Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

ÁNH ĐÈN LÒ (C7)

Vũ Thảo Ngọc

ÁNH ĐÈN LÒ

   Ước mơ giản dị của Đáo là được ăn no, được mặc ấm, được thoải mái ra đồng theo mẹ với chiếc cuốc con con để cuốc những hang rắn, hang chuột. Những “chiến lợi phẩm” đó tôi và lũ mục đồng sẽ “làm tiệc” luôn ngay chân rạ của cánh đồng vừa thu hoạch. Những ngọn khói bay lên. Những đốm lửa lép bép từ gốc lăn chưa kịp khô hay của một nắm rạ còn tươi nguyên. Nhưng nhờ gió đồng cuối đông hun hút nên ngọn lửa bốc cháy nhanh hơn bao giờ. Và những “chiến lợi phẩm” của bọn trẻ trâu thơm lừng sau màn hun lửa và đất ấy. Thịt những con chuột đồng, kể cả những con cá còn sót lại ở mấy vũng ruộng trũng cũng không thoát khỏi con mắt cú vọ của đám trẻ cũng bị ném vào ngọn lửa kia. Cả lũ reo hò vui sướng. Những miếng thịt của chiến lợi phẩm đồng quê ngon, thơm đến thế là cùng. Ui chao, mỗi lần nhắc nhớ lại là một lần trong lòng trào dâng nỗi nhớ quê. Nhớ cả mùi quả thông cháy mỗi khi thả trâu trong những chiều đông tê buốt. Nhớ những con cá chết cóng dưới bùn. Nhớ cây đa làng trụi lủi vì đã trút hết lá để trơ những cành khẳng khiu giữa đồng làng nhìn đến nhói lòng. Chả bù cho khi mùa hè đến, những tán lá rợp xanh đã như cái ô khổng lồ che nắng, thậm chí che cả mưa cho những bà con dân làng và làng bên trú ngụ. Cây đa ấy giữa đồng ấy đã già lắm, nó xù xì gốc đã đành, nhưng nó cũng xù xì cả những chùm rễ già thả xuống như những cánh tay khổng lồ bám vào đất. Con đường làng hun hút nốt chân trâu, cánh đồng làng trải dài hút tầm mắt. Những con ngõ lầy lội, những ngôi nhà gianh thấp tè, những vuông sân đất hay nền nhà đất phẳng phiu cho lũ trẻ và cả người lớn có thể ngả lưng một lát lúc trưa hè để  rồi tiếp tục buổi chiều cấy, gặt.
Nằm ở nền nhà đất nện mát rượi ấy, có lần Đáo ngước nhìn lên cái mái gianh cũ thâm xì màu thời gian, nhìn mấy khe hở của mái rạ bị xô lệch do chuột móc, mèo cào vì  chưa kịp “dọi” lại thấy lòng cứ ngân lên một giấc mơ, bao giờ khôn lớn, mình đi cuốc được nhiều chuột, nhiều rắn,bán đi kiếm tiền mua gạch về xây nhà cho bố mẹ. Và việc đầu tiên sẽ gì nhỉ, đúng rồi, sẽ làm nền gach Bát Tràng tím đỏ như nền nhà cụ Chánh Diên xóm trên. Cả nhà sẽ không sợ phải nằm trên những cái nền đất nện lạnh lẽo quá này nữa. Vì mẹ bảo, nằm nhiều sẽ sinh bệnh...thấp khớp, Đáo không hiểu, nhưng có vẻ nỗi lo lắng đó là có thật. Vì thế, ở nông thôn, ai cũng ước có cái nhà gạch cho đàng hoàng,  cái khát vọng ngàn năm đó đã hun đúc, đã neo bám trong hệ ý thức của bao đời rồi, điều đó đâu có gì lạ. Mà khổ nỗi, nhà nào cũng đông con, cái ước mơ có nhà gạch chỉ vẫn là mơ hão. Chỉ có ước mơ cơm no, mặc ấm là hiện thực mà thôi. Nếu được mùa, không phong đăng hỏa cốc mấy năm liền thì còn có cơ may áo ấm, cơm no, chứ mà thiên tai giáng xuống liên miên thì chỉ có no tháng mười cười tháng giêng mà thôi. Vì mất mùa tháng mười, gạo đâu đủ ăn đến tháng giêng nên các cụ  nói lái đi cho vợi bớt nỗi lo lắng ngày giáp hạt tháng ba, ngày tám đến nơi rồi.
Cái đận tháng ba là đói dài nhất, ngày nào anh em Đáo cũng đi cuốc rau má trên vệ cỏ dọc con máng của huyện dẫn nước qua làng. Cả làng cùng đi cuốc thì rau má nào mọc kịp và, đương nhiên những bờ đê, rệ cỏ cũng trụi lủi vì lũ trẻ cả làng đi kiếm rau má về độn cơm. Những cậng rau má cằn cỗi hay bé xíu vừa nhô lên khỏi mặt đất là đã bị bọn trẻ  lóc ngay lập tức. Rồi những bữa phải ăn độn sắn, mà sắn thì  hợp tác xã đi lên đâu mãi vùng Bắc Thái để mua về chống đói cho làng. Đường xa nên sắn về đến làng thì chảy nhựa hết, ăn vừa sượng, vừa đắng, có đứa vì đói quá, thấy sắn là thèm nốc vào cấp tập mấy khúc nên bị “say sắn” nôn mửa đến phát hãi.
Ký ức đói cứ nhôn nhao trong dạ khắp làng trên xóm dưới, đó là nỗi lo, nỗi ám ảnh triền miên của dân làng. Vì thế, cái ước mơ ăn no, mặc ấm,ước mơ cái nhà gạch luôn luôn là mong mỏi vô cùng lớn lao của mỗi cá thể trong ngôi làng chỉ thấy những mái nhà gianh sậm màu thời gian ấy. Trong làng  chỉ còn hiển hiển hiện mỗi ngôi nhà gạch to lù lù đầu làng của lão Chánh Diên là trơ gan cùng tuế nguyệt. Sau đận năm năm tư, cả nhà lão đã ra Phòng xuống tàu vào Nam nên bây giờ căn nhà như là nơi tụ tập của bọn chim sẻ  cả vùng đến tụ tập làm tổ và chíu chít suốt ngày. Có vài người con cháu của nhà ấy ở Hà Nội thi thoảng qua lại, nhưng rồi chiến tranh phá họai, rồi do khó khăn gạo châu củi quế, họ cũng ít về. Vì thế, cái nhà đó được coi là vô chủ, ban đầu là hợp tác xã trưng dụng làm nhà kho chứa thóc của hợp tác, sau huyện trưng dụng làm kho trữ thóc của huyện. Sau nữa người ta chuyển thóc đi và thành kho chứa phân lân, phân ka li...anhminhhoa
    Rồi khi hợp tác giải tán, công cuộc hợp tác hóa chuyển sang công cuộc khoán sản thì cái nhà gạch của Chánh Diên hay nhà kho thóc, kho phân của hợp tác cũng bị bỏ qua. Ngôi nhà ngay đầu ngõ nhà Đáo to lù lù, nên ngày nào đi học qua thấy cũng thấy nó như nín nặng để bọn chim ri, chim sẻ, lũ dơi không có chỗ làm tổ đã kéo về. Thú vị nhất là bọn chuột đã nhanh chóng kéo nhau về trú trong đó để tha hồ kiếm ăn từ nguồn thóc của kho. Chỉ đến khi thành kho phân thì nó mới không còn phải đi kiếm ăn xa, nhưng nó vẫn trú ngụ ở đó để ở để sinh đàn đàn lũ lũ. Bọn Đáo đã nhiều lần rình và hun bọn chuột trong kho thóc ấy về làm những bữa chuột nướng trứ danh, ăn rồi nhớ đời luôn. Những con chuột béo núc ních chỉ ăn thóc trữ trong kho, loại thóc được sàng sẩy cẩn thận để mấy năm cũng được nên thịt chuột cũng thơm ngậy chưa từng thấy. Thú vị nhất có lần trong những đường ống cống của kho thóc- khi trưng dụng làm kho thóc, ngôi nhà gạch của Chánh Diên đã được người ta cải tạo đúng yêu cầu của một kho trữ thóc - nên cái nền nhà cao thế được hạ xuống, họ xây những đường cống ngang nhà thông từ bên này sang bên kia, mục đích để chống ẩm cho kho thóc. Những cái cống chống ẩm đó chính là hang ổ yên ổ kiên cố  của bọn chuột. Vì thế, bọn Đáo đã nhiều phen hùa nhau thử chui vào để tìm bọn chuột xem chúng bị hun hói mù trời thế mà vẫn trú ngụ được. Nhưng cái ống cống chỉ có thể cho đứa còi còi mới chui vào được. Có lần cả bọn đã thách thằng Ninh còi, bảo nó, nếu chui được qua bên kia ống cống, chúng tao sẽ đãi mày một chầu kem ăn thỏa thích. Thằng Ninh còi nhận lời không một nửa câu mặc cả. Còn lũ trẻ cùng xóm thì khoái chí, cái thằng Ninh còi ngốc này, còn lâu mới ăn tiệc kem của chúng ta nhé. Cái cống bé và thấp thế, chỉ có lũ chuột mới chui qua lại được thôi. Cả bọn còn đang chồm hổm dòm cái lỗ cống bên này thì thoắt cái thằng Ninh còi đã sang phía hông nhà bên kia và nó chui lẹ làng qua cửa nơi cả bọn đứng bàn tán sung sướng vì lừa được thằng Ninh. Và cả bọn đã sửng sốt vì thằng Ninh đã hiện ra ngay cái vòm cống thấp tịn đó. Nó chưa thò ra vội mà còn nhe hai cái răng sún ra cười khoái chí! Cả bọn trẻ từ sửng sốt đến bái phục, sau thì vì Đáo là tên cầm đầu nên đã nhanh chóng lôi tuột cả bọn đi phố huyện và chiêu đãi thằng Ninh còi bữa kem nhưng chỉ được....ba cái, vì trong túi của mấy đứa gom lại cũng chỉ đủ mua ba chiếc kem! Đứa nào trong bọn nhìn thằng Ninh còi nếm nếm, mút mút chiếc kem thì cũng thèm lắm, nhưng làm ngơ quay đi. Nhưng thằng Ninh còi lại rất chi là thảo, nó chỉ liếm liếm đầu que kem một tí rồi quay qua gọi Đáo:
- Anh Đáo ơi - nó có họ xa đằng nội tộc với nhà Đáo, nhà nó là bề dưới nên nó phải gọi Đáo bằng anh dù nó và Đáo bằng tuổi nhau- Em ăn một mình ngượng thế nào, bây giờ cả bọn có năm anh em, em ăn một cái, còn hai cái  kia, anh và thằng Bảo một cái, thằng Nậm và thằng Bắc một cái cho vui anh nhé.
 Đáo ngần ngừ không đến một giây thì gật đầu đồng ý. Cả bọn vừa đi bộ về làng vừa chia nhau chấm mút ba que kem. Tuổi thơ của Đáo có lẽ nhớ nhất những tiệc chuột đồng hun và ba chiếc kem như một bữa tiệc thịnh soạn không bao giờ lặp lại.
  Lại nói về ước mơ về ngôi nhà gạch, ai từng ở nông thôn thì bao giờ nhà gạch chả thích hơn nhà gianh. Ấy thế mà cái ước mơ giản dị đó, mấy chục năm sau Đáo mới thực hiện được, nhưng không phải là đi cuốc rắn, cuốc chuột, mà từ một nghề cũng gắn với cái cuốc, gắn với “ruộng” nhưng là ở một mỏ than.  Ôi chao, nhớ làm sao những mùa đông dài lạnh ngăn ngắt. Những mùa hè đổ lửa cho lũ cua phải ngoi lên bậu vào ngọn lúa, cho lũ cá phải chết vì nắng nổi lập lờ gốc lúa. Ôi, những ký ức thơ ngây nơi đồng quê không bao giờ rời khỏi ký ức của anh chàng Đáo ham chơi hơn ham làm kia.  Gã nhà quê mười bảy tuổi với ước mơ giản dị mong sao sẽ có ngày xây cho bố mẹ cái nhà gạch có thể lát nền sân, nền nhà của nhà mình bằng gạch Bát Tràng màu tím đỏ. Mơ ước đó cứ hun đúc thằng bé  Đáo - một chàng trai nông thôn non nớt. Ngày ấy, gã làm quen với cái cuốc ruộng từ thuở bé tý theo mẹ ra đồng. Ở nông thôn thì việc thằng bé chín, mười tuổi vác cuốc ra đồng là bình thường. Cái cuốc có thể cuốc được hang rắn, hang chuột, những thứ kiếm được có thể làm ngay một bữa tiệc trên cánh đồng vừa thu hoạch còn ngổn ngang gốc rạ. Cái cuốc mẹ gã sắm cho gã cũng nhỏ hơn cái cuốc của người lớn, vì cái cuốc của người lớn chỉ để cuốc đất, chứ cái cuốc của thằng bé chín mười như gã chỉ có thể cuốc hang chuột, hang rắn, mục đích là cho gã chơi nhông trên đồng để mẹ cuốc cho xong đám ruộng của nhà. Như một thứ “dỗ trẻ” mà thôi. Nhưng gã khoái chí vô cùng. Đến nỗi lúc nào gã cũng mê mẩn được theo mẹ ra đồng để được thoả  thích tìm hang rắn, ổ chuột mà kiếm những bữa tiệc hun khói ngay trên đồng. Mới đó, gã đã thành gã hợ lò tráng niên, đã có một gia đình yên ấm ở vùng mỏ. Không ai nghĩ đời Đáo lại gắn bó được một công việc nặng nhọc dài hơi với vùng đất mỏ này đến thế. Có chăng là ông trời đã run rủi cho Đáo một miền đất để mà lập thân, lập nghiệp, dù công việc ấy có khó khăn cực nhọc đến thế nào. Nhiều lúc thảnh thơi ngồi ngắm đôi bàn tay đầy những vết chàm cứa, lòng Đáo không khỏi những bâng khuâng. Nhớ lần cả bọn chũm chọe đi moi những củ khoai vừa no sữa mẹ vứt tung tóe cả cánh ruộng nhà bà cụ Tư. Khi cả bọn biết vừa bị phát hiện thì tán loạn bỏ chạy cả, riêng Đáo bị bà túm được. Không phải vì Đáo ko biết bà Tư sẽ tru tréo, sẽ bắt phạt, mà tính lì bản chất đã níu chân cậu giữa ruộng để bà Tư túm gọn. Bà tra hỏi:
-Mày con cái nhà ai mà dám rủ cả bọn chũm chọe về phá nát ruộng khoai nhà tao. To gan, to gan quá cơ. Nào nhà mày ở đâu, nhà mày ở đâu, tao đưa mày về để bố mẹ mày ra mà đền cả ruộng khoai vừa no sữa của tao. Nào, đi, đi nhanh….
Đáo không cãi câu nào, tay bà Tư túm tay đáo,kéo cậu lệch xệch về hướng nhà Đáo. Đến cửa nhà Đáo, bà tru tréo lên một thôi dài:
-Nào, ông Đục, bà Đục đâu, ông bà sang mà xem con, dạy dỗ con xem thế nào đi chứ, con cái gì mà ngỗ ngược không còn ra thể thống gì nữa. Ra mà bắt đền ruộng khoai nhà tôi bị thằng Đáo dẫn cả cái bọn chũm chọe trong xóm ra moi hết củ non, củ già, củ vừa nứt măt lên luống đây này, ối giời ơi là giời, ba tháng mới được thu hoạch, giờ thì tôi mất toi sào khoai thế à, ông bà bỏ tiền ra đền cũng không bõ… ối giời ơi là giời.
Đáo thấy mẹ quá lo lắng, nét mặt cau có như thể không có lời nào tả được. Đáo trơ gan đứng đó, để bà Tư nói hết, mẹ Đáo mới nhẹ nhàng tha thiết:
-Con dại cái mang,thôi thì nó đáng bao nhiêu phải đền nhà cháu cũng xin đền luôn ạ, Khổ thân bà mất hết ruộng khoai, mà sao nó lại nghịch đến thế là cùng, mẹ thua con đấy Đáo ạ, nhà mình có thiếu thốn thì con cũng đã bị mẹ bỏ đói đâu cơ chứ, nghịch gì không nghịch mà nghịch dại đến thế là cùng. Bà  cho nhà cháu xin đền ruộng khoai nhà bà, bà tha cho cháu bà nhé.
Rồi mẹ nghiêm mặt:
-Con khoanh tay xin lỗi bà Tư mau.
Đáo cúi mặt lí nhí làm theo lệnh mẹ.
Nhưng bà Tư bất ngờ lên tiếng, bà vừa nói vừa hất tung cái nón lên vừa nói vừa quạt, những sợi tóc vương trên trán bà khẽ đung đưa. Bà bảo:
-Là tôi nói thế thôi, chứ con nhà bà ai lại dại thế cơ chứ, hàng xóm láng giềng gọi nhắc nhở thôi. Cả cái lũ chũm chọe nó đi lâu rồi còn trơ thằng tử tiệt này đứng lại tôi mới tóm được. Tôi lôi cổ nó về đây là cho bà biết thế để mà dần nó một trận cho chừa thói ngu ngốc thôi, hàng xóm láng giềng bắt vạ nhau gì đâu
-Vâng, vâng, thế thì nhà cháu cảm ơn bà quá,mong bà bỏ qua, lát em sẽ cho nó một trận cho biết thân, đồ quỷ sứ đi vào.
Đáo cun cút đi vào thì hai bà còn râm ran một hồi mới giải tán. Sau này khi có cháu nội, mẹ Đáo mỗi khi nâng niu thằng cu con nhà Đáo bao giờ cũng trêu nó mày lớn lên đừng có nghịch như thằng bố mày hồi bé đấy nhé, thế là cả nhà cùng cười.
    Có lẽ cái tính lì, cái  bản tính gan góc từ nhỏ đã hình thành nên một tên thợ lò gan cóc tía sau này của Đáo. Nhiều khi vào gặp phay, vỉa khó, anh em còn lựa, còn đun đẩy nhau, nhưng Đáo thì không cần nghĩ ngợi nhiều, có nghĩ chỉ là nghĩ cách làm sao cuốc được bọn vỉa phay xít đó như thế nào cho nó nhanh mà thôi. Và lần nào thì những vỉa đó cũng bị Đáo và cánh thợ cho đi một cách dễ dàng để không cản trở con đường đang đi của tổ thợ.
 Trong lò sâu, đa phần cánh thợ đối mặt là những tầng than nục nạc, nhưng đôi khi vẫn gặp những vỉa than có kẹp vỉa đá hay còn gọi than kẹp xít. Những vỉa này không cho ra sản phẩm than đẹp nục nạc, nhưng làm khó cho những người phải đối mặt với nó để có chỗ đi vào khai thác những dòng than đẹp đang nằm sâu trong lòng đất.
Bởi vì không phải chi cúi đầu vào cuốc mà ra than ngay, mà trong những gương tầng ấy có nhiều vỉa than kẹp xít, bóc được đám xít ra cũng là một điều cực nhọc đến thế nào. Dù có những chiếc ống thông gió to đùng thổi sâu vào trong lò khí sạch để duy trì hoạt động trong lò, nhưng áo của thợ cuốc lò lúc nào cũng ướt sũng mồ hôi. Những chiếc áo có thể vắt ra cả vài lít nước trong một ca lao động.
    Ăn bữa trưa tranh thủ cũng chỉ có cái miệng và bàn tay rửa vội cho đỡ ăn phải vào bụi than. Ăn miễn là cho lo cái bụng để đủ sức vào ca mà thôi. Sức lực thợ lò làm việc như vậy nên những chiếc bánh theo từng thời gian năm tháng, lúc khó khăn về nguyên liệu, người ta làm những chiếc bánh có tên “nắp hầm” vì nó giống cái nắp hầm dày bịch, ăn ngòn ngọt, rồi bánh nướng, sau gần đây là bánh mì đặc ruột… Nói chung phải chắc dạ cho cánh thợ làm việc trong lò. Vì thế khi được nghỉ ngơi thảnh thơi là cả cánh thợ đều có thể hoan hỉ với nhau những bữa ăn dân dã nhưng vô cùng thoải mái. Về khoản uống rượu thì cánh thợ lò uống rượu hăng  chưa cánh thợ nào uống được. Có vụ thách đố uống rượu bằng thành tích cuốc than, nghe mà cười ra nước mắt. Chuyện thế này, thằng Tùng nhà ở khu tập thể đồi Sim thách thằng Chiến nhà trong xóm Khe Đá Mài nếu đứa nào uống hết chai bảy lăm trước thì đứa thua phải trả đứa thắng một…ca đào lò! Thế nhưng cuối cùng thì, hai chai rượu bảy lăm “cuốc lủi” nặng đến bốn mươi độ hết veo thì cả hai thằng cùng lăn ra ngủ gáy như bò rống, ai lay cũng không dậy nổi! Sau đó thì cả tổ thợ đều  gọi thằng Tùng và thằng Chiến với biệt danh thằng bảy lăm hay thằng bò rống, vui đáo để.
Nhưng vì rượu có gã thợ lò cũng đã tự hủy hoại đời mình. Đó là thợ lò tên Thống, người thì còi cọc, cuốc lò thì cũng thuộc diện vô địch, nhưng uống rượu thì cũng vô định của mỏ Làng Bang luông.  Lần nào gã cũng uống chết thôi. Uống đến mức không đứng dậy để về được nữa mới chịu. Thống không ham hố, đam mê gì ngoài đam mê rượu. Căn phòng tập thể có mấy tay cùng tổ thợ đã đi lấy vợ ra ở riêng hết, chỉ còn lại mỗi gã nên gã tích đủ loại chai lọ để ngâm rượu. Mà gã ngâm rượu cũng lạ. Lọ thì một mớ dễ cây sim, lọ thì quả sim, lọ thì con sâu từ ruột cây bông ỏng trên núi, mỗi khi rảnh rỗi gã lên núi kiếm được cả đống bông ỏng về, gã tỉ mẩn moi bọn sâu nằm trong thân cây bông ỏng ra rồi hớn hở đưa vào ngâm rượu.. Rồi lọ ngâm với con hải sâm mà có lần gã ra bờ biển kiếm được, lọ thì mấy con ốc sên to đùng, nhìn đã phát hãi.... Gã có ai đến căn phòng đầy mùi ẩm mốc ấy thì gã được thể huyên thuyên cả ngày về các loại rượu sâu bọ và rễ cây của gã. Gã đặt tên cho rượu rễ cây sim là Rượu Công chúa, rượu ngâm quả cây sim gọi là Rượu Hoàng tử, rượu ngâm với con ốc sên gã gọi Rượu Quân vương...đại loại, tiền lương của gã đủ để mua các loại lọ to nhỏ, chum vại cao thấp, đặt tiền bà Hạng béo hàng xóm thửa rượu cho gã riêng. Đại loại, ngoài đường lò sâu hun hút, gã chỉ có mỗi đam mê rượu của gã. Ở mỏ Làng Bang đã thành quen nên gọi luôn gã biệt danh Thống rượu. Gã cười hề hề, tỉnh táo, không phải giọng của hơi men nói với mọi người:
-Đời tớ chỉ tươi khi ở cạnh các chai rượu. Cuộc đời nhạt thếch khi không có rượu. Các bố cứ kể lể này nọ chứ tớ, mỗi rượu là ok nhất, vậy thôi. Hề hề hề...
Tuy là gã mê rượu, nhưng khi đi làm gã lại rất cẩn thận, chỉn chu, đã đi làm là tinh tươm, quần áo chỉnh tề, đàng hoàng đi làm. Gã bảo, vào lò như đi vào chốn thiêng ấy, nên phải kiêng cả rượu và...đàn bà. Ai đó nói, gã có đếch đàn bà bà mà dám khoe. Gã cười, phô hàm răng bị gãy một cái vì một lần leo núi tìm cây bông ỏng ngã lăn queo và vào tảng đá nên mất đứt nửa cái răng. Gã bảo, đứa nói có nhiều đàn bà chưa chắc đã có, mà đứa không nói có đàn bà thì lại có đầy đàn bà nhá. Câu chuyện tào lao trên chuyến xe lên tầng râm ran, mấy gã thợ lò cùng ca im thít khi thấy Thống rượu nói thế. Mỗi người một câu, ừ, hóa ra, mỗi con người đều là những thế giới riêng biệt, có những giá trị riêng biệt, đầy bí ẩn  sâu sa và cũng đầy sự nhạt nhẽo vô thưởng, vô phạt  mà cứ tưởng mình đang có cả tỷ thứ đáng giá vây quanh mình. 
Thợ lò ở mỏ Làng Bang đông lắm, nhưng những gã được “điểm danh” như Thống Rượu thì cũng...ít lắm. Gã chọn lối sống lập dị và cảm thấy rất hạnh phúc vì điều đó. Sau này nghe bảo gã chết cũng ...quái dị. Tuổi thợ lò chỉ năm mươi đã được nghỉ hưu, gã  cũng thế, khi đi làm thì còn cọ mồm, cọ miệng với đám thợ thuyền, rồi nhiều thứ xung quanh cuộc sống kéo theo nữa nên gã cũng thấy bình thường. Nhưng khi về hưu, một mình lọt thỏm giữa cái căn phòng ẩm mốc với toàn chai lọ ngâm rượu như thế, gã như bị đẩy tận cùng vào sự cô đơn. Một tuần sau không thấy gã ra khỏi nhà bà Hạng béo, người hay đưa rượu cho gã mới gõ cửa xem gã có trong nhà hay đi bù khú với bạn bè ở đâu. Nhưng bà Hạng gọi mãi gã không thưa, nên báo cho mấy hàng xóm phá cửa xem sao. Cảnh tượng đập vào mắt của mọi người là gã Thống rượu nằm co như con tôm trong một cái thùng nhựa, rượu đổ ngập người gã. Kinh hãi! Đó làlời của những người hàng xóm thốt lên khi nhìn thấy cảnh tượng này. Gã không để lại một mẩu thư từ,  hay gì gì đó, như những người tự tử hay làm. Xung quanh gã là những lọ rượu cũng im lìm như hình hài của gã. Nhưng nhìn gã nằm thu lu trong cái thùng rượu đủ thấy gã đã chọn cho mình một lối đi riêng, không giống ai. Và, có thể, gã rất bằng lòng với sự lựa chọn này. Nhưng dân mỏ Làng Bang lại đồn thổi, tại gã ở cái căn nhà có ám khí, một hồn cốt nào đó đã nụ ở đó cả trăm năm, ngàn năm đã lấy đi tuổi thanh xuân của gã, rồi đến khi về già cũng lấy nốt cuộc đời gã. Tóm lại, căn phòng của gã Thống rượu có ma. Bon trẻ con khu tập thể mỗi khi đi qua đây về đêm, đều ù té chạy. Hư thực lẫn lộn.

(còn nữa)
 
 
 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Quảng cáo
congnhan12345
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 3
Trong ngày: 75
Trong tuần: 782
Lượt truy cập: 379068

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH, NHÀ VĂN CẦM SƠN! RẤT NHIỀU BỨC ẢNH CỦA NGÀY HÔM ĐÓ ĐÃ CÙNG VỚI BÀI NÓI CỦA TÔI LÀM NÊN KHÔNG KHÍ TƯƠI VUI, HÀO HỨNG CỦA BUỔI RA MẮT SÁCH! CHÚC MỪNG NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CHÚC MỪNG TS NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC VỚI TẬP THƠ ĐỘC ĐÁO, IN ĐẸP!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÁI PHỤC BÀ MÂY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Thuộc loại "chuyện bây giờ mới kể" đây! Cám ơn tác giả! Mượn lời bà SUỐI để nói về bà MÂY: "Bái phục bà MÂY" ! Haiza!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN VÀ BAN BIÊN TẬP ĐÃ ĐĂNG BÀI VIẾT NHÂN DỊP NHÀ THƠ NGUYỄN HUY HOÀNG RA MẮT TUYỂN THƠ VÀ TRUYỆN KÍ TẠI HỘI TRƯỜNG HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM!

 

Cầm Sơn - 0913269931

Cũng cần cảm thông với ông Troussier. Nếu nói về thành tích trong quá khứ, ông Park Hang Seo không thể sánh với ông Troussier được. -Trong sự nghiệp huấn luyện đồ sộ của mình, giai đoạn thành công nhấ...

 
Xem toàn bộ
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0964 131 807
Email: soncam52@gmail.com
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công nhân.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông Chi hội Nhà văn Công nhân.