Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

CHIẾC NHẪN MẶT NGỌC

Nguyễn Đức Hậu

CHIẾC NHẪN MẶT NGỌC 

    Giờ tôi còn nhớ như in cái cảm giác tức tối như thế nào trong người khi ban đội chia cho nhà tôi khoảnh ruộng ở cánh đường mả. Gọi là cánh đồng Đường Mả vì cánh đồng ấy là nơi chứa hàng ngàn ngôi mộ của nhũng người làng tôi mất đi được chôn cất từ bao đời nay nằm rải rác trên các thửa ruộng. Ruộng nhà tôi được sào bảy mà có tới mười một cái mả. Trong khi đó nhà Nhiên là cái gì mà lại được chia ruộng ở cánh Vượt, nơi thuận nước, màu mỡ lại ngay đường cái, và nhất là ở đó toàn cánh không có một cái mả nào. Chả thế mà từ tổ trưởng trở lên đều được chia ở cánh Vượt hết. Thì cứ cho là ưu tiên những người tham gia lãnh đạo hợp tác xã đi. Nhưng còn nhà Nhiên thì lãnh đạo ai? Rõ ràng nhà ấy không giữ chức gì từ tổ phó trở lên. Vì là vợ bộ đội ư? Làng này biết bao nhiêu gia đình bộ đội, có ai được như nhà ấy đâu? Vậy thì chẳng có lý do gì nhà ấy lại hơn tôi. Tôi đem cái lý ấy thắc mắc um trong cuộc họp xã viên. Người đồng tình, kẻ phản đối. Bà Bính bảo: "Cái nhà ông này giầu nứt đố đổ vách còn tỵ nạnh với cả đàn bà, mà nhà người ta thì có gì đâu, chồng con lại vắng… ai sướng như bà Thìn nhà ông ấy?" Tôi nhìn cái con mẹ mặt đã như bàn tay chéo lại dính vết chàm xanh lét ở thái dương độp ngay: "Này, không có chuyện tư tình gì ở đây nhớ. Sướng khổ giầu nghèo chẳng việc gì đến nhà bà. Cứ lý mà làm, miễn sao công bằng là không ai thắc mắc". Cuối cùng phải thua tôi đấy, ban đội đành cắt cho nhà ấy một thẻo từ sướng mạ của đội ở mãi cuối cánh đường mả. Chả phải tôi tư thù gì với nhà ấy mà là lẽ công bằng thôi. Chứ cô ta hiền lành lại là bà mụ của làng chuyên rón tay làm phúc cho mọi nhà thì có gì để mà tư thù? Nhưng thằng con trai nhớn nhà ấy, nom người thau tháu, đen thẫm đen thụi, mới học lớp bảy mà khôn ngoan đáo để. 

    Phàm đã là nông dân ai chả tiếc đất, dù chỉ một tấc? Mỗi vụ cày, tôi lại lấy cuốc vạc xung quoanh những ngôi mộ một ít bảo cho sạch cỏ thực ra là cấy thêm được hột nào hay hột ấy, làm cho ngôi nào cũng thắt thẻo lại, thế mà chỉ vài hôm lại thấy đắp to ra lúc nào không biết nữa. Thì ra là thằng ôn Nhanh nhà Nhiên. Nghĩa là mười một ngôi mộ này đều thuộc về họ Lê cả. Trông thấy nó hì hụi lấy đất từ ngôi mộ mới bốc nằm trên cái gò ria đường gần đấy đắp vào xung quanh mộ dòng họ mình, tôi lại thấy phục thằng bé. Tý tuổi đầu nó đã biết chăm sóc đến mồ mả tổ tiên. Nhà nó nghèo nhất làng, mẹ nó cứ quặt quẹo yếu đau luôn ấy mà. Đá còn đổ mồ hôi nữa là người. Thì có một mình nuôi ba đứa con ăn học lại tham công tiếc việc như thế, sức trâu cũng gục. Nhưng chỉ hùng hục làm mà không biết tính là chết. Ban đội chúng nó còn cắt đầu xén đuôi thu vén làm giầu, chứ xã viên thì trông vào cửa nào? Nhà tôi cũng chẳng giầu có gì nhưng chưa bao giờ phải lo đến cái ăn bởi tôi có nghề phụ. Hết công việc ngoài đồng là vợ chồng con cái xúm vào mấy cái khung thêu. Cô Nhiên cũng có nghề phụ, lại nghề sang, ai cũng phải lụy, chết nỗi, tính cô ấy khí khái lắm, cho dù đêm hôm rét mướt hay mưa phùn gío bấc, không một ca vượt cạn nào trong làng sót bàn tay mát mẻ của bà mụ Nhiên. Ngay con Rơi út ít nhà tôi cũng tay cô đỡ chứ ai? Đang gặt lúa ngoài đồng chành thì bà ấy nhà tôi trở dạ. Đã bảo ở nhà nghỉ chờ sinh, thế mà không, cái giống đàn bà đến là khó bảo, toàn tham công tiếc việc không phải lối. Lúc ấy cả đồng rối tinh lên. May trong nhóm gặt có cô Nhiên. Cô giục tôi về lấy nước ấm ra tắm cho bé. Tôi chạy về lấy được phích nước và cái thau đồng đến nơi thì đã tụt ra rồi. Ai đó vội quây cầu rạ lại cho bà ấy nằm. Cô Nhiên vắng chồng, thiếu sự chăm chút của đàn ông, người giống cái sào tre mắc hờ chiếc áo nâu non bạc hết cả quầng lưng, bình thản lấy lưỡi hái làm cái xoẹt nên con bé lớn lên rốn cứ thòi lòi ra như qủa nhót. nhan-nam-dep-7

    Ấy vậy mà nó vẫn ùng ục như đất vãng cày, chẳng ốm đau gì mới lạ chứ. Hôm sau tôi bắt con gà Trống thiến thân chinh ôm sang gọi là chút lễ mọn hậu tạ bà mụ. Nhưng nói thế nào cô ấy cũng không nhận. Cô ấy ngước đôi mắt bồ câu trên khuôn mặt trắng xanh nhìn tôi bảo: "Nếu em làm nghề, bác cho tiền công thì em xin. Nhưng em không làm nghề, cả làng này em có nhận một đồng chinh của ai đâu. Miễn sao mẹ tròn con vuông là em mừng rồi. Em xin cảm ơn tấm lòng bác nghĩ đến em là đủ. Thôi, bác mang về bồi dưỡng cho bà đẻ". Tôi không biết nói sao, đành lủi thủi ôm gà về. Bây giờ con Rơi đã ngoen ngoẻn mái tóc thề óng ả đi sóng đôi thằng Nhanh nhà Nhiên trông đẹp đáo để. Hình như chúng học cùng trường với nhau. Gái thập tam, nam thập lục, chả mấy lại phải lo khoản của hồi môn chứ chẳng chơi. Các cụ dạy người yêu đất, đất ắt thương người là vậy. 

    Thằng Nhanh đắp xong, xuống rãnh đường rửa chân tay. Tôi rải hết nắm phân chuồng, thấy nó móc trong túi ra vật gì khỏa nước rửa rồi giơ lên ngắm nghía. Tò mò, tôi làm ra vẻ cũng đi rửa ráy tới chỗ nó. Té ra trên tay nó là chiếc nhẫn đang lóe sáng dưới ánh mặt trời gay gắt buổi trưa. Chả lẽ mới nứt mắt ra thằng này đã sắm nhẫn cưới? Mà nhà nó thì tiền đâu ra để sắm? Tôi trộ "Mày ăn cắp ở đâu cái của ấy hả?" Nó quặu mặt lại: "Bác đừng có nghĩ xấu cho người khác thế. Cháu xắn hòn đất thấy cộm tay nghĩ là mảnh sành, định bửa vứt đi thì ra không phải...

    Trong con người ta đôi khi có hai ba thằng người khác không chừng. Nghe nói của rơi cái thằng người khác ấy trong tôi sáng mắt ra thèm muốn. Còn thằng người thứ hai thì tối mắt lại, nảy ra một kế mượn miệng tôi bảo với thằng Nhanh: "Chết cha, cái thứ của chia cho người chết là không mang về nhà được đâu. Khôn hồn mang để lại chỗ cũ đi. Được bạc thì sang được vàng thì mạt. Giữ trong người khéo chết cả nhà không biết chừng." Thằng Nhanh mặt biến sắc. Nó bỏ nhẫn vào túi quần, rửa qua chân rồi lên đường ngồi thừ ra nhìn hút phía chân trời xanh ngắt một màu mây. Lúc tôi rửa chân xong bước lên định về thì nó nhìn tôi với con mắt thăm dò tiếc rẻ hỏi: "Cháu chỉ để chơi cũng không được à?" "Được. Nhưng cái họa thì ai biết nó đến vào lúc nào? "Tôi thủng thẳng đáp như chẳng mấy quan tâm tới chiếc nhẫn nữa, trở lại bờ ruộng nhà mình lấy quang gánh để về nhưng vẫn đánh mắt theo dõi nó. Nó đứng dậy đi nhanh ra chỗ cái mả mới bốc, lổn nhổn vàng khè màu đất sét rồi dừng lại tần ngần. Tôi đến bên nó vỗ vai bảo: "Tiếc gì cái của ấy, quăng đi, về kẻo trưa". Nó lấy cái nhẫn ra ngắm nghía lần cuối rồi đột ngột vứt tõm xuống vũng nước tù của cái huyệt cũ làm lớp váng đen xỉn trên mặt thủng ra một lỗ bằng nắm tay trẻ con, vài vòng sóng loang ra, sau đó lớp váng từ từ khép kín lại như nuốt vào bụng cái vật nó được quyền sở hữu. 

    Thế mới biết, lừa một đứa trẻ con chẳng khó khăn gì. Tâm hồn chúng còn trong trẻo qúa, làm sao chúng hiểu được những ngoắt ngoéo của người lớn? Hai bác cháu về tới đầu làng, thằng Nhanh chào tôi rẽ về xóm chùa, còn tôi tạt vào ông Kỷ đội phó ăn điếu thuốc lào và hỏi về công cày của tôi dưới Vượt sao lại nhầm mất nửa công. Xong việc tôi lẳng lặng quay ra ruộng. Đồng trưa vắng người nhưng tôi vẫn nhìn trước ngó sau như một thằng ăn cắp rồi mới rụt rè cởi quần dài lội xuống. Mặt váng nước sủi bọt lên nổ tem tép xộc vào mũi tôi cái mùi gây gây tanh tanh thum thủm làm tôi sởn da gà. Từng vầng rác rến bằng bàn tay nom giống quần áo mục lều phều nổi lên khiến tôi lợm giọng. Ôi dào, người ta rửa cốt rồi về ngồi ngay vào mâm ăn cỗ thì sao? Vẽ! Món của hấp dẫn khiến tôi gạt phăng mọi bẩn thỉu cắm cúi mò. Quái, rõ ràng nó ném xuống chỗ này mà sao không thấy? Tôi nhè nhẹ quờ hai tay dồn lại như mò ốc, bóp nặn từng tý bùn nhão trong nước hôi thối cả tiêng đồng hồ vẫn không thấy. Hay là thằng mất dạy ấy ra mò lại rồi? Không! Không thể. Mình chỉ ngồi có một lát bằng thời gian ăn xong dăm điếu thuốc làm gì nó mò trước mình được. Vả lại mặt váng lúc tôi ra còn nguyên kia mà. Tôi xắn bùn vất lên bờ để tay bóp, mắt nhìn giữa ánh sáng mặt trời thì nó chạy lên mây. 

    Toát mồ hôi hột cả buổi trưa ngồi dãi nắng gạn từng dúm bùn vẫn không thấy tăm hơi cái nhẫn. Bực qúa! Hay là nó ném giả vờ một hòn sỏi nào đó cho mình mò khổ sở cũng nên? Không ăn được của nó đâu. Ông nhóc này cáo lắm. Tôi chán nản đứng dậy. Chợt thấy ngưa ngứa ở mu bàn chân, nhìn xuống, con đỉa trâu một đầu từ kẽ ngón chân cái còn đầu kia bám nhằng lên gần cổ chân tôi dính đầy bùn đất đang thản nhiên dùng bữa trưa trước cả tôi. Thò tay gỡ con đỉa đã no máu, tiện thể gạt nắm bùn đi thì tôi thấy lóe lên một tia sáng. Tôi gạt bùn ra, cầm lên chùi vào quần đùi. Ồ! Cái vật tôi ra công tìm kiếm suốt trưa nắng chang chang không thấy hóa ra lại đang nằm ngủ ngon lành ngay cổ chân tôi. Tôi sung sướng nắm chặt nó trong tay như sợ nó tàng hình mất, mang ra rãnh đường rửa lại rồi cứ thế đứng dưới nước ngắm nghía y như thằng Nhanh lúc trước. Cả đời người nông dân sấp mặt là đất, ngửa mặt là trời biết vàng là cái gì đâu. Chiếc nhẫn mặt hồng ngọc từ bé tôi mới thấy lần đầu. Nó đẹp qúa sức tưởng tượng của tôi. Tôi bỏ nhanh vào túi bởi cảm giác có một cặp mắt đang nhìn xoáy vào gáy mình. Tôi ngoảnh lại. Qủa nhiên tia mắt thằng Nhanh sáng rực lên rồi thoắt mờ đi như có lớp màng mỏng giăng ngang. Nó nheo nheo mắt hỏi bằng giọng giễu cợt: "Bác không sợ chết cả nhà sao?" Tôi đột nhiên toát lên: "Nhóc con, mày nói cái gì?" Nó lạnh lùng bảo: "Sao bác là người lớn mà lại gạt cháu?" Tôi không giấu được vẻ sượng sùng nói vớt: "Tao thử mò lên xem nó có đẹp không thôi, nhưng không thấy." "Bác nói dối! Chính cháu thấy bác rửa, nhìn ngắm rồi bỏ vào túi kia kià.” Tôi sừng sộ át nó đi hay át chính nỗi xấu hổ ê chề đang bừng bừng trên khuôn mặt mình: "Nói láo, ông thì đập chết chứ đừng có giở thói điêu toa ra với ông nhá!" Nó tỏ ra chẳng hề sợ gì lời dọa dẫm của tôi, thách thức: "Bác dám để cháu khám không? Nếu bác cứ khăng khăng là cháu nói điêu cho bác thì bác phải để cháu khám." Bị một thằng oắt con dồn đến chân tường, tôi tức đến nổ cổ chỉ muốn cho nó mấy bạt tai để thoát ra khỏi cái vũng lầy khó chịu này. Nhưng đánh nó có lẽ còn rắc rối hơn. chỉ một lúc nữa mọi người đi làm đồng thì không tránh khỏi tai tiếng. Ở tuổi tứ tuần, tôi đủ khôn ngoan để tìm một kế hoãn binh: "Thôi được, bác cháu mình sẽ giải quyết vụ này sau. Đằng nào thì cháu cũng đã ném đi rồi, đúng không? Để bác xem nó có phải là đồ thật không rồi bác trả cho cháu ít tiền mà tiêu." Nó ngẫm nghĩ một lát rồi bảo: ''Thế cũng được. Nhưng bác phải nhanh nhanh lên kẻo để lâu...Cứt trâu hóa bùn chứ gì? Bố anh. Bằng này tuổi đầu... Được rồi sáng mai bác cháu mình gặp nhau ở đây được chưa?" Suýt nữa thì tôi buột mồm nói… ai còn lừa cháu, nhưng hãm lại được. 

    Giống đời, khi đã trượt chân trên dốc trơn, mất thăng bằng rồi thì đố hãm lại được, chỉ có ngã nhào rồi trôi tuột xuống chân dốc thôi. Ngay buổi chiều tôi đem xuống hiệu vàng dưới huyện thử, họ bảo trị gía cả nửa tấn thóc. Đêm hôm ấy tôi không làm sao ngủ nổi. Đợi cả nhà ngủ yên, tôi lọ mọ dậy lấy chiếc nhẫn ra săm soi dưới ánh đèn pin. Chiếc nhẫn đẹp thật. Bốn cái chấu vàng ròng sắc sảo ôm lấy hạt hồng ngọc đỏ tươi, to bằng hạt ngô nếp, trong vắt, cứ rực rỡ lên như sắc cầu vồng dưới ánh đèn pin nom thật thích mắt. Tôi thắp cái đèn bão lên, tỉ mẩn gọt hột nhựa màu đỏ từ cái bàn chải đánh răng của con Rơi và rũa cái cài bút Trường Sơn cho ra hình thù chiếc nhẫn. Cũng có mấy cái chấu ôm hột ngọc như thật nhá. Phen này thì thằng bố mày về cũng không làm gì được ông chứ đừng nói là mẹ con nhà mày. Mày sẽ không lấy được một đồng chinh của ông đâu con ạ. 

    Cả tháng tôi không dám ra khỏi nhà vì xấu hổ. Giá hôm sau tôi cứ đưa cho thằng bé ít tiền như đã hứa thì âu cũng là cái sự mua bán, dẫu không sòng phẳng nhưng vẫn là bỏ tiền ra mua theo thỏa thuận. Thằng Nhanh có tiếc cũng không nói vào đâu được. Nhưng lòng tham của con người như cái giỏ không đáy. 

    Vả lại tôi nghĩ cô Nhiên mẹ nó sẽ mang tiền đến xin chuộc lại với cái lý; là trẻ con cháu nó dại dột nên mới nhận tiền của bác, như thế thì tôi mất toi bao công sức lần mò mà vẫn mang tiếng lừa gạt. Làm vậy hoá ra mình ngu. Không, tôi không đến nỗi ngu như thế. Tôi gí vào mặt nó cái nhẫn gỉa bằng cái cài bút máy. Nó tức ói máu mà vẫn phải chịu hậm hụi về. 

    Vợ tôi đay nghiến hàng đêm. Bà thả những con đỉa đói vào tai tôi rằng bà ấy muối mặt ngoài đồng vì những lời đàm tiếu "kẻ khó được vàng người sang cất lấy". Rồi thì cô Luyến vợ tay Thịnh lái xe xưng xưng bảo là chiếc nhẫn ấy là của anh Thịnh tặng cô ta hồi hai người yêu nhau. Rằng buổi trưa hai người ngồi chơi dưới gốc nhãn ven đường cô ấy tháo ra đang ngắm nghía thì anh ấy luồn tay vào trong ngực áo cô, cô sợ người đi đường trông thấy, giằng ra, chiếc nhẫn văng xuống rãnh đường mò không thấy. Còn ông Chuyên thì nhận là của vợ ông vì vợ ông là con gái lý trưởng Bá Bảo được bố sắm cho từ ngày con gái nên khi mất vẫn phải để bà ấy đeo, kẻo xuống gặp cụ Lý, cụ hỏi nhẫn đâu lại không biết đường giả nhời. Cái hôm tắm mát cho bà ấy vừa rét vừa tối như mực nên không tìm được... Làng nước thôi thì cứ ồn ĩ lên. Tùm năm túm ba chỗ nào cũng đàm tiếu chuyện ông Thìn tham của gạt từ đứa trẻ con để chiếm đoạt cho bằng được cái của trời ơi... Riêng cô Nhiên thì không nói một câu. Nghe đâu cô còn mắng át con đi khi thằng Nhanh kể cho bà chị họ của bố nó ở Hà Nội mới về chơi, rằng nó làm sao mà biết thế nào là vàng thật vàng giả, và gỉa thử có là vàng thật đi nữa thì cái thứ của rơi ấy có nuôi sống người cả đời được đâu mà đòi. Còn bà bác Hà Nội thì cong mặt lên bảo: "Tội gì mà không đòi? Không đòi, hóa ra cho nó ăn không mà nó còn chửi cả họ mình là ngu à?". 

    Suốt bao năm trời tôi toàn phải tránh mặt mẹ con cô Nhiên. Nỗi day dứt, nỗi xấu hổ cứ cồm cộm như hòn sạn nhiều cạnh sắc cứa mãi trong giác mạc tôi đến ăn không ngon ngủ không yên. Mỗi khi ra đường gặp ai tôi cũng bất giác đưa tay che mặt như thể trên trán có một cái dấu chín nổi lên đỏ bầm trương ra hai chữ “lừa đảo”. Hôm báo tử chồng cô Nhiên, vẫn biết nghĩa tử là nghĩa tận mà tôi cũng không dám sang thắp cho anh ấy một nén hương xin lượng thứ. Sau khi mãn tang chồng, cô Nhiên mang con đi khai hoang trên Yên Bái. Và nghe đâu thằng Nhanh thi đậu vào đại học Bách Khoa nhưng lại làm đơn xin đi bộ đội, rồi hy sinh mãi tận cánh Đồng Chum bên Lào. Khi trên báo tử về Yên Bái, cô Nhiên có thư về xã cho họ mạc biết. Con Rơi nhà tôi, chả biết chúng nó thư từ cho nhau từ bao giờ mà cứ vừa giở thư thằng Nhanh ra đọc vừa khóc thầm khóc tủi sáu, bảy năm sau mới chịu lấy chồng. Còn tôi, mỗi lần giở chiếc nhẫn ra, cái mặt ngọc đỏ chói trong suốt cứ ánh lên tia nhìn giễu cợt cụa thằng Nhanh. Nỗi dày vò vì một lần chót dại ấy đeo đẳng tôi mãi không chịu buông tha! Tôi đặt chiếc nhẫn mặt ngọc trước mặt ngồi viết câu chuyện này để lại cho con cháu mình. Và chỉ mong sao ở cõi vĩnh hằng anh Nhanh đọc được mà tha thứ cho tôi.  

 

                                                                                   N.Đ.H

  

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Quảng cáo
congnhan12345
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 3
Trong ngày: 13
Trong tuần: 771
Lượt truy cập: 379143

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH, NHÀ VĂN CẦM SƠN! RẤT NHIỀU BỨC ẢNH CỦA NGÀY HÔM ĐÓ ĐÃ CÙNG VỚI BÀI NÓI CỦA TÔI LÀM NÊN KHÔNG KHÍ TƯƠI VUI, HÀO HỨNG CỦA BUỔI RA MẮT SÁCH! CHÚC MỪNG NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CHÚC MỪNG TS NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC VỚI TẬP THƠ ĐỘC ĐÁO, IN ĐẸP!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÁI PHỤC BÀ MÂY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Thuộc loại "chuyện bây giờ mới kể" đây! Cám ơn tác giả! Mượn lời bà SUỐI để nói về bà MÂY: "Bái phục bà MÂY" ! Haiza!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN VÀ BAN BIÊN TẬP ĐÃ ĐĂNG BÀI VIẾT NHÂN DỊP NHÀ THƠ NGUYỄN HUY HOÀNG RA MẮT TUYỂN THƠ VÀ TRUYỆN KÍ TẠI HỘI TRƯỜNG HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM!

 

Cầm Sơn - 0913269931

Cũng cần cảm thông với ông Troussier. Nếu nói về thành tích trong quá khứ, ông Park Hang Seo không thể sánh với ông Troussier được. -Trong sự nghiệp huấn luyện đồ sộ của mình, giai đoạn thành công nhấ...

 
Xem toàn bộ
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0964 131 807
Email: soncam52@gmail.com
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công nhân.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông Chi hội Nhà văn Công nhân.