Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

HÁO HỨC LÊN TÀU

Đỗ Ngọc Yên
 
NHÀ THƠ NGUYỄN VIỆT CHIẾN – HÁO HỨC LÊN CON TÀU TÌM BẾN ĐỖ MỚI CHO THƠ
 
  1. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến sinh ngày 8- 10- 1952, ở xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội. Ông là nhà báo và nhà văn đã từng làm việc tại Báo Văn nghệ, báo Thanh Niên và báo Người Hà Nội. Ông là hội viên Hội nhà văn Việt Nam, hội viên Hội nhà báo Việt Nam. Ông từng là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội. Hiện nay Nguyễn Việt Chiến là Ủy viên BCH Hội NVHN, Trưởng ban Văn học trẻ kiêm Trưởng Ban sáng tác của Hội NVHN. Ông có một số bút danh khác ông dùng khi làm thơ là Nguyễn Văn Nguyễn, Từ Kim Việt.
   Nguyễn Việt Chiến đi bộ đội từ năm 1970, xuất ngũ năm 1974 rồi vào đại học, tốt nghiệp ngành địa chất. Năm 1990 ông chuyển sang viết báo, năm 1991 công tác tại báo Văn Nghệ, năm 1992 về làm phóng viên báo Thanh Niên.
Ông đã từng xuất bản các tác phẩm như: Mưa lúc không giờ (Thơ, Nxb Hội nhà văn, 1992); Ngọn sóng thời gian (Thơ, Nxb Thanh Niên, 1998); Cỏ trên đất (Thơ, Nxb Quân đội nhân dân, 2000); Những con ngựa đêm (Thơ, Nxb Hội nhà văn, 2003); Thơ Việt Nam tìm tòi và cách tân 1975- 2005 (Phê bình và tiểu luận, Nxb Hội nhà văn, 2007); Tổ Quốc nhìn từ biển (Thơ, Nxb Hội Nhà văn, 2011); Trăng và thơ đọc chậm (Nxb Hội Nhà văn, 2012)…

   Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã từng nhận được các giải thưởng như: Giải nhì Cuộc thi thơ báo Văn Nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam (1989-1990); Giải nhì cuộc thi Thơ hay về biển của Văn nghệ Vũng Tàu (1992); Giải nhì cuộc thi Thơ Tạp chí Văn nghệ 1998- 1999; Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội (2004) và Hội Nhà văn Việt Nam (2004) cho tập thơ Những con ngựa đêm.
Ông cũng nhận được Giải thưởng Văn học Nghệ thuật của Bộ Quốc phòng năm 2014 cho Trường ca Biển; Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam năm 2016 cho tập thơ Tổ quốc nhìn từ biển; Giải thưởng Tôn vinh tác phẩm hay nhất viết về biên giới, hải đảo 1975- 2020 của Hội nhà văn Việt Nam… 
*
  1. Có thể nói Nguyễn Việt Chiến là một trong số những nhà thơ đi tiên phong
trong tiến trình đổi mới thi ca Việt đương đại, thuộc thế hệ những cây bút xuất hiện cuối thập niên 80 của thế kỷ trước với những tên tuổi như Nguyễn Quang Thiều, Đỗ Minh Tuấn, Nguyễn Lương Ngọc, Dương Kiều Minh, Nguyễn Linh Khiếu... háo hức kiếm tìm một diện mạo mới cho thơ Việt đương đại, mặc dù vẫn chưa vượt thoát được thơ truyền thống và cách tân trên cơ sở của truyền thống:
Thưa mẹ
hôm nay bàn chuyện thơ đi về đâu
trong con vẫn còn một chuyến tầu
ba mươi ba năm trước chưa trở về
...
phải chăng vì thế
những câu thơ bây giờ
vẫn phải lên đường
làm một cuộc ra đi...
(Ga Hàng Cỏ dọc đường Nam Bộ).
Ông coi diễn trình đổi mới thi ca Việt như những chuyến tầu lao mãi về phía trước không ngừng nghỉ. Chuyến du hành ấy chẳng bao giờ là sớm và cũng chẳng bao giờ là muộn. Chỉ có điều, không thể không ra đi để tìm bến đỗ mới cho thơ. Đối với ông, những gì mà thơ ca Việt đã làm được dường như đều đã cũ mèm: 
Tôi đi qua
bóng một sân ga
chẳng con tàu nào chở tôi về phía thương yêu cũ
chẳng con tem nào đưa tôi về địa chỉ yêu dấu cũ
chẳng câu thơ nào cõng tôi về tuổi thơ cũ
chẳng ánh sáng nào giúp tôi thoát khỏi những ám ảnh cũ
chẳng con đường nào nâng tôi lên qua những dằn vặt cũ
chẳng máy giặt nào giặt hộ tôi những đau khổ cũ
chẳng máy điều hòa nào có thể cứu nổi một sa mạc cũ
đang phổng phao lớn dần những đói khát trong tôi
Bởi thế
tôi chỉ dám cất giấu trong câu thơ chật hẹp của mình: một ít gió còm cõi từ mùa hạ cũ
một ít nắng đăm chiêu từ mùa đông cũ
một ít mây chiều bơ vơ trên mái phố cũ
một chút bụi tư tưởng rơi ra từ cuốn sách cũ
một hơi ấm thì thào trong bài hát cũ
một mùi vị hoang dại ngọt ngào trong da thịt cũ
Để nhớ về em
(Để nhớ về em).
Bài thơ chỉ có 19 đơn vị câu thơ, mà có tới 13 lần ông nhắc tới những cụm từ với nhiều sắc thái tâm trạng khác nhau, từ những phía thương yêu cũ, địa chỉ yêu dấu cũ, tuổi thơ cũ, những ám ảnh cũ, những dằn vặt cũ, những đau khổ cũ, một sa mạc cũ, mùa hạ cũ, mùa đông cũ, mái phố cũ, cuốn sách cũ, bài hát cũ, cho đến da thịt cũ. Như vậy đủ biết nhu cầu làm mới trong ông, chí ít là về thơ, róng riết biết nhường nào.
*
  1. Thơ truyền thống đã cũ, nhưng thơ cách tân lại đang bị lãng quên. Một thực tế thật khó chối bỏ được, dù đấy là một nghịch lý:
Các nhà thơ đương đại
và tôi
đang bị thời gian lãng quên
từng người một
từng ngày một
từng câu thơ một
khi làm xiếc trên sợi dây ngôn ngữ
chúng tôi
bắt chước thiên nhiên
gieo một tiếng thở dài
vào cái cây bóng tối
...
sự lãng quên vô tình hoặc cố ý
đang dập tắt tất cả
sự yên ổn trong tâm hồn và mỗi câu thơ 
(Thơ đang bị lãng quên).
Thực trạng thơ bị lãng quên được thể hiện khá rõ từ phía công chúng và của chính các bằng hữu văn chương, cũng như các nhà lý luận- phê bình và lãnh đạo văn
nghệ.
Khách quan mà nói, thơ Nguyễn Việt Chiến là sự pha trộn của cả ba khuynh hướng thơ đương đại: khuynh hướng truyền thống, khuynh hướng cách tân trên cơ sở truyền thống, và khuynh hướng cách tân hoàn toàn ảnh hưởng thơ của các trường phái Hiện đại, Hậu hiện đại, Tân hình thức, Tân cổ điển… từ các nước phương Âu- Mỹ.
Đây là những ám ảnh thật sự đáng sợ trong thơ Nguyễn Việt Chiến. Ám ảnh vì sự cũ mòn của mọi đồ vật, con người, ý nghĩ và tất nhiên là cả thơ nữa:
Những kẻ đi buôn, những thợ đốt lò
Giờ đã ngủ cả rồi. Đêm sắp hết
Giấc ngủ kẻ nhọc nhằn thì say sưa đến chết
Giấc ngủ kẻ tham lam thì trằn trọc suốt đời
Còn kẻ làm thơ chắc cũng vậy thôi
Họ mất ngủ giong buồm qua bể chữ
Họ muốn vẽ bằng lời bức tranh đáng sợ
Sự yêu thương sự phản bội con người
...
Nhưng anh biết cái thời anh phải sống
Sẽ qua đi tất cả dẫu nhọc nhằn
Thôi hãy để thơ mình gieo vỡ với gian lao
(Đêm II, III).
Còn trong bài Cát đợi được viết năm 1991, nhà thơ tự ví mình là một thứ cát khác, cũng hoang vu, nhọc nhằn và trơ trọi, chỉ khác là cát thực thì bay trắng bến sông, còn thơ và người thơ cách tân lại bay trắng mùa mong ước này. Thế mới biết con đường đến với tiến trình đổi mới thi ca Việt đương đại lắm sự trái khoáy, nhiều cảnh trớ trêu biết nhường nào. Những tưởng, thơ cũng như đồ vật cái đã cũ thì cần vứt bỏ ngay để thay cái mới. Dường như tất cả các nhà thơ đều hồn nhiên nghĩ vậy. Nhưng, cái cũ thường có sức sống bền lâu trong tâm thức người đời hơn là cái mới. Và thi ca cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Thật đáng tiếc cho sự ngây ngô của các nhà thơ khi không hiểu hoặc cố tình quên đi qui luật muôn đời ấy.
Vậy là:
Tôi hoang vu, cát hoang vu
Trăng là người khác qua đò đêm nay
Cô đơn xuống một đò đầy
Tôi chờ em phía bên này mùa đông
Cát còn bay trắng bến sông
Người còn bay trắng mùa mong ước này
Tôi cầm hạt cát trên tay
Đêm không còn ấm như ngày có em
Tôi cầm cả chính tôi lên
Câu thơ nhặt được trong miền quạnh hiu
Câu thơ như cát mỗi chiều
Đem theo chút nắng ấm nghèo vào đêm.
Nên nhớ hai câu thơ của Nguyễn Việt Chiến: Tôi cầm cả chính tôi lên/ Câu thơ nhặt được trong miền quạnh hiu đã từng được Ban Tổ chức chọn để treo vào bóng bay thả về giời tại Ngày thơ Việt Nam vào ngày Nguyên Tiêu, Rằm tháng Giêng năm Canh Ngọ 2014, được tổ chức ở Văn Miếu- Quốc Tử Giám, Hà Nội.
*
  1. Tuy nhiên, có một sự thật trớ trêu, nhưng không thể chối cãi được là tuy Nguyễn Việt Chiến háo hức lao lên con tàu để đi tìm bến đỗ mới cho thi ca Việt đương đại, nhưng những bài thơ của ông được dư luận đánh giá cao và có sức lan tỏa lớn lại là những bài thơ được viết theo khuynh hướng truyền thống, hoặc là cách tân trên cơ sở của truyền thống như các bài: Thời đất nước gian lao, Tổ quốc ở Trường Sa, Tổ quốc nhìn từ biển, Thăng Long sử thi; Mẹ- Tổ quốc,... hầu hết các bài được viết theo thể thất ngôn, bát ngôn hoặc lục bát biến thể.Vì thế có thể xếp Nguyễn Việt Chiến vào khuynh hướng thứ nhất thơ truyền thống cách tân cũng đúng, mà ở khuynh hướng thứ hai thơ cách tân cũng đúng. Và nếu căn cứ vào những bài thơ của ông được công chúng đón nhận rộng rãi thì có thể xem ông như là một nhà thơ sáng
tác theo khuynh hướng truyền thống    
Đối với thể thơ lục bát, Nguyễn Việt Chiến đã rất mạnh bạo trong cách thể hiện ở các bài như: Gặp Nguyễn Du trên sông đêm; Thương nhớ sâm cầm; Các ông tiến sĩ giấy ở Văn Miếu; Thời gian của trăng; Trăm năm mắt Huế; Mây tơ tằm... Và đây là một minh chứng cụ thể:
Nỗi buồn. Chỉ có một dây
Độc hành. Qua cõi bùn lầy. Cô đơn
Thân đàn. Như một ống xương
Chuốt mình. Thành khúc nhạc buồn. Của đêm...
(Đàn bầu).
*
  1. Còn một mảng thơ nữa, mà tôi cho rằng chỉ có ở Nguyễn Việt Chiến. Bởi lẽ tôi đã từng đọc thơ văn xuôi của nhiều người, nhưng thuật ngữ (khái niệm) truyện- ngắn- thơ thì có lẽ ông là người đầu tiên đưa vào thi đàn. Thơ văn xuôi, trước hết vẫn là thơ, dù cho không nhất thiết phải quan tâm nhiều đến vần điệu, ngắt câu, xuống dòng. Còn truyện- ngắn- thơ thì ngược lại, trước hết phải là một câu chuyện được kể có đầu có cuối. Yếu tố tự sự được đặt lên hàng đầu, rồi mới đến ngôn ngữ thể hiện bằng thơ. Thể loại này có những nét tương đồng với các trường ca, sử thi cổ đại. Có khác, một bên là truyện ngắn và một bên là tiểu thuyết sử thi, còn ngôn ngữ thể hiện tương đối giống nhau. Các truyện- ngắn- thơ của Nguyễn Việt Chiến in trong tập Trăng và thơ đọc chậm như: Gặp Nguyễn Du trên sông đêm; Sự nổi loạn của tranh; Nước mắt của trăng; Mùi Tiên. Ở đây có những truyện ngắn khá hay và nhuyễn, khiến khi đọc người ta cảm thấy chẳng khác nào một bài thơ. Lại cũng có những truyện ngắn kết hợp với thơ như ở truyện- ngắn- thơ Gặp Nguyễn Du trên sông đêm. Không những thế mà còn là thơ lục bát truyền thống được cách tân hay còn gọi là lục bát biến thể.
*
  1. Thế mới hay công cuộc cách tân thơ của Nguyễn Việt Chiến diễn ra hết sức nhọc nhằn. Tuy nhiên, ông và một số người đi theo khuynh hướng này mới chỉ đặt được những viên gạch lát đường đầu tiên. Để có một nền thơ ca đương đại Việt theo khuynh hướng này, với đúng nghĩa của nó, chắc hẳn không thể một sớm một chiều, cũng không thể là tâm trí và sức lực của một vài người nào đấy làm nên, vài cánh én chưa thể làm nên cả mùa xuân, mà rất cần sự đồng thuận, chia sẻ của công chúng, những người say mê tìm tòi, sáng tạo ngõ hầu tìm cho thơ một sức sống mới, vượt thoát khỏi sức ì của lối thơ ngâm vịnh, tụng ca đã có trong truyền thống thi ca Việt hàng ngàn năm nay.
   Sự mạnh bạo ấy trước hết là Nguyễn Việt Chiến muốn phá bỏ những thói quen, lối mòn xưa cũ mà không ít người nhồi nhét vào đấy những thứ không phải là thơ rồi đặt cho nó một cái tên khá kêu: thơ truyền thống. Bởi lẽ truyền thống bao giờ cũng có hai mặt: tích cực và tiêu cực, hay và dở. Đã có không ít kẻ nhân danh truyền thống để làm những trò xằng bậy, trong đấy không loại trừ thơ. Nếu một bài thơ dở được viết theo khuynh hướng truyền thống liệu có ích gì cho con người và xã hội hôm nay. Truyền thống đâu phải là cái bị rách của Thượng đế quẳng xuống cho loài người, rồi ai muốn nhét gì vào đấy cũng được. Nên nhớ rằng nếu truyền thống là những cái hay, cái đẹp thì cần bảo tồn và phát huy giá trị và nó sẽ có sức sống trường tồn trong tâm thức người đời, còn cái dở thì phải kiên quyết dẹp bỏ nó đi. Mà đã là cái hay, cái đẹp, cái tích cực thì làm gì có sự phân biệt giữa truyền thống hay cách tân.

   Theo tôi, đối với thơ, không có truyền thống và hiện đại hay hậu hiện đại mà chỉ có thơ hay và thơ không hay, hoặc thơ dở mà thôi. Chỉ tiếc rằng thói quen của không ít người thơ hôm nay do ươn lười trong suy nghĩ và hành động ngõ hầu làm đổi thay bộ mặt của thi ca, nên cứ nằm khèo, vuốt bụng viết ra những cái không phải thơ, rồi nhét hết vào cái bị truyền thống, chỉ làm khổ người đọc mà thôi./.
 
                                                                                Đ.N.Y
 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Quảng cáo
congnhan12345
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 5
Trong ngày: 98
Trong tuần: 756
Lượt truy cập: 379564

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH, NHÀ VĂN CẦM SƠN! RẤT NHIỀU BỨC ẢNH CỦA NGÀY HÔM ĐÓ ĐÃ CÙNG VỚI BÀI NÓI CỦA TÔI LÀM NÊN KHÔNG KHÍ TƯƠI VUI, HÀO HỨNG CỦA BUỔI RA MẮT SÁCH! CHÚC MỪNG NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CHÚC MỪNG TS NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC VỚI TẬP THƠ ĐỘC ĐÁO, IN ĐẸP!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÁI PHỤC BÀ MÂY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Thuộc loại "chuyện bây giờ mới kể" đây! Cám ơn tác giả! Mượn lời bà SUỐI để nói về bà MÂY: "Bái phục bà MÂY" ! Haiza!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN VÀ BAN BIÊN TẬP ĐÃ ĐĂNG BÀI VIẾT NHÂN DỊP NHÀ THƠ NGUYỄN HUY HOÀNG RA MẮT TUYỂN THƠ VÀ TRUYỆN KÍ TẠI HỘI TRƯỜNG HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM!

 

Cầm Sơn - 0913269931

Cũng cần cảm thông với ông Troussier. Nếu nói về thành tích trong quá khứ, ông Park Hang Seo không thể sánh với ông Troussier được. -Trong sự nghiệp huấn luyện đồ sộ của mình, giai đoạn thành công nhấ...

 
Xem toàn bộ
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0964 131 807
Email: soncam52@gmail.com
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công nhân.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông Chi hội Nhà văn Công nhân.