Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

VUA THỢ HÀN

 Lê Thanh Kỳ
 
VUA THỢ HÀN
                                                     
       Một lần sang phòng anh Hùng, thấy anh đang gói ghém dụng cụ, đồ đạc. Tôi hỏi:
       - Anh định đi đâu vậy? Về quê à?”
       - Đi “đánh quả”. Cậu đi tôi cho theo”.
       Anh Hùng tự học thợ hàn. Thực tình anh không có nghề nào chính thức nhưng nghề gì cũng biết. Tiện biết, điện, phay biết, rèn cũng hay nhưng theo đánh giá của các thợ già trong nhà máy thì có nghề nguội là khá nhất. Bố tôi là thợ khuôn sừng sỏ cũng khen sưng lợi:
       - Thằng Hùng chả trường lớp nào mà nghề gì nó cũng biết. Giỏi!
       Tôi học trường Công nhân kỹ thuật cơ điện Nam Định. Học ba năm. Tốt nghiệp. Ra trường. Mỗi tội không có việc làm. Bố tôi tuy không làm cán bộ cán bèo gì nhưng cánh lãnh đạo nhà máy lại rất nể. Họ nể ông chẳng phải vì ông lớn tuổi hay nổi tiếng “Sống ngoan” mà do tay nghề ông cao quá. Hầu hết các sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường lo nhất là xin việc làm. Bố tôi bảo:
       - Yên chí! Mày thi xong tao đảm bảo xin phát được ngay. Tao chỉ cần nói một câu là lãnh đạo nhà máy gật đầu.
       Đúng là nhà máy gật đầu nhận tôi vào làm. Điều này thì bố tôi không nói khoác. Ông đã “đảm bảo” được. Nhưng có điều cả hai bố con tôi không ngờ các nhà máy Quốc doanh đang phá sản phong trào. Điều này thì bố tôi không “đảm bảo” được.
       Nghe anh Hùng nói thế tôi nhận lời ngay. Đằng nào thì tôi cũng đang ở nhà chơi xuông. Nhận lời xong tôi mới thấy khó. Khó là bố tôi có đồng ý tôi mới được đi theo anh Hùng. Bây giờ tôi thật thấm thía quyền tự do của một con người là như thế nào. Mọi chuyện vẫn do bố tôi sắp đặt. Ngay việc đi vệ sinh bố tôi cũng còn tham gia vào. Tức lắm cơ! Tôi đã hai mươi mốt tuổi đầu chứ có ít ỏi gì đâu thế mà bố tôi lúc nào cũng coi như thằng cu con. Nếu tôi là ông nội của bố, thì ít nhất đã có ba đứa con chứ chả chơi! Anh Hùng nhìn vào mắt tôi và đọc được ngay những ý nghĩ trong ấy. Anh bảo:
       - Cậu cứ muốn là được. Mọi việc đã có anh lo.
       Tuổi trẻ cứ mạnh bạo lên như con chim ra ràng ấy. Sau này còn có chuyện kể cho người yêu nghe. Rồi anh Hùng gặng tôi có muốn không đã. Anh còn bảo ở đời không phải cứ muốn là được. Đi học khác với đi làm. Đi học cũng chỉ để khoe với hàng xóm. Chỉ có “làm” mới có cái mình “muốn”. Tôi nghe có chút tự ái. Anh vẫn coi tôi là một sinh viên, tệ hơn là đứa trẻ con. Thú thực tôi rất muốn “làm” cho anh thấy nhưng lại không biết làm gì. Tôi muốn được như anh nhưng so với anh thì tôi vẫn là một thằng cu con như bố tôi vẫn gọi.
 
Hùng Đào
       Một buổi tối tôi từ trường về nhà thấy có anh Hùng đến chơi. Tôi hơi ngạc nhiên nhưng rồi hiểu ra ngay. Anh “muốn” có chị Bình nhà tôi. Anh Hùng nổi tiếng đào hoa. Anh yêu rất nhiều cô gái và nhiều cô cũng “muốn” có anh. Anh em công nhân trong nhà máy gọi là Hùng Đào. Anh cười vẻ bẽn lẽn trông rất hiền. Hùng là bộ đội xuất ngũ. Nhà máy ưu tiên cho anh chọn nghề học để xếp lương. Anh hỏi ông Nhân – Trưởng phòng Tổ chức:
       - Anh. Nghề nào lương cao nhất?
       Ông Nhân trả lời:
       - Bằng nhau tất. Chẳng thằng nào hơn thằng nào. Giỏi cũng như dốt. Lương tính theo bậc thợ. Lương cao chẳng qua là cộng thêm các khoản phụ cấp vào.
       Anh Hùng chọn nghề nấu gang. Nghề này độc hại bảng A, gạo nhiều, phiếu thực phẩm  loại cao nhất. Hùng bảo anh chọn nghề nấu gang thêm một cái lợi nữa là gang thường nấu vào buổi tối, ban ngày được đi chơi “sốt” chân. Ban ngày anh thường đến các phân xưởng khác. Ai nhờ làm hộ anh cũng làm, ai thuê anh cũng được. Vừa có tiền lại vừa có nghề. Lúc thi nâng bậc anh đăng ký thi thợ hàn. Bạn bè anh hỏi: “Mày đang làm nghề đúc chuyển sang nghề hàn làm gì. Một nghề thì sống, đống nghề thì chết. Bố cu ạ!”. Anh Hùng bảo: “Vua thợ hàn, quan thợ điện. Tao thích làm vua”. Năm ấy thi được bậc ba, anh chuyển sang tổ hàn. Ông Nhân bảo: “Đàn ông giỏi giang bao nhiêu càng khốn khổ, khốn nạn bấy nhiêu”.
       Anh Hùng kiếm tiền rất tài. Tiền kiếm được anh bao gái hết nên lúc nào anh cũng thiếu tiền. Ông Nhân bảo:
       - Thằng Hùng toàn đi lừa tiền đàn ông nhưng lại bị đàn bà nó lừa lại.
       Anh Hùng nghe thấy cứ cười khì khì:
       - Chẳng phải đàn ông sinh ra để cho đàn bà nó lừa hay sao?
       Nghe nói ngày còn tại ngũ anh Hùng suýt bị tước quân tịch vì làm thơ. Anh Tu trước đây cùng đơn vị với anh nói: “Thằng Hùng toàn làm thơ điên”. Nói rồi kể câu chuyện. Ở đơn vị, thằng Hùng nổi tiếng đàn giỏi, hát hay, còn chữ của nó thì “thôi rồi Lượm ơi”, đẹp “dã man”! Tết. Đơn vị cử nó trang trí Hội trường để đón xuân. Hùng vẽ cành đào bôi màu đen kít, dưới đề bốn câu thơ. Ông Nhân hỏi: “Thơ gì?”. Anh Tu nhăn trán mãi rồi trả lời: “Em quên mất hai câu đầu rồi nhưng hai câu cuối thì không bao giờ quên được”. Ông Nhân giục: “Đọc đi”. Tu đọc: “Ba mươi ôm súng nhìn trời/ Nhìn đêm đêm tối. Nhìn người người đen”.
        Ông Nhân nhận xét: “Thơ triết từ lòng, dồi, mỡ vặt, bầy hầy, bạc nhạc, niêm mạc dạ dày...Toàn những thứ bên trong đừng hòng thấy được. Thơ là gì? Thơ là triệu chứng phát bệnh dở hơi.Thơ là cái quớ lên của tâm hồn. Thơ là nỗi đau tim, cật. Thơ là sương mai, là cát bụi đường dài. Thơ là…”. Anh Tu cướp lời:         
       - Có mà đau cái chết cụ! Tim nó có sỏi hay sao mà kêu đau. Cát bụi cái đồ tháo tỏng nhà nó. Làm thơ cách mạng còn chẳng ăn ai. Thơ của nó chết giẫy đành đạch. Thơ gì mà mất hết lập trường giai cấp. Toàn thơ tiêu cực, mất quan điểm”.
     Ông Nhân cũng nể anh Tu. Anh Tu chuyển ngành, cấp bậc thượng úy. Nhà máy không biết phân làm cán bộ hay làm công nhân liền xếp cho chân chạy cung tiêu. Các loại vật tư kim khí mãi mà anh chẳng thuộc, cứ bị nhầm lẫn loại nọ với loại kia nhưng được cái chấp hành nghiêm chỉnh, họp hành phê phán các biểu hiện đấu tranh tự phát rất ác liệt. Công nhân rất ngán. Ông Nhân bảo: “Thằng Tu giống con trâu kéo cày bạo lực”. Anh Tu không ưa anh Hùng nhưng vẫn khen anh Hùng lắm tài vặt. Nhưng anh cũng chốt hạ một câu giống ông Nhân: “Tài trội nhất của thằng Hùng là biết đem tiền của những người khác cho đàn bà nó tiêu”. Anh Hùng chỉ biết cười trừ vì nói đến nợ tiền thì anh nợ anh Tu nhiều nhất.
       Tối hôm ấy sau khi anh Hùng ra về. Tôi ghẹo chị Bình: “Anh Hùng được đấy chứ?”. Chị tôi mắng: “Cậu thì biết cái gì. Cậu đã biết tính nết người ta thế nào mà bảo được”. Bố tôi nhận xét: “Thằng Hùng có cái được, có cái không được. Ai lấy nó chỉ đi đánh ghen cũng đủ chết”. Mẹ tôi bảo: “Chỉ việc ăn rồi đi đánh ghen cũng sướng! Ông cứ kiếm nhiều tiền như nó mang về đây. Tôi hứa sẽ đánh rụng hết trứng đàn bà cho xem”. Chị Bình xấu hổ kêu tướng lên: “Các người có im đi không”. Tôi biết chị Bình rất thích anh Hùng nhưng lại sợ anh không chung thủy. Bố tôi cũng sợ như thế nhưng ông còn sợ hơn thế. Ông bảo ông sợ nhất cái tính khí phách của thằng Hùng. Nó bảo nếu là con trâu nó sẽ làm con trâu rừng. Thà bị hổ báo xé toác ra còn hơn. Ghê chưa! Tôi cãi bố bảo làm con trâu rừng vẫn thích chứ. Nó còn húc lòi ruột hổ báo. Con trâu nhà chỉ được cái vâng lời. Bố tôi mắng: “Mày thì biết cái gì. Trâu nhà còn có người bảo vệ”. Mẹ tôi khinh khỉnh nhìn ông: “Con nào chả bị làm thịt. Không đi cày được nữa thì giết. Chết vì con người còn dã man hơn. Một cái đinh đóng vào đỉnh đầu. Đúng là chết khổ chết nhục. Chết mà không biết mình bị giết thịt”. Bố tôi không nói năng được gì nhưng vẫn muốn ra nhời. Chị Bình liền bỏ ra ngoài vừa đi vừa lẩm bẩm: “Cái nhà này bị điên hết mất rồi”.
       Đúng là cả nhà tôi đang bị “điên” vì anh Hùng. Tôi thích ra mặt. Chị Bình không đẹp. So với anh Hùng chỉ một mười một ba. Bố tôi nửa thích nửa không. Mẹ tôi im lặng bảo tùy nó chọn. Sướng khổ sau này không kêu ca ai được. Từ ngày yêu chị tôi, anh Hùng thay đổi hẳn. Tôi không hiểu anh yêu chị Bình nhà tôi vì cái gì. Đối với tôi, tình yêu có cái thứ gì đó rất bí hiểm. Chị Bình là nhân viên thống kê. Một viên chức đúng nghĩa. Sáng xách nón đi, chiều cắp nón về. Chẳng có gì nổi bật. Tính tình ít nói. Hay nhăn mũi. Mọi người trong nhà máy cứ bàn ra tán vào nhưng rồi nhà máy hết việc không ai còn hơi sức đâu lo chuyện thiên hạ nữa. Tối hôm ấy tôi về thưa chuyện với bố. Bố tôi bảo:
       - Không được. Nhỡ bất chợt nhà máy gọi đi làm thì mày tính sao?
       - Lúc nào gọi thì con về. Mà nhà máy báo tử đến nơi rồi bố ơi!
       Bố tôi nổi cáu:
       - Mày chưa vào mà đã láo! Nhà máy là của Quốc doanh. Chết sao được. Quốc doanh chết thì công nhân lấy cứt mà ăn!
       Rồi cương quyết:
       - Mày thuộc diện biên chế chính thức. Nó biết mày đi làm ngoài sẽ chặt đứt chân ngay tức khắc.
       Mẹ tôi biết chuyện liền hỏi đi làm với ai, làm cái gì? Tôi bảo anh Hùng nhận phá một cái nhà máy đường để làm bia. Con vừa mới ra trường muốn theo anh ấy để rèn tay nghề. Học trong trường được mỗi tý lý thuyết. Ăn thua gì. Mẹ tôi chẹp miệng:
       - Tao còn lạ gì các trường dạy nghề. Dạy xong chả biết làm gì. Thôi, mẹ cho theo anh ấy. Kiểu này nhà máy sớm muộn cũng giải tán sớm.
       Tôi nhìn chị Bình cười cười:
       - Có em đi cùng, bố bảo anh Hùng cũng không dám yêu cô nào.
       Không hiểu sao chị lại nổi cáu lên với tôi:
       - Cái lũ đàn ông chúng mày đi mà học nhau thì có!
       Bố tôi đến tận chỗ anh Hùng ở. Hỏi:
       - Anh định bỏ nhà máy à?
       - Không ạ. Nhà máy bỏ công nhân chứ công nhân không bỏ nhà máy. Anh Hùng trả lời rồi nói tiếp:
       - Cháu đã làm đơn nghỉ không lương. Chú cứ cho em Nhơn đi theo cháu. Cháu hứa kèm cặp nó đến nơi đến chốn.
       Bố tôi còn ngần ngừ. Một lúc sau mới ậm ừ nói thật:
       - Thằng Nhơn đi theo anh tôi không lo ngại điều gì. Chỉ sợ nó đi ra ngoài tiêm nhiễm tư tưởng tự do phóng khoáng về nhà tôi không dạy được.
       Anh Hùng bảo:
       -  Chú ạ. Tính khí do trời dạy. Người không dạy được
       - Ừ. Thôi thế này. Tôi đồng ý giao nó cho anh. Mong anh để mắt đến nó hộ tôi.
       Tối hôm ấy mẹ tôi nấu cơm mời anh Hùng đến ăn. Ăn xong chị Bình đi rửa bát. Bố mẹ tôi ngồi uống nước với anh Hùng. Một lúc bố tôi lấy lý do đi ngủ sớm, mai còn lên nhà máy họp. Mẹ tôi nhìn vào anh Hùng rồi bảo:
       - Các ông cán bộ chia nhau ra mà đi tìm việc cho công nhân nó làm. Ngày nào cũng họp. Tốn nước!
       Anh Hùng chờ chị tôi rửa bát xong, liền rủ:
       - Mình ra hè ngồi nói chuyện để cho các cụ còn nghỉ.
       Hai người mang hai cái ghế đi ra. Một lúc lâu không nghe thấy tiếng rì rầm. Tôi mở cửa thấy có hai cái ghế không liền tò mò theo dõi hai người. Đi đến dãy nhà tắm tập thể thì bắt gặp họ đứng nấp sau cánh cửa gỗ mục một nửa phía dưới chân. Tôi rón rén đến gần. Bóng điện lờ đờ hắt sáng vào. Thấy anh Hùng bảo:
       - Em có tin anh không?
       - Không tin! Đàn ông các anh chỉ được cái lõi mồm.
       Nghe thế tôi chợt nghĩ chị Bình nói không đúng. Bố tôi có thế đâu. Bố tôi cũng là đàn ông. Bố tôi sợ mẹ tôi một phép. Bố tôi nói mười câu, mẹ tôi chỉ nói một nhưng cả nhà ai cũng phải nghe.
       - Anh muốn chứng minh cho em thấy. Anh sẽ nghiêm túc. Đợt này đi làm anh để dành tiền để cưới em. Anh hứa đấy! Đám cưới mình đảm bảo phải sang nhất nhà máy
       - Không cần. Chỉ cần anh giữ lời là được. Em sai thằng Nhơn theo dõi anh. Léng téng là chết với em!
       Tôi rùng mình. Chị Bình có nói gì với tôi đâu. Chị đem tôi để dọa anh Hùng. Tôi cũng đâm lo. Tiếng anh Hùng run run:
       - Anh yêu em lắm. Em mới chính là bến đỗ của đời anh
       - Thật không?
       Tôi không nghe thấy gì nữa ngoài những tiếng sột soạt, chùn chụt và tiếng rên của chị gái. Hóa ra tình yêu cũng chỉ là chiếc áo khoác ngoài của tình dục.
*
      Đoàn chúng tôi có tất cả mười một người. Thợ hàn ba anh: Dương, Tứ, Bật. Ba thợ gò: Chung, Xuất, Phúc. Một anh tổ đúc tên Trụ. Một anh tổ nguội tên Trọng. Tôi học thợ điện nhưng chưa bao giờ biết đấu bảng điện. Mỗi mình anh Tu chả có nghề ngỗng gì nhưng lại có nhiều thông tin. Chính nhờ anh Tu nên anh Hùng mới biết có nhà máy đường đang tìm người thuê cắt dỡ dây chuyền sản xuất đường ra để bán sắt vụn. Anh Hùng soắn lấy: “Mày nhận đi cho tao làm”. Anh Tu bảo ở tít tận trong Miền Trung, mày có dám không? Anh Hùng bảo: “Đâu có tiền là ta cứ đi”. Anh Tu nói thẳng: “Nhưng tao sợ mày đi đến đâu gây họa đến đấy. Làm không ra gì sẽ ảnh hưởng quan hệ giữa hai nhà máy”. Anh Hùng bảo: “Mày giới thiệu cho tao, tao đi làm mới có tiền trả cho mày, với lại tao sẽ cắt phần trăm cho”.
       Anh Tu lưỡng lự rồi cũng gật đầu. Anh bảo:
       - Thế thì tao cùng đi làm với mày. Mai tao làm đơn xin nghỉ phép. Ba năm nay tao có nghỉ phép ngày nào đâu.
       Theo tính toán của anh Hùng việc tháo dỡ hàng trăm tấn sắt thép cần nhiều người, chủ yếu là lao động phổ thông. Anh chỉ đem theo thợ chính, thợ khuân vác anh sẽ tìm thuê làm tại chỗ. Hùng lên nhà máy mượn hai bộ cắt hơi, mười lăm mét cáp hàn và mua thêm một máy hàn xách tay. Anh Tu bảo:
       - Mua làm gì. Máy hàn của nhà máy đường thiếu cha gì.
       Anh Hùng giải thích:
       - Sẽ có khối việc cho bọn mình kiếm tiền. Vua mà.thohanxi
       Tôi nhớ nhất hôm anh Hùng từ nhà máy về khu tập thể. Toàn bộ công nhân ùa ra quây tròn lấy anh. Mọi người biết tin nhao nhao hỏi: “Cho tao đi với! Cho em đi với”! Có cả những bác công nhân nữ tay xách làn nhựa cũng xô vào xin: “Cho chị đi với”! Anh Hùng không biết làm thế nào. Hiện tại nhà máy chỉ đủ việc cho một nửa quân số đi làm. Cứ thay đổi nhau, mỗi tháng một lần. Một tháng ở nhà dài như mười năm. Sau đó công nhân kéo lên nhà máy xin đổi một tuần một lần nhưng rồi công việc cũng không còn đảm bảo được một nửa. Mạnh ai nấy chạy. Ai có người nhà thân cận với cánh văn phòng thì coi như đảm bảo xuất đi làm xỉ lượt. Còn lại bao nhiêu phân về từng phân xưởng. Phòng các Quản đốc, đơn xin đi làm xếp hàng chồng. Đa số đơn kể lể hoàn cảnh khó khăn, không biết làm gì để sống. Có đơn tố cáo chồng cứ ở nhà uống rượu hết tiền đóng một cái tủ hai buồng bằng gỗ lim. Lại có đơn tố cáo vợ đi chợ đánh đỏ đen mất mẹ nó cái xe đạp. Nhiều đơn còn dọa nếu nhà máy không bố trí việc làm thì cả nhà sẽ uống thuốc chuột tự tử.
       Anh Hùng chỉ chọn đủ số người. Đêm hôm ấy chúng tôi lặng lẽ xuất phát. Bố tôi bảo:
       - Bọn này đi “đánh quả” có khác. Nếu là đi làm thì cứ ban ngày ban mặt đi cho nó đàng hoàng.
       Mẹ tôi mắng:
       - Ông không bằng một góc người ta. Có biết bao nhiêu người muốn đi thì làm thế nào? Ai cũng thương cả. Đứa nào kiếm được việc làm vào lúc thời buổi này cũng vênh cái mặt lên. Thế mà nó lại khác. Chân chính phải trốn tránh có khổ tâm không!
       - Mẹ mày nói cũng phải lắm. Thằng Hùng đi đến đâu cũng có biết bao người săn đón. Nguyên thủ quốc gia chả được thế đâu. Nó phải làm Giám đốc mới phải.
       Mẹ tôi nhìn chị Bình phàn nàn:
       - Trước lúc đi không thấy nó xuống nhà chào gì cả.
       Chiều ngày hôm ấy. Bố tôi đi lên nhà máy, mẹ tôi đi chợ. Tôi đi mắc điện hộ cho nhà hàng xóm. Lúc tôi về nhà lấy chiếc bút thử điện thì bắt gặp hai anh chị đang đứng hôn nhau.
 
Nhà máy đường Vĩnh Sơn
 
       Xuống đến ga Vĩnh Lộc thì trời tang tảng sáng. Anh Hùng phân công anh Trung, Xuất, Trụ thay nhau vác chiếc máy hàn. Anh Dương, Phúc mang ba bộ cáp hàn. Bật mang bốn chiếc mặt nạ. Anh Trọng, Tứ mang một nồi gang, một xoong nhôm to, một xoong nhôm nhỏ. Tôi mang cuộn dây điện. Anh Tu cầm hai con dao. Mọi người ra khỏi ga, anh Hùng đi hỏi thăm đường. Nhìn thấy đoàn chúng tôi lập tức có hàng chục chiếc xe đạp xô tới. Tôi ngạc nhiên hỏi anh Tu: “Đi xe đạp ôm à?”. Anh Tu nhìn tôi vẻ khinh khỉnh rồi ừ mỗi một phát. Mọi người cười đùa toe toét. Anh Hùng hỏi giá xong rồi hô: “Lên xe”. Anh Tu nói to: “Khoan đã. Ba đồng thì đắt quá! Mọi khi tao đi chỉ mất có hai đồng rưỡi. Đây đi đông, hai đồng có đi thì đi?”. Tôi nhìn cánh xe đạp ôm trông ai cũng lam lũ, mặt mũi giống củ khoai ngứa. Đa số mặc quần áo của bộ đội. Chân đi dép đúc cao su, ống quần sắn cao. Tôi lại nhìn hàng xe đạp. Xe thuộc loại xe thồ. Xe nào cũng buộc thêm một đoạn tay tre vào cọc yên. Tôi hỏi một người:
       - Bác ơi. Từ đây vào nhà máy đường Vĩnh Sơn bao xa?
       - Chừng tám cây số.
       Tôi chưa kịp lè lưỡi ra thì anh Tu sừng sộ với bác ấy:
       - Xe ôm đứa nào cũng bịp bợm. Từ ga vào đấy chỉ có sáu cây thôi!
       Cuối cùng cánh xe đạp ôm cũng đồng ý giá hai đồng. Anh Tu trách anh Hùng: “Không có tao thì bị mất toi mười một đồng. Mày cứ xông xênh thế có ngày chết đường”. Hùng bảo: “So với giá xe ôm Hà Nội thì rẻ một nửa”. Anh Tu đỏ mặt:
       - Cả nước dồn tiền về cho Hà Nội nó tiêu. Biết không! Đây là Miền Trung con ạ! Xe ôm Hà Nội đi bằng xe máy đằng này đi bằng xe đạp. Thế mà cũng đòi so sánh.
       Anh Hùng cười xòa:
       - Toàn dân lao động với nhau. Xởi lởi thì giời cho!
       Đi khoảng nửa cây số bắt đầu đường rừng. Mặt đường toàn bột đất. Thỉnh thoảng gặp chiếc ô tô chạy qua, bụi mù mắt. Những lúc gặp dốc, các bác “tài” cúi rạp người. Tất cả chúng tôi xuống xe đi bộ, chỉ một mình anh Tu vẫn ngồi xòe hai chân ra hai bên trông rất muốn đánh. Người đàn ông xe lai đã nhẩy xuống đất ra chân chèo mà đẩy, mồ hôi đổ xuống như vỡ đập nước. Có chỗ tôi trông thấy người đàn ông cố rướn mình nhưng chiếc xe lai gần như đứng im. Không cố được sẽ bị tuột dốc. Hùng đi bộ phía trước ngoảnh lại bảo anh Tu xuống xe, thằng khốn nạn! Anh Tu chửi tục rồi bảo anh Hùng là thằng ngụy quân tử. Hùng quay lại đẩy giúp người đàn ông. Tu nhe răng ra cười. Lên tới đỉnh dốc, anh Tu vẫn đang ngoác mồm ra. Anh Hùng chửi:
       - Đồ chó chết!
*
        Chúng tôi ở trong một cái nhà kho. Trong lúc chúng tôi quét dọn, rải chiếu xuống nền xi măng thì anh Hùng và anh Tu đi gặp ban Giám đốc để ký hợp đồng. Công việc của chúng tôi là cắt hai thùng đựng mật rỉ, tháo dỡ ba dãy nhà khung Tiệp và toàn bộ lò nấu. Tiếp hai anh là Phó Giám đốc nhà máy Khuất Tiến Tuất. Anh Hùng hỏi hình thức trả công thế nào? Ông Tuất bảo ban Giám đốc còn đang bàn, chưa quyết định. Anh Tuất hỏi anh Tu: “Ông thích làm khoán hay làm công nhật?”. Tu chỉ anh Hùng: “Ông hỏi thằng này”. Hùng bảo: “Làm công nhật thì cả năm không xong. Ăn đấu làm khoán cho nhanh”. Phó Giám đốc nói để bàn lại đã. Nhà máy cũng thích khoán nhưng chưa biết tính thế nào. Anh Hùng bảo tiền công tính bằng 20% giá thành. Em chỉ nhận 10% thôi. Ông Tuất chê:
       - Đắt thế!
       Anh Hùng cười vang rồi phân tích:
       - Giá chỉ bằng một nửa. Công nhân không phải nuôi, không mất tiền Bảo hiểm. Không mất một xu tiền quản lý. Không phải chịu trách nhiệm gì hết. Rẻ hay đắt?
       Ông Tuất hỏi:
       - Khi nào thì vào việc?
       - Ngay lập tức. Anh Hùng trả lời. Ông Tuất dặn:
       - Vậy cứ làm đi rồi ký hợp đồng sau.
       Hai anh trở về cho triển khai công việc. Anh Tu can: “Cho anh em nghỉ ngơi đã”. Anh Hùng nói: “Cho ông nghỉ một tiếng rồi phải vào việc ngay”. Anh Tu quắc mắt lên, dằn giọng: “Mày là cái thá gì mà ra lệnh cho tao?”
       Anh Hùng:
       - Tao ký hợp đồng. Tao chỉ huy ở đây. Đây không phải là nhà mày. Mày thấy không thoải mái thì về.
       - Mẹ kiếp! Không có bố mày thì liệu mày có ra oai được không!
       Anh Hùng tính tháo dỡ khu vực lò nấu xong sẽ quay sang ba dãy nhà khung. Anh bảo cứ dễ làm trước đề phòng nhà máy dở quẻ. Anh Tu hỏi:
       - Công xá anh em mày tính sao?
       - Trừ chi phí còn lại chia đều cho ngày công.
       Anh Tu có vẻ không đồng tình. Tôi biết Tu muốn chia công hai anh cao hơn mọi người. Sau này hoàn công, giữa anh Hùng và anh Tu thế nào cũng có chuyện.
       Ngày hôm sau anh Hùng vào gặp ban Giám đốc để ký hợp đồng. Ông Tuất nói nhỏ với anh Hùng: “Nhà máy đồng ý với phương án của ông. Công việc đến đâu tính đến đấy. Cho tôi gửi ít cân nhờ ông thanh toán. Chuyện này chỉ mình ông biết thôi. Không được nói với thằng Tu”. Anh Hùng bảo: “Em phải công khai”. Ông Tuất mắng:
       - Thế thì làm lãnh đạo để làm gì? Cái gì cũng cho công nhân nó biết có mà ăn cứt! Ngu lắm!
       Anh Hùng tổ chức làm ba tổ chia nhau ra làm việc. Chúng tôi thi nhau phá phách. Cánh bốc vác anh Hùng thuê những công nhân nhà máy Vĩnh Sơn tới dọn dẹp. Công việc rất chạy. Ông Tuất ngày nào cũng xuống. Ông gọi riêng anh Hùng ra bàn. Anh Tu hỏi: “Lão Khuất Tất nói gì với mày?”. Anh Hùng không nói. Tu tức lắm tìm cách trả đũa. Tối về đi ngủ Tu nói trước anh em:
       - Mọi người làm việc vất vả mà mày cho như chó ăn thế à?
       Anh Hùng thấy bếp ăn tập thể ngày nào cũng chỉ có cá khô với bí đỏ. Công nhân Vĩnh Sơn ăn được, chúng tôi cũng ăn được. Ở đây rau xanh rất hiếm. Chợ cách nhà máy hơn chục cây số. Một hôm anh Hùng bảo tôi viết mấy chữ: Hàn – Sửa chữa dụng cụ nông nghiệp lên một miếng ván gỗ rồi đem treo lên hàng rào nhà máy. Ngoài tường rào là con đường liên xã. Hàng ngày có rất nhiều người qua lại. Anh Hùng phân công tôi với anh Dương mang chiếc máy hàn xách tay ra đó. Tôi không ngờ bà con nông dân quanh vùng kéo đến rất đông. Người hàn cái cuốc, người hàn cái xẻng, cày, bừa. Có người còn cõng cả một chiếc cánh cổng sắt trên lưng mang đến để hàn lại chiếc bản lề. Anh Hùng không lấy tiền hàn chỉ xin bà con đổi lấy rau xanh. Nhà nào có rau gì thì mang rau đó. Ngày đầu ra quân chúng tôi thu được hơn một yến rau, bốn mươi quả đu đủ. Thế là chúng tôi chỉ nhờ nhà bếp mua cho thịt lợn. Nhiều rau quá anh Hùng đem tặng cho bếp ăn cán bộ. Các chị văn phòng ai cũng khen anh Hùng vừa đẹp trai vừa hào phóng. Anh Tu nói: “Thằng Hùng lại thả mồi. Mẹ nó! Có tao ở đây thì đừng có mà hòng”. Anh Tu bảo lần tới không đổi rau mà thu tiền? Anh Hùng trả lời:
       - Bà con nông dân không có sẵn tiền mặt. Thứ mình cần là rau xanh vừa không phải đi chợ, vừa giúp cho nông dân có cái đi làm.
       Anh Tu chê:
       - Vua thợ hàn là thế này sao?
       Ông Tuất biết chuyện, cấm chúng tôi không được hàn nữa. Anh Hùng phân tôi hàng ngày nấu cơm, khi nào nhà máy cân sắt vụn thì đi lấy số liệu để thanh toán tiền công. Đợt một, chúng tôi đã cắt phá hoàn chỉnh nhà nấu và đang chuyển sang tháo dỡ ba dãy nhà khung. Anh Hùng bảo anh Tu đi làm thủ tục thanh toán cắt khúc. Từ sáng đến trưa mới thấy anh Tu về. Tu bảo với anh Hùng: “Bố tao ở nhà ốm nặng lắm. Vợ tao vừa nhắn tin vào xong”. Anh Hùng liền giục: “Mày về luôn đi xem tình hình ông cụ thế nào rồi vào. Tao thấy ông Tuất nói làm xong việc sẽ thuê tiếp bọn mình dựng chiếc lò hơi, cả hệ thống xử lý nước của dây chuyền bia vi sinh. Công việc nhiều lắm”.
       Anh Tu đứng lặng im. Một lúc sau mới nói:
       - Cho tao thanh toán tiền công, cả số tiền mày nợ tao. Tao lo ông cụ thăng thiên thì có tiền mà chi.
       Anh Hùng tuy sốt sắng việc nhà anh Tu nhưng vẫn cần có tiền để chi phí. Anh Tu nói vài hôm nữa mày lên ông Tuất mà xin tạm ứng. Cho tao cầm số tiền này về, thừa thiếu thế nào lúc vào rồi tính sau. Anh Hùng tính số tiền công cộng với tiền vay anh Tu trước đây, liền bảo:
       - Mày lấy đủ, còn lại đưa cho tao.
       Anh Tu nhất định không đưa, bảo cứ coi như cho tao vay. Tao chưa bao giờ vay mày đồng nào. Nếu ông cụ không “toạch” thì tao lại mang trả.
       Vài hôm sau anh Hùng gặp ông Tuất xin tạm ứng. Ông Tuất trợn mắt mắng:
       - Tiền tạm ứng đã giao cho thằng Tu rồi còn gì. Nhà máy đang rối ruột vì tiền đây!
       Anh Hùng ngạc nhiên hỏi: “Hợp đồng đã ghi rõ thanh toán từng giai đoạn cơ mà?”.
       - Hợp đồng cái đít! Cứ làm xong rồi thanh toán. Từ nay, nhà máy cũng không có tiền tạm ứng nữa. Lệnh đấy!
       Anh Hùng tức tốc quay về nhà. Chưa về đến khu tập thể đã nghe tin anh Hùng ký hợp đồng với một nhà máy đang phá sản, không có tiền trả nợ Ngân hàng. Tiền lương công nhân sáu tháng nay còn chưa biết dòm vào đâu. Bố anh Tu vẫn khỏe như vâm. Ngày cày ba sào mốt ruộng. Ăn bẩy, tám bát cơm một bữa. Anh Hùng tìm anh Tu trách:
       - Sao mày nói dối tao
       - Tao không nói thế thì đến mùa quýt mới đòi được tiền mày à.
       Anh Hùng nổi cáu định đánh anh Tu nhưng rồi anh lại nhũn nhặn bảo anh Tu đưa lại số tiền thừa để nuôi quân. Anh Tu bảo làm gì còn rồi anh tính ba chục tấn nhân với giá đem chia cho ngày tham gia, cộng tiền nợ anh Hùng vay. Anh còn bảo:
       - Đấy là tao chưa tính tiền phần trăm mày hứa đâu đấy!
       Anh Hùng kinh hãi:
       - Thực tế chỉ có mười chín tấn. Mười một tấn lão Tuất gửi để thanh toán cho riêng lão. Mày cầm cả, lấy tiền đâu trả cho lão Tuất.
       - Tao không biết. Mười một tấn ai mà biết của mày hay của lão Tuất. Mày định ăn của anh em. Tao bắt mày phải “nôn” ra.
       Anh Hùng buồn bực. Biết anh Tu chế ra như thế nhưng anh không thể giải thích được. Cả khu tập thể đồn đại anh ăn bẩn. Vợ anh Dương, anh Tứ đòi chồng về không đi làm nữa. Anh Hùng không dám ở lại lâu. Trước lúc đi anh gặp chị Bình. Chị Bình cũng buồn. Anh Hùng chỉ sợ chị không tin anh.
       - Ở nhà em còn tiền không? Anh Hùng bỗng hỏi rồi tỏ ra rất ngượng. Chị Bình bảo em có một ít rồi đưa cả cho anh Hùng.
*
       Anh Dương với anh Tứ nghe vợ nằng nặc đòi về. Tôi đem chuyện này nói lại. Hai anh chửi anh Tu là thằng đểu, bán đứng anh em. Có điều nhà máy đường Vĩnh Sơn sẽ không có tiền trả cho bọn mình. Không khéo bị nó lừa thì bỏ mẹ. Nhà máy mà treo nợ thì công nhân chỉ có chết đói. Chúng tao “phắn” trước đây. Thà bị thương còn hơn bị chết. Anh Hùng rất sợ anh em hoang mang rồi hứa với mọi người cứ yên tâm làm việc. Anh sẽ chịu trách nhiệm thanh toán công xá đầy đủ bằng bất cứ giá nào. Còn lại tám người, chúng tôi vẫn chia nhau ra thành ba tốp. Số tiền chị Bình đưa, anh Hùng thanh toán cho hai anh Dương, Tứ gần hết. Tôi không biết anh sẽ lấy tiền ở đâu để chi phí sinh hoạt và trả công cho mấy người anh thuê làm vệ sinh thùng đựng mật rỉ. Nhà máy đường Vĩnh Sơn như tôi được biết cũng trong tình trạng như nhà máy chỗ bố mẹ tôi đang làm việc nhưng nhà máy này có lẽ năng động hơn. Tôi nghĩ thế. Nhà máy chở một đống thùng lên men bằng i nốc tới. Ông Tuất đốc thúc chúng tôi dọn sạch mặt bằng để dựng nhà xưởng mới. Anh Hùng tăng ca làm cả đêm. Anh hy vọng đẩy nhanh tiến độ chúng tôi sẽ được thanh toán hợp đồng cũ và sẽ ký tiếp hợp đồng mới ở dây chuyền bia. Ông Tuất đến xem rồi bảo sao chúng mày làm nhanh thế? Tôi không hiểu tại sao ông ấy lại nói như thế. Chẳng phải nhà máy đang thúc tiến độ hay sao?
       Buổi tối, anh Hùng rủ tôi đi chơi trong khu vực nhà máy. Sương mù xuống thấp. Mấy quả bóng điện bảo vệ trông như những viên bánh trôi, nổi lềnh bềnh trong nồi nước sôi. Anh Hùng mở đầu bằng câu: “Gay go quá”. Tôi chưa kịp hỏi thì anh nói đại để cái nhà máy chết tiệt này đang trong thời kỳ chuyển đổi. Nợ cũ chưa trả hết lại tiếp tục vay tiền đầu tư. Cái bánh tập thể bị xà xẻo hết sạch. Không khéo mình bị chết oan.
       Tôi biết anh Hùng đã hết nhẵn tiền. Hàng ngày vẫn phải cần tiền ăn cho anh em. Ông Tuất không đả động gì đến tiền thanh toán, lại đem hợp đồng mới ra làm mồi nhử. Tôi lo quá. Ai cũng biết lo cho mình nhưng tôi lo cho anh Hùng hơn. Ngoài tôi ra, sáu anh còn lại không ai biết gì hết. Những lao động anh Hùng thuê thêm cũng không biết gì hết. Nhà máy cứ hứa xuông thế thôi. Nhìn anh Hùng vừa đi làm, đôn đốc công việc, lo lắng hậu cần. Cứ mở mắt ra là đã phải lo. Lo nhất vẫn là tiền ăn hàng ngày cho anh em. Không biết anh Hùng làm thế nào đây. Chúng tôi đã ở hơn một tháng, nhiều anh muốn về. Anh Hùng trì hoãn:
       - Ai về cũng được nhưng tôi phải thanh toán cho anh em sòng phẳng đã.
       Tôi đã từng nghe anh em bàn tán với nhau trong lúc làm việc. Họ nửa tin anh Hùng, nửa không tin. Họ rất sợ anh Hùng có tiền lại đem đi tiêu cho những người đàn bà rồi nói dối họ. Họ cứ đi làm và cứ chờ đợi. Tôi có tham gia vào chuyện này thì họ bảo đương nhiên mày phải nói gỡ cho ông ấy. Từ trước đến nay anh Hùng chưa làm cho ai tin chuyện tiền bạc. Đã thành dớp rồi!Tôi hiểu câu người ta nói làm mười điều tốt, chỉ làm một điều xấu cũng phăng teo hết! Đằng này anh Hùng chưa làm điều gì để người ta tin. Tôi biết anh ấy là người nghĩa hiệp. Làm mười điều xấu chỉ cần làm một điều tốt lại được người ta tin yêu. Cái quan trọng là biết quay đầu. Tại anh tính tình phóng khoáng, thích rong chơi. Có tí ti ấy thôi! Nhưng anh cũng bị nhiều người đàn bà lợi dụng. Nhiều lúc tôi nghĩ anh Hùng đẹp trai, năng động. Chị Bình không đẹp, khép kín liệu có phù hợp với anh Hùng không? Có thật là cái “bến” mà anh chọn “đỗ” như anh nói không? Lúc này tôi lại thấy lo cho anh nhiều hơn là lo cho chị gái mình.
       Một buổi chiều, tôi thấy anh Hùng đi chiếc xe phượng hoàng nữ xuống dãy nhà kho. Xe ấy là của chị Tình, thủ quỹ nhà máy. Chị Tình người khô, dỏng cao. Hai mắt to, mở rộng. Mi rợp nhưng không đẹp, trông như mắt ngựa. Anh Hùng bảo đấy mới là loại người nhẫn nại và giỏi chịu đựng. Tôi thoáng nhận ra việc làm của anh nhưng chắc chắn tôi sẽ không nói lại chuyện này với chị Bình. Ông Tuất nói con trai Khu Ba mồm dẻo như kẹo kéo. Ông Tuất không cho chúng tôi kéo máy ra hàng rào thì anh Hùng mượn xe của chị Tình nhận hàng đem vào hàn. Mấy công nhân của nhà máy đường nhận xét: “Đúng là vua thợ hàn. Xẹt một cái đã có tiền”. Anh Hùng bảo:
       - Có nhiều loại vua: Vua bán nước.Vua bịp. Vua hải ngoại. Vua bù nhìn. Vua giải trí. Vua lợi ích. Vua phá lưới. Vua tàn ác. Vua đầu bếp. Vua ăn cắp. Vua lừa. Vua thép.Vua nhà đất. Vua chứng khoán. Vua ăn hại …Nhiều vua lắm! Vua thợ hàn là bét nhất!
       Chúng tôi đã dựng gần xong khu xử lý nước mà vẫn chưa được thanh toán đồng công nào. Anh Hùng nhiều đêm mất ngủ, người gầy rộc rạc. Dạo này tôi thấy anh đi chơi rất nhiều. Một tối tôi thấy anh đi bộ lững thững qua cổng nhà máy. Anh em công nhân chúi đầu vào cỗ bài. Tôi thử đi theo xem anh làm gì. Đến khúc rẽ đầu nhà máy đường Vĩnh Sơn thì nhìn thấy chị Tình dựng xe đạp phượng hoàng đang đứng đợi. Anh Hùng lên xe. Chị Tình ngồi sau. Xe chạy vào con đường liên xã, qua chỗ chúng tôi đứng hàn lần trước rồi rẽ vào cánh ruộng trồng mía. Tôi chạy đuổi theo. Vừa chạy vừa nấp. Tim đập như trống Đọi.
     Tối ấy trăng sáng
     Đồng ruộng mênh mông
     Gió nồm xào xạc
     Lá mía cọ vào nhau như tiếng gươm khua. Không một bóng người. Anh Hùng giấu xe vào ruộng mía. Tôi nấp trong ruộng mía. Lá mía cọ vào cổ, lá mía cứa vào tay. Đầu cánh ruộng có một bãi cỏ. Hai anh chị dẫn nhau ra đó rồi nhanh chóng quấn soắn vào nhau như thân sắn dây. Tôi nằm sấp trong ruộng mía vừa tò mò, vừa giận dữ. Chị Tình da trắng như thịt mía. Tôi không còn nằm sấp tự nhiên, cứ nhổm dần lên gần như đứng xem. Tôi không còn tức nữa. Cũng không biết mình còn thở không nữa. Hồi hộp lắm! Chị Tình nằm ngửa trên bãi cỏ. Anh Hùng đè lên. Không thấy động đậy gì cả. Tôi tưởng chị bị đè chết  liền bẻ cây mía to bằng cổ tay định lao ra thì thấy hai chân chị co lên quặp chặt lấy mông anh Hùng.
       Mẹ kiếp! Tối hôm ấy trở về nhà kho suốt đêm không ngủ được. Tôi giận và ghét anh Hùng. Thì ra anh ấy vẫn thế. Người ta bảo bản tính khó dời. Khốn nạn thật. Bến đỗ cái gì. Xôi đỗ thì có! Tôi nằm khóc thương chị gái. Chị ơi! Chị đừng tin lời hứa của hắn. Hắn đem sự hào hoa hòng lung lạc lòng người. Những lời hứa trên đời này làm gì có thật. Lòng thật thì không cần phải hứa. Người ta làm việc với nhau nếu không có bất đồng thì cần gì phải thảo hợp đồng. Hợp đồng với nhau rồi ông Tuất còn bảo nó là cái đít!
*
       Cả tuần lễ tiếp theo tôi lừ lừ với anh. Hùng biết nhưng không nói gì. Chị Tình bây giờ còn bạo dạn xuống cả chỗ chúng tôi làm việc. Hết giờ, chị không về nhà, ở lại giúp tôi nấu cơm. Tôi ghét lây cả chị. Chị không biết nội tình thế nào, cứ tưởng tôi xấu tính. Chị phàn nàn với anh Hùng. Anh Hùng gọi riêng tôi ra. Tôi không ra. Lúc ấy tôi rất muốn chửi rủa anh trước mặt chị Tình. Tôi bắt đầu vào hùa với những anh em khác đòi về, dứt khoát không ở thêm ngày nào nữa. Anh Hùng nổi cáu đuổi: “Cút đi”. Tôi giận điên người vào thu xếp quần áo thì anh Xuất và anh Trụ can. Anh Trụ bảo: “Sao trẻ con thế”. Tôi không phải là trẻ con mà tôi đang là một vệ sỹ cho chị tôi. Anh Hùng lúc ấy cũng dịu giọng, an ủi bảo anh có nói gì thì tôi cũng không tin. Cứ để công việc sau này nói lên tất cả. Nhìn vẻ mặt anh ấy tôi không thể tin được. Anh tỏ ra rất bình tĩnh. Tôi nghĩ anh ấy lừa cả hai chị em tôi. Tôi nói với anh Trọng tất cả những điều tôi biết. Anh Trọng nói với các anh em khác:
       - Mặc mẹ ông Hùng. Ông Hùng phải đòi tiền nhà máy để thanh toán cho chúng mình. Chuyện riêng của ông ấy, kệ xác. Ai chả biết ông ấy là Hùng “đào”.
       Anh Phúc bàn:
       - Mai nói với ông Hùng nếu không có tiền thì không đi làm nữa.
       Tất cả chúng tôi thống nhất với nhau như thế. Tối ấy anh Hùng không về. Chắc anh đi với chị Tình cả đêm. Chúng tôi ở nhà tha hồ nói xấu anh ấy. Anh Bật, mặt mũi cháy đen như cá nướng rơm. Chân tay cũng bị bong hết da. Từ ngày anh Dương, Tứ bỏ về công việc hàn đặt hết lên vai anh. Anh bảo với anh Phúc:
       - Ông Tu xấu bụng nhưng nói đúng. Ông Hùng cũng chẳng tử tế gì đâu, chỉ giỏi đem tiền của người khác cho lũ đàn bà nó tiêu. Không khéo lần này ông ấy lại đem bọn mình tế sống cho đồ khốn nạn kia.
       Mọi người cứ đợi anh Hùng suốt đêm. Sáng hôm sau anh Hùng về sớm. Anh như đoán được chúng tôi định làm gì. Anh rút trong túi ra một bọc tiền, giơ lên:
       - Tiền đây! Đứa nào giở trò tao phạt. Không nói đùa đâu. Đúng hai hôm nữa sẽ thanh toán hết.
       - Thật không? Mọi người hỏi dồn
       - Thật. Không có tiền tao quyết không nhìn mặt mọi người.
       Tất cả ồ lên vui vẻ. Tôi biết chắc anh lừa mọi người nhưng không lừa được tôi. Tiền này chắc anh ấy vay hoặc mượn tiền quỹ ở chỗ chị Tình nhưng lúc ấy mọi người tin anh Hùng, tôi có nói ra mánh khóe của anh thì chả có ai tin. Tôi đành nín chịu. Không hiểu sao lúc ấy tôi mong anh không có một đồng nào để cho anh em trắng mắt ra. Hai ngày chờ đợi là quá dài.
       Chiều ngày thứ hai tôi cùng sáu anh: Phúc, Trọng, Bật, Trung, Xuất, Trụ cởi bỏ quần áo lao động. Ăn mặc sạch sẽ tinh tươm. Chúng tôi bàn ngầm với nhau thanh toán tiền xong thì ra về luôn.
       Anh Hùng đi xe đạp của chị Tình từ nhà máy về gian nhà kho. Anh hơi cuống:
       - Mặc quần áo vào ngay. Mọi người đi làm bình thường. Nhanh lên!
       Mấy người định cãi lại. Anh bảo:
       - Hết chiều nay mới hết hai ngày. Tao hứa! Đi đi, đừng ai hỏi gì cả.
       Mọi người lại thay quần áo đi làm. Anh Hùng bảo tôi: “Nhơn ở lại”. Chờ mọi người đi xa, anh dặn: “Chiều cậu nấu cơm muộn hơn bình thường. Còn bao nhiêu thịt ăn tất. Muốn rang hay luộc thì tùy”. Tôi không thèm để ý lời anh dặn, liền nói: “Tôi chả cậu cháu gì với ông”. Anh Hùng im lặng, vẻ cay đắng, phóng xe ngay lên phòng quỹ. Tôi nhổ một bãi nước bọt theo.
 
Kết một
       Đêm hôm ấy chúng tôi lên đường. Một cuộc rút quân lặng lẽ và bí mật như một toán cướp bị bại lộ. Tám anh em cứ ấm a ấm ức. Đêm cuối tháng. Tối như thơ anh. Mọi người đi thành nhiều tốp, vừa đi vừa ai oán. Mỗi mình Hùng là bình thản, thỉnh thoảng lại thúc giục đi cho nhanh. Tối ấy. Chúng tôi ăn cơm muộn hơn. Bữa tối diễn ra căng thẳng. Mọi người chờ anh lên tiếng. Anh Hùng chỉ nói gọn lỏn: “Đêm nay chuồn”. Mọi người ngơ ngác nhìn nhau. Đây không phải câu mọi người chờ đợi. Anh nói thêm:
       - Tôi đưa trước mỗi người một trăm đồng. Trên đường đi ai muốn mua quà bánh gì thì mua. Về đến nhà mới nói chuyện công xá. Không ai bị thiếu một xu. Bây giờ ăn nhanh. Chín giờ xuất phát.
       Anh Hùng cho chiếc xe đạp của chị Tình vào trong gian nhà kho, khép cửa lại. Anh ngoái nhìn về phía văn phòng nhà máy. Thở dài. Tôi nhìn thấy, muốn nhét sỏi nút hai lỗ mũi anh lại.
       Chúng tôi ra đến ga Vĩnh Lộc lúc mười hai giờ rưỡi đêm. Một giờ sáng lên tàu.
 
Kết hai
       Tòa án xử anh Hùng mười tám tháng tù giam. Ông Tuất ba năm. Chị Tình ba tháng cho hưởng án treo. Mười tháng sau tôi vào thăm thì được tin anh đã xuất trại. Ông Giám đốc Trại giam nói chuyện anh Hùng được giảm án. Ông hỏi tôi là thế nào với Hùng. Tôi nói là em. Ông ấy tâm sự:
       - Thả Hùng sớm chúng tôi cũng tiếc. Nó là một thằng chơi đẹp. Một bi kịch lãng mạn nhất từ trước nay mà tớ được nghe. Chỉ có mấy tháng mà Hùng làm được bao nhiêu việc cho trại. Lại mở được lớp dạy thợ hàn cho phạm nhân. Người như thế vào tù, phí!
 
Lời đồn trong khu tập thể công nhân
         Trước khi đi tù anh Hùng nói với tôi: “Quan thợ điện hết thời rồi. Cậu nên đi học điện tự động hóa. Sau này rất cần”. Bốn năm sau, khi tôi lắp đặt hệ thống tự động cho một dây chuyền nước giải khát lại phát hiện ra một việc khác. Nhà máy này mua lại dây chuyền làm bia hơi của Vĩnh Sơn bằng giá sắt vụn. Câu chuyện tôi kể trên đây sau này sáng tỏ. Hai ngày anh Hùng hứa với chúng tôi là hai ngày anh chuẩn bị kế hoạch lừa tiền của nhà máy. Biết ông Tuất cần mua mấy tấn tôn tấm. Anh Hùng bàn để anh mua, giá rẻ một nửa. Mắt ông Tuất sáng rực. Ông Tuất đòi chuyển khoản nhưng anh Hùng bảo chỗ này người ta chỉ bán bằng tiền mặt. Ông Tuất cảnh giác bảo thế thì sáng mai sẽ đem tiền đi cùng với anh Hùng. Hai người xuống phòng quỹ huy động tiền. Ông Tuất nói hớ với thủ quỹ rằng mai cô đưa tiền cho Hùng mang đi để mua tôn cho nhà máy. Buổi chiều hôm ấy anh Hùng lợi dụng chị Tình, nói xuất tiền sớm mang đi đặt cọc. Số tiền ứng trước anh Hùng tính vừa khít với số tiền công, không lấy hơn một đồng nào.
       Những anh em cùng đi chuyến ấy đều kể rằng anh Hùng phải trốn đi đêm là vì tiền. Không ai biết anh trốn chị Tình. Hùng có hẹn tối hôm ấy anh sẽ đến ra mắt gia đình chị. Anh hứa hẹn rất nhiều. Như tôi đã nói ở trên. Hãy cảnh giác với mọi lời hứa. Một trăm lời hứa chỉ có một được thực hiện.
 
Lời đồn của các phụ nữ có chồng
       Từ ngày Hùng ra tù, không ai gặp cậu ấy đâu nữa. Lần gặp cuối anh Hùng có nói: “Đời tôi lừa rất nhiều đàn ông nhưng trót lừa hai người đàn bà. Tôi chỉ được trả nghĩa cho một người”.
       Về nhà hai ngày thì Hùng bị bắt. Cô Bình rất giận. Thời gian Hùng ở trại cô không lên thăm lần nào, cũng không thèm hỏi lấy một câu. Sau này cô lấy một anh kỹ sư xây dựng. Tay ấy là người tốt nhưng ghen ơi là khủng khiếp! Bình chỉ cần nói tên Hùng, bất kể là Hùng gì cũng bị bốp bốp cho sưng mặt. Cái tính xấu có tí ti ấy thôi!■

                                                                                      L.T.K
 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Quảng cáo
congnhan12345
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 5
Trong ngày: 97
Trong tuần: 562
Lượt truy cập: 383653

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ GIỚI THIỆU!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH, NHÀ VĂN CẦM SƠN! RẤT NHIỀU BỨC ẢNH CỦA NGÀY HÔM ĐÓ ĐÃ CÙNG VỚI BÀI NÓI CỦA TÔI LÀM NÊN KHÔNG KHÍ TƯƠI VUI, HÀO HỨNG CỦA BUỔI RA MẮT SÁCH! CHÚC MỪNG NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CHÚC MỪNG TS NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC VỚI TẬP THƠ ĐỘC ĐÁO, IN ĐẸP!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÁI PHỤC BÀ MÂY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Thuộc loại "chuyện bây giờ mới kể" đây! Cám ơn tác giả! Mượn lời bà SUỐI để nói về bà MÂY: "Bái phục bà MÂY" ! Haiza!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN VÀ BAN BIÊN TẬP ĐÃ ĐĂNG BÀI VIẾT NHÂN DỊP NHÀ THƠ NGUYỄN HUY HOÀNG RA MẮT TUYỂN THƠ VÀ TRUYỆN KÍ TẠI HỘI TRƯỜNG HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM!

 
Xem toàn bộ
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0964 131 807
Email: soncam52@gmail.com
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công nhân.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông Chi hội Nhà văn Công nhân.