Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

BẦU TRỜI THI CA XÔ VIẾT

Đỗ Ngọc Yên
 
NGÔI SAO SÁNG TRÊN BẦU TRỜI THI CA XÔ- VIẾT
olga1
 
   Sau gần một trăm năm, những người yêu thích thơ Nga trên toàn thế giới cũng như bạn đọc Việt Nam lại được thấy một Ôn- ga (Olga) trong một hình hài khác cả về tình cảm, tài năng thi ca và những hệ lụy của cuộc đời đối với nữ thi sĩ tài hoa này qua bản dịch mới về thơ và lời bình của dịch giả Thụy Anh. Đúng như Olga đã từng có một câu thơ bất hủ: “Không ai bị lãng quên và không điều gì bị quên lãng”. Cuộc đời và sự nghiệp thi ca của nữ thi sĩ Nga tài hoa và cũng đầy ngang trái này đã từng là cầu nối cho bao mối tình lứa đôi tuổi học trò và là đề tài cho nhiều luận văn tốt nghiệp đại học, luận án thạc sĩ và tiến sĩ của người Việt Nam và bạn bè yêu thích thơ và cuộc đời bà trên toàn thế giới.

   Lần này, dịch giả, tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh đã cho chúng ta thấy một vẻ đẹp Nga khác, tự tin, đầy bản lĩnh, ngoan cường và có lúc không kém phần quyết liệt qua thi phẩm và những tài liệu ghi chép của Olga, trong đó có cuốn “Nhật ký cấm” mà trước đây chưa có điều kiện công bố. Để có được bản dịch thơ của Olga, một “người lắm tài nhiều tật” này, dịch giả Thụy Anh dù muốn hay không cũng phải vượt qua nhiều áp lực khác nhau.

  Thứ nhất là phải vượt qua cái bóng gạo cội của những cây đa, cây đề trong làng thơ Việt Nam như Xuân Diệu, Bằng Việt, Thúy Toàn, Ngân Xuyên,… những dịch giả văn học Nga nổi tiếng và là những người có công đầu đưa tên tuổi Ôn - ga đến với bạn đọc Việt Nam cách đây hàng nửa thế kỷ.
   Thứ hai là phải yêu quí và ngưỡng mộ văn hóa nói chung và thi ca Nga nói riêng đến mức không thể không làm một cái gì đó dù rất nhỏ nhoi để góp phần làm cho độc giả Việt Nam hiểu hơn và yêu hơn nền văn hóa và thi ca Nga vĩ đại.

   Để vượt qua được hai áp lực trên, dịch giả, tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh buộc phải vượt qua nhiều trở ngại khó khăn, vất vả để sưu tầm tài liệu, đọc và nghiền ngẫm hàng nghìn trang mới có thể thấu hiểu một phần nào đấy về cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ vĩ đại này. Trong một chừng mực nhất định, có thể coi dịch giả Thụy Anh như một người đồng sáng tạo trong các thi phẩm cùng với Ôn - ga.

   Nhưng một trong những đóng góp của dịch giả Thụy Anh lần này cần phải kể đến và ghi nhận là trong bài Ôn - ga Béc - gôn (Olga Berggoltz), “những nhầm lẫn đã trở thành huyền thoại”, chị đã giải thích rõ về một chuyện nhầm lẫn thú vị như sau: Một nhân vật độc đáo và bí ẩn nữa mà thiết nghĩ rất nên nhắc tới khi cùng bạn đọc Việt Nam đến với Ôn - ga, là một người - hay đúng hơn một nhà thơ - có họ Béc - xô - nốp (Bessonov). Người này xuất hiện cùng với một bài thơ đã gây nên những hoài nghi về nguồn gốc của nó, bài “Chuyện mười năm trước”:
“Chỉ có một lần thôi,
Em hỏi anh im lặng,
Thế mà em hờn giận,
Để chúng mình xa nhau”…
được chép trong những cuốn sổ thơ, được phát hành trên nhiều diễn đàn mạng tiếng Việt và tiếng Nga, tiếng Anh, người ta thường ghi chú rằng đó là thi phẩm của Béc - xô - nốp, người yêu Olga! Nhưng thông tin này có cơ sở để bác bỏ, vì trong tất cả các ghi chép, hồi ký của Ôn - ga và những người cùng thời với bà, chưa ai nhắc đến nhân vật kỳ lạ này.

  Sinh thời, Olga có ba cuộc hôn nhân, đều là kết quả của những mối tình say đắm, sôi nổi: Bô- rít Kô- ni- lốp (Boris Kornilov), Ni- cô- lai Môn- cha- nốp (Nikolai Molchanov) và Giê óc gi Ma- kô- gô- nen- kô (Georgi Makogonenko). Cái họ Béc- xô- nốp vô tình được đưa vào tiểu sử của Olga rất có thể do một sự  nhầm lẫn nào đó từ phía người Việt. Có lần tôi đã nhờ một vài nhà văn Nga quen biết tìm hiểu hộ. Nhưng khi nghe câu chuyện này, họ rất ngạc nhiên và cảm động, cho rằng đây là một sự kiện hi hữu: nhà thơ nữ của họ đã có thêm một mối tình nữa, mối tình do những người yêu quý Ôn - ga ở Việt Nam thêu dệt nên!

  Những rắc rối đáng yêu nói trên xung quanh nhân vật Ôn - ga lại cho tôi cảm tưởng sâu sắc rằng, Olga đã trở thành nữ sĩ của… Việt Nam! Tình cảm của bạn đọc Việt đối với bà có phần hơi khác so với những tình cảm mà họ vẫn dành cho một số nhà thơ nữ người Nga quen thuộc khác.
Bà từng viết về người chồng thứ ba và cũng là người chồng cuối cùng của mình là Georgi Makogonenko:
“Anh đã nhận lấy người đàn bà u sầu, không mềm dịu
Người có ý nghĩ tối tăm, cơn mê dại nặng nề
Có nỗi niềm góa bụa không xóa được đau tê
Có nghiêm túc một tình yêu chưa từng qua đi hết
Nhận lấy về mình không mưu cầu niềm hoan hỉ
Miễn cưỡng nhưng vì yêu anh đã nhận về”...
(Bội bạc- 1946)

  Phải chân thành, say đắm và có bản lĩnh lắm mới viết được những vần thơ như thế. Hay vì trong hoàn cảnh của Ôn - ga không còn con đường lựa chọn nào khác ngoài việc nói lên tất cả sự thật của lòng mình. Cái hoàn cảnh mà chính bà cũng tự cảm thấy mình là một “cây ngải đắng”: “Ngải đắng ơi, hoa ngải đắng tình tôi”...

  Nỗi cay đắng của Olga không chỉ là phải bước qua ba lần đò, mà ngay cả ba đứa con gái yêu quí nhất của bà cũng lần lượt từ giã thế giới này khi còn thơ bé, trong đó có hai bị chết vì bạo bệnh và đói, còn một chết từ trong bào thai khi bà đang ở trong nhà tù. Olga là một người vợ ba lần mất chồng, một người mẹ ba lần mất con, thử hỏi còn gì cay đắng hơn. Dù cay đắng vậy nhưng Olga vẫn tin vào sự nhiệm màu của tình yêu và hạnh phúc gia đình, tình yêu quê hương, đất nước, vì chính nó đã đem lại cho bà sức mạnh. Nhưng tình yêu và hạnh phúc gia đình đối với Olga càng đắm say, quay cuồng như điên dại bao nhiêu, càng khiến bà bất hạnh và luôn tự mâu thuẫn với mình bấy nhiêu. Có thể, nó như là bóng ma cuộc đời, luôn ám ảnh tâm hồn nhạy cảm của một cô gái Nga như Olga, khi cô bỏ chạy thì nó đuổi theo, còn khi cô đuổi theo thì nó lại bỏ chạy và kết cục nó vĩnh viễn tuột khỏi tầm tay với của bà.
olga2
  Nhưng Olga không chỉ biết yêu chồng thương con, mà còn rất mực yêu Tổ quốc và nhân dân Nga vĩ đại: 
“Không, Tổ quốc ơi, dù ký ức đau thương chưa bao giờ dịu vợi
Dù đã chết đi hay oan trái tù đày
Theo tiếng gọi của Người tôi vẫn đội mồ đứng dậy...
Ôi Tổ quốc đẹp xinh trong tâm tưởng...
Giờ đã điểm
Giờ khắc này còn có nghĩa gì sao
Chỉ có tôi và Người hiểu hết
Tôi yêu Người- Không thể khác hơn, tôi biết
Tôi và Người vẫn là một như xưa”.
(Với Tổ quốc 6 - 1941).

  Vậy mà, một người yêu Tổ quốc đến tận đáy lòng như Olga, trước đó khoảng cuối 1938 đến 7-1939 đã bị đi tù vì tội phản bội Tổ quốc. Sự trớ trêu của lịch sử là cây ngải đắng thứ ba đè nặng lên tâm hồn vốn rất ngạy cảm của người nữ thi sĩ Nga này, nhiều khi tưởng chừng như vượt quá sức chịu đựng đối với bà.

  Thật ít ai trên thế gian này chân thành, say đắm, nồng nàn và tinh tế trong tình yêu như Olga, nhưng cũng sẽ không có ai mà số phận đối xử không công bằng, khoác lên tâm hồn mảnh mai, yếu đuối và nên thơ của bà cùng một lúc ba cây ngải đắng. Chỉ ngần ấy thôi cũng đủ làm nên những giá trị thi ca bất hủ và đưa Ôn - ga đứng ở vị trí số một của nền thi ca Xô - Viết. Dịch giả Thụy Anh đã có lý khi chị lấy tên tiêu đề chuyên luận “Cây ngải đắng của nền thi ca Xô- Viết” trong cuốn sách Ôn- ga Béc- gôn của tôi xuất bản nhân kỷ niệm 100 năm sinh của nữ sĩ Nga vĩ đại này./.  

                                                                                                Đ.N.Y   
 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Quảng cáo
congnhan12345
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 5
Trong ngày: 126
Trong tuần: 847
Lượt truy cập: 378614

VŨ NHO 085 589 0003

CHÚC MỪNG TS NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC VỚI TẬP THƠ ĐỘC ĐÁO, IN ĐẸP!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÁI PHỤC BÀ MÂY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Thuộc loại "chuyện bây giờ mới kể" đây! Cám ơn tác giả! Mượn lời bà SUỐI để nói về bà MÂY: "Bái phục bà MÂY" ! Haiza!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN VÀ BAN BIÊN TẬP ĐÃ ĐĂNG BÀI VIẾT NHÂN DỊP NHÀ THƠ NGUYỄN HUY HOÀNG RA MẮT TUYỂN THƠ VÀ TRUYỆN KÍ TẠI HỘI TRƯỜNG HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM!

 

Cầm Sơn - 0913269931

Cũng cần cảm thông với ông Troussier. Nếu nói về thành tích trong quá khứ, ông Park Hang Seo không thể sánh với ông Troussier được. -Trong sự nghiệp huấn luyện đồ sộ của mình, giai đoạn thành công nhấ...

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN! ÔNG HLV NGƯỜI PHÁP CHƯA BAO GIỜ THÀNH CÔNG "VANG DỘI"! CÓ ĐIỀU NÀY ĐÚNG: CHẢ NÊN TRÁCH ÔNG TA NHIỀU! TRÁCH LÀ VFF QUÁ TIN ÔNG TA, KẺ CAO NGẠO, BẤT TÀI! VẬY THÔI!

 
Xem toàn bộ
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0964 131 807
Email: soncam52@gmail.com
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công nhân.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông Chi hội Nhà văn Công nhân.