Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

ĐƯỜNG ĐI VÀ BƯỚC TIẾP THEO

Cầm Sơn

ĐƯỜNG ĐI VÀ BƯỚC TIẾP THEO CỦA MỘT DI SẢN

  Vào những năm 50 của thế kỷ thứ 20, có một hiện tượng văn học đình đám gây tiếng vang lớn trong phạm vi cả nước, đó là tác phẩm truyện thơ “Đồi thông hai mộ” của thi nhân Tùng Giang Vũ Đình Trung. Bấy giờ sách được in ấn còn ít nên nhiều người chép tay lại rồi chuyền cho nhau đọc. Nhiều người thuộc lòng cả tập truyện thơ.

      “Đồi thông hai mộ” là một tập truyện thơ viết theo thể loại song thất lục bát dài hơn một ngàn câu chia thành 3 chương kể về một chuyện tình bi ai của đôi trai gái người Mường thuộc hai trong bốn dòng họ lớn của dân tộc Mường là Đinh, Quách, Bạch, Hoàng. Ngoài chuyện tình ra thì truyện còn đề cao tinh thần “Trung quân ái quốc” ca ngợi những tấm gương xả thân vì nước. Ngay lời đề tựa đầu cuốn sách tác giả đã viết: “Kính tặng anh hồn bất diệt của toàn thể nam nữ chiến sĩ Việt Nam đã hiến thân cho đất nước”. Tập truyện thơ đã giành giải thưởng danh dự lần thứ nhất của Việt Nam Văn hóa Hiệp hội năm 1950.

  Do những biến cố của lịch sử mà “Đồi thông hai mộ” của thi nhân Vũ Đình Trung cùng nhiều tác phẩm văn học có giá trị khác thuộc loại sách không được phép phát hành trong thời kỳ sau hòa bình lập lại ở miền Bắc. Những tác phẩm văn học ấy ngày nay có nhiều cuốn sách đã được xác nhận lại vị trí trong nền văn học nước nhà, nhiều tác giả đã được chiêu tuyết, công nhận công lao đóng góp, xây dựng đối với sự nghiệp văn học của đất nước.

  Kỹ sư xây dựng, luật sư Vũ Đình Thảo là cháu nội thi nhân Tùng Giang Vũ Đình Trung, khi được nghỉ hưu có thời gian của riêng mình, ông đã cất công lần theo di cảo của ông nội lên vùng đất Lương Sơn tỉnh Hòa Bình thăm dò, khảo sát, tìm kiếm hai ngôi mộ, nơi phát tích tập truyện thơ của thi nhân Tùng Giang. Cần phải nói thêm rằng nhiều người vẫn nghĩ tác phẩm “Đồi thông hai mộ” có xuất xứ từ Đà Lạt. Đó là một sự hiểu lầm vì hai ngôi mộ trên đồi thông ở Đà Lạt là của cặp tình nhân Lê Thị Thảo (chết ngày 13/3/1946) và Vũ Minh Tâm đi lính trở về, sau đó chết chôn bên mộ người yêu. “Đồi thông hai mộ” của thi nhân Tùng Giang Vũ Đình Trung đã ra đời từ năm 1948, được trao giải thưởng của Việt Nam Văn hóa Hiệp hội năm 1950, trước câu chuyện ở Đà Lạt nhiều năm. Vả lại, ở Đà Lạt không có các dòng họ lớn của người Mường là: Đinh, Quách, Bạch, Hà như mối tình của chàng Đinh Lăng và nàng Quách Mỵ Dung mô tả trong truyện. Đồng thời, di cảo của tác giả Tùng Giang Vũ Đình Trung cũng đã nói rõ “Đồi thông hai mộ” xuất xứ từ việc ông được nghe câu chuyện kể của một ông già người Mường khi ông chạy tản cư lên xứ rừng núi thâm u thuộc huyện Lương Sơn tỉnh Hòa Bình.

   Chương trình chiêu tuyết cho thi nhân Tùng Giang Vũ Đình Trung và khôi phục lại vị trí, chỗ đứng cho tác phẩm “Đồi thông hai mộ” trên Diễn đàn Văn học Việt Nam do Ban Văn học Chuyên đề khởi xướng được lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam phê duyệt.

  Ngày 19 tháng 7 năm 2019, đoàn nhà văn đi khảo sát thực tế gồm: Nhà văn Lã Thanh Tùng – Phó Trưởng Ban Văn học chuyên đề, Hội Nhà văn Việt Nam; Phó giáo sư, tiến sĩ, nhà văn Nguyễn Hữu Sơn – Phó giám đốc Học viện Văn học Việt Nam; Nhà văn, dịch giả Đăng Bẩy – Nguyên thư ký Tòa soạn Báo Văn nghệ; Nhà văn Cầm Sơn - Ủy viên Ban Văn học Công nhân, Hội Nhà văn Việt Nam; Nhà thơ Lê Triển từ Oxtraylia về thăm quê được mời cùng đi để biết và thêm người chứng kiến, thông tin cho các bạn văn ở nước ngoài.

  Được sự giúp đỡ của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hòa Bình, đặc biệt là sự tận tình của nhà thơ Lê Va – Chủ tịch Hội, bản thân ông cũng rất tâm đắc với dự án này bởi ông đang đi sâu nghiên cứu và đã có nhiều bài viết, công trình về Văn học dân tộc Mường thời kỳ trung, cận đại. Trong chuyến đi này, đoàn nhà văn còn được đến thăm gia đình ông Nguyễn Hữu Duyên và bà Nguyễn Thị Hoàng, được nghe bà Hoàng, sau mấy chục năm không nhắc đến mà bà vẫn đọc liền một lèo đến trên 600 câu thơ trong tập truyện thơ “Đồi thông hai mộ”. Bà Hoàng sinh năm 1938 ở Hải Dương và bà nói đã thuộc lòng cả tập truyện thơ từ thời còn là thanh niên ở quê.

  Đoàn đã làm việc với Ủy ban Nhân dân xã Bắc Sơn (nay là xã Hùng Sơn) được ông Bùi Văn Tứ - Phó Chủ tịch xã kể cho nghe truyền thuyết trong dân gian ở địa phương về hai ngôi mộ nằm bên nhau của đôi trai gái người Mường mà chàng trai mang họ Đinh còn cô gái mang họ Quách đều là con cái dòng tộc “Nhà Lang”.   Đoàn tiếp tục đi sâu vào trong rừng đến dãy núi được cho là có ngôi mộ cổ, được bà Bùi Thị Bảy người dân tại địa phương thuộc xóm Khả xã Bắc Sơn hướng dẫn đến thăm ngôi mộ cổ. Ngôi mộ này do trước đây nằm cạnh con đường mòn của người dân bên Kim Bôi vượt núi sang Lương Sơn đi chợ Đồn, mỗi người khi đi qua đều cầm đến một hòn đá đặt lên ngôi mộ, lâu ngày hai ngôi mộ liền lại thành một cái ụ đá cao, to. Đoàn cũng đã gặp nhà giáo Đinh Công Sắc ở xóm Vai Đào xã Cao Sơn, được xem cuốn sổ chép tay truyện thơ “Đồi thông hai mộ” của ông đã gìn giữ mấy chục năm nay thấy chữ viết nắn nót rất đẹp, chứng tỏ cuốn sách đã được sao lại rất công phu trong một tâm thế trân trọng của người sao chép nó.

  Ngày 09 tháng 8 năm 2019, tại thành phố Hòa Bình đã tổ chức cuộc hội thảo với chủ đề: “Từ Di cảo đến di sản” dưới sự chủ trì của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hòa Bình phối hợp với UBND huyện Kim Bôi và Hội Nhà văn Việt Nam. Dự buổi hội thảo có nhiều học giả, nhiều nhà nghiên cứu Văn học, nhiều nhà văn, các nhà Quản lý Nhà nước các cấp tỉnh, huyện, xã và nhiều phóng viên báo chí, Đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương. Tại buổi hội thảo này, tất cả đều thống nhất đánh giá về giá trị của tác phẩm truyện thơ “Đồi thông hai mộ” và khẳng định đây là một tác phẩm có tư tưởng tốt, có giá trị cả về chất lượng văn học lẫn giá trị lịch sử của dòng chảy phát triển văn hóa dân tộc Mường nằm chung trong nền văn hóa của cả dân tộc. Về nơi khởi nguồn, xuất xứ của tác phẩm là từ xã Bắc Sơn huyện Kim Bôi tỉnh Hòa Bình ngày nay thì không cần phải bàn cãi gì nữa bởi trong di cảo của thi nhân Tùng Giang Vũ Đình Trung đã được ghi rõ.

   Ngày 29 tháng 8 năm 2019, nhà văn Nguyễn Khôi - Người đã từng là một trong những người dịch tập truyện thơ của người Thái “Sóng chụ son sao” thành tiếng Việt tặng cho kỹ sư, luật sư Vũ Đình Thảo cuốn sách “Thơ bạn thơ, 8” do hai vợ chồng nhà văn Lý Phương Liên – Nguyễn Nguyên Bảy làm chủ biên, mới ấn hành gần đây bởi Nhà xuất bản Hội Nhà văn, đã phát hành rộng rãi ở cả trong nước và ngoài nước, chủ yếu là ở Mỹ, Anh và Pháp. Điều đặc biệt là trong cuốn sách này đã in toàn bộ nội dung kể cả phần văn xuôi lẫn phần truyện thơ của cuốn “Đồi thông hai mộ”.

Một năm sau Hội thảo “Từ di cảo đến di sản”, ngày 05 tháng 8 năm 2020 đã có một cuộc họp tại Hội Văn học Nghệ thuật Hòa Bình kiểm điểm tình hình thực hiện nội dung cuộc hội thảo. Cuộc họp kiểm điểm ấy được công bố rộng rãi trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng và đã được nhiều nhà văn, nhà khoa học cùng các nhà quản lý văn hóa, văn nghệ hồi âm. Phần lớn các ý kiến hồi âm đều đồng thuận với nội dung kết luận của cuộc hội thảo nhưng cũng có những ý kiến phản biện, trái chiều. Chính vì vậy, cuộc trao đổi về tác phẩm “Đồi thông hai mộ” vẫn còn là một đề tài gây được sự chú ý của các nhà khoa học và các nhà văn.

   Sau kết luận từ cuộc hội thảo và việc Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam cho phép xuất bản cuốn sách “Thơ bạn thơ, 8” trong đó có phần tái bản tác phẩm “Đồi thông hai mộ” khẳng định vị trí của tác phẩm trong dòng chảy của nền văn học Việt Nam. Được sự đồng ý của các cấp chính quyền huyện Kim Bôi và xã Hùng Sơn, ông Vũ Đình Thảo đã cho tiến hành sửa sang, làm đường đi và phục dựng lại hai ngôi mộ. Ngày 03 tháng 9 năm 2020, ông Vũ Đình Thảo tiếp tục cho dựng bia mộ bằng đá tại khu mộ thuộc xóm Đằng Long xã Hùng Sơn. Ngày 24 tháng 9 năm 2020 có cuộc viếng thăm và làm việc với nội dung phát huy tiềm năng du lịch của di chỉ “Đồi thông hai mộ” tại xã Hùng Sơn. Trong buổi làm việc này, Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch tỉnh Hòa Bình có ông Dương Huy Linh; Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh có nhà thơ Lê Va và nhà báo, nhà nghiên cứu Văn học Dân gian Lê Quốc Khánh; xã Hùng Sơn huyện Kim Bôi có bà Bạch Minh Huệ - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy và ông Nguyễn Khắc Thành – Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã; Đoàn Hội Nhà văn Việt Nam có nhà văn Lã Thanh Tùng – Phó Trưởng Ban Văn học Chuyên đề, nhà văn Nguyễn Đăng Bẩy, nhà văn Bùi Đức Khiêm, nhà văn Cầm Sơn - Ủy viên Ban Văn học Công nhân và ông Vũ Đình Thảo, đại diện gia đình thi nhân Tùng Giang Vũ Đình Trung.

  Việc chiêu tuyết cho thi nhân Tùng giang Vũ Đình Trung và khôi phục lại vị trí của tác phẩm truyện thơ “Đồi thông hai mộ” trong dòng chảy của nền văn học Việt Nam đã hoàn thành trọn vẹn. Việc còn lại của ngành Văn hóa, các cấp chính quyền, các tổ chức, doanh nghiệp và gia đình tác giả là tiếp tục kêu gọi đầu tư phát huy hiệu quả của di chỉ văn hóa kết hợp với tiềm năng du lịch của địa phương phát triển trở thành một điểm đến thu hút được đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước.

     Ngày 16 tháng 5 năm 2021, khi nói về khu di tích hai ngôi mộ cổ của Đinh Lăng và Mỵ Dung cùng lãnh đạo xã Hùng Sơn và Hội Văn học Nghệ thuật Hòa Bình, Giáo sư Lê Văn Lan nêu ý kiến: Lãnh đạo địa phương cần có những quy hoạch tổng thể về vị trí của các di chỉ, về điện chiếu sáng, về trồng cây, về kiến trúc xây dựng…tránh kiểu “ăn xổi” có đồng nào tiêu đồng ấy, làm theo cách “bấc đến đâu, dầu đến đấy”. Phát triển mà chỉ chú trọng đến kinh tế, không chú ý đến bảo tồn Văn hóa là đi bằng một chân kiểu người bị què, phải đi bằng hai chân mới đảm bảo bền vững. Ông nói cần nghiên cứu kỹ hơn nữa theo hướng khảo cổ học vì rất có thể ta lại thu lượm thêm được các chứng cứ khác cùng với những miếng đá ở thời kỳ mới ghè chưa biết mài thành công cụ rìu đá, búa đá xuất hiện ở đây để củng cố cho kết luận nơi đây đã từng là nơi sinh sống của người tiền sử có niên đại từ 10 ngàn năm trở lên. Triển vọng chỗ này vô cùng lớn, không chỉ có cái chốt của “Đồi thông hai mộ” mà nó còn có giá trị về mặt lịch sử cao hơn. Phát triển kinh tế là việc làm đương nhiên và là nhiệm vụ của các cấp chính quyền được nhân dân giao phó trên cương vị lãnh đạo. Nhưng nếu chỉ biết làm kinh tế đơn thuần thì không khác gì con tàu chỉ có một đường ray, nó sẽ bị nghiêng và nguy cơ lật đổ, lộn nhào sẽ nhìn thấy trước mắt. Việc chú trọng tới Bảo tồn và phát huy giá trị Văn hóa song hành với phát triển kinh tế giống như con tàu đi bằng hai đường ray. Các chiến sĩ trên mặt trận Văn hóa bao gồm cả các nhà lãnh đạo văn hóa, lãnh đạo chính quyền giống như những thanh tà vẹt gắn chặt, kết nối hai đường ray cho con tàu chạy nhanh, an toàn và bền vững. Chính vì vậy, việc sử dụng di tích và tác phẩm “Đồi thông hai mộ” để phát triển kinh tế là điều cần thiết, một địa điểm Trời cho! Nên làm trên cơ sở có quy hoạch tổng thể, phát triển bền vững đồng thời cần và rất cần đến việc kêu gọi được các nhà đầu tư có năng lực biết đến để họ tham gia.

   Về định hướng vĩ mô đã được các cấp, các ngành trong tỉnh Hòa Bình ủng hộ phát triển du lịch ở xã Hùng Sơn nói riêng và toàn huyện Kim Bôi nói chung. Trong cuộc hội thảo do Hội VHNT Hòa Bình tổ chức, ông Lưu Huy Linh – Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao du lịch đã có ý kiến với xã Hùng Sơn cần có quy hoạch đất ngoài vùng quản lý của Quân đội dành cho phát triển du lịch ít nhất 10 héc ta…

  Dự án giai đoạn hai sẽ là việc xin cấp đất chặn suối khơi hồ, xây dựng resorts bên bờ hồ thu hút khách theo loại hình du lịch môi trường, kết hợp du lịch tâm linh, thành lập những điểm bay dù trên các mỏm núi và xây dựng thêm các vườn hoa, phim trường để thu hút du lịch ảo sẽ lôi kéo được nhiều du khách đến vui chơi, quay phim, chụp ảnh. Trong thời đại bùng nổ của cách mạng công nghệ 4.0, du lịch ảo trở thành nhu cầu thiết yếu của nhiều người, đặc biệt là tầng lớp thanh niên cùng với các quý cô, quý bà kể cả các bà cao tuổi, cứ váy áo nhiều màu, tạo dáng ở những không gian đẹp để quay phim, chụp ảnh đưa lên khoe trên mạng cá nhân được nhiều bạn bè, người thân, con cháu khen đẹp là tinh thần các bà bay lên tận mây xanh, mây vàng, mà lớp người này là tầng lớp hoàn toàn tự chủ về tài chính nên việc chi tiêu cho du hý đối với họ là chuyện nhỏ. Trên thực tế, rất nhiều nơi kể cả nước ngoài lẫn trong nước, mô hình thu hút khách du lịch ảo bằng vườn hoa, phim trường đã thành công ngoài sự mong đợi.

 Kim Bôi có một tiềm năng đủ mạnh để thu hút khách du lịch. Trước hết là về mặt địa lý, nó chỉ cách xa thành phố Hà Nội trên dưới 70km với hệ thống đường giao thông rộng rãi, thông thoáng. Bản thân hiện tại nó đã hình thành một chuỗi du lịch từ Khách sạn Công Đoàn, Trung tâm điều dưỡng người có công, Khu mộ cổ Đống Thếch đến Đồi thông hai mộ. Có cảnh quan với những núi đá dựng đứng trập trùng như đường sang Tây Tạng lấy kinh của thầy trò Đường Tăng, những con sông nhánh và suối ngoằn ngoèo trong vắt, những vườn cây trái giăng giăng trên khắp các nẻo đường, về ẩm thực thì có nhiều loại đặc sản như ốc đá, măng vầu, rau xôi, cá suối…Văn hóa phi vật thể có hát giang, hát ví, Giỗ Khả của người Mường, Tết nhảy, Lập tỉnh, Đám chay của người Dao…


       Ngày 20 tháng 02 năm 2024, tôi cùng nhà văn Bùi Đức Khiêm, nhà văn Lã Thanh Tùng được ông Vũ Đình Thảo mời đến thăm khu di chỉ văn hóa “Đồi thông hai mộ” ở thôn Đằng Long, chúng tôi thấy một dãy nhà khang trang, rộng dài, to đẹp dưới chân đồi nơi có con đường với những bậc đá dẫn lối đưa lên khu mộ. Đó là những kết quả đáng khích lệ sau 3 năm kể từ buổi hội thảo và kết luận tại buổi hội thảo của Nhà thơ Lê Va về việc khẳng định vị trí của tác phẩm “Đồi thông hai mộ”. Trước mắt, những bước đi tiếp theo của khu di chỉ này là thuyết phục các cấp, các ngành tỉnh Hòa Bình công nhận di chỉ “Đồi thông hai mộ” là di sản văn hóa của tỉnh để có tiếng nói kêu gọi mở rộng đầu tư theo hướng du lịch văn hóa, tâm linh hòa nhịp và đồng hành với tiềm năng du lịch sinh thái, cảnh quan…

   Tôi tin tưởng chắc chắn những dự định của lãnh đạo và nhân dân các dân tộc xã Hùng Sơn sẽ trở thành hiện thực trong một khoảng thời gian không xa bởi ngay bây giờ, nó đã rục rịch chuyển động, những tiềm năng đã bắt đầu được đánh thức. Sau một giấc ngủ sâu, khi tỉnh dậy thường là rất tỉnh táo, khỏe mạnh cùng với trí sáng tạo và năng lực làm việc vô biên.

  Bên cạnh những cảnh quan núi, đồi, sông, suối, những vườn bưởi quả nặng trĩu cành, tôi đã nhìn thấy thấp thoáng bóng dáng những resorts cùng những vườn hoa, phim trường, những chiếc xe con đủ loại của các quý ông, những chiếc xe máy thể thao hầm hố của đám thanh niên đi phượt, những váy áo nhiều màu của các quý bà, quý cô lấp lóa cùng với những đình chùa, miếu mạo tọa lạc trên những ngọn núi đá dựng đứng hùng vĩ, tôn nghiêm.

                                                                                                   C.S

 

 

 

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Quảng cáo
congnhan12345
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 6
Trong ngày: 90
Trong tuần: 638
Lượt truy cập: 377044

VŨ NHO 085 589 0003

CHÚC MỪNG TS NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC VỚI TẬP THƠ ĐỘC ĐÁO, IN ĐẸP!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÁI PHỤC BÀ MÂY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Thuộc loại "chuyện bây giờ mới kể" đây! Cám ơn tác giả! Mượn lời bà SUỐI để nói về bà MÂY: "Bái phục bà MÂY" ! Haiza!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN VÀ BAN BIÊN TẬP ĐÃ ĐĂNG BÀI VIẾT NHÂN DỊP NHÀ THƠ NGUYỄN HUY HOÀNG RA MẮT TUYỂN THƠ VÀ TRUYỆN KÍ TẠI HỘI TRƯỜNG HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM!

 

Cầm Sơn - 0913269931

Cũng cần cảm thông với ông Troussier. Nếu nói về thành tích trong quá khứ, ông Park Hang Seo không thể sánh với ông Troussier được. -Trong sự nghiệp huấn luyện đồ sộ của mình, giai đoạn thành công nhấ...

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN! ÔNG HLV NGƯỜI PHÁP CHƯA BAO GIỜ THÀNH CÔNG "VANG DỘI"! CÓ ĐIỀU NÀY ĐÚNG: CHẢ NÊN TRÁCH ÔNG TA NHIỀU! TRÁCH LÀ VFF QUÁ TIN ÔNG TA, KẺ CAO NGẠO, BẤT TÀI! VẬY THÔI!

 
Xem toàn bộ
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0964 131 807
Email: soncam52@gmail.com
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công nhân.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông Chi hội Nhà văn Công nhân.