Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

CHUYỆN THƯỜNG TÌNH

Nguyễn Quốc Hùng


CHUYỆN THƯỜNG TÌNH

 

Ông già sáu mươi tuổi cưới vợ - Chuyện bình thường, chẳng ai cười, chẳng ai chê. Cách đây ít ngày báo đưa tin, ông lão bảy mươi cưới bà vợ năm nhăm tuổi, đêm tân hôn lão đòi hỏi quá đáng, bà quá tuổi không ham muốn, lão đánh bà trọng thương, công an phải can thiệp. Thiên hạ có cười đấy, cười cái vũ phu của anh chồng già nhưng chỉ vài hôm quên ngay. Còn ông, được cưới vợ nhưng lại là chuyện cực chẳng đã. Ông căm giận bà vợ sắp cưới, căm giận những đứa con ông.

Hai thằng con vừa chở ông đi phát thiệp hồng, những tấm thiệp sực nức nước hoa. Về đến nhà, chúng bỏ ông xuống ngoài cửa rồi phóng xe đi, không nói lời nào. Ông nhìn chúng phóng ngổ ngáo lẫn vào dòng người giận bầm gan. Chúng định mưu đồ gì đây, ông đã mang lại cho chúng cuộc sống đầy đủ nơi thị thành như vậy chưa đủ sao, còn đòi hỏi gì nữa nào? Chúng dẫn bọn côn đồ về dọa nạt, ép ông phải ký vào giấy đăng ký kết hôn. Giờ thì tờ đăng ký kết hôn giữa ông Phạm Đăng Khang và bà Nguyễn Thị Mạnh có chứng thực đầy đủ dấu đỏ của ủy ban nhân dân phường đang nằm trong tay chúng. Chúng dự định tổ chức đám cưới thật to, mời đầy đủ bạn bè đến dự tiệc, chứng kiến ông đã cưới vợ đàng hoàng. Mà lấy ai kia chứ, con mụ cá rô đực ấy, rồi đây khối kẻ sẽ phỉ nhổ vào mặt ông.

Cái nắng lễnh loãng của trời chiều muốn mà không được đến vô duyên. Ông không chịu nổi thứ thời tiết như thế này, mở cửa vào nhà, bật điều hòa ở nhiệt độ thấp nhất. Một thân một mình ở trong tòa nhà ba tầng rộng thênh, đầy đủ tiện nghi hiện đại, mơ ước của bao cô gái trẻ đẹp muốn được chung sống cùng ông. Họ gạ gẫm, mơn trớn nhưng tất cả chỉ thoảng qua như mùi nước hoa trên người họ, quyến rũ đấy nhưng ra ngoài cửa hết ngay. Ông không sợ, chúng là con mà dám giết bố à, pháp luật sẽ bảo vệ ông. Hình dung ra bộ mặt của những thằng con mà ghê, thằng Hảo da mặt bì bì đầy mụn cá, những chiếc răng dài như răng chó đói, thằng Sơn mí mắt hùm hụp gian manh đến lạnh lùng. Chúng vừa ở tù ra dám làm mọi chuyện lắm. Ông nhặt vội những tấm thiệp cưới vương đầy trên giường cưới khi nãy bực mình đã ném lên, thật thận trọng không để nhau nhúm ga trải giường. Chúng cấm ông không được nằm lên giường cưới trước đêm tân hôn.

Quân bạc ác! Sao chúng không hiền lành như mẹ đẻ ra chúng. Phải rồi, bởi Xoa hiền quá không thì ông đã không bỏ rơi. Lấy nhau đến mấy năm mà nàng dâu không dám ngồi nói chuyện với bố mẹ chồng câu chuyện cho ra đầu ra đũa, chào hỏi ai cũng lí nhí trong mồm. Bố mẹ chồng chê cư xử kém, ngữ này sống bạc. Anh chồng Khang khi ấy hai hai tuổi đang là sinh viên đại học năm cuối, bố mẹ nói vậy ngẫm lại những lúc tình cảm vợ không nồng nàn cho lắm đâm chán. Bạn học cùng khóa về chơi, bố mẹ Khang nhấm nháy con: “Chúng nó cứ phơi phới, vui tươi thế!”. Khang vằng lại: “Sao bố mẹ cứ ép con lấy vợ quê!”. Bố mẹ giải thích: “Thì ở nhà chỉ có hai ông bà già, không người đỡ đần. Nào ai biết con ấy ù lì như thế. Con đụt!”

Bạn bè Khang khen Xoa:

- Cô ấy đẹp nhất làng.

Khang thừa nhận Xoa xinh đẹp, con gái nông thôn da trắng hồng như trứng gà bóc, môi đỏ chon chót, đôi mắt đen láy lúc nào cũng rụt rè nhìn xuống ngoan ngoãn. Giờ ngẫm lại thấy đúng, gái hồng nhan bạc phận, đôi mắt ấy số khổ.

-Xoa chịu khó thế, bụng chửa vượt mặt vẫn phải gánh phân ra đồng. Bọn mình phải học Xoa nhiều. Bố mẹ cậu có cô con dâu như thế cũng an nhàn tuổi già.

Khang cười giấu lòng, không bao giờ nói chuyện vợ con với bạn học. Xoa sinh đôi. Lúc chuyển dạ Xoa một mình tới trạm xá, đến ngày về cũng một mình tự lo cả. Bố mẹ chồng vào buồng hỏi thăm, mặt cháu cũng không dám nhìn lâu. Mà cũng lạ, mới được mấy tháng tuổi, ông bà nội cứ đứng gần chúng lại khóc thét như phải vía, ông bà đi khỏi chúng nín bặt. Lớn gần một tuổi bố mới biết mặt con mặc dù cách nhau có hơn năm mươi cây số. Khi chúng phân biệt được thứ bậc trong gia đình thì từ “bố” trong miệng chúng nói ra ngượng ngập lắm. Bố chúng có bao giờ rờ mó, hỏi han con mỗi lần về thăm đâu.

Phải chăng bây giờ là lúc chúng trả thù ông?cainhau2

Bóng tối tràn ngập căn phòng. Một vài mảng sáng vàng đục của ngọn đèn đường cố tràn được vào qua những ô kính rơi rải rác trên nền nhà. Đám lá cây bên ngoài cửa sổ rủ xuống mệt lả, mong mỏi có cơn gió nào thổi tới. Ông không bật đèn, bóng tối khiến ông dễ chịu hơn. Ông khoác thêm áo cho đỡ lạnh, đi xuống dưới nhà nằm dài trên ghế nhìn ra phía cửa. Người đi đường loang loáng trôi qua cửa như đèn cù. Con người trở nên tâm thần hết cả rồi, làm sao cứ phải tất bật thế, thong thả mà đi không được sao. Đúng là điên hết rồi, có thế thì thiên hạ mới khen hai thằng con ông có hiếu, biết lo cho tuổi già của bố sống một mình cô quạnh. Không đắp chăn làm sao biết trong chăn có rận. Rõ giơ! Bạn bè chúc mừng ông tốt số. Số phận! Ông văng bậy vào cái số chẳng ra gì của ông. Rồi sẽ sống thế nào với mụ ta đây, con mụ chẳng ra đàn bà, chẳng ra đàn ông ấy. Nỗi căm giận đã dồn nén vương vướng trong ngực khiến ông khó thở. Ông chồm dậy đi tới bên chiếc máy video, nhặt cuốn băng cho vào. Anh chàng ca sĩ hiện lên, nhăn nhó hát: “Ai đưa chim sáo qua sông, để cho chim sáo sổ lồng sáo bay...” hát hỏng vô duyên, nhăn nhó như bị đau răng. Ý nghĩ về anh chàng ca sĩ khiến ông nguôi phần nào, ông lấy phất trần phủi bụi trên nóc tủ trong ánh sáng từ tivi phát ra như chớp giật.

Chết nỗi đàn bà cứ mê ông ở cái nết: Có giận ai lắm cũng chỉ đỏ mặt một chút rồi bỏ đi, chẳng to tiếng bao giờ, âm lượng giọng nói đều đều thủ thỉ cho người bên cạnh vừa đủ nghe, cái miệng lúc nào cũng mỉm cười duyên. Phái nữ khen ông con người nho nhã, phái nam chê con người thâm hiểm.

Chính vì cái đánh giá chủ quan của nữ giới mà cô Bình kém ông mười lăm tuổi, ở tận trong Quảng Bình, phải lặn lội ra ngoài này tìm sau một chuyến đi công tác của ông. Bình tình nguyện sống với ông không cần có pháp luật chứng giám bằng tờ đăng ký kết hôn. Ông quý Bình ở lối sống mạnh bạo và quyết đoán.

 Và ông cũng thể hiện rõ quan điểm của mình là không thể chia sẻ tình cảm cho hai nơi được vì đường xá xa xôi lắm không có thời gian đi lại. Khi ấy bố mẹ đã mất, nông thôn đang độ đói kém, ông bàn với Xoa:

-Các con lớn cả rồi, phải cho chúng thoát ly thì mới có cơ sung sướng được. Đồng áng, ruộng vườn cũng chỉ vừa đút vào mồm, làm gì còn có mà để ra, lại quá vất vả. Cả bà nữa, ra thành phố ở cho gần gụi chồng con.

-Ra đấy thì sống thế nào, nghề nghiệp chả có làm gì ra để mà sống, hộ tịch hộ khẩu lại không!

-Tôi là phó phòng tổ chức mà không lo được công việc cho bà hay sao! Tôi tính thế này, bà làm đơn ly hôn đưa tôi ký. Sao thế! Giời đất cái gì, bà đã nghe tôi nói hết đâu. Đây chỉ là giả vờ thôi rồi tôi với bà lại sống với nhau, tình cảm vợ chồng là chính, tờ giấy kết hôn chỉ là vô tri vô giác. Tôi không làm đơn được, bà không hiểu à, còn vì chức vụ còn công việc bà rõ chưa! Ra tòa tôi sẽ nhận nuôi hai con, có vậy mới nhập được hộ khẩu thành phố cho chúng.

Phiên tòa xét xử theo đúng dự định của Khang. Hai đứa con mười lăm tuổi được nhập hộ tịch theo bố. Vì tình yêu, Bình rộng lòng nuôi hai đứa con chồng.

Một tháng chờ đợi không thấy chồng về đón, Xoa ra thành phố tìm chồng. Khang giải thích sự có mặt của Bình trong nhà mình:

- Cô ấy ở Quảng Bình mới ra làm chưa có nhà, ở nhờ ít bữa. Tôi hỏi rồi, xin việc cho bà khó lắm, người ta chỉ nhận thanh niên, mà cứ ở nhà trông con thì với thời buổi khó khăn bây giờ lương tôi không đủ sống, các con lớn cả rồi đòi hỏi nhiều thứ lắm. Theo tôi, bà ở lại chơi ít ngày rồi về quê, ruộng đấy, vườn đấy cũng đủ nuôi sống cả nhà.

Tiếp đó một tuần liền Khang vắng nhà. Bảy ngày ròng, hai người đàn bà có mối quan hệ bất hợp pháp với Khang sống chung trong một nhà, không ai nói với ai câu nào. “Số cô ta vất vả đường chồng con. Cứ lặng yên rồi cô ta sẽ tự rút, sống với nhau không lâu nhưng cũng đủ biết cô ấy là người cam chịu. Đừng giận dỗi làm gì mọi chuyện tính sau” - Khang dặn lại Bình vậy. Không gặp được mặt chồng để từ biệt, để trách móc, Xoa trở lại quê. Hai đứa con háo hức được sống ở thành phố, được cô Bình chiều, không chịu theo mẹ về.

Lạ quá, sao nhà mình lại đông người thế kia, khi đi đã kháo cửa cẩn thận rồi cơ mà? Trời đất ơi, bây giờ mới thấy được bộ mặt xảo trá của chồng! Nhà cửa ruộng vườn hắn bán hết cả rồi. Nói là để cho ông anh họ giữ đất hương hỏa, vợ chồng đã có nhà ngoài thành phố, chỉ để lại khoảnh đất nhỏ góc vườn, dựng tạm nếp nhà tre cho có chỗ đi về thăm quê hương bản quán nhưng chính là hắn còn chút lương tâm để khi Xoa trở về có chỗ chui ra chui vào. Bố mẹ đẻ mất cả rồi, chẳng lẽ về sống nhờ anh em, đành phải ở lại góc vườn làm phúc của hắn vậy.

*

*  *

Cái lạnh trong gian phòng khiến ông dễ chịu, ánh sáng từ chiếc tivi phát ra nhấp nháy thật nhức mắt, ông không xem nhưng cũng không muốn tắt đi. Mặc mấy thằng con mất dạy ấy muốn làm gì thì làm, rồi cuộc đời ông sẽ chẳngbị vấp theo ý của chúng đâu. Một cảm giác châng lâng nhẹ nhàng trôi qua, ông thở dài dễ chịu. Rồi con mụ ấy sẽ chán ngay thôi, có người đàn ông bên cạnh mà cứ hờ hững đàn bà mau chán lắm. Chả gì ông cũng có kinh nghiệm từ Bình. Hai năm chung sống, Bình như người bảo mẫu nuôi dạy hai đứa con chồng, còn ông viện cớ đi công tác thường xuyên chẳng ỏ ê tới. Bình tự bỏ đi, hai đứa con phải nương nhờ hàng xóm. Cũng tội cho cô ta, thằng chồng sau này nát rượu, đánh vợ như đánh đòn thù, thẳng tay đuổi đi nhiều lần mà cô ấy không chịu bỏ.

Chuông gọi cửa réo lên, ông giật mình vội ra mở cửa, nghĩ rằng hai thằng con quay lại. Không khí nóng cùng người đàn bà đáng nguyền rủa ùa vào. Ông đỏ mặt tức giận. Không chào hỏi lời nào, bà Mạnh bật đèn rồi đi vào gian trong, hai tay vung lẩy phẩy sau lưng. Bà Mạnh cao, gầy khô, dáng đi lỏng lẻo tưởng chừng các khớp xương kết nối không được chắc chắn rất có thể rơi rụng ra bất cứ lúc nào. Bà Mạnh lấy điếu thuốc lá đang ngậm trên miệng vứt vào chiếc gạt tàn, điếu thuốc lá đã tắt từ lâu ướt nhèm nước bọt. Đôi mắt bà tròn, sáng như mắt cáo nhìn đáo xung quanh các đồ vật trong nhà rồi bà ngồi xuống ghế chống chéo cả hai chân lên đệm.

-Chưa ăn gì à? - Bà Mạnh hỏi mà không nhìn ông Khang.

-Không khiến bà phải bận tâm!

-Tôi chả thèm bận tâm! Nhỏ tiếng tivi cho tôi nhờ, oang oang như nhà đám. Lấy ông tưởng tôi sướng lắm đấy. - Bà Mạnh nói, nước mắt nuốt vào trong.

Ông Khang tắt tivi, liếc nhìn bà Mạnh khinh miệt. Cái hạng người như bà làm gì có nước mắt, đời ông ân hận là đã nhờ vả tới bà ta.

-Tôi hận là đã nhờ vả tới bà... - Ông thốt lên lòng mình.

Bà Mạnh chặn ngang lời:

-Đồ vô ơn!

Ông Khang đuối lời trước câu phản kháng gay gắt của bà Mạnh quày quả bỏ lên gác, người râm ran nóng.

Ngày ấy ông quen Mỹ, người đàn bà to béo, lanh lọc. Nhưng đàn ông nông nổi giếng khơi, đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu, ông chẳng thể kém cạnh những mánh lới cuộc sống với cô Mỹ bốn mươi lăm tuổi, chủ tịch xã Việt Hồng, chưa một đời chồng. Nói cho thật cặn kẽ thì đã có người bê lễ ăn hỏi tới nhà năm cô hai mươi tuổi. Chỉ vì mấy quả cau lễ bị rụng ra khỏi buồng, Mỹ cho rằng nhà trai có ý xỏ xiên đã mang trả lại và từ mặt anh chàng sắp cưới. Có lẽ từ bấy duyên phận của Mỹ đã tận, không chàng trai nào dám bén mảng tới nhà cô gái khó tính này.

Mỹ hãnh diện với mọi người rằng đã có được người đàn ông đoàng hoàng như ông Khang để mắt tới, cô thường hay khoe với bạn bè: “Anh ấy sinh ra là để làm trưởng phòng tổ chức nên ăn nói nhẹ nhàng, khôn khéo, đẹp lòng người nghe. Đời đúng là có luật bù trừ, mọi người cứ chê tôi hay gắt gỏng, bốp chát”. Bạn bè khen: “Thật xứng đôi phải lứa, cô có hậu vận khá, nhớ phải tổ chức đám cưới linh đình, thế mới bõ công chờ được người tri kỷ”.

Con đường quốc lộ mới được mở chạy theo vành đai ngoại ô thành phố, cắt ngang xã Việt Hồng. Đất lên giá, mối lợi trong tay chủ tịch xã. Biết rằng chẳng có quyền cấp đất nhưng cũng thừa biết chẳng ai bắt tội, Mỹ mạnh tay phóng bút ký giấy phép chuyển đất ruộng cạnh mặt đường thành đất cho dân làm nhà. ký cho người khác thể hiện được lòng chí công vô tư nhưng ký cho mình sẽ bị khối kẻ thừa cơ bới móc ra, Mỹ thừa khôn để giải quyết chuyện này. Cô mưu tính: “Ông ấy với mình đã là vợ chồng với nhau rồi, chỉ còn chờ ngày đẹp là tuyên bố trước pháp luật nữa thôi, rồi tất cả sẽ thuộc về mình.” Với suy nghĩ ấy của cô chủ tịch xã, ông Khang nghiễm nhiên có được những lô đất ở vị trí đẹp nhất mà không mất đồng tiền nào.

Giá đất đường bao leo cấp số nhân từng ngày. Những người từ Hà Nội, ở các tỉnh khác cũng đổ xô về xã Việt Hồng kiếm một miếng đất tính kế “sinh nhai” Theo nhận định khi cơn sốt đất đã lên cơn ác tính, ông Khang giữ lại một khoảnh cho hai thằng con lập nghiệp còn đâu bán hết. Khoản tiền khồng lồ nằm trong tay ông quản lý và ông cũng quên luôn sự liên quan của người đã ký giấy cấp đất cho ông.

-Bán xong rồi ông quên luôn tôi à! - Mỹ tìm đến nơi ở mới của ông, giọng lanh tanh đe dọa.

-Lúc này để tôi giữ có lợi hơn. Nói không phải, đương chức đương quyền xảy ra chuyện gì thì trắng tay, tôi làm thế này cũng vì lợi ích cho chúng ta sau này.

Ông thì thào bên tai Mỹ những điều hay lẽ phải. Mỹ khen ông là người biết lo xa. Cô còn rộng lòng cấp vốn, cấp giấy phép cho hai thằng con ông Khang mở quán karaoke.

Đến lúc này bà Mạnh can thiệp vào đời tư của ông.

-Ông lấy con ấy rồi ông sẽ phải gọi nó bằng chị, rồi nó sẽ cầm cổ ông muốn lôi đi đâu thì đi.

-Thế thì phải làm sao để thoát khỏi nó, tôi cũng ớn nó lắm rồi. Chuyện thầm kín tôi cũng thổ lộ thật, ở gần bên nhau hàng ngày rồi nó sẽ vắt kiệt sức tôi.

-Để tôi lo.

Bà Mạnh xuất hiện trước cuộc đời Mỹ và trước mặt các vị hội đồng nhân dân xã Việt Hồng.

-Cái con khốn nạn kia, mày định cướp chồng bà à! Thế mà cũng mang danh người cán bộ chăm lo cho đời sống của nhân dân!

Vẫn biết làm chuyện này thật ác tâm. Cô ấy khát khao có được tấm chồng để vui vầy cảnh gia đình nhưng xét lại cho kỹ thì cũng đáng lắm, cô ta lúc nào cũng tỏ ra hơn người, to tiếng áp chế người khác. Bà Mạnh nói không sai con người ấy rồi sẽ xỏ mũi mình mà lôi đi.

Biết bị dại trai, Mỹ cho công an đến khám nhà hai thằng con ông Khang.

-Bằng chứng đâu mà các ông khép tội tôi chứa chấp gái mại dâm. Muốn trả thù thì trả thù ông ấy, chúng tôi có tội gì nào! - Hai thằng con trợn mắt quát lại người thi hành công vụ.

Công an lục soát nhà, tìm thấy mấy gói hê- rô- in sau bể nước. Thằng Hảo gào lên:

- Tại sao lại có ma túy trong nhà tôi, không phải của tôi!

Mỹ lớn tiếng chặn lại:

- Bằng chứng rành rành thế này còn cãi hả! Đúng là loại lì lợm!

Oan trái gì thì hai thằng con ông Khang cũng phải ba năm ngồi trong trại giam. Từ đấy có lẽ chúng còn học thêm được tính độc ác từ Mỹ.

Bà Mạnh gọi với lên gác:

- Ông xuống đây! Sợ tôi à, tôi chẳng phải là con Mỹ đâu mà tránh mặt!

Ông khang không thể cưỡng lại lệnh của bà Mạnh, xuống ngồi đối diện có ý định sẽ gây căng thẳng.

- Bỏ chân xuống, đàn bà phải ý tứ!

- Vâng, tôi không có ý, có vậy tôi mới phải lấy ông, số tôi khổ thế đấy!

- Biết khổ sao còn nghe lời thằng Hảo. - Ông chớp thời cơ dồn lại: - Lấy hạng người như bà đúng là số tôi mạt kiếp.

Bà Mạnh vụt đứng dậy, tay xỉa vào mặt ông Khang:

- Tưởng ông tử tế lắm đấy hả! Nếu không gạ gẫm con Lan thì chúng nó thây kệ ông. Bây giờ cứ thử chống lại chúng xem, cái chiếu rách cũng chẳng có cho ông nằm. Khốn nạn thế đấy, bạn của con cũng chẳng từ. Ông trách chúng không có tình, nhìn lại mặt ông xen nào, ông đã làm gì cho chúng, đừng tưởng cho cái nhà đã là ghê gớm. Đồ bạc tình! Chúng tù như thế ông sướng lắm hả. Ba năm tù, tuần nào bà Xoa cũng lặn lội ở quê ra thăm nuôi chúng. Bà ấy héo hắt ruột gan từng ấy năm trời, còn ông thì thỏa chí. Chúng nó không ép tôi phải lấy ông nhưng tôi cũng vì trách nhiệm với chúng. Ngày xưa con Bình bỏ đi, một tháng trời ấy ai nuôi hai đứa con ông có biết không?! Tôi vẫn coi chúng như con. Chả biết kiếp trước ăn ở thế nào để kiếp này cứ phải theo ông, để ý tới ông từng ngày từng tháng, chỉ mong có ngày được ngồi nói với ông câu chuyện tử tế.

Bà Mạnh rấm rứt khóc. Để nén tình cảm của mình, bà đứng dậy ra về. Ngoài đường có mưa rào, hơi nước tràn vào nhà ngai ngái dễ chịu. Bà Mạnh đứng tựa cửa nhìn ra ngoài mưa.

- Biết thế nào cũng mưa, khi đi đã để áo mưa ra ngoài rồi, thế nào lại quên.

- Vào nhà chờ tạnh mưa rồi hãy về.

Không ai đáp lại lời nhau. Căn nhà được bao bọc bằng âm thanh rào rào của tiếng mưa gõ nhịp.

                                                                                             N.Q.H

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Quảng cáo
congnhan12345
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 6
Trong ngày: 72
Trong tuần: 781
Lượt truy cập: 379064

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH, NHÀ VĂN CẦM SƠN! RẤT NHIỀU BỨC ẢNH CỦA NGÀY HÔM ĐÓ ĐÃ CÙNG VỚI BÀI NÓI CỦA TÔI LÀM NÊN KHÔNG KHÍ TƯƠI VUI, HÀO HỨNG CỦA BUỔI RA MẮT SÁCH! CHÚC MỪNG NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CHÚC MỪNG TS NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC VỚI TẬP THƠ ĐỘC ĐÁO, IN ĐẸP!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÁI PHỤC BÀ MÂY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Thuộc loại "chuyện bây giờ mới kể" đây! Cám ơn tác giả! Mượn lời bà SUỐI để nói về bà MÂY: "Bái phục bà MÂY" ! Haiza!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN VÀ BAN BIÊN TẬP ĐÃ ĐĂNG BÀI VIẾT NHÂN DỊP NHÀ THƠ NGUYỄN HUY HOÀNG RA MẮT TUYỂN THƠ VÀ TRUYỆN KÍ TẠI HỘI TRƯỜNG HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM!

 

Cầm Sơn - 0913269931

Cũng cần cảm thông với ông Troussier. Nếu nói về thành tích trong quá khứ, ông Park Hang Seo không thể sánh với ông Troussier được. -Trong sự nghiệp huấn luyện đồ sộ của mình, giai đoạn thành công nhấ...

 
Xem toàn bộ
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0964 131 807
Email: soncam52@gmail.com
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công nhân.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông Chi hội Nhà văn Công nhân.