Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

ĐOẢN KHÚC CHIỀU

Mai Thanh

NGHỆ THUÂT TRONG
“ĐOẢN KHÚC CHIỀU”
CỦA THANG NGỌC PHO

   Tôi đã viết và nói gần chục bài về thơ Thang Ngọc Pho.
    Với “Đoản khúc chiều”, nhà thơ Trần Quang Quý đã viết lời giới thiệu rất trúng, rất đúng và rất sâu sắc, chủ yếu về nội dung - ý tưởng của tập thơ.
     Trong bài nói này, tôi nêu đôi điều về nghệ thuật thể hiện của tập thơ “Đoản khúc chiều”.
     Ở vài ba chỗ, bài nói có thể đề cập rộng hơn vượt ra ngoài tập thơ mà ta đang bàn đến.

  1. Trước hết , xin nói về nghệ thuật khai thác ý tưởng trong thơ.
    - Đó là, tác giả khai thác cái mới trong thơ, cảm những gì mà các nhà thơ khác chưa cảm được. Trong tập thơ “Sao ái tình”, qua bài thơ “Diệt khẩu”, nhà thơ đòi minh oan cho Đỗ Thích, bởi lịch sử cho rằng, ông này giết cha con vua Đinh. Vậy là, bài thơ nói khác điều mà lịch sử đã nói. Đúng hay sai lại là chuyện khác, nhưng rõ ràng đây là bài thơ cảm về điều mà nhiều người chưa cảm được. Ở “Gõ cửa thiên đình”, nhà thơ nói khác mọi người về mục đích đi chợ Viềng. Trong khi mọi người đi chợ Viềng tìm mua những gì để lấy may, thì nhà thơ Thang Ngọc Pho:
    Tôi tìm mua một cây si
    Mang về trồng giữa lối đi nhà nàng
    Trong “Khúc đoản chiều”, bài thơ “Gửi người khiếm nhũ” là bài thơ rất có ý nghĩa thuộc vấn đề ta đang bàn:
    Đừng mặc cảm bởi chiều cao bộ ngực
    Khi nội hàm hồi hổi trái tim yêu
    Và cũng đừng uốn cong đường trung thực
    Sự chân thành quý giá biết bao nhiêu
    (Gửi người khiếm nhũ)
    Khi mà dưới con mắt người đời, nhất là giới mày râu, coi “đôi gò bồng đảo” đẫy đà phồn thực như là báu vật quý giá, thì bài thơ trên đủ thấy lối cảm khác biệt của thi nhân!
    -Đó còn là sự tìm kiếm sự táo bạo, mãnh liệt cho ý tưởng - nội dung trong thơ tình, đưa tình yêu mang ý nghĩa tầm cao thiên nhiên - vũ trụ.
    Nhiều lần tôi viết và nói rằng, “thơ tình Thang Ngọc Pho mang tầm bao la vũ trụ”. Xin trích đọc vài bài thơ của anh chứa đựng ý tưởng này:
    Em bảo tim em đã nguội rồi
    Anh quyết bắc thang lên tận trời
    Gõ cửa Thiên Đình xin tý lửa
    Thắp cháy tim em anh mới thôi
    (Gõ cửa Thiên Đình)
    Hoặc:
    Ta đưa nhau bay lên cung trăng
    Ta che ô đi xem sao băng
    Ta thuê xe đi chơi sông Ngân
    Ta theo sao bay trong tinh vân
    Ta thiên di nơi đây muôn năm
    (Lang thang trên cung trăng)
    Còn ở “Đoản khúc chiều” thì sao?
    Mai ngày du lịch lên trăng
    Tôi mua đôi vé mời Hằng cùng đi
    Mang theo một cặp hoạ mi
    Để nghe chim hót mỗi khi nhớ nhà
    (Lên trăng)
    Hoặc:
    Hẹn em ở chốn đảo hoang
    Biển mênh mông biển trời, mênh mang trời
    Tình yêu mỏi cánh lội bơi
    Ta làm cá biển chim trời thênh thang
    (Đảo hoang)
    Rồi nữa, nhiều lắm như “Trăng xanh”, “Ngôi nhà trình yêu”,”Thiên thai”, Khuyến mại”...
    Thế mới biết, tại sao Thang Ngọc Pho tự nhận mình và được bạn đọc đông đảo thừa nhận là “Sao Ái tình”:
    Bẩm sinh tôi đã lệch pha
    Chỉ yêu không ghét biết là làm sao
    Đất thì thấp trời thì cao
    Mình tôi lơ lửng làm Sao Ái Tình!
    Đúng như thi sĩ Trần Quang Quý đánh giá về thơ tình Thang Ngọc Pho: “Tâm hồn ông vẫn tươi tắn, trẻ trung lắm, tình ông vẫn sóng sánh như sóng hồ trăng rào lên không dứt, không thôi dù tuổi đã ngoại bát thập niên, thật hiếm có trong giới thi nhân...”

    2 Về yếu tố văn hoá đậm đà trong thơ Thang Ngọc Pho.
Trong bài nói tại Hội thảo “Thang Ngọc Pho: Cuộc đời và sáng tạo thi ca” vào năm 2012, tôi có nói, đại ý: “Là nhà giáo-nhà nghiên cứu văn học, Thang Ngọc Pho làm thơ đậm đà yếu tố văn hoá. Là nhà thơ, thơ anh sinh động hoá và thực tiễn hoá tri thức văn hoá trong anh”. Vậy, chất văn hoá thể hiện trong thơ “Đoản khúc chiều” như thế nào?
Trước hết, đó là thơ Thang Ngọc Pho thắm đẫm chất ca dao - dân ca như nhà thơ Trần Quang Quý đã nói trong bài giới thiệu “Đoản khúc chiều”. Ta thấy, có nhiều tập thơ của anh tràn đầy yếu tố văn hoá, ví dụ, các chân dung lịch sử như Lý Công Uẩn, Chu Văn An..., các nhân vật văn học như Thị Màu, Thị Nở..., các sự tích dân gian như chuyện con Thạch Sùng, chuyện con Sam... Ở “Khúc đoản chiều”, ta gặp Chiêu Quân, Tây Thi,Tô Thị, Thạch Sanh, Chợ tình Khau Vai, Bill Ghết... Vấn đề không chỉ là cảm về các chân dung đó, mà còn là thái độ văn hoá của nhà thơ đối với các chân dung đó. Các văn nhân-thi sĩ thế giới trở thành vĩ nhân, họ hầu hết là các nhà văn hoá theo nghĩa rộng của từ này. Nói vậy, tôi không hề có ý so sánh, mà chỉ nhằm nhấn mạnh vai trò của yếu tố văn hoá, cũng là để chia sẻ điều này với nhà thơ Thang Ngọc Pho.
Đến đây, tôi nhớ lại lời của một nhà thơ và nhà nghiên cứu - phê bình có tiếng nói rằng: “Một nhà thơ có khả năng thiên bẩm là rất quan trọng, nhưng khả năng ấy rồi sẽ cùn mòn, nếu không được được bổ sung và thay thế bằng hiểu biết văn hoá”.

screenshot_694

    3.Về thơ ngắn bốn dòng trong “Đoản khúc chiều”.
Về trường độ của một bài thơ, thì có bài dài, bài ngắn. Dù có độ dài - ngắn ra sao, mỗi bài thơ đều có ý tưởng - nội dung nhất định và câu chữ trong bài thơ là phương tiện chuyển tải ý tưởng - nội dung đó. Cảm xúc về cảnh đẹp Hồ Tây đã có đến mấy trăm bài thơ dài - ngắn khác nhau, có bài dài hàng chục câu. Tố Hữu với bài thơ ngắn bốn câu “Trăng Cổ Ngư”:
Đêm qua trăng sáng cổ Ngư
Trăng đầy mặt nước, trăng như mặt người
Trăng tươi mặt ngọc trên trời
Ngẩn ngơ trăng ngó mặt người như trăng.
Bài thơ nói lên cái đẹp với trăng Hồ Tây và gắn vào đó là cái đẹp của con người vào những năm 60 của thế kỷ trước. Trong khi đó, bài thơ “Phong cảnh Tây Hồ” của Nguyễn Huy Lượng (một nhà thơ cổ điển) dài 8 câu với cách viết cầu kỳ– đọc xuôi đọc ngược đều có nghĩa - cũng nói về cái đẹp Tây Hồ - với câu kết: “Tây Hồ giá ấy dễ đâu soi”.
Không phải là so sánh, song, thiết nghĩ bài thơ ngắn của Tố Hữu hẳn không thua gì bài thơ dài của Nguyễn Huy Lượng xét về phương diện hiệu quả của trường độ một bài thơ.
Yêu cấu của thơ là lời ít - ý nhiều, vậy nên, thơ ngắn dẫu khó viết, nhưng lại có ưu thế là đáp ứng được yêu cầu đó của thơ. Bản thân một bài thơ ngắn đã chứa đựng yêu cầu quan trọng của thơ và cũng đáp ứng kỳ vọng của người viết và người đọc về mặt đó!
Thông thường, trong một bài thơ bốn dòng của “Đoản khúc chiều” được chia thành các đoản ý và với kiết cấu khác nhau:
-Lối kết cấu “mở-kết”: hai câu trên mở, hai câu dưới kết. Mở mang ý nghĩa thông báo, gợi ý; kết mang ý nghĩa đánh giá, gắn với thái độ thi nhân. Giống như bài thơ của Tố Hữu đã nêu trên kia: Hai câu trên thông báo về trăng trên Cổ Ngư, hai câu dưới nói con người đẹp như trăng vậy.
Lối này trong “Đoản khúc chiều” được thể hiện ở:
Lạc rừng:
Chúng mình đi phượt Tiên Sa
Suối reo róc rách chim ca vang lừng
Ước gì hai đứa lạc rừng
Biến thành đôi sóc để đừng lạc nhau
Hoặc:
Hẹn em ở bến đò Chèm
Bước chân lỡ nhịp đò em xa bờ
Suốt chiều mây trắng vẩn vơ
Trời đền cho một bài thơ “Lỡ tình”
(Lỡ tình)
- Có lối kết cấu tiếp nối, đó là là hai câu thơ sau tiếp tục mạch ý tưởng của hai câu trước:
Khi thì ta ôm em
Khi thì em ôm ta
Vòng tay càng khép chặt
Tình yêu càng thăng hoa
(Vòng tay)
Hoặc:
Hôm nay uống rượu với nàng
Ta say tuý luý miên man vật vờ
Ta say say đến bây giờ
Vẫn say chếnh choáng bất ngờ Cõi tTên
(Cõi tiên)
-Nghịch ý cũng là một cách kết cấu trong thơ “Đoản khúc chiều
+Đó là cặp câu sau câu sau nghịch ý với cặp câu trước:
Anh yêu em bạo liệt như cơn bão tố
Anh yêu em khôn cùng như nước sông Thương
Em không yêu, anh hoá thằng đần giữa phố
Em không yêu, anh thành thằng ngố giữa phường
(Yêu em)
Hoặc:
Con đường hai nửa Đông Tây
Nửa hưng hửng đất nửa lây phây trời
Em đi ngược anh về xuôi
Chúng mình hai nửa, hai nơi, hai chiều

+Mỗi cặp câu đối ý nhau:

Người ta tắm biển Hạ Long
Còn tôi đi tắm ở trong ao làng
Người ta tắm biển Nha Trang
Còn tôi tắm ở ao làng cùng em
(Tắm)
Và nữa
Chả ham chè Thái, gái Tuyên
Chiều chiều độc bộ công viên Linh Đàm
Chẳng mơ lộng tía tàn vàng
Ngồi trên ghế đá mơ màng về em
(Độc bộ)

    4.Ngôn từ và vần điệu trong “Đoản khúc chiều”.
Là nhà giáo dạy ngữ văn và và là nhà nghiên cứu văn học có “phông” văn hoá dầy dặn, đồng nghĩa nhà thơ Thang Ngọc Pho sở hữu kho tàng ngôn ngữ phong phú nhiều nguồn ngôn ngữ khác nhau – tiếng Việt phổ thông, tiếng Việt cổ, phương ngữ, kể cả ngôn từ Hán -Việt. Thành tựu đó giúp nhà thơ thể hiện tốt sự nghiệp sáng tạo thi ca của mình. Nhà thơ không dùng chữ “yêu em” mà dùng chữ “phải lòng” - Hình như tôi đã phải lòng/Đêm ngày chín nhớ mười mong một người” (Phải lòng).Thay vì nói đàn bà ngực lép, anh dùng từ Hán - Việt “Khiếm nhũ”. Thay vì nói “đi bộ”, anh dùng từ “thả bộ”, “độc bộ”. Thay vì nói “con chó”, anh gọi “con cún”.Thay vì từ tán gái, nhà thơ dùng từ “thả thính” rất hiện đại và từ “ỉn xao” là tiếng Thái đậm đà dáng vẻ dân tộc. Dĩ nhiên, không phải thuần tuý là lối thay thế từ khác, mà qua đó, bộc lộ phù hợp cảm xúc và thi cảnh mà thi nhân sáng tạo, nhằm đạt hiệu quả cao trong sáng tạo nghệ thuật.
Vốn ngôn từ phong phú cũng giúp nhà thơ gieo vần trong “Đoản khúc chiều” khá chuẩn đạt. Vần điệu trong thơ lục bát của anh đều thuộc dạng chính vận, hãn hữu mới có trường hợp nương vận, dẫu rằng nương vận là lối gieo vần được chấp nhận và được thực hiện phổ biến trong thơ lục bát.
Ngoài ra, vốn ngôn từ phong phú còn giúp nhà thơ sử dụng phương pháp tu từ rất hiệu quả.
*
* *
    Cùng với bài viết của nhà thơ Trần Quang Quý, bài nói của tôi hy vọng bổ sung, góp vào sự cảm nhận hoàn chỉnh hơn về tập “Đoản Khúc chiều” của nhà thơ - nhà nghiên cứu văn họcThang Ngọc Pho.
    Chân thành chúc mừng nhà thơ!

                                                               Hà Nội, 8-5-2019
                                                                           M .T

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Quảng cáo
congnhan12345
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 4
Trong ngày: 109
Trong tuần: 564
Lượt truy cập: 383877

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ GIỚI THIỆU!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH, NHÀ VĂN CẦM SƠN! RẤT NHIỀU BỨC ẢNH CỦA NGÀY HÔM ĐÓ ĐÃ CÙNG VỚI BÀI NÓI CỦA TÔI LÀM NÊN KHÔNG KHÍ TƯƠI VUI, HÀO HỨNG CỦA BUỔI RA MẮT SÁCH! CHÚC MỪNG NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CHÚC MỪNG TS NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC VỚI TẬP THƠ ĐỘC ĐÁO, IN ĐẸP!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÁI PHỤC BÀ MÂY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Thuộc loại "chuyện bây giờ mới kể" đây! Cám ơn tác giả! Mượn lời bà SUỐI để nói về bà MÂY: "Bái phục bà MÂY" ! Haiza!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN VÀ BAN BIÊN TẬP ĐÃ ĐĂNG BÀI VIẾT NHÂN DỊP NHÀ THƠ NGUYỄN HUY HOÀNG RA MẮT TUYỂN THƠ VÀ TRUYỆN KÍ TẠI HỘI TRƯỜNG HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM!

 
Xem toàn bộ
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0964 131 807
Email: soncam52@gmail.com
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công nhân.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông Chi hội Nhà văn Công nhân.