Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

CÔ THỢ GỐM ĐÁNG YÊU

Dương Hiền Nga

CÔ THỢ GỐM ĐÁNG YÊU


    Chưa bao giờ bé lại ngắm kỹ một con tò vò đến thế.

   Chả là trên bức tường trắng tinh trên phòng khách nhà bé, có một vệt lõm do mẹ quay xe máy quệt vào. Bố đã quét vôi trắng lại như cũ, vậy mà đi học về bé lại thấy chỗ lõm có một cục bùn nhão to bằng ngón tay út của bé, rỗng ở giữa. Thấy bẩn tường, bé cậy vứt đi, nhưng chiều đi học về, bé lại thấy ở đó một cục bùn khác giống hệt hôm trước, bé lại cậy đi.

  Hôm nay thứ bẩy, nghỉ học ở nhà. A! Bé biết ai đắp bùn lên tường rồi. Một con vật biết bay trông khá đẹp, bé không biết tên là gì cứ bay ra bay vào, cả buổi chiều con vật cứ tất bật khuân từng cục bùn nhão hỳ hục nhào nặn, xây đắp, xoa vuốt… Những cái chân bé xíu chăm chỉ, thoăn thoắt và khéo léo. Phía trên cùng nó vuốt kỹ càng, tỷ mỷ khum vào như miệng chum,vại khiến cho bé nhớ đến những cô thợ gốm mà bé được xem trên ti vi. Các cô ấy cũng cần mẫn và khéo léo lắm, nét mặt cô nào cũng chăm chú và hiền hậu. Chỉ từ những cục đất dẻo, bàn tay các cô làm ra bao nhiêu thứ đồ gốm đẹp cho mọi người dùng.Đến nhà ai chơi bé cũng thấy các loại bình gốm, bát đĩa, tượng, rồi chum vại, nồi…  do các cô làm ra. Bé thầm nghĩ, hay con vật này định làm đồ gốm?

1504002684-to-vo

  Nó lại bay vào chuyến nữa, toàn thân đen thẫm, cái bụng to mọng nối với thân phía trên bằng một cái eo lưng cực bé, bé như chiếc kim khâu của bà ngoại. Đôi cánh mỏng tang nhưng bay nhanh như một chiếc máy bay bé xíu. Cần mẫn suốt buổi chiều, nó đã nặn xong công trình giống hệt hôm qua. Bé nghĩ không biết nó nặn bùn làm gì nhỉ? Hay là xây nhà để ở? Nhưng nhà bé thế kia làm sao xoay sở được? Bị bé phá hai lần sao nó vẫn làm lại ở chỗ cũ nhỉ?

Mẹ vừa đi chợ về bé liền chạy ra khoe:

- Mẹ ơi! Có con gì đắp bùn lên tường này, làm bẩn tường con cậy đi mấy lần nó vẫn đắp lại mẹ ạ…

Mẹ dựng xe vào xem mỉm cười bảo bé:

- À, đây là con tò vò con ạ. Nó xây tổ để sinh em bé chứ không phải để ở…

  Bé à lên ngỡ ngàng: "Thì ra thế!" Vừa lúc đó cô tò vò bay vào mang theo chút bùn nhão, cô tỷ mẩn xoa một lớp bùn nhão phía ngoài tổ cho thật nhẵn, cái bụng bầu xệ xuống, cái eo lưng đã bé xíu lúc này trông lại càng bé. Cô say mê công việc không để ý gì khác, cô phải nhanh lên kẻo không kịp mất… Cô làm việc với tâm huyết của một người mẹ, hẳn nào..! 

  Nghe mẹ nói thế, bé thương tò vò vô cùng, cô muốn có cái tổ để sinh con, những bé tò vò non nớt có một cái tổ ấm áp để lớn lên. Mẹ còn giảng giải: "Tò vò mẹ thương con nên không xây tổ ngoài trời, sợ mưa gió, sương giá làm hỏng tổ các con sẽ khổ". Một điều giản dị mà sâu xa như thế nhưng bé không hiểu để tò vò mẹ phải vất vả xây đi xây lại. Lần này bé sẽ để yên cho cô sinh con, cho dù trên tường có một cục bùn nâu nhưng bé không thấy khó chịu nữa mà bé tò mò theo dõi cô chuẩn bị tổ ấm cho các con.

  Trời mùa thu mát dịu, hoa ban đỏ nở lác đác trên tán lá xanh, cánh đồng lúa chín vàng thơm thoảng, gió thu hanh hao làm cái tổ khô nhanh, lớp bùn phía ngoài hơi trắng ra. Bé tới lớp bán trú học tập, ca hát nhưng lúc ra chơi bé nhớ về cái tổ tò vò ở nhà và tự hỏi: "Cô ấy đã sinh con chưa nhỉ?".

Bé đã học lớp ba rồi, tuần nào cũng có điểm chín, mười đem về làm bố mẹ và cả nhà đều vui. Tối tối cả nhà vui vẻ bên mâm cơm, ánh điện sáng trưng ấm áp, bố mẹ gỡ cá, gắp thịt, rau, quả cho bé ăn chóng lớn. Bố dạy làm tính, mẹ chải đầu tết tóc và mỗi khi bé hờn dỗi khóc nhè, lại có bàn tay mẹ dỗ dành bé ngọt ngào… Bé bỗng hiểu ra thế nào là tổ ấm cho những đứa trẻ và bé đâm ra yêu cái tổ nhỏ trên tường, cô tò vò đã kỳ công xây cho các con. Mấy ngày rồi cái tổ vẫn ngỏ cửa, không thấy cô tò vò đâu. …

Thứ bảy được nghỉ học, bé vui mừng thấy cô xuất hiện. Trông cô nhẹ nhõm hoạt bát, cô bay đến cái tổ không mang theo bùn nhão mà mang theo một con vật nhỏ có nhiều chân, hình như là một con nhện con. Thấy lạ, bé chạy ra hỏi mẹ, mẹ ôm bé vào lòng thủ thỉ:

- Sau khi tò vò mẹ xây tổ và sinh con, nó đi kiếm ít đồ ăn dự trữ trong đó để các con ăn và lớn lên, nó không muốn các con phải vất vả kiếm sống khi còn quá nhỏ, như thế sẽ rất khổ. Mai này, các con trưởng thành mới đủ sức tự lao động kiếm sống con ạ. Cũng như con và các bạn đều được bố mẹ nuôi dưỡng đó...

  Bé tròn xoe mắt nhìn cô tò vò bé nhỏ mà khôn ngoan, bé nghĩ cô thợ gốm này đáng yêu quá! Cô làm thợ gốm là vì tương lai của các con cô.

Mẹ tiếp lời:

- Con biết không, trong con mắt bà con người dân tộc Tây Bắc mình, tò vò là con vật đẹp nhất, là tiêu chuẩn của vẻ đẹp phụ nữ Thái. Các bà mẹ đều mong con gái mình có “Eo kíu manh po”, tức là có dáng người thắt đáy lưng con tò vò và sau này cô gái đó làm mẹ cũng chịu thương, chịu khó khéo léo và hiền hậu, hết lòng chăm lo cho con như cô tò vò kia…

  Hôm sau, cái tổ được bịt kín bằng bùn và đắp to gấp đôi tròn như quả sấu nhỏ trên tường. Mưa thu dai dẳng lạnh lẽo nhưng bên trong cái tổ nhỏ vẫn ấm áp biết bao nhờ hai lớp bùn khô và nhờ tấm lòng ấp ủ yêu thương của tò vò mẹ.

                                                                                                     D.H.N

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Quảng cáo
congnhan12345
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 3
Trong ngày: 148
Trong tuần: 845
Lượt truy cập: 378696

VŨ NHO 085 589 0003

CHÚC MỪNG TS NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC VỚI TẬP THƠ ĐỘC ĐÁO, IN ĐẸP!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÁI PHỤC BÀ MÂY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Thuộc loại "chuyện bây giờ mới kể" đây! Cám ơn tác giả! Mượn lời bà SUỐI để nói về bà MÂY: "Bái phục bà MÂY" ! Haiza!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN VÀ BAN BIÊN TẬP ĐÃ ĐĂNG BÀI VIẾT NHÂN DỊP NHÀ THƠ NGUYỄN HUY HOÀNG RA MẮT TUYỂN THƠ VÀ TRUYỆN KÍ TẠI HỘI TRƯỜNG HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM!

 

Cầm Sơn - 0913269931

Cũng cần cảm thông với ông Troussier. Nếu nói về thành tích trong quá khứ, ông Park Hang Seo không thể sánh với ông Troussier được. -Trong sự nghiệp huấn luyện đồ sộ của mình, giai đoạn thành công nhấ...

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN! ÔNG HLV NGƯỜI PHÁP CHƯA BAO GIỜ THÀNH CÔNG "VANG DỘI"! CÓ ĐIỀU NÀY ĐÚNG: CHẢ NÊN TRÁCH ÔNG TA NHIỀU! TRÁCH LÀ VFF QUÁ TIN ÔNG TA, KẺ CAO NGẠO, BẤT TÀI! VẬY THÔI!

 
Xem toàn bộ
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0964 131 807
Email: soncam52@gmail.com
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công nhân.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông Chi hội Nhà văn Công nhân.