Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

ĐỒNG ĐỘI

Nguyễn Hiền Lương
 
ĐỒNG ĐỘI
 
 
Đã 10 giờ đêm, ngoài trời vẫn lất phất mưa bụi, Thành đang định dừng cuộc giao lưu văn nghệ giữa tốp xòe Thái bản Kim Nọi với đoàn khách du lịch cộng đồng người Pháp thì nghe thấy tiếng ai gọi to ở dưới sân:
- Ông bà chủ ơi! - Ông bà chủ ơi!
Thành vội từ trên sàn chạy xuống. Một người đàn ông vóc dáng to cao, áng chừng ngót nghé 70, mặc bộ đồ lính bạc thếch, ba lô bẹp dúm, tòng teng sau lưng, đầu trần, trông không có dáng vẻ gì là khách du lịch. Thành hơi chững lại, có vẻ quen quen nhưng không nhớ là ai. Kiểu này chắc là tìm nhà trọ đây. Đứng giữa lưng chừng cầu thang, Thành ngó xuống bảo:
- Bác hỏi gì ạ? Gia đình tôi làm du lịch cộng đồng, không nhận khách nghỉ trọ. Mà cũng kín phòng rồi ạ. Bác thông cảm, tìm nhà khác ạ.
Người khách lạ bối rối, nhìn lên Thành, giọng mệt mỏi:
- Vậy ạ. Tôi xin lỗi, không biết nhà mình chỉ nhận khách du lịch. Cũng là vì tôi cũng đã đi hỏi khắp thị trấn này rồi mà không kiếm nổi chỗ ngủ. Anh làm ơn, làm phúc cho tôi qua đêm ngoài hè này được không? Tôi có võng, mắc võng ngủ, không cần gường chiếu gì cả. Sớm mai tôi đi sớm, không  làm phiền...
Người khách chưa phân trần hết, bỗng Thành nhảy phắt qua hai bậc cầu thang cuối, nhào đến ôm chầm lấy ông, reo lên:
- Có phải đại đội trưởng Tích không ạ? Đúng rồi, đúng là đại trưởng Tích rồi!
Người đàn ông lạ vẫn đứng ngây, nhíu mày, trân trân nhìn Thành, các nếp nhăn trên trán ông xô lại. Hình như ông cố lục lọi trí nhớ xem người đang đứng trước mặt là ai? Lát sau, ông ấp úng:
- Có phải...có phải là Thành A 3..., Đại đội 4, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 876, Sư 356  Vị Xuyên không?
Vừa lúc vợ Thành cũng từ trên sàn đi xuống, nhìn thấy vợ, Thành rối rít:
- Mình ơi! Đây là Đại đội trưởng Tích, tôi đã kể với mình nhiều lần đấy. Cái lần tôi bị thương trên cao điểm nếu không có đại trưởng tìm thấy, cõng về thì làm gì có ngày hôm nay…
Nghe chồng bảo, người phụ nữ Thái, nền nã trong trang phục áo cỏm, váy ống, tóc tằng cẩu, vội bước đến trước mặt người đàn ông lạ. Chị quỳ xuống, vừa lạy, vừa nói:
- Dạ, em đã được nghe anh Thành kể. Nếu không có bác, chúng em làm gì có ngày hôm nay. Xin bác nhận cho em một lạy.
Ông Tích  vội cúi xuống, lúng túng nâng vợ Thành đứng dậy:
- Cô…cô  đứng lên... đứng lên đi. Ai lại làm thế. Đấy là tình đồng đội anh em chúng tôi thôi. Là người lính ai mà chả thế. Nhất là ngoài mặt trận. Mà … mà tôi giải ngũ rồi. Chú Thành cũng đừng gọi tôi là đại trưởng nữa, gọi là anh cho tự nhiên.
- Dạ, em gọi đại trưởng quen rồi, giờ khó thay lắm- Thành xoa hai tay nói với ông Tích, rồi quay sang bảo vợ-  Thôi, chuyện để sau. Còn nhiều thời gian. Giờ mình làm cái gì cho tôi với đại trưởng Tích uống rượu đi. Còn đại trưởng- Thành nắm tay ông Tích - Đi theo em vào phòng, tranh thủ tắm cho mát để lát nữa cơm rượu ạ.
Ông Tích vội xua tay:
- Tắm thì tớ nhận, vì cả ngày nay chưa tắm rửa gì, còn ăn uống thì thôi, tớ vừa làm bát mì tôm ở cái quán gần cây xăng kia kìa. No rồi.
Thành khoát tay, dứt khoát:
- Không! Bát mì tôm là gì. Hôm nay em với đại trưởng cứ phải là không say không ngủ.
Rồi, dù ông Tích có chối bằng cách nào thì cũng không thể làm Thành thay đổi ý định. Mâm cơm rượu dọn ra, Thành chỉ vào từng món bảo: "Đây là cá nướng, tiếng Thái là “pa pỉng tộp”. Nhà em làm cái biển "Trâm Pa pỉnh tộp" là vì, Trâm là tên vợ em, còn “pa pỉnh tộp” là món ăn vợ em làm nổi tiếng nhất Mù Cang Chải này đấy. Đại trưởng ăn thử xem. - Ông Tích vừa ăn xong miếng cá nướng, quả là có hương vị thật đặc biệt, thì Thành lại gắp vào bát ông món khác, rồi bảo-  Còn đây là thịt trâu hun khói đại trưởng ạ, tiếng Thái gọi là "nhứa giảng", nhấm rượu vào lắm. Nào mời đại trưởng hết chén ạ. Đại trưởng thử món thịt lợn băm gói là dong nướng than hồng gọi là "phặc phăm" này xem. Đại trưởng phải chấm nó với cái này, tiếng Thái gọi là "chẳm chéo", món chấm chỉ người Thái mới có ạ. Khách Tây khoái ẩm thực Thái lắm đại trưởng ạ. Họ còn thích được cùng chủ nhà chế biến các món ăn. Vợ em là gái Thái bản Kim Nọi chính hiệu, khéo tay, biết làm đủ các món Thái. Hôm nào, nhà em làm món rau xôi thập cẩm, ăn cùng xôi cốm thì đại trưởng mới thật tuyệt.
Giới thiệu món nào, Thành lại gắp món ấy vào bát ông Tích, viện đủ lý do để mời rượu. Nào chén này là mời thủ trưởng, chén này mời đồng đội, chén này mời anh, rồi mời ân nhân của em, ân nhân của vợ em, ân nhân của các con em... Mỗi lần uống, Thành lại cẩn trọng rót vào cái chén đặt trên mâm chút rượu, vừa rót, vừa bảo:
- Phong tục người Thái em, trong mâm rượu phải có cái chén nóng. Trước khi uống phải rót vào chén nóng chút rượu từ chén của mình mời linh hồn những người quá cố của gia đình và những linh hồn đi theo khách cùng chung hưởng. Nếu là khách quý còn khắp điệu "mơi lảu" tức là hát mời rượu nữa đại trưởng ạ.
Ông Tích vừa nghe, vửa gật đầu. Không biết có phải là do cơ duyên mà ông gặp được Thành hay không mà ít phút trước, đến nhà nghỉ nào trông bộ dạng ông họ cũng bảo hết chỗ. Ông lo lắng kiếm một chỗ nghỉ qua đêm, chứ đã kịp ăn uống gì đâu, ngoài cái bánh mì mua từ bến xe Yên Bái, mang theo ăn dọc đường. Liều mạng gọi vậy mà lại may mắn thế. Người ta vẫn bảo một miếng khi đói bằng cả gói khi no, đằng này lại được đãi như thượng khách thì còn gì bằng. Vợ Thành, dọn dẹp xong cũng ra cùng chồng tiếp rượu ông. Sự vồn vã, chân thành của vợ chồng Thành khiến ông Tích cứ rân rấn nước mắt. Ông tự tay rót đầy ba chén rượu rồi trịnh trọng:
- Cậu mời tớ nhiều rồi, giờ để tớ mời vợ chồng cậu một chén, mừng cho vợ chồng cậu, mừng cho cuộc hội ngộ tình cờ của anh em mình, cũng là để tớ cảm ơn vợ chồng cậu. Nào ta cùng rót vào chén nóng mời cả các đồng đội đã hy sinh nữa...
Thành hai tay nâng chén rượu, khẽ chạm với ông Tích, rót một chút vào chén nóng, rồi mới chậm rãi bảo:
- Hai cái lý do đầu thì em nhận, còn đại trưởng cảm ơn thì em không dám. - giọng Thành bỗng nghẹn ngào- Ơn cứu mạng của đại trưởng không bao giờ em trả hết, thì sao dám nhận lời cảm ơn. Hồi ấy, bác sỹ bảo em bị mất máu nhiều, chậm là không cứu nổi. Hôm nay anh em mình còn sống ngồi đây, lại thương bọn thằng Đằng, thằng Chô, thằng Định, thằng Bái, thằng Mạnh, thằng Khang, rồi anh Lục, anh Chinh, anh Pà quá. Tiểu đội em có 10 người chỉ mình em may được đại trưởng tìm thấy cõng xuống... Hôm được về tuyến sau điều trị, em cứ ân hận chưa gặp được đại trưởng để cảm ơn. Nay tình cờ thế này, em sướng không còn gì bằng. Mà em cũng chưa biết, hôm ấy đại trưởng tìm thấy em ở đâu? Em chỉ nhớ, chiếm lĩnh trận địa, chưa khoét xong cái hầm cá nhân thì pháo địch đã cấp tập nã xuống. Theo phản xạ tự nhiên, em bật người lăn xuống phía dưới. Lăn được mấy vòng thấy nhói lên một cái rồi không biết gì nữa...
Giọng ông Tích bỗng trầm hẳn xuống:xephangngang
- Đúng là tiểu đội 3 của cậu, 9 anh em hy sinh nhưng cũng không phải là mất xác hết nhưng...
Nói tới đấy, ông Tích bỗng như người mộng du. Hình ảnh những ngày Vị Xuyên 35 năm trước lại loang loáng hiện về. Ông cũng biết là cần phải khép lại quá khứ để hướng tới tương lai nhưng sao ông không thể nào xóa nổi hình ảnh những người lính của ông ngã xuống vào sáng ngày 12 tháng Bảy ấy. Buổi sáng ngày 11, ông nhận lệnh của Tiểu đoàn trưởng, trực tiếp chỉ huy một trung đội lên chốt trên cao điểm 772. 18 giờ 30, ông cho bộ đội di chuyển từ cao điểm 468 tụt xuống Khe Cụt, dưới chân 772. Được trinh sát báo các tuyến đường lên cao điểm 772 đều bị địch khống chế, thấy động là vãi đạn như mưa ngay, chỉ còn cách vượt bãi đá tai mèo dựng đứng mới lên cao điểm được. Kiểm tra lại quân số, quân trang, vũ khí xong ông cho bộ đội ngược dốc đá lên 772. Mưa nặng hạt dần, trời lại tối đen như mực, bộ đội phải quờ tay tìm vách đá bám vào đu người lên. Tới cao điểm, xem đồng hồ, đúng 2 giờ 30 phút, ông phân công vị trí ém quân từng tiểu đội và lệnh mỗi người khẩn trương đào xong một cái hầm cá nhân trước khi trời sáng. 4h sáng trời vẫn tối như bưng, sương mù và mưa vẫn dày đặc. Tĩnh lặng lạ thường. Chỉ nghe thấy tiếng gió hú như tiếng vượn rú dài. Các chiến sỹ vẫn đang lúi húi khoét hầm cá nhân. Bỗng một ánh chớp bất thần lóe lên, rồi hàng trăm ánh chớp như đuổi nhau xé nát màn đêm, cùng hàng tràng tiếng nổ liên thanh như sầm rền. Bầu trời rực sáng. Ngồi trong hườm đá, ông Tích nghe rõ những tiếng la thét thất thanh, những tiếng gọi đứt đoạn nửa chừng của những người lính, thấy rõ đất, đá và cả những thân người bị hất tung lên cao rồi lả tả quật xuống. Cứ tung lên rồi quật xuống như thế không biết bao nhiêu lần. Cho đến bây giờ ông Tích vẫn không hiểu phép màu lạ nào đã giúp ông sống sót qua trận pháo địch bắn theo tọa độ ấy. Ngớt tiếng pháo, ông vùng ngay dậy, kinh hoàng thấy bốn bề đất đá bị cày xới ngổn ngang, phủ trắng bụi đá. Các mỏm đá nhọn cũng đều bị cắt cụt... Ông run run cất tiếng: "Đồng đội ơi! Các em ơi!". Không một tiếng đáp lại. Tiếng kêu rên cũng không có. Ông chạy đi, chạy lại trên mỏm đồi như điên dại, rồi thất thần lấy tay cạy đá, bới đất tìm xác đồng đội. Không thấy một ai. Sau một trận pháo địch mà mấy chục con người biến mất không để lại một dấu vết nào ư?  Bỗng thấy có một bàn chân thò ra trong đống đá vụn. Ông vội cào, bới đến bật cả móng tay. Thân hình người chiến sỹ lộ dần. Một, rồi cả hai cánh tay bị cắt văng đi đâu mất. Ai thế này? Ông cào vội lên phía trên, bàn tay ông bỗng như bị điện giật khi lộ ra khuôn mặt người chiến sỹ. Cả khuôn mặt bị dập nát, biến dạng. Nén nước mắt, ông xốc thi hài người lính lên vai, bò xuống núi. Được một đoạn ông lại thấy một chiến sỹ nằm úp mặt trong cái hõm đá, máu chảy đẫm chiếc áo lính. Lật người chiến sỹ lên kiểm tra. Một vết thủng lớn ở mạng sườn, máu vẫn ri rỉ chảy. Áp tai vào ngực thấy còn tiếng tim đập. Ông cởi phăng áo mình băng vết thương cho người lính bị thương. Sơ cứu xong, ông đặt lại thi hài người lính hy sinh cho ngay ngắn, rồi xốc người lính thương lên vai. Đường đá tai mèo lởm chởm, trơn, dốc, xuống còn khó hơn lên, lại cõng theo người bị thương mềm nhũn, càng khó. Khó mấy cũng phải chạy đua với thời gian, nhanh phút nào, quý phút ấy. Ông quên cả bàn chân mình cũng đang bật máu. May quá, đến hang Suối Cụt thì gặp đội tải thương đang đi lên. Bàn giao thương binh và chỉ chỗ thi hài người lính hy sinh xong, ông chạy vội lên báo cáo tiểu đoàn, rồi đưa quân mới lên giữ chốt ngay. Người lính bị thương được ông đưa xuống, cũng là người duy nhất của tiểu đội 3 sống sót chính là Thành.
- Vậy còn cái thi hài đại trưởng tìm thấy là ai ạ?
Câu hỏi của Thành khiến ông Tích sực tỉnh, nhưng vẫn chưa hết bàng hoàng, giọng ông nghẹn lại:
- Còn... còn thi hài nhưng đau lòng lắm, tớ không thể nhận được là ai. Khi tớ đưa quân mới lên chốt thì thi hài cũng được đội tải thương mang đi rồi.
Cả hai im lặng hồi lâu, mãi rồi ông Tích mới lên tiếng:
- Còn cậu thế nào, sau đận ấy?
- Dạ, cấp cứu xong – Giọng Thành bỗng nghẹn ngào- May mà có đại trưởng đưa xuống. Bác sỹ bảo, chỉ chậm chút nữa là em mất hết máu. Rồi em được chuyển về điều trị ở Viện 9. Mất 45% sức khỏe, thương binh loại 3 ạ. Đầu 85, em được ra quân. Về nhà không làm được việc nặng, công việc ruộng vườn toàn nhà em đảm đương nên cũng chật vật lắm. Mấy năm vừa rồi, ruộng bậc thang Mù Cang Chải được công nhận là danh thắng đặc biệt cấp quốc gia, khách du lịch khám phá ruộng bậc thang đông hẳn lên. Huyện khuyến khích các hộ gia đình làm du lịch homestay. Được hỗ trợ vốn, em mạnh dạn đăng ký làm một homestay. Làm được 5 năm rồi đại trưởng ạ. Nhờ làm du lịch mà có kinh tế đấy. Thằng con cả em học tiếng Anh ở Hà Nội, con bé thứ hai học du lịch ngoài Yên Bái, giờ đều về làm hướng dẫn viên cho bố. Nhà em thì phụ trách mảng ăn uống. Năm ngoái em mới làm thêm được cái nhà sàn này dành riêng cho khách homestay, tầng một có 5 phòng đôi, sàn trên ngủ kiểu cộng đồng cũng được ba chục người, em đang định làm thêm cái nhà ăn riêng.
- Sao lại gọi là homestay? - ông Tích ngắt lời Thành-  Bãn nãy tớ đọc cứ ngỡ nó là nhà trọ nên mới gọi...
Thành vừa cười, vừa nói:
- À, đấy là tiếng Anh đại trưởng ạ, nghĩa là khách du lịch sẽ ăn nghỉ tại nhà dân để khám phá, trải nghiệm và tìm hiểu phong tục tập quán, đời sống văn hóa địa phương. Tuy không sang trọng, đầy đủ tiện nghi như ở khách sạn nhưng khách lại được trải nghiệm các hoạt động sản xuất, làm các nghề truyền thống, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ và ẩm thực của người dân. Khách nước ngoài thích du lịch kiểu này lắm, rất khoái được cùng dân đi hái táo Mèo, thảo quả, gặt lúa, se lanh, dệt vải, nhất là nấu các món ăn dân tộc. Em có hỏi một ông khách du lịch người Hà Lan, tại sao lại thích đi du lịch Mù Cang Chải, ông ấy bảo: “Nếu chỉ sống một cuộc đời, ở một nơi chốn với những công việc quen thuộc nhiều khi thấy rất nhàm chán. Mà thế giới này, ông biết đấy, muôn màu, muôn vẻ và rất nhiều điều thú vị. Thật tiếc, nếu đến một ngày, tôi chia tay thế giới này mà chưa được trải nghiệm cuộc sống, cảm xúc của những người khác. Tôi chọn du lịch homestay Mù Cang Chải là vì được khám phá danh thắng ruộng bậc thang, thổi khèn Mông, múa xòe Thái, ăn các món ăn Thái do bà nhà nấu. Rất tuyệt. Ở Hà Lan, tôi không thể có". Việt Nam mình, nhiều nơi làm du lịch homestay, đại trưởng ạ. Ngoài Nghĩa Lộ cũng làm từ lâu. Mù Cang Chải thì mới làm mấy năm nay thôi. Bản Thái Kim Nọi em có 65 hộ người làm homestay rồi đấy, lúc cao điểm đón được 2.000 khách mỗi ngày. Vui lắm, cả bản lúc nào rộn ràng tiếng Việt, tiếng Thái, tiếng Tây xì xồ.
Đêm ấy ông Tích không biết đã uống bao nhiêu rượu, trò chuyện đến lúc nào. Sáng sau, gần 9h mới tỉnh. Ông dậy, rửa mặt xong, đã thấy trên bàn ăn bày đĩa lòng lợn, đang bốc khỏi. Thành hỉ hả:
- Em thấy đại trưởng ngủ ngon, không dám thức dậy. Sáng nay mình làm món khoái khẩu này để nhớ những ngày ở Vị Xuyên. Hồi ấy hôm nào đơn vị mổ lợn là vui như tết, khoái nhất là món lòng lợn, ăn đến đâu thấy ấm đến đấy…
- Cậu bày vẽ quá- ông Tích tỏ vẻ ngần ngại- Tớ chỉ cần bát mì tôm là được.
- Đại trưởng khoái mì tôm sẽ có mì tôm, còn bây giờ cái này đã. Đại trưởng làm miếng lòng này đi, lợn sạch nhà nuôi đấy. Đại trưởng biết không, gặp thủ trưởng cũ, sống chết có nhau, lại là ân nhân của mình, nó sướng đến thế nào không? Giờ hết đánh nhau rồi, không nên hoãn sự sung sướng có phải không đại trưởng.
Rượu vào lời ra, Thành cạn chén rượu đầy rồi hỏi:
- Hôm qua vui quá, em chưa kịp hỏi thăm, dạo này tình hình nhà đại trưởng thế nào? Đại trưởng về hưu có làm thêm gì không ạ?
Ông Tích bỗng ấp úng:
- Quê tớ đất chật người đông, làm ăn cũng khó. Nhì nhằng qua ngày thôi. Mà ăn sáng xong tớ xin phép vợ chồng cậu nhé. Cho tớ ăn nghỉ từ qua tới giờ thế này là quá tốt rồi.
Thành bỗng giật mình, hỏi:
- Đại trưởng định đi đâu? Mới từ tối qua đến giờ. Ở chơi với chúng em mấy ngày nữa đã.
Ông Tích cúi đầu, ngập ngừng:
- Chơi thế đủ rồi. Tớ có ...việc gấp... không ở được.
- Nhưng đại trưởng đi đâu? Em sẽ đưa đi, có xe ô tô mới sắm, không để đại trưởng khoác ba lô đi đâu. - Thành năn nỉ.
- Tớ, tớ có việc nhưng ...nhưng...nhưng mà...- ông Tích ấp úng.
- Nhưng mà sao? Chả lẽ đồng đội, sống chết bên nhau mà đại trưởng không tin em. - Giọng Thành có vẻ dỗi.
Đến nước này thì ông Tích đành phải kể mọi chuyện xảy ra với gia đình ông. Đang yên ổn làm ăn thì thằng con trai trên tỉnh, thấy đất đai nhảy giá, liền vay tiền tín dụng đen, mua đất kinh doanh. Vừa lúc hết cơn sốt, đất không bán được, giá hạ từng ngày, lãi xuất tiền vay thì tăng vùn vụt.  Quá hạn trả lãi, chủ nợ cho bọn đầu gấu đến trấn áp. Thương con, thương cháu ông đành bán hết cơ ngơi trả nợ cho con. Sổ lương cũng cho để vợ chồng nó nuôi con. Nghe mọi người đồn trên Mù Cang Chải, Yên Bái đang phát triển du lịch, kiếm việc dễ. Vậy là sắp xếp để vợ về ở với con gái xong, ông khoác ba lô lên đường ngay. Cũng không biết là Thành ở đây...
Chăm chú nghe ông Tích dãi bày xong, Thành kẽ bảo:
- Thôi! Còn người còn của. Đại trưởng đừng nghĩ ngợi nhiều quá, của mất không lấy lại được mà lại ảnh hưởng tới sức khỏe. Em đề nghị thế này - Thành nhìn thẳng vào ông Tích, nói rành rọt từng lời - Cơ duyên cho em và đại trưởng gặp nhau ở nhà em. Giờ em là người thân thích duy nhất của đại trưởng ở đây, nên đại trưởng phải nghe em. Đại trưởng phải ở lại nhà em, công việc rồi em sẽ tính.
Những lời nói, cử chỉ thân tình của Thành làm ông Tính xúc động, đôi mắt lại rơm rớm nước, giọng cũng nghẹn hẳn lại:
- Thôi thì thế này, nếu nhà cậu có việc gì cho tớ làm thì tớ ở, nếu không thì tìm cho tớ việc gì cũng được, kể cả làm thuê theo ngày, bằng không để tớ tự đi kiếm việc.
Thành thoáng chau mày nghĩ, rồi nói ngay, đầy dứt khoát;  
- Thì thế này. Em có cái trại chăn nuôi lợn, gà, vịt trong thung kia, gần nhà thôi, chủ yếu phục vụ cho khách du lịch của nhà. Em sức khỏe hạn chế, lại không có nhiều thời gian. Đã thuê một người làm rồi. Giờ đại trưởng, coi như giúp em vào trông coi. Nhưng em cũng nói ngay, đại trưởng phải nhận cho em mỗi tháng 5 triệu em mới dám nhờ.
Ông Tích vui vẻ ra mặt, nắm chặt tay Thành:
- Được vậy thì tốt quá. Tớ tuy có tuổi nhưng vẫn còn khỏe chán. Hứa với cậu, tớ sẽ làm tốt những việc cậu giao, coi việc của cậu như việc của tớ, nhưng tớ cũng nói trước, tớ chỉ nhận nửa mức lương cậu bảo. Đồng ý thì tớ làm, dẫn tớ vào trại luôn, không đồng ý thì tớ đi.
Biết đại trưởng Tích là người khái tính, giờ cứ ép ông nhận 5 triệu lương tháng, cầm chắc là ông không chịu, thôi cứ giữ lại rồi tím cách đưa sau, Thành nghĩ vậy rồi rót đầy hai chén rượu, bảo:
- Em xin nhất trí với ý đại trưởng. Nhưng để chiều em đưa đại trưởng vào. Cũng phải thêm một điều kiện nữa: Ngày đại trưởng vào trại, hai bữa về nhà ăn cơm, tối ngủ nhà.
- Cậu quên tớ là lính rồi à. Lính thì phải bám trận địa chứ, nhưng thôi, trước mắt là thế, còn sau tính tiếp. Nào cùng cạch chén, coi như kí kết hợp đồng.
Quả là từ khi có ông Tích, trại chăn nuôi của Thành lúc nào cũng tinh tươm, gọn ghẽ, chuồng lợn, gà, vịt sạch sẽ. Ông Tích còn bàn với Thành, tận dụng lạch nước chảy qua khu chuồng trại, đào đất đắp thành cái đập ngăn nước làm cái ao thả cá. Xung quanh san phẳng thành vườn trồng rau sạch. Đúng theo công thức: "Vườn- Ao- Chuồng" thể nào cũng thành công. Ông đã vẽ sơ đồ, lập phương án, lên dự trù chi tiết, chỉ cần Thành gật đầu là xong. Vậy là cái ao cá với vườn rau xanh sau nửa tháng đã hoàn thành. Trông đã thấy sướng. Thành làm bữa cơm gọi là khánh thành công trình "Vườn- Ao- Chuồng" của ông Tích. Cạn chén với vợ chồng Thành xong, ông Tích bảo:
- Thực tình, anh cảm ơn hai em lắm, không có hai em không biết anh xoay sở thế nào. Anh coi hai em như người ruột thịt nên đề nghị thế này, đồng ý thì anh mới nói.
Thành nói ngay:
- Dạ, việc gì đại trưởng nói, em cũng đồng ý hết, trừ việc đại trưởng bảo không ở đây nữa.
Ông Tích khẽ cười thân thiện:
- Cứ bình tĩnh nghe anh nói. Anh không đi đâu cả. Mới thi công xong, còn phải cho công trình đi vào hoạt động chứ. Bỏ đi sao được. Là thế này, thôi, nể hai em, anh về nhà ăn cơm, với ngủ ở nhà mấy tháng rồi. Thấy cũng cách rách quá. Giờ các em cho anh nấu ăn, rồi ngủ luôn ở trại để trông coi cho tiện. Anh chỉ cần hơn chục cân gạo một tháng với mắm muối, còn rau đã có ở vườn. Thỉnh thoảng có việc lại lên ăn cơm cùng cả nhà mình.
Thấy vợ đưa mắt nhìn mình, Thành liền nháy mắt, khẽ gật đầu với vợ, ý bảo tính ông già vậy, có gàn cũng không được đâu, rồi tính dần thôi.
Tuy để ông Tích nấu ăn ở trại nhưng Thành thường xuyên mang đồ ăn xuống cho ông. Có bữa, Thành còn xuống cùng ông uống rượu và ngủ lại với ông. Một tối, Thành xuống trại, bảo ông mai nhà có giỗ, mời ông lên sớm. Ông Tích hỏi giỗ ai, Thành bảo, mai đại trưởng lên khắc biết. Sớm sau, ông Tích, mặc quần phục tuy đã bạc nhưng rất chỉnh tề, lên nhà, thấy có hơn chục người, đều mặc quân phục đang chụm đầu bàn bạc điều gì. Thấy ông đến tất cả đứng dậy chào. Ông lần lượt bắt tay từng người. Thành chỉ vào ông nói:
- Giới thiệu với anh em đây là đại đội trưởng Tích của tôi ngày ở Vị Xuyên, cũng là người đã cứu sống tôi. Cũng xin giới thiệu với đại trưởng, anh em đây ở Mù Cang Chải cả, đều là lính mặt trận Vị Xuyên, nhưng ở các tiểu đoàn, trung đoàn khác nên đại trưởng không biết. Hôm nay 12 tháng 7, em tập hợp anh em làm mâm cơm giỗ đồng đội hy sinh ở mặt trận Vị Xuyên. Mời đại trưởng làm chủ lễ, có lời với vong linh đồng đội...
Bất ngờ, khiến ông Tích xúc động không nói thành lời. Mọi người phân nhau công việc làm cỗ cúng. Gần trưa thì hoàn tất. Mâm cúng được bày trên một cái bàn lớn đặt giữa sân, hướng về phía Bắc. Đứng bên mâm cúng ông Tích khẽ hô: "Tiểu đội! Một hàng ngang tập hợp". Các cựu chiến binh nhanh chóng thực hiện khẩu lệnh. Ông Tích bước lên, nhìn hàng quân hô: "Chỉnh đốn quân phục". Ai nấy đều sửa lại áo quần ngay ngắn. Nhìn lại hàng quân một lượt, ông hô tiếp "Chỉnh đốn trang phục xong", rồi quay theo hướng mâm cúng, đứng nghiêm hô: "Chào!". Tiếng "Chào" của người cựu chiến binh già không còn đanh chắc như thời trai trẻ. Nó như một tiếng nấc nghẹn, bởi bao xót thương dồn nén trong lòng đang cuộn lên. Tất cả đồng loạt run run đưa tay lên trán. Không gian như lắng lại, nghe rõ thấy tiếng gió thổi vi vu. Lặng yên hồi lâu, rồi ông Tích khẽ bước ra giữa hàng quân, hai tay chắp ngực, đầu hơi cúi, lầm rầm khấn. Ông đọc tên từng liệt sỹ của đại đội 4, rồi gọi tất cả các hương linh liệt sỹ mặt trận Vị Xuyên cùng về hiến hưởng tấm lòng của anh em đồng đội, phù hộ cho mọi người được mạnh khỏe, an lành, phù hộ cho đất nước bình yên. Mọi người cùng chắp tay vái theo ông, cùng ngước mắt nhìn theo những ngọn khói hương cuộn lại thành vòng tròn lơ lửng rồi tan biến trong thinh không...
Thụ lễ cơm cúng xong, Thành đứng lên trịnh trọng:
- Thưa đại trưởng Tích, thưa toàn thể anh em! Hôm nay là ngày giỗ đồng đội, cũng là buổi ta thành lập Ban liên lạc Cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên tại Mù Cang Chải. Mời đại đội trưởng Hoàng Văn Tích làm Trưởng ban, tôi, Lò Văn Thành xin nhận làm phó ban. Giờ xin tất cả chúng ta biểu quyết ba việc lớn: Việc thứ nhất, từ nay, hàng năm chúng ta tổ chức giỗ đồng đội vào đúng ngày 12 tháng 7, địa điểm làm giỗ luân phiên ở từng nhà anh em. Mọi người tùy khả năng cùng góp giỗ, không phân biệt nhiều ít. Ngày giỗ đồng đội cũng là ngày họp Ban liên lạc. Việc thứ hai, cũng từ nay trở đi, anh em nào có khó khăn thì cả nhóm cùng chia sẻ, giúp đỡ nhau. Việc thứ ba, ngay trong tháng này, đồng chí Trưởng ban Hoàng Văn Tích phải dẫn đồng chí phó ban Lò Văn Thành về quê đón bác gái lên Mù Cang Chải chơi. Nếu bác gái đồng ý, Ban liên lạc sẽ giúp hai bác một trang trại, vừa trồng cây, vừa chăn nuôi. Đầu ra của sản phẩm đồng chí Thành phải lo. Bây giờ xin biểu quyết. Tôi lưu ý, khi biểu quyết, thiểu số phải phục tùng đa số. Nào xin mọi người giơ tay.
Thành reo lên:
- 100% nhất trí rồi. Hoan hô đại trưởng Tích! Hoan hô anh em! Đúng là hương linh các liệt sỹ Vị Xuyên thiêng thật, đã dun dủi cho anh em đồng đội mình gặp nhau, đồng tâm, đồng lòng, gắn bó, no đói có nhau, chia sẻ cùng nhau mọi nỗi vui, buồn.
 
                                                              Yên Bái/ Tháng 7/ 2020
                                                                        N.H.L
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Quảng cáo
congnhan12345
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 7
Trong ngày: 131
Trong tuần: 503
Lượt truy cập: 381646

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ GIỚI THIỆU!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH, NHÀ VĂN CẦM SƠN! RẤT NHIỀU BỨC ẢNH CỦA NGÀY HÔM ĐÓ ĐÃ CÙNG VỚI BÀI NÓI CỦA TÔI LÀM NÊN KHÔNG KHÍ TƯƠI VUI, HÀO HỨNG CỦA BUỔI RA MẮT SÁCH! CHÚC MỪNG NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CHÚC MỪNG TS NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC VỚI TẬP THƠ ĐỘC ĐÁO, IN ĐẸP!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÁI PHỤC BÀ MÂY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Thuộc loại "chuyện bây giờ mới kể" đây! Cám ơn tác giả! Mượn lời bà SUỐI để nói về bà MÂY: "Bái phục bà MÂY" ! Haiza!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN VÀ BAN BIÊN TẬP ĐÃ ĐĂNG BÀI VIẾT NHÂN DỊP NHÀ THƠ NGUYỄN HUY HOÀNG RA MẮT TUYỂN THƠ VÀ TRUYỆN KÍ TẠI HỘI TRƯỜNG HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM!

 
Xem toàn bộ
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0964 131 807
Email: soncam52@gmail.com
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công nhân.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông Chi hội Nhà văn Công nhân.