Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

HOA LỘC VỪNG NỞ MUỘN CUỐI MÙA THU

Vũ Thảo Ngọc

HOA LỘC VỪNG NỞ MUỘN CUỐI MÙA THU

     vu-thao-ngoc-vanvn Tôi cứ day trở mãi cái buổi sáng ấy khi đưa đoàn công tác đến công ty than Hà Lầm, cả đoàn đang đợi nhau để lên xe đi khai trường mỏ thì giám đốc Phạm Công Hương dừng chân hỏi thăm mấy anh em chúng tôi. Chuyện trò nổ như pháo ran, bỗng nhiên tôi thấy cây hoa lộc vừng từng chùm đỏ rựng thả xuống ngay góc sân văp phòng công ty. Tôi reo lên:

-Ơ, sao giờ hoa lộc vừng vẫn nở nhỉ.

Giám đốc Hương thấy tôi reo to thế, anh cũng hết sức ngạc nhiên đáp:

-Ồ, lạ nhỉ, mình ngày nào cũng đi qua mà không biết là có hoa lộc vừng nở. Đúng là hoa lộc vừng nở muộn nhỉ, vì bây giờ đang tiết cuối xuân rồi, mà thường nó nở vào tiết thu chứ.

  Và công việc bắt đầu của ngày mới, anh em chúng tôi cũng tếu táo chào nhau và mỗi người một công việc. Bỗng nhiên sau đó thì thì tạp chí của ngành Than đăng tải bài thơ của Phạm Công Hương có tiêu đề Hoa trái mùa, bài thơ rất khá, và liền đó nhạc sĩ Vũ Việt Hồng đã phổ nhạc ngay lập tức gây sự thích thú của đông đảo bạn yêu văn nghệ. Những câu thơ gan ruột của một kỹ sư hầm lò, gắn bó cả đời với mỏ, với công việc làm giám đốc, nhưng lại chan chứa nét dung dị đời thường, da diết và đầy xúc cảm “....hoa lộc vừng nở muộn cuối mùa thu/ em trách anh vô tình không biết/...thợ lò vô tư là thế/ cứ mải miết choòng cuốc với gương than/sao trách anh vô tình không biết/hoa lộc vừng nở muộn cuối mùa thu...”. Thú thực, tôi rất ngạc nhiên khi đọc bài thơ này và nghe các ca sĩ hát bài hát Hoa lộc vừng nở muộn lời thơ Phạm Công Hương, nhạc Vũ Việt Hồng và quá đỗi ngạc nhiên về giám đốc công ty Than Hà Lầm Phạm Công Hương khi ấy! Không ngạc nhiên sao được, bởi lẽ từ lâu đã có dịp làm việc cùng anh nhưng không biết rằng tâm hồn, trái tim người kỹ sư mỏ, của ông giám đốc mỏ suốt ngày phải đối mặt với công việc đào than, với máy móc, với tầng mỏ lại là một tâm hồn nghệ sĩ thực thụ bay bổng như thế với những câu thơ gan ruột, chất chứa cảm thông và sâu sắc về những đồng đội thợ lò của mình đến nhường ấy. Thật không ngờ anh đã bắt nhịp ngay với cái tứ “hoa lộc vừng nở muộn cuối mùa thu”  vào cái buổi sáng bâng quơ đoàn công tác chúng tôi gặp nhau ngay cửa công ty bữa ấy và cho ra đời một thi phẩm rất nhanh đến thế. Có lẽ đây cũng là một trường hợp đặc biệt của thi ca trong sự giao cảm giữa tình bạn bè, đồng nghiệp và sự rung cảm với thiên nhiên và công việc để có được tác phẩm nhiều cảm xúc và nhanh đến thế. Hà Lầm vì thế động lại trong tôi “hoa lộc vừng nở muộn cuối mùa thu”, đọng lại trong tôi nhiều cảm xúc mỗi khi có dịp trở lại.

      Với Hà Lầm, tôi đã trở đi trở lại nhiều lần, lần nào cũng có những cảm xúc khó quên vì cái công ty than ấy, cái mỏ ấy ở ngay ven thành phố, nó gần và nó cũng thật xa xôi. Gần vì phố mỏ Hà Lầm đã hình thành từ thời thuộc pháp, phố của công nhân mỏ khá sầm uất, nhộn nhịp, có chợ, có phố, có trường học, có mỏ than... Hà Lầm từng là một thị trấn trước thập niên 60 của thế kỷ 20, giờ là một phường của thành phố Hạ Long.  Dù là cấp quản lý hành chính nào thì Hà Lầm mỏ vẫn là trung tâm của một nhịp sống công nghiệp mỏ. Đến Hà Lầm là biết đến một mỏ than có độ sâu khai thác hầm lò sâu nhất trong các mỏ hầm lò của ngành than Việt Nam, là mỏ than thực hiện cơ giới hóa hầm lò đồng bộ, hài hòa với môi trường, từ giàn chống lò đến máy xúc, máy đào, phương tiện vận chuyển... đều là các thiết bị hiện đại nhất hiện nay. Đến nơi đây, đến một mỏ than có độ sâu âm 300m so với mức nước biển, và trong thẳm sâu lòng đất ấy mới thấm thía thêm biết bao mồ hôi, công sức, trí tuệ của các thế hệ thợ mỏ Hà Lầm. Có thể hà Lầm được coi là mỏ hầm lò được trang bị cơ giới hóa sớm nhất, đồng bộ nhất, điều kiện tốt nhất, nhưng yếu tố con người mới là yếu tố quan trọng nhất. Và có lẽ, vì thế mà Hà Lầm đã có đội ngũ thợ đào lò có đến gần trăm lượt công nhân lò bậc cao có thu nhập trên dưới 300 triệu đồng/người/năm, đó là những bước tiến vượt bậc của khoa học kỹ thuật, của những bộ óc khoa học đã cải thiện năng suất lao động của người thợ một cách tối đa nhất.

  Dịp mùa hè năm 2018, tôi trở lại Hà Lầm với nhiệm vụ của đoàn làm phim thuộc Hãng Phim truyện Việt Nam, họ muốn đặc tả một buổi sáng của người thợ lò vào ca ra sao. Khi đến trung tâm điều khiển sản xuất của Hà Lầm trên khu vực khai trường, đó là một căn phòng có những màn hình lớn và các kỹ sư trẻ, khuôn mặt họ ánh lên những niềm vui về mùa than của công ty đang tiến triển rất tốt. Chúng tôi nhìn theo hướng que điện chỉ tấm bản đồ trên màn hình rộng của trưởng phòng điều khiển công ty còn rất trẻ, cảm nhận nơi lòng đất thẳm thẳm kia, chả có gì là khó khăn cả. Và cứ theo ánh sáng từ que điện trên tay anh kỹ sư trẻ di đến các vị trí trên sơ đồ màn hình thì, ở vị trí mặt bằng này có thể nhìn “xuyên thấu” từng đường lò, từng mét lò, từng ngách than và vị trí các bộ phận làm việc trong đường lò rất chính xác.  Và nhờ có công nghệ mà các cảnh báo an toàn khi khai thác tại độ sâu trên dưới âm 300 kia luôn được bảo đảm có thông tin nhanh nhất của hệ thống khai thác, để trên mặt đất có thể ứng phó với với bất kỳ tình huống nào. Hòn than bây giờ được moi lên từ độ sâu âm 300m kia cũng khác quá. Chúng tôi cùng ngỡ ngàng về việc áp dụng triệt để hiện đại hóa hầm lò đã hiện diện nơi thăm thẳm lò than ở Hà Lầm và các đơn vị khai thác hầm lò khác của ngành Than những năm qua thật hữu ích vô cùng...

   Mỗi lần trở lại Hà Lầm với tôi luôn là những xúc cảm không ngưng khi nói về thợ lò Hà Lầm. Họ là những cư dân của thành phố Hạ Long, nhưng lại là những thợ lò chính hiệu. Nhờ có thu nhập cao mà số thợ lò có thu nhập trên dưới 300 triệu /năm kia đã có ô tô riêng, tôi nhớ lần trước gặp thợ lò bậc 6/6 Nguyễn Văn Trình anh tươi cười chào chúng tôi ở cửa lò khi vừa rời ca làm việc trong bộ quần áo bảo hộ lao động, tôi đã rất ngạc nhiên chỉ một lát sau vẫn là anh - khi anh đón chúng tôi bằng chiếc xe con màu trắng của riêng anh chở chúng tôi về văn phòng mỏ. Anh bảo tôi, nhờ có công nghệ khai thác mới nên cánh thợ lò chúng em đã có được thu nhập cao như thế. Có được ô tô là nhờ nguồn thu nhập cao đó ạ, và có được sức khỏe ở tuổi U50 vẫn làm lò tốt là nhờ có công nghệ khai thác được áp dụng triệt để. Và, tôi thật sự ngạc nhiên về câu chuyện của nhóm thợ lò có thu nhập cao mà tôi đã gặp là Thái, là Hoàng, là Trình ấy. Dù ở thời điểm nào, dù là giám đốc nào thì tôi đều cảm nhận được Hà Lầm có những bước đi vững chắc, có những mùa than bội thu và có những mùa than không trễ hẹn bao giờ, có thể hoa lộc vừng cứ nở muộn cuối mùa thu, nhưng các chàng thợ lò Hà Lầm thì không muộn bao giờ trước mỗi ca làm việc vì việc ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại đã đến với người thợ Hà Lầm rất hiệu quả.

d17babe14e05404b21d07e9951df87ca

    Nhờ sự áp dụng triệt để khoa học kỹ thuật tiên tiến đã đẩy năng suất lao động lên cao, nhanh hơn, xa hơn. Nhưng trên hết,  phần quan trọng hơn cả vẫn ở phần chăm lo đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho công nhân, cán bộ của mỏ, nhất là đối với thợ lò. Nhìn bữa ăn có trên dưới 60 món ăn nhà ăn ca của mỏ tôi thực sự choáng ngợp. Họ có một suất ăn ngon, ăn no khi hết ca làm việc. Họ được tắm ở nhà tắm ngay cửa lò, họ mặc những bộ cánh đẹp để vào ăn bữa sau ca rồi về phố. Quần áo đã có bộ phận giặt là sạch sẽ. Ngày mai họ vào ca đã có những bộ bảo hộ tươm tất để có thêm năng lượng vào ca làm việc mới. Đó là những điều đã phổ biến của thợ lò ngành Than từ lâu rồi, họ được hưởng những tiện ích từ sự chăm lo ấy để có năng suất lao động cao, bảo đảm sức khỏe làm việc lâu dài vẫn là những điều ghi nhận lớn không chỉ của lãnh đạo ngành mà còn ở lãnh đạo trực tiếp tại các đơn vị. Và vì thế, mỗi năm khi vào dịp tháng 5 - là Tháng Công Nhân do Công đoàn ngành phát động, lãnh đạo Công ty than Hà Lầm đều tổ chức các chương trình gặp gỡ chia sẻ, động viên tới cán bộ công nhân Hà Lầm nói chung và nói riêng với thợ lò và vợ thợ lò. Khi có dịp ngồi lan man với kỹ sư giám đốc đương nhiệm Trần Mạnh Cường, một giám đốc trẻ đầy năng động, một giám đốc mà theo tôi đã có nhiều chia sẻ chân thành nhất, sát thực nhất với những người thợ của mình nói chung và nói riêng với cánh thợ lò của đơn vị anh. Mỗi năm đến dịp Tháng công nhân anh luôn chỉ đạo có cuộc gặp gỡ động viên các đối tượng thợ lò và gia đình họ, anh nói, anh trưởng thành từ thợ lò nên thấu hiểu hơn ai hết công việc của người thợ trong lò vất vả đến thế nào. Mỗi năm có một cách tổ chức, năm thì gặp gỡ tại văn phòng Công ty, năm thì cho họ một chuyến đi đến các vùng du lịch để nghỉ ngơi đúng nghĩa. Có chuyện của mấy anh em văn phòng kể cho tôi nghe, anh Cường biết trong đoàn thợ lò năm ấy, có một anh thợ lò mất vợ đang để ý một chị cùng mỏ là vợ thợ lò, mà anh chồng cũng đã mất, anh Cường nhắc bộ phận hậu cần của đoàn, cứ mời cô ấy đi, động viên cô ấy, vì cô ấy vẫn dũng cảm...yêu thợ lò!  Điều ấy, thực sự ám ảnh tôi, là người lao động chữ nghĩa,  tôi như được tiếp thêm nhiên liệu về hình ảnh thật dung dị của giám đốc trẻ thời @ ấy vô cùng, việc đó bé tí có gì to tát đâu, nhưng với người viết như chúng tôi,  thật ám ảnh và day dứt về cái tình người lớn lao ấy vô cùng.

Tháng công nhân năm 2018, anh đã tổ chức gặp gỡ cả vợ chồng thợ lò tại khách sạn 5 sao Mường Thanh (Bãi Cháy, Quảng Ninh), nơi mà ai cũng biết, không phải ai cũng có thể đến đó để được sử dụng dịch vụ đẳng cấp 5 sao. Bởi lẽ Giám đốc Trần Mạnh Cường còn trẻ, anh thuộc lớp người của thời công nghệ, và anh trưởng thành từ môi trường hầm lò ấy, từng làm công nhân lò, có lẽ vì thế chăng mà anh Cường đã rất quan tâm động viên tới những con người có thể gọi là trụ cột của một mỏ hầm lò. Hơn ai hết anh hiểu, thợ lò hôm nay cần gì, động viên họ thế nào cho thỏa đáng. Vì, thợ lò hôm nay có thể nói,  có sứ mệnh mang theo hơi thở của Công ty mỗi giờ làm việc, mỗi ca, mỗi kíp mỗi tuần, mỗi tháng theo hòn than từ độ sâu âm 300m so với mực nước biển ấy. Thợ lò - họ là nhịp thở của Công ty lúc yếu lúc mạnh, họ có thể coi là lao động chính trong dây chuyền sản xuất của mỏ, vì thế, họ cần được quan tâm, được đối đãi tốt nhất,  phải hơn những người lao động ở bộ phận khác ở mỏ. Chỉ có thể là người thợ mỏ mới chăm lo cho nhau được như thế, chỉ có thể ở những lãnh đạo của đội ngũ công nhân đặc biệt ấy có một tấm lòng nhân ái, có tâm, có tầm, có lý có tình chân phương, mộc mạc thôi nhưng đã tạo nên những góc riêng của những người thợ mỏ trong lòng phố mỏ ấy. Vì thế, khoảng cách giữa giám đốc và thợ lò cũng rút ngắn lại, họ tạo nên một bức tranh đẹp về cuộc sống người thợ mỏ hôm nay bằng những việc quan tâm dung dị ấy...

       Phố mỏ đã lại vào độ cuối thu, và tôi lại hanh hao nhớ về những kỷ niệm với một mỏ than trong thành phố, hoa lộc vừng vẫn thong thả buông những dây hoa màu đỏ biếc cuối thu. Tiếng than vẫn rơi trong lòng đất. Tiếng than vẫn reo ở mức âm 300 trong lòng mỏ Hà Lầm, ấy là mùa than của mỏ lại chuẩn bị bắt đầu vào chiến dịch cuối năm...

                                                                                   HL, cuối thu 2018

                                                                                              V.T.N                 

        

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Quảng cáo
congnhan12345
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 3
Trong ngày: 39
Trong tuần: 461
Lượt truy cập: 380972

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ GIỚI THIỆU!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH, NHÀ VĂN CẦM SƠN! RẤT NHIỀU BỨC ẢNH CỦA NGÀY HÔM ĐÓ ĐÃ CÙNG VỚI BÀI NÓI CỦA TÔI LÀM NÊN KHÔNG KHÍ TƯƠI VUI, HÀO HỨNG CỦA BUỔI RA MẮT SÁCH! CHÚC MỪNG NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CHÚC MỪNG TS NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC VỚI TẬP THƠ ĐỘC ĐÁO, IN ĐẸP!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÁI PHỤC BÀ MÂY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Thuộc loại "chuyện bây giờ mới kể" đây! Cám ơn tác giả! Mượn lời bà SUỐI để nói về bà MÂY: "Bái phục bà MÂY" ! Haiza!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN VÀ BAN BIÊN TẬP ĐÃ ĐĂNG BÀI VIẾT NHÂN DỊP NHÀ THƠ NGUYỄN HUY HOÀNG RA MẮT TUYỂN THƠ VÀ TRUYỆN KÍ TẠI HỘI TRƯỜNG HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM!

 
Xem toàn bộ
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0964 131 807
Email: soncam52@gmail.com
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công nhân.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông Chi hội Nhà văn Công nhân.