Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

DÒNG MÁU NGƯỜI THỢ VÙNG THAN

Tiến Luận

DÒNG MÁU NGƯỜI THỢ VÙNG THAN
(TP Dự thi cuộc vận động của Tổng Liên đoàn LĐ Việt Nam)

    Tốt nghiệp khoá học nghề cơ khí, Tâm được phân công về vùng mỏ. Nơi Tâm đến nhận việc là một nhà máy cơ khí chuyên sửa chữa các loại xe vận tải phục vụ cho thợ mỏ làm than. Ở đây không có máy móc thiết bị hiện đại sản xuất theo dây chuyền công nghệ khép kín, chuyên môn hoá cao mà là một nhà máy sản xuất đơn lẻ, vừa chế tạo, vừa phục hồi với những máy công cụ đã cũ kĩ rơ mòn. Hôm ông quản đốc dẫn Tâm vào xưởng đi qua các máy phay, mài, bào, xọc rồi dừng lại bên chiếc máy tiện 1K62 giới thiệu với ông Thạnh tổ trưởng tổ tiện ba:

- Đây là cô Tâm thợ mới ra trường. Tôi bố trí cô vào tổ bác để có nam, có nữ cho thêm phần vui vẻ.

     Ông quản đốc cười hóm hỉnh thì ông Thạnh chỉ nhếch mép cười, rồi nhìn Tâm từ đầu đến chân khẽ lắc đầu: Tôi trông cô chẳng ra dáng người thợ tý nào, cứ như diễn viên ở đoàn văn công. Cô đi lĩnh quần áo bảo hộ rồi về nghỉ. Sáng mai đi làm ca một cùng tôi. Tâm về phòng ở tập thể ngắm trước gương soi mới biết là mình vụng dại. Ai đời đi làm Tâm lại mặc quần bò, áo phông. Cũng chỉ tại cô bạn cùng phòng bảo Tâm là con gái đi đâu cũng phải làm đẹp, làm duyên, phải đánh môi son, má phấn. Cô còn kẻ vẽ cho Tâm đôi lông mày, cô tự khen là đẹp như “nét xuân xanh” của cụ Nguyễn Du tả nàng Kiều. Thấy Tâm về phòng, cô xăm xắn hỏi: ngày đầu ra mắt êm đẹp chứ? Tâm lắc đầu: Ông tổ trưởng Thạnh bảo mình là diễn viên văn công. Cô bạn cong cớn: úi chao ôi! Cái lão Thạnh ấy là chuyên môn chê bai chị em. Ngày mới vào học nghề, lão cũng chê tao như thế. Ghét!

 tuyen-tho-phu-co-khi-cho-tot-1-1

     Sáng hôm sau Tâm trở dậy mặc bộ quần áo công nhân xanh nước biển. Xỏ đôi giày ba ta, chụp chiếc mũ lưỡi trai ôm gọn mớ tóc dài đến xưởng máy nhận lệnh của ông Thạnh. Ông bố trí cho Tâm làm máy tiện T616 là chiếc máy tiện cũ rích do nhà máy cơ khí Hà Nội chế tạo từ những năm sáu mươi thế kỉ trước. Qua năm tháng hao mòn cùng với việc sử dụng tắc trách của bao lớp thợ trẻ, nó như con trâu cày ốm yếu già nua, chỉ có thể làm được những công việc không cần độ chính xác cao. Hôm ấy ông Thạnh giao cho Tâm một tờ phiếu lệnh sản xuất tiện một nghìn chiếc long đen đồng. Tâm biết thừa ông muốn thử tay nghề của Tâm. Tuy chưa có kinh nghiệm trong nghề, nhưng Tâm cũng biết: long đen đồng là loại vật liệu mềm và dẻo. Con dao tiện phải có góc thoát lớn. Có nghĩa là lưỡi cắt mỏng thì dao sẽ sắc. Tâm gạt cần số cho tốc độ máy chạy tám trăm vòng phút. Con dao tiện ăn trên thỏi đồng ngọt xớt nhả từng chùm phoi như những chiếc lò so. Tâm đưa tay hứng những chiếc long đen óng ánh đặt trên khay máy. Ông Thạnh bước sang máy Tâm. Mặt lạnh tanh. Ông cầm từng chiếc long đen mới tiện xong áp vào mặt phẳng của thân thước cặp rồi giơ lên soi qua ánh đèn. Đôi mắt nheo nheo nhìn giữa hai mặt tiếp giáp là một vệt sáng lờ mờ. Tâm nhìn cái miệng rộng có đôi môi tím tái như hai miếng thịt bò khô của ông sẽ lại trề ra “làm thế này mà cũng đòi làm thợ được ư?” Nhưng chợt đôi mắt ông sáng lên và nhếch mép cười khen mỗi một câu: tốt!

    Con người ta hiền lành dễ thương nhất là khi ngủ và lúc cười. Gương mặt khó đăm đăm của ông giãn ra, dịu xuống. Ông bước nhanh về phía máy tiện của mình. Tâm sung sướng lắng nghe tiếng reo của máy. Tâm tự hào đã thể hiện được một niềm tin dù đó chỉ là việc nhỏ ban đầu với ông tổ trưởng. Nhưng dù sao nó cũng giải toả được phần nào sự thất vọng về Tâm. Có lẽ vì thế mà về sau ông Thạnh thường giao cho Tâm những công việc chính xác hơn so với các bạn cùng bậc thợ.

Những ngày đầu Tâm bức xúc về ông tổ trưởng Thạnh thì mấy tháng sau Tâm lại rất khó chịu về ông Liễn - tổ trưởng tổ làm dao. Hôm ấy Tâm đang loay hoay với những chiếc căn đồng có chiều dày hướng kính lớn. Mặc dù con dao tiện cắt Tâm mài rất sắc, nhưng chiếc căn đồng Tâm đang tiện vẫn bướng bỉnh sùi lên giữa hai mặt cắt. Tâm chưa biết làm thế nào cho nó nhẵn, đạt độ bóng tới tam giác sáu và phải phẳng lừ mới đạt yêu cầu, thì ông ta đến đứng trước máy Tâm vịn tay vào tấm lá chắn máy. Đôi mắt nheo nheo vẻ săm soi. Tâm cúi xuống gạt cần số mở máy. Mặc dù vẫn chăm chú nhìn vật tiện quay tròn, nhưng Tâm có cảm giác như ông ta đang nhìn mình. Ông nhìn gương mặt thanh tú của Tâm hay ông nhìn vào cái cổ cao trắng muốt lấp ló sợi dây chuyền vàng, và tất nhiên ông sẽ nhìn xuống hai bầu vú căng tròn trên bộ ngực nây nẩy của Tâm. Vẫn biết đàn ông nào chả thích nhìn gái đẹp. Thì đấy! Trên đường đến xưởng máy ngày nào cũng có vô số ánh mắt nhìn theo Tâm đó thôi. Nhưng họ là những chàng trai trẻ. Ánh mắt, nụ cười và những lời nói bông lơn nửa đùa, nửa thật của họ đôi khi cũng làm cho trái tim Tâm rung động và còn thích thú nữa là đằng khác. Đằng này người đang nhìn Tâm là một ông già. Đã cao, lại gầy, da ngăm đen, ăn mặc thì quá xuề xoà. Bộ quần áo bảo hộ xanh nước biển chỉ cần đóng hết các khuy áo đã gọn, nhưng ông lại bỏ trong quần rất lôi thôi, lụng thụng. Buồn cười hơn cả là cái đầu cứ nghiêng một bên gây cảm giác như ông vênh cái mặt khinh người.

   Không hề nói một câu nào, ông chỉ đứng nhìn vài phút rồi đi. Cái làm Tâm bực bội là ngày nào đi qua ông cũng tạt vào máy. Mấy chị đứng máy bên nhìn Tâm cười khúc khích. Vừa xấu hổ, vừa tức, Tâm đưa mắt nhìn ông Thạnh tổ trưởng ý muốn nhờ ông nhắc nhở hộ thì ông Thạnh chỉ lặng thinh mỉm cười. Rồi Tâm cũng nghĩ ra một cách: hễ thấy ông ta đến, Tâm giả vờ tắt máy tháo dao đi mài. Ông đi, Tâm lại trở về máy. Cứ thế, ông đến - Tâm đi, ông đi - Tâm về máy. Đó cũng là một cách đuổi khéo đầy hiệu quả, và cũng chỉ có thế ông mới thũng thẵng xách thùng dao đi về nơi làm việc của mình phía cuối phân xưởng. Ở đó có hai chiếc tủ sắt đựng dụng cụ đồ nghề luôn khoá bằng những chiếc khoá đồng to tướng. Chỉ khi ông về thì hai cánh tủ sắt mới được mở ra. Bên trong đựng đầy các loại dao tiện, phay, bào, xọc và một cái tủ đựng dụng cụ đo lường như pan-me, đồng hồ, com-pa, thước cặp. Ai cần thì đến đổi cũ lấy mới.

    Hằng ngày Tâm thường thấy ông Liễn và anh thợ phụ gò lưng đánh búa kì cà, kì cạch lẫn trong tiếng máy tiện ro ro, máy doa gầm gừ, cầu ba lăng xình xịch! Những hôm không nghe thấy tiếng búa của họ là lúc anh thợ phụ đem phôi dao đến tổ hàn để hàn mũi hợp kim cứng, hoặc thép gió. Còn ông Liễn thì đứng bên máy mài hai đá mài dao. Hai viên đá mài quay tít với tốc độ hơn hai nghìn vòng phút vung lên không một lớp bụi như mây mù bao phủ quanh người ông, khiến Tâm rùng mình nghĩ: những hạt bụi đá mài như hạt cát nhỏ li ti ấy sẽ theo hai lỗ mũi đen xì như hai ống khói của ông mà chui vào hai lá phổi thì ông không mắc bệnh si-li-cô cũng ho lao thối phổi. Tự nhiên Tâm lại thấy thương thương. Tội nghiệp cho ông ấy. Sao ông không chọn một nghề khác mà lại chọn cái nghề làm dao bụi bặm, độc hại, đơn điệu, nhàm chán. Sức bỏ ra nhiều mà thu về thì chẳng đáng bao nhiêu. Tuy nhiên cảm xúc ấy cũng chỉ trong chốc lát, Tâm lại thấy bực bội vì thỉnh thoảng, ông lại đến máy Tâm. Tâm trở thành đề tài cho mấy cô công nhân hóng hớt.

    Giờ nghỉ ăn trưa các cô ngồi túm tụm dưới gốc cây bàng bên ngoài cửa xưởng máy, nhìn thấy Tâm đi qua, Thuý đã nhấp nháy con mắt đen, sâu như giếng thơi níu Tâm ngồi xuống hỏi: Tình yêu đến rồi hở? Tâm gắt: Ông ấy già bằng bố người ta. Thuý làm lành: Đùa thế thôi, chứ lão ấy đã keo lại hấp. Mỗi lần làm những đồ chính xác chúng tớ phải đến lão mượn pan-me đồng hồ, hoặc đổi dao cũ lấy dao mới là lão hoạnh hoẹ chán mới cho. Ghét ơi là ghét. Rồi Thuý bĩu môi: Để tao kể cho mà nghe:

- Lão Liễn trước cũng là thợ tiện bậc sáu có một thời từng được mệnh danh là người thợ có đôi bàn tay vàng, là ông vua sáng kiến. Năm ấy lão kèm cặp một anh học nghề. Anh này có tính cẩu thả, mài dao không dùng dưỡng đo góc độ mà chỉ ước lượng bằng mắt. Dụng cụ đo như đồng hồ, pan-me, thước cặp đo xong anh vứt toẹt xuống khay máy. Khi tắt máy anh dùng chân dận lên tay gạt cái bẹt! Lão Liễn mắng: Người nông dân có con trâu, người thợ tiện có cái máy và dụng cụ đồ nghề được coi như cánh tay phải của họ. Vậy mà anh mới chập chững vào nghề đã có tính làm bừa, làm ẩu. Dốt, lại ẩu thế thì về quê mà làm thợ cày!

   Anh học nghề tức lắm, để bụng. Anh ra sức học tập, tham gia công tác tích cực được lãnh đạo nhà máy cho đi học. Sau khi tốt nghiệp đại học khoa cơ khí chế tạo máy trở về, anh được đề bạt làm quản đốc, rồi phó giám đốc. Khi lão Liễn được thi lên bậc bẩy phải thi hai môn lí thuyết và thực hành. Hôm thi lý thuyết thì thật trớ trêu, anh phó giám đốc ngồi ghế ban giám khảo. Anh ta hỏi: Muốn định vị gia công một chi tiết máy thì cần khử mấy bậc tự do? Lão Liễn ngồi ngay như phỗng. Anh giám khảo lại hỏi: Trong nghề gia công cắt gọt có lúc giống như trong việc đối nhân xử thế phải lấy mềm trị rắn, vì sao? Cho ví dụ và phân tích? Rõ ràng toàn những cái lão làm hằng ngày, nhưng để diễn đạt bằng lời thì lão chịu. Bởi lão đâu có được học. Cha lão là thợ rèn, ông nội lão cũng là thợ rèn. Nghe nói năm 1936, ông dám to gan cùng anh em thợ khênh quan tài của một công nhân bị chủ mỏ đánh chết đi quanh phố biểu tình đình công đấy! Nhà nghèo, lão Liễn chỉ học hết bậc tiểu học rồi đi làm. Do chịu khó học hỏi tích luỹ được nhiều kinh nghiệm mới nên thày, nên thợ..

   Thấy lão ngồi im, anh giám khảo lắc đầu cười: Thế mà ngày xưa bác mắng tôi là dốt! Lúc ấy lão Liễn mới à lên một tiếng rồi đứng dậy nói: Tôi không thi nữa! Anh giám khảo ấy chính là giám đốc nhà máy bây giò.

    Ai cũng tưởng sau hôm bỏ thi ấy lão Liễn sẽ tự ái mà bỏ bê công việc thì ngược lại, lão lại tỏ ra hăng hái hơn. Đang đứng máy tiện thì lão lại xung phong sang tổ làm dao. Lão bảo việc làm dao cho các thợ gia công cắt gọt là không hề đơn giản. Người thợ làm dao phải biết các tính năng tác dụng của từng loại dao. Muốn thế phải có kiến thức các nghề: Tiện, nguội, phay bào, kinh nghiệm phải có hàng kho trong óc. Thế mà xưa nay những anh thợ ở tổ làm dao toàn những anh có tay nghề yếu kém. Đã thế chỉ được một thời gian ngắn là họ tìm cách rút lui. Ông quản đốc tìm người thay thế, nhưng ai cũng viện lí do từ chối khéo. Giữa lúc ấy lão Liễn xung phong sang tổ làm dao. Hỏi thế có hâm không? Tâm buột miệng: Ông ấy dại nhỉ! Cô Dinh bảo: Đúng là vừa dại, vừa hâm, lại còn ở bẩn nữa. Bộ quần áo bảo hộ lao động có lẽ hàng tháng không giặt. Mồ hôi xen lẫn mùi dầu ám vào người khét lẹt. Xa hàng ki lô mét vẫn thấy hôi. Công nhân nhà máy đặt vè: “Nhất Liễn nhì Cầu, tam Bầu tứ Vạy.” Lão được xếp thứ nhất về ở bẩn. Khiếp! Mấy cô nàng cười ngặt nghẽo...

***

    Quý tư là mùa làm than. Mỗi buổi sáng đứng dưới sân nhà máy nhìn lên con đường mỏ ngoằn ngoèo hình chữ zét có những đoàn xe rầm rập lên tầng tung bụi mịt mù như mây, như khói. Tâm vui sướng tự hào khi được những anh lái xe vui tính gọi thợ nhà máy cơ khí là những bác sĩ không mặc áo blu. Tinh thần thêm hưng phấn, Tâm càng hăng hái thi đua, giảm các động tác thừa, tận dụng giờ lao động có ích. Tâm đã nghĩ ra phương pháp tiện long đen - hai dao cắt cùng một lúc đưa năng suất gấp đôi.

- Tâm ơi, mày định phấn đấu chiến sĩ thi đua hay anh hùng lao động?

   Mấy cô bạn eo éo gọi. Tâm mặc kệ, tăng vòng quay máy. Thỏi đồng trên mâm cặp quay tít. Con dao tiện mới được mài sắc nhả từng cuộn phoi vàng óng ánh. Tâm đang tự tin với tốc độ cắt, thì bỗng bịch một cái. Tâm giật mình nhìn mũi con dao tiện gẫy làm đôi. Tâm cuống cuồng tắt máy định tháo con dao gẫy ra rồi đến xin ông Liễn đổi cho một con dao khác. Bỗng nghe có tiếng ho phía sau. Ông Liễn đứng sau Tâm từ lúc nào? Ông hỏi: Cô Tâm làm gẫy mấy con dao rồi? Tâm bực mình nói xẵng: Tại con dao của ông chất lượng không đảm bảo. Ông Liễn bình thản nhếch mép cười nói: Những người thợ hễ làm hỏng sản phẩm, hoặc sự cố như cô thường đổ lỗi cho dao tôi làm không đủ độ cứng, kém chất lượng, mà không nghĩ là mình sử dụng dao như thế nào? Mọi ngày đứng xem, tôi thấy cô làm còn nhiều động tác thừa lắm. Cô sử dụng dao cụ cũng chưa hợp lí đâu. Ví như khi tiện bằng dao hợp kim cứng, người ta phải chọn tốc độ máy quay nhanh để giảm lực va đập, dao sẽ dễ bị mẻ, chóng cùn. Các góc độ dao cô mài cũng không đúng với yêu cầu kĩ thuật với từng vật liệu. Vật liệu nào, dao ấy. Ví như khi ta thái chuối thì dùng dao lưỡi mỏng, chặt củi phải dùng con dao lưỡi dày. Các cô cứ hầm bà làng khi tiện đồng cũng như tiện thép. Tuỳ tiện như thế thì dao mau hỏng là phải. Nhiều lần tôi định bảo, nhưng cô cứ bỏ máy đi. Ban nãy đi qua tôi nhìn thấy cô cắt căn đồng mỏng, chiều dày hướng kính lớn, cô lại mài góc thoát của dao nhỏ như khi tiện thép. Phoi tiện không thoát, lèn chặt vào hai bên me dao như thế thì dao nào mà chịu nổi. Nói xong ông Liễn đưa cho Tâm một con dao cắt bảo Tâm tiện thử xem sao.

   Tâm nhìn con dao cắt rất lạ. Lưỡi dao dài, to bản cong cong như cái cổ con cò. Hồi còn học ở trường dạy nghề Tâm có được học về các loại dao cắt gọt, nhưng chưa thấy con dao nào có dáng hình lạ như thế. Theo sự chỉ dẫn của ông Liễn, Tâm gá con dao cổ cò lên ổ bàn dao. Lưỡi cắt úp xuống. Nguyên lý tiện là dao đứng vật quay ngược chiều kim đồng hồ thì dùng dao cổ cò của ông Liễn lại quay theo chiều ngược lại. Phoi thoát ra dễ dàng, không phải mở mạch, tiết kiệm được vật liệu. Con dao cổ cò của ông đã giúp Tâm tăng năng suất gấp đôi hôm trước. Sản phẩm đưa ra kiểm tra, bác KCS cười rất tươi: Tốt lắm!

***

   Một chiều thứ bẩy tan ca, Tâm tạt vào chợ nhìn thấy ông Liễn đứng ở cửa hàng hoa quả. Thấy Tâm, ông mừng rỡ nói: Tôi vụng mua lắm, cô chọn giúp tôi một nải chuối và cân cam. Tâm chọn những quả cam sành tròn trĩnh, mỏng vỏ và một nải chuối thật đẹp cho ông. Khi trở về nhà Tâm cứ nghĩ hôm nay không phải mồng một, hôm rằm, ông ấy mua hoa quả, vàng hương để làm gì nhỉ? Đắn đo, suy ngẫm mãi, sáng hôm sau, Tâm đánh bạo đến nhà ông. Ý định là chỉ đi qua thôi. Nếu ông nhìn thấy mời vào thì Tâm sẽ vào. Đạp xe hơn hai cây số, lại dắt xe đạp lên một dốc đồi thoai thoải giữa một xóm thợ vài chục mái nhà lơ thơ lấp ló dưới những lùm cây ăn quả. Sau lưng là dãy núi của mỏ than Tây Khe Sim, trước mặt là vịnh Bái Tử Long. Leo hết con dốc, Tâm đã thấy mệt phờ, mồm mũi thi nhau thở. Thế mà ông Liễn ngày nào cũng mấy lượt đi, về. Đứng trước ngôi nhà cấp bốn, mái xuôi. Trên bậc thềm có cây mai tứ quí nở hoa vàng rực làm sáng lên một góc hiên. Mùi hương thơm ngát từ trong nhà bay ra. Tâm nhìn vào trong nhà thấy đông người. Biết nhà có việc nên Tâm vội vã dắt xe ra vừa xuống hết con dốc thì gặp ông Thạnh. Ông Thạnh tưởng Tâm ở nhà ông Liễn đi ra nên hỏi: Sao không ở lại ăn giỗ? Tâm hỏi giỗ ai? Ông Liễn nói: Cô mới về nhà máy nên không biết. Vợ ông ấy trước là thợ băng chuyền trong một đêm làm ca ba bị tai nạn lao động. Bà ấy ra đi đã hơn hai chục năm rồi cô Tâm ạ! Trước lúc lâm chung, bà ấy nói với ông: Anh có lấy ai thì lấy. Hãy cố gắng nuôi dạy thằng Thắng nên người. Từ đấy ông không yêu một người con gái nào nữa.

***

   Mỗi ngày làm việc ở nhà máy Tâm lại nhận ra những điều mới mẻ, nhận ra những điều sáng - tối của con người. Cuộc sống vội vàng, hối hả thu vén cho cái riêng, người ta có thể lấy cắp một chi tiết máy, đánh tráo vật tư phụ tùng, lập chứng từ giả để lấy tiền bỏ túi thì ông Liễn người thợ làm dao chỉ biết lọ mọ với những con dao tiện, với những viên đá mài phế phẩm để chế tác ra dao doa, mà chẳng thấy ai khen ông!

   Sáng hôm sau đến xưởng máy, vẫn bộ quần áo bảo hộ rộng thùng thình, chiếc thắt lưng bộ đội thắt chặt rúm ró, ông Liễn xách thùng dao đi qua máy Tâm. Tâm hồi hộp đợi, nhưng không thấy ông đến như mọi ngày. Ông trở về nơi làm việc, ngồi xổm bên bếp rèn nguội lửa. Đặt viên đá mài cũ trên nền xi măng được lót một tấm đệm, rồi cầm com-pa sắt lấy dấu. Đoạn, tay cầm búa, tay cầm đục nhẹ nhàng gõ từng nhát búa cạch cạch! Ông không hề biết có những ánh mắt của các cô gái nhìn theo.

- Tâm ơi! Có nhớ anh già không?

   Mặc kệ cho chúng bạn nói gì thì nói, Tâm vẫn cắm cúi làm việc. Tiếng nói, tiếng cười vẫn vọng sang. Có cô lại còn hát trêu Tâm nữa: “Yêu nhau đứng ở đằng xa/con mắt liếc lại bằng ba đứng gần/anh còn son, em cũng còn son...!” Bỗng xoạt một cái cùng với tiếng ối thất thanh. Tiếng cười tắt ngóm. Quá bất ngờ. Mấy cô thợ đứng ớ ra. Cả phân xưởng nhốn nháo không hiểu chuyện gì xảy ra? Ông Liễn quăng búa chạy đến. Một cảnh tượng hãi hùng và hài hước bày ra trước mặt. Cô Thuý loã lồ. Chiếc quần lụa đang mặc biến đi đâu mất. Máu loang trên cặp đùi trắng hếu. Cô Lừ, cô Dính, cô Hào mặt tái xanh, tái xám bỏ chạy. Anh đốc công cuống quít đi gọi xe cấp cứu. Không chút ngần ngừ, ông Liễn tụt chiếc quần bảo hộ đang mặc của mình ra cho Thuý mặc vào rồi bế thốc cô ra xe chở đi bệnh viện.

   Đó là một tai nạn lao động hi hữu chưa từng thấy ở nhà máy. Chỉ do trong giây phút lơ là tán gẫu với các bạn bên máy cô Dính đang tiện răng một trục vít. Thanh răng máy tiện quay tít. Cô Thúy đến tháng mặc quần lụa đi làm. Mải mê hóng hớt. Chiếc quạt có công suất lớn treo trên tường đang quay vù vù. Gió thổi thốc tháo. Ống quần cô Thuý bị dắt vào thanh răng máy. Chiếc thanh răng có dầu như chất keo dính cứ thế vô tư quay quấn chặt ống quần cô Thuý mà kéo tụt xuống!

   Khi ông Liễn cùng mấy công nhân đưa Thuý đến bệnh viện. Bác sĩ khám xong hỏi: Có ai tình nguyện hiến máu không? Không có ai trả lời. Ông Liễn xắn tay áo lên: Tôi xin hiến máu. Rất may, ông Liễn là nhóm máu O.

   Tan ca, Tâm đi xe ôm đến bệnh viện. Mọi người đến thăm đứng đông nghịt ngoài hanh lang. Tâm nhìn qua khe cửa. Thuý nằm trên giường, bông băng trắng xoá. Thuý đang được truyền máu. Những giọt máu hồng của ông Liễn từng giọt, từng giọt chảy qua dây dẫn truyền vào cơ thể hoà cùng dòng máu của Thúy như dòng nhựa sống, khiến gương mặt Thuý dần hồng hào trở lại.

                                                                                                T.L

Theo Lao Động Online

 

 

 

-

 

 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Quảng cáo
congnhan12345
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 1
Trong ngày: 85
Trong tuần: 736
Lượt truy cập: 378075

VŨ NHO 085 589 0003

CHÚC MỪNG TS NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC VỚI TẬP THƠ ĐỘC ĐÁO, IN ĐẸP!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÁI PHỤC BÀ MÂY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Thuộc loại "chuyện bây giờ mới kể" đây! Cám ơn tác giả! Mượn lời bà SUỐI để nói về bà MÂY: "Bái phục bà MÂY" ! Haiza!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN VÀ BAN BIÊN TẬP ĐÃ ĐĂNG BÀI VIẾT NHÂN DỊP NHÀ THƠ NGUYỄN HUY HOÀNG RA MẮT TUYỂN THƠ VÀ TRUYỆN KÍ TẠI HỘI TRƯỜNG HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM!

 

Cầm Sơn - 0913269931

Cũng cần cảm thông với ông Troussier. Nếu nói về thành tích trong quá khứ, ông Park Hang Seo không thể sánh với ông Troussier được. -Trong sự nghiệp huấn luyện đồ sộ của mình, giai đoạn thành công nhấ...

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN! ÔNG HLV NGƯỜI PHÁP CHƯA BAO GIỜ THÀNH CÔNG "VANG DỘI"! CÓ ĐIỀU NÀY ĐÚNG: CHẢ NÊN TRÁCH ÔNG TA NHIỀU! TRÁCH LÀ VFF QUÁ TIN ÔNG TA, KẺ CAO NGẠO, BẤT TÀI! VẬY THÔI!

 
Xem toàn bộ
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0964 131 807
Email: soncam52@gmail.com
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công nhân.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông Chi hội Nhà văn Công nhân.