Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

COVID ĐÀM TIẾU (từ Hồi 1 đến Hồi 5)

CÔ VI ĐÀM TIẾU

(Chuyện vui thời đại dịch)

Hồi thứ nhất

CÔ VI CỔ TRUYỆN

   Thời đại dịch Covid19, hạn chế đi lại. Cầm Thẻn dời Hà Nội lên cái nhà cũ ở Bản Lác nghỉ ngơi cho yên tĩnh và hưởng cái thú trong sạch của môi trường rừng núi. Lục trong hòm sách cũ của ông ngoại để lại thấy có cái truyện hay hay, lại nghĩ ngày xưa với ngày nay cũng không khác nhau là mấy. Xin kể lại mời bạn bè cùng nghe nha!

   Ở nước Á Tế Nam nọ, có ông quan là thành viên Hoàng gia giữ chức thượng thư một bộ tên là Chitau. Chitau được giao nhiệm vụ phân phối tiền bạc của Hoàng gia cho các nhu cầu thiết yếu của triều đình và dân chúng nên ông không thiếu tiền. Gặp lúc khắp nơi đang xảy ra ôn dịch mà thằng ôn dịch này nó lây nhiễm rất nhanh. Trong khi triều đình và dân chúng đang gồng mình chống đỡ để dập tắt thằng ôn dịch quái ác thì một hôm lũ quần thần trong phủ của Chitau tấu trình là ở bên xứ sở nước Ấn họ làm nhiều điều lạ mang lại giầu có cho đất nước, mình cần sang xem để học tập. Vậy là Chitau chuẩn y một đoàn tùy tùng lên đường, dự kiến học trong 3 ngày rồi về. Chẳng hiểu thế nào mà xong 3 ngày lại có người dâng tấu là ở bên Ăng Lê người ta cũng có lắm trò hay, biểu diễn thời trang thời chiếc gì đấy rất chi là thú vị. Vậy là đoàn lại trèo lên mây tím  của cụ Trư Bát Giới cân đẩu vân sang Ăng Lê. Ở đây, đoàn của Chitau được giao du với rất nhiều người ở các nước đến tụ hội, trong đó có những người vừa từ vùng rốn dịch về, nhưng do mải vui nên chẳng ai để ý là cái thằng ôn dịch ấy nó có chạm vào mình không. Cuộc vui nào rồi thì cũng phải tàn, cả đoàn lại nhảy lên mây xanh của cụ Sa Tăng bay về Á Tế Nam. Trong chuyến bay này đoàn có đi cùng nhiều người nữa, trong đó có một mỹ nhân đi du hý thập phương bát quốc vừa mới quay lại Ăng Lê tên là Nhuloton, một thương gia chuyên sản xuất lắp đặt máy thu gió để tạo ra công lực có tên là Công Phong. Về đến Á Tế Nam, quan thượng thư cùng các cận thần lại đi xuống các phủ chiêu dụ quảng bá những điều mắt thấy tai nghe ở các xứ sở lạ cho thần dân trong nước. Khi quay lại Hoàng triều thì được tin ả mỹ nữ Nhuloton cùng đi đã bị ôn dịch nhập vào người đang được tập trung tại đô thành cho các quan dân y bắt tà trị bệnh.

   Ngay trong đêm được tin có thần dân bị ôn dịch nhập tà, Quan Phó Tể tướng nước Á Tế Nam khai phủ họp bàn cách đối phó. Vì ôn dịch đã nhập được vào Nhuloton  đi cùng một đoàn của Phủ Thượng thư Chitau trên một đám mây mà đoàn này về nước lại đã đi giao giảng khắp nơi rồi thì không biết đã có bao nhiêu người bị ôn dịch nhập tà. Mặt khác đô  thành lại rất đông dân, lớ sớ nó mà bùng nổ lên thì vỡ trận. Quan Phó tể tướng phủ dụ yêu cầu các quan trong đoàn vừa đi du hý từ Ăng Lê về đến ngay Ngự y viện để cho các ngự y  kiểm tra sức khỏe và vào ngay trại của Thiên Lôi nằm ở cuối Vườn Đào của Tây Vương Mẫu cách ly. Tại Ngự Y Viện, người ta phát hiện thấy một viên quan to mang học hàm Đông các Đại học sĩ  tên là Pholiluan cũng đã bị con ôn dịch nhập vào phủ tạng.

  Thiên Lôi áp tải đoàn người về trại cách ly, trước khi phân bổ người về các buồng phải kiểm danh. Thấy đầy đụ cạ nhưng có một tên xem ra hơi lúng túng. Thiên Lôi nghi ngờ bèn kéo lên phía trên thì tên này nhận hắn là Công Phong, người được đi cùng đám mây với đoàn của phủ Thượng thư Chitau. Đoàn thành viên của phủ Thượng thư Chitau đều có cảm nhận là ông này trông rất lạ, có lẽ không phải Công Phong. Thiên Lôi bèn gọi tả hữu vật người này ra dọa đánh và có thể sẽ dùng lưỡi tầm sét để tra hỏi. Hắn sợ quá đành khai thật là được Công Phong sai đóng giả đi cách li thay vì Công Phong là ông chủ, bận nhiều việc phải ở nhà. Bực mình quá nhưng Thiên Lôi cũng phải bật cười! Nhưng đây đâu phải chuyện đùa, tính mạng của toàn thể thần dân đất nước chứ có phải chuyện chơi đâu. Ngay lập tức triều đình có trát sai Thanh Long, Bạch Hổ đi bắt ngay tên Công Phong về cách ly, đợi xác định nếu không mắc ôn dịch hoặc đã bị mắc ông dịch thì chữa cho khỏi sẽ chuyển sang Phủ Khai Phong luận tội.

  Tin Phủ Tể tướng họp gấp trong đêm được lan truyền rất nhanh. Tại một Thương điếm, có một thương gia tên là Thanhlua (Thánh lừa) nói nhỏ với một tên tiểu nhị:

- Ngay bây giờ, mày phi về nhà loan tin ôn dịch đã nhập vào đô thành, phủ Tể tướng đang luận bàn đối phó, mà phải thổi nó lên cho thật ghê rợn vào. Loang tin ở khu phố nhà mày xong rồi lại sang khu phố nhà vợ mày loan tin tiếp, càng rộng, càng đông người biết càng tốt.

-  Dạ làm thế để làm gì ạ?

-  Tao bảo mày làm thì cứ làm, mà tao chưa nói hết! Ngay sáng tinh mơ ngày mai mày huy động tất cả anh em họ hàng nhà mày, nhà vợ mày, nhà bạn bè mày phải đi ngay ra Thương điếm mua lương thực, thực phẩm về dự trữ. Loan tin Đô thành sắp bị phong tỏa vì dịch đến nơi rồi, nhà nhà rồi đây sẽ phải đóng chặt cửa ngồi im trong nhà để phòng ôn dịch nhập tà giống như ở bên nước Vuhan người ta đang làm ấy. Không dự trữ mai kia khan hiếm lương thực, thực phẩm nó tăng giá lên gấp năm, gấp mười lần thì chết! Riêng nhà mày thì cầm lấy số tiền này, đánh cả xe ngựa đến thương điếm lấy hàng nghe chưa!

- Dạ, con hiểu ạ!

- Hiểu rồi thì đi nhanh!

Tên tiểu nhị kia đi rồi, thương gia Thanhlua lại gọi tiếp mấy tên tiểu nhị khác phân công đánh xe đi chở hàng nạp về thương điếm càng nhiều càng tốt.

   Vậy là sáng hôm sau, người nọ truyền người kia, phố nọ truyền sang phố kia tạo thành một cuộc lở tuyết gây ra tình trạng các thương điếm đông nghịt người đến mua hàng tích trữ.  Thương điếm của Thanhlua cháy hàng. Sau một ngày ồn ào, sáng hôm sau thức dậy thấy phố phường vẫn yên ả, lại được tin Thượng thư Công Thương tuyên bố không bao giờ để đô thành thiếu lương thực, thực phẩm. Phủ Tể tướng chiêu dụ dân chúng nên bình tĩnh, cái con ôn dịch này tuy lây nhiễm nhanh nhưng cũng không phải là dạng nguy hiểm lắm. Không chủ quan, phải đề phòng, chống dịch như chông giặc nhưng không được sợ nó. Theo số liệu triều đình cập nhật thì toàn thế gian có 113.797 ca và đã chữa khỏi 62.488 ca chiếm 55%, số ca tử vong là 3.879 chỉ chiếm 3,4%. Nhưng tập trung chủ yếu là ở bên nước Vuhan chứ ở Á Tế Nam thì nếu không có trường hợp mỹ nữ và đoàn công tác của Thượng thư Chitau đi nước ngoài về gieo bệnh thì chỉ có 16 ca chữa khỏi cả 16. Trong khi đó, thế gian đã từng bị các tà dịch khác tấn công có tỷ lệ tử vong lớn hơn nhiều. Ví dụ tỷ lệ tử vong do Con Sars gây ra là 9,6%; con H1N1 là 17,4%; con Mers là 34,4%; con Ebola là 43,9%. Cao hơn nhiều so với con ôn dịch mới gây ra.

Sau mấy ngày ca nhiễm của Nhuloton đã nâng số ca nhiễm lên 31 rơi vào những người có tiếp xúc với Nhuloton, chưa phát hiện thấy trường hợp nào ngoại lệ.

   Hóa ra cái con ôn dịch này cũng đâu có phải là ghê gớm, nghĩ lại thì nó cũng chỉ như cái con cúm mùa là cùng. Nhiều người có kháng thể tốt chỉ cần uống mấy cốc nước chanh, nước cam hoặc ăn mấy củ tỏi nướng không cần thuốc thang gì cũng khỏi ấy mà. Có điều triều đình quan tâm đến sinh mạng thần dân nên phải phòng chống quyết liệt thế thôi. Không sợ nó nhưng cũng phải phòng chống tốt, không được chủ quan.

   Dân đô thành lúc ấy mới thở phào. Thế là việc nháo lên đi mua lương thực, thực phẩm tích trữ là bằng thừa, hóa ra nhà mình lại thành cái kho nhỏ thay cho cái kho lớn của Thương điếm, mà lại còn bị nó chiếm dụng tiền vốn trong thời gian tích trữ nữa chứ. Vậy là hôm sau, Thương điếm nhà Thanhlua vắng ngắt. Thanhlua cũng chả cần, ngủ khoẻ, chỉ cần một ngày, chỉ một ngày thôi, Thanhlua đã trúng quả đậm rồi!

*

  Đọc đến đây thì do sách cũ nát rất khó đọc. Bập bõm được vài chữ, nghe đâu như là sau đó cô mỹ nữ Nhuloton và các thành viên đoàn công cán của Thượng thư Chitau đều bị chuyển hồ sơ sang Phủ Khai Phong vì vi phạm vào điều cố ý hoặc không cố ý reo rắc dịch bệnh.

Rõ thật là:

Rủi do gặp phải Cô Vi

Dẫu to, dẫu nhỏ cách ly kịp thời.

Muốn biết Phủ Khai Phong sau đó xử thế nào xin xem hồi sau sẽ rõ.

                                                                       Ngày 10/3/2020 Hồi 16h55

ly-bach-copy

Hồi thứ hai

 

ĐÚNG ĐÚNG ĐÚNG ĐÚNG!*

 

    Ngày hôm sau, trong lúc Cầm Thẻn dương kính lên soi từng chữ đọc tiếp cái truyện trên để xem phủ Khai Phong xử như thế nào thì Bố bản sang chơi.

  • Nghe nói chú mày về, không thấy mày sang nhà tao chơi thì tao sang nhà mày
  • Úi! Chào bố! Quý hóa quá. Đang mùa dịch bệnh, được khuyến cáo hạn chế đi lại, vợ chồng tôi tính lên ở trên này một thời gian tránh xa nơi chốn đông người. Vừa mới về tối qua lại đang đọc dở cái truyện hay hay nên chưa kịp sang chào bố!
  • Tao có tờ báo mới cũng đăng một truyện hay hay đem sang cho mày cùng đọc đây!

Vậy là Cầm Thẻn tạm cất cuốn sách cũ của ông ngoại để lại cầm tờ báo từ tay Bố bản. Chuyện ở tờ báo kể:

  Nhà trường tổ chức cho học sinh đi thực tế dã ngoại. Một buổi trường cho các lớp cắm trại bên bờ một bãi tắm trên biển. Biển ở đây đẹp, có bãi tắm cát mịn trắng tinh với hàng dương liễu xanh rì chạy dọc bờ biển rất nên thơ nhưng dưới bến tắm thì có nhiều chỗ người ta cho cắm những cột cờ đen báo hiệu là vùng nước nguy hiểm, yêu cầu du khách không được tắm gần. Tuổi học trò hiếu động nên các em quên béng lời thầy dặn và không chú ý đến lời tuyên truyền của các chú làm nhiện vụ cứu hộ vẫn thường xuyên vang lên trên cái haut-parleurs được gắn trên bờ biển.

  Mải tắm tát chơi đùa vầy nước, Vũ Ái Đa không nghĩ là mình đã trôi dạt đến vùng có cắm cờ đen. Một cơn xoáy ngầm hút Vũ Ái Đa xuống đáy nước rồi chảy thẳng ra ngoài biển xa. Rất may là ca nô cứu hộ đã vớt được Ái Đa khi cậu đã uống no một bụng nước biển mặn. Sau khi đưa lên bờ làm các động tác cấp cứu cho nước ộc ra và hô hấp nhân tạo. Các chú cứu hộ bàn giao lại cho lớp tiếp tục chăm sóc Vũ Ái Đa. Cả lớp xúm vào xoa dầu, nặn bóp những mong cho Ái Đa mau chóng bình phục. Thầy giáo chủ nhiệm do bận hội ý với đoàn Hội đồng Nhà trường về công tác đảm bảo an toàn cho học sinh trong đợt đi dã ngoại kỳ này lúc bấy giờ mới tan họp và đi ra bãi tắm nơi học sinh lớp mình tập kết. Sau khi được biết học sinh Vũ Ái Đa vừa được cứu vớt từ biển lên. Thầy chủ nhiệm tập trung cả lớp:

- Cho thầy hỏi: Em nào đã dũng cảm bơi ra cứu bạn Vũ Ái Đa vừa rồi?

 Một cánh tay dơ cao và một giọng nói rất chi là thánh thót cất lên:

- Dạ thưa thầy em  ạ!

Cả lớp mắt tròn mắt dẹt ngó về phía người vừa giơ tay. Hóa ra là bạn Thân Ngọc Thu. Thân Ngọc Thu nổi tiếng là người mẫu mực, lúc nào cũng đoan trang chấp hành mọi nội quy của lớp, của trường một cách nghiêm túc. Thân Ngọc Thu còn nói thêm:

- Báo cáo thầy giáo, Lớp chúng em do thầy làm chủ nhiệm đã có rất nhiều thành tích trong năm học mới này, sĩ số của lớp trong các buổi học gần như là đầy đủ và ồn định. Học sinh bạn nào đi học cũng mang đầy đủ sách vở, ngồi trong lớp chăm chú lắng nghe thầy cô giảng bài, bài tập về nhà bạn nào cũng làm không bỏ sót, đến lớp ăn mặc quần áo đồng phục tề chỉnh, gọn gàng, đảm bảo sạch, đẹp và ngăn nắp, giờ ra chơi sau khi đi vệ sinh bạn nào cũng rửa tay bằng nước sát khuẩn......chính vì vậy mà học kỳ vừa rồi lớp đã được nhà trường khen ngợi, có rất nhiều học sinh tiên tiến...

- Thôi, thôi! nói vào việc chính đi, em đã cứu bạn như thế nào?

- Dạ! Em đứng trên bờ đã theo dõi rất kỹ, khi bạn Vũ Ái Đa trôi vào  vùng có cắm cờ đen em đã hô lên cảnh báo nhưng không kịp, xoáy nước đã hút bạn ấy ném ra ngoài biển xa...

- Thế em làm thế nào mà cứu được bạn ấy?

- Dạ! Thầy thấy đấy, bạn ấy đã được đưa vào bờ, làm hô hấp nhân tạo, bây giờ đã sắp sửa bình phục rồi ạ!

   Vừa lúc ấy thầy hiệu trưởng xuất hiện. Thầy vỗ vai Thân Ngọc Thu và cao giọng:

- Thật dũng cảm, thật đáng khen! Thay mặt Ban Giám hiệu nhà trường tôi xin biểu dương em Thân Ngọc Thu trước toàn trường!

  Vì là ở bãi biển chứ không phải ở sân hay trong Hội trường nhà trường nên mặc dù có nhiều tiếng vỗ tay tán dương theo lời thầy hiệu trưởng nhưng bị tiếng sóng biển át đi mất ít nhiều.

  Sau khi thầy hiệu trưởng quay đi tiếp tục đến kiểm tra các lớp khác thì có một tiếng nói trong đám học sinh phát ra:

- Học sinh A: Đồ nhận vơ!

- Học sinh B: Mày nói ai nhận vơ?

- Bạn Thân Ngọc Thu chứ còn đứa nào nữa, các chú cứu hộ cứu chứ có phải nó đâu!

- Biết thế, nhưng nó vừa được thầy hiệu trưởng tuyên dương rồi còn gì!

- Thầy hiệu trưởng vừa mới đến chưa rõ đầu đuôi ra sao khen nó là hơi vội vàng!

- Vội vàng cái gì? Mày dám bảo thầy hiệu trưởng sai à?

- Không sai nhưng cũng chưa đúng!

- Thằng này láo, dám bảo thầy hiệu trưởng sai! Mà cả lớp vỗ tay ầm ầm hưởng ứng  nữa chứ, mày định chống lại cả lớp nữa à?

- Không phải cả lớp, khối người không vỗ tay!

- Những thằng không vỗ tay như mày là thiếu ý thức, thầy hiệu trưởng đã khen rồi mà chống lại, mày ghen tị với nó chứ gì? Đồ nhỏ nhen, hẹp hòi, ích kỷ. Cứ nhỏ nhen như mày xã hội bao giờ mới tiến bộ!

- Câm mồm! Loại người thấy chưa đúng không dám nói, chỉ biết tán dương nịnh bợ như mày mới là đồ ích kỷ, cá nhân, ton hót chực miếng ăn, đồ hèn! Mày xứng đáng được nghe một câu thơ cũ như này nha:“Lũ khỉ được ăn bày lắm chuyện/ đàn chim chực miếng hót ra tuồng...”

Thầy giáo chủ nhiệm thấy có to tiếng trong đám học sinh bèn tiến lại hỏi:

- Hai em cãi nhau gì đấy?

- Dạ thưa thầy, thằng này nó dám nói thầy hiệu trưởng khen bạn Thân Ngọc Thu lúc nãy là không đúng!

- Tao chỉ nói là chưa đúng thôi!

- Chưa đúng với không đúng thì cũng thế cả!

- Khác! Không đúng là khẳng định không, còn chưa đúng có nghĩa là vẫn có ý đúng và có ý không đúng!

- Thôi, thôi! hai em đừng tranh luận nữa, các lớp khác nó đang nhìn vào kia kìa!

   Lúc ấy, do hai bạn to tiếng nên thầy hiệu trưởng đã quay lại từ bao giờ không biết và thầy đã thủng ra câu chuyện. Sau khi ổn định lại trật tự, thầy nói:

- Thưa các em! Lúc ban nãy thầy có tuyên dương em Thân Ngọc Thu nhưng thầy tuyên dương là tuyên dương cái tinh thần đề cao cảnh giác, tinh thần hết lòng vì phong trào của nhà trường chứ thầy không tuyên dương cái việc em ấy nhận mình là người cứu nạn.

Nhiều học sinh lại nhao nhao:

- Dạ, thưa thầy, đúng đúng ạ! Thầy nói đúng lắm ạ!

- Học sinh A: Thằng B kia, sao bây giờ mày vẫn to mồm thế?

- Học sinh B: Thì thầy hiệu trưởng chả vừa nói đấy sao? Thầy bao giờ chả đúng!

Vậy có câu rằng:

Bề trên mà đã nói ra

Đúng đúng đúng đúng, đúng là đúng thôi!

Muốn biết bố con nhà Bố bản còn làm tiếp những trò gì, xin xem hồi sau sẽ rõ.

·       (Nhân sự kiện Việt Nam không cho tàu Westerdam vào cảng nhưng Cambodia lại đồng ý cho cập cảng Sihanoukville. Trong khi đó lại có một bài thơ của một cô giáo nói sẵn sàng đón nhận)

 

                                                                               Ngày 11/3/2020 Hồi 4h30

Hồi thứ ba

 

SÁT KHUẨN

 

    Nhân dịp Thủ tướng Chính phủ chỉ thị Đẩy mạnh phòng chống dịch Covid19 trong tình hình mới, một đội tuyên truyền tình nguyện trong giới Văn nghệ sĩ được thành lập đi lên các vùng núi phía Bắc để tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phòng và chống con vi rút Sars-Cov-2 quái ác. Đoàn tuyên truyền tình nguyện này gồm có nhà văn Trần Du Hý làm trưởng đoàn, bác sĩ tiến sĩ Y Thị Đào làm Hướng giảng (hướng dẫn, giảng giải) và Lão nông làng Cổ cò làm lái xe. Chả là lão Chũm Bò từ ngày xảy ra dịch Covid19 bèn bán tất cả đàn bò mua được một cái siêu xe nhãn hiệu (Lamborghini Murcielago SV) Lăm Mút xi của Ý có gắn biểu tượng con bò vàng ở đầu xe. Nghe nói chiếc xe này lão Chũm phải huy động thêm tiền chứ đàn bò trăm con của lão cũng chỉ có giá bẳng nửa chiếc xe. Cả đất nước này cũng chỉ có mấy đại gia nổi tiếng có đủ khả năng sở hữu. Hỏi Chũm Bò là lão tuy giàu có thật nhưng cũng không thể sánh được với các đại gia kia làm sao mà lại dám tậu cái con xe sang ấy? Lão cười nhăn răng bảo: Chăn bò cả đời chán rồi, bây giờ tậu xe sang bắt trước đại gia đi làm từ thiện. Đại gia ấy đi bằng cả một giàn xe, mình kém hơn thì đi một chiếc thật đắt tiền cũng được. Vậy nên khi bác Trần Du Hý thành lập đoàn tuyên truyền là Chũm Bò xung phong ngay tắp lự, đánh xe dong duổi từ làng Cổ Cò xuống Thủ đô còn đi một vòng quanh thành phố đón người nhân tiện khoe xe luôn.

    Đoàn đã đi qua mấy tỉnh Tây Bắc từ Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai qua Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, hôm nay đến Hòa Bình là điểm cuối của một vòng. Sau đó về Hà Nội nhận thêm thông tin và chỉ thị rồi lại có kế hoạch đi tiếp sang vùng núi Việt Bắc. Đối tượng hướng dẫn của đoàn là các văn nghệ sĩ và nhà báo ở các tỉnh để làm nòng cốt tiếp tục hướng dẫn đến người dân. Đến Hòa Bình thì được nhà thơ chủ tịch Hội tổ chức cho đoàn làm việc trên Bản Lác để tránh nơi đông người. Vậy là Cầm Thẻn được Bố Bản gọi đến sai việc lăng xăng phục vụ đoàn.

  Đầu tiên là treo những bức tranh do nhà văn họa sĩ Trần Du Hý múa cọ lên, Cầm Thẻn ngó vào thấy xanh đỏ tím vàng từa tựa như mấy cái thổ cẩm của nhà Bố Bản, nhưng rồi phát hiện ra là cụ Trần Du Hý vẽ mấy cô gaí Hoa hậu khỏa thân. Cầm Thẻn thích quá ngắm mãi, lại còn gọi Bố Bản xuống cùng xem. Bố Bản ngắm một lúc bỗng kêu: kinh quá, kinh quá!!! Hóa ra cái vương miện của mấy cô hoa hậu lại chính là con virut Sars-Cov-2. Lúc ấy Cầm Thẻn mới nhìn kỹ thì đúng là thế thật. Lúc nãy hắn chỉ chú ý đến phía dưới mấy cái đùi mà không ngắm lên đầu các cô hoa hậu!ka..ka!!! Cụ Trần Du Hý thâm ý thật, cứ ham của lạ, nó là con virut chết người đấy!

  Bắt đầu đến lượt giảng viên Tiến sĩ bác sĩ Y Thị Đào giảng bài hướng dẫn. Bà này giảng thì đúng chuyên ngành của bả nên giảng giải rất kỹ, Cầm Thẻn nghe ù hết cả tai. Chỉ đến đoạn hướng dẫn 6 động tác rửa tay bằng cồn thấy dễ hiểu và thú vị vì bác sĩ còn hát một bài hát kèm theo vũ điệu rất hay và đẹp mắt. Sau khi múa một lần, bác sĩ yêu cầu mọi người phải học điệu múa này. Bọn Hương mơ, Hương Thị, Quốc Khánh, Hải Bùi...hoạt bát và tiếp thu nhanh lên sân khấu cùng bác sĩ vừa hát vừa múa rất điệu đà:

Cùng rửa tay xoa xoa xoa xoa đều

Đừng cho tay lên mắt mũi miệng

Và hạn chế đi ra nơi đông người

Đẩy lùi virus Corona Corona....

    Riêng Bố bản và Cầm Thẻn tiếp thu chậm thì ngồi xem thấy rất thích mắt. Chậm cái này nhưng lại nhanh cái kia, bỗng nhiên Bố bản chợt phát hiện ra điều gì đó bèn giơ tay xin phát biểu. Được sự đồng ý của trưởng đoàn Trần Du Hý, Bố bản đứng lên nói:

- Thưa cô giáo, sát khuẩn tay, chân, quần áo thì cô giáo đã giảng giải rồi. Thế còn sát khuẩn trong cổ họng thì làm thế nào? Cái con Virut này nó chẳng chui từ cổ họng để vào phổi sao!

Cầm Thẻn cũng ra điều ta đây thông minh bèn nói ngay:

- Thì đổ nước rửa tay vào súc miệng kỹ rồi nhổ bỏ đi là được chứ gì!

- Đồ ngu! ai lại đổ nước rửa tay vào mồm! (Bố bản quay sang quát)

- Ừ nhỉ, còn cái chỗ ấy thì làm thế nào? (nhiều người có chung câu hỏi)

 Cô giáo bác sĩ giảng viên Y Thị Đào giảng giải tiếp:

- Cái này nếu là nam giới thì có thể ngậm một ngụm rượu có độ cồn khảng 35 độ là được!

- Ha, ha!!! Chuẩn chuẩn, không phải một ngụm đâu, làm luôn cả chai càng tốt chứ! (Cầm Thẻn reo)

- Không được, chỉ một ngụm thôi mới có tác dụng. Các anh uống nhiều vào làm người mệt mỏi thì con virut nó sẽ tấn công ngay! (bác sĩ khuyến cáo)

- Thôi được, cứ biết thế đã!

- Đấy là đàn ông, thế còn các bà sợ rượu thì làm thế nào?

- Ừ nhỉ, thế các bà thì làm thế nào?

 Lúc ấy bà vợ Bố Bản mới lên tiếng:

- Chả  nào cả, cứ nhai trầu như tôi thì chả sợ cái con virut vi riếc gì hết!

- Ừ đúng, trầu có vôi sát khuẩn rồi còn gì!

- Thế những người không ăn trầu thì làm thế nào hả cô giáo?

Cô giáo Y Thị Đào suy nghĩ một lúc rồi trả lời:

- Câu hỏi này để tôi về xem tài liệu và tham khảo thêm Ban chỉ đạo Phòng chống Dịch bệnh Thành phố rồi trả lời sau nha! Cuộc tập huấn đến đây là kết thúc phần lý thuyết. Bây giờ các đồng chí chuyển sang phần thực hành!

 Mấy lọ nước rửa tay được đem ra. Việc rửa tay đúng chuẩn 6 bước cũng không khó mấy nên mọi người nhanh chóng nắm được kỹ thuật. Nhưng còn việc rửa họng thì tổ tuyên truyền không có đem theo rượu. Cầm Thẻn vội lên tiếng:

- Nhà Bố bản thiếu gì Rượu Núi!

  Bà vợ Bố bản quay sang Cầm Thẻn thủng thẳng:

- Từ cái đận mày bắn tên sượt mang tai lão Lò nhà ta, tao không thèm nấu rượu cho lão ấy nữa. Cho bố con mày uống lắm vào để động cỡn à!

Cầm Thẻn nhìn Bố bản, Lò Bố bản có vẻ lúng túng. Vậy là Cầm Thẻn lên tiếng luôn:

-Không sao! Bên nhà chị Lường Thị Mây đầy rượu, thỉnh thoảng tôi vẫn ghé qua đấy xin một hai chén mà. Bây giờ nhờ bác Chũm Bò đánh xe sang nhà chị ấy để mua!

- Có mấy bước chân làm gì mà phải đánh xe!

- Phải đánh xe, trước hết là đi một vòng quanh bản để cho cả bản biết có đoàn công tác trên Trung ương về tuyên truyền phòng chống dịch bệnh. Sau nữa sang chị Mây nó  oai thì chị ta mới cho rượu chứ! Mà cả Bố bản phải đi cùng!

- Mày đi một mình thôi, cần gì phải lắm người! (bà vợ Bố bản nói với Cầm Thẻn)

- Không được, thực tập đông người thế này phải mất hàng hũ rượu mới đủ. Mình tôi đi làm sao mà chị ấy cho nhiều thế. Phải có cái uy của Bố bản mới được!

  Thế là ba người xuống cầu thang rồi lên xe. Khi xe chạy qua nhà chị Mây thì Cầm Thẻn bảo:

- Thôi! bây giờ chỉ cần một mình Bố bản vào nhà chị Mây xin rượu thôi, vào một mình có khi lại dễ xin hơn ấy chứ. Hôm nay tôi đã đưa cho bố một đường ban rất đẹp rồi đấy nhé!

  Bố bản thấy cũng có lý, thầm cảm ơn thằng Cầm Thẻn, hóa ra nó cũng khôn lanh đáo để. Từ sau hôm nó bắn tên sượt mang tai, mụ vợ quản chặt, mấy lại cũng phải gữu gìn, chẳng gì thì cũng là quan chức đứng đầu bản, còn người ta trông vào nên lâu lắm Bố bản cũng không gặp được Lường Thị Mây. Cũng nhớ lắm!

  Vậy là Bố bản xuống xe. Còn Cầm Thẻn thì nhấy lên ngồi ghế trước để Cho Chũm Bò đánh xe dạo quanh bản, còn cố tình bấm phím tự động cho kính quay xuống, thỉnh thoảng thấy dân bản lại thò đầu ra ngoài vênh mặt đắc chí.    

  Xe dừng ở cửa nhà Cầm Thẻn. Trong khi Chũm Bò còn đang lùi lùi tiến tiến chỉnh lại chỗ đậu xe cho gọn thì Cầm Thẻn đi thẳng vào nhà trong. Vợ Cầm Thẻn thấy thế hỏi:

- Đi đâu về mà lao như bò húc ấy thế?

Cầm Thẻn không nói gì, lao ngay vào khu bếp lấy chai rượu Cánh đồng Nga (Русскoе поля) của nhà văn Lương Sy Ky vừa tặng hôm trước tu luôn một hớp to. Vợ Cầm Thẻn chu chéo:

- Lại rượu, chưa về đến nhà đã rượu!

 Cầm Thẻn cầm chai rượu đi ngay qua vợ rít răng nhưng nói nhỏ:

- Câm mồm! Nhà đang có khách!

Hắn vớ lấy một cái chén ở bàn uống nước rồi xuống cầu thang mang chai rượu đi ra. Vừa lúc Chũm Bò đi qua cổng. Hai người gặp nhau giữa sân, hắn rót một chén đưa cho Chũm Bò:

- Ông uống ngay đi!

 Sau đó hai người cùng trèo lên cầu thang. Cầm Thẻn giới thiệu với vợ:

- Giới thiệu với bà đây là nhà văn Chũm Bò bên làng Cổ Cò Phú Thọ. Đánh xe bò đưa tôi về chơi nhà. Lúc nãy tôi chưa thể nói với bà vì còn phải uống rượu diệt khuẩn cổ họng xong mới nói được để đề phòng con virut gây dịch bện Covid19.

- Sao lại đánh xe bò? Xe bò làm sao đi từ làng Cổ Cò sang đây được?

Cầm Thẻn xua tay:

- Bà không hiểu, xe bò là cái xe ô tô con của bác ấy. Nhãn hiệu Lăm Mút xi của Ý Đại Lợi, đắt tiền lắm. Bốn cái đàn bò của nhà Bố Bản mới mua nổi chứ chơi à. Vì cái xe này có gắn mác một con bò vàng nên gọi là xe bò!

- Á à! Bác Chũm Bò sang nhỉ!

Nói xong hắn lại rót ra hai chén rượu đầy đẩy sang Chũm Bò một chén:

- Nào, uống một chén nữa đi để sát khuẩn tận gốc!

- Bác sĩ bảo chỉ một ngụm mà sao uống lắm thế?

- Ồi dào! Bác sĩ nào mà chả khuyên thế. Nó bảo uống 1 thì có nghĩa là mình phải uống 3 mới đủ liều!

- Thôi, thôi! Tôi còn lái xe. Cảnh sát nó phạt thì nguy chứ đâu có đùa được!

- Ừ nhỉ! Mà cái xe của ông nó mà giữ thì sót lắm. Hàng triệu đô chứ có phải bỡn đâu!

Nói xong, Cầm Thẻn với tay lấy nốt chén rượu bên phía bàn Chũm Bò uống nốt! Hắn khà một tiếng rồi nói:

- Đến cả cụ kỵ họ hàng con virut cũng không làm gì được ông chứ đừng nói là có một mình nó!

Cả Cầm Thẻn và Chũm Bò cười vang.

Vậy có thơ rằng:

Rửa tay đã có lọ cồn

Rượu sát khuẩn họng người khôn nên dùng.

    Muốn biết bác sĩ Y Thị Đào khuyên chị em sát khuẩn cổ họng bằng thứ gì xin xem hồi sau sẽ rõ.

                                                                          Ngày 12/3/2020 Hồi 03h30

Hồi thứ tư

 

MỘT TÊN, HAI ĐÍCH

 

    Lại nói sau khi đội Tuyên truyền của bác Trần Ham Vui về Hà Nội rồi, Cha con Bố bản và Cầm Thẻn đợi mãi cả tuần mà cũng không thấy thông tin của bác sĩ Y Thị Đào thông báo về việc dùng thứ gì để sát khuẩn cổ họng cho phụ nữ không biết uống rượu, không biết ăn trầu. Bố bản nói với Cầm Thẻn:
- Thôi mày về Hà Nội đi, đến gặp các vị ấy xem thế nào chứ cánh phụ nữ cả bản họ kéo đến nhà tao hỏi hoài à. Phải trả lời cho người ta chứ!
Lại phải kể thêm chi tiết này hơi dài dòng một tý là Cầm Thẻn thực ra hắn là người Kinh quê ở Hà Nội, nhưng vì khi còn là cán bộ Nhà nước hắn làm việc cả đời trên vùng Tây Bắc, sau đó lại lấy vợ người Thái ở Bản Lác nên các vị lãnh đạo vùng này cho hắn nhập vào cộng đồng người Thái và tặng hắn họ Cầm chứ thực ra hắn có họ Nguyễn. Đến khi về hưu, con cái nhà hắn học hành xong thì ở luôn Hà Nội làm việc không chịu về. Vậy là vợ hắn nằng nặc đòi về ở với con để trông cháu. Riêng Cầm Thẻn ở rừng mãi quen rồi nên hắn tuy phải theo vợ về ở với con nhưng hắn vẫn để lại cái nhà ở Bản Lác để thỉnh thoảng nhớ rừng quá thì về. Nghe Bố bản nói thế, Cầm Thẻn trả lời:
- Thế thì bố đi cùng vợ chồng con về ở nhà con vài ngày. Vừa là công việc, vừa là xả hơi mấy hôm thăm thú Hà thành.
- Nhưng về đấy chật chội, túng bí lắm, tao không quen.
- Bố yên tâm đi, nhà con mỗi người một phòng, bố về ngủ với tôi, không làm phiền ai cả!
- Ừ , thế thì đi!
Bây giờ đi lại thuận tiện, ra ngay đầu bản đã có xe chở khách tiện nghi đầy đủ đón chạy thẳng một lèo về bến xe Yên Nghĩa. Cái xe 45 chỗ ngồi rộng thênh thang mà khách chỉ có bố con nhà Bố bản và vợ Cầm Thẻn, chạy mãi về đến thành phố Hòa Bình mới đón thêm được mươi người nữa, thời Đại dịch người ta cũng ít đi lại hơn. Về đến bến xe Yên Nghĩa, Bố bản lại được vợ chồng Cầm Thẻn dẫn luôn lên xe buýt BRT chạy tuyến dành riêng gọi là xe buýt nhanh. Tại nhà chờ, thấy Cầm Thẻn mua có một vé, tưởng nó không mua vé cho mình, Bố bản móc ví lấy tiền thì Cầm Thẻn hỏi:
- Bố móc ví tiền làm gì?
- Thì tao mua vé chứ làm gì nữa!
- Vé của bố đây rồi!
- Thế còn vé của vợ chồng mày?
- Chúng tôi có thẻ miễn phí đây rồi, ở Hà Nội cứ ai 60 tuổi trở lên có nhu cầu đi lại nhiều thì đến sở nhà xe xin cấp thẻ miễn phí!
- Ồ! dân Hà Nội sướng quá nhỉ!
Về đến nhà, Cầm Thẻn bảo Bố bản:
- Cũng trưa rồi, chiều nay tạm nghỉ đã, sáng mai ta mới bắt tay vào công việc bố ạ!
- Nhà mày cũng rộng rãi đấy nhỉ, tao cứ nghĩ ở Hà Nội nóng bức nên ngại! Chứ thế này thì tốt!
- Nhà tôi còn có cái vườn rau đằng sau nhà nữa kia!
-Nhà chung cư mà cũng có vườn rau?
-Ồ, thế mới thú vị chứ. Hồi mới về tôi có một bài thơ vui, bố nghe nha:
Quen rừng núi rộng mênh mông
Về ở Hà Nội, đất không tấc nào
Như chuồng chim tít trên cao
Ngắm xung quanh những chênh chao nhà, đường
Ra vào quanh mấy bức tường
Bạn cùng bàn ghế, tủ giường, ti vi
Có cái sảnh chẳng làm chi
Rỉ tai vợ nói vân vi thế này:
“Ngày mai anh góp một tay
Lấy đất biến nó thành ngay caí vườn”
Bây giờ hành, húng đang ươm
Mồng tơi, rau muống xanh rờn mà vui
Rau sạch, chan húp sụp sùi
Chồng khen mát ruột... chân, đùi mát lây!...

- Ha, ha! Được đấy! Cả bài vè của mày xoàng xoàng nhưng  được câu cuối cứu lại!
    Chiều hôm ấy, Cầm Thẻn đưa Bố bản lên Công viên Thung Lũng  Hoa Hồ Tây chơi. Đang đại dịch nhưng công viên cũng vẫn có một ít người đến chơi và chụp ảnh. Khỏi phải nói, Bố bản mê tít vì nhiều loài hoa đủ các màu đẹp đến mê hồn. Bố bản đang say mê yêu cầu Cầm Thẻn bấm máy hết chỗ nọ đến chỗ kia thì có một bảo vệ đến đưa cho bố một cái khẩu trang.
- Đây là khẩu trang phát miễn phí, mời du khách đeo vào!
- Tao không quen đeo khẩu trang, bí bách lắm!
- Nhưng đang có dịch, đề nghị bác phòng cho bản thân và cho cả cộng đồng!
- Nhưng tao đang chụp ảnh mà đeo khẩu trang thì còn gì là ảnh!
- Khi nào bấm máy bác có thể tạm thời gỡ ra. Nhớ là cầm vào hai cái quai trên tai chứ đừng cầm vào giữa khẩu trang nha!
    Bố bản nhìn ngang, ngó dọc thấy mọi người ai cũng đeo khẩu trang thật. Bố đành cầm lấy cái khẩu trang từ tay anh nhân viên bảo vệ. Nhưng quen kiểu lý cùn ông Mèo, bố vẫn quài thêm một câu:
- Thì tất cả mọi người đeo khẩu trang rồi, có mỗi một mình tao thì đeo hay không đeo cũng chả ảnh hưởng gì đến ai!
   Nói là nói vậy nhưng Bố vẫn gỡ dây cái khẩu trang đeo lên vành tai.
   Sáng hôm sau, gọi mãi mà bà bác sĩ Y Thị Đào có chuông nhưng không trả lời, bố con Bố bản đành phi thẳng đến nhà trưởng đoàn Trần Du Hý. Chỉ đến khi ấy bố con nhà Bố bản mới được nhà thơ, họa sĩ Trần Du Hý cho biết là bà bác sĩ Y Thị Đào đang bận chăm sóc ông chồng nằm viện Hữu Nghị Việt-Xô vừa cắt mất cái bao tử. Hóa ra là vậy! Họa sĩ Trần Du Hý còn cho biết đội Tuyên truyền do mình tự thành lập nên mình cũng có quyền tự giải tán. Không có bà bác sĩ thì ai tuyên truyền đây! Chả nhẽ chỉ đem mấy bức tranh nuy của họa sĩ đi à, chả tác dụng gì, có khi lại còn bị dân bản chửi rủa, đánh đuổi thì có. Lão Chũm cũng bị vợ gọi về, nhà lão ấy vẫn còn mấy con bò gầy đợt trước chưa bán được, bây giờ lão phải về chăm sóc chúng. Lò Bó Bản lo lắng ra mặt, về bản bây giờ mà không có phương án sát khuẩn cổ họng trả lời chị em thì còn gì uy tín của Bố bản nữa. Bỗng Cầm Thẻn nghĩ ra một cách giải quyết:

- Trong giới nhà văn chúng ta còn rất nhiều bác sĩ, như là nhà thơ bác sĩ Vũ Quần Phương, nhà văn bác sĩ Vũ Oanh, nhà văn bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc....Hay là ta đến nhờ họ giúp xem sao?

Nhà thơ Trần Ham Vui tham gia:

- Không ăn thua gì đâu, các ông ấy là bác sĩ chính tắc, học hành có bằng cấp tử tế, họ mà đã công bố thì phải là công trình nghiên cứu  khoa học được công nhận chứ liên quan đến sức khỏe con người thì họ không làm ẩu đâu!

- Nhưng mà là xin ý kiến họ thôi chứ có yêu cầu họ công bố công ban gì đâu!... Thôi được, em có cô bạn  là Phương Thảo Phạm, chắc là cô ấy sẽ giúp!

- Ồ ồ!!!Cũng không được rồi (nhà thơ Trần Du Hý lại lên tiếng), Phạm Phương Thảo mấy năm trước có tập thơ được giải ở bên Pháp nên sau này hay sang Pháp giao lưu. Nghe đâu như có cuộc liên hoan thơ gì đó ở bên ấy do một cô bạn cũng là tiến sĩ, bác sĩ làm thơ tên là Nina Nguyễn Thúy Nga mời, cô Nguyễn Thúy Nga với Phạm Phương Thảo năm ngoái có làm chung một buổi ra mắt sách “Từ Sông Hồng đến Sông Sel”. Cùng ở ngành Y, cùng là nhà thơ nên họ thân nhau.  Thảo vừa về đêm hôm qua nhưng là vì từ ở nước có dịch về nên cô ấy đang tự cách ly tại nhà riêng. Không gặp được đâu, muốn gặp thì ít nhất 14 ngày sau nhé!

    Thế mới chết chứ! Hai bố con đành ra về. Trước khi chia tay, họa sĩ Trần Du Hý còn tặng cho hai bố con mấy bức tranh vẽ thiếu nữ khỏa thân, nhưng lần này là thiếu nữ ngon tơ thật chứ không có cái vương miện giống hình con virut trên đầu nữa.
Trên đường về. Cầm Thẻn nghĩ ra một kế nói nhỏ với Bố bản:
- Tôi nghĩ ra rồi bố ạ!
- Nghĩ cái gì?
- Là cái thứ dùng để sát khuẩn cổ họng chị em phụ nữ ấy!
- Mày có phải bác sĩ đâu mà nghĩ ra được cái thứ ấy!
- Bố nghe đây! Lại chả bằng bố bác sĩ ý chứ! Thế này nhé: Lấy thuốc tránh thai cho chị em ngậm để sát khuẩn cổ họng!
- Thằng này chỉ bố láo! Thuốc tránh thai là để tránh thai chứ làm sao lại để sát khuẩn cổ họng.
- Thuốc tránh thai nó còn giết được cả cái thứ nước sướng trong bụng chị em thì làm sao lại không giết được vi khuẩn. Để tôi nói cho bố hiểu: Tinh trùng của đàn ông là một tế bào hoàn chỉnh và phức tạp, nó còn chứa được cả một thông tin gen khổng lồ thế mà vẫn bị thuốc tránh thai tiêu diệt. Còn cái con virut Sars-Covi-2 chỉ là một cấu trúc hết sức đơn giản, nó gồm một cái nhân acid nucleic và lớp vỏ kép bên ngoài gồm lớp Protein và cái áo Lipid ở ngoài cùng. Chính vì vậy mà người ta khuyên rửa tay bằng xà phòng là thế, xà phòng làm cho lớp Lipid rữa ra là toi đời con virut. Giống như ở nhà bà Lò Bố bản rửa bát phun một tý nước rửa vào, bao nhiêu mỡ bám vào soong, nối, bát, đĩa sạch bong, chỉ cần một tý xà phòng đã diệt được nó, đằng này lại là cả một viên thuốc tránh thai thì làm sao mà không diệt được!
- Ừ, mà mày nói cũng có lý đấy nhỉ!
- Là để xử lý tình thế trong lúc này chứ cái này không phổ biến rộng được. Chỉ để bố đỡ khó khi chị em bản ta đến hỏi thôi. Còn họ dùng hay không thì kệ họ. Mà họ dùng cũng tốt chứ sao. Đang vận động sinh đẻ có kế hoạch. Diệt bớt quả bom reo rắc từ cái cần tăng dân số của mấy bố lại chả tốt à! Một mũi tên, hai mục đích nhá!
Cả hai bố con cùng cười khoái chí Bỗng Cầm Thẻn kéo áo Bố bản:
- Bố đứng nguyên đây đợi một lát!
Cầm Thẻn chạy vào một cửa hàng dược bên đường. Khi quay ra hắn cầm một cái túi giấy đưa cho Bố bản:
- Đây là quà của tôi tặng bố. Quà chính là ở trong túi, còn cái túi cũng là quà, nó làm bằng giấy tốt, rất bền để sử dụng được nhiều lần, có thể tiếp tục cho các bà dùng để đi chợ. Có điều khi không dùng nữa vứt đi thì nó sẽ nhanh chóng bị phân hủy, không gây ô nhiễm môi trường như túi làm bằng nilon. Nhưng thứ quà chính ở bên trong là mấy vỉ thuốc tránh thai đấy. Bố đem về tặng lại cho chị Lường Thị Mây nha!
- Cha bố thằng này! chỉ được cái....
Cầm Thẻn nhìn thẳng vào mặt Bố bản nháy nháy mắt cười ranh mãnh:
- Chỉ được cái hiểu ý bố thôi!
Lần này thì cả hai bố con nhà Lò Bố bản và Cầm Thẻn cười to hơn, tươi hơn! Rõ thực là:

Một tên bắn trúng cả hai

Vừa sát khuẩn, vừa tránh thai tuyệt vời.
  Muốn biết món quà Cầm Thẻn mua cho Lò Bố bản đến tay chị Lường Thị Mây như thế nào xin nghe hồi sau sẽ rõ.

                                                                            Ngày 13/3/2020 Hồi 3h30

 

 

Hồi thứ năm

 

CHÁY NHÀ, RA MẶT CHUỘT

 

     Lại nói bố con nhà Bố bản và Cầm Thẻn tìm ra cách giải quyết gỡ tình thế dùng thuốc tránh thai thay cho thuốc sát khuẩn cổ họng cho chị em phụ nữ ở Bản Lác trong mùa đại dịch thì phấn khởi ra mặt, giải tỏa được mối lo, gỡ được một bàn thua trông thấy cho Bố bản, nhất là vào thời điểm sắp sửa Đại hội bầu lại chức Trưởng thôn. Tuy là chức bé nhất, không còn có đơn vị hành chính nào nhỏ hơn nhưng trong bản cũng vẫn có nhiều tay nhòm ngó, chạy chọt, chỉ mong cho Bố bản bật đít khỏi chiếc ghế nhỏ ấy để hắn thay thế. Ngoài ra lại còn có mấy lão cấp trên cũng đang chống lưng cho những đối thủ tranh ghế với Bố bản nữa chứ, ngồi được ở cái ghế ấy cũng có dễ gì. Vậy là trong đầu Bố con nhà Bố bản hôm nay rất chi là nhẹ nhõm, thoáng hoạt. Cầm Thẻn nói với Bố bản:

- Hôm nay bố con mình nghỉ hẳn một ngày lên Đại Lải thăm bạn bè, đang có một cái trại viết của Hội VHNT các dân tộc Thiểu số ở trên ấy. Nghe đâu như có cả các bác Pờ Sảo Mìn, Mã A Lềnh đang ở đấy. Lên giao lưu làm chén rượu ngô Mường Khương  của Pờ Sảo Mìn sát khuẩn cổ họng cho đã!

- Không được đâu, xong việc rồi, tao phải về thôi. Đi chơi lung tung, lang tang về bị con mẹ già ở nhà nó phát hiện thì gay. Mấy lại sắp Đại hội rồi, phải giữ gìn chứ!

- Bố buồn cười nhỉ, rõ là Khốt Ta Bít. Bố đang đi công tác, về Hà Nội gặp đội Tuyên truyền để lấy kết quả về thuốc sát khuẩn cổ họng cho chị em. Ai dám nói bố đi chơi. Nhất là về lại có kết quả mỹ mãn nữa. Thằng  nào, con nào dám í ới thì nhét luôn cả vỉ thuốc tránh thai vào mồm nó ấy chứ!

- Ừ thì thôi, nghe mày! Lên đấy chuyện trò hàn huyên lại làm dăm chén rượu ngô của lão nhà thơ người Pa Dí cũng thơm đấy! Nhưng giao lưu buổi trưa xong thì tối về Hà Nội để mai tao về bản sớm!

- Cứ biết đi đã. Mà xin thưa với bố là trên ấy còn có món nhắm “nai tơ” đưa cay tuyệt hảo nữa đấy nha. Mấy khi có dịp trốn được bà lão để đi du hý. Phải tranh thủ lợi dụng tý chứ bố!

Thế là bố con nhà Lò Cầm lên đường ngay. Từ Hà Nội lên Đại Lải chỉ phút mốt bằng xe buýt là tới. Ở bến xe Mỹ Đình, Cầm Thẻn gặp một cô gái ăn vận, trang điểm rất mốt và khá xinh đẹp:

 -  Dạ em chào anh Cầm Thẻn! Dạ cháu chào bác!

 - Vâng! thế chị là...

- Em là học sinh khóa 9 lớp Bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du do thầy Vũ Đảm làm chủ nhiệm có bút danh là Ái Nhĩ ạ!

-  À, ra thế!

   Chả là khóa học nào nhà văn Vũ Đảm cũng mời Cầm Thẻn đến dự khai mạc và bế mạc lớp để ghi hình làm tư liệu. Nhiều khóa còn  mời cả Cầm Thẻn cùng thày trò đi thực tế giữa kỳ học nữa nên nhiều học sinh biết Cầm Thẻn. Nhất là các học sinh nữ rất thíc ảnh Cầm Thẻn chụp. Hắn bao giờ cũng xử lý hậu kỳ cho ảnh nên chị em phái đẹp mê li khi thấy ảnh của mình lung linh như hoa hậu Hàn Quốc dưới ống kính của hắn.

- Ồ, vậy à! Xin giới thiệu với Ái Nhĩ đây là nhà thơ Rượu Núi có biệt danh là Lò Bố Bản ở Tây Bắc về chơi. Trông bố thế nhưng tuổi thì còn kém anh vài tuổi, vì bố làm trưởng thôn nên được tôn lên hàng Bố. Vậy nên em đừng gọi là bác, nhà thơ thì không bao giờ là bác. Cứ gọi là anh thôi nha!

- Dạ! Em chào anh Rượu Núi ạ! Nghe tên anh đã lâu lắm, từ ngày anh được giải nhất thơ trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội cơ, nhưng hôm nay em mới được tiếp kiến, quý hóa quá! Vậy chứ hai anh đi đâu giờ?

- Đi lên Đại Lải chơi với mấy nhà văn, nhà thơ đang dự trại trên ấy!

- Úi! Cho em đi cùng với. Em vừa thăm bố mẹ từ trên quê về, ở nhà cũng không có việc gì bận rộn nên được đi với các anh một ngày cũng tốt, Được giao lưu với các nhà thơ gạo cội thì tuyệt cú mèo!

  Thế là lại thêm một người bạn đường xinh đẹp cùng đi. Trên đường đi, Cầm Thẻn gọi điện thoại cho nhà thơ Pờ Sảo Mìn. Ông bảo cả Trại đang đi thực tế, chiều  mới về. Ông nói ông sẽ báo cơm tại Nhà sáng tác, đừng đi ăn ngoài. Rượu ngô Mường Khương ông đem đi còn nhiều.

  Đến Đại Lải còn sớm, hai bố con chưa biết ngồi đâu để đợi đến chiều thì Ái Nhĩ nhanh nhẹn nói:

- Đây là sở trường và cũng là xứ sở của em. Bây giờ hai anh để em điều hành. Mấy khi được phục vụ nhà thơ Rượu Núi nổi tiếng từ Tây Bắc về!

- Em quê đâu mà bảo đây là xứ sở của mình?

- Nhà bố mẹ em ở xã Sơn Lôi huyện Bình Dương tỉnh Vĩnh Phúc, còn em làm hướng dẫn viên du lịch, nhà em ở Hà Nội nên không lạ gì các điểm vui chơi quanh khu vực Thủ đô!

Vậy là suốt từ trưa đến chiều hôm ấy, Ái Nhĩ dẫn Bố Bản và Cầm Thẻn đi khắp nơi. Buổi trưa, Ái Nhĩ dẫn hai người vào nhà hàng đặc sản có cái biển hiệu: “Chim To Dần”. Lò Bố bản có vẻ băn khoăn, ông hỏi:

- Sao lại đặt tên quán tục tĩu, phản cảm thế?

- Dạ, không tục đâu ạ! Quán này họ phục vụ đầu tiên là món chim sẻ, mỗi người chỉ một con thôi nên sẽ ăn tiếp các loại chim di, chim vẫy, chim ngói. Cứ món sau là một loài chim to hơn nên họ đặt tên sát với dịch vụ của họ đấy ạ!

- À, thế cũng có lý!

   Buổi chiều, Ái Nhĩ gọi taxi dẫn tiếp hai người đi thăm thú các điểm vui chơi từ Bản Rõm đến tận Phủ Thành Chương. Lại còn vào thăm cả sân gôn, gặp gỡ toàn những gôn thủ nổi tiếng, có cả nhiều người nước ngoài đến từ Đức, Ý, Pháp...

  Chiều tối, sau khi giao lưu uống rượu ngô Mường Khương với các văn nghệ sĩ dự Trại tại Nhà sáng tác Đại Lải. Ái Nhĩ nháy Bố bản khước từ không nghỉ lại ở Nhà Sáng tác. Mặc dù họa sĩ Trại Trưởng Trần Thái cùng nhà thơ Pờ Sảo Mìn, họa sĩ Ngân Chài, nhà văn dịch giả Đăng Bẩy, nhà văn Lương Ky...và nhiều văn nghệ sĩ khác rất nhiệt tình mời ngủ lại tại Nhà Sáng tác nhưng Bố Bản thoái thác:

- Anh em chúng tôi phải về Hà Nội ngay để mai tôi còn trở về bản!

Chia tay các bạn văn nghệ sĩ tại Nhà Sáng tác Đại Lải, Ái Nhĩ lại gọi xe taxi, khi cả ba ngồi lên xe, cô nói:

- Bây giờ khuya rồi, em đưa các anh về khách sạn nghỉ thôi. Chứ các anh về nhà anh Cầm Thẻn cũng không tiện, khó giải thích với chị nhà!

Thực ra thì nhà Cầm Thẻn không quan trọng việc ấy lắm, hắn thường đi về chẳng giờ giấc nào và nhà hắn mỗi người có một chìa khóa, mỗi người ngủ một phòng nên giờ nào về thì cũng không làm phiền ai. Có điều hắn cũng đang thích được nghỉ lại nên hắn không nói gì. Chỉ Lò Bố bản thì hơi băn khoăn một chút.

- Lang thang thế này thì bao giờ mới về được?

- Thì đằng nào mai anh cũng mới lên xe về bản được. Tối nay ngủ đây hay ngủ nhà anh Cầm Thẻn thì cũng thế thôi mà!

Vậy là Ái Nhĩ chọn một khách sạn to đùng, có biết bao nhiêu là đèn led nhấp nháy sáng bao bọc ngôi nhà đưa mọi người vào đấy. Trước khi về phòng ngủ, còn đến vũ trường xem nhảy, đến cửa hàng Coofe uống nước sinh tố, vào rạp phim xem phim 5D, các dịch vụ tất tần tật trong ngôi nhà....

  Sáng hôm sau về đến bến xe Mỹ Đình, bố con Bố bản chia tay Ái Nhĩ. Bố bản nói với Cầm Thẻn:

- Thôi mày về đi. Tao lên xe khách từ đây về thôi, cho tao gửi lời chào cô ấy nhé!

- Không nên thế! xe ở đây chỉ về đến bến xe thành phố thôi, muốn có xe về thẳng bản phải xuống bến xe Yên Nghĩa. Thôi bây giờ bố cứ tạt qua nhà con rồi con sẽ tháp tùng bố về tận bản cho bà xã nhà bố yên tâm, mấy lị bố cũng khỏi phải nơm nớp sợ vợ nó truy cứu!

- Ồ, thế thì tuyệt!

- Chả thế! Thằng ăn vụng nào chả có tâm lý như thế!

   Cầm Thẻn lại nhìn thẳng vào Bố bản nháy nháy mắt, nhếch nhếch mép cười. Hắn bao giờ cũng vậy, những lúc như thế trông hắn không ra tử tế cũng không ra đểu giả.

  Về đến chung cư  nhà Cầm Thẻn, hai người bị Bảo vệ chặn lại ở cửa cầu thang máy. Cầm Thẻn nói:

- Tôi là cư dân ở đây, có thẻ đi cầu thang đây mà!

- Thì em làm bảo vệ ở đây lâu rồi nên không lạ gì bác. Em chỉ phổ biến với hai bác về quy định mới thôi. Khi vào buồng thang máy, sau khi quẹt thẻ, bác nhổ một cái tăm tre cắm trên một miếng xốp treo trong ấy để dùng cái tăm chọc vào phím số tầng nhà chứ không trực tiếp dùng ngón tay như trước. Sau đó bác vứt cái tăm tre vào cái ống để cuối ngày chúng em gói vứt ra thùng rác. Trong ấy cũng có một bình nước rửa tay khô, trước khi ra khỏi buồng thang, hai bác nhớ xịt nước rửa tay. Chắc các bác nắm rõ 6 động tác rửa tay rồi chứ ạ!

- Ái chà! quy định chặt chẽ, bảo vệ đến tận răng. Thế thì tốn tăm tre lắm nhỉ?

- Dạ, tốn thì cũng phải làm ạ! Chỉ mong tất cả mọi người dân đều có ý thức tôn trọng việc bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cho cả cộng đồng thôi ạ! Ngoài khẩu trang ra, có người ra đường còn đeo cả găng tay y tế nữa đấy ạ!

  Trên đường ra bến xe Yên Nghĩa, Bố bản lại phân vân hỏi:

- Lúc nãy chú bảo vệ nói đến cái găng tay y tế là găng tay gì thế?

- À nó là cái găng tay giống như cái găng các bà nội trợ dùng rửa bát đĩa ở nhà ý. Nó mỏng tang nên không làm ảnh hưởng đến động tác của bàn tay!

- Mua cái ấy ở đâu?

- Ở Hà Nội, cửa hàng dược nào mà chả có bán!

Cầm Thẻn lại nhìn vào mặt Bố Bản cười cười.

- Mà trong cặp của bố cũng có khi đang có đấy!

- Tao đã biết nó tròn vuông méo dẹt thế nào đâu mà có được!

- Thì trong cặp bố không khéo còn có cả hộp nữa là đằng khác, cái ấy đấy!

- Là cái gì?

- Cái, cái ...ấy đấy! Có khi tối qua bố vừa dùng cũng nên!

- Cái thằng này! Úp mở cái kiểu gì thế?

- Tựu trung cái găng tay y tế là dùng để bảo vệ cho bàn tay không tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Trong trường hợp cần dùng mà hết thì có thể lấy cái OK để thay thế!

Cả hai cùng phì cười nhưng cũng nhanh tay bịt miệng lại ngay. Tý quên, đang ngồi trên xe buýt.

  Về đến bản khoảng 10 giờ tối. Bố bản nói với Cầm Thẻn:

- Tý nữa tao về nhà mày ngủ thôi. Sáng mai mày đưa tao về nhà. Bây giờ về khuya thế này một mình không lợi! Tao rẽ qua nhà cô Mây đưa cho nó cái túi thuốc của mày rồi tao đến ngay!

- Thì bố cứ nghỉ ở đấy đến gần sáng bố về nhà tôi cũng được. Nhớ là bịt khẩu trang cho kín mặt vào để nhỡ gặp người làng người ta nhận ra thì dở!

Bố bản làm đúng theo lời dặn, mãi gần sáng bố mới sang  nhà Cầm Thẻn.

Ở đời, chẳng ai học đầy đủ được chữ “Ngờ”. Về khuya thế, khẩu trang bịt kín mặt mũi, thế mà vẫn có người nhận ra bố con nhà Bố bản về đêm khuya hôm qua. Bản vừa có chỉ thị từ trên về việc phòng chống dịch bệnh cúm Vũ Hán nên Bố bản vừa hạ lưng nằm được một lát thì thấy lao xao ngoài cổng, rồi có tiếng gọi dưới chân cầu thang:

- Anh Cầm Thẻn thức giấc chưa?

Cầm Thẻn đi ra thì tốp người ở dưới lên tiếng tiếp:

- Chúng tôi được biết anh và Lò Bố bản vừa từ Hà Nội về đêm hôm qua. Hiện nay địa phương có quy định những người từ vùng dịch bệnh trở về đều phải cách ly 14 ngày.

Lúc ấy Bố bản cũng dậy đi ra phía trên đầu cầu thang.

- Thưa với Bố bản. Đây là chỉ thị từ trên xã, bố là trưởng thôn cũng phải chấp hành. Riêng anh Cầm Thẻn nếu không muốn đến ở nơi cách ly mà quay trở về Hà Nội thì cũng phải để chúng tôi kiểm tra thân nhiệt thì mới được đi!

- Chà, chà! phải đi cách ly tập trung kia à?

- Thôi, mời hai người  lên nhà làm tờ khai y tế theo mẫu. Nhớ là phải khai rõ ràng đã tiếp xúc với những ai kể từ khi hai người rời bản về Hà Nội mấy hôm trước. Bây giờ hai người ít di chuyển và ít nói thôi để chúng tôi phun thuốc khử khuẩn ngôi nhà!

Vậy là tốp người kẻ thì giật máy nổ phun thuốc, kẻ thì chăng dây xung quanh cách ly ngôi nhà.

- Chết, chuyện to rồi bố ạ! Đành phải khai rõ ràng, khai thật thôi bố!

- Liệu có dấu được đoạn nào không?

- Quy định bây giờ nghiêm như luật rồi bố ạ! Không dấu được đâu, phải khai hết thôi. Bố không nghe tin Thủ tướng Chính phủ tuyên bố xử nghiêm những kẻ dấu đố rồi à? Đi tù như chơi đấy!

- Thế có chết tao không chứ. Cái đoạn ở Đại Lải thì mình khai những người ấy toàn là bạn bè cũng còn chống đỡ được. Riêng cái đoạn tao về nhà cô Lường Thị Mây thì biết nói thế nào?

- Đến nước này thì có thế nào cũng phải khai thật thôi bố ạ!

Bố bản chán ngán:

- Thật khổ cái thân tao! Nghe mày tham mưu nhiều việc cũng hay nhưng cái việc này thì...thì... Rõ là cháy nhà ra mặt chuột!

Vậy mới có thơ rằng:

Bình yên nhẩy múa hát ca

Cháy nhà mặt chuột phơi ra cả bầy!

  Muốn biết Trưởng thôn Lò và gã tham mưu đồng phạm Cầm Thẻn về sau có bị cấp trên và dân bản xử lý không và xử lý như thế nào, xin nghe hồi sau sẽ rõ.

                                                                             Ngày 14/3/2020 hồi 17h00

          

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Quảng cáo
congnhan12345
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 2
Trong ngày: 9
Trong tuần: 748
Lượt truy cập: 377954

VŨ NHO 085 589 0003

CHÚC MỪNG TS NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC VỚI TẬP THƠ ĐỘC ĐÁO, IN ĐẸP!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÁI PHỤC BÀ MÂY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Thuộc loại "chuyện bây giờ mới kể" đây! Cám ơn tác giả! Mượn lời bà SUỐI để nói về bà MÂY: "Bái phục bà MÂY" ! Haiza!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN VÀ BAN BIÊN TẬP ĐÃ ĐĂNG BÀI VIẾT NHÂN DỊP NHÀ THƠ NGUYỄN HUY HOÀNG RA MẮT TUYỂN THƠ VÀ TRUYỆN KÍ TẠI HỘI TRƯỜNG HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM!

 

Cầm Sơn - 0913269931

Cũng cần cảm thông với ông Troussier. Nếu nói về thành tích trong quá khứ, ông Park Hang Seo không thể sánh với ông Troussier được. -Trong sự nghiệp huấn luyện đồ sộ của mình, giai đoạn thành công nhấ...

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN! ÔNG HLV NGƯỜI PHÁP CHƯA BAO GIỜ THÀNH CÔNG "VANG DỘI"! CÓ ĐIỀU NÀY ĐÚNG: CHẢ NÊN TRÁCH ÔNG TA NHIỀU! TRÁCH LÀ VFF QUÁ TIN ÔNG TA, KẺ CAO NGẠO, BẤT TÀI! VẬY THÔI!

 
Xem toàn bộ
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0964 131 807
Email: soncam52@gmail.com
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công nhân.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông Chi hội Nhà văn Công nhân.