Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

ĐÊM CA BA

Nguyễn Quang Thuyên
 
Thưa cùng bạn đọc
 
Đêm Ca Ba là Trường ca thứ 7 của tác giả được vinh dự ra mắt bạn đọc. Trường ca có độ dài hơn 620 dòng và 11 mục.
Trường ca đã tham gia cuộc thi viết về Công nhân lao động Phú Thọ trong thời kỳ mới và đạt giải 3 (không có giải nhất) cuộc thi do Liên đoàn lao động tỉnh Phú Thọ phối hợp với Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Tỉnh tổ chức năm 2018.
Trong một lần gặp gỡ lại các bạn từ hơn 40 năm về trước (khi ấy chúng tôi đang là công nhân xây dựng với nhau). Nhiều người đề nghị với tôi: Ông là Nhà thơ rồi! Chúng tôi muốn thơ của ông nói về những ngày chúng mình lao động gian khổ và có tên của chúng tôi là chúng tôi sướng lắm...
Với độ dài hơn 620 dòng thơ, tôi đã cố gắng khắc họa lại bức tranh của người lao động (trong đó có tôi), kể cả tên, tuổi, hoàn cảnh mỗi người v.v.. Như một lời tri ân đến các bậc tiền bối, bạn bè, những cán bộ, công nhân xây dựng năm nào (nay đã có nhiều người ra đi mà đa phần đã bước sang tuổi gần thất thập).
Nội dung xin kính mời quý độc giả đón đọc.
              Xin chân thành cảm ơn!
 
Hà Nội, tháng 8 năm 2019
Tác giả
 mua_dam_vac
 
ĐÊM CA BA
Trường ca
 
Kíp thợ chúng tôi
đêm nay
lại vào ca ba
ca thản nhiên
cuối của một ngày
mà cũng thản nhiên
đầu cho ngày mới
ca ba!
ca rỉ rả tiếng sâu
và rất nhiều tiếng dế
kể cả âm thanh
chót vót
sau lũy tre
gọi mặt trời lên...
 
Đêm nay!
với chúng tôi
không phải đêm ca ba đầu tiên
một đời thợ
đêm ca ba dài lắm!
một đời thợ uống đường,
ngủ chen và ăn đứng
lẽ thường tình như trẻ con khóc đêm...
 
Cô thợ bạn của tôi vừa trở mình
cho con bú phòng bên
nghe rõ tiếng nựng ru
tiếng ọ... ọe...
tiếng chụt chịt
thỏa thuê
như chó con sau hồi no sữa
mười một tháng bé u... ơ...
ở với bà với mẹ
chưa một lần
bố nó ghé về thăm?!
 
Đã thành lệ
tất cả chúng tôi đều đi nghiêng
nói nhẹ, nhón chân thôi
để người ca một ngủ
dẫu mê mệt giữa hầm hập của đêm hè
và rền rền tiếng máy
vẫn cứ giật thót mình
khi tiếng động lẻ và khô...
 
2.
Đêm nay!
kíp thợ chúng tôi lại vào ca ba
tô mỳ, sấp bánh bao
giúp chúng tôi
quên đi cái nhớ
muốn biết ý nghĩ chúng tôi
chạy đến đâu
cứ nhìn vào mắt thợ
nhìn những bước chân
hối hả tới công trường...
 
Chúng tôi đi (...)
lộn xộn chẳng thành hàng
tiếng nhỏ, tiếng to
phút chốc là oang oang
tranh cãi (!)
anh Thước méo quả quyết với chị Oanh già
vợ đội trưởng quắn này
sinh con gái
thằng Đức, thằng Lộc, thằng Thịnh, thằng Ninh,
thằng Khanh, thằng Cương
chia hai phe cãi nhau
sao hôm không phải sao mai!?
 
Riêng Bích Thủy
cô thợ bạn của tôi
chỉ lặng im
chốc chốc lại thở dài
lương vẫn chửa đến kỳ
đã vơi vơi... bình sữa
cái Nụ, cái Lý, cái Hợi, cái Lâm, cái Cam
ép vào nhau rủ rỉ
con cái Lan cô ban vừa có thư người yêu
từ nơi xa...
  
Tất thảy
tất thảy
tất thảy chúng tôi
mỗi đứa một quê
mỗi người một nết
đã ruột thịt bao giờ đâu
mà đùm bọc chở che
như anh em
trong một mái nhà...
 
3.
Kíp trưởng của chúng tôi mới ngoài ba mươi
mà như người bốn nhăm
khói súng và cát bụi
lặn vào đầu tóc, thịt da anh ấy
riêng đôi mắt
đôi mắt!
chỉ đôi mắt của anh
lúc nào cũng như vầng cơm cháy
cánh thợ chúng tôi thường chia nhau
cho đỡ đói lòng...
 
Lúc rảnh
anh thường kể cho chúng tôi nghe
chuyện chiến trường
về những ngày, những đêm vượt Trường Sơn
trong bão bom và mưa pháo giàn
từ ngoài khơi của Hạm đội số Bảy
tiếng rừng cây roạp toang toác như xé vải
đèn dù vu vơ sáng rực giữa đêm
có thể xâu kim
chúng nó đánh ngày
chúng nó đánh đêm
vo vo lượn vòng
lộn trước lẩn sau
bám theo các anh
như đỉa răm
bám chân người ruộng bừa tháng sáu
biệt kích săn lùng
luồn sâu thám báo
 
mìn cóc, mìn chùm
mìn lá, mìn dây
cây nhiệt đới ăng ten ngo ngoe
mắt thần thập thò giăng khắp ngả
(anh cười rất tươi)
mặc kệ!
chúng tớ cứ ngủ
ngủ khỏe rồi lấy sức còn đi...
 
Giọng anh bỗng chùng như dây đay trong mưa
khi nói về chiến dịch tám mươi mốt ngày đêm
bên bờ sông Thạch Hãn
... Trung đội bốn mươi người
hy sinh... ba tám
chỉ còn lại... hai
đều là thương binh...
 
Đau đến xé lòng là Đắc Lai
thằng bạn thuở chăn trâu
cùng tuổi, cùng thôn
nhận thư nhà lúc chiều
tin anh trai... báo tử!!!
 
Anh cười gằn... méo xệch môi
ngấn mắt đỏ hoe
một lúc lâu rồi lắc đầu tặc lưỡi
ây dà...! chiến tranh
thứ trò chơi muôn đời
quá đỗi hiểm nguy...
 
4.
Đêm nay!
anh lại kể cho chúng tôi
câu chuyện không tên
chuyện của chính anh mà cười ra nước mắt
sau những ngày đỏ lửa một chín bảy hai
anh được chuyển ra dưỡng thương ngoài Bắc
ngót một năm xách ba lô về làng
vào lúc vãn khuya
tay đập cửa gọi mẹ: Bầm ơi!!!
bảy lượt năm lần ba gian nhà lặng phắc
chỉ mơ hồ... mơ hồ... mơ hồ!
mùi khói hương
mùi khói hương phảng phất
phải rất lâu... rất lâu
rất lâu sau
nghe tiếng mẹ lầm rầm
 
Nam mô! bảy vía ba hồn
gần con bay la, xa con bay bổng.
ngồi xe con đi đường rộng
cuốc bộ con lận tắt qua đồi
khỏe mạnh thì con đi con chạy
yếu mệt thì con tựa con ngồi
một tháng hai kỳ ngày rằm mùng một
là lịch tuần phiên của quan Án Sát
cắn cỏ cắn rơm con cầu xin các ngài bát độ
bát thương!!!
 
Nam mô!
sống khôn, thác thiênggpo-ky-su-cau-duong-nguoi-nang-cao-chat-luong-cuoc-song-2
 
đột ngột giữa khuya...!
con đừng làm mẹ sợ!!!
 
Anh lạnh toát người!
sững sờ chợt hiểu ra tất cả
sự khốc liệt của đạn bom
mọi chuyện trên đời đều có thể xảy ra...
 
Liếc đồng hồ anh bật dậy nói to
dõng dạc trang nghiêm như chiến binh năm xưa
bước vào trận đánh
thằng Đức, thằng Lộc, thằng Thịnh, thằng Ninh,
cái Lâm, cái Nụ hôm nay xúc đá
Bích Thủy điều chỉnh nước, xi măng
nạp cát vào ben cái Lý, cái Cam
đẩy hai xe bê tông thằng Cương, thằng Khanh
cô Oanh và cái Hợi
việc cuối cùng là san đầm bê tông dưới hố sâu
của bờ vây chênh vênh
mọi con mắt đều đổ dồn... ái ngại
anh thản nhiên (!)
công việc này cậu Thước và tôi!
 
Anh cả trong một mái nhà thường ngày vẫn thế
mọi người toan ghé vai anh gạt đi
Tao đã quen rồi!!!
 
Đêm nay! chúng tôi đổ bê tông đài cọc trụ cầu.
Chiếc cầu bê tông vượt sông Cà Lồ vào Tây Nam thành phố.
Là đêm thứ bao nhiêu chúng tôi không nhớ (chi tiết ngày, giờ, tháng, năm đã được ghi cụ thể trong nhật ký của anh Lập, Kỹ sư Chủ nhiệm Công trình).
 
Chỉ biết đã năm lần chúng tôi nhỏ to tâm sự với chị Hằng và đêm bê tông như đêm nay cũng kéo dài từ đầu xuân sang giữa mùa hạ cháy...
 
Cùng với chúng tôi đêm nay là kíp thợ đổ bê tông mố cầu số hai.
Tổ kích kéo của đội Thi công cơ giới.
Họ bắt đầu lắp đặt hệ thống trượt, đường ray và chỉ hơn một tháng nữa thôi, những chiếc dầm chữ T đầu tiên nối hai bờ Nam, Bắc sẽ được kéo sang...
 
Đêm nay! điện không ... theo trăng vào phòng ngủ công nhân... mà cả hai cùng rủ nhau ra công trường nêm chật tiếng người, tiếng máy reo rộn rã...
 
Không gian chợt giãn ra, chợt co vào thật lạ!
Khuôn mặt thợ lúc gân guốc, gồ ghề như những pho tượng đá.
Khi ma mị, liêu trai hệt trong giấc mơ hoang...
Ai có thể cắt nghĩa nội dung bức tranh đêm cho thật rõ ràng!
Đơn giản thôi chỉ là ánh lửa hàn của em gái đang gia cố hệ thống con lăn, đường trượt bên thi công cơ giới!!!
 
Đêm đặc sánh vì tiếng người, tiếng máy.
Tiếng ô tô đổ cát, đá. Tiếng xe bị pa ti nê của tổ bốc vác vật tư đang tập kết xi măng.
Có cả tiếng kêu hoảng hốt lẻ loi của con chim chìa vôi đi ăn đêm bởi ánh điện chói lòa như mưa sao băng nên lạc phương định vị...
 
Dưới xóm bên sông ven phố thị, đèn nhà ai đã le lói thắp lên.
Xóm làng tịch mịch vừa thu hoạch xong vụ chiêm, bà con lại háo hức chuẩn bị bước vào đợt cày bừa khê nồng, chói chang giữa ngày hè tháng sáu...
 
Đêm ca ba!
là những đêm không ngủ
không gian khép mở
trong cõi vô thường
ngẩn ngơ gió vít mười phương
lênh loang giữa dòng nước xiết
con đò!
ném xuống đáy sông cái nhìn ly biệt
khi cây cầu hợp long
em!
bẽn lẽn búng cái nhìn sang anh
khi mẻ bê tông cuối cùng kết thúc
 
Đêm ca ba!
là đêm thao thức
đêm của con tim, đêm của khát khao
của đam mê
đam mê và rạo rực!
thức vì cầu mà cũng thức vì nhau!!!
 
Vườn ai
nở trắng hoa cau
xanh mươn mướt
ngỡ vườn trầu quê anh
những là lên thác
xuống ghềnh
 
băng đèo vượt dốc
chúng mình chung đôi
 
Cầu bê tông
đã xong rồi
nhịp cầu dải yếm
người ơi!
khi nào?!
 
Phút giải lao
hay là giấc chiêm bao
Bích Thủy đăm đăm dõi phương trời Nam
hơn mười năm qua đã thành kỷ niệm
tuổi mười bảy như giấc mơ (...)
theo các chị, các anh
xung phong ra tiền tuyến
là em út trong gia đình đảm bảo giao thông
vỏn vẹn đủ con số mười lăm
gia đình toàn chị em gái cắm chân ở nơi
có câu chuyện tình chàng Thông Ma và nàng Y Leng
họ tha thiết yêu nhau
duyên phận không thành
từ bao đời hóa Cổng Trời
mà cũng chẳng biết tự khi nào
thành Bất Tử...
 
Những địa danh mang theo suốt cuộc đời
là Bãi Dinh, La Trọng, núi Giăng Màn
đèo Lò Xo và đồi Ba Bảy
những đêm liên hoan văn nghệ hiếm hoi
cùng các chiến sỹ đồn biên phòng Cha Lo...
 
Tối ngày
ăn chửa biết no
lưng vừa chạm chiếu
đã khò một hơi
vô tư
múa, hát, nói, cười
mắt chưa trong mắt
với người gần... xa
ruộng đồng
đỡ mẹ, giúp cha
đàn em, lũ bạn, bầy gà...
thế thôi!!!
 
Bây giờ
đội đá, vá trời
xuyên rừng, xẻ núi,
bạt đồi... phá bom
bàn tay
vẫn ngón tay thon
gót chân
vẫn gót cỏn con... thuở nào
giữa rừng
mê mải đếm sao
hồn nhiên hỏi chị:
ngôi nào... cô đơn!?
 
Cũng khi
bỗng, chợt... dỗi hờn
chăng là nhớ mẹ...
buốt cơn gió lùa...
 
Cổng Trời
ngày nắng đêm mưa
khói bom chưa tạnh...
xe vừa băng qua
đêm đêm
mặt đường là nhà
ngọn đèn khuya
rạch lối ra
chiến trường
 
Dẫu là
bom giặc còn vương
Tim còn đập
ắt còn đường
xe qua...
 
7.
Bích Thủy vươn vai, vặn mình
hai cánh tay mỏi tê
nguồn sống trẻ thơ rịn về tưng tức, căng căng
trong bầu ngực
bé Trường Sơn chắc giờ này đã thức
u... ơ... mẹ... mẹ... bà... bà
xa Cổng Trời, Cha Lo
 
sắp sửa sang năm thứ mười ba
bé Trường Sơn chỉ hai mươi ngày nữa thôi
tròn một tuổi...
 
Bích Thủy thoáng bâng khuâng
chợt hiện về đôi mắt khát khao...
khát khao được sinh tồn
của chị cả gia đình
trong cơn hấp hối
sau trận mưa bom đêm hôm ấy...
Cổng Trời!
ánh mắt như cầu xin
như van nài
khi chị cầm tay
giọng đứt rời trong tiếng nấc:
Thủy ơi!!!
cả nhà chị... bom Mỹ... chẳng còn ai nữa!
hãy hứa với chị... mai em lấy chồng
cho chị xin một đứa (...)
để nó nhớ ngày hôm nay...
mười bốn... tháng mười!!!
chị lịm dần
lịm dần
lịm dần
vẳng tiếng mẹ à... ơi!!!
chấp chới... phiêu bồng
trong cánh cò bay lả...
 
Bích Thủy gào lạc hồn
ghì lấy chị mà gật đầu lia lịa
mấp máy cặp môi run
hẳn chị đã yên lòng!
 
Thời gian!
cứ lậm lụi (!)
lậm lụi an nhiên
như dòng nước sông Hồng
lậm lụi tháng ngày
nhấn chìm, cuốn trôi
những buồn vui của kiếp người
mà xuôi về với biển
chỉ cái gật đầu bên Cổng Trời năm xưa
là suốt đời nguyên vẹn
cái gật đầu... tử biệt, sinh ly...
 
Ngày mai!
bé Trường Sơn khi lớn lên
sẽ ít nhiều mặc cảm
bởi thiếu cha
cũng có thể bị chúng bạn trêu chòng
khi con mang họ mẹ (!)
vì chị, vì con... em sẽ là tất cả
để cõi nhân sinh còn hiện hữu nụ cười
và! cũng để vợi,
nguội đi trong em
bao nỗi niềm
đêm hôm ấy
chị ơi!!!
 
Phút vô định, vô thần thoắt nhập về
tựa hồn ngất máu say (!)
 
Bích Thủy bàng hoàng
trong đáy tim ứa mặn
một vệt sáng phía chân trời
hừng Đông vừa chiếu rạng
khoảnh khắc cuối ca ba!
tiếng máy vẫn vang rền...
 
8.
Đời thợ chúng tôi
là dấu ấn các công trình
điệp khúc ca ba cứ vời vợi, miên man
mà dặc dài như nỗi nhớ!
qua rất nhiều tháng năm thăng trầm
Đất nước gian nan vặn mình
vặn mình rồi trăn trở
để có những đêm ca ba
với chúng tôi
như đêm nay...
 
Đêm nay!
chúng tôi vẫn mười sáu người
nhưng không còn đủ những cái tên năm xưa (!)
thời gian như nước chảy chân cầu
như tiếng mọt dửng dưng...
mòn thân gỗ
 
thời gian!
em tôi mảnh mai tóc ngang vai
thành thiếu phụ
và cũng rất vô tình ... trong đám thanh tân ấy
có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi...
 
Kíp thợ chúng tôi đêm nay
đã thêm nhiều gương mặt
tuổi mười tám, hai mươi
háo hức, hồn hiên, căng mọng, tròn đầy (...)
như tuổi xuân Đất nước thời kỳ đổi mới...
 
Họ ríu rít vô tư
vô tư như chim sáo
chí chóe cãi nhau DeCo hay Ronaldinho ([1])
nhận danh hiệu quả bóng vàng châu Âu...
 
Lớp thợ hôm nay đã khác rất nhiều
với thế hệ chúng tôi
họ nắm vững những quy trình thi công
sử dụng thành thạo các thiết bị
và dây truyền công nghệ (...)
họ trĩu đầy hành trang
từ các trường phổ thông
các trường đào tạo
nhuần nhuyễn dữ liệu thông tin
trong thời đại @
 
Đất nước đang từng ngày
từng ngày
trong giai đoạn chuyển mình
hiệu quả kinh doanh không tính bằng
tiếng vỗ tay trên hội trường
mà là sự gia tăng hàng tháng,
hàng năm
của thặng dư và cổ tức
luồng sinh khí tràn trề
cũng tiềm ẩn không ít những rủi, may
những cơn gió độc
chúng tôi vừa tầm sư
vừa lắng nghe
vừa mò mẫm chọn lối đi...
 
Đêm nay!
chúng tôi lại điệp khúc ca ba
những đêm ca ba cuối cùng
của công trình
cho một kỳ chiến dịch (!)
kíp trưởng bảo: chúng ta đang góp phần
làm nên kỳ tích
kỳ tích của một trăm tám mươi lăm ngày đêm
đếm ngược thời gian...
 
Đêm tháng ba!
chút se se trong cái rét Nàng Bân
cả khu vực thi công của chúng tôi
hừng hực nóng (!)
 
bạn tôi gọi là Chảo lửa bay
bay lên cùng khát vọng (!)
khát vọng ấm no, hạnh phúc với hòa bình
lẽ giản đơn như cuộc sống thường ngày
trong cõi thế nhân sinh
 
Đêm lạnh se!
vời vợi dải sông Ngân
khắp công trường chúng tôi
hừng hực nóng!
tiếng thợ ran ran, rền vang tiếng máy
điện sáng lòa (...) tưởng không thể sáng hơn
thợ ốp, thợ lát,
thợ trát, thợ sơn (!)
kíp làm mặt sân,
tổ hoàn thiện mái
nhóm kia chống cháy,
tốp này thu lôi
tít trên cao vời
là cần trục tháp
khổng lồ tay thép,
ôm cả không gian
đêm trên thành phố,
động khắp non ngàn...
 
10.
Khi những tấm bậc bê tông cốt thép
dự ứng lực
 
được đặt yên vào vị trí cuối cùng
chiếc cần trục KoBe cũng lim rim
lim rim (...)
thôi không buông khúc nhặt khoan
rè... rè... bựt... bựt!!!
trong ca bin Trường Sơn
khoan thai thả mình
ngắm bầu trời bát ngát
trắng loang, mơ hồ như pha sữa
phía xa kia
là ngã ba sông!
thành phố Trung du đang từng ngày đổi thay
đổi thay như cổ tích
cổ tích có thực của hôm nay
trên Đất nước các Vua Hùng...
 
Chỉ vài đêm nữa thôi nơi đây sẽ diễn ra
một sự kiện Động trời
với Trường Sơn lần đầu tiên trong đời
và có thể rất hiếm khi gặp lại!
cả nước từ mọi miền cùng về đây tụ hội
Quốc Giỗ linh thiêng và Linh Diệu Muôn Đời
cậu lại nhẩm câu ca dao buổi ấu thơ mẹ dạy
Dù ai đi ngược về xuôi...
 
Trong số lớp thợ trẻ
được góp mặt đêm nay
có lẽ cậu là một trong những người
may mắn và hạnh phúc
vừa tốt nghiệp lớp máy thi công
chuyên ngành cẩu tháp
đã được tham gia công trình
mang ý nghĩa để đời!
và niềm vui được nhân lên
chắc chỉ một không hai
cậu được quây quần chung mái nhà
năm xưa của mẹ!!!
kíp trưởng vỗ bồm bộp vào vai
giọng ông vẫn hồn nhiên
hồn nhiênimages2
cứ ào ào
ào ào như gió xé (!)
đồng chí! à... bọn mày!!!
cố gắng lên còn hỗ trợ chúng tao
làm ăn bây giờ rất cần giỏi chuyên môn
và dồi dào sức trẻ
cánh già chúng tao cũng đến lúc oải rồi!!!
 
Hé cửa ca bin Trường Sơn thoáng rùng mình
con gió sớm vuốt ngang mi lành lạnh
dưới ngã ba sông vừa bừng lên
bừng lên vệt sáng
trời đã hừng Đông
mẹ Bích Thủy dậy rồi!!!
 
Cậu muốn được bốn cẳng ba chân
bon nhanh về xóm thợ
ghì diết tấm lưng gầy
mà thổn thức: mẹ ơi!!!
 
11.
Tôi là thợ bê tông
từ những năm đầu thập niên bảy mươi
nghề không phải cha truyền
cha tôi dạy học
cũng không phải là ông
ông tôi làm thuốc
càng không thể cụ nội cho tôi
cụ Đồ, cụ Lang Mơ
miệt mài với Kinh, Lễ, Thi, Thư (...)
 
và trị bệnh cứu người
thật lạ kỳ các con tôi lại nối nghề cha
đi làm đẹp cho đời
lầy thụt trong nắng Hạ mưa Đông
phong trần tháng ngày cùng cát bụi
nhiều đêm trằn trọc, băn khoăn
tôi dằn lòng
dằn lòng rồi tự mình lý giải
lẽ hẳn nhiên
Tôi!
một truyền nhân của viễn tổ... xa đời
sĩ, nông, công, thương
từ ngàn xưa ông bà đã dạy
tôi cũng chỉ một nghề
trong bốn thứ dân thôi...
 
Đêm se se... vừa đủ cho lứa đôi yêu nhau!
tôi quạnh quạnh nhớ thương
những đêm ca ba
ngày Đất nước còn chất chồng
còn bộn bề gian khó!
mới thấu được một đôi phần
những cơ cực truân chuyên (...)
bao kỷ nguyên giặc giã
một ly lai bầm dập nỗi ông bà
nắng dội, mưa chan, nước tràn, xói lũ (...)
 
giặc ngoài thù trong cùng bão tố phong ba
mới thấu được một đôi phần
bát cơm chan nước mắt
vạt sỏi đá cuối thôn
cũng nhuộm máu tự bao đời
khói lam quyện hoàng hôn
và sáo diều dìu dặt
cũng nước mắt mồ hôi
cả xương máu người ơi!!!
 
Đêm vãng khuya!
bỗng vút lên một tiếng gà chơi vơi
trên đại lộ đã thấp thoáng
những xe hoa, xe rau
vào thành phố!
nhịp sống từng ngày cứ lặng lẽ trôi
lặng lẽ trong bình yên mà hối hả
như công trường của tôi rất điềm nhiên
rướn nhịp thở từng giờ
một trăm tám mươi nhăm đêm ngày
huyền thoại một giấc mơ...!
 
Tôi say sưa ngắm mặt hồ
đang bảng lảng hơi sương
tấm khăn mỏng vắt hờ vai thiếu phụ
thành phố của tôi hôm nay
đã qua thời trai trẻ
nhưng tuyệt nhiên mãi mãi không già!
những hò hẹn lứa đôi
cồn cào trong nỗi nhớ
rực rỡ tiếng cười
là thợ trẻ vào ca...!!!
 
Có thể trong cơn lốc thị trường chúng ta đang đi
cũng sẽ nhiều niềm vui không hả hê
mà không phải giấc mơ nào cũng đẹp
bởi quy luật rủi may, ma thuật cõi người
và cạnh tranh khốc liệt (!)
mỗi người phải tự bơi, phải tự lo
cho chính cuộc đời mình
những vật vã, trở trăn để vượt lên của tôi và anh
là căn cốt
căn cốt
căn cốt của bức tranh
bức tranh tổng hòa thời hội nhập
thời gian!
vị phán quan công tâm cho những gì mất, được
là thư ký trung thành trong mỗi chúng ta
thời gian để mỗi người tịnh tâm mà nở hoa, kết trái
mà thời gian cũng lặng lẽ âm thầm
lặng lẽ âm thầm trong nỗi xót xa...
 
Ngày mai!
có lẽ ngày mai chúng tôi sẽ chia tay
ca ba đêm nay cũng thể là ca ba cuối cùng
 
để tiếp nối cho những công trình mới
những Quảng trường Trung tâm, những Bảo tàng
Vườn hoa, Công viên và Chung cư cao tầng
đang từng ngày
đang từng ngày vẫy gọi
chúng tôi lại ca ba
rồi!
ngày mới lại bắt đầu!!!
 
 
___________________________
(*) Chữ của Nhà thơ Hữu Thỉnh
(*) Tên gọi khác của Đầm Vạc thời cổ
(*) Ông Nguyễn Văn Tấn, sinh năm 1919 - Chủ nhiệm HTX NN Lai Sơn năm 1958, Đại biểu Quốc hội khóa II
(1) Trạng Nguyên Đào Sư Tích trả lời vua nhà Minh (1396)
(2) Thư trả lời người bạn gái thời thơ ấu của ông.
(3) Nguyên văn: Đất này hợp với văn nhân Tản Đà 1930
(theo nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương và Nhà văn Nguyễn Cảnh Tuấn)
 
Ngõ 83 - Hoàng Mai - Hà Nội
Khởi bút: 15/6/2019
Hoàn bút: 10/8/2019
            N.Q.T
 
 
 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Quảng cáo
congnhan12345
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 2
Trong ngày: 7
Trong tuần: 748
Lượt truy cập: 377952

VŨ NHO 085 589 0003

CHÚC MỪNG TS NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC VỚI TẬP THƠ ĐỘC ĐÁO, IN ĐẸP!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÁI PHỤC BÀ MÂY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Thuộc loại "chuyện bây giờ mới kể" đây! Cám ơn tác giả! Mượn lời bà SUỐI để nói về bà MÂY: "Bái phục bà MÂY" ! Haiza!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN VÀ BAN BIÊN TẬP ĐÃ ĐĂNG BÀI VIẾT NHÂN DỊP NHÀ THƠ NGUYỄN HUY HOÀNG RA MẮT TUYỂN THƠ VÀ TRUYỆN KÍ TẠI HỘI TRƯỜNG HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM!

 

Cầm Sơn - 0913269931

Cũng cần cảm thông với ông Troussier. Nếu nói về thành tích trong quá khứ, ông Park Hang Seo không thể sánh với ông Troussier được. -Trong sự nghiệp huấn luyện đồ sộ của mình, giai đoạn thành công nhấ...

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN! ÔNG HLV NGƯỜI PHÁP CHƯA BAO GIỜ THÀNH CÔNG "VANG DỘI"! CÓ ĐIỀU NÀY ĐÚNG: CHẢ NÊN TRÁCH ÔNG TA NHIỀU! TRÁCH LÀ VFF QUÁ TIN ÔNG TA, KẺ CAO NGẠO, BẤT TÀI! VẬY THÔI!

 
Xem toàn bộ
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0964 131 807
Email: soncam52@gmail.com
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công nhân.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông Chi hội Nhà văn Công nhân.