Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

CHIẾN TRANH CÒN ĐÓ

Trần Dũng
 
CHIẾN TRANH CÒN ĐÓ
(Trích trong tập: "Quan Sơn muôn dặm")
 
   Gã người Việt béo tốt cùng một nhân viên pôlitsai Đức đi dọc con đường chính trong trại. Cách mép đường ba mét bên tay phải là hàng rào thép gai, giới hạn không gian gọi là tự do của những kẻ tị nạn. Hàng trăm cặp mắt hau háu nhìn theo gã. Thỉnh thoảng gã gật đầu chào một cái như trông thấy người quen, hoặc như ra vẻ ta rất hiện đại, nghĩa là rất thấm nhuần văn hóa Phương Đông, coi những người trong hàng rào kia đều là anh em nhà cả. Những người anh em đủ mọi màu da đó đương nhiên đang hau háu chờ một dịp may. Trông bộ điệu gã thì ai chả biết đó là đại diện của không ít lối thoát. Mười lăm phút sau, một nhân viên xuống tuyên đọc:
 - Nguyễn Văn Cường, số PV 371!
Cường đứng lên:
 - Có tôi!
- Anh vốn là thợ nguội bậc năm phải không?
 - Vâng!
 Nhân viên lia cái nhìn nhà nghề xuống người thợ mảnh khảnh có đôi mắt to bình lặng rồi hỏi:
 - Anh có muốn nhận một việc đặc biệt thù lao rất cao không?
- Có!
 - Vậy anh hãy chọn lấy một người thợ phụ mà anh hiểu rõ. Nếu là bạn anh thì tốt.
Hàng chục tiếng “Tớ!” - “Có tớ!”- “Em!”- “Lấy em!”...nhao nhao hướng vào Cường. Cường đang chưa biết chọn ai, tay nhân viên đã trỏ ngay chàng thanh niên đứng gần Cường, dáng khỏe mạnh lanh lợi, vừa liên tục “Lấy em!” tới ba lần:
- Anh tên gì?
 - Dạ tôi tên Hoàng. Tôi cùng nhà máy với anh Cường bên Đông Đức ạ!
 Tay nhân viên ngoắc một cái và quay đi. Cường, Hoàng lập tức bước theo trong những ánh mắt ghen tị, thèm thuồng. Tại văn phòng, gã người Việt béo tốt đã chờ sẵn với nụ cười tươi tỉnh:
- Chào các bạn! Tôi là đại diện của SAD. - Trước hết cho tôi hỏi - Gã nhìn vào Cường - Bạn có thể sử dụng máy cưa sắt loại nhỏ trong tư thế nằm hoặc ngồi được không?
 - Được lắm chứ!
- De cút! (Sehr gut: Rất tốt!) Vậy tôi xin đi vào công việc cụ thể. À mà quên, tôi phải báo ngay với các bạn rằng công việc này chính thức tiến hành chỉ trong vòng ba mươi phút. Nhưng nếu hoàn thành, các bạn sẽ được phép của chính quyền sang cư trú tại Úc. Toàn bộ chi phí để được như vậy, công ty chúng tôi chịu. Ngoài ra, bạn, thợ chính, được hưởng thù lao 8.000 DM. Còn bạn, thợ phụ, 3.000 DM.  
Cường hơi giật mình. Hoàng thì há hốc mồm. Trời, việc gì mà bở thế nhỉ? Cường đã nghe nói về cái công ty SAD này. Đúng là nhớn bùi bé mềm, việc gì nó cũng cân tất. Và nguồn nguyên liệu phong phú nhất, rẻ nhất của nó, là các trại tị nạn, thứ mới đến các bệnh viện và các trại giam. Có đợt mười lăm thằng được tuyển đi mò xác một triệu phú ở vùng biển bị ô nhiễm. Có đợt năm mươi thằng được tuyển đi khai thác thủy ngân. Lại có thằng, cùng ngày tháng năm sinh với con trai một lão chủ ngân hàng Á Đông, được nó gạ mua một quả thận để ghép cho con trai lão ta theo cách thức tốt nhất. Thằng này mới đầu định làm cao, sau sợ bị mất cả cụm mà không được gì, đành chấp nhận với giá chỉ gần bằng hai con trâu ở quê nhà... Các việc SAD làm hầu như đều rất sòng phẳng, công khai. Không công khai mỗi việc tuyển người đi tù thuê, giết thuê. Nhưng tuyển đi khai phá đồn điền hoặc làm việc vài năm ở những nơi độc hại cùng trời cuối đất khổ quá đi đày, hay tuyển đi lính cho đâu đó, thì lại công khai và ưu tiên số một. Mà thực ra, việc tuyển đi giết thuê cũng không khó và tiền công cũng không phải đầu bảng. Đầu bảng là đi tù thuê theo đơn đặt hàng bí mật của những quan chức cao cấp, những nghệ sĩ nổi tiếng, cầu thủ nổi tiếng, tóm lại là của những kẻ thật nhiều tiền. Chính thằng Hoàng hôm gặp lại Cường trong trại tị nạn, nói chuyện được vài câu đã chép miệng: “Em vừa trượt một cú đi tù thuê, tiếc quá!”.
- Thế công việc này cụ thể thế nào? Ông cứ nói thẳng xem chúng tôi có làm được không.
- Tất nhiên là nói thẳng chứ. Ở nước chúng tôi, cái gì cũng nói thẳng. (Gã người Việt béo tốt phát biểu tự nhiên như chính gã là dân Đức trăm phần trăm). Vâng, cái gì cũng nói thẳng. Và mọi người nhận việc hoàn toàn tự nguyện, với những điều khoản.
- Vâng, tôi hiểu. (Bố khỉ! Vấn đề là hoàn cảnh buộc người ta phải tự nguyện, còn chúng mày bao giờ cũng có lợi. - Cường chửi thầm).
- Tức là thế này. Có một nhà máy điện nguyên tử loại nhỏ, vừa đêm qua bị rò rỉ. Lối đi bị sập làm kẹt rôbốt vào chữa. Camêra cho thấy nó chưa bị bêtông đè. Nếu nó biết bò, nó vẫn có thể tiến lên. Hoặc nếu nó duỗi thẳng được hai tay như người thường, thì có thể kéo nó ra dễ dàng. Vâng, việc của anh là cắt rời thân và hai cánh tay của rôbốt để có thể kéo ra được, sau đó anh rút theo đường cũ. Nhà máy sẽ điều một rôbốt khác, loại mềm mại và nhỏ hơn, vào làm nốt các phần việc còn lại. Quan trọng là các việc đều phải tiến hành nhẹ nhàng, không gây chấn động đến các cấu kiện khác. Anh có làm được không?
- Thế sao phải cần hai người?
- Anh ta phải giúp anh dòng dây điện và các việc phụ khác. Nhất là đề phòng anh bị ngất thì đưa anh ra, giải phóng đường. Một phút im lặng. Cường quay sang cậu trai con nhà chiều:
- Thế nào, chơi chứ?
- Chơi! - Đôi mắt Hoàng lóe lên, hệt như đêm qua, lúc tâm sự với Cường: “Em phải tính cách gì thoát khỏi đây thôi. Đã có tới ba bọn dọa giết em rồi”...
 img_4778
 * * *    
 
    Ký xong, hai anh em lặng lẽ đi theo tay đại diện của SAD. Qua đoạn có hàng rào thép gai, họ giơ tay chào những người cùng cảnh vẫn còn đang ghen tỵ. Rồi họ ra khỏi trại, ngồi vào chiếc Volkswagen có hai gã mặt sắt đang đợi, phóng về phía tây. Đến một cơ sở của nhà máy, họ được một chuyên gia hướng dẫn tỉ mỉ trước màn hình và cho thao tác thử. Rồi một chiếc ôtô không người lái chở họ chạy trên con đường lát gạch nghiêng làm từ thời Hítle, dài khoảng 10 kilômét, không một bóng người. Nó dừng lại ở trạm kiểm soát do một rôbốt phụ trách. “Kính chào các quý ngài! - rôbốt cất giọng trầm đục - Xin mời các quý ngài xuống xe và đi theo tôi”. Nó dẫn hai anh em vào một ngăn chứa đồ và cấp cho hai anh em mỗi người một bộ quần áo bảo hộ chuyên dụng. “Từ đây các ngài hãy ngồi lên chiếc xe goòng tự động này, bấm nút xanh trước mặt, nó sẽ đưa các ngài chạy thẳng đến lối xuống lò có sự cố. Xin chào!”. Khi rôbốt thường trực quay đi, Cường kéo Hoàng dừng lại bên chiếc xe goòng:
- Này, tớ bảo. Bây giờ cậu cứ ngồi đây. Mình tớ cũng xong. Cậu còn trẻ, còn khỏe... Tớ thì cậu biết đấy, đằng nào cũng ra bã rồi... Hoàng lúc này đang mặt cắt không còn giọt máu. Hai bốn tuổi, anh chàng muốn sống lắm chứ. Mà thân tàn ma dại thì sống làm quái gì. Nhưng quyết định xong mới có thể nhìn kỹ lại tất cả. Nhìn kỹ lại được tất cả thì hợp đồng đã ký rồi. Thực ra phải tới lúc ngồi vào chiếc ôtô không người lái, Hoàng mới thấy rõ được sự nguy hiểm của công việc béo bở này. Hoàng lắp bắp:
- Thế... thế nhỡ... anh bị xỉu thì sao?
- Đành vậy. Vấn đề là phải xong việc. Nếu đã xỉu thì lôi được ra ngoài cũng bằng thừa... Cậu phải ráng đòi cho được cả hai suất nhập cư Úc. Suất của tớ thì bắt nó tính ra tiền trả mình, bẻ đôi mỗi thằng một nửa. Nhập cư Úc rẻ nhất nhưng cũng khá đấy. Không được vậy thì chuyển cho thằng nào đông con. Tiền của tớ gửi cho thằng Nam bạn tớ, địa chỉ trong túi ngực tớ... hoặc trong cuốn sổ bìa nâu trong valy tớ ở trại. Cường nói xong, đưa tay bóp vai Hoàng một cái, như ngày xưa lúc tạm biệt những người bạn thân. Anh lên chiếc xe goòng rồi, Hoàng vẫn còn đứng ngây ra như tượng gỗ. Anh nhìn lại Hoàng một lần nữa và bấm nút. Chiếc xe goòng từ từ lăn bánh rồi tăng tốc.
 
* * *
 
   Mặt vị cán bộ tổ chức nhạt đi:
- Được, anh cứ để hồ sơ đây... Có gì tôi sẽ báo. Lần thứ hai như thế, anh hiểu ra vấn đề. Tiến cười ngặt nghẽo một lúc rồi nói:
- Mày nên nhớ rằng nhiều nơi, tao có thể nói rằng rất nhiều nơi, chúng nó làm lắm việc ma bùn. Không ma bùn thì giàu lớn thế chó nào được! Bởi vậy chúng nó chẳng muốn thằng nào chõ mắt vào. Loại mình là chúng nó ngại. Nhất là thấy mày cứ lừ lừ lỳ lỳ. Lý lịch lại sáng ngời, chẳng có tí phốt nào cả. Tốt nhất là cứ để ông ngơi ở ngoài cho khỏe. Dính vào ông chẳng những không được gì có khi còn ra tóp cả lũ. Vậy nên mày đừng buồn. Để nhẩn nha tao sẽ tìm chỗ xin cho mày. Chỗ nào phải chi “đếm” thì chắc chắn nhất. Chỉ cần có thằng tin được, nhận lo việc đó. Xong việc xong ngay. Nó đứng giữa bảo đảm với bọn kia và với mình. Chứ cứ hứa hẹn vu vơ, quà cáp vớ vẩn, có mà đến mùa quýt! Mày đừng vội trợn mắt lên với tao. Dĩ nhiên là có ối chỗ nghiêm chỉnh, ối chỗ có những tay lãnh đạo như thằng Nam, như mày. Nhưng mà số mình chưa được gặp. Nghĩ ngợi làm quái gì! Cũng may, Tiến chưa cần phải “tham chiến”, Cường đã được nhận vào một nhà máy gần nhà. Thật ra, nếu anh không vì mẹ già, cứ theo nhà máy cũ chuyển lên Đa Phúc thì đâu đến nỗi. Rồi anh lấy vợ. Muộn màng, nhưng thật là những ngày hạnh phúc. Cho đến khi, cái họa bắt nguồn từ mười hai năm trước đó, hiện nguyên hình.
 
* * *
 
   Mùa đông năm 74. Ba thằng hành quân qua một khu rừng hoang vắng. Nom là lạ chúng mày nhỉ? Vẫn có tiếng chim, tiếng động của rừng, tiếng rì rào của gió, màu xanh của cây cỏ... Vậy mà sao... Đúng thế... Có một cái gì đó... Bản năng tự vệ bất giác làm khẩu AK của Cường bật mũi về phía trước. Tiến và Nam cũng lập tức làm theo. Ba thân hình cùng khom khom. Ba cái đầu cùng từ từ quay sang ba hướng. Sáu con mắt cùng quét nhanh lên các bụi cây, tán cây... Chả có quái gì đâu! Ba giọng cười cùng cất lên. Giọng sảng khoái to vang là của Tiến. Nhỏ là của Nam. Khùng khục nơi cổ là của Cường. Họ ngả balô xuống. Còn cái gì ăn nốt đi chúng mày! Sắp đến điểm tập kết. Thức ăn cạn kiệt cả. Họ trệu trạo nhai những mẩu lương khô cuối cùng. Ngả lưng tí chứ chúng mày? Có tiếng động nhẹ. Tai Cường lại vểnh lên. A, con thỏ. Đã thấy Tiến rút dao ra. Tiến phi dao giỏi nhất bọn. Nghĩ thế nào, Tiến lại vớ nhanh hòn đá, ném vụt một cái. Hòn đá bay sượt trên lưng con thỏ. Ấy vậy mà nó không vọt đi như những con thỏ khác trong trường hợp tương tự. Nó hoàn toàn không biết rằng vừa hút chết, vẫn di chuyển chậm chạp, gần như chỉ nhảy nhảy bằng hai chân sau, giống con kăngguru. Cà nhắc, cà nhắc. Một chân trước nó buông thõng. Tiến vọt mấy bước đến sát nó. Nó vẫn không chạy. Thỏ gì mà chậm như rùa thế này! Khi túm được nó rồi, mới biết chân trước nó bị tóp, hầu như chỉ có da và lông, nom xa tưởng bình thường. Nam bảo: “Thôi, tha cho nó!”. Tiến kêu: - Tha là thế nào! Hai ba ngày chưa có chất tươi, của trời cho đến tận miệng mà bố còn sĩ! Khi con thỏ thọt đã thơm nức, Nam vẫn không muốn ăn. Cái chính là tự nhiên anh thấy buồn nôn. Cường và Tiến thì nhoáng cái đã hết nhẵn. Ngủ dậy lại gặp một con thỏ nữa. Cũng lơ ngơ như người thần kinh. Nhìn kỹ thấy một chi trước cũng buông thõng. Chả ai còn ý định muốn bắt. Đến chiều gặp một con cáo cũng với điệu bộ mù dở như thế, nhưng không nhảy nhảy giống con kăngguru mà ngồi thu lu giữa một vũng nước, đầu lắc la lắc lư, thì ba anh em đều thất kinh. Và khi gặp một cụ già duy nhất còn lại trong một bản hoang thì sự thất kinh lên đến tột độ. Cụ già hấp háy đôi mắt đã mờ:
- Bộ đội à, thuốc độc của thằng Mỹ đấy. Bản này mấy năm trước trù phú lắm bộ đội à. Rồi sau thấy cá ở suối mọc mụn. Rồi trẻ con cũng mọc mụn như con cá. Mụn từng chùm, chi chít như quả sung quanh mắt, quanh mồm… Cán bộ y tế người Bắc như các bộ đội lội ngược suối ba ngày thì phát hiện được một bình thuốc độc từ máy bay ném xuống. Cán bộ y tế nói rằng cũng may thùng thuốc độc còn ít. Nó thả xuống nơi khác gần hết rồi mà. Trên đường ra biển nó vứt bừa xuống đây thôi. Nó nằm dưới đó lâu rồi, vỏ thùng bục nó mới ra ngoài được mà nó vẫn còn ác thế đấy bộ đội à... Đến giờ thì nhiều con cá nom như con cóc. Con cóc xuống nước sống như con cá. Con thỏ con cáo thì như vầy. Con hươu con nai cũng bỏ đi. Dân bản thì bỏ đi lâu rồi...
- Thế sao cụ còn ở đây ạ?
 Nam hỏi. Nước mắt cụ già lại tràn ra nhiều hơn:
- Tôi mới về hôm qua thôi... Tôi biết mình sắp chết, nên tìm về bản cũ thôi mà... Tôi cũng chưa được gọi là cụ đâu. Chắc tôi chỉ hơn tuổi bộ đội một chút thôi mà...
  Hai chân Nam muốn khuỵu xuống. Tiến và Cường thì từ lúc đang nghe dở chuyện đã chạy vội ra gốc cây móc cổ để nôn, nhưng toàn nôn ra nước. Chiếc dạ dày thiếu đói đã ngốn ngấu tất cả rồi... Việc này còn ám ảnh ba người một thời gian dài nữa, cả khi họ đã cùng trở về với đời thường. Rồi cũng qua đi. Tiến đã dần có một cửa hàng bơm vá lốp khá bề thế ở đường 5. Nam tiếp tục học nốt sư phạm theo nghề của bố. Cường thì như vậy. Một lần gặp Cường, Tiến cười hô hô. Ông dở hơi ơi! Hòa bình lâu rồi. Chiến tranh đã lùi xa rồi. Ông cứ đăm đăm chiêu chiêu làm gì cho nó phí của giời. Cứ chơi vung lên. Ít tiền chứ gì? Nhiều chơi kiểu nhiều, ít chơi kiểu ít. Cái chính là phải chuyển hóa từ trong đầu. Mà phải biết ăn biết chơi thì mới biết làm ra tiền chứ! Nom tớ đây này... Cường, Nam biết rõ Tiến từ lâu lao vào kiếm tiền và to mồm vậy, chứ thực ra, trong đời sống, Tiến vẫn luôn coi chữ tình chữ nghĩa làm trọng, và ở nhà, Tiến thật sự là người bố nghiêm chỉnh. Có điều, đúng như Tiến nói, Tiến thích thỉnh thoảng chơi bời chút đỉnh cho nó phong phú, hoặc là bổ túc kiến thức cho khỏi lạc hậu với thời cuộc. Rồi đùng một cái, Tiến gọi điện về trường Nam. Tiến gào lên: “Nam ơi, con tao... con tao...”. Tiến nức nở mãi mới nói rõ được rằng đứa con gái bảy tuổi của Tiến ngày càng kém ăn kém ngủ, học trước quên sau. Mắt vẫn sáng nhưng nhìn mọi vật mờ dần... Và cánh tay nó đang tóp lại...”. Nam ơi, chỉ có mấy ngày mà bệnh nó phát triển khủng khiếp... Trời ơi, Nam ơi... Nó giờ gần như con thỏ ngày xưa rồi mày ơi... Hu hu!... Thà mình chết cha nó từ ngày ấy có phải là hơn không mày ơi... Mà vợ tao lại đang có mang gần tám tháng rồi mày ơi!”. Một tháng rưỡi sau, đứa con thứ hai của Tiến ra đời. Đứa này không được may mắn bằng chị, không được sống hơn bảy năm trên đời như một con dế vô tư. Nó khóc ngằn ngặt. Và một tay của nó, đẻ ra đã quăn queo bé tí như một con giun. Tiến đã thét to khi nhìn thấy con, mồm thổ ra một đống huyết rồi chết ngay.
 
* * *
 
  Cường nghe tin dữ, lảo đảo về nhà như người mất hồn. Tháng trước, anh chưa dám nói với vợ về đứa con đầu của Tiến, chỉ lóc cóc cùng Nam đạp xe sang Gia Lâm thăm gia đình bạn. Hôm đó, trong một thoáng, anh trông rõ một con quỷ con, đầu trọc lốc, thân mình như đứa trẻ bụ bẫm ba tuổi, nhưng răng thì nhọn hoắt và đôi mắt thì như đôi mắt của một lão già hiểm độc. Nó cười khanh khách nhìn anh rồi cất gọng the thé: “May nhé! may mà vợ chồng mày tịt đường con cái nhé!”. Anh lắc mạnh đầu. Ảo giác quái đản tan biến. Nhưng cũng ngay lúc đó, anh ý thức được trọn vẹn rằng, anh vẫn là người may mắn; bởi bất hạnh chỉ hết đời anh là chấm dứt! Ôi chao! Anh muốn khóc quá! Quả là nếu biết rõ mình đã nhiễm chất độc màu da cam, rằng con mình sẽ phải tật nguyền, thành nửa người nửa thú, và rằng cái tai họa kinh khủng đó sẽ di truyền chưa biết đến đời nào và biến hóa tới mức nào, thì hầu hết những đồng đội của anh sẽ quỳ xuống xin Trời ban cho mình sự vô sinh! Ô hô, ân huệ nằm trong chính cái điều bấy lâu vợ chồng anh cay đắng nhất mà chưa dám thừa nhận. Con quỷ con anh trông thấy tháng trước chợt hiện ra. Nó bây giờ đã mọc thêm hai cái sừng và cánh tay thoắt phồng to rồi thun thút nhỏ lại thành một con rắn xe điếu dài ngoẵng, vươn đầu định mổ vào mặt anh. Anh điên tiết giương AK nổ một băng. Nó biến mất rồi hóa thành trăm nghìn con quỷ khác, đủ mọi hình hài, cười khành khạch và nhảy như choi choi trên các cành cây mới hồi sinh. Nhưng tất cả vẫn chỉ là ảo giác. Cường cũng chẳng còn súng đâu mà nổ. Anh lảo đảo, anh thất thểu bước đi đúng như người mất hồn. Trời ơi, nếu là đang một mình ở giữa rừng, anh sẽ lăn ngay ra đất mà gào lên mất!... Anh lang thang hơn hai tiếng đồng hồ trên các phố. Rồi anh thấy mình đã bước vào nhà. Vợ anh đon đả ra đón anh, điều mà hầu như chưa lần nào diễn ra trong căn hộ hiếm tiếng cười này. “Sao hôm nay anh về muộn thế anh?” Chị chợt nhíu mày nhìn vẻ mặt anh, song gương mặt chị vẫn không giảm mấy sự tươi sáng mà nếu là lúc trước, anh sẽ đoán ngay được nguyên cớ. Đúng vậy, chị đang chờ anh về để khoe rằng chị đã có thai. Chị đã đi thử đến lần thứ hai chục rồi, hôm nay hạnh phúc mới mỉm cười với chị. Trời Phật đã nghe thấu những lời nguyện cầu trên cả mức thành tâm tha thiết của chị! Ôi, chị đã tưởng đời này kiếp này vợ chồng chị sẽ không có được cái hạnh phúc giản dị mà vô cùng trọng đại đó. Chị, một trung đội trưởng thanh niên xung phong chống Mỹ, chị luôn là người chịu đựng nhiều nhất những vất vả, những đắng cay, những thiệt thòi mà chị em trong đơn vị chị phải chịu. Và chị đã trở về. Vinh quang trở về. Rồi những ngày dài ngóng đợi. Rồi lo... Không ít lần chị thấy lại cảnh một chiều 30 Tết, chợ Giám - cái chợ từ lâu đã không còn - mẹ chị cun cút đi đằng trước, càng lúc càng như chạy... Chiều muộn rồi mà mẹ vẫn chưa mua được gì... Mãi mẹ mới chọn được một con gà như ý - chỉ gần một cân, mào tím tái... Mẹ nghèo, con đông... Thằng em chị ngày đó còn bé dại, nó cứ hỏi đi hỏi lại từ mấy hôm trước: “Mẹ ơi, nhà người ta làm Tếp, nhà mình không làm Tếp hả mẹ?”...Rồi giữa muôn người, chị đã “chấm” anh. Thật mừng, trong chị không có chút nào sự tặc lưỡi, sự “cho xong”...Mà chị rạo rực, mà chị trẻ trung hẳn ra, duyên dáng hẳn ra. Chị dò hỏi về anh và thấy thật là tương xứng, thật là định mệnh...Nhưng anh vẫn chỉ chui chúi đi ngược chiều với chị trên vỉa hè; chẳng dám liếc nhìn...Chị đi đến một quyết định táo bạo. Lần đó anh vẫn chui chúi đến gần. Sẽ lại như bao lần lướt qua đôi mắt đẹp nhưng đuôi đã nhiều nếp nhăn của chị...Nhưng mà từ nay thì thôi nhá. Chị thoáng mỉm cười tinh nghịch, rồi nhanh nhẹn như hồi xưa, đá chân phải vào chân trái mình, ngã sõng soài. Không ngờ cú ngã lại thật sự. Chị vập cằm xuống hè, mặt mũi tối sầm. Anh chạy vội tới đỡ chị. Ba tháng sau thì hai người làm lễ cướỉ. Chị định chẳng bao giờ nói ra, nhưng lúc Tiến trêu rằng cô này ngã sao mà đúng lúc thế, thì chị thẹn đỏ mặt, rồi vừa cười, vừa làm vẻ đanh đá: “Vâng, tôi thấy bạn anh đẹp trai học giỏi con nhà giàu quá, nên tôi mới phải giả vờ ngã đấy!”. Dẫu đùa, nhưng nói ra được câu ấy, chị thoải mái hơn hẳn. Cả đời chị đã dối trá lần nào đâu! Anh cũng vậy, nên sau khi chị khoe tin mừng, cái ý nghĩ xót xa chợt đến rằng thôi đành phải tìm thuốc phá thai, rồi bí mật cho cô ấy uống, tan ngay trong đầu anh. Anh kể nghẹn ngào... Mắt chị mở tròn. Rồi cái gương mặt xương xương vàng vàng của chị méo xệch đi. Chị khóc òa lên, vừa khóc vừa hét: “Không! Không!...”. Chị kinh hoàng trước cái thực tế tàn khốc song không thể tin rằng mình phải chịu như vậy. Mình đã cực khổ quá nhiều rồi mà! Còn đâu là lẽ công bằng, là Trời có mắt, là thuyết bù trừ, là ở hiền gặp lành! Chị hét lên lần nữa còn to hơn trước rồi vồ vào anh. Anh hoàn toàn không ngờ được cảnh này, nhưng không có một phản ứng nhỏ nào. Bởi anh đã như hóa đá. Bởi lòng anh lúc này như đã chết hẳn rồi. Đau đớn đã làm anh tê dại và dường như chỉ có trách nhiệm và lòng căm thù bảo anh phải nói, phải bàn ngay với chị, như ngày xưa bàn về một phương án, một lối thoát ít thương vong nhất, ít đau đớn nhất. Nhưng anh quên mất rằng giờ chị đâu chỉ là người đồng đội, đồng chí của anh; chị đâu chỉ có bằng ấy chức năng, nhiệm vụ! Chị, người vợ thân yêu đã nhiều tuổi của anh, giờ đây là một người khác hẳn, khác hẳn ngay cả với lúc sáng, khi chưa biết rằng mình đã được mang thai... Vài giây sau anh sực tỉnh thì đã muộn. Anh nhào theo người vợ vừa phóng ra ngoài đường...
 
 * * *
 
    Cường nằm liệt hơn một tuần liền. Mình Nam đóng vai chính chạy lo cả đám ma của vợ Cường và Tiến. Khi Cường gượng dậy được, Nam đèo Cường gần hai chục cây số sang nhà Tiến. Họ dứt khoát không cho đưa vợ Tiến vào bệnh viện tâm thần. Họ quyết định sẽ bán cơ sở bơm vá lốp của Tiến ở đường 5, bán cả căn nhà trong ngõ của Cường, kéo tất về chỗ Nam. Cạnh nhà Nam có hai mảnh đất người ta để lại với giá rẻ. Cường chỉ còn hai mẹ con. Nhà Tiến cũng chỉ còn hai mẹ con. Đứa thứ hai khóc ngằn ngặt được một lúc thì mất. Đứa đầu mới hôm nào còn chạy ra khoe với bác Cường, bác Nam điểm mười điểm chín, giờ gần như cả ngày lẫn đêm im lặng như cái bóng trên giường. Mẹ già của Cường thì từ lâu rồi chỉ có thể ở được với Cường. Người anh cả quá đông con và quá sợ vợ. Cô em gái công nhân xí nghiệp may về mất sức, sống chật vật, năm nào ăn Tết xong cũng lại bắt đầu dành dụm từng hào bỏ ống để cuối năm mua sắm về Tết mẹ đẻ, mẹ chồng... Cũng chỉ được con gà chai rượu hộp mứt, chứ chẳng có gì nhiều... Cái liên gia ba nhà đó lặng lẽ tồn tại suốt năm 1987. Vết thương nào rồi cũng thành sẹo. Có điều Cường đã quên hẳn cách cười. Anh lầm lũi đạp chiếc xe Thống Nhất đi làm. Một bữa, ăn vạ vật ở nhà máy hoặc nhịn hẳn mà không thấy đói. Một bữa về ăn cơm với mọi người. Hai đứa con Nam thấy bác Cường buồn, không bao giờ nói to khi bác ở nhà. Vả lại, chúng cũng quen học tập miệt mài trong im lặng, khi đã xong việc giúp bố mẹ nhà cửa, lợn gà. Đây cũng là thời kỳ nhà máy Cường thiếu việc làm trầm trọng, sản phẩm không bán được. Bây giờ nếu ai xung phong nghỉ hưu non, nghỉ mất sức, coi như một nghĩa cử... Có cái gì gần giống trên một con thuyền sắp cạn thức ăn lênh đênh giữa biển khơi... Lại những người đàn ông trách nhiệm nhất, bản lĩnh nhất, tình nguyện rời thuyền. Cho nên, là người tự trọng và ý thức được mọi điều, lẽ ra Cường không để ai phải nhắc. Tiếc thay, giờ chiếc xe nặng nề này, anh và Nam phải kéo là chính. Những hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức, dẫu sao chỉ là hỗ trợ. Mà các anh vốn cũng không thích tính đến khoản này, nhất là Nam, từ nhỏ đã sống trong tinh thần khắc kỷ và “bất cầu nhân”. Vợ Tiến thì khi nào lại người cũng chỉ có thể đảm nhiệm một hàng nước nho nhỏ. Bởi vậy anh phải chờ đợi, chờ đợi một dịp “rời thuyền” hiệu quả nhất. Đó là một đợt xuất khẩu lao động. Song, ở Đức một thời gian, Cường nhận ra mơ ước kiếm được nhiều tiền một cách hoàn toàn chính đáng, thật viển vông. Ngay cái được coi là chính đáng nhất - mua những thứ người ta bày đầy cửa hàng để tích cóp đóng hòm gửi về nước bán - cũng bị dân Đức coi là xấu. Có một đốc công thành thật hỏi: “Sao trong tivi tao thấy ở nước chúng mày nhiều thứ thế mà chúng mày còn mua?”. Quả là ông ta đã không hiểu một điều quá đơn giản!... Nhưng mua được hàng cần đâu có dễ. Cứ nghe nói chỗ nào bán những thứ có thể bán được là đi. Mới đầu là đi trong háo hức. Sau là đi trong tủi nhục, đi trong xót xa. Cứ xuống tàu là lại căm cắm đi rất nhanh đến các điểm như đã định sẵn. Ở Đông Đức, thị trấn nào cũng có bằng ấy công sở, bằng ấy cửa hàng. Hàng ăn, hàng công nghệ, hàng giày dép, hàng quần áo, hàng đồ cũ... Hàng đồ cũ (A&V - Mua và Bán) là nơi bọn anh hay đến nhất. Bọn anh lướt qua các gian hàng. Hãn hữu mới dừng lại mua một thứ gì đó, rồi lại căm cắm đi. Không biết từ lúc nào, bọn anh hầu như đều có một dáng đi chung như thế, đầu chung chúc, như cố định, mắt cũng hầu như chỉ nhìn chéo xuống các mặt hàng... Có những ngày đông lạnh giá. Tuyết trắng mênh mông. Đi cả ngày không mua được một thứ gì... Cứ thế, cứ thế, hệt những con kiến tha mồi, khi nào đầy những paket và thùng gỗ tiêu chuẩn... Đó là những ngày vui nhất. Nhưng cũng là bước vào những ngày lo âu vất vả nhất. Đối kháng, luồn lọt, mưu mẹo, gian dối... Cường sang đúng mười một tháng mới mua được một chiếc Simsơn bốn số. Cuốn giấy để đấy vì phải đợi một năm mới được gửi thùng hàng. Càng ngày anh càng thấy chóng mệt mỏi. Mắt nhiều lúc mờ đi. “Nó bắt đầu tác quái đây!”...Anh nhẩm tính lúc được đóng thùng vẫn chưa đủ, lại phải cho những thằng có của chở ké để lấy ít tiền. Số lại không may: năm paket (thùng cáctông tối đa hai mươi kg, hai tháng được gửi một lần) của anh lại bị trả một, thu một. Nào có hàng gì ghê gớm cho cam. Họ soi đúng loạt hàng có paket của anh. Chỉ hai máy cạo râu hoặc sáu hộp cacao là đủ bị gạt lại rồi. Tình hình chung còn xấu đi nhanh hơn. Sự khinh miệt không còn chỉ ở trong cái nhìn của một số người. Những tiếng Fischi hàm chỉ bọn man rợ, hạ đẳng, nhiều lúc vang lên một cách công khai trên ôtô buýt, trong quán ăn... làm nhiều người Việt Nam không chịu nổi. Ở Pankow, một lũ đầu trọc rượt đuổi ba người lao động Việt Nam qua mấy dãy phố mà không cảnh sát nào can thiệp; ở Dimitrofstrafe, hai cô gái thấp nhỏ người Việt bị toán thanh niên Đức mất dạy cao lớn nhấc lên cho giãy giụa một lúc, rồi ném qua hàng rào... Rồi nhà máy của bọn anh chuẩn bị giải thể. Rồi chính quyền của Đảng xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức đổ sập từng khối lớn. Và từng mảng trí thức, công nhân lành nghề, mới đầu là ngành Y, sau thì đủ mặt, ùn ùn kéo sang phía Tây... Hơn sáu vạn công nhân Việt Nam, thảy đều lo lắng, nhất là những người mới sang hoặc chưa kiếm được bao nhiêu mà nợ ở nhà vẫn không ngừng phát triển. Đội Cường quá nửa bỏ đi. Mới đầu còn chui lủi, sau gần như công khai. Mới đầu còn vượt tường, sau chỉ cần nhập vào đoàn người sang thăm rồi ở lại luôn. Cảnh sát Tây Đức dồn tất cả những người ở lại không hợp pháp vào các trại tị nạn. Ai có người thân đến đón thì được tạm ra. Quan trọng là người thân phải có tài sản kha khá và một nguồn thu nhập đều đặn. Khối người không biết điều này, cứ tưởng có cô dì chú bác quốc tịch Tây Đức là xong. Cường ra đi sau lần bị ngất ngay nơi làm việc. Anh cảm thấy rất rõ cái ngày cuối cùng đang đến gần. Anh nhặt nhạnh thu dọn tất cả các thứ của mình, gửi về rồi ra đi. Khi cái tin về sự bồi thường cho những hợp đồng bị kết thúc trước thời hạn được công bố, anh đã nằm trong trại tị nạn. Đêm đó, anh lại thức trắng. Và gối đẫm nước mắt.
 
* * *
 
    Chiếc xe goòng dừng lại trước miệng một đường hầm sâu hun hút và tối. Cường xuống xe, dò dẫm bước vào. Đi được một quãng anh mới nhớ là có đèn pin. Qua hai khúc ngoặt, anh đã nhìn thấy một người máy nằm sõng soài chỗ đường hầm bị sập. Một cảm giác quen thuộc từ ngày nào thoắt xuất hiện trong anh. Anh cũng đồng thời cảm thấy đó không phải là cái máy. Bất giác anh hỏi to: “Thế nào, bạn bị làm sao?”. Tiếng trả lời trầm đục của rôbốt làm anh lạnh xương sống: “Thưa-ông. Tôi-không-làm-sao. Tôi-chỉ-không-thể-tiến-hoặc-lùi”. Từ lúc vào đường hầm, những hình ảnh buồn bã thôi lướt nhanh trước mắt. Anh hoàn toàn tập trung vào công việc. Anh từ từ bò đến quan sát thật kỹ, mắt đảo nhìn những chỗ khác. Anh không tin những camêra đặt quanh đây quan sát được hết. Nhưng quả là chúng đã nhìn thấy tất cả những gì mắt thường nhìn thấy: Thực tế đúng y như trên màn hình. Cường lại nói, lúc này là nói cho đỡ trống trải: “Bây giờ tôi sẽ ngắt công tắc của bạn, rồi buộc phải cưa đôi bạn ra...”. Người máy đáp lại vẫn theo kiểu cũ và bằng một âm sắc không đổi khiến anh thấy vừa hài hước vừa tội nghiệp: “Bítthơ (Bitte: Xin mời). Xin-quý-ông-cứlàm-theo-phận-sự. Anh chợt hình dung thấy cảnh mình nằm gục ở đây và một người máy đến túm lấy anh lôi ra như lôi một cái xác. Mà cũng có khi nó chỉ cần bập một cái móc vào thân thể vẫn còn biết đau của anh rồi bấm nút cho tời kéo. Nhưng cũng chẳng cần cầu kỳ đến mức ấy đâu mà! Cường hơi nhếch mép nghĩ vậy và những hình ảnh lại lướt qua trước mắt anh. Anh nhìn thấy một thằng người máy vạm vỡ phăm phăm đi đến. Đằng sau là thằng Hoàng vừa chạy theo vừa khóc lóc van xin. Nhưng thằng người máy vạm vỡ đã được lập trình. Nó cứ phăm phăm bước đến, giẫm lên Cường, túm lấy thằng người máy đã được cưa ra và kéo lui. Rồi nó tiếp tục đi làm công việc. Làm xong nó lại phăm phăm trở lui. Và nếu độ nhiễm xạ không giảm xuống thì những chiếc phi cơ được bảo vệ sẽ nối đuôi nhau bay tới trút ximăng như ở Trécnôbưn năm nào... Ôi chao, đời ai mà chả phải chết. Chỉ cầu sao công mình đừng thành công cốc thôi. Cũng may mình đã để thằng Hoàng ở ngoài, chứ không thì lấy ai mà cãi nhau với bọn nó! Cường lách tay theo lưng người máy tìm công tắc. Anh thoáng có ý nghĩ cái tảng bêtông ở trên tự nhiên hạ xuống một tí, chẹn cứng cánh tay anh. Ôi chà, cần quái gì!... Anh đã gạt được công tắc. Không thể nhìn thấy đèn báo, anh thử bằng cách cất tiếng hỏi: “Thế nào, người anh em?”. Im lặng. Chắc được rồi. Anh hỏi thêm, vẫn bằng tiếng Đức: “Rôbốt, bạn tên là gì?”, vẫn yên lặng. Được lắm! Tiếng nói ở máy chỉ huy trong mũ cũng phát ra: “Tốt rồi đấy. Bắt đầu làm đi!”. Cường đưa cái máy cưa vào ngang người rôbốt. Nhoáng cái nó đã chạm đến phần “xương sống”. Tiếng lưỡi cưa rít to hơn. Chỉ mấy giây, thằng rôbốt đã bị cắt ra làm đôi. Anh lay thử để biết phần dưới rôbốt đã hoàn toàn tự do. Còn hai cánh tay nữa. Cánh tay phải khó hơn. Nó bị kẹt hẳn hoi, cắt dễ gây động chạm lắm. Bỗng anh thấy như bị hụt hơi. Tất cả tối sầm đi một thoáng. Anh rời tay khỏi nút bấm của máy cưa. Ngồi bệt hẳn xuống. Những ngày cuối cùng ở Đông Đức anh cũng bị thế này đây, rồi lịm đi đến nửa tiếng. Anh hoảng quá. Anh thoáng nhìn thấy người cuối cùng trong tổ ba người lom khom vào hàng phở đầu phố. Không phải Nam mua phở để ăn hoặc cho con Nam, mà để mang về cho mẹ già của anh và đứa con tội nghiệp của Tiến. Rồi anh lại nhìn thấy chính thằng Hoàng chứ không phải ai khác, ngồi trong lớp học của bạn anh, cả hai cùng gầy vêu. Hai cục yết hầu cùng nhô lên hạ xuống gấp gáp. Họ cũng đang thở dốc như anh bây giờ. Sao thế nhỉ? Bạn anh đã đành. Nó từ lâu lao lực. Lên lớp triền miên. Hết chính khóa lại phụ khóa, dạy thêm các loại. Mà nó đâu có kiếm được nhiều tiền như người khác. Học sinh nghèo nó toàn dạy không. Còn thằng Hoàng, chẳng lẽ xong đợt này sẽ bị nhiễm xạ không ngóc đầu lên được?... Cường vụt có cảm giác cái chết như một ngôi sao chổi lớn gườm gườm lượn tới quét cả nửa phần đuôi vào người anh. Nhưng anh vẫn chưa chết. Cũng không lịm đi nửa tiếng như lần trước. Anh hết ngợp thở rồi. Phần đuôi của cái chết đã tạm vòng khỏi người anh rồi. Mắt Cường thoắt mở trừng. Sức khỏe hồi phục. Anh nhận ra mình vừa ngất đi khoảng vài tích tắc. Nhưng anh vẫn ngồi, chứ không ngã. Không biết nhiễm xạ sẽ thế nào nhỉ? Dẫu sao chắc chắn cũng không khủng khiếp và không thể lường đoán được như nhiễm chất độc da cam. Nghe đâu chỉ đến mức bản thân máu trắng, rồi chết là cùng!
 
* * *
 
   Hoàng chạy vội đến đón Cường. Qua tấm kính chắn, Hoàng càng thấy mặt Cường dại đi dễ sợ. Hoàng gần như bế Cường ra khỏi chiếc xe goòng. Xong rồi chứ anh? Rồi. Tiếng Cường thều thào. Người máy thường trực đón họ vẫn bằng bộ mặt bất động vốn dĩ, với một lời chào bất di bất dịch. Dầu sao họ cũng thấy bớt đi cảm giác bị bỏ rơi trên một hành tinh chết. Bởi vì, từ lúc xong việc, tiếng nói trong mũ không vang lên lần nào nữa. Chiếc ôtô không người lái đưa họ chạy ngược lại con đường lát gạch nghiêng làm từ thời Hítle. Vẫn không một bóng người, không một bóng xe. Về tới chỗ xuất phát, họ được hướng dẫn đi vào phòng khám nghiệm. Không biết mọi người cần cách ly với họ hay ở khu vực này, độ nhiễm xạ đã tăng lên đến mức nguy hiểm nên tất cả đều phải mặc quần áo bảo hộ chống xạ. Thành thử, nom quang cảnh như dưới đáy đại dương.
 
* * *
 
   Gã người Việt béo tốt nghiêm giọng: - Anh Hoàng! Anh không được nhận chút gì cả. Vì anh không tham dự tẹo nào vào công việc.
- Sao lại thế? –
Cường, Hoàng cùng thốt lên. Cường nói tiếp, giọng anh yếu hơn nhiều so với trước:
- Chúng tôi đã hoàn tất công việc một cách mỹ mãn.
Tay người Việt béo tốt gạt đi:
- Vấn đề không phải vậy. Các anh không ký hợp đồng như vậy. Nếu các anh không hoàn tất công việc mà chỉ làm đúng như chỉ dẫn của chúng tôi, các anh vẫn được thanh toán sòng phẳng 70%. Đằng này mỗi anh Cường làm, anh Hoàng đứng ngoài. Theo nguyên tắc, lẽ ra anh Hoàng phải nộp phạt nặng. Ấy là chưa kể nếu anh Cường bị gục ngã hoặc làm hỏng việc, chúng tôi sẽ vô can. Hoàn tất công việc là việc của công ty chúng tôi ký với nhà máy, không phải của các anh. Cường vụt hiểu vì sao qua camêra chúng thừa biết Hoàng ở ngoài, nhưng chúng không nói gì. Biết đâu chúng tính trước cả chuyện này rồi cũng nên. Anh nén cơn đau đang đột ngột trào lên khắp người: - Vậy thôi, một suất cũng được. Các anh hãy làm thủ tục lo cho Hoàng sang Úc. Tôi không thể... sang được nữa... Nếu các anh không làm vậy, tôi sẽ lao đầu vào tường trước mặt tất cả anh em chúng tôi. Tôi lạ gì phóng viên ở đây. Vâng, ngay lập tức họ sẽ xúm đến quay phim chụp ảnh làm rùm beng và các anh sẽ đi tong, vào tù hoặc lĩnh lương thất nghiệp. Các anh chọn đằng nào? Mặt tay người Việt béo tốt tái đi. Đúng là trường hợp hắn không tính đến. Thằng cha lẻo khẻo có đôi mắt này dám làm mọi thứ lắm! Ý nghĩ về một vụ áp phe mới và những tính toán hơn thua lao vun vút trong đôi mắt nhỏ và nhanh như mắt rắn của hắn. Rồi cặp môi ướt của hắn nhoe ra một nụ cười hòa bình:
- Ờ được rồi, được rồi. Đâu khắc có đó, đâu khắc có đó. Về lý chúng tôi đúng, nhưng chúng tôi sẽ xét những lợi nhuận anh đã mang lại cho chúng tôi để có thể thực hiện được nhiều nhất ước vọng của anh. Bây giờ anh cứ yên tâm điều trị. Sắc mặt anh vậy dễ phải nằm viện dài dài lắm!
 
 * * *
 
   Tiếp đó, theo luật, mọi sự cứ tuần tự được tiến hành. Cường mất hút sau những tấm cửa bệnh viện kiên cố như cửa nhà tù. Còn Hoàng, giờ đã khác trước rất nhiều. Hoàng ít nói như người mắc bệnh trầm uất. Có lúc anh đứng rất lâu bên dòng sông Sprê và nhìn thấy xác mình nổi lều bều. Nhưng cũng trong những ngày này, anh đã viết bức thư đầu tiên về nhà sau ba năm trời ở nước ngoài. Dòng chữ anh tưởng chẳng bao giờ xuất hiện dưới ngòi bút của anh, đã xuất hiện: Bố mẹ yêu quý! Thư gửi cho Nam thì anh đã gửi mấy lá rồi. Lá đầu gửi cùng với hầu hết số tiền Cường giành được. Anh dự định từ nay sẽ hội nhập vào cái gia đình gồm những người còn lại của ba gia đình ấy. Một tháng sau, anh lên máy bay sang Úc. Khi máy bay cất cánh, anh giật mình bởi thấy những cảm giác anh chưa hề thấy. Anh không kịp lấy túi nôn vì có bao giờ anh phải đề phòng trường hợp này. Từ bé anh đã theo mẹ đi máy bay sang thăm bố công tác ở nước ngoài mà có hề hấn gì đâu. Anh bưng hai tay lên miệng, nôn thốc nôn tháo. Một quầng lửa đỏ nhờ nhờ thoáng dâng lên trước mắt anh, kèm theo một cơn đau mơ hồ.
 
                                                                      Bernau, tháng Hai năm 1990.
                                                                      Hà Nội, tháng Ba năm 2011
                                                                                       T.D
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Quảng cáo
congnhan12345
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 3
Trong ngày: 30
Trong tuần: 759
Lượt truy cập: 379181

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH, NHÀ VĂN CẦM SƠN! RẤT NHIỀU BỨC ẢNH CỦA NGÀY HÔM ĐÓ ĐÃ CÙNG VỚI BÀI NÓI CỦA TÔI LÀM NÊN KHÔNG KHÍ TƯƠI VUI, HÀO HỨNG CỦA BUỔI RA MẮT SÁCH! CHÚC MỪNG NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CHÚC MỪNG TS NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC VỚI TẬP THƠ ĐỘC ĐÁO, IN ĐẸP!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÁI PHỤC BÀ MÂY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Thuộc loại "chuyện bây giờ mới kể" đây! Cám ơn tác giả! Mượn lời bà SUỐI để nói về bà MÂY: "Bái phục bà MÂY" ! Haiza!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN VÀ BAN BIÊN TẬP ĐÃ ĐĂNG BÀI VIẾT NHÂN DỊP NHÀ THƠ NGUYỄN HUY HOÀNG RA MẮT TUYỂN THƠ VÀ TRUYỆN KÍ TẠI HỘI TRƯỜNG HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM!

 

Cầm Sơn - 0913269931

Cũng cần cảm thông với ông Troussier. Nếu nói về thành tích trong quá khứ, ông Park Hang Seo không thể sánh với ông Troussier được. -Trong sự nghiệp huấn luyện đồ sộ của mình, giai đoạn thành công nhấ...

 
Xem toàn bộ
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0964 131 807
Email: soncam52@gmail.com
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công nhân.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông Chi hội Nhà văn Công nhân.