Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

HOA NÚI

Nguyễn Trần Bé
 
HOA NÚI
 
Ở vùng Sủng Pả của Cao nguyên đá Đồng Văn có một loài hoa đẹp mọc trên đá xám. Rễ của nó bám vào những kẽ đá khô cằn, quanh năm thiếu nước, nhưng lá luôn thẫm xanh, đầy đặn và nở hoa rất đẹp. Xen lẫn trong những chiếc lá hình tai thỏ, xanh biếc là các nhánh hoa chỉ dài độ gang tay nhưng rất nhiều hoa và nụ. Những chiếc nụ hoa hình bầu dục, to bằng hạt đậu răng ngựa, mầu hồng, lấm tấm những hạt sương li ti. Từ những chiếc nụ ấy nở thành những bông hoa năm cánh tròn xoe, hồng rực, toả hương thơm dịu ngọt. Cái sắc màu và mùi hương của hoa được sinh ra từ đá xám, từ sương đêm, từ gió ngàn luôn cuốn hút các loài ong bướm đến đùa rỡn. Chúng chỉ đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp và thưởng thức hương thơm của hoa chứ không hề kiếm mật hay lấy nhuỵ. Người dân Sủng Pả gọi đó là Thạch Lan. Nghĩa là lan đá. Hình như trời đất biết mình trót thiếu công bằng khi sinh ra vạn vật, tạo dựng một Cao nguyên quá nhiều đá nhưng lại thiếu đất, thiếu nước… nên đã bù đắp bằng thứ Thạch Lan tuyệt đẹp này. Thạch Lan hầu như nở quanh năm, bất chấp nắng mưa, rét buốt, bất chấp mọi sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Những bông Thạch Lan màu hồng tươi, lóng lánh sương đêm như một chút phẩm màu điểm tô vẻ đẹp cho cả miền đá xám mênh mông, khiến cho các dãy núi đá tai mèo lạnh lẽo có thêm sức sống, dù đó chỉ là chút hương sắc mỏng mảnh, thoảng qua và nhìn lâu mới thấy. Điều kỳ lạ của loài Thạch Lan này là chỉ ưa mọc trên đá khô cằn chứ không hợp với nơi đủ đất, đủ nước. Có người thấy hoa đẹp đem về phố trồng trong chậu sứ, ngày ngày ra sức bón chăm, nâng niu từng tí thế mà nó chẳng lên được, cứ héo quơ, héo quắt…
Sống trên Cao nguyên đá Đồng Văn là những người Mông, người Giáy, người Lô Lô, Pu Péo cùng nhiều dân tộc anh em khác. Họ “sống trên đá, chết vùi trong đá” bằng ý chí và nghị lực của những người con nước Việt. Họ thi gan với trời đất, với rét buốt và khô cằn để sống. Sống bằng sự quật cường và những ước mơ. Những ước mơ nhỏ nhoi, giản dị là có đủ ngô ăn, đủ nước dùng, đủ quần áo mặc, con em họ có được những cái chữ của Bác Hồ. Đơn giản thế thôi mà có khi vẫn chưa đạt được tất cả. Cái ăn, cái mặc giờ đã khá đủ rồi, nhưng cái chữ, cái nước thì vẫn còn thiếu lắm, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa! Đảng, Nhà nước thương đồng bào đã giúp đỡ rất nhiều nhưng vẫn không thể đủ. Có những cái khó không dễ gì khắc phục ngay được. Trong vô vàn cái khó ấy, có lẽ khó nhất là tìm người dạy chữ, tức là những thầy giáo, cô giáo. Người ở các bản làng ở vùng cao, vùng sâu đi làm cô giáo, thầy giáo thật hiếm, trong khi không ít người ở vùng xuôi chỉ lên được một thời gian là đã muốn về. Cũng chẳng trách được họ, vì ở nơi Cao nguyên đá này gian khổ quá! Lẽ thường khổ trước sướng sau thì dễ, nhưng sướng trước khổ sau thì có mấy ai chịu đựng được. Những thầy cô giáo miền xuôi vốn sinh ra và lớn lên ở nơi nhiều đất, nhiều nước, nhiều hơi ấm, nhiều chữ và ít đói nghèo nên hình như quen mất rồi. Nhưng thật may là ở Cao nguyên đá còn có Thạch Lan. Dù không thật nhiều, nhưng vẫn có. Loài hoa kỳ lạ đã níu kéo bao người dân không bỏ quê hương, bản quán ra đi tìm miền đất hứa; giữ chân không ít người đến rồi chẳng nỡ bước ra đi, thậm chí có người đi rồi lại trở về với bản. Trong số những người trở lại ấy có Trần Nhị Lan, một cô giáo của bản Sủng Pả, người được bà con dân bản gọi là “Thạch Lan của người Mông”.
Nhị Lan là một cô gái đẹp. Vẻ đẹp của cô được tiếp thu từ những gen trội của cha và mẹ. Cha Nhị Lan là người miền xuôi, ở một tỉnh đồng bằng châu thổ Sông Hồng. Ông là kỹ sư giao thông lên Hà Giang từ những năm sáu mươi của Thế kỷ trước. Hồi ấy, theo tiếng gọi của Bác Hồ “Mở đường to lên đỉnh Đồng Văn” (*), chàng trai trẻ Trần Phác xung phong ngược lên phía Bắc tham gia chiến dịch mở đường Hạnh Phúc, con đường nối từ Thị xã Hà Giang lên Đồng Văn, Mèo Vạc. Tên của nó là quốc lộ 4C, nhưng đồng bào các dân tộc Cao nguyên đá Đồng Văn gọi là đường Hạnh Phúc, vì nó đã thực sự mang lại hạnh phúc cho đồng bào vùng cao biên giới cực Bắc Hà Giang. Trong số hàng ngàn, hàng vạn thanh niên của sáu tỉnh Việt Bắc và hai tỉnh miền đồng bằng lên góp sức đang hừng hực khí thế “rời non lấp bể” của tuổi trẻ thời đại Hồ Chí Minh, với tinh thần “bàn tay ta làm nên tất cả” (**) cùng ý chí “bạt núi, băng sông” đục đá mở đường ngày ấy, có một cô gái Mông lọt vào “mắt xanh” của chàng kỹ sư trẻ Trần Phác. Gương mặt tròn vạnh, trắng như trứng bóc và hồng rực như hoa Thạch Lan chẳng khác gì vầng trăng rằm Trung thu, cùng một tấm thân đầy đặn, tròn lẳn, mọng căng sức sống của cô gái miền sơn cước đã hút hồn chàng trai trẻ miền xuôi, khiến anh thổn thức, đam mê. Tình yêu của Trần Phác với Mỷ (tên cô gái) cứ lớn dần lên theo tiến độ hình thành của con đường Hạnh Phúc. Khi con đường hoàn thành cũng là lúc anh và Mỷ tổ chức đám cưới. Một đám cưới giản dị mà vui, vì chung riêng trọn vẹn. Gia đình ở xuôi nghe tin Trần Phác lấy vợ người Mông cứ hoảng cả lên, nhưng khi anh dẫn Mỷ về ra mắt bố mẹ, bái lạy tổ tiên và gặp gỡ người thân thì ai cũng gật đầu bảo anh giỏi chọn vợ. Mỷ vừa đẹp người, đẹp nết lại còn biết dệt vải, thêu thùa và thích ứng rất nhanh với phong tục tập quán của người Kinh ở miền xuôi.
Trần Phác xin phép gia đình lên Cao nguyên đá Đồng Văn lập nghiệp và sinh sống lâu dài. Anh hiểu rằng, miền Cao nguyên đá đang cần những người như anh và Mỷ, dẫu biết rằng phía trước họ là bao nỗi gian nan! Nhị Lan sinh ra trong sự thiếu thốn, vất vả nhưng tràn đầy hạnh phúc của một gia đình trẻ. Nhị Lan cứ ăn, cứ chơi, cứ lớn và chẳng mấy chốc đã học xong cấp Một. Cha mẹ gửi Nhị Lan về trường rẻo cao Việt Bắc để học tiếp chương trình phổ thông, vì khi ấy ở Sủng Pả chưa có trường cấp Hai. Đến đầu năm học cấp Ba, Nhị Lan đã trở thành một bông hoa Thạch Lan rực rỡ. Cô được thừa hưởng gen thông minh và chiều cao của bố cùng nước da trắng hồng và những nét đẹp dịu dàng, thuần khiết, pha chút hoang sơ của mẹ. Nhất dáng, nhì da, thứ ba gương mặt. Cả ba nét đẹp ấy đều có ở Nhị Lan, khiến cô trở thành mục tiêu săn đuổi của hàng tá các chàng trai, nhưng trái tim Nhị Lan vẫn trơ như đá núi Sủng Pả.
 
                                                         thachhoc
 
Học xong hệ phổ thông, Nhị Lan quyết định trở về Hà Giang học lớp Sư phạm 10 + 2 của tỉnh, mặc dù cô đủ điểm để được xét thẳng vào Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Nhị Lan giải thích rằng, cô muốn được về gần cha mẹ, gần quê đá hơn, muốn được sớm làm cô giáo để dạy chữ cho chính các em nhỏ trong bản của mình. Và còn một lý do nữa cô không muốn nói ra nhưng trong lòng luôn nghĩ về nó: Nhớ Thạch Lan! Một nỗi nhớ thẳm sâu, luôn hiện hữu trong từng bữa ăn, giấc ngủ của cô. Hồi còn học ở trường rẻo cao Việt Bắc, mỗi dịp được nghỉ về quê, Nhị Lan thường rủ các bạn lên núi tìm những bông Thạch Lan đẹp nhất đem về ép vào vở để mang xuống trường, lúc nào nhớ lại đem ra ngắm.
Đúng như mong ước của mình, tốt nghiệp khoá sư phạm Nhị Lan được phân công về dạy học ở Sủng Pả. Cùng về trường một đợt với cô còn có thầy Văn Tuất, quê ở tận Ninh Bình. Thầy Tuất không nói ra nhưng ai cũng biết, rằng thầy xin về trường Sủng Pả chỉ là để được gần Nhị Lan. Thầy thầm yêu trộm nhớ người con gái đẹp này từ lâu nhưng chưa dám ngỏ lời. Hai năm học ở Trường Sư phạm Hà Giang, chàng trai quê cố đô Hoa Lư đã bị Nhị Lan bắt mất vía. Chàng đã “trồng cây si” trước phòng ký túc xá của Nhị Lan không biết bao nhiêu lần và đều bị cô khoá cửa. Nhị Lan bảo: “Học xong rồi hẵng hay”. Câu nói mập mờ ấy của Nhị Lan hoá ra lại khiến cho Văn Tuất thêm phần hi vọng và tìm cách lên theo. Những ngày đầu Tuất khóc nhiều lắm. Khóc vì nhớ quê xuôi, vì thương dân bản Sủng Pả vất vả, đói nghèo, vì không quen với sự khắc nghiệt của Cao nguyên đá. Nhị Lan cảm động trước tấm lòng của Tuất và luôn thông cảm, động viên, giúp đỡ anh. Tình yêu đến với họ lúc nào không biết. Nó cứ lặng lẽ, từ từ, nhưng thật sâu đậm, nồng nàn. Và rồi, giống như cây đào, cây lê sẽ đến ngày ra quả, quả xanh cũng đến lúc sẽ chín. Họ cưới nhau trong sự hân hoan của cả bản, cả trường, lan rộng ra cả những xóm bản quanh vùng. Hoa Thạch Lan được mọi người lấy về rất nhiều làm hoa cưới. Bông nào cũng tươi và đẹp, nhưng hôm ấy đẹp nhất vẫn là “bông hoa” Nhị Lan nở bừng bên “tảng đá” Văn Tuất. Bà con dân bản và giáo viên kéo đến rất đông mừng hạnh phúc của họ. Cả bản Sủng Pả vui mừng vì từ nay có thêm được một thầy giáo người xuôi lấy vợ người núi…
Những tưởng thế là vợ chồng Nhị Lan sẽ sinh sống và dạy học yên ổn ở Cao nguyên đá dài lâu, song một bất ngờ đã xảy ra: Bà Hường (mẹ Tuất) gửi thư lên cho Văn Tuất, bảo hai đứa phải xin chuyển vùng về xuôi. Suốt mấy đêm liền Tuất gần như không ngủ. Sấp ngửa trằn trọc chán trên giường, anh lại bỏ ra đầu nhà ngồi hút thuốc trên một mỏm đá. Nhị Lan gặng hỏi mãi mà Tuất vẫn chẳng nói. Anh nhìn vợ bằng cặp mắt thâm quầng pha chút rụt rè như người mắc lỗi. Sau một tuần, giữa đêm, Văn Tuất kéo Nhị Lan ra ngoài đầu nhà nói chuyện:
- Chúng mình xin chuyển vùng về xuôi em ạ. Ở đây không có tương lai!
Hình như Nhị Lan đã đoán biết trước được điều gì nên không tỏ ra quá ngạc nhiên. Cô nhìn chồng, nhỏ nhẹ hỏi:
- Anh nghĩ kỹ chưa?
- Nghĩ kỹ rồi em ạ. - Tuất bối rối.
- Anh thử nói em nghe, vì sao ở đây không có tương lai?
Nghe Nhị Lan hỏi thế, Tuất lại càng bối rối. Anh ngửa cổ hít một hơi thật sâu để trấn tĩnh rồi nói lúng búng:
- Em cứ nghĩ mà xem, ở cái vùng Sủng Pả này mãi thì chúng mình khá lên làm sao được. Cuộc sống của con người ở đây chỉ là sự tồn tại thôi. Sao có thể gọi là cuộc sống khi cái gì cũng thiếu thốn, cũng hoang sơ và mịt mù không lối thoát? Rồi đây các con của chúng ta sẽ không biết nói tiếng Kinh vì xung quanh chúng đều là người nói tiếng Mông, tiếng Nùng, tiếng Giáy! Vợ chồng mình đều là giáo viên nhưng đã chắc gì dạy được các con học hành tử tế trong điều kiện trường lớp như thế này? Mọi sự cố gắng của chúng ta liệu có ai biết mà ghi nhận?
- Anh nói hết chưa?
- Chưa. Nhưng càng nói anh càng thấy chưa đủ. Những điều anh vừa nói thực ra là của mẹ anh. Mẹ viết trong thư như vậy. Anh thấy mẹ nói đúng mặc, dù mẹ chưa một lần lên đây. Mẹ rất thương vợ chồng mình và thằng cu Tít. Mẹ đã xin được việc cho anh và em ở dưới quê. Bố mẹ đang nới rộng nhà để đón vợ chồng mình về. Em thấy thế nào?
Nhị Lan ngồi im như tảng đá. Đôi mắt cô đăm đăm nhìn về ngọn núi cao ngất phía đỉnh Mã Pì Lèng. Tuất cũng ngồi như hoá đá bên cạnh vợ. Chợt Nhị Lan lên tiếng:
- Anh à, nếu như em không về cùng anh thì có được không?
- Em nói sao cơ? Không về cùng anh á?
- Em cứ giả dụ thế.
- Em phải về cùng anh chứ! Thuyền theo lái, gái theo chồng mà.
- Nhưng em không muốn xa cha mẹ đẻ, xa Sủng Pả thì biết làm sao? Hay là chúng mình... chia tay nhau!
- Đừng. Em đừng nói dại! - Tuất hoảng hốt ôm lấy Nhị Lan thật chặt. Tuất khóc. Khóc rất lâu. Trong nhà, cu Tít giật mình tỉnh giấc, khóc ré lên đòi mẹ.
Thuyền theo lái, gái theo chồng. Câu nói của Tuất cứ vảng vất bên tai Nhị Lan suốt mấy hôm nay. Nghĩ kỹ cô thấy Tuất nói cũng không sai, bởi thực tế đúng là như vậy. Cô còn biết, việc Tuất quyết tâm lên Cao nguyên đá và ở lại Sủng Pả bằng ấy năm trời chỉ vì một người con gái như mình cũng đã là chịu thiệt thòi rồi. Nhìn cảnh một người miền xuôi như Tuất vốn không quen chịu khổ như người vùng cao mà vẫn phải “bám trụ” thấy thật là thương! Nghĩ thế tự nhiên Nhị Lan thấy bớt giận chồng. Sau khi hỏi ý kiến bố mẹ đẻ, được nghe “các cụ” nói nước đôi “tuỳ các con”, Nhị Lan đồng ý với Tuất sẽ xin chuyển vùng.
 
                                                         *lan-hoc-tia
Buổi chia tay học trò và dân bản để về xuôi của vợ chồng Nhị Lan buồn đến não nề. Bà Mỷ cứ ôm chặt lấy cu Tít chẳng muốn rời xa, nước mắt bà ướt đẫm ngực áo của thằng cháu ngoại. Ông Trần Phác như già thêm chục tuổi. Mặc dù cũng là người miền xuôi, nhưng sau mấy chục năm gắn bó với Cao nguyên đá, ông đã trở thành người của bản, biết ăn thắng cố, uống rượu ngô, nói tiếng Mông, tiếng Giáy, tiếng Nùng…Ông không nói gì, lặng lẽ xách đồ đạc hộ các con ra đường cái đón xe ô tô. Bà con bản Sủng Pả cùng những giáo viên và học sinh của trường bỏ hết công việc để tiễn thầy Văn Tuất và cô Nhị Lan về xuôi. Gương mặt người nào cũng ảm đạm, buồn rầu, thảng thốt. Lẫn trong đám đông là mấy đứa học trò nhỏ tơi tả áo quần, nhễ nhại mồ hôi len lỏi về phía cô giáo Nhị Lan. Trên tay đứa nào cũng cầm những bông hoa Thạch Lan tươi rói, rực hồng. Chúng vây chặt lấy cô giáo, dúi vào tay cô những chùm Thạch Lan mà chúng vừa kiếm được trong lúc đi chăn bò, chăn dê. Một đứa trong bọn vừa khóc vừa nói: “Cô gió đi rồi cô gió lại về nhá. Nhớ cô gió nhiều lắm đấy!” Nói xong nó bỏ chạy. Nhìn thằng bé vừa chạy vừa khóc, nước mắt Nhị Lan cứ chảy ròng ròng. Trong đầu Nhị Lan hiện lên hình ảnh cậu bé Gấu lì lợm ngày nào. Khi bắt đầu năm học mới, lớp của Nhị Lan có mười ba học sinh thì mười hai đứa rất hồn nhiên, vui tươi. Riêng cậu bé Gấu này có tính cách khác thường. Nó chẳng nói chẳng rằng, cứ im lìm như một hòn đá. Nhị Lan phải bỏ công cả ngày chủ nhật về tận xóm Lủng Lý để tìm hiểu gia cảnh của Gấu. Hoá ra nó là đứa mồ côi mẹ, cha lấy dì ghẻ về. Dì ghẻ không ác, nhưng những đứa con riêng của dì không thích Gấu. Chúng thường hùa nhau tìm cách bắt nạt Gấu. Vậy nên Gấu khổ và trở thành lì lợm. Nhị Lan đón Gấu về ở nhà mình hết hai năm học, đến khi cô lấy chồng thì Gấu mới trở lại nhà mình. Trong lòng thằng bé, Nhị Lan đã như một người mẹ, và Nhị Lan cũng coi Gấu như con…
Từ ngày về xuôi, cứ đều đều mỗi tháng Nhị Lan lại nhận được thư của bố Trần Phác. Những lá thư ấy là liều thuốc tinh thần cực kỳ quý giá, động viên Nhị Lan vượt qua mọi nỗi nhớ và sự lạ lẫm ở miền quê mới. Hôm nào nhận được thư bố là Nhị Lan vui ra mặt, cứ tung tăng như trẻ nhỏ, khiến Tuất nhìn vợ mà vui sướng ngất ngây. Nhưng lần này thì khác. Khi nhận được thư bố gửi về từ Cao nguyên đá, Nhị Lan thẫn thờ như người mất hồn. Trong thư, ông Trần Phác kể: “Từ ngày con chuyển về xuôi, các lớp học ở Sủng Pả lại thường xuyên vắng bóng học trò. Nhiều đứa đòi đón cô Nhị Lan về thì chúng mới đi học. Thằng Gấu bỏ nhà đi đâu không rõ cả tuần vẫn chưa tìm thấy. Phòng giáo dục huyện đã điều hai cô giáo có uy tín của trường khác về để ổn định các lớp học ở Sủng Pả mà sĩ số học sinh vẫn không duy trì được. Cả bản Sủng Pả đang nhớ con, ngóng đợi con. Bố mẹ cũng thế…”
Nhị Lan gần như cạn nước mắt mới đọc xong lá thư. Người cô bải hoải như muốn ốm. Những ngày sau đó, khi lên lớp nhìn danh sách học sinh trong sổ đầu bài toàn những cái tên đẹp: Trần Anh Tuấn, Nguyễn Phi Long, Đinh Hoàng Sơn, Nguyễn Thị Lan Anh, Bùi Thị Thu Trang… Nhị Lan cứ chạnh lòng nhớ đến những cái tên mộc mạc mà hết sức gần gũi, thân thuộc ở Trường Sủng Pả: Thào Séo Gấu, Vù Mí Vư, Vàng Thị Mỷ, Chúng Thị Pà… Hình ảnh các em học sinh quê núi cứ hiện lên sống động ngay trước mắt Nhị Lan. Tự nhiên cô thấy mình bị lạc lõng, lẻ loi, mặc dù thường ngày Nhị Lan nhận được rất nhiều sự quan tâm của các thầy, cô cùng trường và các em học sinh. Rồi Nhị Lan ốm thật. Nhưng cô chỉ sốt nóng vào ban đêm, ban ngày thì lại như người khỏe.
Lúc đầu mọi người cứ tưởng cô bị “ngã nước” do chưa quen với khí hậu miền xuôi. Các bài thuốc chữa ngã nước không có tác dụng. Bệnh cô ngày càng nặng hơn, người cứ gầy rộc. Tuất đưa vợ đi khám khắp các bệnh viện, lên cả Hà Nội mà các bác sĩ vẫn không xác định được chắc chắn là Nhị Lan mắc bệnh gì. Thấy Văn Tuất kể đêm nào cũng nghe tiếng Nhị Lan nói mơ, cứ lảm nhảm gọi tên những người ở Sủng Pả, bà Hường liền đi xem bói. Thầy bói phán Nhị Lan bị ma làm, bà vội vã mời thầy cúng cao tay về “giải tà” cho con dâu mà Nhị Lan vẫn không khỏi, mất oan nửa tấn thóc!
Một hôm Nhị Lan nói với mẹ chồng:
- Thưa mẹ! Thực ra con chẳng bị bệnh gì đâu. Chỉ vì con nhớ quê núi, nhớ Cao nguyên đá quá thôi mà. Con xin bố mẹ cho chúng con trở lại Sủng Pả. Nơi ấy đang rất cần chúng con.
- Con nghĩ kỹ chưa mà nói ra điều ấy? - Bà Hường hỏi Nhị Lan. Tuy giọng nói của bà điềm tĩnh nhưng gương mặt lại tỏ vẻ không hài lòng.
- Con nghĩ kỹ rồi mẹ ạ. Ở xuôi mọi thứ đều rất tốt nhưng hình như không hợp với con. Nhiều cái ở đây đang thừa thì trên Cao nguyên đá lại rất thiếu. Dân bản và các cháu học sinh trên ấy đang chờ đợi chúng con!...
- Vậy ra con coi sự nghiệp hơn cả gia đình sao?
- Không đâu mẹ ạ. Đối với con gia đình là quan trọng nhất, nhưng con còn là một  giáo viên, một đảng viên, vì thế…
Bà Hường khoát tay, đanh giọng:
- Thôi, con không phải nói nhiều. Nếu con muốn về Sủng Pả thì cứ về, nhưng con phải biết rằng, để lo cho vợ chồng con chuyển vùng về đây bố mẹ đã phải vét sạch số tiền dành dụm cả đời còn chưa đủ, phải vay mượn tùm lum. Bây giờ con đòi trở lại Sủng Pả thì thật là phụ công bố mẹ! Giáo viên thì dạy học ở đâu mà chả là dạy học. Con phải nhìn vào tương lai của thằng Tuất và cu Tít chứ. Ở miền núi mãi thì làm sao mà nên người được!
Biết không dễ gì thuyết phục được mẹ chồng, Nhị Lan liền đánh bài tâm lý:
- Mẹ ơi, con mời mẹ hôm nào lên thăm Cao nguyên đá, thăm ông bà ngoại cu Tít. Bố con cũng là người Kinh miền xuôi lấy vợ Mông và ở luôn trên đó. Mẹ có lên Sủng Pả mới thấy trên ấy bây giờ cũng đổi thay nhiều lắm, không còn “rừng thiêng, nước độc” như người ta đồn đại đâu mẹ ạ. Bố con cũng lên tới chức Trưởng phòng Giao thông, mẹ con là Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện cơ mà mẹ.
- Thôi được rồi. Để đợi bố chồng con và thằng Tuất về sẽ bàn tiếp!
Nhìn mẹ chồng vùng vằng bỏ đi, Nhị Lan cảm thấy băn khoăn. Cô nghĩ, phận làm dâu con mà mình xử sự như vậy cũng là không phải, nhưng trong tim cô tiếng gọi của quê núi Sủng Pả, của Gấu, của Pà… cứ thôi thúc cô phải nói ra những suy nghĩ và nguyện vọng của mình với mẹ chồng. Không biết rồi đây bố chồng và Tuất sẽ phản ứng như thế nào khi nghe ý kiến muốn trở lại Hà Giang của mình?
 Đêm ấy vợ chồng Nhị Lan thức trắng để bàn về chuyện này.
Cuộc họp gia đình dưới sự chủ trì của bà Hường hoá ra lại khá chóng vánh. Nghe Nhị Lan trình bầy xong, ông Tẫn (bố Tuất) nói luôn:
- Nếu con thật sự muốn trở lại Sủng Pả thì cũng được. Nhưng theo bố, trước mắt chỉ một mình con và cu Tít lên thôi. Chồng con cứ tạm thời ở dưới này, mọi chuyện sẽ tính sau.
Bà Hường giãy nảy:
- Không. Không thể cho cu Tít lên trên ấy được. Nó còn bé quá!
- Bà nói rõ hay. Chính vì nó còn bé nên mới cần phải theo mẹ. Thôi không bàn gì nữa, mọi việc cứ thế mà làm!  - Ông Tẫn nói dứt khoát.
Bà Hường định cố nói thêm điều gì, song lại thôi, vì bà biết rất rõ tính khí của chồng. Tuy nói ít, nhưng những lời của ông Tẫn lại toát lên một quyền lực rất lớn, mọi người trong nhà luôn phải tuân theo. Văn Tuất đưa mắt nhìn Nhị Lan, ý muốn bảo: “Em không phải nói thêm điều gì nữa. Bố đã quyết rồi, không cưỡng lại được đâu!”
 
                                                           *
Đứng ở bến đón xe khách cho vợ con ngược Hà Giang, Văn Tuất khóc như mưa. Anh cứ ôm chặt lấy hai mẹ con Nhị Lan mà khóc. Rồi Tuất đòi theo mẹ con Nhị Lan lên Sủng Pả. Nhị Lan nhìn chồng, nói kiểu nước đôi:
- Anh phải mạnh mẽ lên chứ! Đàn ông cơ mà. Nếu còn yêu em và con thì anh tìm cách thuyết phục các cụ cho anh chuyển lên Sủng Pả. Nếu không thuyết phục được thì anh đi tìm vợ mới. Em có cu Tít, có Sủng Pả là đủ rồi. Thôi anh về đi!
Mặc dù nói vẻ cứng cỏi, nhưng thực ra Nhị Lan phải nuốt nước mắt vào trong. Nhìn dáng vẻ phạc phờ của Tuất, Nhị Lan thấy trái tim mình như có mũi gai đâm. Cô vội vã ôm con bước lên xe ca./.

                                                                                                   N.T.B
-----                                                         
(*) Thơ Bàn Tài Đoàn                           
(**) Thơ Hoàng Trung Thông
                                                                    
 
 
 
 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Quảng cáo
congnhan12345
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 3
Trong ngày: 33
Trong tuần: 461
Lượt truy cập: 380946

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ GIỚI THIỆU!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH, NHÀ VĂN CẦM SƠN! RẤT NHIỀU BỨC ẢNH CỦA NGÀY HÔM ĐÓ ĐÃ CÙNG VỚI BÀI NÓI CỦA TÔI LÀM NÊN KHÔNG KHÍ TƯƠI VUI, HÀO HỨNG CỦA BUỔI RA MẮT SÁCH! CHÚC MỪNG NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CHÚC MỪNG TS NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC VỚI TẬP THƠ ĐỘC ĐÁO, IN ĐẸP!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÁI PHỤC BÀ MÂY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Thuộc loại "chuyện bây giờ mới kể" đây! Cám ơn tác giả! Mượn lời bà SUỐI để nói về bà MÂY: "Bái phục bà MÂY" ! Haiza!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN VÀ BAN BIÊN TẬP ĐÃ ĐĂNG BÀI VIẾT NHÂN DỊP NHÀ THƠ NGUYỄN HUY HOÀNG RA MẮT TUYỂN THƠ VÀ TRUYỆN KÍ TẠI HỘI TRƯỜNG HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM!

 
Xem toàn bộ
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0964 131 807
Email: soncam52@gmail.com
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công nhân.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông Chi hội Nhà văn Công nhân.