Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

DIÊU BÔNG

Trần Ngọc Thụ
 
EM VẪN NHƯ NGÀY XƯA
 
“Dù thời gian chia phôi
Dù đường dài xa xôi
Em vẫn như ngày xưa
Mến yêu anh trọn đời

Em vẫn như ngày xưa
Mùa xuân về náo nức
Hoa gọi nắng xôn xao
Bao nụ mầm mong ước

Em vẫn như ngày xưa
Mắt đen nhìn đung đưa
Nét cười sau vai áo
Tay mềm thon búp tơ

Em vẫn như ngày xưa
Khơi nồng bao ý thơ
Cho lòng ai hát mãi
Đến bao giờ bao giờ.

Mùa xuân xuân sang rồi
Nhìn hoa em trao lời
Như ngày xưa em nói
Yêu thương anh trọn đời
Như ngày xưa em nói
Yêu thương nhau trọn đời.

 thonnu

LỜI BÌNH CỦA ĐỖ NGỌC YÊN
 
“Em vẫn như ngày xưa” là tên chung của bài thơ và tập thơ của Trần Ngọc Thụ và đã được nhạc sỹ Lê Đình Lực phổ nhạc. Bài thơ thật giản dị từ nội dung ý tứ đến ngôn ngữ biểu đạt; từ hình tượng đến âm điệu... Tất cả đều trong veo như sắc trời mùa thu.
Ngợi ca những mối tình thủy chung son sắt trong thơ ca nói riêng, cũng như trong văn học nghệ thuật nói chung không phải là điều mới mẻ gì. Nhưng ngợi ca mà đạt đến sự tự nhiên như không, chẳng cần phải vòng vo hay lên giây cót đối với độc giả thì không phải ai cũng có thể làm được. Có lẽ đó là lý do chính đáng làm cho nhiều thế hệ trẻ nước ta yêu thích bài thơ này và mang nó đi cùng năm tháng.
Một dân tộc đã trải qua nhiều năm tháng chiến tranh và đói nghèo như người Việt Nam ta, thì sự sư chia phôi cách trở là một tất yếu khách quan. Chính vì thế mà sự thủy chung trong tình yêu, tình vợ chồng, tình bạn hữu... cần thiết biết nhường nào. Điều đáng nói ở đây là “Em vẫn như ngày xưa” ở đâu và lúc nào cũng là một cung trầm, ngân vọng mãi trong lòng bao lứa đôi và bao cặp vợ chồng còn phải sống trong xa cách như một lời nhắn nhủ từ cả hai phía. Âm điệu và chất nhạc là cứu cánh nội tại tạo nên giá trị nghệ thuật và sức sống cho bài thơ:
“Dù thời gian chia phôi
Dù đường dài xa xôi
Em vẫn như ngày xưa
Yêu thương anh trọn đời...”
Cái cụ thể đến mức như có thể đo đếm, cầm nắm được nó trong tay, được kết hợp với cái bồng bềnh, mơ hồ đến vô định, giống như sự chói sáng tỏa lan của những vì sao trên bầu trời đêm:
“Em vẫn như ngày xưa
Mắt đen nhìn đung đưa
Nét cười sau vai áo
Tay mềm non búp tơ ...
Cho lòng ai hát mãi
Đến bao giờ, bao giờ...”
Có lẽ chỉ có những người đã một thời sống trong xa cách mới có thể cảm nhận hết được cái hay cái đẹp của tình cảm thủy chung son sắt mà nhà thơ từng nói hộ mình. Và đặc biệt đặt bài thơ trong khung cảnh của sự khủng hoảng gia đình hiện nay, cũng như không ít các bạn trẻ đã bị lối sống thực dụng lôi cuốn, coi đồng tiền là trên hết thì “Em vẫn như ngày xưa” vừa là một sợi dây níu kéo tuổi trẻ lại với truyền thống tốt đẹp của cha ông ta ngày trước. Truyền thống đó không chỉ đơn thuần là những tấm gương đạo đức như nhiều người vẫn thường nghĩ, mà nó còn là nguồn cảm hứng thẩm mỹ bất tận đối với các sáng tạo thi ca, cũng như văn chương, nghệ thuật nước nhà trong hiện tại và cả trong tương lai nữa./.

ladieubong2
 
Hoàng Cầm
 
LÁ DIÊU BÔNG                                                                                                   
 
“Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
Chị thẩn thơ đi tìm
Đồng chiều
Cuống rạ
Chị bảo
- Đứa nào tìm được Lá Diêu bông
Từ nay ta xin gọi là chồng
Hai ngày Em tìm thấy Lá
Chị chau mày
- đâu phải Lá Diêu bông
Mùa đông sau Em tìm thấy Lá
Chị lắc đầu
trông nắng vãn bên sông
Ngày cưới chị
Em tìm thấy Lá
Chị cười
xe chỉ ấm chôn kim
Chị ba con
Em tìm thấy Lá
Xoè tay phủ mặt
Chị không nhìn
Từ thuở ấy
Em cầm chiếc Lá
Đi đầu non cuối bể
Gió quê vi vút gọi
Diêu bông hời…
... ới Diêu bông!” ...

6117406_80597

LỜI BÌNH CỦA ĐỖ NGỌC YÊN
 
Trò chơi “đố - tìm” thời con trẻ hầu dễ mấy ai không một lần trải nghiệm trong cuộc đời. Nhưng để lại một tác phẩm thi ca độc đáo và thật sự có giá trị từ trò chơi đó như bài “Lá Diêu bông” của nhà thơ Hoàng Cầm thì lại rất hiếm hoi, nếu không muốn nói là độc nhất vô nhị.
Trước sự nghiệt ngã của thời gian, người ta chẳng thể nào giữ lại mãi sự vĩnh hằng của tuổi thơ - cái thời một đi không trở lại - ngoài việc ký thác nó vào tác phẩm văn chương, nghệ thuật. Vâng, đúng là như vậy!
Phụ nữ Việt Nam trước đây thường mặc váy. Váy dài hay ngắn nào có can hệ gì đến ai đâu mà phải bận tâm, chạnh lòng cơ chứ. Nhưng mặc váy để “buông chùng cửa võng” thì chỉ thấy có ở con gái Đình Bảng, một miền quê giàu truyền thống văn hoá của tỉnh Bắc Ninh. Váy chùng cửa võng chưa hẳn đã là váy dài, váy rộng mà trước hết phải là váy mỏng, mượt và mịn bằng chất lụa tơ tằm. Mỗi khi mặc vào tạo cho dáng người con gái thướt tha, yểu điệu và đáng yêu hơn. Đúng như câu tục ngữ: “Người đẹp vì lụa”... Con gái Kinh Bắc trước đây mặc váy là một cơ hội vừa để khoe với bạn bầu về tài nghệ khâu vá, ăn mặc, khoe với mọi người vẻ đẹp hình thể của cặp giò thon thẳng, bộ ngực nở nang của người con gái ở tuổi mới lớn, vừa để biểu lộ tình yêu và nhu cầu tình dục của mình trước những người khác giới. Nhưng nếu là váy phủ kín hay để hở cửa võng thì còn gì là con gái Đình Bảng nữa cơ chứ và cũng chẳng phải bàn làm gì! Đằng này lại váy buông chùng cửa võng, thì mới biết nhu cầu ấy đã đến mức nào và họ phải là người như thế nào thì mới dám làm như vậy. Thế có làm khổ người ta không chứ! Tới mức chàng thi sĩ si tình họ Hoàng không thể kìm nổi lòng mình buộc phải buông một câu chết người đến như vậy: “Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng”.
Đằng sau câu thơ là sự ẩn giấu một phản xạ vô thức khát vọng của con người tự nhiên, mà không một người nào không có. Nhưng có dám nói thật lòng mình hay không thì chẳng phải ai cũng có thể. Chỉ riêng điều ấy thôi, chúng ta là những người đang sống trong thời kỳ đổi mới hôm nay cũng cần phải cám ơn nhà thơ Hoàng Cầm, người cách đây gần một nửa thế kỷ đã dũng cảm nói lên một sự thật vừa kín đáo, tế nhị lại vừa không dễ được mọi người chấp nhận, vì những ràng buộc của thói đạo đức giả phong kiến đã ăn sâu vào tiềm thức của con người hàng bao đời nay. Nhưng biết đâu đấy chẳng là nguyên nhân sâu xa khơi gợi trò chơi đố - tìm giữa hai chị em, để rồi nó vĩnh viễn trở thành bài thơ bất hủ trong lịch sử văn học Việt Nam.
Theo tập quán của người Việt Nam nói riêng và người phương Đông nói chung, thì con trai thường yêu con gái kém tuổi mình và cùng lắm là hai người bằng tuổi nhau, rất hiếm khi con trai yêu con gái hơn tuổi mình. Nhưng điều thú vị ở đây không chỉ là tình yêu giữa chị và em, mà hơn thế tình yêu ấy lại đến từ trò chơi đố - tìm thuở ấu thơ cách đây gần hơn nửa thế kỷ, khi mà những luật tục cấm kỵ, kiêng khem (taboo custums) phong kiến ở các vùng nông thôn nước ta còn rất nặng nề. Điều đó chứng tỏ tình yêu trong lòng cậu bé - thi sĩ Kinh Bắc Hoàng Cầm và cô chị hàng xóm từ thuở nhỏ đã mãnh liệt đến mức không một thứ đạo đức phong kiến nào có thể cản được. Nó đã vượt ra ngoài phạm vi của một trò chơi đố - tìm thông thường của con trẻ. Chuyện tình này đã diễn ra trước lúc bài thơ ra đời (1959) chừng 30 năm. Ký ức của tình yêu đầu đời đã trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi trong tâm tưởng nhà thơ như một định mệnh, bám riết và day dứt suốt cuộc đời nghệ sĩ của ông:
“Từ thuở ấy
Em cầm chiếc lá
Đi đầu non cuối bể
Gió quê vi vút gọi
Diêu bông hời...!...
Ới Diêu bông!”...
 Toàn bộ cảm hứng của bài thơ đều xoay quanh việc tìm chiếc Lá Diêu bông, một thứ không có thực trên đời này. Vậy mà khi được chị đố:
“Đứa nào tìm được Lá Diêu bông
Từ nay ta xin gọi là chồng”
thì cậu em băng băng đi tìm, những mong được chị gọi là chồng, chỉ thế thôi! Nhưng sự trớ trêu của cuộc đời là dù em có tìm được hay không thì chị vẫn phải xe chỉ ấm trôn kim, còn em mãi vẫn là cậu bé chưa kịp lớn. Để rồi suốt đời em cầm trong tay chiếc Lá Diêu bông như ôm một lá bùa định mệnh của tình yêu thuở ban đầu đi khắp thế gian này mà ngẩn ngơ, ngậm ngùi và tiếc nuối.
Hóa ra tìm một cái không có thực như chiếc Lá Diêu bông còn dễ hơn trăm lần tìm một tình yêu đích thực (?!). Nếu không có sức mạnh của một tình yêu trong sáng như pha lê không mảy may gợn chút tính toán sợ mất công, tốn sức, thì chẳng ai hoài công mà lại đi tìm một thứ không có như vậy. Phải chăng với sự nhiệm màu và sức mạnh của mình, tình yêu đã biến Cái không thể thành Cái có thể.
Câu chuyện về chiếc Lá Diêu bông gắn liền với nỗi đam mê thanh cao mà tục lụy của Hoàng Cầm. Chiếc Lá Diêu bông không chỉ là biểu tượng chung cho những tình yêu đầy trắc ẩn và trái ngang cuả bao lứa đôi trên thế gian này, mà còn là cội nguồn của mọi cảm hứng thi ca của chính nhà thơ./. 
                                                                 Đ.N.Y
 
 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Quảng cáo
congnhan12345
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 9
Trong ngày: 79
Trong tuần: 478
Lượt truy cập: 381539

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ GIỚI THIỆU!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH, NHÀ VĂN CẦM SƠN! RẤT NHIỀU BỨC ẢNH CỦA NGÀY HÔM ĐÓ ĐÃ CÙNG VỚI BÀI NÓI CỦA TÔI LÀM NÊN KHÔNG KHÍ TƯƠI VUI, HÀO HỨNG CỦA BUỔI RA MẮT SÁCH! CHÚC MỪNG NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CHÚC MỪNG TS NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC VỚI TẬP THƠ ĐỘC ĐÁO, IN ĐẸP!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÁI PHỤC BÀ MÂY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Thuộc loại "chuyện bây giờ mới kể" đây! Cám ơn tác giả! Mượn lời bà SUỐI để nói về bà MÂY: "Bái phục bà MÂY" ! Haiza!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN VÀ BAN BIÊN TẬP ĐÃ ĐĂNG BÀI VIẾT NHÂN DỊP NHÀ THƠ NGUYỄN HUY HOÀNG RA MẮT TUYỂN THƠ VÀ TRUYỆN KÍ TẠI HỘI TRƯỜNG HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM!

 
Xem toàn bộ
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0964 131 807
Email: soncam52@gmail.com
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công nhân.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông Chi hội Nhà văn Công nhân.