đau ê ẩm. Tay xước, rướm máu đầu gối! Thế mà Phòm nghe giọng tong tỏng của 2 tay thanh niên:
Lão già, đi đứng thế nào thế?
Ơ… ơ… các anh…
Chúng càng hỗn hào hơn, vừa ngồi trên xe, đứng chống chân vừa hách giọng:
Ơ… ơ cái gì? Già rồi loạng quạng ra đường làm gì cho khổ con cháu. Hơ hớ… nằm nhà chờ chết có tốt hơn không???
Phòm tức ứa cục cứt dáy, ù mang tai, nhưng nhìn quanh, chẳng có ai… đành lẩm bẩm: “Vâng… vâng… em … sai… em rút kinh nghiệm…”
Hơ hớ…Rút kinh nghiệm mà xong à. Hôm nay tụi này mà xòe thì lão khốt biết tay!
Vâng… vâng em đi chậm quá, em sai… Em cảm ơn các anh!
Á à… lão lại còn cảm ơn đểu cánh này à???- Thằng mặt phẹt, mũi đỏ, ngồi sau xe, nhảy phốc xuống đường, nắm ngực áo Phòm lôi dậy!
À… Em đâu dám nói đểu - Phòm xuýt xoa đứng dậy, vái hai thằng hai vái - Em cảm ơn thực lòng đấy ạ!
Lão cảm ơn vì cái gì?
Dạ! Là các anh làm hỏng chiếc xe của em, em có dịp để xin tiền vợ, thay xe mới ạ!
Mày ơi… Nhà lão có tiền! Khà khà… Nôn ra!
Nôn gì ạ?
Tiền!
Dạ, em chỉ có 50 ngàn cầm theo phòng khi xe hỏng thôi ạ! Vẫn thằng mặt phẹt giật lấy, vẩy vẩy tờ tiền, bĩu môi “Chẳng bõ dính tay! Thế cái phong bì gì trong túi ngực kia?”
Dạ… dạ… Đây là tiền em dành thăm đồng đội ốm sắp chết ạ!
  Vẫn thằng ấy thò tay vào túi Phòm lôi phong bì ra, xé xoẹt một cái: “Hai trăm ngàn à? Ngần này làm sao cứu người sắp chết??? Khờ khờ… tình nghĩa đồng đội của các lão cà tẩm chỉ thế này thôi sao?”
  Phòm lắp bắp: “Dạ…dạ… gọi là có chút để bác ấy mua hộp sữa bò, chúng em còn nhìn thấy nhau là quý rồi ạ…”
Các lão chỉ được cái vẽ vời, thời buổi này mà còn cái giọng ấy thì chỉ ăn cám! Thôi…phắn! - Nó nhảy lên xe.
 Phòm giơ hai tay, ngửa hai bàn tay, có ý xin lại cái phong bì. Hai thằng ranh con cười nhăn nhở: “Chó chê cứt thì người mới chê tiền hiểu không?”
Các anh… các anh cho xin lại để tôi…
 Tiếng xe máy rồ ga. Làn khói đen khét lẹt cùng câu nói đặc quánh, xộc vào tai, vào mũi, vào mồm Phòm: “Lão bán cái xe cà tàng kia đi. Cũng được mấy hộp sữa bò đấy! Đúng là bò! Bò thật!!! Hè…hè…
Phòm lao theo kêu ớ ớ…
Choàng tỉnh!
Mồ hôi toát ra đầy chiếc gối bông gạo!
 
HỐI LỘ
Buổi sáng, tại nhà Phòm.
Kính thưa bác Phòm, trưởng thôn!
Dạ, em không dám! Vai vế trong họ ngoại, tính 7 đời, em là em ạ!
Bác là quan trong làng, là kẻ sang trong họ. Vợ chồng tôi có chút quà!
Ấy chết! Em có công cán gì đâu ạ!
Vợ chồng tôi đi làm ăn xa ở nước ngoài, bố tôi chết, bác đã chỉ đạo dân làng lo toan chu tất…
Ồ không phải do em. Mà do cụ ăn ở thuần hậu, dân làng quý trọng ạ!
Tôi cóc biết, chỉ biết dân ai cũng khen. Quà đây là hộp thuốc bổ và mấy ngàn ơ- rô!
Ôi… xin lỗi hai bác, em không dám nhận đâu ạ!
Bác buồn cười, làm quan thì ai chẳng phải nhận quà? Vấn đề là nhận đàng hoàng hay lén lút mà thôi.  Lén lút là mờ ám, là chia chác.
Dạ! Đàng hoàng em cũng không dám ạ!
Đẩy đưa, đưa đẩy mãi. Cuối cùng Phòm đành bảo:
     - Hộp thuốc em xin nhận để tẩm bổ cho mẹ em, còn tiền, xin hai bác mang về cho.
Vậy cũng được, bác xác nhận cho vợ chồng tôi là người làng này, tôi lên xã xin cái dấu, để tiện giao dịch và đi lại!
Phòm: “Xong!”
Hai người gật gù, đắc ý!
Tháng sau. Cũng tại nhà Phòm!
Kính thưa bác Phòm, trưởng thôn!
Dạ, em không dám ạ! Vai vế trong họ ngoại, tính 7 đời, em là em ạ!
Mai vợ chồng tôi bay. Hôm nay tôi đến chào và nhờ bác một việc.
Hai bác chu đáo quá, mà bác bảo gì, em xin nghe!
Biết bác chỉ thích nhận quà bằng hiện vật mà không nhận tiền, nên hôm nay tôi mang tờ giấy này biếu bác!
Ấy chết, em nhận hộp thuốc vì nể hai bác thôi.  Mà giấy tờ gì đấy ạ?
Bác có biết “Công viên Vĩnh hằng” ở bên kia sông không?
Dạ, có biết ạ!
Một miếng đất đủ chôn một mạng người, khu A giá 30 triệu, khu B giá 20 triệu, bác biết không?
Có biết ạ!
Ngày trước tôi đã mua một miếng ở khu A cho bố tôi. Ngày cụ mất, vợ chồng tôi không về kịp, bác và dân làng chôn cụ ở nghĩa trang làng. Nay tôi làm giấy tờ, biếu bác miếng đất ấy!
Ối cha mẹ ơi… ai lại biếu nhau đất chôn người chết? hai nữa em có đi thì em vẫn nằm ở làng thôi!
Bác cà tẩm quá! Nhận đi! Cứ cái đà chôn cất như hiện nay, mỗi người chiếm mấy thước, mỗi họ chiếm mấy sào… chỉ vài năm nữa, hết chỗ chôn, đất lên giá, bác bán đi kiếm lời chứ sao.
Dạ… dạ… Nhà em không có mả kinh doanh đất ạ!
Chà… thế này thì bao giờ đổi mới, bao giờ đi theo kinh tế thị trường được hả bác Phòm? Dịp này về, tôi mua được có 80 miếng thôi…Nhà tôi chôn mấy đời cho hết? Việc tôi nhờ là bác nghe ngóng, rồi, thấy được giá thì quất cho tôi. Lờ lãi anh em mình tính toán chia nhau sau…
Ối giời đất ơi… Em xin vái cả nón ạ!!! 
Phòm dập đầu như bổ củi. Bỗng nghe vợ gọi: “Dậy, dậy đi… ông mơ gì mà hét to thế?”
Kể ngay cho vợ. Thị lè lưỡi… vãi cả linh hồn!
                                                                                                         LaHAN
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Quảng cáo
congnhan12345
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 4
Trong ngày: 31
Trong tuần: 759
Lượt truy cập: 379182

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH, NHÀ VĂN CẦM SƠN! RẤT NHIỀU BỨC ẢNH CỦA NGÀY HÔM ĐÓ ĐÃ CÙNG VỚI BÀI NÓI CỦA TÔI LÀM NÊN KHÔNG KHÍ TƯƠI VUI, HÀO HỨNG CỦA BUỔI RA MẮT SÁCH! CHÚC MỪNG NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CHÚC MỪNG TS NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC VỚI TẬP THƠ ĐỘC ĐÁO, IN ĐẸP!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÁI PHỤC BÀ MÂY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Thuộc loại "chuyện bây giờ mới kể" đây! Cám ơn tác giả! Mượn lời bà SUỐI để nói về bà MÂY: "Bái phục bà MÂY" ! Haiza!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN VÀ BAN BIÊN TẬP ĐÃ ĐĂNG BÀI VIẾT NHÂN DỊP NHÀ THƠ NGUYỄN HUY HOÀNG RA MẮT TUYỂN THƠ VÀ TRUYỆN KÍ TẠI HỘI TRƯỜNG HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM!

 

Cầm Sơn - 0913269931

Cũng cần cảm thông với ông Troussier. Nếu nói về thành tích trong quá khứ, ông Park Hang Seo không thể sánh với ông Troussier được. -Trong sự nghiệp huấn luyện đồ sộ của mình, giai đoạn thành công nhấ...

 
Xem toàn bộ
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0964 131 807
Email: soncam52@gmail.com
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công nhân.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông Chi hội Nhà văn Công nhân.