Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

BỨC TRANH

Nguyễn Hiền Lương
 
BỨC TRANH
 
    Trong một lần thăm Bảo tàng Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh, tôi đặc biệt ấn tượng với bức tranh chiến sỹ lái xe Trường Sơn. Chiến sỹ lái chiếc xe ZiL 157 ba cầu, phủ đầy lá ngụy trang, chạy trên đoạn đường cua tay áo, mặt đường lỗ chỗ hố bom B52 rải thảm, bụi đất và tàn lửa bay mù mịt, trên trời máy bay địch quần đảo. Chiến sỹ còn trẻ nhưng nét mặt cương nghị, môi mím chặt, quai hàm hơi bạnh, mắt mở to, nhìn thẳng, trán nhíu, hằn các nếp nhăn đẫm mồ hôi, hai tay giữ chặt vô lăng, dáng ngồi lao về trước, đầu đội chiếc mũ sắt… Phải công nhận họa sỹ nào vẽ bức tranh này rất chuẩn. Chỉ bằng những nét ký họa khoáng đạt đã thể hiện sinh động, chân thực người lái xe, chiếc xe và con đường Trường Sơn trong lửa đạn, càng nhìn lại càng thấy toát lên thần thái người chiến sỹ mang khí thế Trường Sơn trong những năm chiến tranh ác liệt mà chỉ những người đã sống, chiến đấu ở Trường Sơn mới hiểu hết. Khi đọc dòng chữ ghi bên dưới bức tranh: “Chiến sỹ lái xe Trường Sơn Vũ Đức Danh”, tôi giật mình, dụi mắt nhìn kĩ lại lại hình ảnh người chiến sỹ, đúng là Danh rồi, ánh mắt và khuôn mặt kia không thể là ai khác. Danh vừa là bạn đồng học, lại vừa là đồng đội Trường Sơn của tôi nên không thể nhầm được. Khi trở về Yên Bái tôi tìm gặp Danh ngay, vỗ vai Danh cười, hỏi:  
- Này, họa sỹ nào vẽ ông hồi ở Trường Sơn vậy? Tranh có hồn lắm, thế mà kín tiếng, chẳng bao giờ kể...
Danh ngơ ngác:
- Ông nói tranh nào cơ? Ở đâu?
Tôi kể cho Danh nghe về bức tranh ở Bảo tàng Trường Sơn. Thay cho sự phấn khích, hồ hởi, Danh cứ lặng người đi, rồi hỏi tôi, giọng như người bị hụt hơi:
- Thật chứ? Vậy ông có thấy chữ ký của người vẽ bắt đầu bằng chữ T hoa không?
Tôi liền mở điện thoại, lấy tấm hình chụp bức tranh đưa cho Danh.  Anh chăm chú xem rồi nước mắt cứ tự nhiên ứa ra. Khi tôi hỏi:
- Có phải họa sỹ ấy ngồi cùng ông trên xe qua cua chữ A không? - Danh càng lặng người, bần thần hơn, hồi lâu mới khẽ bảo: “Chuyện dài lắm…”.
Rồi tôi cũng được Danh kể về nguồn gốc bức tranh. Năm1972, Danh là lái xe của Đoàn Vận tải 3, Cục Hậu cần, đưa hàng từ Tổng kho Bố Trạch, Quảng Bình vào tập kết ở Ngã ba Đông Dương, từ đây vũ khí, lương thực, thuốc men được chuyển tới Mặt trận Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Đang là mùa khô, các xe hoạt động hết tầm, đi nhanh, về chóng, quay vòng nhanh. Một hôm trước giờ xuất phát, Đoàn trưởng tập trung chiến sỹ lái phổ biến: Có Đoàn sinh viên Trường Mỹ thuật Hà Nội vào thực tế sáng tác tại Trường Sơn làm đề tài tốt nghiệp. Trên phân công Đoàn chúng ta kết hợp đưa các họa sỹ tương lai đi thực tế. Mỗi xe có một sinh viên đi cùng, đề nghị các đồng chí bảo đảm an toàn tuyệt đối, tạo điều kiện tốt nhất cho các em thực tế sáng tác có kết quả tốt. Tác phẩm của các em cũng sẽ góp phần để hậu phương và cả thế giới hiểu thêm về con đường Trường Sơn, về cuộc kháng chiến của chúng ta...  - Rồi Đoàn trưởng đọc danh sách phân công sinh viên theo từng xe. Cả đoàn chỉ có 3 nữ, đi xe Danh là một cô gái trẻ và khá đẹp. Chuẩn bị lên xe, Danh yêu cầu cô gái cho biết họ tên, quê quán, phòng khi có sự cố xảy ra còn biết địa chỉ để báo tin. Cô gái lấy bút ghi vào mảnh giấy: “Em là Hoàng Phương Thảo, quê Văn Lãng, Phú Xuyên, Hà Tây”, đưa cho Danh, còn cười bảo: “Anh muốn tìm em, cứ về làng Văn Lãng có nghề nghề dệt lưới chã nổi tiếng, hỏi thăm cái Thảo con ông Ba bà Lời là ai cũng biết…”. - Danh không nói gì, lặng lẽ gấp mảnh giấy bỏ vào túi áo. Trên đường đi, Thảo là người chủ động trò chuyện, cô hỏi Danh đủ thứ, từ chuyện gia đình, quê hương tới những chuyến xe vượt Trường Sơn. Khi biết Danh đã tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm mới nhập ngũ, Thảo quay hẳn sang nhìn Danh chăm chăm, ngỡ ngàng và tỏ vẻ thán phục. Bỗng Thảo giật mình khi khe đột ngột dừng lại, nhìn ra trước, cái barie làm bằng cây lồ ô chắn ngay trước mũi xe, một cô thanh niên xung phong trong lán vội chạy ra mở barie nói với Danh:
- Nó vừa đánh bom xong, đồng chí cho xe chạy luôn đi, 20 phút thôi đấy. Trên xe có phụ nữ cơ à? Nhắc cô ấy chuẩn bị tinh thần khi xe qua A- T- P…
Danh thò hẳn đầu ra, giơ tay vẫy, cười nói:
- Họa sỹ đấy. Yên tâm đi! - Cô thanh niên xung phong cũng mỉm cười, vẫy tay đáp lại. Xe tiếp tục chạy, Thảo quay sang Danh hỏi:
- A- T- P là gì hả anh? Sao chị ấy lại bảo “20 phút thôi đấy”?
Danh tủm tỉm cười, rồi mới thủng thẳng bảo:
- Là cua chữ A, ngầm Ta Lê và đèo Phu La Nhích. Đường 20 Quyết thắng có tới 8 trọng điểm oanh tạc của máy bay địch, lái xe chúng tôi gọi đó là những tọa độ lửa, trong đó A- T- P cụm trọng điểm liên hoàn ác liệt nhất, xe qua đây như đi vào "cửa tử". Mỗi lần địch đánh bom thường cách nhau khoảng 15 đến 20 phút, lái xe thường tranh thủ thời gian ấy để cho xe qua trọng điểm, nếu không qua kịp coi như...
Danh chưa nói hết, bỗng có tiếng máy bay ì ì từ bên kia đèo, loáng một cái đã gầm rú ngay trên đầu. Nét mặt Danh bỗng trở nên căng thẳng, liếc nhanh sang Thảo khẽ nói:
- Xe bắt đầu vào cua chữ A, bình tĩnh nhé, có thể hôm nay chúng đánh trái quy luật.
 Thảo nhìn ra ngoài, đoạn đường như cánh tay gập ôm trọn cái vực sâu hun hút, trơ trụi toàn đất đá, vài xác xe bị bom đánh hỏng nằm chỏng chơ bên đường. Đã có một loạt đạn cày ngay bên sườn xe, Danh bảo Thảo nắm chặt tay cốp, giữ cho chắc người. Xe tăng tốc, Thảo có cảm giác như đang bay. Bỗng xe lại đột ngột khựng lại, khiến Thảo lao về trước, xuýt va đầu vào khung kính. Một loạt đạn nổ rèn rẹt cày đất ngay trước mũi xe. Bụi đất chưa tan, Danh cho xe chồm qua hố đất. Rồi cứ thế, xe lúc đột ngột đi nhanh, vọt lên, lục lại đột ngột khựng lại, ngoặt trái, ngoặt phải liên tục như làm xiếc để tránh các miệng hố bom to nhỏ đủ cỡ trên đường. Lúc này, các loại pháo của lực lượng phòng không bắn lên trời quây lấy máy bay địch. Danh liếc nhanh sang Thảo, khẽ nói:trangungts
- Yên tâm rồi, pháo mình bắn mạnh thế này là chúng không còn bình tĩnh ngắm bắn đâu em, chệch hết cho mà xem, có trúng thì cũng chỉ trúng đuôi xe...
 Chừng hơn 20 phút, xe đã vượt qua đoạn đường trống trải, chui được vào rừng, Danh đánh xe tạt vào mé đường, tắt máy ôm vô lăng thở dốc. Thảo lúc này mới biết mình đã cắn môi đến bật máu. Cả hai nhìn nhau cùng thở phào. Thoát chết! Bỗng Thảo ngả đầu vào vai Danh người như lịm đi, sau giây phút ngỡ ngàng, bối rối, Danh khe khẽ vỗ nhẹ vào bờ vai Thảo. Cứ thế lặng yên hồi lâu, Danh mới khẽ nói: Để anh xuống kiểm tra xe.
Danh mở cửa xe nhảy xuống, đi quanh xe một vòng, hàng vẫn nguyên vẹn, nhưng một mảnh bom dài chừng hơn gang tay cắm ngập vào lốp làm bánh xe bẹp dí từ lúc nào. May quá, còn bánh xe dự phòng, Danh vừa cầm túi đồ nghề xuống xe, bỗng cơn mưa rào thình lình ập đến ào ào như đổ nước. Mưa rừng Trường Sơn có khi kéo dài cả ngày, cả đêm, đất bị nhão thì không thể kích nổi xe lên để tháo bánh xe. Phải làm thật nhanh mới kịp. Danh dầm mình trong mưa kê, kích, tháo, lắp… chạy đua với cơn mưa rừng. Anh đu cả người lên chiếc tay đòn dài để thêm lực xiết ốc cho chặt. Khi con ốc cuối cùng đã xiết xong, Danh mới lấy tay vuốt nước mưa trên mặt, nhìn lên, giật mình thấy một cành cây xum xuê lá trên đầu. Thì ra Thảo đã cầm cành cây che mưa cho Danh tự lúc nào, mặc cho người mình ướt sũng. Thảo khẽ nở nụ cười nhìn Danh nhưng toàn thân lại run lên vì rét. Danh vội kéo Thảo lên xe, nổ máy cho Thảo ấm, rồi nhảy xuống thu dọn đồ nghề, tranh thủ trời mưa máy bay địch không hoạt động vượt Phu La Nhích.
Con mưa đã bớt xối xả, Danh tăng tốc để kịp đến Trạm giao liên ngã ba Lùm Bùm trước khi trời tối. Qua Cà Roòng, sắp sửa chọc sang sườn Tây bỗng nhiên xe như bị hẫng, bánh xe cứ quay tại chỗ. Sa lầy rồi! Danh mồi ga để vượt bãi lầy nhưng càng cố bùn càng nhão ra, bánh xe càng quay tròn tại chỗ tít hơn. Danh nhảy xuống xe, Thảo cũng xuống theo, cả hai tìm nhặt đá ném vão bãi lầy nhưng đúng là như muối bỏ bể, bánh xe vừa quay, đá đã chìm nghỉm đâu hết, nền đường càng bị cào sâu hơn làm xe lún, nghiêng hẳn về phía vực như sắp đổ. Sa lầy ở đường Trường Sơn quả thật đáng sợ bởi bùn ở đây là thứ bùn đặc biệt. Bom đánh đến đá thành vôi, đất thành tro, dầy hàng mét, chưa kịp gắn kết với nhau thì lại bị bom xới lên, nắng thì bụi mù, gặp mưa thì thành bùn dẻo quánh, ngập bánh xe. Giờ chỉ còn cách chờ xe nhờ kéo mới thoát được bãi lầy. Nhưng để xe giữa bãi trống thế này khác gì làm bia cho máy bay địch. Cả một xe đạn chứ ít của đâu, Danh nghĩ hồi lâu rồi mở tung cửa xe, hạ kính, lật cả nắp capo lên để máy bay địch nếu phát hiện xe ra tưởng xe hỏng, ta bỏ lại, không bắn nữa. Đợi hồi lâu không có xe nào qua, Thảo lại lên cơn sốt, Danh đành quay lại nhờ chị em thanh niên xung phong trợ giúp. Đoạn đường này do Đội Thanh niên xung phong Đề Thám phụ trách. Danh đã vào nhiều lần, trước dãy lán trại, chị em làm cái cổng chào, lấy cây rừng ghép thành chữ tên đội nhưng không có dấu, cánh lái xe láu lỉnh đọc là “Đội Thanh niên xung phong Để Thăm”. Đến nơi, chị em bảo mấy hôm rồi B52 rải thảm liên tục suốt từ đây tới ngã ba Lùm Bùm nên các xe phải đi đường tránh qua Dốc Nứa để sang đường 9. Phải đợi đến chiều, chị em sẽ điều xe sang kéo giúp. Danh đành quay ra trông xe để Thảo vào lán thanh niên xung phong nghỉ và xin thuốc uống. Đang thiu thiu bỗng Danh nghe thấy tiếng OV10, lúc sau là tiếng AD6, cả tiếng F4, rồi bom nổ như ngô rang không dứt, tàn lửa bay mù mịt phía lán thanh niên xung phong. Vừa ngớt bom, Danh chạy thục mạng về lán, đến nơi, khung cảnh thật kinh hoàng. Không thể tưởng tượng nổi mới hơn nửa tiếng trước, nơi đây còn là một dãy lán trại xinh xinh, núp dưới tán những cây cổ thụ. Im ắng quá. Chết tất cả rồi sao? Danh làm loa tay, hú gọi, hồi lâu mới có tiếng hú từ xa đáp trả, rồi chị em ùa cả về. Vì đã có kinh nghiệm nghe tiếng máy bay đoán biết địch sẽ đánh rải thảm, Đội trưởng đã cho chị em chạy nấp hết vào hang đá gần đó nên không ai bị chết, bị thương nhưng đồ đạc, vật dụng, lương thực thì cháy hết. Ba lô, tăng võng của Thảo cũng cháy sạch. Chẳng còn gì để cứu, còn sống là may rồi. Ở đây, thế này chuyện thường ngày. Mãi cũng thành quen. Đội trưởng bảo chị em:
- Chúng nó phá thì chúng mình làm lại, cứ để đấy tính sau, giờ phải ra mặt đường xem chỗ nào bị bom thì san lấp ngay cho thông xe đã, bằng giá nào cũng không để tắc mạch máu giao thông Trường Sơn…
Cuối chiều, xe Danh mới được kéo ra khỏi bãi lầy. Chắc đoàn xe của đơn vị đã đi xa, Danh dự tính phải đi cả đêm mới đuổi kịp. Đến gần ngầm Trà Ang, trời đã tối sầm, Danh bật đèn gầm, đi được một đoạn thì nghe thấy tiếng AC- 130. Chúng lại săn xe đêm rồi. Loại máy bay này có ra đa đa năng để phát hiện, theo dõi các mục tiêu di động, nhưng đáng sợ nhất là nó trang bị thiết bị hồng ngoại có khả năng phát hiện các tia lửa điện của xe ô tô đang hoạt động, kể cả khi xe đã tắt máy mà ống xả còn nóng chúng vẫn phát hiện ra được. Đi tiếp bây giờ cực kì nguy hiểm, nhất là trên xe lại có Thảo. Danh tắt đèn gầm, đi mò đến khu rừng săng lẻ, gần suối mới nghỉ để Thảo có chỗ tắm. Lúc này mới thấy đói cồn cào, phải giải quyết ngay bữa tối bằng lương khô đã. Ăn xong, Danh lấy quần áo, khăn mặt của mình đưa cho Thảo xuống suối tắm trước. Lát sau, Thảo chưa tắm đã quay về, vẻ mặt thẫn thờ, Danh gặng hỏi mãi Thảo mới nói: “Trời tối quá, em sợ”. Danh vội lên xe lấy cái đèn ắc quy soi đường dẫn Thảo trở lại suối. Ánh sáng của bóng đèn 6 vôn từ trên bờ chiếu xuống đủ thấy rõ một khoảng suối. Thảo đã hết sợ, bước xuống suối. Danh tắt đèn, ngồi đợi. Dù đã ý tứ nhẹ nhàng song tiếng khỏa nước của Thảo dưới suối vọng lên vẫn nghe rất rõ. Ai có thể ngờ giữa rừng Trường Sơn đêm nay lại có một cô gái trẻ và rất đẹp đang đằm mình giữa dòng suối. Danh bỗng thấy lòng mình nao nao, một cảm giác rất lạ chưa từng thấy từ ngày vào Trường Sơn đến giờ. Bỗng tiếng máy bay ì ì làm Danh giật mình choàng tỉnh, vội nói vọng xuống suối: “Kệ nó, em cứ bình tĩnh!”. - Vừa nói xong thì đã có tiếng rẹt qua đầu, rồi lóe lên những tia sáng như ánh lửa hàn, từ đó bung ra một chiếc dù. Chiếc đèn dù cứ lơ lửng ngay ngọn cây bên suối, phát ra một thứ ánh sáng chói chang, soi rõ mồn một đến từng viên đá trên bãi cỏ. Danh nhìn xuống suối, thấy Thảo luống cuống, vội hét lớn: “Ngồi xuống, không động đậy, nước sóng sánh là chúng phát hiện ra đấy”. - Máy bay đã sang bên kia đèo nhưng chiếc đèn dù vẫn sáng chói, dưới suối Thảo vẫn chấp hành nghiêm mệnh lệnh. Mấy phút sau, chiếc đèn dù nổ lách tách, ánh sáng lóe bừng lên rồi tắt lịm. Trời lại tối như bưng. Bỗng có tiếng Thảo kêu thất thanh dưới suối, Danh lập cập đấu dây cho đèn sáng. Ánh sáng vừa lóe lên, Thảo lại thét lớn: “Ối, anh tắt đèn đi chứ!” - Danh lại luống cuống ngắt điện, tắt đèn… Trên đường về xe, Thảo đi sát vào Danh, tim vẫn đập thình thịch, tiếng Thảo run run: “Sợ quá anh ạ, lần đầu tiên em biết thế nào là đèn dù…” -  Danh khẽ mỉm cười trong bóng đêm, thủng thẳng: “Anh thì quá quen với đèn dù rồi nhưng lần này thấy lạ…” - Thảo vặn: “Sao đã quá quen lại lạ?” - Danh vẫn thủng thẳng: “À, là quen với đèn dù, còn lạ là vì lần đầu tiên thấy có người nấp máy bay trong nước suối. Cái thằng lái máy bay này đúng là có mắt như mù, thua đứt mắt lái xe Trường Sơn...” - Thảo ngượng, đấm vào lưng Danh thùm thụp, may là trời tối nên Danh không nhìn thấy mặt Thảo đang đỏ bừng.  
Đêm ấy Danh để Thảo ngủ trên ca bin xe còn mình mắc võng nằm cạnh. Vì mệt nên Danh ngủ thiếp đi, đến lúc tiếng chim hót líu lô quanh xe mới bừng thức giấc. Thảo vẫn ngủ ngon lành. Một chú liếu điếu đậu ngay cửa xe cứ nhìn Thảo hót. Có lẽ chú chim này đã lâu chỉ nhìn thấy khói bom, lửa cháy, cây đổ, chỉ nghe tiếng gầm rú của máy bay, tiếng nổ ùng oàng, chát chúa của bom đạn nay mới được nhìn thấy một nàng tiên áo xanh, xinh đẹp, trẻ trung đang ngủ ngon lành giữa bình yên rừng già nên thích thú hót mãi. Đúng là sáng ấy yên tĩnh lạ thường, không có tiếng gầm rú của máy bay quần đảo, tiếng đinh tai, nhức óc, ghê người của bom nổ, đạn réo. Chỉ có tiếng gió vi vu, tiếng lá rừng săng lẻ rì rào, tiếng chim hót trong ngần, véo von. Danh ngước nhìn cây săng lẻ thân thẳng tắp, vừa to vừa cao tới ba, bốn mươi mét sừng sững như thách đố với thời gian và bom đạn. Những chiếc lá săng lẻ màu vàng đỏ nổi bật lên giữa bầu trời buổi sớm trong xanh. Đang mùa hoa, những chùm hoa săng lẻ gợi cho Danh nhớ tới cây bằng lăng nơi sân trường cấp III, tới chùm hoa bằng lăng tím biếc cô bạn gái ngắt tặng ngày lên đường nhập ngũ… Kỷ niệm thời học trò làm Danh da diết, bồi hồi, phải lấy tay dụi mắt cho tỉnh để đi quanh xe kiểm tra một lượt, rồi xuống suối rửa mặt. Lúc về thấy Thảo đang chăm chú vẽ, chắc Thảo vẽ rừng săng lẻ Trường Sơn buổi sớm mai. Doanh không dám lên tiếng, cứ đứng yên từ xa nhìn cho đến khi Thảo vẽ xong, cuộn bức tranh cất vào ống nứa, khuôn mặt đầy vẻ viên mãn, mới đến bảo Thảo xuống suối rửa mặt để đi sớm tránh máy bay địch.
Gần chiều xe mới tới Binh trạm 27. Theo kế hoạch, Thảo và đoàn sinh viên ở lại Binh trạm, xuống các Trạm giao liên, các Đội thanh niên xung phong, các trận địa phòng không thực tế sáng tác. Danh và đoàn xe đi tiếp vào Ngã ba Đông Dương trả hàng, lúc về sẽ đón các họa sỹ tương lai ra Binh trạm 12, Quảng Bình. Đêm ấy, Danh nghỉ lại Binh trạm 27. Bữa tối Binh trạm chiêu đãi khách bằng món đặc sản Trường Sơn, canh lá “tai voi” nấu cá suối và nộm rau môn thục. Cơm xong, mọi người tụ tập thành từng nhóm trong rừng khộp trò chuyện. Thảo hỏi Danh:
- Sao rừng ở đây lại gọi là rừng khộp hả anh? - Danh tỉnh bơ:
- À là rừng thưa, lá cây vừa dày vừa to, mùa khô cây trút hết lá, phủ đầy mặt đất, khi đi tạo nên tiếng lộp khộp nên lính ta đặt tên là rừng khộp. - Thảo lại khẽ đấm vào lưng Danh:
- Anh lại bịa để trêu em rồi.
- Nghiêm túc đấy. Em xem cái lá cây cà chít kia có giống lá bàng…
Danh chưa nói hết, Thảo bỗng reo lên:
- Kìa anh, có trăng, trăng đang lên, đẹp quá.
Đúng là trăng đang ngoi lên từ tán cây rừng khộp, ánh trăng luồn lách len lỏi qua những khe lá đổ những đốm vàng to nhỏ lỗ chỗ xuống thảm cỏ quanh những gốc cây, biến rừng khộp thành tấm thảm 2 màu nâu thẫm và vàng tươi trải rộng. Thảo nhìn đăm đăm lên vầng trăng, khẽ hỏi:
- Hôm nay mồng mấy âm anh nhỉ?
- Nhìn trăng thế kia anh đoán là mồng 6.
- Sao nhìn trăng anh biết là mồng 6?
- Vì thấy trăng thật mà.
- Thế trước đó là trăng giả à?
- Không phải trăng giả mà là lưỡi trai, lá lúa, lưỡi liềm. Còn bán nguyệt thế kia chắc chắn phải qua đêm liềm giật rồi. Em không nhớ bài đồng dao ấy à?
Thảo cười khì, rồi nói lảng:
- Trăng rừng khộp đẹp quá, em chưa thấy bao giờ. Muốn vẽ quá.
- Em vẽ đi, anh soi đèn cho. - Nói rồi Danh lên xe lấy chiếc đèn ắc quy xuống. Thảo đặt giá vẽ ngay dưới gốc cây cà chít mải mê vẽ. Trên tờ giấy trắng lần lượt hiện lên dãy lán trại, những chiếc xe ô tô phủ lá ngụy trang trông như một lùm cây, những tốp lính đứng ngồi trò chuyện, tất cả trong không gian rừng khộp chan thứ ánh sáng của vầng trăng thượng huyền từ đầu núi dọi về. Thảo nhìn bức tranh khẽ hỏi: “Còn vẽ gì nữa không anh?” - Danh bỗng hóm hỉnh: “Theo anh nên vẽ thêm cây cà chít và 2 người ngồi dưới gốc cây ...” - Thảo ngước nhìn Danh rồi đưa bút. Hình ảnh cuối cùng hiện lên trở thành điểm nhấn của bức tranh. Vẽ xong, Thảo lại hỏi: “Đặt tên tranh là gì anh nhỉ?” - Danh nghĩ, rồi bảo: Là “Đêm trăng rừng khộp, được không em?” - Thảo reo lên: “Hay quá! Ngoài kia cứ nghĩ là ở Trường Sơn chỉ có bom đạn ác liệt, nào ngờ lại có một đêm huyền diệu thế này. Em sẽ lấy bức tranh này tác phẩm tốt nghiệp…”.
Đêm ấy, Danh và Thảo ở bên nhau tới sáng trong rừng khộp bàng bạc ánh trăng. Mới chỉ hai ngày, hai đêm bên nhau nhưng đó là sự bên nhau trong không gian Trường Sơn, cùng trải qua những giờ phút ác liệt, sống và chết chỉ cách nhau gang tấc, còn có cả một buổi sáng tinh khôi, một đêm trăng huyền diệu đã khiến cho con tim của họ như cùng chung một nhịp đập. Trước khi lên đường, Danh nắm chặt tay Thảo, hẹn chậm nhất là 3 ngày sau sẽ quay lại đón Thảo ra Quảng Bình. Nhưng khi quay ra, đúng dịp B52 đánh bom rải thảm, cắt tuyến đường thành từng khúc, vừa đợi san lấp hố bom, vừa phải đi đường vòng, đường tránh, mất đúng 5 ngày mới ra đến Binh trạm 27. Vừa thấy Danh, Binh trạm trưởng Bùi đã nói ngay: Biết là các cậu bị tắc đường nên tớ đã bố trí cho Đoàn họa sỹ theo xe của Tiểu đoàn 102 ra rồi. Đi sáng qua. Có cô Thảo gửi tặng cậu cái này. - Binh trạm trưởng đưa cho Danh một cái ống nứa buộc nắp cẩn thận, Doanh vội giở ra xem, đó là một bức ký họa có nhan đề “Chiến sỹ lái xe Trường Sơn Vũ Đức Danh”. Thì ra những ngày ở Binh trạm 27, Thảo đã hồi tưởng vẽ hình ảnh Danh lúc lái xe qua cua chữ A. Cầm bức ký họa về xe, đêm ấy Danh chỉ mong trời chóng sáng để lên đường may ra có thể đuổi kịp đoàn xe chở họa sỹ, hoặc chí ít cũng kịp gặp Thảo ở Binh trạm 12. Ra đến Quảng Bình, Danh hớt hải chạy ngay lên phòng Binh trạm trưởng hỏi về đoàn họa sỹ, Binh trạm trưởng lặng đi hồi lâu rồi ngậm ngùi bảo:
- Đoàn ra Bắc sáng qua, nhưng xe bị trúng bom ở Cổng Trời, xe cháy, người thương vong gần hết. Đau xót quá, mất bao nhiêu tài năng…
- Có ai còn sống không ạ? - Danh lập cập hỏi.
- Còn 5 người nhưng đều bị thương nặng, đanh điều trị ở Bệnh xá …
Danh không nghe Binh trạm trưởng nói hết, chạy ngay sang Bệnh xá, biết được trong 5 người còn sống có Thảo, nhưng Thảo vừa bị sức ép, vừa bị thương cả 2 bàn tay khá nặng, đã cho ra Bắc điều trị song không biết có giữ được tay không. Danh buồn bã trở về Binh trạm, vừa không gặp Thảo, lại thêm việc Thảo bị thương, Danh càng ân hận, biết đâu nếu Danh ra kịp mọi việc có thể sẽ khác. Thảo còn sống là may rồi, nhưng liệu có giữ được hai bàn tay? Tất cả tác phẩm Thảo đã hoàn thành trong chuyến đi bị cháy hết, lấy gì để làm tác phẩm tốt nghiệp? Danh tìm mọi cách để hỏi thăm và liên lạc với Thảo nhưng đều không nhận được thông tin gì. Nhớ kỷ niệm chuyến đi, Danh lại mở bức tranh ra xem. Một ý nghĩ lóe lên, Thảo có thể dùng bức tranh này làm tác phẩm tốt nghiệp. Nhưng làm sao gửi ra cho Thảo? Chợt nhớ tới mảnh giấy Thảo ghi địa chỉ gia đình đưa cho Danh lúc lên xe, nó đây rồi, may quá. Danh liền viết một bức thư gửi kèm tranh. Có xe ra Bắc, Danh nhờ người lái xe ra Bưu điện Hà Nội gửi cho nhanh. Biết đâu, bức tranh không chỉ là tác phẩm báo cáo tốt nghiệp của Thảo mà còn là nhịp cầu nối hai người đến với nhau. Danh hồi hộp chờ đợi và hy vọng. Nhưng chuyến đi sau đó xe Danh bị trúng bom ở ngã ba Siêng Phan, xe bị cháy, Danh bị thương nặng, văng đi khá xa, một người dân Lào thấy anh nằm bất động đã mang về nhà mình cứu chữa. Không tìm thấy Danh, đồng đội đành báo đơn vị là Danh đã hy sinh. Hơn nửa năm sau, Danh mới tìm về được đơn vị. Rồi Danh được ra quân, trở về Yên Bái tiếp tục dạy học ở một huyện vùng cao. Cuộc sống và công việc của một thầy giáo vùng cao thời bao cấp hết sức khó khăn, thiếu thốn, vết thương cũ lại thỉnh thoảng tái phát, khiến Danh mặc cảm, lặng lẽ chôn vùi những kỷ niệm về Thảo vào quá khứ. Mãi rồi anh mới chịu xây dựng gia đình với một cô giáo dạy học cùng trường và sống bình lặng trên ngôi trường vùng cao xa xôi. Nếu tôi không phát hiện ra bức tranh trong Bảo tàng có lẽ chẳng bao giờ Danh chịu nói ra nguồn gốc của nó. Nhưng tại sao bức tranh ấy lại ở trong Bảo tàng? Thảo có nhận được và dùng nó làm tác phẩm tốt nghiệp không? Thảo hay ai đã đưa nó vào đấy? Bây giờ Thảo ở đâu, cuộc sống thế nào? Tay Thảo có khỏi để tiếp tục vẽ được không?... Không thể trách Thảo không liên lạc với Danh, làm sao Thảo có thể tìm được Danh sau bao nhiêu biến cố bất thường mà chiến tranh đã đem lại cho Danh. Mà biết đâu, Thảo vẫn tìm kiếm và chờ đợi Danh? Chiến tranh đã làm cho bao hò hẹn thành lỡ hẹn, bao dự định thành vô định, bao mơ ước mãi chỉ là mơ ước. Song dẫu sao Thảo và Danh vẫn còn có một kỷ niệm thời tuổi trẻ được lưu giữ trong Bảo tàng chiến tranh. Chỉ là bức tranh- một hiện vật chiến tranh nhưng ẩn chứa trong nó cả một câu chuyện dài về tình yêu và số phận con người. Còn bao nhiêu câu chuyện như thế và những điều bất ngờ về những con người sống chết với Trường Sơn, đã viết nên trang huyền thoại Trường Sơn mà ta chưa khám phá hết? Tôi nhất định sẽ trở lại Bảo tàng để tìm hiểu về số phận của bức tranh, biết đâu qua đó lại tìm ra được Thảo.
 
                                                                                        Yên Bái, tháng 7/ 2021
                                                                                                     N.H.L
                       
 
 
 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Quảng cáo
congnhan12345
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 5
Trong ngày: 13
Trong tuần: 458
Lượt truy cập: 386667

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN TÁC GIẢ! CON CÁ TO QUÁ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ GIỚI THIỆU!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH, NHÀ VĂN CẦM SƠN! RẤT NHIỀU BỨC ẢNH CỦA NGÀY HÔM ĐÓ ĐÃ CÙNG VỚI BÀI NÓI CỦA TÔI LÀM NÊN KHÔNG KHÍ TƯƠI VUI, HÀO HỨNG CỦA BUỔI RA MẮT SÁCH! CHÚC MỪNG NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CHÚC MỪNG TS NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC VỚI TẬP THƠ ĐỘC ĐÁO, IN ĐẸP!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÁI PHỤC BÀ MÂY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Thuộc loại "chuyện bây giờ mới kể" đây! Cám ơn tác giả! Mượn lời bà SUỐI để nói về bà MÂY: "Bái phục bà MÂY" ! Haiza!

 
Xem toàn bộ
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0964 131 807
Email: soncam52@gmail.com
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công nhân.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông Chi hội Nhà văn Công nhân.