Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

CÂY NÊU

Dương Hiền Nga

CHÙM TRUYỆN MÙA XUÂN CHO THIẾU NHI

Xuân về kể chuyện cây nêu
 
  Tết này cả nhà rời thành phố về quê ăn tết với ông bà ngoại. Xuân Tùng đã học lớp ba rồi mà chưa bao giờ ăn tết ở quê nên cậu háo hức lắm, mọi năm bố mẹ về chúc tết ông bà rồi lại lên thành phố ngay.
Về quê, lần đầu cậu được phụ giúp bà ngoại gói bánh chưng, gói giò thủ… Bà dậy cháu tước lá dong, đãi đỗ và tự tay Tùng gói một cái bánh chưng con, bánh chưa được vuông vắn lắm nhưng cậu rất vui. Tối ba mươi trời rét ngọt. Tùng ngồi bên bếp lửa hồng rực ấm áp cùng đun bánh chưng với bà. Bà vùi mấy củ khoai lang béo tròn vào tro nóng, khoai chín bở thơm nức, bùi và ngọt lạ. Bà là người Tùng thấy thân thiết chỉ sau mẹ. Bà hiền hậu lắm. Ngồi cạnh bà bên bếp lửa Tùng rất thích, hỏi chuyện gì bà cũng nhẹ nhàng trả lời. Ông ngoại từ ngoài sân vào, mưa xuân đậu ly ty trên lông mày, ông bảo bà:
-  Bố thằng Tùng tìm được cây nêu đẹp lắm bà ạ. Tôi đã vẽ cung trừ quỉ rồi.
Tùng thấy lạ vì ở Hà Nội không thấy ai trồng cây nêu, mà tết đến trồng cây  nêu làm gì nhỉ? Tùng hỏi bà:
- Bà ơi, ông trồng cây nêu làm gì thế? Sao lại phải vẽ cung trừ quỉ ạ?
Bà chế thêm gáo nước vào nồi bánh chưng đang sôi sùng sục tỏa hương thơm ngầy ngậy của gạo nếp và lá dong, bà bảo:
- Theo tục lệ của cha ông mình, mọi người cho rằng cứ đến tết Nguyên đán là bọn quỷ lại từ biển vào đất liền, trồng cây nêu để xua đuổi quỉ và cầu mong bình an và tốt lành cho mọi người cháu ạ.
- Chuyện hay thế mà sao bà không kể cho cháu nghe?
Bà kéo Tùng vào lòng
- Ừ lại đây bà kể cho cháu nghe, cháu buồn ngủ chưa?
- Cháu chưa buồn ngủ đâu.
   Quần áo bà nóng sực hơi lửa, Tùng ngả vào lòng bà thấy vô cùng ấm áp và dễ chịu, cậu lim dim mắt chờ đợi…
- … “ Thuở ấy, đã lâu lắm rồi. lũ quỉ đến chiếm hết đất đai của người, người phải làm thuê cho lũ quỉ và bị chúng đặt ra luật lệ quái ác để cướp bóc. Năm ấy người trồng lúa thì quỉ đòi lấy phần ngọn, chỉ để lại gốc rạ cho người. Năm sau người trồng khoai thì quỷ đòi lấy phần gốc, để cho người ngọn và lá. Quỷ nghĩ vụ sau người sẽ trồng cả lúa và khoai, chúng giao kèo sẽ lấy cả phần gốc và ngọn, cho người phần giữa cây.
Thấy người đói khổ quá Phật thương tình đem cho người giống ngô. Ngô được mùa chất đầy bồ, đầy cót, quỷ chỉ được ngọn và gốc. Quỷ tức quá không cho người làm thuê nữa và đòi lại toàn bộ đất đai. Phật thấy thế bàn với người xin mua của quỷ một mảnh đất vừa bằng chiếc áo cà sa. Lúc đầu quỷ không đồng ý nhưng sau thấy chỉ một tý đất mà được món tiền lớn, quỷ nẩy lòng tham đồng ý bán. Quỷ giao kèo: “Ngoài bóng áo cà sa là đất của quỷ, trong bóng áo cà sa là đất của người ”.
    Phật bảo người  trồng một cây tre có ngọn cao vút trên mảnh đất nhỏ ấy, Phật đứng trên ngọn tre tung áo cà sa, trời đất bỗng tối sầm, bóng áo cà sa che kín mặt đất. Hết đất, quỷ chạy dạt ra biển nhưng tiếc đất quỷ nhiều lần tấn công vào đất liền cướp bóc. Quỷ cho quân do thám xem Phật sợ gì nhất, ngài cho biết sợ nhất oản và hoa quả, còn Phật biết quỷ sợ nhất tỏi, vôi bột và lá dứa. Lần giáp chiến đó quỷ ném rất nhiều oản và hoa quả về phía người, Phật cho thu lại làm lương ăn. Phật bảo người ném vôi bột, tỏi và lá dứa về phía quỷ, chúng không chịu được phải xin hàng. Lũ quỷ bị dồn ra biển đông, chúng xin Phật mỗi năm được vào đất liền vài ngày để thăm mộ tổ. Từ đó hàng năm, vào tết nguyên đán dân ta trồng cây nêu, vẽ cung trừ quỷ là để ngăn không cho quỷ đến chỗ người cháu ạ ”.
Nghe xong, Tùng chạy ra sân thấy ông đang ngắm cây nêu vẻ hỷ hả:
- Chà! Cây nêu đẹp lắm, năm tới chắc sẽ có nhiều tốt lành!
    Ánh điện hắt ra sân, Tùng nhìn làn mưa xuân đan chéo óng ánh, mưa đọng lên những lá cây, ngọn cỏ như dát bạc. Tùng chạy lại gần, nhìn cây nêu cao vút, túm lá xanh trên ngọn đùa trong gió như bàn tay vẫy vẫy. Tùng ôm vào thân cây, đốt tre nhẵn thín mát lạnh tay. Tùng thầm thì:
- Cây nêu ơi! Đuổi hết bọn quỷ ác nhé, để mọi người luôn mạnh khỏe…
Có tiếng bà gọi:
- Cu Tùng đâu, vào nhà cho ấm nào, bà vớt cho cái bánh chưng cháu tự gói này.
   Tùng sướng quá chạy vào bếp thấy mẹ và bà ngoại đang sắp bánh chưng, gà luộc, xôi để cúng giao thừa. Bà vớt từ trong nồi nghi ngút hơi lên cái bánh bé do Tùng gói, nó đã căng mọng lên nên trông cũng vuông vắn hơn lúc trước. Tùng xách chiếc bánh còn nóng hôi hổi lăng xăng chạy khắp nhà.
   Giao thừa, cả nhà quây quần mở rượu vang và mứt chúc nhau một năm mới nhiều điều tốt lành. Ngồi gọn trong lòng bà, Tùng nghĩ: “ Có cây nêu rồi mình sẽ không sợ ma quỷ hiện hình nữa”. Nhiều lúc đi vào góc nhà tôi tối, Tùng hay sợ ma quỷ ở đó xồ ra cắn mình, có lúc cậu đã cuống lên bỏ chạy…
  Chuông đồng hồ điểm mười hai tiếng, pháo hoa rực rỡ trên màn hình ti vi, cả nhà cười vui vẻ. Năm mới rồi: Chúc mừng năm mới!

 cay-neu-ngay-tet-lagi-

Trăng rằm sáng trong
 
   Ông mặt trời còn chưa trèo lên đỉnh núi, nhưng thấy ông ngoại lịch kịch mở cửa, cu Tùng đã lồm cồm bò dậy gọi:
- Ông ơi, cho cháu đi thể dục với ông cơ!
   Một lát sau, Tùng đã lon ton chạy theo ông ngoại lên khu đồi trước nhà để đón bình minh. Trong bộ quần áo phông màu xanh có sọc trắng, chân đi đôi giầy thể thao, trông cu Tùng rất chững chạc. Một già, một trẻ, cháu bi bô gọi hỏi, ông cười nói trêu đùa thật vui vẻ. Đến chỗ bậc cao, thấy cu Tùng ì ạch leo dốc, ông kiệu cháu lên vai khiến Tùng cười như nắc nẻ. Các ông bà đi thể dục hỏi:
  • Cu Tùng mấy tuổi rồi?
Tùng nhanh nhảu:
  • Cháu năm tuổi ạ.
Các ông bà cười:
  • A, sinh viên đại học chữ to hả?
Ông ngoại Tùng đỡ lời:
  • Vâng ạ!
   Tùng không hiểu lắm câu đùa của các bà nhưng cũng thấy vui vui. Sinh ra ở thành phố, Tùng lên Tây Bắc thăm ông bà mấy lần rồi, nhưng lúc ấy còn bé, chả nhớ được. Hè này bố mẹ cho lên chơi lâu, đến tháng 9 mới về Hà Nội để đi học.
Nơi ông bà ở có nhiều thứ lạ, cu Tùng thích thú ra mặt. Nhà ông bà rộng rãi, cu Tùng có thể đạp xe ba bánh từ nhà xuống bếp rồi lại vòng lên, có hai chú mèo khoang nhí nhảnh chạy theo nô đùa cùng Tùng. Xung quanh nhà có nhiều cây to, bao âm thanh lạ tai ríu ran mỗi sớm mỗi chiều. Tùng tròn mắt xem lũ chim chuyền cành rồi ngạc nhiên hỏi:
  • Sao ông bà nuôi nhiều chim thế?
Ông xoa đầu giải thích:
- Đấy là chim trời bay về, nhà mình có nhiều cây xanh, lại có quả ổi, quả nhãn, quả dâu… mình không bắn, không xua đuổi nên chim thích đến chơi cháu ạ. Những chú chim nhỏ xíu kia nhưng biết bắt sâu cho cây đấy.
Nghe những tiếng chòe chòe… chi chi… chiệc chiệc, ríu rít trong những tán lá, Tùng kéo tay ông hỏi;
  • Ông ơi! Chim nó nói gì thế?
  Rồi cậu luôn miệng hỏi:
- Bà ơi, con gì đấy? Ông ơi cái gì đây… Mỗi lần nghe ông bà giải thích, chỉ bảo, Tùng lại tròn xoe mắt thốt lên: “Thế ạ!”. Hiểu ra rồi cu cậu toét miệng cười, con trai lại có một bên má lúm đồng tiền trông thật đáng yêu.
Trước cửa nhà ông bà là cánh đồng rộng đến chân núi xa xanh, đỉnh núi bồng bềnh mây trắng.Từng đàn cò bay lên đáp xuống nhẹ nhàng. Những con trâu đen bóng đủng đỉnh gặm cỏ bờ ruộng. Xa hơn là dòng suối rì rào chảy, thỉnh thoảng vài chú ngựa qua suối vục mõm uống nước… Từ hôm lên, Tùng đã biết thêm nhiều thứ, cu cậu phân biệt được con trâu và con ngựa, con vịt và con ngan, con ong và con nhện, con bọ hung và con bọ dừa, con thạch thùng và con thằn lằn… Đã có chiều ông cho Tùng đi câu cá và tắm suối, trông cu cậu nhanh nhẹn và rắn rỏi hẳn lên.
Đã nhiều năm rồi, mẹ Tùng đi học rồi lại dạy học ở xa, cậu út cũng đi học, nhà ông bà hầu như vắng vẻ. Hè này cu Tùng về chơi lâu, nhà ông bà suốt ngày bi bô tiếng trẻ, đầy ắp tiếng cười, tiếng đồng dao: “Nu na nu nống”, “thả đỉa ba ba”, “rồng rắn lên mây”…
   Buổi tối, trăng non lơ lửng trên bầu trời, gió từ cánh đồng thổi về mát rượi, ông bà trải chiếu ngoài sân chơi với cháu. Tùng biểu diễn các bài hát đã học được ở trường mầm non “Hoa Ngọc” để ông bà thưởng thức. Được ông hoan hô, Tùng vui cười tít mắt. Ông ngoại bảo:
- Tùng ngoan quá, sắp đến trung thu rồi, ông sẽ làm đèn ông sao để cháu đi rước đèn cùng các bạn nhé!
Đang ưỡn ngực đi lại trên sân hát bài về con thỏ: “Ta là Bu Ri Nê, sức khỏe trên loại B”… Tùng dừng lại hỏi:
- Ông ơi, trung thu là gì mà được rước đèn ạ?
- À, ngày đó là rằm tháng tám, trăng tròn sáng tỏ, trẻ em được vui chơi rước đèn đón trăng, ăn bánh kẹo, hoa quả, vui lắm.
Thấy cu Tùng đứng yên nghĩ ngợi, bà bảo:
- Bà còn cho cháu đi xem múa sư tử nữa.
          - Sao trung thu lại múa sư tử hả bà?
          Ờ nhỉ, mấy trung thu trước Tùng còn bé,cũng ăn bánh trông trăng nhưng chẳng hiểu gì, bây giở thì cu cậu “thắc mắc” suốt.
          Bà ngoại kéo Tùng vào lòng bảo:
          - Lại đây bà kể chuyện sự tích đêm trung thu cho cháu nghe nào! Tùng sà vào lòng bà tròn mắt đợi chờ. Bà ngoại chưa kịp cất lời, cu cậu lại giao hẹn:
          - Bà kể cái chuyện trong bụng ấy, đừng kể cái chuyện trong sách.
          Ông mỉm cười:
          - Cái thằng! Chỉ thích nghe kể chuyện chứ không thích nghe đọc.
          Một làn gió thoảng mùi hoa rừng, trăng sao lấp lánh, đêm miền sơn cước thật yên ả và mát dịu. Bà nhẹ nhàng kể:
- “Ngày xửa ngày xưa, ở một khu rừng nọ, các loài thú sống với nhau đằm thắm yên vui. Nào nai, nào sóc, nào thỏ,  khỉ, nào voi, nào gấu, chim chóc nhiều vô kể, chúng ca hát vang rừng. Mọi người cày cấy, lúa ngô đầy đồng, cuộc sống no ấm.
   Bỗng một hôm, trên dãy núi cao xuất hiện một con vật lạ, lông nó xù xì bẩn thỉu, răng nhọn hoắt, móng vuốt sắc như dao. Tiếng nó gầm vang vọng vách núi. “Gầm… gừ… gầm, Ta là chúa rừng, từ ngày mai, mỗi ngày dân làng phải nộp cho ta một người để ta ăn thịt… gầm gừ”.
   Mọi người sợ hãi không dám ra đồng hay vào rừng lấy củi. Chim chóc hươu nai cũng lẩn trốn cả. Hồi ấy ,trong làng có một anh thanh niên cao lớn tên là anh Khỏe. Anh nói với bà con: “Bà con đừng sợ, các em nhỏ đừng sợ, tôi sẽ lên núi đánh con thú bảo vệ dân làng”. Đêm ấy đúng vào rằm tháng tám, trăng vừa lên, anh Khỏe vác búa lên núi. Mọi người lo lắng dõi theo. Anh tìm đến cửa hang của con thú dữ, cuộc giao chiến diễn ra dữ dội làm ngả nghiêng cây rừng, cuối cùng anh Khỏe chiến thắng. Anh lấy đầu nó đem về làng, dân làng hò reo thán phục chiến công của anh. Một cụ già bảo: “Con này vừa ác, vừa xấu, hãy  gọi nó là sư tử. Anh khỏe đã diệt sư tử trừ họa cho dân làng rồi. Nào chúng ta hãy liên hoan mừng chiến công của anh Khỏe”. Thế là nhà có bánh trái, nhà có bưởi, na, nhà có chuối, hồng… đều mang ra, trẻ em đánh trống ếch thì thùng. Từ đó mỗi đêm trung thu, trăng sáng vằng vặc, dân làng lại vui liên hoan đến khuya… Mọi người múa đầu sư tử, bầy cỗ trông trăng để ca ngợi chiến công của anh Khỏe đã vì bà con dũng cảm tiêu diệt thú dữ…”.
Nghe đến đấy cu Tùng reo lên:
  • Ông bà cho cháu đi xem múa sư tử với nhé!
Vừa lúc đó mấy bà ở Hội phụ nữ phường đến quyên góp tiền trung thu cho trẻ em nghèo. Tùng dỏng tai nghe và khi thấy bà ngoại lấy tiền góp cho các bà, Tùng bảo:
  • Bà ơi, cháu cũng xin góp tiền cho các bạn!
Các bà ngớ người khi thấy Tùng chạy đến bên rổ nhựa đựng đồ chơi, cậu mở hộp lấy một tập “tiền”. Tiền của Tùng là những chiếc lá nhãn xinh xinh buổi chiều cậu chơi bán hàng với các bạn cùng xóm. Các bà xoa đầu Tùng:
  • Cháu tôi tốt bụng quá, bà cảm ơn!
Được khen, cu Tùng cười rất tươi. Các bà đi sang nhà khác rồi, ông ngoại nhìn trời bảo:
- Trung thu năm nay trăng sẽ sáng lắm đây.
                                                                                D.H.N
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Quảng cáo
congnhan12345
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 4
Trong ngày: 181
Trong tuần: 845
Lượt truy cập: 378751

VŨ NHO 085 589 0003

CHÚC MỪNG TS NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC VỚI TẬP THƠ ĐỘC ĐÁO, IN ĐẸP!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÁI PHỤC BÀ MÂY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Thuộc loại "chuyện bây giờ mới kể" đây! Cám ơn tác giả! Mượn lời bà SUỐI để nói về bà MÂY: "Bái phục bà MÂY" ! Haiza!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN VÀ BAN BIÊN TẬP ĐÃ ĐĂNG BÀI VIẾT NHÂN DỊP NHÀ THƠ NGUYỄN HUY HOÀNG RA MẮT TUYỂN THƠ VÀ TRUYỆN KÍ TẠI HỘI TRƯỜNG HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM!

 

Cầm Sơn - 0913269931

Cũng cần cảm thông với ông Troussier. Nếu nói về thành tích trong quá khứ, ông Park Hang Seo không thể sánh với ông Troussier được. -Trong sự nghiệp huấn luyện đồ sộ của mình, giai đoạn thành công nhấ...

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN! ÔNG HLV NGƯỜI PHÁP CHƯA BAO GIỜ THÀNH CÔNG "VANG DỘI"! CÓ ĐIỀU NÀY ĐÚNG: CHẢ NÊN TRÁCH ÔNG TA NHIỀU! TRÁCH LÀ VFF QUÁ TIN ÔNG TA, KẺ CAO NGẠO, BẤT TÀI! VẬY THÔI!

 
Xem toàn bộ
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0964 131 807
Email: soncam52@gmail.com
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công nhân.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông Chi hội Nhà văn Công nhân.