Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

HAI MÙA TUYẾT

 Nguyễn Tiến Lộc
 
HAI MÙA TUYẾT
 
    Phía ngoài nhà ga sân bay, những người đi đón khách đứng nhấp nhô, hướng vào phía trong chờ đợi. Nga lấy xong hành lý, qua khỏi cửa kiểm soát, cô dừng lại. Chồng không ra đón. Cô đã dự đoán điều này và quyết định không về nhà mà thuê khách sạn ở để tỏ ra dứt khoát với chồng.
   Chiếc xe lăn nhanh trên đường cao tốc, bỏ lại phía sau những cánh đồng xanh rờn lúa đang thì con gái. Bắt đầu nhìn thấy những tòa nhà cao tầng, chung cư khang trang, sừng sững trước mặt nhắc Nga nhớ đã từng có một căn hộ năm buồng ở đó. Nhưng từ khi chuyển vào Vũng Tàu, cô không muốn nghĩ đến nó.
  Ngày làm việc thứ nhất xong, Nga gọi điện cho chồng, mời anh đi ăn tối, nói chuyện. Họ đến nhà hàng “Nước Nga “. Các cô phục vụ trẻ, đẹp như tiên, nam thì y phục hiệp sĩ thời trung cổ chào đón họ. Nga đưa cuốn “Menu” mời Chương chọn. Chương thấy, từ ngày quan hệ với Xecgây lvanôvich, Nga thay đổi nhiều.
 - Xecgây muốn biết, đề tài của anh năm nay xong không? Nga hỏi. Chương gật đầu.
Xécgây và Chương cùng là sinh viên trường đại học dầu mỏ Liên Xô những năm đầu thập kỷ tám mươi thế kỷ trước. Chương thường đứng đầu hầu hết các môn thi từ năm đầu tiên đến năm thứ tư. Trường cho anh làm nghiên cứu sinh ngay sau khi tốt nghiệp. Sau hơn một năm, anh hoàn thành luận án tiến sĩ trước sự ngạc nhiên của giáo sư hướng dẫn Xavichép. Một ngày chủ nhật, ông mời anh đến nhà ăn bữa tối. Xécgây từ trong buồng riêng đi ra, Chương trố mắt. Té ra, người hướng dẫn luận án của anh la bố Xéc gây. Ba người ngồi uống chè, loại chè đen Gơrudia với những cục đường trắng tinh. Trong bữa ăn, vị giáo sư khen anh trước toàn thể gia đình, tiên đoán anh sẽ là nhà khoa học, giáo sư đầu ngành dầu khí Việt Nam. Ông hứa học kỳ này sẽ cho anh đi khảo sát Astrakhan, vùng dầu khí hiện đại của Liên Xô để anh hiểu sâu về ngành dầu khí, đây là một ân huệ lớn mà nhiều sinh viên dầu khí mơ ước. Cuối tiệc, ông vỗ vai anh, thẳng thắn nói rằng, luận án của anh rất xuất sắc, nhưng hãy để cho Xécgây, vi nó phù hợp với điều kiện của Liên Xô hơn, tính khả thi cao. Anh hơi ngỡ ngàng, nhưng nhanh chóng hiểu, vâng lời, và nói một câu chân thành:
- Em mong thầy giúp đỡ nhiều hơn nữa.
 Sáu tháng sau, anh viết xong luận án vượt thời gian, nộp cho thầy. Cuối năm đó, Chương và Xécgây bảo vệ thành công với những đánh giá cao của cả Hội đồng luận án.
          Vừa ăn, Nga vừa để ý thái độ của Chương về đơn ly hôn và cô hỏi:
- Anh ký cho em chứ? Chương gật đầu.
  Nga phỏng đoán anh đang nghĩ rằng, cuộc hôn nhân giữa hai người sẽ bền vững mãi. Ban đầu, cô cũng nghĩ vậy, nhưng từ khi gặp Xécgây, cô thấy có nhiều cảm giác lạ: mùi nước hoa quyến rũ, mùi thơm tho của da thịt quấn quýt lấy cô trong giấc ngủ và cả khi một mình.
 Cách đây gần hai năm. Xéc-gây sang làm việc ở ngành dầu khí Việt Nam.  Vừa đến Hà Nội, anh đã tìm đến Chương. Trong nỗi vui mừng gặp lại, Xécgây xiết chặt tay Chương:
-- Nếu ở Nga, mày đã là tỷ phú lâu rồi.
  Xécgây thăm dò hướng nghiên cứu của Chương. Anh thật tình cho bạn biết, anh đang nghiên cứu chế tạo thiết bị tinh chế dầu mỏ.  Hiện nay, Viêt Nam chủ yếu xuất dầu thô, không lãi mấy. Xécgây vỗ vai Chương: “Mày tuyệt vời. Tao cũng nghĩ như thế”. Rồi Xéc-gây đặt vào tay anh chiếc hộp bọc nhung đỏ có viên kim cương hơn mười li, trong suốt, óng ánh, soi lên thấy đủ bẩy sắc cầu vồng. Xéc-gây nói đây là quà tặng của gia đình Xécgây cho Chương. Anh đoán Xéc-gây có nhiều ý đồ trong chuyến đi này. Sau đó, thỉnh thoảng, Xéc-gây mời vợ chồng Chương cùng đi nghỉ cuối tuần ở các khu du lịch quanh Hà Nội. Họ trao đổi xoay quanh những ý tưởng mới trong nghiên cứu tinh chế dầu mỏ ở Việt Nam. Những nước phát triển ở cực bắc không có tài nguyên, thường mua dầu thô về tinh chế thành các loại “xăng “cao cấp cho xe tăng, máy bay rồi bán lại cho những nước  xuất dầu thô với giá cắt cổ, lãi lớn ...
 Hôm nay Nga hỏi Chương về đề tài cũng là vì Xéc-gây
 Công tác ở Hà Nội khoảng một năm, Xécgây chuyển vào Vũng Tàu. Đôi bên vẫn thư đi, từ lại. Mùa hè năm đó, Xéc-gây mời vợ chồng Chương vào nghỉ. Khi về Hà Nội, Nga bí mật làm mọi thủ tuc chuyển vào làm phiên dịch ở Phòng nghiên cứu thị trường do Xécgây phụ trách, mở đầu cho sự xa cách với Chương.
  Khi bữa ăn gần kết thúc, Nga ngỏ lời xin lỗi Chương, rằng cô thọ ơn anh đã nhiều, nhưng nay, cô phải dứt áo ra đi vì Xéc-gây là tình yêu đích thực của cô. Chương nói, Nga không có lỗi, anh là người chịu trách nhiệm về cuộc chia tay này, vì anh đã dành quá nhiều thời gian cho nghiên cứu, ít quan tâm đến đời sống vật chất và quan hệ vợ chồng. Nghe Chương nói, Nga yên tâm và hồn nhiên kể cho anh nghe chuyến nghỉ đông năm ngoái của cô và Xéc-gây ở Xanh Pêtécbua. Cô kể rằng, mùa đông ở nước Nga rất buồn cười, những ngày trời nắng mà nước sông Nêva vẫn đóng thành băng. Những bông tuyết trắng rơi đầy không trung, bay lả tả, phủ trắng các ngọn cây, tán lá. Đôi khi, chúng đậu đầy li ti trên mũ lông, khăn choàng, trên má, trên mi. Đi dạo vào những lúc đó người rạo rực hẳn lên, không cảm thấy lạnh…
     --Có đúng là lúc đó tuyết ấm không anh? – Nga hỏi.  Chương gật đầu:
     -- Có thể. Vì lúc đó trong lòng ấm áp. - Đó là mùa tuyết đầu tiên Nga biết.
       Khi chia tay, Nga hỏi:
-         Anh trở lại với chị Nguyệt? Chương gật đầu.
       Đêm đó, Chương đến với giấc ngủ thật khó khăn. Những câu chuyện Nga kể cho anh nghe khi mới cưới hiện lên chập chờn. Nga sinh ra ở một gia đình nghèo, hồi bé, chưa bao giờ được ăn một cái đùi gà. Hương vị phở cô biết đến đầu tiên là lần lên huyện thi học sinh giỏi văn lớp 9, tiền mẹ cho chỉ đủ ăn một bát phở vào buổi trưa, đến chiều đói, mệt, đi bộ, về đến nhà thì ngất xỉu. Cô kể miên man về cái nghèo, cái khổ ở làng quê ven sông Cầu… đến khi quay sang thì Chương đã ngủ tự bao giờ rồi.                                                                     
                                                           muadongnga
       Sau cơn mưa, bầu trời thành phố Sai-gòn trở nên sáng hơn, không khí mát dịu, mưa Sàigòn dễ đến, mau đi. Ở trong hẻm, mọi sinh hoạt nhộn nhịp trở lai. Một chiếc xích lô từ ngoài chạy vào, đỗ trước nhà má Bảy, một phụ nữ khoảng ba mươi tuổi bước xuống. Một bé gái bốn, năm tuổi chạy ra ríu rít.
       Người vừa xuống xe là Nguyệt, đứa bé là Nga Nga, con của Nguyệt và Chương. Má Bảy là dì ruột của Nguyệt, chuyển vào Nam sau ngày giải phóng, làm mậu dịch viên, nay nghỉ hưu. Nguyệt vào Sàigòn với dì sau khi ly hôn. Nguyệt và Chương lấy nhau thật là nhanh. Nguyên do là từ người bạn cùng công tác với Chương, thấy anh đã ngoài ba mươi mà chưa vợ, suốt ngày vùi đầu vào sách vở ở Viện hoặc   thư viện quốc gia, bèn bảo:
-         Về quê tao chơi, tao có cô em họ xinh lắm, tao làm mối cho.
       Chương đi, đầu tiên chỉ nghĩ là đi cho vui, lên đến nơi, thấy Nguyệt không hẳn là xinh, nhưng mặn mà, có duyên, là sinh viên khoa Nga – Anh năm cuối, có thể giúp anh nhiều việc, thế là anh kết, ba tháng sau cưới. Một năm sau, bé gái kháu khỉnh ra đời đặt tên là Nga Nga, kỷ niệm đất nước đã nuôi Chương thành tài và ngôn ngữ mà Nguyệt yêu thích. Nguyệt được nhận vào Viện làm biên dịch. Khi sinh con xong, bận quá, Nguyệt bàn với chồng đón em gái là Nga vừa thi rớt đại học, xuống Hà Nội, vừa giúp chị, vừa ôn thi, Bốn người sống với nhau hòa hợp. Nga cũng chọn đại học ngoại ngữ, chỉ khác Nguyệt là đảo thành khoa Anh- Nga. Nga chăm chỉ học, anh, chị đều giỏi ngoại ngữ, người nào cũng tích cực giúp em, năm đó Nga đỗ ngon lành.
       Nhưng một ẩn họa phá tan liên minh tay ba: Nga có thai với Chương. Vào tháng thứ hai, sau khi Nga vào đại học, Nguyệt phát hiện ra và bị ngất. Tỉnh dậy, chị bàn chuyện phá thai, nhưng Nga không nghe. Chương và Nguyệt chịu thua.
       Khi bé Nga Nga hơn một tuổi, Nguyệt bỏ vào Sài Gòn, để lại tờ ly hôn cho Chương. Nga trở thành vợ chính thức của Chương. It lâu sau, Nga sinh bé gái bụ bẫm đặt tên là Anh Nga với nhiều hàm ý.
       Chiều hôm ấy, trước ngày Nguyệt và con sẽ về Hà Nội, mọi thứ nấu xong, Hà, con gái út của dì Bảy về, cả nhà ăn uống vui vẻ. Buổi tối, dì Bảy nói với Nguyệt:
       -Cháu vào đây với dì là phải lắm. Con Nga như thế là nó cướp trắng chồng cháu, tệ mạt quá! Cháu nhường em, ra đi, để cho em sống với chồng mình, cháu tự nuôi con là có đức lớn, trời sẽ giúp cháu. - Hà nói với mẹ:
       -Má à, bây giờ chị Nga lại bỏ “ảnh” lấy chồng nước ngoài, “chỉ theo “mốt” thời đại, học ngoại ngữ là để lấy “chồng tây”
-         Vậy nó lấy ai?
       -Lấy ngay bạn của anh Chương và đi Tây luôn – Những chuyện Nguyệt tâm sự với Hà, bây giờ Hà kể với má. Dì Bẩy hỏi:
-         Trời đất, thiệt hả?  Thôi cháu ạ, nó hám của đấy, cháu thương nó, tha thứ cho nó.
                                *
              Chương ra sân bay đón hai mẹ con Nguyệt. Nga Nga không chịu theo bố, vài ngày sau mới quen. Lần này Nguyệt ra vì Chương gọi điên vào, nói rõ Nga chủ động ly dị. Chương đã li hôn xong. Quả thật, Nguyệt bị đột ngột, nhưng nghe Chương giải thích cũng có lý, Nga đứng núi này, trông núi nọ. Nguyệt đồng ý quay trở lại vì thực lòng Nguyệt vẫn yêu Chương.
    Ở Hà Nội, Nguyệt đi dạy tiếng Anh. Đặc biệt cô tham gia vào một công ty kinh doanh mạng, phất lên như diều, mỗi tháng thu dăm ba chục triệu. Cô lại trúng đất ở khu giải tỏa, được đền bù vài tỷ đồng. Có người nghi Chương, Nguyệt làm ăn bất chính.
       Mấy hôm nay, không khí nhà Nguyệt vui vẻ, ồn ào, Nga từ Matxcơva về chơi, thăm anh chị, họ hang ở quê. Nga còn có mục đích chủ yếu là moi tài liệu của Chương cho Xec-gây… Chương soạn cho Nga một bọc to đem đi. Nga cho biết, hiện nay Xecgây kiếm tiền không được như trước, cuộc sống ngày càng khó khăn. Việc kinh doanh của Nga ở Matxcơva chững lại, đáng buồn. Nghèo túng đang đe dọa
       Một tháng sau khi Nga đi, Chương bị an ninh quốc gia bắt. Nguyệt rụng rời chân tay, khóc sưng húp mắt, suy sụp tinh thần và thể lực. Nguyệt nằm rũ ra mất ba ngày, người gầy xọp, Ngày thứ tư cô vùng dậy, ôm ghì lấy con, nói thầm trong bụng: “Mẹ phải sống”. Nguyệt dò hỏi, biết được nơi chồng bị giam. Một vài kẻ “cò mồi” bàn giúp cô “chạy” cửa này, cửa khác... Sáu tháng sau, Chương được thả, người ta kết tội anh bán tài liệu bí mật quốc gia cho người nước ngoài. Anh bác bỏ, nói rõ, anh chỉ cho Xec-gây những bài viết của anh đã in trên các tài liệu của Viện không trong danh mục cấm kỵ. Nhưng tình ngay, lý gian, rất nhiều lý luận, luật lệ, chứng cứ nói rằng anh phạm tội. Cuối cùng anh cũng phải ký vào một văn bản nhận cung cấp các ấn phẩm cho người nước ngoài, không xin phép Viện, Bộ chủ quản.
      Mất biên chế, bi quan, bất mãn, nửa năm sau, Chương đưa cả gia đình sang Nga. Nguyệt không đến nỗi lạ lẫm với nước này, vì cô đã sang Matxcơva vài lần làm thực tập sinh tiếng Nga ở Viện Putskin và công tác. Vài tháng trôi qua, cô đã thông thạo cách kinh doanh ở các “chợ vòm” các “Ôp”. Nguyệt lại có một gian bán quần áo, mì ăn liền, đồng hồ đắt tiền loại “dởm” tại Trung Tâm Bến Thành, cô chuyên bán buôn đi vùng Xiberi. Người đi khai thác nguồn và đầu mối tiêu thụ là Chương. Bao nhiêu vốn liếng kiến thức của một nhà khoa học, nay có dịp đưa vào kinh doanh. Chương tìm đến nhóm người Hoa ở Matxcơva, lấy các loại áo da, đồng hồ " sản xuất ở Hồng Kông, Đài Loan giao cho các chủ sạp, bán theo giá áo da Italia, đồng hồ Thụy Sĩ, Nhật, lãi gấp bốn, năm lần. Giá một chiếc Rado, Rex, Seiko xấp xỉ hai nghìn “đô”, thật giả khó mà biết. Chương trở thành “đại gia” tài sản kếch sù, có biệt thự, xe hơi.
       Ngược lại, cuộc sống của gia đình Xec-gây và Nga luôn lủng củng. Nga sức yếu, nhan sắc phôi pha, lo nghĩ nhiều vì những vướng mắc linh tinh của Xec-gây ở cơ quan và gia đình, công việc kinh doanh của Nga trồi trật thất thường.
      Cùng sống ở Matxcơva, Nga đến biệt thự của vợ chồng Chương chơi luôn. Mỗi lần đến, hai chị em lại hì hục nấu những món ăn quê nhà, sinh hoạt gia đình thật ấm cúng. Một tuần lễ, Nga ở lại ngủ qua đêm ở nhà anh chị một, hai tối, Một lý do khiến Xec-gây chán Nga vì gần đây vai trò “tình báo” của Nga đã hết. Nga còn lờ mờ đoán Xec-gây tố cáo Chương với an ninh Việt Nam.
       Một tai họa với bộ ba Chương-Nguyệt-Nga lại đến, ấy là lần Nguyệt bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não, hôn mê hơn một tháng. Chương và Nga thay nhau chăm sóc Nguyệt tận tình, người xọp đi.
       Điều trị hơn ba tháng, Nguyệt ra viện. Hôm sau đến mở cửa bán hàng ngay. Khách quen trở lại ngày một đông, họ thích cách bán hàng sởi lởi, ngay thẳng của Nguyệt. Tuy nhiên, Nguyệt thấy cách nói năng, cử chỉ của bạn hàng đối với chị có điều gì khang khác, người thì nói “chúc mừng”, người thì chúc “hạnh phúc”, chị tưởng họ mừng chị qua khỏi cơn hiểm nghèo. Nhưng những nụ cười mỉm, những cái nhìn khó hiểu, ma mãnh khiến Nguyệt phải suy nghĩ. Cho đến một lần nhìn thấy Nga trong nhà tắm với cái bụng lùm lùm, Nguyệt hiểu rõ, đây là kết quả của thời gian cô nằm viện và có thể cả trước đó mà cô không hề cảnh giác. Ngựa quen đường cũ.
       Lần này, Nguyệt không ngất, cô chạy vào buồng khóa trái cửa lại, Khóc suốt đêm. Chương, Nga đập cửa thế nào Nguyệt cũng không mở, họ sợ Nguyệt tự tử. Lần thứ hai, Nga lại cho anh rể vào bẫy.
       Sáng hôm sau, Nguyệt không nói một câu, lặng lẽ ra khỏi nhà, như thường lệ là đi bán hàng. Nga ở nhà chuẩn bị một bữa cơm nhiều món Nguyệt thích, để chiều nay khi ăn xong, nói chuyện, xin lỗi chị. Cô quyết định sẽ cùng Xec-gây đến vùng Astrakhan sinh sống. Ở đó, Xec-gây sẽ phát huy được tài năng. Cô sẽ tận tình yêu thương Xec-gây, xây dựng hạnh phúc, trả lại Chương cho Nguyệt.
       Chiều hôm đó Chương đi làm về, Nga ra đón anh ở ngoài cửa, nói với anh rằng, suốt ngày hôm nay cô đã gọi điện ra cửa hàng của Nguyệt và các nơi quen thuôc với Nguyệt, tất cả trả lời không thấy Nguyệt đến. Hai người vào nhà, buồn rầu ngồi ở phồng khách, con mèo khoang đen, trắng, nhảy lên đùi Nga, cô ôm nó vào lòng. Bỗng chuông điện thoại réo, Chương chộp lấy ống nghe, hét: “Tôi nghe đây”. Nga ấn nút “Speaker” cùng nghe. Ở đầu dây bên kia, giọng cô gái trẻ vang lên: “Chúng tôi gọi từ sân bay Aeoflot”, một hành khach nhờ chúng tôi báo chị ấy đã về Việt Nam rồi”. Chương bỏ rơi ống nghe, vội lấy ô tô, phóng như bay ra sân bay. Nga chạy theo không kịp. Khi Chương đến sân bay Seremetchevo 2, chiếc Boing 776 đang từ từ lấy độ cao bay vào khoảng không đen thăm thẳm. Chương bật khóc, tiếng khóc ứ lại ở cuống họng, tức tưởi. Lát sau, Chương lấy khăn lau nước mắt, quay lại, Nga đang ở bên cạnh, khóc rấm rứt, đau khổ. Hai người đứng chôn chân ở sân bay, họ đều nghĩ, nếu bỏ nơi này về là có lỗi. Thấy hai người đứng quá lâu dưới trời tuyết, người lái tắc-xi đến, nói:
- Muộn lắm rồi. Không còn gì để chờ đợi nữa đâu. Xin mời lên xe của tôi.
  Vừa lúc đó, một cơn gió tuyết mạnh thổi tới, xô nghiêng cả ba người, tuyết bay trùm lên đầu, lên mặt, lên mắt họ, không biết đến bao giờ gió tuyết mới ngừng. Đây là lần thứ hai Nga biết một mùa tuyết khác ở Nga

                                                                                     N.T.L
 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Quảng cáo
congnhan12345
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 6
Trong ngày: 143
Trong tuần: 510
Lượt truy cập: 381675

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ GIỚI THIỆU!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH, NHÀ VĂN CẦM SƠN! RẤT NHIỀU BỨC ẢNH CỦA NGÀY HÔM ĐÓ ĐÃ CÙNG VỚI BÀI NÓI CỦA TÔI LÀM NÊN KHÔNG KHÍ TƯƠI VUI, HÀO HỨNG CỦA BUỔI RA MẮT SÁCH! CHÚC MỪNG NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CHÚC MỪNG TS NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC VỚI TẬP THƠ ĐỘC ĐÁO, IN ĐẸP!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÁI PHỤC BÀ MÂY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Thuộc loại "chuyện bây giờ mới kể" đây! Cám ơn tác giả! Mượn lời bà SUỐI để nói về bà MÂY: "Bái phục bà MÂY" ! Haiza!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN VÀ BAN BIÊN TẬP ĐÃ ĐĂNG BÀI VIẾT NHÂN DỊP NHÀ THƠ NGUYỄN HUY HOÀNG RA MẮT TUYỂN THƠ VÀ TRUYỆN KÍ TẠI HỘI TRƯỜNG HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM!

 
Xem toàn bộ
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0964 131 807
Email: soncam52@gmail.com
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công nhân.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông Chi hội Nhà văn Công nhân.